Brand Finance - Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới vừa công bố danh sách những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018. Trong bài viết này, Toplist sẽ giới thiệu đến bạn đọc 10 cái tên đang dẫn đầu trong danh sách nhé.
Mobifone
- Giá trị: 622 triệu USD
- Lĩnh vực: Viễn thông
Năm 2018 dù có nhiều khó khăn những Mobifone vẫn đạt được những kết quả nhất định và đang triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019. Mobifone hiện có 3.905 lao động, trong đó, 90% có trình độ đại học; 20% thạc sỹ với mức thu nhập bình quân 22,79 triệu đồng/tháng. Cụ thể, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của Mobifone ước đạt 25,7%, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra; nộp ngân sách ước đạt 5.403 tỷ đồng; doanh thu công ty mẹ hoàn thành 91,1% kế hoạch, đạt 36.906 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ hoàn thành 100% kế hoạch.
Về kế hoạch phát triển năm 2019, ông Bùi Sơn Nam – Phó Tổng giám đốc Mobifone đã nêu ra 6 mục tiêu lớn, cụ thể: Tiếp tục phát triển để duy trì là doanh nghiệp có quy mô lớn thứ 2 trên thị trường di động; tập trung phát triển thực chất, có chiều sâu và bền vững trên các lĩnh vực trụ cột, trong đó đặc biệt tập trung cho lĩnh vực di động, công nghệ thông tin và nội dung số; triển khai chuyển đổi số toàn diện, trở thành doanh nghiệp số hàng đầu Việt Nam; duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận, tăng năng suất lao động và thu nhập bình quân của người lao động; tập trung vào các hoạt động gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất và thúc đẩy hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Mobifone; lợi nhuận mục tiêu là hơn 6.000 tỷ đồng.
Nhấn mạnh tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đề nghị Mobifone tập trung một số vấn đề: Phối hợp cùng Vụ Công nghệ và Hạ tầng xử lý dứt điểm vụ AVG; xây dựng kế hoạch phát triển năm 2019 phải gắn với cổ phần hóa; chiến lược phát triển của Mobifone cần gắn với các doanh nghiệp khác cùng chức năng kinh doanh thuộc Ủy ban.
Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, "nhiệm vụ quan trọng của Mobifone trong thời gian tới là phải ổn định tổ chức và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nên lãnh đạo cần mạnh dạn, quyết liệt trong công tác cán bộ và sắp xếp lại cán bộ theo quy hoạch… luôn luôn phải có cán bộ phù hợp với nhu cầu phát triển của đơn vị”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nói.
Trong quý II năm 2019, MobiFone sẽ tiến hành thử nghiệm thế hệ mạng di động thứ 5 - 5G được tiến hành trước tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh. Theo thông tin từ nhà mạng, từ cuối tháng 9/2018 MobiFone đã đệ đơn lên Bộ TT&TT để xin thử nghiệm mạng 5G cùng với bước đi cũng viễn thông thế giới. Đối với lĩnh vực viễn thông thì hoạt động thử nghiệm này là rất quan trọng trước khi chính thức đưa vào sử dụng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho toàn ngành bởi đúng theo kế hoạch thì Việt Nam sẽ sử dụng mạng 5G cùng lúc với các nước trên thế giới mà không sợ bị bỏ lại phía sau.
VNPT
- Giá trị: 1,39 tỷ USD
- Lĩnh vực: Viễn thông
Trong năm qua, VNPT chính thức tổ chức triển khai Chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn 2030 (Chiến lược VNPT 4.0) với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số và trung tâm giao dịch số hàng đầu Việt Nam, cụ thể hóa 10 chương trình, 34 dự án chiến lược. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại tổ chức hoạt động theo Quyết định số 2129-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác cổ phần hóa công ty mẹ.
Với VNPT, nói về những mục tiêu, định hướng chiến lược của tập đoàn mình trong tiến trình chuyển đổi số chung của nền kinh tế Việt Nam, đại diện lãnh đạo VNPT cho hay, bên cạnh việc thực hiện chuyển đổi số tại chính doanh nghiệp mình, là một trong những doanh nghiệp chủ lực của đất nước trong lĩnh vực VT-CNTT, VNPT xác định thời gian tới phải nắm vai trò tiên phong, dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số của đất nước. VNPT sẽ tham gia vào chuyển đổi nền kinh tế số, vào các lĩnh vực Đô thị số, Chính quyền số, Doanh nghiệp số và Công dân số.
