Dưới đây là một số tin tức Kinh doanh được Toplist tổng hợp và cập nhật đến quý bạn đọc. Mong rằng những thông tin được tổng hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bạn.
VNDirect đã bán xong gần 6 triệu cổ phiếu quỹ, thu về 473 tỷ đồng (26/11/2021)
Ngày 26/11/2021, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã VND) vừa thông báo đã bán xong 5,9 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 11/11 đến ngày 25/11 như đã đăng ký trước đó. Sau giao dịch này, số lượng cổ phiếu quỹ của VND chỉ còn 81 cổ phiếu. Với mức giá giao dịch bình quân 74.939 đồng/cổ phiếu, công ty chứng khoán này đã thu về khoảng 473 tỷ đồng sau thương vụ bán cổ phiếu quỹ này.
Trên thị trường, cổ phiếu VND có chuỗi tăng nóng 62% lên mức đỉnh lịch sử khi chạm mốc 81,400 đồng/cổ phiếu vào phiên 24/11. Chốt phiên 26/11, cổ phiếu này đã điều chỉnh về mức 78.000 đồng/cổ phiếu, giảm 3,8% so với phiên trước đó.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đà tăng nóng bỏng của giá cổ phiếu đến từ "game tăng vốn" của doanh nghiệp. Cụ thể, VND mới đây cũng công bố việc phát hành thêm chào bán 435 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn lên gấp đôi. Bên cạnh đó, VND còn dự kiến phát hành ra gần 348 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 80% - cổ đông sở hữu mỗi 10 cổ phiếu được quyền nhận 8 cổ phiếu phát hành thêm).
Nếu các phương án phát hành được hoàn tất trọn vẹn, vốn điều lệ của VND có thể đạt 12.000 tỷ đồng.
Sunshine Homes tính huy động thêm 1.250 tỷ vốn cổ phần (1/12/2021)
CTCP Phát triển Sunshine Homes (Mã: SSH) vừa công bố phương án chào bán 125 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Theo tính toán của công ty, giá trị sổ sách tại ngày cuối năm 2020 là 9.329 đồng/cp. Chốt phiên 1/12, cổ phiếu SSH tăng kịch trần lên 142.400 đồng/cp.
Tỷ lệ phát hành là 2:1 (tức sở hữu cứ 200 cp sẽ được quyền mua 100 cp mới). Ngày đăng ký cuối cùng là 13/12, tương ứng ngày giao dịch không quyền là 10/12. Với mức giá này, ước tính Sunshine Homes sẽ thu về số tiền 1.250 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau đó sẽ tăng từ 2.500 tỷ đồng lên 3.750 tỷ đồng.
Số vốn thu được nhằm bổ sung vốn lưu động và nhận chuyển nhượng cổ phần từ CTCP Đầu tư Xây dựng Xuân La. Hiện Đầu tư Xuân La đang là chủ đầu tư dự án khu chức năng đô thị Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với quy mô hơn 13.000 m2. Tổng mức đầu tư dự án này hơn 1.300 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Sunshine Homes đạt 1.228 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 291 tỷ, lần lượt tăng 4,7 lần và gấp 58 lần cùng kỳ. Với kết quả này, công ty họ Sunshine đã thực hiện 61% kế hoạch doanh thu thuần và 97% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
Thời gian gần đây, Sunshine Homes liên tục tìm kiếm và mở rộng quỹ đất từ Bắc vào Nam. Đồng thời bắt tay với các tập đoàn quốc tế đầu tư dự án mới.
Hàng loạt thương hiệu lớn đồng loạt giảm giá trước thềm Black Friday (24/11/2021)
Black Friday năm nay rơi vào ngày 26/11, như thường lệ một số cửa hàng, thương hiệu lớn đã "rục rịch" giảm giá trước để thu hút khách hàng. Dọc các tuyến phố thời trang lớn ở Hà Nội như Chùa Bộc, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy... các biển quảng cáo giảm giá đã giăng kín vỉa hè với mức giảm giá 50-70%.
Đáng chú ý, một số thương hiệu thời trang lớn cũng triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu nhiều mặt hàng từ nhiều ngày trước. Nếu như năm 2020, trước Black Friday 1 ngày, H&M chưa có dấu hiệu chạy chương trình khuyến mãi thì năm nay, thương hiệu thời trang này đã thông báo bắt đầu chương trình khuyến mãi Black Friday từ 24/11 với nhiều sản phẩm thời trang có ưu đãi đến 50%.
Tương tự, Adidas cũng thông báo giảm giá toàn bộ sản phẩm trong cửa hàng từ 20-30%. Đại diện cửa hàng này cho biết đã khởi động chương trình khuyến mãi Black Friday từ 3 ngày trước và sẽ kéo dài đến 28/11. Trong khi đó, Uniqlo cũng khởi động chương trình khuyến mãi Ngày hội mua sắm Black Friday từ 20/11 ở cả kênh mua hàng online và offline, đa số mức giảm từ 100.000-300.000 đồng/sản phẩm.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 trên địa bàn Hà Nội, không khí mua sắm tại các gian hàng này vẫn khá trầm lắng.
Giá cà phê ngày 1/12/2021 tại thị trường thế giới biến động trái chiều (1/12/2021)
Giá cà phê ngày 1/12/2021 tại thị trường thế giới biến động trái chiều. Trong nước, giá cà phê duy trì mức giao dịch quanh ngưỡng 40.000 - 40.800 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng 2 USD, lên 2.260 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng 3 USD, lên 2.200 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 0,70 cent, xuống 233,3 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 0,65 cent, còn 231,65 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trungbình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên không thay đổi, vẫn dao dộng trong khung 41.200 – 41.700 đồng/kg.
Thị trường cà phê thế giới được các nhà quan sát thị trường nhận định sẽ tăng trong ngắn hạn. Bởi cấu trúc giá nghịch đảo vẫn được duy trì và những hạn chế trong chuỗi cung ứng chưa thể tháo gỡ.
Hiện, nguồn cung cà phê Arabica đang bị thắt chặt do xuất khẩu từ Brazil bị chậm trễ, một phần do thiếu năng lực vận chuyển container.
Ngoài ra, thị trường cà phê đang chịu ảnh hưởng từ lo ngại về biến thể Omicron, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và hạn chế nhu cầu về cà phê.
Tại thị trường trong nước không có biến động mới so với hôm qua, giao dịch trong khoảng 40.000 - 40.800 đồng/kg
Giá dầu mỏ tăng mạnh trên thị trường châu Âu (1/12/2021)
Trong phiên giao dịch chiều 1/12, giá dầu Brent ở thị trường châu Âu đã tăng mạnh trở lại, vài ngày sau khi giảm sâu do tác động của thông tin xuất hiện biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Giá dầu Brent đã tăng 5%, lên 72,7 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI cũng tăng 4,7%, lên 69,32 USD/thùng.
Trước đó, thông tin về sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đã khiến giá dầu thô trong phiên giao dịch ngày 26/11 giảm hơn 10%, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 4/2020, làm gia tăng nguy cơ biến động của nguồn cung trong quý I/2022.
Trước những diễn biến mới, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tiến hành họp trong ngày 1/12. Trước thềm cuộc họp của OPEC, Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar bày tỏ hy vọng tổ chức này sẽ nhất trí duy trì chính sách về sản lượng hiện nay trong ngắn hạn.
Trong khi đó, OPEC+ đã lên kế hoạch họp ủy ban kỹ thuật hỗn hợp vào ngày 29/11, sau đó quyết định lùi ngày họp sang ngày 2/12 để có thời gian đánh giá tác động của biến thể Omicron đối với nhu cầu và giá dầu mỏ.
Giảm 50% lệ phí trước bạ, giá xe 'nội' lăn bánh giảm theo đến 300 triệu đồng (1/12/2021)
Kể từ ngày 1/12/2021 mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50%, tương ứng với mức giảm từ hơn 15 triệu đến trên 298 triệu đồng. Đây được coi như cú huých giúp thị trường ô tô tăng trưởng trong 6 tháng tới.
Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh dịch COVID-19.
Theo đó, kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định hiện hành.
Kể từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện như cũ; trong đó ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có mức nộp lệ phí trước bạ lần đầu là 10% đến 12% áp dụng theo khung giá quy định tính phí trước bạ của Bộ Tài chính.
Như vậy, đây là lần thứ hai trong 2 năm qua, lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn và kích thích tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Bưởi đỏ vẽ thư pháp sẽ có giá hơn 1 triệu đồng dịp Tết nguyên đán năm nay (24/11/2021)
Mỗi quả bưởi đỏ vẽ họa tiết thư pháp cho Tết Nguyên đán năm nay sẽ có giá hơn một triệu đồng, tăng 20% so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Tiến Hải, chủ vựa thu mua và canh tác bưởi đỏ ở Thanh Hóa cho biết, năm nay sẽ bán ra thị trường vài chục nghìn quả bưởi đỏ, trong đó, khoảng 15.000 quả được vận chuyển vào Nam. Theo tính toán của ông Hải, nếu cộng các loại chi phí, giá bán lẻ một trái bưởi loại 1 nặng trên 2 kg có vẽ thư pháp tại TP. HCM sẽ lên đến 1-1,2 triệu đồng, tăng 20% so với năm ngoái. Cũng theo các chủ vườn, bưởi đỏ (chưa vẽ hoạ tiết thư pháp) năm nay trái tròn và đẹp hơn mọi năm nhưng giá không tăng. Hiện giá bán tại các vườn dao động 100.000 - 150.000 đồng mỗi quả tùy loại. Riêng loại 1 có giá bán lên đến 200.000 - 300.000 đồng mỗi quả.
Bưởi đỏ có nguồn gốc từ làng Luận Văn (Thọ Xương, Thọ Xuân, Thanh Hoá). Theo người dân địa phương, đây là giống bưởi được dâng vua thời hậu Lê. Giống bưởi này có màu đỏ tươi từ trong ra ngoài, mùi thơm dịu. Trái bưởi đỏ khi nhỏ cũng có màu xanh như các giống bưởi khác, nhưng khi già chuyển dần sang màu vàng và đến lúc chín đổi hẳn sang màu đỏ như quả gấc. Trọng lượng mỗi quả dao động từ 800 gram đến 2,6 kg. Chúng có thể chưng Tết từ 2 - 4 tháng (tùy cách bảo quản). Đây là giống bưởi khó trồng nên phải có kỹ thuật mới tạo ra sản phẩm đẹp, đồng đều và ít bị sâu bệnh.
