Ngày 31/3/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15, 16 về biện pháp phòng, chống dịch bệnh covid-19. Đáng chú ý nhất trong toàn chỉ thị chính là yêu cầu về “cách ly toàn xã hội”, nhà nào ở nhà đó, thôn nào ở thôn đó, tỉnh nào ở tỉnh đó, hạn chế ra ngoài… Việc không hiểu rõ ràng về tính chất của văn bản và nội dung chỉ thị sẽ gây hoang mang dư luận. Sau đây là các vấn đề đã được giải thích cụ thể theo Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng – người phát ngôn của Chính phủ.
Người dân nên ở nhà
Mọi việc vẫn đang ở giai đoạn khuyến cáo. Bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bạn bị bệnh covid-19 mà vẫn ra ngoài vì lý do không cần thiết gây hậu quả lây nhiễm cho cộng đồng. Người dân chỉ nên ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu hoặc đi làm…
Cơ quan nhà nước sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà
Hầu như tất cả các văn phòng, cơ quan hành chính nhà nước đã tiến hành theo chỉ đạo của cấp trên về việc thực hiện tránh tiếp xúc trực tiếp, làm việc online tại nhà. Các hồ sơ nhận trực tiếp trước đây trong thời kỳ dịch bệnh đã phải dừng lại, một số địa phương nhận hồ sơ online, một số nơi khác chỉ làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết.
Nơi công cộng
Hiện tại, bạn nên hạn chế ra nơi công cộng như công viên, bờ hồ, bến xe… Nếu tất cả mọi người đều ra ngoài tập thể dục thì cũng sẽ trở thành tụ tập đông người. Mặc dù bạn chạy bộ một mình, nhưng có thể chạy tại nhà, tập thể dục tại nhà để giữ gìn sức khỏe. Việc đến nơi công cộng vào thời điểm này là không thật sự cần thiết, hi vọng chúng ta có thể hạn chế tối đa, chỉ ra ngoài khi có nhu cầu thiết yếu.
Không đóng cửa, dừng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu
Ngay sau khi chỉ thị số 16 được công bố, người dân đã đổ xô đi mua hàng hóa thực phẩm thiết yếu để tích trữ. Họ lo lắng sẽ không còn gì để mua trong 15 ngày “cách ly toàn xã hội”, nhưng đây là hiểu nhầm. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn sẽ mở cửa để phục vụ người dân theo chỉ đạo của Chính phủ. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, có kế hoạch mua bán phù hợp.
Nhà máy vẫn sản xuất, doanh nghiệp vẫn được hoạt động
Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng đã được yêu cầu đóng cửa theo công văn của các địa phương. Đặc biệt là rạp chiếu phim, quán bar, quán café, trà chanh… đã được đóng cửa theo chỉ thị. Ngoài ra, các nhà máy và doanh nghiệp không nằm trong diện bắt buộc đóng cửa theo Công văn tại địa phương thì vẫn có quyền hoạt động, tuy nhiên phải có phương án bảo vệ công nhân và người lao động.
Trường hợp doanh nghiệp không có phương án bảo vệ người lao động mà gây lây nhiễm cộng đồng, rất có thể sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Hiện tại một số biện pháp phổ biến là: làm việc online, đeo khẩu trang và ngồi cách xa tối thiểu 2m, thay phiên trực văn phòng…
Giữ khoảng cách
Virus có thể lây nhiễm khi tiếp xúc gần, chúng ta cần tự giác thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiếu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Mọi người tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện, tự bảo vệ mình, gia đình và tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh của các cơ quan có chức năng.
Xe cá nhân đi lại
Xe cá nhân vẫn được đi lại giữa các tỉnh lân cận nhưng phải thật cần thiết. 15 ngày kể từ ngày 01/04/2020 là giai đoạn vàng để Việt Nam kiềm hãm dịch bệnh. Mọi người dân đều là những chiến sĩ phòng chống covid-19. Trường hợp đi qua các địa phận tỉnh lân cận, có thể sẽ có các chốt quản lý yêu cầu người dân ở nhà nếu không thực sự cần ra ngoài. Tuy có rất nhiều lý do để chúng ta cần ra ngoài, nhưng nếu có thể ở nhà thì quốc gia cần sự tự giác của mỗi người lúc này.
Khái niệm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ
Theo Thông tư số 33-BT ngày 10 tháng 12 năm 1992 của Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ hướng dẫn về hình thức văn bản và việc ban hành văn bản của các cơ quan hành chính nhà nước, thì Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong các việc thực hiện các chủ trương, chính sách, luật pháp của nhà nước, các quyết định của Chính phủ.
Theo Luật Ban hành văn bản QPPL số 80/2015/QH13, chỉ thị cũng không được coi là văn bản quy phạm pháp luật. Từ hai căn cứ trên, có thể hiểu rõ, chỉ thị số 15 và 16 chỉ mang tính chất hướng dẫn, chỉ đạo cho các Bộ, ban ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện chủ trương phòng, chống dịch bệnh, không phải bắt buộc thi hành như một văn bản quy phạm pháp luật.
Những trường hợp rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, hay tạm dừng các công trình xây dựng là sai chỉ đạo của Thủ tướng. Ngược lại, việc thành lập các chốt kiểm soát trên các tuyến đường để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, dịch tễ là tốt, không vi phạm quyền lợi của nhân dân là giải pháp phù hợp.