Ngoài việc tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới theo hướng thông minh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm CNTT sử dụng công nghệ 4.0 phục vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực: chính phủ điện tử, du lịch thông minh, y tế điện tử, giáo dục điện tử, nông nghiệp thông minh…, VNPT sẽ tập trung vào phát triển Hệ sinh thái số thông minh Innovative Digital Ecosystem (VNPT IDE), dựa trên các công nghệ 4.0 - là hạt nhân của chuyển đổi số.
Cụ thể, theo đại diện VNPT, trong năm 2019, VNPT IDE sẽ thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu gồm: Xây dựng các platforms trên nền tảng công nghệ 4.0 để không chỉ VNPT mà cả các bên thứ 3 có thể tập trung vào việc phát triển ứng dụng, kinh doanh trên đó, không cần bận tâm đến các công nghệ cụ thể ở tầng dưới, ví dụ như IoT Platform CSP của VNPT; chuyển giao tri thức các công nghệ mới một cách hệ thống và bài bản, cùng trang bị cơ sở vật chất đúng chuẩn thế giới, ví dụ VR/AR Lab của VNPT hợp tác với EON.
Sabeco
- Giá trị: 947 triệu USD
- Lĩnh vực: Nước giải khát
Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) vừa công bố BCTC hợp nhất năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đồng thuận giảm, tuy nhiên lãi ròng đạt được vẫn cao hơn so với kỳ vọng ĐHĐCĐ đưa ra. Phía Sabeco cho biết đây là kết quả từ công tác tiết giảm chi phí, đồng thời doanh thu tài chính tăng trưởng. Chi tiết, trong quý 4/2018, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ về 10.406 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán tăng khiến lợi nhuận gộp giảm 11%, chỉ còn 2.184 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận theo đó giảm từ mức 23,4% về còn 21%, nguyên nhân xuất phát từ việc giá các nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh.
Ngày 23/1/2019, tại Trung tâm Adora Hoàng Văn Thụ - TP.HCM, Tổng công ty CP Bia Rượu NGK Sài Gòn đã tổ chức Hội nghị khách hàng 2019 với sự tham gia của 10 Công ty CPTM Bia Sài Gòn cùng gần 700 nhà phân phối của Bia Sài Gòn trên toàn quốc. Ông Melvyn Ng – Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh và Ông Hoàng - Đạo Hiệp – Phó tổng giám đốc phụ trách Marketing đã cùng chia sẻ với khách hàng bức tranh toàn cảnh của Sabeco năm 2018 qua 02 bài phát biểu quan trọng của mình. Các vị lãnh đạo Sabeco cũng đã lắng nghe và giải đáp rõ ràng 1 số thắc mắc, phản hồi từ các nhà phân phối. Hội nghị cũng đã nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại cần khắc phục trong chính sách bán hàng, điều vận .v.v.. cũng như định rõ các định hướng cải cách và hoàn thiện trong hoạt động bán hàng để đạt những thành công hơn trong năm 2019.
VietinBank
- Giá trị: 381 triệu USD
- Lĩnh vực: Ngân hàng
Trong năm 2019, Vietinbank sẽ tập trung cải thiện hiệu quả hoạt động, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với quản lý tốt chất lượng tăng trưởng... Trong năm 2018, VietinBank đã chủ động, quyết liệt và linh hoạt điều hành, thực hiện có kết quả các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch Kinh doanh trung hạn giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, ngân hàng đã tăng trưởng hiệu quả và chất lượng so với năm 2017. Dư nợ bình quân tăng 17,6% với cơ cấu dư nợ chuyển dịch rất tích cực theo đồng tiền và kỳ hạn, quy mô tổng tài sản tăng 6,2%, dư nợ cho vay tăng 9,3%, tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10,6%. Hoạt động của Công ty con và Chi nhánh nước ngoài tăng trưởng mạnh với tổng lợi nhuận trước thuế tăng 27%.
Năm 2018, VietinBank là 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn SWIFT GPI, là ngân hàng trong nước đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet Banking cho giao dịch tài trợ thương mại (VietinBank Trade portal). VietinBank nhận được nhiều giải thưởng uy tín như “Giải Vàng chất lượng Quốc gia” do Thủ tướng Chính phủ trao tặng, giải thưởng “BEST IN CLASS” do Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương trao tặng.