Hà Nội: Mua sắm hàng giảm giá trong đêm trước ngày Black Friday (25/11/2021)
Tối 25/11/2021, nhiều cửa hàng và TTTM ở Hà Nội áp dụng chính sách giảm giá sớm trước Black Friday một ngày đã thu hút khá đông khách. Cụ thể vào 18h30 tối 25/11/2021, vỉa hè trước các cửa hàng thời trang trên phố Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chật cứng xe máy của khách. Nhiều người tranh thủ mua sắm khi hàng loạt cửa hàng bắt đầu bán giảm giá nhân ngày Black Friday.
Trong khi đó tại phố Chùa Bộc, nhiều cửa hàng cũng trong tình trạng đông đúc, xe máy để kín vỉa hè. Bên trong những cửa hàng bán giày dép, rất đông khách hàng tới lựa chọn sản phẩm. Bên trong các cửa hàng thời trang, khách hàng chủ yếu là phái nữ với nhu cầu mua sắm, làm đẹp cao.
Tuy nhiên so với mùa Black Friday năm ngoái, lượng khách mua sắm năm nay có giảm hơn. Về phía khách hàng, năm nay mức độ và cường độ sale được các “thượng đế” đánh giá là “vô đối” từ trước tới giờ. Chị Nguyễn Thị Trang (Quận Ba Đình) cho biết, gia đình đã quen mua đồ từ 4-5 năm nay vào mỗi dịp Black Friday. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có hiện tượng sale đậm đến vậy.
Đến 21h tối 25/11/2021, lượng khách tới mua sắm tại nhiều cửa hàng, TTTM ở Hà Nội vẫn tiếp tục tăng.
Giá vàng hôm nay 2/12: Bất ổn trong mối đe doạ mới bao trùm (2/12/2021)
Giá vàng hôm nay 2/12 trên thị trường quốc tế tiếp tục biến động mạnh trong bối cảnh thế giới vẫn khó lường về biến chủng virus Omicron.
Giá vàng trong nước: Kết thúc phiên giao dịch 1/12, giá vàng 9999 trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
- Doji Hà Nội: 59,85 triệu đồng/lượng - 60,45 triệu đồng/lượng
- SJC Hà Nội: 59,95 triệu đồng/lượng - 60,67 triệu đồng/lượng
- Doji TP.HCM: 59,70 triệu đồng/lượng - 60,60 triệu đồng/lượng
- SJC TP.HCM: 59,95 triệu đồng/lượng - 60,67 triệu đồng/lượng
Giá vàng quốc tế: Đêm 1/12 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.786 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.787 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 1/12 thấp hơn khoảng 5,8% (109 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 50,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 10,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 1/12.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục biến động mạnh trong bối cảnh thế giới vẫn khó lường về biến chủng virus Omicron.
Vàng chịu áp lực giảm sau phiên điều trần của ông Powell trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ. Chủ tịch Fed nói rằng ngân hàng trung ương này sẽ cân nhắc việc đẩy nhanh tốc độ cắt giảm chương trình mua tài sản, và ông cũng ngừng sử dụng từ “tạm thời” để miêu tả về lạm phát ở Mỹ.
Kon Tum sắp có khu chăn nuôi trị giá triệu đô (29/11/2021)
Chiều 29/11/2021, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức hội nghị ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus (Hà Lan).
Tham dự hội nghị có đại diện Bộ NN-PTNT, đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum, đại diện Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus. Tại buổi làm việc, nhà đầu tư đã trình bày trước lãnh đạo tỉnh Kon Tum về dự án “Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Kon Tum", do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư.
Theo đó, 2 tập đoàn này sẽ đầu tư và xây dựng một khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín. Với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 65 triệu USD, dự án sẽ có quy mô khoảng trên 200 ha bao gồm các hạng mục, khu tổ hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm; nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn châu Âu; khu canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hữu cơ…
Việt Nam có gian hàng quốc gia trên sàn thương mại điện tử Trung Quốc (30/11/2021)
Các sản phẩm của doanh nghiệp Việt sẽ được bán cho thị trường Trung Quốc thông qua sàn thương mại JD.com. Thông tin này được ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết tại họp báo ngày 30/11/2021.
Theo ông Hải, việc Việt Nam có gian hàng quốc gia tại một sàn thương mại điện tử nước ngoài nhằm tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp Việt và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi kinh doanh tại thị trường nước sở tại.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng hàng đầu của hàng Việt và là thị trường thương mại điện tử phát triển, quy mô lớn hàng đầu khu vực. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 50 tỷ USD sang thị trường này. Tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây. Theo số liệu của Trung Quốc, nước này nhập khẩu từ thị trường nước ngoài qua kênh thương mại điện tử khoảng 570 tỷ NDT vào năm 2020, tăng 16,5%.
JD.com là một trong số sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc với doanh thu gần 31,6 tỷ USD trong quý đầu tiên năm 2021, tăng 39% so với cùng kỳ. Sàn thương mại điện tử này có mô hình đa dạng, từ cửa hàng tiện lợi, siêu thị tới sàn thương mại điện tử; cùng hàng chục nghìn kho bãi trải rộng khắp Trung Quốc.
Công bố quyết định thành lập Hội đồng Doanh nghiệp 4.0 Việt Nam (28/11/2021)
Ngày 28/11/2021, Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á đã công bố thành lập Hội đồng Doanh nghiệp 4.0 Việt Nam.
Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam được thành lập với mục tiêu tập hợp, kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ cùng các cá nhân, tập thể đa ngành nghề, đa thành phần trong nước và quốc tế vào một tổ chức xã hội tự nguyện có đầy đủ tư cách pháp nhân, hoạt động hiệu quả, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, không chỉ đáp ứng xu thế mà còn xuất phát từ thực tế. Bởi, đại dịch Covid-19 tiếp tục làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với 60% tổng số doanh nghiệp phá sản. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các cơ quan nghiên cứu, đặc biệt là các doanh nhân, doanh nghiệp cần mạnh dạn đổi mới tư duy, hành động, sáng tạo cái mới, từ bỏ cái cũ không phù hợp.
Được sự thông qua và chỉ đạo thực hiện Hội sẽ tiên phong trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Phát động "Tháng khuyến mại" lớn nhất trong năm (1/12/2021)
Sáng 1/12/2021, Bộ Công Thương tổ chức phát động “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 - Vietnam Grand Sale 2021”. Chương trình khuyến mại lớn nhất trong năm lần này sẽ diễn ra từ 1/12/2021 đến 1/1/2022.Vietnam Grand Sale 2021 sẽ được tổ chức đồng thời trên toàn quốc, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử tạo sức lan toả và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên mọi lĩnh vực.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh để chương trình đạt hiệu quả cao nhất, Bộ Công Thương đề nghị các hiệp hội, ngành hàng, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, thương nhân, cá nhân có liên quan hưởng ứng Vietnam Grand Sale 2021.
"Với sự hưởng ứng của các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, nhất là từ hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam, Vietnam Grand Sale 2021 được kỳ vọng là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên cả nước, giúp các doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Trước đó, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia lần đầu tiên được tổ chức trong tháng 7/2020 đã thu hút được đông đảo sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp với hơn 27.450 chương trình khuyến mại giảm giá tập trung vào các ngành hàng: may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử, viễn thông… thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thẻ ATM từ tiếp tục được lưu hành và rút tiền sau 31/12/2021 (30/11/2021)
Ngày 30/11/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản số 8458/NHNN - TT về việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Theo đó, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, ngăn ngừa, hạn chế các thiệt hại có thể phát sinh trong quá trình cung ứng, sử dụng dịch vụ thẻ, NHNN đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 của NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư số 41), trong đó quy định lộ trình chuyển đổi sang công nghệ chip đối với thiết bị chấp nhận thẻ đang hoạt động tại Việt Nam và các thẻ từ nội địa đang lưu hành do các tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) tại Việt Nam phát hành.
Như vậy, để đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi sang thẻ chip nội địa, Thông tư số 19 (đã được sửa đổi bổ sung) quy định trách nhiệm của tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) trong thực hiện lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ nội địa sang thẻ chip nội địa đang lưu hành và dừng phát hành thẻ từ nội địa sau thời điểm 31/3/2021, không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành (thẻ còn đang thời hạn sử dụng) do các TCPHT tại Việt Nam phát hành; đồng thời quy định trách nhiệm các tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) trong thực hiện lộ trình chuyển đổi ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS) đang hoạt động tại Việt Nam tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, không có quy định về việc từ chối chấp nhận giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành.
Giá xăng dầu tại Việt Nam dự kiến giảm (25/11/2021)
Giá xăng ngày 25/11 dự kiến giảm theo xu hướng thế giới. Theo tính toán, xăng E5 RON 92 trong nước có thể giảm 1.080 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 1.190 đồng/lít. Trong khi đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel có khả năng giảm 330 đồng/lít; dầu hỏa giảm 500 đồng/lít và dầu mazut giảm 280 đồng/kg.
Hiện tại, giá bán lẻ mặt hàng xăng trên thị trường đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua và chỉ còn kém đỉnh lịch sử vào ngày 7/7/2014, với xăng E5 RON 92 là 23.669 đồng/lít, với xăng RON 95 là 24.996 đồng/lít. Trong vòng một năm qua, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 9.784 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 10.295 đồng/lít.
Trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh. Còn nếu giá cơ sở tăng trên 10%, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành dựa trên báo cáo của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, công thức tính giá cơ sở mới cũng sẽ dựa trên giá và tỷ trọng của cả nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu, chứ không còn chỉ phụ thuộc vào giá thế giới.
Vietnam Airlines lỗ tiếp gần 3.400 tỷ trong quý 3 (26/11/2021)
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 vào ngày 26/11/2021 với doanh thu đạt 4.735 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ.
Doanh thu chỉ bằng hơn 60% giá vốn dẫn đến Vietnam Airlines bị lỗ gộp hơn 3.000 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí khác, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 3.460 tỷ đồng, phần lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là -3.369 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, công ty cũng lỗ ròng 2.932 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt hơn 18.700 tỷ đồng doanh thu, giảm đáng kể so với mức 32.410 tỷ đồng của cùng kỳ. Lỗ ròng 9 tháng là 11.827 tỷ đồng, tăng lỗ hơn 3.700 tỷ so với mức 8.076 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2020.
Tính đến cuối quý 3, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến 21.200 tỷ đồng. Mặc dù hãng đã hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên 22.144 tỷ đồng nhưng hiện vốn chủ sở hữu cũng chỉ còn 1.475 tỷ đồng.
Như vậy Vietnam Airlines vẫn rất cận kề nguy cơ bị hủy niêm yết nếu xảy ra 1 trong 2 trường hợp sau khi có báo cáo kiểm toán năm 2021 là lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hoặc âm vốn chủ sở hữu. Điều này sẽ không xảy ra nếu mức lỗ của quý 4 dưới 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra nếu năm 2022 Vietnam Airlines vẫn không thể có lãi thì sẽ có 3 năm lỗ liên tiếp và đây cũng là 1 trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.
