Có nhiều điều đã trở thành thói quen tai hại mà ít ai nhìn ra những nguy hiểm mà chúng đang rình rập. Ở Việt Nam hàng năm những tai nạn xe cộ và an toàn lao động xảy ra với con số vô cùng nhiều. Phần lớn trong đó là do những thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức mà người dân không hề hay biết. Trong bài viết về cuộc sống kì này, Chúng tôi sẽ giới thiệu về những thói quen nguy hiểm tiêu biểu nhất của người Việt Nam.
Đi xe máy bốc đầu
Điều khiển xe máy "bốc đầu" là trạng thái điều khiển xe máy chạy bằng một bánh sau. Đây là kiểu chạy xe của một bộ phận người dân Việt Nam trong đó đa số thuộc về lứa tuổi thanh thiếu niên.
Tình trạng lái xe kiểu "bốc đầu" này là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ không những ra những nguy hiểm cho bản thân người điều khiển xe mà còn gây sợ hãi, nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Do đó, các bạn trẻ cần có suy nghĩ và hành động đúng đắn khi tham gia giao thông, tránh tình trạng "lái xe bốc đầu".
Cưa bom
Trong xã hội có muôn vàn công việc giúp người dân mưu sinh, có người làm công chức nhà nước, người làm công ngân, người làm nhân viên bán hàng, người đi chợ, người chuyên thu mua phế liệu... và trong số đó có những người vẫn đang làm một công việc cực kỳ nguy hiểm đó là "cưa bom".
Những người dân đi thu mua phế liệu, đi lượm phế liệu từ những vùng đất hoàng, họ đào bới, tìm kiếm sâu dưới lòng đất những quả bom còn lại từ chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Những quả bom ấy, họ "cưa" để lấy phần kim loại mạng bán lấy tiền. "Cưa bom" bạn nghe thôi đã sợ chưa nào?
Không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển và ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện
Nhiều người Việt Nam thường cho rằng chiếc mũ bảo hiểm là một sự phiền phức và gây mất đi thẩm mỹ khi ra đường. Thế nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà nhà nước lại ban hành luật yêu cầu mọi người dân đều phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Nhiều người thường lười biếng đội mũ bảo hiểm khi di chuyển với khoảng cách gần và đặc biệt là trẻ em - những đối tượng sẽ dễ gặp nhiều nguy hiểm nhất lại thường bị các bậc phụ huynh bỏ qua và mặc định suy nghĩ “nó còn nhỏ, đội mũ bảo hiểm làm gì cho nặng đầu”. Hãy nhớ rằng mũ bảo hiểm là một công cụ bảo hộ an toàn, bất kì ai dù người già hay trẻ đều cần đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường.
Đi xe máy buông cả hai tay
Đi xe máy buông cả hai tay là kiểu lái xe vô cùng nguy hiểm không chỉ cho bản thân người lái xe mà nguy hiểm đối với cả những người tham gia giao thông xung quanh. Đây là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhưng một số người vẫn cứ vô tư thực hiện.
Không những buông cả hai tay khi lái xe mà nhiều người còn có hành động vừa buông hai tay, vừa đứng lên yên xe trong khi xe vẫn đang chạy. Thậm chí có những "dân tổ lái" còn dùng chân lái xe máy... Những hành vi như vậy cần được nghiêm khắc xử lý, tránh gây bức xúc, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Cho trẻ ngồi trước xe máy, khi dừng xe không tắt máy.
Tình trạng người lớn đèo con nhỏ trên xe máy khi tham gia giao thông là không tránh khỏi, tùy nhiên có rất nhiều người cho con nhỏ ngồi trước xe ga và thậm chí khi dừng xe vẫn cho con ngồi trên xe và không tắt máy. Điều này nguy hiểm vô cùng.
Không loại trừ xe số, nhưng đa số các tình huống thường xảy ra với xe tay ga, vì chỉ cần một lực vặn nhẹ, chiếc xe đã có thể vọt đi. Có thể thấy, nguyên nhân các vụ tai nạn trên đều bắt nguồn từ sự sơ suất, chủ quan của người lớn.