Bên cạnh đó, VietinBank đã phát hành hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp, tái cấu trúc vốn tự có cấp 1 và cấp 2; đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị tài chính, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Viettel
- Giá trị: 2,8 tỷ USD
- Lĩnh vực: Viễn thông
Trong năm 2018, Viettel đã hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ, hệ sinh thái công nghệ và sẵn sàng trở thành nhà cung cấp dịch vụ số bên cạnh vai trò là nhà khai thác và cung cấp dịch vụ viễn thông đã được định vị trong suốt gần hai thập kỷ qua. Tính đến hết năm 2018, Viettel đạt tổng doanh thu hơn 234 nghìn tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu toàn ngành viễn thông Việt Nam; tổng lợi nhuận hợp nhất đạt 37,6 nghìn tỷ, chiếm hơn 70 % lợi nhuận toàn ngành, nộp ngân sách nhà nước 37 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 70% số tiền nộp ngân sách toàn ngành.
Năm 2018, Viettel tiếp tục là thương hiệu đứng số 1 về giá trị ở Việt Nam, nằm trong top 50 thương hiệu viễn thông giá trị lớn nhất thế giới, với mức định giá 2,8 tỷ USD - tăng 23,7% so với năm 2017. Năm 2018 đánh dấu nhiều dấu mốc quan trọng đối với Viettel khi được Chính phủ đổi tên thành Tập đoàn công nghiệp – viễn thông Quân đội và phê duyệt Phương án tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2020; công bố bước vào giai đoạn phát triển thứ 4: Giai đoạn của 4.0 và kinh doanh toàn cầu. Bước sang năm 2019, Viettel đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu 7,3% (hơn 251 nghìn tỷ đồng); lợi nhuận tăng 4,6% (hơn 39 nghìn tỷ đồng) so với năm ngoái. Viettel cũng dự kiến sẽ nộp 38.100 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong năm 2019.
Trong chiến lược giai đoạn 4 của mình, Viettel xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Trong đó tập trung vào các dự án 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh,… từ cấp trung ương đến cấp địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống. Viettel tiếp tục nâng cấp mạng 4G làm hạ tầng cho các dịch vụ số cơ bản và kết nối NB - IoT. Khi có tần số, sẽ triển khai sớm nhất thử nghiệm 5G trong quí 1 năm 2019, thử nghiệm về kỹ thuật, đồng thời xác định các mô hình kinh doanh băng rộng trên 5G. Sau 2020, Viettel sẽ triển khai mở rộng mạng 5G theo nhu cầu kinh doanh và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam.
Về mạng truyền dẫn, Viettel đã thực hiện ảo hóa các thiết bị mạng lõi, ảo hóa hạ tầng CNTT và chuyển đổi tất cả các ứng dụng CNTT lên nền tảng điện toán đám mây (cloud), triển khai hệ thống mạng lưới phân phối nội dung CDN đến cấp tỉnh trên toàn mạng, sẵn sàng cho hạ tầng Mobile Edge Computing của công nghệ 5G. Về hạ tầng dữ liệu, Viettel đã đầu tư 5 Data Center đúng chuẩn Tier 3 phổ biến của thế giới và tiến tới chuẩn Tier 4, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ IoT cùng lúc. Về CNTT, Viettel đã và đang triển khai xuyên suốt các hệ thống CNTT theo hướng thông minh hơn, tăng trải nghiệm khách hàng trên nền tảng các công nghệ mới như Bigdata, AI, VR… bao gồm các hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng, hệ thống ERP, hệ thống phân tích dữ liệu thông minh, hệ thống tri thức khách hàng... Về bảo mật thông tin, Viettel đã thành lập Công ty an ninh mạng theo đề án tái cơ cấu. Đây là đơn vị được giao trực tiếp nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể để đảm bảo bảo mật và an toàn thông tin, đáp ứng các thách thức của chuyển đổi số, bao gồm: Giải pháp bảo mật và an toàn thông tin tổng thể cho IoT và các phần mềm, ứng dụng CNTT; giải pháp giám sát an toàn thông tin thông minh trên Cloud, có thể triển khai với quy mô quốc gia, cho các tổ chức lớn; hệ thống tường lửa quốc gia để kiểm soát không gian mạng. Xây dựng các công cụ tự động phát hiện, cảnh báo tấn công; công cụ phòng thủ, phát động tấn công và tấn công trên không gian mạng.