Đã xong thủ tục để xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng được quy định mới (28/11/2021)
Chiều 28/11/2021, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết: Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc chính thức áp dụng Lệnh 248 (Quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm) và Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu).
Để đáp ứng các quy định mới này, Văn phòng SPS đã hỗ trợ tổng hợp cho 156 doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc với Cục Bảo vệ thực vật; 92 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đăng ký bổ sung với Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; 88 doanh nghiệp đăng ký với Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, từ 1/11/2021 có nhiều doanh nghiệp đăng ký trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đến 31/12/2021, Văn phòng SPS sẽ tập hợp số liệu.
Với mục tiêu không làm gián đoạn thương mại giữa các thành viên ASEAN – Trung Quốc, trong quá trình thực hiện 2 Lệnh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ xem xét tình hình thương mại nông sản của hai bên để sắp xếp hợp lý. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đề nghị các bên liên quan hoàn thiện việc đăng ký doanh nghiệp trước ngày 31/12/2021.
Doanh nghiệp Australia mong muốn tăng cường đầu tư vào Việt Nam (29/11/2021)
Hội đồng Kinh doanh Nam Australia-Việt Nam ngày 29/11/2021 đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam, nhằm giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp Australia các cơ hội và tiềm năng giao thương với Việt Nam cũng như thúc đẩy đầu tư song phương. Diễn đàn được tổ chức tại thành phố Adelaide thuộc bang Nam Australia.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Nam Australia và bang Queensland Nguyễn Đăng Thắng một lần nữa nhấn mạnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia đang ngày càng gắn kết chặt chẽ, bao trùm trên nhiều khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội.
Tổng lãnh sự Nguyễn Đăng Thắng chia sẻ, ngay trong thời điểm khó khăn của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Australia vẫn tiếp tục tăng trưởng. Điều này thể hiện qua con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt kỷ lục 14 tỷ AUD (10 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1-10/2021, tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm trước.
Về lĩnh vực đầu tư, Tổng lãnh sự Nguyễn Đăng Thắng nhận định giá trị đầu tư hai chiều Việt Nam và Australia đã gia tăng đáng kể, hiện đạt khoảng 2,5 tỷ USD (3,5 tỷ AUD). Trong đó, vốn đầu tư từ Australia vào Việt Nam chiếm khoảng 75%, đạt mức cao nhất từ trước đến nay và Australia cũng đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 19 của Việt Nam.
Trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước, Tổng lãnh sự khẳng định sẽ hỗ trợ Hội đồng kinh doanh Nam Australia-Việt Nam và các doanh nghiệp Australia mong muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam. Các đại biểu tham dự diễn đàn hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng lãnh sự Nguyễn Đăng Thắng. Tất cả đều tin tưởng rằng Việt Nam đang là một trong những thị trường tiềm năng nhất để đầu tư và giao thương.
Kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế, phục hồi kinh tế (2/12/2021)
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa diễn ra ngày 2/12/2021, đại diện các Bộ ngành đã thông tin về một số vấn đề liên quan đến việc mở lại đường bay thương mại quốc tế, đồng thời thông tin về chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Tại buổi buổi họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc mở các mở đường bay là nhu cầu thực tế, khách quan trong đại dịch này. Không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia khác cũng đang xem xét mở lại chuyến bay quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội, giao thương cũng như đi lại của kiều bào trong dịp Tết.
"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 8/11, trong đó đưa ra các quốc gia dự kiến, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có nhiều kết nối với chúng ta thì có 10 quốc gia khác và phân ra làm 3 giai đoạn khác nhau với lộ trình, tần suất và các biện pháp phòng chống dịch kèm theo đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách và đánh giá theo cầu của các thị trường đó" - Thứ trưởng nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch… để hoàn thành kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ quyết định".
Thứ trưởng cũng cho biết, quyết định này trên cơ sở có điều kiện. Điều kiện mở chuyến bay phải xem xét các yếu tố như khả năng phòng chống dịch; tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân để miễn dịch cộng đồng; quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận của các quốc gia, đồng thuận về phương thức kiểm dịch của các quốc gia mà Việt Nam kết nối. Hộ chiếu vaccine là công cụ để mở chuyến bay cũng như các biện pháp hành chính khác
Dược phẩm Pharbaco (PBC): Công ty của Phó tổng giám đốc muốn thoái toàn bộ hơn 12% vốn (2/12/2021)
CTCP Sài Gòn Pharma đăng ký bán toàn bộ hơn 10,88 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 12,09% vốn tại CTCP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco, nhằm bổ sung vốn kinh doanh. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, dự kiến từ ngày 3/12 đến ngày 31/12/2021. Nếu giao dịch thành công, tổ chức này sẽ giảm sở hữu tại PBC về 0% và không còn là cổ đông lớn của Dược phẩm Pharbaco.
Được biết, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Pharma, đang là Phó tổng giám đốc, Ủy viên HĐQT Dược phẩm Pharbaco. Hiện ông Quang nắm giữ 0 cổ phiếu PBC.
Trên thị trường, trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu PBC thường biến động khá mạnh trong phiên và phiên sáng nay ngày 2/12 cũng không ngoại trừ. Sau cú dốc dốc nằm sàn vào đầu phiên, cổ phiếu PBC đã đảo chiều hồi phục và chốt phiên sáng nay tại mức giá trần 16.900 đồng/CP.
Thanh khoản của PBC cũng cải thiện mạnh với khối lượng giao dịch trong phiên sáng nay đạt gần nửa triệu đơn vị, gấp hơn 4 lần mức thanh khoản của cả phiên tính trung bình 10 phiên giao dịch gần đây.
Về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý III/2021, Dược phẩm Pharbaco ghi nhận doanh thu 190,36 tỷ đồng, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hơn 6,96 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ vỏn vẹn 4 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng 2021, Công ty đạt hơn 666 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 32%; lợi nhuận sau thuế đạt 33,39 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với 9 tháng năm 2020.
So với kế hoạch năm 2021 đề ra là doanh thu 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10 tỷ đồng, 9 tháng, Dược phẩm Pharbaco đã vượt hơn 230% mục tiêu lợi nhuận.
Dệt may TNG vượt 4% kế hoạch doanh thu sau 11 tháng (2/12/2021)
Sáng 2/12, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cho biết, tháng 11, Công ty đạt 435,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 119 tỷ đồng, tương đương tăng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 11 tháng, Công ty đạt 4.977,6 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 104% kế hoạch năm. Như vậy so với cùng kỳ, Công ty đạt mức tăng trưởng 18%.
TNG cho hay đã nhận được nhiều đơn hàng chuyển dịch từ các quốc gia và các tỉnh vùng dịch. Đặc biệt, nhu cầu mua hàng trở lại của các hãng thời trang sau thời gian giãn cách.
Trong nửa cuối năm, TNG liên tục đưa các dự án mới vào hoạt động như dây chuyền bông số 3, dự án sản xuất lều, dự án sản xuất găng tay… với tổng giá trị đầu tư 478 tỷ đồng. Việc công ty liên tục mở rộng các nhà máy và tăng chuyền may là nhằm đáp ứng xu hướng đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh.
TNG đã cơ bản hoàn thành việc phân giao kế hoạch 2022 cho các nhà máy, chi nhánh, với doanh thu may 6.421 tỷ đồng, tính cả doanh thu bất động sản mục tiêu đặt ra là 7.443 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 498 tỷ đồng.
Giảm 50% phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước từ 1/12 (26/11/2021)
Hôm nay (26/11/2021), Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa uỷ quyền Thủ tướng đã ký Nghị định 103 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Theo đó, từ 1/12/2021 năm nay đến 31/5/2022, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ô tô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%. Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ.
Hiện lệ phí trước bạ xe con được tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Chẳng hạn, mức phí trước bạ lần đầu với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con.
Đây là lần thứ 2 trong 2 năm qua, lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa. Động thái này được cho sẽ kích cầu tiêu dùng thị trường ô tô trong nước. Năm ngoái, khi áp dụng chính sách giảm phí trước bạ, lượng xe tiêu thụ đã tăng gấp đôi so với cùng giai đoạn trước khi giảm.
Hòa Phát đề xuất đầu tư hàng loạt dự án tại Khu kinh tế Dung Quất (28/11/2021)
Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất ngày 28/11/2021 đề xuất Quảng Ngãi bổ sung 1.664 ha đất để đầu tư nhiều dự án sau thép và khu dân cư đô thị tại khu kinh tế Dung Quất.
Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), cho biết Khu kinh tế Dung Quất là địa bàn trọng điểm để Tập đoàn tập trung nguồn lực đầu tư, sản xuất kinh doanh trong chiến lược dài hạn. Do vậy, Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất với lãnh đạo Quảng Ngãi về việc mở rộng thêm một số dự án, tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ, gia tăng tối đa hiệu quả sử dụng đất, tăng cường thu hút đầu tư tại Khu Kinh tế Dung Quất.
Doanh nghiệp này đề xuất Quảng Ngãi tạo quỹ đất khoảng 300 ha giáp với đường Trì Bình - Dung Quất (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) để đầu tư dự án nhà máy sản xuất hợp kim sắt; bổ sung khoảng 79 ha để mở rộng dự án nhà máy Hòa Phát Dung Quất 2; đề xuất bổ sung quy hoạch 796 ha ở xã Bình Thuận để đầu tư dự án Hòa Phát Dung Quất 3.
Ngoài ra, Hòa Phát Dung Quất cũng đề nghị bổ sung 128 ha tại xã Bình Dương để đầu tư khu dân cư đô thị hỗn hợp phục vụ tái định cư cho các dự án. Thời gian tới, Tập đoàn Hòa Phát sẽ tiếp tục ưu tiên và tập trung nguồn lực đầu tư vào Quảng Ngãi đối với các lĩnh vực sản xuất thép và các sản phẩm sau thép có giá trị gia tăng cao; cảng biển container và dịch vụ logistics; đầu tư kinh doanh bất động sản.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút du khách đến Phú Quốc (26/11/2021)
Chiều ngày 26/11/2021, Tổng Cục Du lịch phối hợp với UBND Thành phố Phú Quốc và Tập đoàn Sun Group tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phú Quốc sức sống mới, tiềm năng và cơ hội mới”.
