Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành với làn sóng lây lan của biến thể Omicron chưa có dấu hiệu lắng xuống, vấn đề sức khỏe - y tế luôn được mọi người quan tâm đặc biệt. Cùng Toplist điểm qua những sự kiến đáng chú ý về tình hình y tế - sức khỏe trên thế giới trong tháng 2 này nhé
Dòng phụ của biến thể Omicron không gây bệnh nặng hơn
Ngày 22-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron (BA.1) không gây bệnh nặng hơn so với chủng Omicron gốc. Nghiên cứu mới của Hàn Quốc cho thấy Omicron ít gây bệnh nặng hay tử vong hơn Delta.
Bà Maria Van Kerkhove - quan chức cấp cao WHO - cho biết: "Chúng tôi không thấy có sự khác biệt về mức độ gây bệnh nặng giữa BA.1 và BA.2. Tại nhiều quốc gia, BA.1 và BA.2 đều đang gây tình trạng bệnh như nhau". Bên cạnh đó, theo báo Guardian, WHO cho biết số ca mắc mới toàn cầu đã giảm 21% trong tuần qua với hơn 12 triệu ca mắc mới. Tuần thứ ba liên tiếp toàn cầu ghi nhận số ca mắc mới giảm.
WHO cho biết Omicron vẫn là biến thể lấn át trên toàn cầu, chiếm hơn 99% ca bệnh trong khi biến thể Delta chiếm chưa tới 1%. Và Omicron ít có nguy cơ gây bệnh nặng hay tử vong hơn Delta gần 75. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng giảm 8%, xuống còn khoảng 67.000 ca trên toàn thế giới trong tuần qua. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong vì COVID-19 giảm kể từ đầu tháng 1.
Số ca tử vong vì Covid-19 ở châu Mỹ lần đầu giảm trong làn sóng Omicron
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 23/2 cho biết, sau thời gian liên tục tăng, lần đầu tiên châu Mỹ ghi nhận số ca tử vong Covid-19 giảm từ khi bùng phát biến thể mới Omicron.
Theo Giám đốc PAHO, Tiến sĩ Carissa Etienne, trong tuần qua, châu Mỹ ghi nhận số ca tử vong giảm 9% so với tuần trước đó, trong khi số ca mắc mới Covid-19 cũng theo đà giảm 28%.
Nhiều khu vực vẫn đang trong giai đoạn chứng kiến các số ca nhiễm Omicron gia tang. Giám đốc PAHO khuyến nghị các nước vẫn cần phải cảnh giác và duy trì các biện pháp phòng dịch đã được chứng minh là hiệu quả.
Tâm dịch châu Âu vẫn là khu vực dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới trong 24 giờ qua, với thêm 874.644 ca được ghi nhận, trong đó Đức có số mắc mới cao nhất, đứng đầu thế giới với 219.859 ca. Châu Á với tổng 621.730 ca bệnh ghi nhận trong ngày.
Bùng phát dịch sởi tại Afghanistan làm hơn 70 trẻ em tử vong
Giới chức Afghanistan, ngày 6/2, cho biết đã có 74 trẻ em tử vong do mắc sởi sau khi bệnh truyền nhiễm này bùng phát tại tỉnh miền Bắc Badakhshan.
Ông Maazudin Ahmadi, người đứng đầu cơ quan văn hóa và thông tin tỉnh Badakhshan cho biết, trong 2 tháng qua đã xuất hiện nhiều ổ dịch tại một số địa phương ở tỉnh này, đáng chú ý trong đó có thủ phủ Faizabad. Cho đến nay, ít nhất 74 trẻ đã tử vong do mắc sởi ở hai quận Kuf Ab và Kohistan. Theo giới chức địa phương, phần lớn trẻ tử vong sinh sống tại các khu vực chưa tiếp cận được dịch vụ tiêm vaccine lưu động và thiếu nhân viên y tế.