Vinamilk
- Giá trị: 1,8 tỷ USD
- Lĩnh vực: Thực phẩm
Theo báo cáo tài chính 2017 được kiểm toán bởi KPMG, doanh thu bán hàng của Vinamilk được ghi nhận là 51.134 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế thu về là 10.278 tỉ đồng. Doanh thu bán hàng 9 tháng đầu năm 2018 của Vinamilk tiệm cận 39.610 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 7.920 tỉ đồng. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), Vinamilk thể hiện xu thế tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành sữa và nhiều khả năng tiếp tục dẫn đầu trong dài hạn. Do nắm thị phần chi phối trong ngành, Vinamilk được hưởng lợi không nhỏ với thực tế tăng trưởng ngành ngày càng mở rộng.
Ghi nhận 3 quý đầu năm 2018, tăng trưởng bán ra Vinamilk có đạt được, tuy doanh số nhập vào có giảm so với cùng kỳ nhưng chiều ngược lại bán ra tăng. Điều này được lý giải một phần bởi Vinamilk tăng được thị phần, một nguyên nhân khác nhiều khả năng xu hướng tiêu dùng đang trở lại. Đại diện Vinamilk cho rằng, tín hiệu tiêu dùng đã trở lại, hy vọng này mong sẽ kéo dài từ quý IV/2018 và tiếp tục phục hồi đến năm 2019.
Về triển vọng xuất khẩu, Trung Quốc đã soạn thảo xong nghị định thư cho phép 3 công ty Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, gồm: Vinamilk, TH Milk và Mộc Châu Milk. Theo dự kiến, văn bản chính thức có thể được ký vào tháng 4.2019 nhân chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Trung Quốc. Theo khuyến nghị của Maybank Kim Eng, chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên vào thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2019 và đóng góp khoảng 500 tỉ đồng vào doanh thu cả năm 2019 cho Vinamilk và có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Trung Quốc là thị trường khổng lồ với quy mô hơn 30 lần thị trường sữa Việt Nam và mỗi năm nhập khẩu khoảng 7-8% (về khối lượng) sản phẩm sữa với giá trị tương đương 3 tỉ USD. Từ sau sự kiện sữa nhiễm độc melamine, người dân Trung Quốc thể hiện cái nhìn quan ngại với sữa trong nước và thực tế chất lượng đàn bò cũng có vấn đề vì đồng cỏ bị ô nhiễm. Úc và New Zealand đang có thị phần lớn ở thị trường này. Tuy nhiên, Vinamilk vẫn có lợi thế nếu so sánh với những nhà xuất khẩu khác ở châu Á khi có vị trí địa lý gần gũi với quốc gia nhập khẩu.
VinaPhone
- Giá trị: 512 triệu USD
- Lĩnh vực: Viễn thông
Năm 2018, trong điều kiện khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp dịch vụ, cũng như nhu cầu đòi hỏi của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng ngày càng cao, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 2018 do Tập đoàn giao. Với sự nỗ lực không ngừng của 14.000 CBCNV Tổng công ty VNPT VinaPhone đã đạt được những thành quả, những thành tích đáng ghi nhận với những con số ấn tượng của năm 2018. Cụ thể, tổng lợi nhuận toàn Tổng Công ty VNPT VinaPhone năm 2018 đạt 1.550 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 18% so với thực hiện năm 2017. Doanh thu VT-CNTT (không gồm card payment) dự kiến 41.772 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch, tăng 5,6% so thực hiện năm 2017.
Năm 2018, Ban lãnh đạo VNPT VinaPhone đã điều hành Tổng công ty theo định hướng chiến lược VNPT4.0, thực hiện chiến lược tập trung đối với dịch vụ di động như phát triển data, gói tích hợp, nuôi dưỡng thuê bao, nâng cao ARPU, tăng cơ cấu doanh thu từ dịch vụ số ICT, định hướng nâng cao trải nghiệm khách hàng, hướng tới khách hàng doanh nghiệp như triển khai các gói tích hợp Gia đình, văn phòng data, xây dựng công cụ, chỉ tiêu để đo lường, trải nghiệm khách hàng, điều hành thử nghiệm các mô hình kinh doanh, khách hàng doanh nghiệp…Bên cạnh đó, công tác điều hành của VNPT VinaPhone cũng có nhiều chuyển biến tích cực như phân cấp, phân quyền mạnh, tạo cơ chế tích cực và cung cấp sản phẩm để các Trung tâm kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố chủ động cạnh tranh trên địa bàn.