Thông tin tại hội thảo cho biết, giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đến Kiên Giang tăng bình quân trên 19%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân trên 30%/năm, tổng thu từ du lịch tăng bình quân trên 26%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thị trường khách du lịch cả quốc tế và nội địa giảm mạnh, tổng thu từ du lịch bị sụt giảm ước tính khoảng trên 21.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay do tác động của dịch bệnh, hoạt động du lịch của Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nói riêng và toàn quốc nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Nhàn, việc tổ chức hội thảo với chủ đề “Phú Quốc - Sức sống mới, tiềm năng và cơ hội mới” là một hoạt động rất thiết thực, nhằm tìm kiếm các giải pháp khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh để phục hồi, phát triển trở lại ngành du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tình hình mới hiện nay.
Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết: Chủ đề “Phú Quốc – Sức sống mới, Tiềm năng & Cơ hội mới” rất phù hợp với thời điểm hiện nay khi cả nước đang thực hiện Nghị quyết 128/CP thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19. Ngành du lịch đang tái khởi động du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế trong đó có Phú Quốc và tiến tới mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế.
Nam Việt (ANV) đầu tư nhà máy chế biến Collagen và Genlatin, dự kiến đóng góp 10% lợi nhuận tập đoàn (2/12/2021)
Sáng nay (2/12) tại Cần Thơ, CTCP Nam Việt - Navico (mã chứng khoán ANV) chính thức khởi công Nhà máy chế biến collagen peptide và gelatin” tại Khu công nghiệp Thốt Nốt - TP Cần Thơ.
Đây là dự án liên doanh giữa Navico với Amicogen, Hàn Quốc. Nhà máy được xây dựng giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư gần 6 triệu USD. Dự án có diện tích hơn 9.600 m2 tại Khu công nghiệp Thốt Nốt, Cần Thơ với công suất 800 tấn thành phẩm collagen và gelatin mỗi năm, theo tiêu chuẩn Hàn Quốc.
Với năng lực sản xuất khoảng hơn 450 tấn nguyên liệu/ngày như hiện nay, mỗi ngày nhà máy chế biến của Navico có thể cung cấp một lượng da rất lớn cho sản xuất collagen và Gelatin. Da cá tươi có giá dao động quanh 0,5 USD/kg, nếu sản xuất ra collagen có thể đạt mức từ 25 - 40 USD/kg.
Được biết, Amicogen là nhà sản xuất C&G hàng đầu của Hàn Quốc với hơn 21 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất và chế biến các sản phẩm làm đẹp. Liên doanh Amicogen và Navico đặt tham vọng cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng C&G đầu tiên cho thị trường Việt Nam vào năm 2022.
Dự án chiết xuất collagen peptide và gelatin từ da cá tra là một phần trong tổ hợp chuỗi hệ thống sản xuất khép kín quy mô lớn của Navico, từng bước chuyển đổi cơ cấu sang các sản phẩm giá trị gia tăng có hàm lượng kỹ thuật cao của Navico.
Hiện tại, cơ cấu lợi nhuận của ANV bao gồm các mảng: cá tra đông lạnh xuất khẩu, nuôi cá nguyên liệu, chế biến thức ăn thuỷ sản, chế biến sản phẩm GTGT, phụ phẩm và điện mặt trời. Nếu có thêm sự đóng góp của nhà máy C&G, ban lãnh đạo ANV kỳ vọng lợi nhuận giai đoạn 1 của nhà máy C&G là 1,5 triệu USD, đóng góp vào 10% lợi nhuận của tập đoàn.
Giá gas giảm từ hôm nay, cắt đứt chuỗi tăng 6 tháng liên tục (1/12/2021)
Chiều hôm qua (30/11), một số công ty gas đầu mối đồng loạt thông báo giảm giá bán lẻ kể từ ngày 1/12 với mức giảm khoảng 2.000 đồng/kg, tương đương 24.000 - 24.500 đồng/bình 12 kg. Theo Chi hội Gas miền Nam là do giá gas thế giới nhập khẩu theo hợp đồng (CP) tháng 12 giảm về mức 772,5 USD/tấn, giảm 77,5 USD/tấn so với tháng 11.
Như vậy, giá gas đã giảm giá sau 6 tháng tăng liên tục, với tổng mức tăng hơn 120.000 đồng/bình 12 kg nên với lần giảm này, giá gas vẫn duy trì ở mức cao, từ 454.000 đồng/bình 12 kg - hơn 500.000 đồng/bình 12 kg, tùy thương hiệu.
Thời gian qua, gas tăng giá là một trong những nguyên nhân khiến các hàng quán tăng giá bán cho người tiêu dùng, thiết lập một mặt bằng giá bán mới.
Top 5 điện thoại giảm giá "khủng" lên đến 5 triệu đồng nhân Black Friday 2021 (25/11/2021)
Năm nay Black Friday 2021 rơi vào 26/11, nhưng từ rất sớm, nhiều nhà bán lẻ điện thoại đã rục rịch tung ra các chương trình khuyến mãi lớn. Tuy chỉ diễn ra ngắn hạn 2 - 3 ngày, nhưng đây cũng được xem là thời điểm tốt để lựa chọn các dòng điện thoại với chi phí tiết kiệm.
- iPhone 12 series (giảm hơn 2 triệu đồng): Dù đã ra mắt được 1 năm, các model dòng iPhone 12 vẫn rất hot đối với dân công nghệ. Một số mẫu nhận được sự quan tâm lớn có thể kể đến iPhone 12 Pro 256GB giá chỉ còn 28,39 triệu (giảm 2,8 triệu đồng), iPhone 12 Pro 512GB giá chỉ 31,99 triệu đồng (giá niêm yết 35,99 triệu đồng). iPhone 12 Pro Max 128GB hiện đang có giá 30,49 triệu đồng, giảm hơn 2 triệu đồng.
- iPhone 13 series (giảm đến 5 triệu đồng): Sau 1 tháng mở bán, các mẫu của iPhone 13 series đã được cập nhật đầy đủ các phiên bản dung lượng và bộ nhớ, cộng thêm tín hiệu điều chỉnh giá để kích cầu từ các đại lý bán lẻ đã đẩy sức mua của thị trường tăng nhẹ 20 - 30%.
Trong đó, iPhone 13 mini chỉ còn từ 19,49 triệu đồng, đây là mức giá thấp nhất kể từ khi lên kệ thị trường Việt Nam. iPhone 13 cũng ghi nhận mức giảm giá đến 5 triệu, chỉ còn từ 24,99 triệu cho bản 128GB.
Bản 13 Pro hiện đang giảm đến 3,8 triệu, giá chỉ từ 31,99 triệu đồng. Trong khi đó, 13 Pro Max đang được giảm giá đến 3 triệu, giá chỉ từ 33,99 triệu đồng. Những phiên bản được người dùng quan tâm nhiều nhất là bản 256GB và 512GB, màu Gold và Sierra Blue cũng được chuộng hơn cả. - Samsung Galaxy Z Flip (giảm 4 triệu đồng): Galaxy Z Flip đang được chào bán với mức giá 16,29 triệu đồng, giảm 4 triệu đồng so với trước đó. Chiếc điện thoại thuộc phân khúc cao cấp của Samsung được trang bị bộ xử lý Snapdragon 855+, dung lượng RAM 8 GB cùng bộ nhớ trong 256 GB. Viên pin đi kèm theo máy có dung lượng 3.300 mAh. Mặt lưng của máy chứa cụm camera kép có độ phân giải 12 MP.
- Oppo Reno4 Pro (giảm 3 triệu đồng): OPPO Reno4 Pro có sự thay đổi lớn so với Reno 3 Pro, cả về thiết kế lẫn chất liệu. Thay vì có khung máy nhựa, máy sử dụng chất liệu nhôm nguyên khối và được bọc kính cường lực Gorilla Glass 6 ở cả hai mặt trước và sau, góp phần tăng độ cứng cáp lẫn nét sang trọng cho máy
- Xiaomi Mi 11 Lite 5G (giảm 2 triệu đồng): Ở phân khúc tầm trung, Mi 11 sau giảm còn 8,49 triệu đồng. Đây là một máy đáng để trải nghiệm, với những người dùng có nhu cầu tìm kiếm cho mình một chiếc điện thoại thông minh với màn hình lớn (6.55"), sạc nhanh (33W) và dung lượng lớn (8GB RAM) nhưng có mức giá tốt.
“Lão nông chăn vịt” ở Hà Tĩnh nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc (2/12/2021)
Trong Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức vào tối 2/12 tại Hà Nội, ông Lê Văn Bàng ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã được trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức. Dự lễ có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Năm 2021, Ban Tổ chức chương trình bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” nhận được 146 hồ sơ đề cử từ 63 tỉnh, thành phố.
Hội đồng chung khảo gồm đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, đại diện các nhà khoa học, chuyên gia đã cẩn trọng, nghiêm túc, khách quan bình chọn được 63 nông dân xuất sắc nhất.
Ban Tổ chức đã quyết định trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 cho 63 nông dân theo 5 nhóm lĩnh vực; trong đó: lĩnh vực trồng trọt có 12 người; lĩnh vực chăn nuôi 12 người; lĩnh vực trang trại, tổng hợp, thủy, hải sản 13 người; lĩnh vực sản xuất, chế biến dịch vụ nông nghiệp 12 người; lĩnh vực phát minh sáng kiến, chuyển đổi số, có thành tích trong xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh Tổ quốc 14 người.
Ông Lê Văn Bàng thuộc nhóm lĩnh vực trang trại, tổng hợp, thủy, hải sản, vinh dự đại diện cho nông dân Hà Tĩnh nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
Ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa để giải quyết những thách thức trong nông nghiệp (30/11/2021)
“Diễn đàn trao đổi Công nghệ và Nông sản Việt Nam-Nhật Bản” do VIDA cùng với Tập đoàn FPT phối hợp với Tập đoàn SBI, Công ty DENBA (Nhật Bản) tổ chức vào chiều 30/11/2021, theo hình thức trực tuyến trên nên tảng Zoom.
Tham dự Diễn đàn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang hoạt động và quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số công nghệ cao, theo đuổi các mô hình và dây chuyền sản xuất tối ưu cho nhà cung ứng và người tiêu dùng.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VIDA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT nhấn mạnh: Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản không ngừng được đẩy mạnh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước đã đi vào chiều sâu và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của cả hai nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển và nông nghiệp vẫn là ngành giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Chủ tịch VIDA đề nghị, Tập đoàn SBI nghiên cứu hỗ trợ VIDA và doanh nghiệp được sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và công nghệ bảo quản lạnh/mát trong một số nhóm sản phẩm trọng điểm của Việt Nam ngay trong năm 2022. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ VIDA và các thành viên đàm phán với nhà phân phối, bán lẻ tại Nhật mua một số sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam. VIDA mong muốn là nhà nhập khẩu và phân phối một số sản phẩm của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Nissan đầu tư gần 18 tỷ USD vào xe điện (29/11/2021)
Nissan Motor có kế hoạch đầu tư 2.000 tỷ yen (17,6 tỷ USD) trong 5 năm tới để đẩy nhanh hoạt động kinh doanh xe điện. Hãng ôtô Nhật Bản hôm thứ Hai (29/11/2021) đã công bố kế hoạch "Nissan Ambition 2030", phác thảo các mục tiêu dài hạn và chiến lược đầu tư cho phát triển pin và triển khai xe điện.