Vì vậy, khi dừng xe, phải lập tức tắt máy, hạ chống (nhiều loại xe máy sau này có chế độ an toàn, khi chống còn gạt thì không thể nổ máy xe), rồi mới cho đứa trẻ xuống xe. Trong mọi trường hợp, khi rời xe phải rút chìa khóa, tránh cắm trên ổ vì trẻ con có thể nghịch ngợm khởi động xe và gây ra tai nạn.
Dùng điện thoại khi đang lái xe
Khi thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì việc mỗi người sở hữu nhiều thiết bị di động trong người là điều dễ hiểu hiển nhiên. Thế nhưng việc vừa tham gia giao thông, vừa sử dụng điện thoại lại gây nên một mối nguy hiểm đe dọa mọi lúc.
Vừa tập trung vào màn hình điện thoại hoặc cuộc đối thoại sẽ khiến người lái khó kiểm soát tình trạng xe lưu thông xung quanh, dễ bị giật mình lạc tay lái khi nghe còi báo hiệu của những phương tiện giao thông lớn và có thể sẽ gây tai nạn nguy hiểm cho chính mình và những người xung quanh.
Bán thực phẩm giả
Thời gian gần đây, các sản phẩm hàng giả, hàng nhái được bày bán tràn lan trên thị trường Việt Nam khiến nhiều người cảm thấy hoang mang, lo sợ. Bên cạnh việc trách các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng hóa chất, lừa dối người tiêu dùng thì trước hết cần cảnh tỉnh những thương gia ham lời nhiều mà nhập hàng kém chất lượng về buôn bán cho người dân.
Việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ là hành động vi phạm về kinh doanh mà điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và dễ gây nên tình trạng dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Xả rác xuống sông hồ, kênh rạch
Những hộ gia đình ven sông hồ, kênh rạch thường có thói quen bỏ chất thải sinh hoạt xuống sông để tiết kiệm…thời gian đi đổ rác. Dù nhiều lần nhà chức trách địa phương đã tiến hành nạo vét lòng sông thế nhưng nhìn chung sau thời gian ngắn thì mặt sông vẫn phủ đầy rác thải.
Xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và là nguồn lây lan dịch bệnh rất nguy hiểm, thế nhưng nhiều người lại không nhận thức được rằng việc làm của mình là sai khiến chất thải không được xử lý, vừa ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt mà còn khiến sức khỏe của chính bản thân và gia đình bị đe dọa nghiêm trọng.
Sang đường không đúng vạch cho người đi bộ
Nhiều người nước ngoài khi sang Việt Nam rất lo sợ với việc sang đường bởi tình hình xe cộ quá đông và hầu như người Việt Nam đều không đi đúng vạch quy định. Vào giờ tan tầm, nhiều công nhân tại các khu công nghiệp thản nhiên bước qua làn phân cách của làn đường ô tô tải để sang đường…nhanh chóng hơn thay vì đi bộ một đoạn xuống vạch đường quy định.
Cầu đi bộ đường xây dựng tại các quốc lộ lớn lại trở thành điểm tập thể dục cho những người lớn tuổi bởi hầu như chẳng ai hứng thú với việc sang đường bằng cây cầu này. Vận tốc của các loại xe ô tô tải là rất lớn nên việc thản nhiên băng qua đường ở bất cứ nơi nào của người Việt Nam là một điều nguy hiểm vô cùng.
Tuyển dụng tài xế không bằng lái
Để có thể tuyển dụng được nhân viên mà không tốn nhiều chi phí, một số nhà tuyển dụng lựa chọn những thanh niên chưa đến tuổi lao động và không có bằng cấp. Điều này thật sự nguy hiểm bởi xe ô tô tải là loại xe lớn, cồng kềnh trong lúc di chuyển, đường Việt Nam lại nhỏ, nhiều xe mô tô di chuyển, nếu không đủ trình độ và kinh nghiệm cầm lái, rất dễ dàng gây ra những tai nạn thương tâm.
Chủ những cơ sở kinh doanh, chủ doanh nghiệp, những cửa hàng tạp hoá...luôn cần người lái xe chuyên chở hàng cho mình và đôi khi họ tuyển dụng những người chưa qua bất kỳ một trường lớp đào tạo lái xe nào, chưa có bằng lái xe...Vô hình chung, những việc làm này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.