Với những kết quả đã đạt được, VNPT VinaPhone cũng nhìn nhận những tồn tại của năm 2018 cần khắc phục, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt và sự chuyển biến nhanh của thị trường trong năm 2019. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được của năm 2018, với tinh thần cố gắng nỗ lực cao nhằm góp phần vào tăng trưởng và phát triển của Tập đoàn VNPT, mục tiêu phát triển tại Chiến lược VNPT4.0, VNPT VinaPhone đã đề ra hai kịch bản tăng trưởng doanh thu. Phương án cơ bản 45.766 tỷ đồng, tăng 9,3% so thực hiện năm 2018; phương án quyết tâm 46.586 tỷ đồng, tăng 11,2% so thực hiện năm 2018.
Tại Lễ tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của VNPT VinaPhone, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu và cố gắng của toàn thể Tổng Công ty trong năm 2018 để đạt được kết quả kể trên, và đóng góp cho thành công chung của Tập đoàn VNPT trong năm qua. Mặt khác, TGĐ Phạm Đức Long cũng đánh giá cao VNPT-VinaPhone khi nhìn thẳng vào những tồn tại trong điều hành của các ban tới các đơn vị trong năm 2018, cũng như đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2019. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đặt ra, TGĐ Phạm Đức Long cũng nhấn mạnh, Tổng Công ty VinaPhone cần phải nhanh nhạy và chuyên nghiệp hơn nữa trước những thay đổi của thị trường và sự thay đổi của chính sách quản lý nhà nước, phải tập trung vào triển khai dịch vụ CNTT, chuyển đổi số; hệ sinh thái số tương tác khách hàng; tăng trưởng khách hàng doanh nghiệp…
Vinhomes
- Giá trị: 1,182 tỷ USD
- Lĩnh vực: Bất động sản
Nếu như năm ngoái, Vingroup đưa Vincom Retail, doanh nghiệp chuyên quản lý, vận hành trung tâm thương mại lên sàn chứng khoán, thì năm vừa rồi sự chú ý đổ dồn về cái tên Vinhomes, đơn vị vận hành mảng bất động sản của Tập đoàn. Tháng 2/2018, CTCP Vinhomes chính thức được đổi tên từ CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội. Ngay sau đó, Vinhomes thực hiện các bước sáp nhập cùng hai doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát và CTCP Kinh doanh và Quản lý Bất động sản Vinhomes, tăng vốn điều lệ lên 28.365 tỉ đồng (gấp 14 lần so với ban đầu), sau đó điều chỉnh xuống còn 26.377 tỉ đồng. Các doanh nghiệp được sáp nhập đều nắm giữ các dự án bất động sản quan trọng của Tập đoàn như Times City hay Vinhomes Central Park…
Tại bản cáo bạch của mình, Vinhomes cho biết, năm 2018 sẽ là năm đầu tiên đánh dấu việc tái cấu trúc của Tập đoàn Vingroup theo hướng tập trung các hoạt động kinh doanh bất động sản của Tập đoàn tại CTCP Vinhomes. Vinhomes sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển, quản lý và vận hành các dự án bất động sản mang thương hiệu Vinhomes và VinCity. Vinhomes đặt kế hoạch doanh thu thuần 24.614 tỉ đồng và lãi sau thuế 5.461 tỉ đồng trong năm 2018; sang năm 2019 mục tiêu doanh thu tăng mạnh lên 80.338 tỉ đồng, lãi sau thuế tương ứng 20.803 tỉ đồng.