Đến năm 2026, Nissan đặt mục tiêu đạt hơn 55% doanh số bán hàng là xe điện ở Nhật Bản và 40% ở Trung Quốc. Tại Mỹ, xe điện sẽ chiếm 40% doanh số bán hàng vào năm 2030. Để hiện thực hóa tham vọng, họ sẽ đầu tư 2.000 tỷ yen (17,6 tỷ USD) trong 5 năm tới để giới thiệu 23 mẫu xe điện và xe hybrid mới, bao gồm 15 xe điện mới.
Nissan đã đi tiên phong trong lĩnh vực xe điện khi tung ra mẫu Leaf vào năm 2010, nhưng chỉ có 2% số xe mới được bán ra trong năm tài chính đến tháng 3/2021 là xe điện thuần túy. Công ty đang muốn một nửa doanh số bán hàng của mình là xe điện vào năm 2030.
Nissan đang nghiên cứu công nghệ không có coban - một trong những kim loại để sản xuất pin - nhằm cắt giảm hơn 65% chi phí của pin lithium-ion lỏng vào năm 2028 so với loại được sử dụng trong mẫu xe Leaf thế hệ thứ hai. Công ty cũng đặt mục tiêu trung hòa carbon trong suốt vòng đời các sản phẩm của mình vào năm 2050.
Yên Bái: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho 3 nông sản (30/11/2021)
Ngày 30/11, tại Ủy ban Nhân dân huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức Hội nghị công bố và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho ba sản phẩm nông nghiệp của huyện là “Bưởi Trấn Yên,” “Chè xanh Trấn Yên” và “Quế vỏ khô Trấn Yên.”
Trước đó, năm 2020, sản phẩm tre măng Bát độ của huyện Trấn Yên cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu này.
Theo ông Vũ Xuân Hợi, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm nói trên chính là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng của các mặt hàng nông sản của huyện Trấn Yên, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động cung cấp các sản phẩm này của Trấn Yên vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, điển hình là sản phẩm tre măng Bát độ của Trấn Yên hiện đã được sản xuất chủ yếu để xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...
Để được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận cho ba sản phẩm này, năm 2019, Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Yên Bái và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa quả Gia Lâm thuộc Viện nghiên cứu Rau Quả đã thực hiện 3 dự án quyền sử dụng nhãn hiệu "Bưởi Trấn Yên,” "Chè xanh Trấn Yên” và "Quế vỏ khô Trấn Yên.”
Để nông dân bỏ thói quen dùng tiền mặt: Không thể một sớm một chiều (1/12/2021)
Phát biểu tại hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt,” tổ chức hôm nay (1/12/2021), tại Hà Nội, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn với 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng.
Thế nhưng, để người nông dân bỏ thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt thì không phải là câu chuyện dễ dàng.
Từng bước đồng hành cùng nông dân.
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, nhằm khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp cho người dân không cần phải đến điểm giao dịch ngân hàng.
Đặc biệt, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) cho 3 nhà mạng viễn thông gồm: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Vietel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Mobiphone.
TP. HCM: Chợ Giáng sinh lớn nhất hoạt động sớm (28/11/2021)
Còn một tháng nữa đến Noel, nhưng ghi nhận tối ngày 28/11/2021 các cửa hàng trên phố Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) đã bày bán nhiều loại mặt hàng trang trí Giáng sinh.
Tại con phố lớn chuyên bán đồ trang trí sự kiện ở TP. HCM, mặt hàng dịp Giáng sinh đã xuất hiện và người đến mua sắm nhộn nhịp. Các loại châu, cây thông, đèn chớp... được bày bán từ sớm khiến người qua lại có cảm giác Giáng sinh đã đến rất gần.
Nhân viên các cửa hàng tràn ra lề đường mời gọi khách dù chưa nhiều người mặn mà. Một số tiểu thương cho biết mọi năm vào thời gian này người dân đã bắt đầu mua sắm đồ trang trí Noel. Song, năm nay lượng khách đổ về vẫn còn lác đác. Khung giờ đông khách nhất vào khoảng 17h.
Anh Tuấn, chủ một cửa hàng trên phố này cho biết: "Chưa năm nào như năm nay, tôi chỉ dám nhập hàng bán cầm chừng cùng một số sản phẩm tồn kho từ năm trước. Thời buổi dịch diễn biến phức tạp, các tiểu thương tại khu vực này cũng không dám nhập nhiều hàng mới về".
Bầu Đức nhận sai khi bỏ địa ốc (27/11/2021)
Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức thừa nhận năm 2012 đã sai khi bỏ bất động sản, lĩnh vực HAGL từng là số một, nhưng sẽ không quay lại thị trường này. Đây là lần đầu tiên sau gần chục năm quyết liệt buông mảng địa ốc, Bầu Đức nhận sai khi rời thị trường này năm 2012 để chuyển sang nông nghiệp tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HAG) năm 2021, ngày 27/11.
"Năm 2008, tôi dám khẳng định Hoàng Anh Gia Lai là công ty bất động sản số một. Nhưng mỗi người mỗi quyết sách, tôi từ bỏ lĩnh vực này năm 2012 để làm nông nghiệp. Đến bây giờ, tôi khẳng định mình đã sai", Bầu Đức chia sẻ. Hiện công ty ông tập trung mảng nông nghiệp và cho biết không làm bất động sản nữa vì quay lại sẽ khó có khả năng cạnh tranh. Ông cho hay, nếu có quỹ đất đẹp, doanh nghiệp chỉ cân nhắc liên kết với công ty khác để làm.
Bất động sản từng là "con gà đẻ trứng vàng" của HAG giai đoạn 2006-2008, khi đó doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng cao từ việc bán căn hộ phủ sóng khắp quận 7, Nhà Bè. Ngay cả lúc thị trường địa ốc bắt đầu khó khăn, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2011, Bầu Đức vẫn khẳng định thủ sẵn 2.400 tỷ đồng tiền mặt để xoay sở khi ngân hàng thắt chặt tín dụng và tiếp tục săn các khu đất giá rẻ để đầu tư vào địa ốc.
Tuy nhiên, từ năm 2012 trở đi, Bầu Đức từng bước thoái vốn khỏi bất động sản (khi đó thị trường đang suy thoái), bán dần các quỹ đất vốn là thế mạnh của công ty để dốc toàn lực phát triển nông nghiệp tại Lào và Campuchia. Song nông nghiệp sau đó thua lỗ nhiều năm vì giá cao su lao dốc, doanh nghiệp luôn chịu áp lực xử lý nợ.
Xuất khẩu nông sản Việt Nam ‘về đích’ trước 1 tháng (2/12/2021)
Xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 11 tháng ước đạt gần 43,48 tỷ USD, trong khi Chính phủ giao chỉ tiêu cả năm là 42 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT)ngày 2/12 cho biết tính chung 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 82,67 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt gần 43,48 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu ước khoảng 39,18 tỷ USD, tăng 39%.Như vậy, xuất siêu gần 4,3 tỷ USD, giảm 56,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu đạt 42 tỷ USD, trong khi ngành NNPNT đặt mục tiêu phấn đấu đạt 44 tỷ USD. Như vậy, ngành NNPTNT đã về đích trước hạn 1 tháng, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 1,5 tỷ USD và dự kiến hết tháng 12, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chắc chắn vượt con số 45 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 11/2020 và tăng 5,8% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19,3 tỷ USD, tăng 13,7%; lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD, tăng 20,9%; thủy sản đạt trên 7,9 tỷ USD, tăng 3,5%; chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD, tăng 4%; nhóm đầu vào sản xuất trên 1,5 tỷ USD, tăng 25,9%.
Tập đoàn dược phẩm hàng đầu Nhật Bản muốn đặt cơ sở sản xuất thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam (24/11/2021)
Sáng 24/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế, trường đại học của Nhật Bản đang và có ý định đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như giao thông, bất động sản, năng lượng, y tế, giáo dục... Một trong những ưu tiên của Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này là thúc đẩy hợp tác về y tế, sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác. Theo đó, Shionogi - tập đoàn dược phẩm hàng đầu Nhật muốn đặt cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine, điều trị Covid-19 đầu tiên của Đông Nam Á tại Việt Nam.
Chia sẻ với Thủ tướng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dược phẩm Shionogi – đơn vị chuyên sản xuất các loại thuốc chữa bệnh truyền nhiễm hàng đầu Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thử nghiệm sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Không chỉ vậy, tập đoàn này mong muốn đầu tư một cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine và thuốc điều trị bệnh tại Việt Nam và đây sẽ là cơ sở đầu tiên của họ tại khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói nhất trí và đề nghị làm việc với Bộ Y tế cùng các bộ, ngành khác để nghiên cứu, triển khai; trên tinh thần thực hiện đúng luật pháp của mỗi bên và hai bên cùng có lợi.
Hải An (HAH) bán xong 1,4 triệu cổ phiếu quỹ, thu về gần trăm tỷ đồng (27/11/2021)
CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán HAH) báo cáo đã bán xong toàn bộ 1.389.953 cổ phiếu quỹ đăng ký bán trước đó. Giao dịch thực hiện từ 28/10 đến 27/11/2021. Đây cũng là toàn bộ số cổ phiếu quỹ mà công ty có.
Giá bán bình quân 71.325 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng số tiền thu về hơn 99,1 tỷ đồng. Trong khi đó BCTC quý 3/2021 của công ty thể hiện, số cổ phiếu quỹ này có giá trị 22,9 tỷ đồng, tương ứng bình quân giá mua vào 16.480 đồng/cổ phiếu.
Nhìn lại lịch sử mua cổ phiếu quỹ của Hải An, lần gần đây nhất từ 3/4 đến 3/5/2020 công ty đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu, nhưng chỉ mua được 816.900 cổ phiếu quỹ do giá mua bị giới hạn và thanh khoản thị trường không đủ đáp ứng. Giá mua bình quân chứ đến 9.800 đồng/cổ phiếu. Lần trước đó nữa từ 6/12/2016 đến 5/1/2017 cũng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu quỹ nhưng chỉ mua được 315.950 cổ phiếu với giá bình quân gần 38.900 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường cổ phiếu HAH đã tăng mạnh cùng với đà tăng các cổ phiếu ngành logistic và cảng biển nói chung trong thời gian qua. Hiện HAH đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/11/2021 ở mức 69.000 đồng/cổ phiếu – gấp 4 lần so với thời điểm đầu năm 2021.