Chạy xe ngược chiều
Vì lối suy nghĩ “chỉ chạy ngược chiều một đoạn cho ngắn” mà nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Một số người vì lười biếng chạy vòng một chút xuống đoạn giao phân cách mà ngang nhiên chạy ngược chiều để tiết kiệm xăng và thời gian.
Việc chạy xe ngược chiều khiến người di chuyển đúng tuyến đường rất khó kiểm soát tốc độ và khó tránh né khi trường hợp xe quá đông hoặc sự cố bất ngờ. Hãy lưu thông đúng làn đường quy định khi tham gia giao thông để hạn chế những tai nạn thương tâm bạn nhé.
Chạy xe lấn tuyến đường
Những năm gần đây, lượng người nhập cư từ các tỉnh thành đổ về các thành phố lớn ngày càng nhiều khiến cho lưu lượng xe cộ tăng lên một cách đột biến. Và trong khi nhà nước vẫn chưa kịp mở rộng những tuyến đường mới thì tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm là điều thường xuyên xảy ra.
Để tiết kiệm thời gian chờ đợi, nhiều người lựa chọn cách chạy vào làn đường của xe ô tô vì nơi đây rộng rãi và thoáng đãng, tuy nhiên đây là một việc làm vô cùng nguy hiểm bởi vận tốc cho phép của các xe ô tô, ô tô tải là rất lớn, khi đột ngột xuất hiện xe mô tô hoặc có sự cố xảy ra thì rất khó để các xe lớn dừng lại với khoảng cách gần, dẫn đến những tai nạn nguy hiểm chực chờ mọi lúc.
Buôn bán tràn ra lòng đường
Các cột đèn giao thông ở Việt Nam nhiều nên hầu hết các tiểu thương thường tranh thủ khoảng thời gian người đi đường dừng đèn đỏ để buôn bán. Không chỉ buôn bán tràn lan trên khắp các vỉa hè mà các hộ kinh doanh còn tràn ra cả lòng đường khiến phương tiện đi lại khó khăn và dễ gây ra những tai nạn nguy hiểm vào giờ cao điểm cho cả người bán lẫn người điều khiển phương tiện giao thông.
Tại các khu chợ, người dân không những lấn chiếm vỉa hè mà họ còn ngang nhiên lấn chiếm lòng, lề đường làm địa điểm trưng bày và bán hàng. Thêm nữa là tình trạng lấn lòng đường làm nơi trông giữ xe cũng gây nguy hiểm và bất bình cho người dân khi tham gia giao thông.
Vượt đèn đỏ
Hiện nay, trên các tuyến đường Việt Nam đều nhan nhản treo những dòng khẩu hiệu “Không được vượt đèn đỏ. Nhanh một phút chậm một đời”. Đèn giao thông ra đời như một tín hiệu sắp xếp trật tự khi lưu thông trên đường. Điều này giúp người lái xe kiểm soát được tốc độ cũng như làn đường dành cho mình, hạn chế được tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông.
Những cá nhân vượt đèn đỏ thường khiến cho người bên làn đường được phép di chuyển không thể kịp thời nắm bắt tình hình, dẫn đến các sự cố không mong muốn. Bên cạnh đó, vượt đèn đỏ còn gây nguy hiểm cho người đi bộ khi sang đường.
Cho trẻ em lái xe
Cho trẻ em lái xe người lớn là một việc làm hết sức nguy hiểm cho bản thân trẻ và những người xung quanh đồng thời là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tai nạn thương tâm trong thời gian qua.
Việc người lớn cho trẻ em ngồi trước và lái xe thay cho mình, lái xe máy thậm chí cả ô tô chứng tỏ những người lớn chưa nhận thức đúng những quy định của pháp luật đồng thời chưa ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra, bởi cho trẻ em lái xe, chỉ sơ xẩy chút thôi là phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Không chỉ cho trẻ em ngồi trước và điều khiển xe mà nhiều bậc phụ huynh còn "vô tư" trao chìa khoá xe máy cho con em mình, để mặc chúng tự sử dụng mà không có người lớn đi cùng. Tất cả những việc làm đó đều vi phạm Luật giao thông đường bộ và gây huy hiểm cho người tham gia giao thông.