Sự kiện Vinhomes lên Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) lập tức tạo nên hàng loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Ngay trong phiên giao dịch thứ hai, Vinhomes đã lập kỷ lục giao dịch thỏa thuận với khối lượng 267,8 triệu cổ phiếu, giá trị 1,35 tỉ USD. Trước đó, quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore cho biết đầu tư 1,3 tỉ USD vào Vinhomes qua đó sở hữu 5,74% vốn điều lệ, ngoài ra còn cung cấp một khoản vay tài trợ các dự án. Ngày 22/5, Vinhomes chính thức soán ngôi công ty mẹ Vingroup để trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường (tương ứng 13,9 tỉ USD). Thời điểm này, thậm chí vốn hóa bộ ba cổ phiếu họ Vingroup gồm VIC, VHM, VRE còn vượt cả vốn hóa thị trường nhóm ngân hàng niêm yết, và tương đương hơn 1/5 vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tính đến tháng 8/2018, bất động sản Vinhomes đã hoàn thành tổng cộng 7 dự án, mở bán 11 dự án, 26 dự án trong kế hoạch triển khai. Lũy kế giai đoạn từ 2010 đến 2018, khoảng 51.000 sản phẩm bất động sản được giao dịch thành công. Doanh thu 9 tháng đầu năm của Vinhomes đạt 22.405 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 11.887 tỉ đồng. Mảng bất động sản vẫn là nhân tố chính đóng góp khoảng 65% tổng doanh thu toàn Tập đoàn Vingroup, đồng thời giúp gánh các khoản lỗ từ các mảng kinh doanh khác mới đi vào hoạt động. Giá trị hàng tồn kho của Vinhomes tính đến 30/9 đạt 38.392 tỉ đồng chủ yếu gồm các chi phí xây dựng, phát triển các dự án văn phòng, trường học, khách sạn, trung tâm thương mại thuộc các dự án Vinhomes Green Bay, Vinhomes Metrololis, Vinhomes Golden River, VinCity Gia Lâm, VinCity Park, Vinhomes Cetral Park... Khoản mục chi phí xây dựng dở dang 19.830 tỉ đồng chủ yếu đến từ các dự án Khu đô thị Cần Giờ, sân golf Leman, Vinhomes Kỳ Hòa, VinCity Sportia...
BIDV
- Giá trị: 304 triệu USD
- Lĩnh vực: Ngân hàng
Tăng vốn là nhu cầu cấp bách của BIDV trong năm 2019, do đó dự kiến sau khi có thể hoàn tất thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược vào nửa đầu năm 2019, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng vốn cấp 2. Ước tính hệ số CAR sẽ tăng từ 9% lên 13%. Theo dự báo của HSC, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) sẽ sớm thực hiện huy động vốn mới từ thị trường sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược là KEB Hana Bank trong nửa đầu năm 2019 sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về mặt nguyên tắc vào tháng 10/2018.
Sau khi hoàn tất, vốn cấp 1 của BIDV có thể tăng khoảng 30%, tương đương 18 nghìn tỉ đồng với giả định là BIDV sẽ bán riêng lẻ 15% cổ phần trên vốn sau phát hành tại thị giá hiện tại là 30.000 đồng/cp. Sau đó, ngân hàng sẽ có thêm 9.000 tỉ đồng dư địa huy động vốn cấp 2. Khi đó, hệ số CAR theo Basel I sẽ tăng đáng kể từ 9% hiện nay lên 13%.
Cùng với đó, HSC cho rằng BIDV sẽ được NHNN giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 14% sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ để tăng vốn. Cho vay khách hàng dự kiến tăng trưởng khoảng 15,4%, tiền gửi khách hàng ước tăng 15%. Tỉ lệ nợ xấu dự báo ở mức 1,69% vào cuối năm 2019. Với những giả định này, HSC dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2019 của BIDV đạt 10.642 tỉ đồng, tăng 12,4% so với năm 2018.
Vietnam Airlines
- Giá trị: 416 triệu USD
- Lĩnh vực: Hàng không
Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa cho biết, 2018 là năm đầu tiên công ty đạt tổng doanh thu hợp nhất vượt mức hơn 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.800 tỷ, tăng 15% so với kế hoạch. Trong đó, công ty mẹ ước đạt 73.500 tỷ đồng doanh thu và 2.012 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 102,7% kế hoạch năm. Tổng số nộp ngân sách hợp nhất năm 2018 gần 6.600 tỷ đồng.
Như vậy, tỷ suất lợi nhuận hoạt động (Operating Profit Margin) của hãng này đạt 4,38%. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) xuống dưới 3 lần, thấp hơn thời điểm đầu năm 2018. Năm qua, Vietnam Airlines thực hiện an toàn gần 142.000 chuyến bay, vận chuyển 22 triệu lượt khách và gần 350.000 tấn hàng hóa. Chỉ số đúng giờ (OTP) đạt ở mức 90%.
Tính đến nay, hãng đang có đội bay gồm 91 chiếc. Trong đó, có 12 chiếc A350-900 và 11 chiếc Boeing 787-9; hai chiếc A330-200, 2 chiếc A321neo, 58 chiếc A321-200 và 6 chiếc ATR72-500. Dự kiến 2019, hãng sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan đến quá trình cổ phần hóa, tăng vốn điều lệ và chuyển sàn niêm yết chứng khoán HOSE.