Lực bán chiếm ưu thế, VN-Index đứng trước rủi ro điều chỉnh (28/11/2021)
Phiên cuối tuần qua (28/11/2021), VN-Index tiếp tục tăng giá và hình thành đỉnh mới trong phiên sáng, tuy nhiên lực cung gia tăng tại vùng giá cao khiến chỉ số thu hẹp biên độ, đóng cửa tại ngưỡng 1.493 điểm (giảm 0,52%). Rổ VN30 ghi nhận 22 mã giảm giá, chỉ số VN30 giảm 0,38% về mức 1.566,55 điểm. VNMID-Index cùng chung trạng thái với mức giảm 0,77%, trong khi VNSML-Index là nhóm duy nhất duy trì sắc xanh lúc đóng cửa (tăng 0,09%).
Phân hóa là diễn biến chủ đạo tại các lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của dòng tiền như Ngân hàng, Chứng khoán hay Bất động sản. Tại nhóm Bất động sản, VIC bật tăng mạnh sau chuỗi ngày giằng co đi ngang, cổ phiếu đóng cửa tăng 4,8% và nâng đỡ nhiều nhất cho VN-Index trong phiên cuối tuần. NVL, DXG, HDG, HPX, DIG,... cũng đều kết phiên trong sắc xanh.
Công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư theo trường phái “lướt sóng” ngắn hạn nên tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng mức định giá của mỗi cổ phiếu cụ thể cũng như không nên nắm giữ các cổ phiếu đầu cơ với tỷ trọng cao để tránh rủi ro trong trường hợp chỉ số bất ngờ điều chỉnh giảm với thanh khoản đột biến nhằm kiểm tra lại vùng 1.500 điểm.
Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung trên thị trường và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tích cực trong quý IV/2021 cũng như năm 2022.
Giá vàng hôm nay 28/11: Nguy cơ lộ rõ sau cơn sốt (27/11/2021)
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/11/2021, giá vàng miếng 9999 trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji ở mức 59,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 60,8 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội và 60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 60,8 triệu đồng/lượng (bán ra) tại TP.HCM.
Giá vàng tại SJC niêm yết ở mức 60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 60,87 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Còn tại TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 60,85 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 1,2 USD, tương đương chưa tới 0,1% và kết thúc phiên ở mức 1.785,5 USD/ounce. Trước đó, kim loại quý này từng có lúc chạm mức cao nhất trong ngày là 1.816,30 USD/ounce trong phiên giao dịch cùng ngày với lễ mua sắm Black Friday.
Giá vàng tăng vọt trong phiên 26/11, khi chứng khoán Mỹ và các thị trường châu Á cùng châu Âu xôn xao trước tin tức về việc phát hiện một biến thể mới ở Nam Phi với mức độ đột biến cao. Tuy nhiên, giá vàng sau đó đã hụt đà tăng khi một số nhà đầu tư bán vàng để tích lũy tiền mặt cho danh mục đầu tư của họ.
Thẻ từ ATM sẽ không sử dụng được tại tất cả các điểm giao dịch trên cả nước từ 31/12/2021
Mới đây, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã chính thức gửi thông báo đến người dùng về việc các thẻ ATM từ sẽ chính thức bị ngừng hỗ trợ và không được chấp nhận trên các điểm giao dịch trên toàn quốc dựa theo thông tư 41/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Để tăng tính bảo mật cho khách hàng kể từ ngày 31/3/2021 vừa qua, các ngân hàng đã dừng phát hành thẻ từ ATM cũ và thay thế hoàn toàn bằng thẻ chip mới. Thẻ chip mới sẽ chứa những công nghệ bảo mật hơn để đảm bảo quyền lợi cho người dùng.
Thẻ gắn chip mới vẫn có kích thước giống như thẻ cũ là chiều dài: 85.60mm X chiều rộng: 53.98mm. Tuy nhiên, thẻ ATM gắn chip có bảo mật cao hơn so với thẻ cũ ATM cũ vì thẻ ATM cũ nhận thông tin bằng dải từ phía sau, và nó không được mã hoá còn thẻ chip với con chip nằm ở mặt trước thẻ giúp mã hóa thông tin để tăng bảo mật dữ liệu.
Thông tin cá nhân sẽ được mã hoá theo dãy số nhị phân của máy tính và liên tục được thay đổi. Như vậy, người dùng nên ghi nhớ mốc thời gian sau 31/12/2021, các thẻ từ sẽ không được sử dụng trên toàn quốc, ngay cả việc rút tiền tại ATM. Người dùng nên sớm đăng ký hỗ trợ để được cấp thẻ chip trong thời gian sớm nhất.
Tân Hoàng Minh muốn đầu tư 12.500 tỷ đồng xây dựng 2 dự án khu đô thị tại Lạng Sơn (25/11/2021)
Chiều ngày 25/11/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn và Tập đoàn Tân Hoàng Minh phối hợp tổ chức Lễ ký kết biên bản thỏa thuận về việc khảo sát lập quy hoạch các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đô thị, công nghiệp và thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, 2 dự án được lập quy hoạch đầu tư thuộc lĩnh vực đô thị, công nghiệp và thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Dự kiến tổng vốn đầu tư 12.500 tỷ đồng, trong đó, dự án khu đô thị kết hợp công nghiệp, thương mại dịch vụ khoảng 10.000 tỷ đồng, dự án khu đô thị kết hợp du lịch sinh thái cao cấp khoảng 2.500 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện công tác khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch và thực hiện các thủ tục đầu tư từ tháng 12/2021 - 12/2022.
Đầu tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng xem xét về hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh của Tân Hoàng Minh Group. Trước đó, vào ngày 20/10, Tân Hoàng Minh đã có đề xuất tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch và thực hiện đầu các dự án tại Lạng Sơn. Hiện tại, Lạng Sơn đang trở thành đích đến của hàng loạt ông lớn bất động sản trong thời gian qua.
Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư khoảng 90 triệu USD làm 2 dự án khu đô thị, công nghiệp tại Quảng Trị (25/11/2021)
Ngày 25/11/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã chủ trì buổi làm việc với Tổng Công ty Kotra Việt - Hàn về xúc tiến đầu tư các dự án FDI vào địa bàn tỉnh. Cụ thể, tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng công ty Kotra Việt - Hàn đề xuất đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm thương mại - dịch vụ và công nghiệp xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) trở thành Khu dịch vụ logistics kết hợp công nghiệp xanh Cam Lộ - Việt - Hàn. Dự kiến, quy mô khoảng 50 ha với tổng mức đầu tư khoảng 30 - 40 triệu USD.
Dự án đầu tư phát triển hạ tầng kho bãi, lưu trữ hàng hóa trong nước và phát triển hạ tầng công nghiệp, công nghệ cao nhằm mời gọi các nhà đầu tư từ Hàn Quốc và các nước trong khu vực đến đầu tư ở một số lĩnh vực như: hệ thống kho bãi trung chuyển hàng hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế; nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, viễn thông, thiết bị truyền thông, dược phẩm, trang thiết bị y tế, thiết bị nông nghiệp, phụ tùng ô tô, pin năng lượng tái tạo; dịch vụ đóng gói, bảo quản, vận chuyển, giao nhận hàng hóa quốc tế…
Dự kiến tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 12/2021 với công việc chuẩn bị đầu tư; từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023 khởi công xây dựng hạ tầng công trình; tháng 1/2024 đưa vào vận hành từng phần.
Khối ngoại tháo chạy, ồ ạt bán ròng hơn 2.000 tỉ (26/11/2021)
Kết phiên giao dịch tối ngày 26/11/2021, VNINDEX giảm 7,78 điểm (-0,52%), dừng lại tại mốc 1.493,03 điểm. Ghi nhận tổng cộng 166 mã tăng điểm (20 mã tăng trần), 36 mã tham chiếu, 315 mã giảm điểm (24 mã giảm sàn). HNX-Index giảm 1,04 điểm (-0,23%), ghi nhận 84 mã tăng điểm (17 mã tăng trần), 51 mã tham chiếu, 163 mã giảm điểm (4 mã giảm sàn). UPCOM-Index giảm 0,27 điểm (-0,24%), ghi nhận 234 mã tăng điểm (80 mã tăng trần), 77 mã tham chiếu, 234 mã giảm điểm (16 mã giảm sàn).
Nhóm chỉ số VN30 giảm 5,91 điểm (-0,38%), ghi nhận tổng cộng 7 mã tăng điểm, 1 mã tham chiếu và 22 mã giảm điểm.
Các cổ phiếu trụ luân phiên thay nhau kéo VNI chinh phục các đỉnh cao mới. VIC đóng góp nhiều nhất lên thị trường với hơn 4 điểm khi tăng tới 4,79%. Xếp sau đó là các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VPB, NVL, VNM. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu ngân hàng lại làm lực cản lớn trong ngày hôm nay ở nhiều mã như VCB, CTG, TCB, SAB, MBB, HDB, TPB.
Cổ phiếu chứng khoán cũng chịu sự điều chỉnh như ngân hàng. Hàng loạt các mã đều ở trong sắc đỏ như VND, SSI, VCI, SHS, MBS, FTS…
Ngược lại các cổ phiếu thép có phiên giao dịch khá tích cực với nhiều mã ngược dòng tăng như HSG, NKG, POM, HMC, TLH, TVN, VGS. Duy chỉ có HPG giảm 0,41% khi kết phiên mặc dù trước đó đã có lúc tăng tới 1,3%.
Khối ngoại trong phiên hôm nay bán ròng mạnh 2.098,57 tỉ đồng. Ghi nhận tổng giá trị chiều bán là 2.302,61 tỉ đồng. VPB là cổ phiếu bị bán nhiều nhất với 564 tỉ đồng. Xếp sau đó là các mã khác như HPG 139 tỉ đồng, VND 134 tỉ đồng, NLG 133 tỉ đồng, VIC 121 tỉ đồng và HCM với 110 tỉ đồng. Ở chiều ngược lại, họ mua tổng cộng 204,04 tỉ đồng. Các mã cổ phiếu được mua vào nhiều nhất là VNM 50 tỉ đồng, DCM 22 tỉ đồng và BID với 19 tỉ đồng.
Top các cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất phiên là VPB 44,7 triệu cổ phiếu, SSI 30,8 triệu cổ phiếu, STB 29,1 triệu cổ phiếu, HPG 26,7 triệu cổ phiếu, ITA 23,5 triệu cổ phiếu, TCB 21,9 triệu cổ phiếu và GEX với 20,6 triệu cổ phiếu.