Virus sởi là một loại virus rất dễ lây lan. Chúng sống trong chất nhầy mũi và cổ họng của người nhiễm bệnh. Do vậy, có thể lây bệnh sang người khác thông qua ho và hắt hơi. Trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh sởi rất cao và các biến chứng của bệnh, thậm chí là tử vong. Giới chức y tế tỉnh Badakhshan kêu gọi người dân đề phòng dịch bệnh, đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất trong trường hợp trẻ có triệu chứng sởi như sốt, phát ban, viêm màng kết và ho.
Nhiều nước tuyên bố đại dịch COVID-19 đã kết thúc: Câu hỏi còn để ngỏ
Giới chức y tế Thụy Điển tuyên bố đại dịch COVID-19 đã kết thúc tại quốc gia Bắc Âu này, Đan Mạch, Na Uy thông báo dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế còn lại. Anh, Hà Lan cũng có kế hoạch tương tự vào cuối tháng hai. Bên kia bờ Đại Tây Dương, Tiến sỹ Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ, khẳng định giai đoạn đỉnh của đại dịch gần như đã kết thúc tại nước này.
Hàng loạt tuyên bố và động thái từ khắp châu Âu và Bắc Mỹ trong nửa đầu tháng Hai khiến không ít người cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng Omicron đã qua, cho phép các chuyên gia y tế đưa ra những dự báo về khả năng trở lại cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn giữ quan điểm việc dỡ bỏ hay nới lỏng các hạn chế không có nghĩa là đại dịch đã chấm dứt. Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh (Scotland), Mark Woolhouse, đánh giá: “Câu hỏi liệu chúng ta có phải tái áp dụng các hạn chế hay không sẽ được đặt ra, bởi tôi chắc chắn rằng sẽ có những biến thể khác."
Nguy cơ xuất hiện các biến thể mới đồng nghĩa với việc thời điểm khi nào đại dịch kết thúc vẫn là câu hỏi còn để ngỏ, điều đó buộc tất cả các nước phải có cách tiếp cận thận trọng khi dỡ bỏ, nới lỏng các quy định phòng chống dịch hay mở cửa trở lại.
Thái Lan: Thêm bệnh viện dã chiến, không thêm hạn chế
Sáng 21-2, Thái Lan đã ghi nhận thêm 18.883 ca mắc COVID-19 mới và 32 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.731.198 ca (gồm cả 507.763 ca trong năm nay), trong đó có 22.656 ca tử vong (kể cả 958 ca trong năm nay).
Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vừa một lần nữa yêu cầu chuẩn bị thêm các bệnh viện dã chiến trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc đang gia tăng. Lệnh của Thủ tướng Prayut được đưa ra khi số lượng bệnh nhân COVID-19 hằng ngày ở Thái Lan tăng lên mức hơn 18.000 ca trong ba ngày liên tiếp. Các lực lượng vũ trang sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế mở lại các cơ sở y tế quân sự. Tuy nhiên,Thái Lan sẽ không áp đặt các biện pháp phong tỏa trong thời điểm hiện tại vì chính phủ phải hỗ trợ nền kinh tế.
Bà Apisamai khuyến cáo người dân không nên tiệc tùng, trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng và hầu hết các ổ dịch mới bắt nguồn từ những quán ăn và địa điểm tổ chức tiệc đông người.
Anh cho phép bỏ cách ly bắt buộc với người dương tính với Covid-19
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố một kế hoạch táo bạo trong đó bỏ yêu cầu bắt buộc tự cách ly với người nhiễm COVID-19 ở Anh, bắt đầu từ ngày 24-2.
Anh đề xuất người nhiễm COVID-19 đi làm, đi chợ bình thường; Úc, Israel mở cửa, không yêu cầu chứng nhận vắc xin, dỡ bỏ các lệnh hạn chế pháp lý về COVID-19 cho phép sinh hoạt và làm việc bình thường do tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 liều thứ 3 rất cao ở vương quốc này. Với 81% người lớn đã tiêm mũi vắc xin thứ 3 ở Anh.