'Kinh tế TP.HCM tăng trưởng âm 6,78%' (1/12/021)
Chiều 1/12, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị lần thứ 10 mở rộng Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khoá XI, nhiệm kỳ 2020-2025 theo hình thức trực tuyến.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, quý I năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM phát triển đồng đều và ổn định; đến 6 tháng đầu năm bị chững lại và đến cuối 2021 thì tụt giảm nghiêm trọng. “Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố, từ giai đoạn đổi mới, chúng ta tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng 6%”, Bí thư Nên nói và cho biết, dự kiến năm nay có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu và còn 2 chỉ tiêu đến cuối năm mới đủ cơ sở tính toán.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, bên cạnh khó khăn, TP.HCM vẫn có một số điểm sáng. Kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đến cuối năm có thể phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu.
Tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Văn Nên gợi mở chủ đề năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư.
Hội nghị Thành ủy TP.HCM sẽ cho ý kiến về 7 nhóm giải pháp cùng 21 nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022 đã được Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất, đồng thời tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19.
Việt Nam - á quân tương lai của thương mại điện tử Đông Nam Á (27/11/2021)
Thương mại điện tử Việt Nam hiện đứng thứ 4 khu vực nhưng có cơ sở cho thấy, khả năng vượt Malaysia, Thái Lan để vươn thứ hai là trong tầm tay.
Đầu tháng 11, Tiki xác nhận gọi thêm được 258 triệu USD trong vòng gọi vốn thứ năm từ một loạt nhà đầu tư như AIA, Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile, Yuanta Fund và STIC Investments. Thương vụ góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm thu hút hàng đầu của dòng vốn đổ vào kinh tế số ở Đông Nam Á.
Trong báo cáo "e-Economy SEA 2021" công bố ngày 27/11/2021, Google, Temasek và Bain & Co xác nhận "vốn đầu tư tiếp tục tăng mạnh" vào Việt Nam. Theo đó, vốn đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số tăng trưởng mạnh trong đại dịch, như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.
Không phải ngẫu nhiên mà các "cá mập" đặt nhiều sự chú ý vào nền kinh tế số Việt Nam nói chung và lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng. "Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quá trình chuyển đổi số và sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử", Jikwang Chung, Giám đốc Mirae Asset Capital, nói khi chốt thương vụ rót tiền vào Tiki.
Năm 2021, với quy mô 13 tỷ USD, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong dự báo của mình, Google, Temasek và Bain & Co, cho rằng chỉ cần 4 năm nữa, tức vào 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "á vương" tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD.
Bắc Kạn đầu tư tuyến đường hơn 2.300 tỉ đồng (25/11/2021)
Chiều 25/11/2021, tỉnh Bắc Kạn tổ chức lễ khởi công tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể. Đây là dự án trọng điểm để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương này. Tuyến đường từ TP. Bắc Kạn đến Ba Bể có chiều dài 39km, theo tiêu chuẩn cấp III miền núi. Tuyến đường có quy mô nền đường rộng 9m, do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bắc Kạn làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư công trình hơn 2.300 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương.
Thông tin về dự án, ông Nguyễn Văn Hợi - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn - cho biết: “Theo tiến độ trong hợp đồng, thời gian hoàn thành dự án là 33 tháng, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành. Sau khi động thổ, các đơn vị đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Mặt bằng sạch đến đâu sẽ cho thi công đến đó”
Theo đó, tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể là tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch tại Ba Bể.
Cổ đông VietinBank sắp nhận hơn 3.800 tỷ đồng tiền mặt (2/12/2021)
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (CTG) vừa thông qua nghị quyết về việc chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%/cổ phiếu.
Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu CTG sẽ nhận về 800 đồng tiền mặt. Với vốn điều lệ hiện tại ở mức 48.058 tỷ, VietinBank có tương ứng hơn 4,8 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, nhà băng này sẽ phải chi khoảng 3.845 tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức cho các cổ đông đợt này.
Trong đó, riêng Ngân hàng Nhà nước - đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại VietinBank - sẽ nhận về khoảng 2.500 tỷ tiền mặt từ việc sở hữu gần 65% vốn điều lệ ngân hàng. Tương tự, cổ đông chiến lược của VietinBank - The Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ - với gần 20% vốn nắm giữ cũng sẽ nhận về khoảng 760 tỷ đồng đợt này.
Theo nghị quyết, ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông VietinBank nhận cổ tức là 15/12 và ngày thực hiện dự kiến là 17/1/2022.
VietinBank cho biết sẽ thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân là 5% trước khi thực hiện chi trả cổ tức (lợi tức cổ phần) năm 2020 cho cổ đông là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo danh sách chốt ngày 15/12.
Vietnam Airlines bay chuyến thường lệ đầu tiên đến Mỹ (29/11/2021)
Ngày 29/11/2021, chuyến bay VN98 của Vietnam Airlines từ TP HCM đã hạ cánh tại sân bay San Francisco sau 13 giờ 45 phút bay. Chuyến bay không điểm dừng, dài hơn 13.000 km này được thực hiện bằng tàu Boeing 787-9 Dreamliner. Chuyến bay khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20h57 ngày 28/11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco lúc 10h42 sáng ngày 29/11 (giờ Việt Nam). Đây cũng là chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên trên đường bay Việt Nam - Mỹ do một hãng hàng không Việt Nam thực hiện.
"Chuyến bay hôm nay mang một ý nghĩa hoàn toàn mới, đánh dấu bước tiến lớn của Vietnam Airlines và cột mốc lịch sử của hàng không Việt Nam với việc đường bay thường lệ Việt Nam - Mỹ chính thức được thiết lập", ông Lê Hồng Hà, CEO Vietnam Airlines cho biết. Cách đây hơn 1 năm, Vietnam Airlines trở thành hãng bay trong nước đầu tiên bay thẳng đến sân bay San Francisco để đón công dân Việt Nam hồi hương.
Chuyến bay VN98 đã mở ra giai đoạn khai thác mới của Vietnam Airlines trên đường bay Mỹ. Từ ngày 28/11, hãng hàng không quốc gia khai thác thường lệ 2 chuyến mỗi tuần giữa TP HCM và San Francisco. Vietnam Airlines dự kiến tăng lên 7 chuyến mỗi tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.
Doanh nghiệp này cho biết đang tiếp tục nghiên cứu để mở thêm đường bay mới đến Mỹ như giữa Los Angeles và Hà Nội hoặc TP HCM. Các chuyến bay giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng đội tàu bay thân rộng hiện đại nhất của Vietnam Airlines là Boeing 787 và Airbus A350.
Ngày 15/1/2022, Thỏa thuận ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới có hiệu lực (2/12/2021)
Ngày 2/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 151/NQ-CP phê duyệt Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới (APMRA) đã ký ngày 16/1/2021 tại Nay Pyi Taw (Cộng hòa Liên bang Myanmar) và cho phép áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Thỏa thuận khi Thỏa thuận có hiệu lực đối với Việt Nam.
Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Thỏa thuận. Theo đó, Chính phủ vừa phê duyệt Thỏa thuận ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 15/1/2022.
Đồng thời, yêu cầu Bộ Ngoại giao hoàn tất thủ tục đối ngoại để Thỏa thuận có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 15/1/2022.
Chính phủ thảo luận công tác phòng chống dịch, phục hồi kinh tế (2/12/2021)
Ngày 2/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Tại phiên họp lần này, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là về công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế, các nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 12.
Đồng thời, phiên họp cũng chuẩn bị một số nội dung cho Hội nghị Chính phủ với địa phương trong tháng 12, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
“Thời gian ít, công việc nhiều, đòi hỏi cao, đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ để thảo luận chất lượng, đi thẳng vào vấn đề, có trọng tâm, trọng điểm”, Thủ tướng đề nghị.
Qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình dịch bệnh kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc, kinh tế - xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng.
Trong khi đó, cùng thời điểm này, tình hình thiên tai, mưa lũ lớn xuất hiện tại một số địa phương Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với diễn biến phức tạp. Người đứng đầu Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai và chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ. Ông cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công điện về ứng phó với mưa lũ vừa được ban hành.
Cây thông Noel mini thu hút khách trên 'chợ mạng' (27/11/2021)
Theo ghi nhận ngày 27/11/2021 tại các cửa hàng cây kiểng trên đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập (quận 7),… những giống cây tùng thơm, cây sơn tùng có hình dáng giống như cây thông Noel thu nhỏ thu hút nhiều khách hàng. Cây cao từ 1-2m được trang trí sẽ có giá dao động từ 1 triệu - 2 triệu đồng/cây, cây mini đã được trang trí có giá từ 300.000-500.000 đồng/cây tuỳ kích cỡ.
Theo nhiều chủ cửa hàng, giá cây thông, tùng thơm năm nay không thay đổi so với các năm, ước lượng trước được sức mua giảm nên nhiều chủ vườn năm nay chỉ nhập về khoảng 50 - 60% số lượng để bán so với mọi năm.
Dịch COVID-19 khiến nhiều người lo ngại đến trực tiếp cửa hàng mà có xu hướng đặt hàng online, nắm bắt được tâm lý này, nhiều cửa hàng cũng đẩy mạnh bán hàng qua các trang online, thương mại điện tử, mở rộng dịch vụ giao hàng tận nơi, hiện tại, cửa hàng đang có chương trình giao hàng miễn phí ở quận 7 để thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, Dịch COVID-19 khiến nhiều chủ vườn không mạnh dạn sản xuất nhiều như các năm trước khiến cho những người nhập hàng như tôi không chủ động được vì lượng hàng cung cấp không nhiều, các phụ kiện trang trí khác như quả cầu, ông già Noel,… số lượng cũng hạn chế vì quá trình vận chuyển những mặt hàng này mất khá nhiều thời gian so với mọi năm.
Cổ phiếu nhà Vingroup tăng kịch trần trong phiên giao dịch đỏ lửa (29/11/2021)
Bộ đôi cổ phiếu nhà Vingroup là VIC và VHM cố gắng kéo chỉ số VNIndex bất thành. Phiên giao dịch 29/11/2021 đỏ lửa vì lo ngại biến chủng Omicron.
Dư âm của phiên lao dốc cuối tuần trước vì biến chủng Omciron tiếp tục tác động lên tâm lý nhà đầu tư ở phiên ngày 29/11. Lệnh bán ở mức giá đỏ được đẩy lên bảng điện ngay những phút đầu khiến cho VN Index chìm trong sắc đỏ ngay sau phiên ATO.