Tuy nhiên, Anh sẽ vẫn đẩy mạnh liều vắc xin COVID-19 bổ sung với người lớn tuổi, người sống trong các nhà dưỡng lão, người bị suy giảm miễn dịch trong chiến lược sống chung với virus mà không có các biện pháp hạn chế. Các nhà y học hàng đầu của Anh cảnh báo một số biến thể COVID-19 mới có thể kháng vắc xin hơn.
Sử dụng Công nghệ để giảm tải áp lực cho Y tế thế giới trong thời kỳ đại dịch bệnh
Trong “cơn bão Covid-19”, các hệ thống y tế trên khắp thế giới phải chịu áp lực quá tải khiến số lượng bệnh nhân tồn đọng trong danh sách chờ điều trị, phẫu thuật ngày càng tăng, thậm chí có nhiều người đã bị hủy lịch điều trị. Công nghệ robot phẫu thuật được kỳ vọng sẽ góp phần giảm đến mức thấp nhất những gánh nặng chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong tương lai.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế tạo robot đã đạt được nhiều đột phá về công nghệ, trong đó đáng chú ý là sự đầu tư cho robot hỗ trợ phẫu thuật, có thể làm việc an toàn với con người. Trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức do thiếu hụt nguồn nhân lực, dân số già hóa, dịch bệnh và áp lực chi phí y tế ngày càng tăng thì sự ra đời của robot hỗ trợ phẫu thuật là rất cần thiết.
Thông qua thiết kế hiện đại, hệ thống robot phẫu thuật cho phép các bác sĩ có thể ngồi hoặc đứng thoải mái trên bàn điều khiển, thay vì phải cẩn thận đứng chuẩn vào các vị trí khó. Ngoài ra, robot phẫu thuật còn có thể hỗ trợ các bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp hơn, hẹp, sâu và khó tiếp cận. Giải quyết được những hạn chế còn tồn động trong hình thức mổ banh và nội soi.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á
Trong 24 giờ qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn tại nhiều nước châu Á. Malaysia, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay, số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức cao thứ 2 trên thế giới sau Đức, vượt mốc 170.000 ca ngày thứ hai liên tiếp do sự lây lan của biến thể Omicron.
Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 2.499.188 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.689 trường hợp không qua khỏi. Số bệnh nhân mắc COVID-19 đang trong tình trạng nguy kịch cũng tăng nhanh từ 512 ca trong ngày 23/2 lên mức 581 ca. Con số này đã tăng gần gấp 3 trong vòng 1 tuần.
Cùng ngày, Malaysia ghi nhận thêm 31.199 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong một ngày tại nước này, đưa tổng số ca mắc lên 3.305.157. Và cũng trong 24h giờ qua, Malaysia có thêm 119 trường hợp không qua khỏi. Nâng con số lên đến 32.488 trường hợp tử vong do mắc COVID-19 tại đây. Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay là 23.557 ca trong làn sóng lây lan của biến thể Omicron tại quốc gia Đông Nam Á này.
Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần
Ngày 18-2, báo South China Morning Post đề cập đến lời của tiến sĩ Ziyad Al-Aly - nhà dịch tễ học lâm sàng thuộc Trường Y ĐH Washington cho biết những vấn đề sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng do mắc COVID-19 là: lo lắng, trầm cảm, có suy nghĩ muốn tự tử và rối loạn giấc ngủ.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã phân tích hồ sơ y tế của gần 154.000 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục và nhận thấy so với người không mắc COVID-19 trong các nhóm đối chứng, người mắc COVID-19 có nguy cơ bị rối loạn lo âu cao hơn 35%, và gần 40% có nguy cơ bị trầm cảm hay các rối loạn liên quan đến căng thẳng.
Họ cũng phát hiện các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ sử dụng thuốc chống trầm cảm cao hơn 55%, và có khả năng sử dụng benzodiazepines để điều trị lo âu cao hơn 65%. Nhiều bệnh nhân COVID-19 cũng bị chứng "sương mù não" hoặc suy giảm chức năng nhận thức. Nghiên cứu cho thấy họ có nguy cơ bị suy giảm chức năng nhận thức cao hơn 80%, với các triệu chứng như hay quên, lú lẫn và thiếu tập trung.