Tuy nhiên, phía ngược lại, bộ đôi cổ phiếu nhà Vingroup là VIC và VHM (Vinhomes) bất ngờ tăng mạnh. Trong đó VIC tăng kịch trần 7% lên 105.300 đồng mỗi cổ phiếu, còn VHM tăng 1,8% lên 84.800 đồng mỗi cổ phiếu. VIC và VHM này cũng là "người hùng" giúp cho VnIndex thoát phiên giảm sâu. Chốt phiên hôm nay, chỉ số này giảm 8,19 điểm (tương đương 0,55%) xuống 1.484,84 điểm. Toàn sàn HoSE có 293 mã giảm, 187 mã tăng và 38 mã đứng giá.
Thanh khoản trong phiên hôm nay vẫn giữ được trên mốc 1 tỷ cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 31.592 tỷ đồng. Nếu tính luôn thanh khoản của HNX và UPCoM thì giá trị khớp lệnh toàn thị trường trong phiên hôm nay đạt gần 37.548 tỷ đồng, tương đương 1,6 tỷ USD.
Phiên tăng trần bất ngờ hôm nay đã giúp tài sản của Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng tăng lên mạnh. Nếu tính cả số cổ phiếu trực tiếp và gián tiếp mà ông Vượng đang sở hữu thì số tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng tính đến hết phiên giao dịch hôm nay đạt 227.018 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng đột ngột “khởi nghĩa” (1/12/2021)
10 phút cuối phiên chiều 12/1/2021 thị trường bật lên đầy bất ngờ. VN-Index thay đổi hơn 16 điểm, từ chỗ giảm sâu nhất phiên quay đầu lên đỉnh cao nhất phiên hôm nay. VIC cùng với một số cổ phiếu ngân hàng đã kiến tạo nhịp khởi nghĩa này...
Dẫn dắt nhịp phục hồi này dĩ nhiên không thể thiếu các trụ lớn nhất là VIC, VHM và VCB. Tuy nhiên nhóm này chỉ có VIC là trụ lại được đến hết ngày. Các cổ phiếu ngân hàng như VPB, TCB, CTG, MBB, TPB tăng giá rất ấn tượng, thậm chí TPB còn kịch trần.
Cổ phiếu ngân hàng chiều 1/12/2021 đồng loạt quay đầu tăng. Nhóm ngân hàng lớn tỏ ra trì trệ, trong khi các mã nhỏ hơn lại khởi động rất sớm. TPB ngay đầu phiên chiều đã bắt đầu tăng mạnh và tăng liên tục suốt thời gian còn lại. Đến khoảng 6 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, TPB đã tăng lên giá kịch trần.
Tất cả các mã ngân hàng trong rổ VN30 chiều nay đều tăng mạnh so với phiên sáng, kể cả BID là cổ phiếu không vươn tới được tham chiếu, cũng bật tăng hơn 1% so với buổi sáng. HDB tăng khoảng 6%, các mã cũng rất ấn tượng là STB tăng cao hơn 3,46%, HDB tăng 3,22%, CTG tăng 1,49%, MBB tăng 1,9%, VPB tăng 2,29%...
Giá vàng trong nước và thế giới tiếp đà giảm (1/12/2021)
Rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.774 USD/ounce, giảm gần 10 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này. Tại thị trường châu Á, sáng nay, giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.777 USD/ounce, cũng giảm 10 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Đêm qua, giá vàng đã có lúc lên tới 1.808 USD/ounce. Tuy nhiên, giới đầu tư đã bán tháo khiến giá vàng lao dốc mạnh. Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nói với Thượng viện Mỹ rằng chính sách tiền tệ cần thắt chặt hơn để giữ cho lạm phát ở mức thấp. Nghĩa là việc cung ứng tiền mặt ra thị trường cần hạn chế nhiều hơn nữa và sớm tăng lãi suất cơ bản. Có thể đề xuất của ông Jerome Powell làm thị trường suy đoán FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn so với dự kiến là vào cuối năm 2022. Từ đó, họ dồn vốn vào "đồng bạc xanh" giúp USD tăng giá trên diện rộng, khiến giá vàng hôm nay mất đà đi lên.
Cùng với xu hướng thế giới, sáng nay, giá vàng SJC cũng giảm mạnh so với chốt phiên trước. Lúc 9 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 59,75 – 60,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 59,75 – 60,47 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm mạnh 250.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Tài xế xe ôm công nghệ TP. HCM: "Mong khách sớm tăng trở lại" (25/11/2021)
Dịch vụ xe ôm công nghệ hoạt động trở lại những ngày gần đây đã giúp các tài xế có thêm thu nhập và người dùng ở TP. HCM dễ dàng gọi xe hơn.
Gojek cho biết dịch vụ gọi xe 2 bánh GoRide (chở khách) của Gojek chính thức hoạt động trở lại tại TP. HCM kể từ 0h ngày 19/11. Với tốc độ tăng trung bình 17% mỗi ngày, tính đến ngày 23/11, số lượng cuốc xe GoRide hàng ngày đã đạt mức 63% so với thời điểm ngay trước khi TP. HCM tạm dừng hoạt động xe ôm công nghệ để phòng, chống dịch Covid-19 (ngày 9/7). Gojek khẳng định tất cả đối tác tài xế đều được yêu cầu tuân thủ nguyên tắc 5K và đã tiêm ít nhất một liều vaccine, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, theo quy định của cơ quan chức năng. Thông tin về tình trạng tiêm vaccine của đối tác tài xế sẽ được hiển thị trên ứng dụng Gojek khi người dùng đặt chuyến GoRide.
Grab cũng cho biết đã mở lại dịch vụ GrabBike với số lượng không quá 50% xe tại TP. HCM theo đúng quy định của cơ quan chức năng. Các tài xế đều đã được tiêm vaccine và ứng dụng cũng có phần hiển thị thông tin tiêm chủng của tài xế để hành khách dễ dàng kiểm tra.
Trong khi TP. HCM đã đưa xe ôm công nghệ trở lại, dịch vụ này vẫn chưa thể khai thác tại Hà Nội. Trao đổi với Zing, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội - cho rằng hiện nay tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới trong cộng đồng ngày một tăng cao. Theo ông Viện, xe ôm công nghệ không đảm bảo giãn cách 5K và các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc. Do đó để hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, loại hình này chưa thể hoạt động trở lại.
Thương mại điện tử Việt Nam tăng hai con số trong mùa dịch (26/11/2021)
Chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng khoảng 18% trong mùa dịch. Thông tin này được ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ tại họp báo Tuần lễ mua sắm trực tuyến và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021, ngày 26/11/2021.
Theo ông Hải, Covid-19 là chất xúc tác giúp thương mại điện tử phát triển nhanh, mạnh hơn. Ước tính trong giai đoạn dịch vừa qua, dù bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội, thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn tăng trưởng khoảng 18%. "Hiếm nước nào trong khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử tăng trưởng hai con số trong đại dịch", ông Hải nói. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người dân mua sắm trực tuyến (online) nhiều hơn, từ các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày (thực phẩm, thuốc men). Dịch Covid-19 cũng giúp thương mại điện tử trở thành kênh kết nối tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản vốn trước đây phần lớn bán qua kênh trực tiếp.
Ông Hải cho biết, năm nay sự kiện Online Friday 2021 sẽ diễn ra từ từ 0 giờ thứ Sáu ngày 3/12 đến hết 12 giờ Chủ nhật 5/12. Ngày hội mua sắm năm nay thu hút được nhiều sàn thương mại điện tử, các nhà bán hàng lớn, có uy tín như Shopee, Tiki, Sendo, Voso, Lazada..., những doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng chính hãng triển khai chương trình giảm giá lên đến 100%. Cùng đó, tuần lễ Thương mại điện tử sẽ diễn ra từ ngày 27/11 đến 4/12 với nhiều hoạt động, như sự kiện Goonline Series 1: Công thức vận hành vận đơn 5 sao; lễ kích hoạt Tháng khuyến mại quốc gia 2021...
Khai mạc triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm OCOP tiêu biểu (1/12/2021)
Chiều 1-12, lễ khai mạc “Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngành gốm sứ và các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021” đã diễn ra tại Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô (số 176 Quang Trung, quận Hà Đông).
Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động triển lãm chuyên đề do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Triển lãm trưng bày giới thiệu trên 200 tác phẩm gốm sứ đương đại, sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiêu biểu khác của 20 nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế và các cơ sở sản xuất thành phố Hà Nội.
Đến với triển lãm, công chúng có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc, có giá trị thẩm mỹ cao được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Về phía các nghệ nhân, đây là cơ hội học tập, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm khi kết nối với cộng đồng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, đồng thời đưa các thiết kế này vào sản xuất thực tế, đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 8-12.
Ngân hàng muốn tăng quyền xử lý nợ xấu (25/11/2021)
"Ngoài đề xuất có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà không cần thỏa thuận, các ngân hàng còn muốn có quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý tài sản đảm bảo." Đây là nội dung được bà Vũ Ngọc Lan, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ tại hội thảo Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017.
Cụ thể, lãnh đạo Vụ pháp chế NHNN cho biết sau gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết 42 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng, VAMC, góp phần không nhỏ vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, Nghị quyết 42 có tính chất thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, và đến ngày 15/8/2022 sẽ hết hiệu lực. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo nghị quyết đang thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của nhà băng sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách như tại Nghị quyết 42.
NHNN đã đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội về việc hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nhằm tiếp tục duy trì, phát triển các chính sách tại Nghị quyết 42. Trong đó, NHNN đưa ra 2 phương án để tiếp tục các quy định về xử lý nợ xấu cho hệ thống tổ chức tín dụng. Cụ thể, một là đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó duy trì các quy định còn phù hợp của Nghị quyết 42 và sửa đổi, bổ sung một số quy định thực tiễn triển khai gặp khó khăn, vướng mắc. Phương án hai là tiếp tục kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 thêm 3 năm.
Đề xuất cho hàng không tư nhân vay 4.000-6.000 tỷ đồng với lãi suất 0% (2/12/2021)
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) ngày 2/12/2021 đã đề xuất Chính phủ và Quốc Hội cho hãng hàng không tư nhân vay 4.000-6.000 tỷ, lãi suất 0%.
Theo đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), VABA mong bộ này kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, chấp thuận cho các hãng hàng không khác vay gói tái cấp vốn 4.000-6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm).
Cũng theo VABA, số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.
Hiệp hội cũng đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói 25.000-30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (Nhà nước cấp bù lãi suất 4-5%). Gói này sẽ giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, duy trì hoạt động, phát triển trong và sau dịch.
Ngoài ra, hiệp hội này đề nghị nhà chức trách cần điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức tối thiểu trong biểu thuế, tức là về mức 1.000 đồng một lít cũng như cho phép giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga trong năm 2022 đối với khách bay nội địa để góp phần kích cầu du lịch.