Bài văn kể về người thân đã lâu mà em không gặp là dạng bài tự sự. Đề này có thể được áp dụng trong bài viết số 1 của chương trình ngữ văn 8 tập 1. Trong bài viết này Toplist xin giới thiệu đến bạn một số bài văn kể về người thân đã lâu mà em không gặp hay nhất.
Bài văn kể về người thân đã lâu mà em không gặp hay nhất - Bài 4
Những ngày đầu mùa đông, trời trở lạnh, em đi ngủ sớm hơn mọi khi. Em nằm bên cạnh bà và được nghe những câu hát mượt mà của ngày xưa bà thường hay hát. Chắng mấy chốc, giọng hát ngọt ngào ấy đã đưa em chìm sâu vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, em thấy ông nội trở về trò chuyện cùng với em.
Ông nội em năm nay cũng khoảng 70 tuổi nhưng ông đã không còn từ khi em mới bỡ ngỡ bước vào lớp một. Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoắt cũng đã gần chục năm rồi em không đuợc sống bên cạnh ông, không đuợc nghe giọng nói ồm ồm chứa đựng bao tình thương của ông.
Em vẫn nhớ như in giấc mơ hôm đó, em thấy ông nội với hình dáng gầy gầy thân quen đi về phía em đang học bài. Em vui sướng chạy ra ôm chầm lấy ông. Đôi bàn tây ấm áp của ông nhẹ nhàng xoa lên đầu em rồi ông dắt em từ bàn học ra chiếc ghế nhỏ ngày xưa hai ông cháu dạy nhau tập đọc đặt ở phòng ngoài. Đã lâu lắm rồi mà nhìn ông vẫn không thay đổi là bao so với trước. Khuôn mặt vấn rạng ngời phúc hậu đã xuất hiện thêm nhiều nếp nhăn. Đôi mắt sâu hơi mờ đi nhưng đôi tai ông vẫn còn tinh lắm. Dường nhu chỉ có mái tóc bạc thêm là thấy rõ vì dấu ấn thời gian.
Ông hỏi han về tình hình học tập của em có tốt không? Em tự hào kể cho ông nghe về những thành tích mà mình đã đạt được. Nói đến đâu ông cũng gật đầu tỏ vẻ hài lòng và khen em đã có tiến bộ hơn ngày trước rất nhiều. Em cảm thấy ông rất vui và hãnh diện vì mình. Song ông vẫn nhắc nhở em phải biết lấy đó làm động lực để mình cố gắng. Ông mong em luôn chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân, không lúc nào được nguôi nhớ công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của bố mẹ, thầy cô. Em ngồi im lặng và thấm thía những lời dạy đầy ý nghĩa của ông vào tâm trí. Rồi em hỏi thăm sức khoẻ của ông. Ông nói rằng ông rất khoẻ và luôn nhớ về mọi người. Ông hy vọng rằng em sẽ thay ông chăm sóc bà thật tốt. Em cảm động lắm, không biết nói gì em chỉ biết nhìn ông và gật đầu thay cho câu trả lời của mình. Ngồi nói chuyện được khá lâu, ông kể tiếp cho em nghe nhiều câu chuyện hay mà ngày trước ông vấn thường hay kể. hai ông cháu nói chuyện vui vẻ, giọng nói và tiếng cười ấm áp của ông vang khắp căn nhà bé nhỏ.
Trời về khuya hơn, màn đêm yên ắng, tĩnh mịch lạ thường. Em hỏi ông hay nói đúng hơn nó là lời trách móc ngây thơ rằng: "Sao ông không thường xuyên về thăm gia đình hay là ông đã quên mọi người? Lần này về ông phải ở đây thật lâu để chơi với chúng cháu". Ông khẽ nói với em rằng: "Hãy nhớ ông luôn ở bên cạnh mọi người". Nói xong, ông lẳng lặng bước ra cửa, vì sợ phải xa ông em vội chạy theo nhưng hình ảnh ông cứ xa dần, chỉ thỉnh thoảng ông ngoảnh lại vẫy tay tạm biệt. Em khóc gọi theo ông. Thấy mình khóc, em tỉnh dậy thì ra những gì mình vừa thấy chỉ là mơ. Đó là một giấc mơ mà em không bao giờ quên được.
Em sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng giấc mơ quý giá này. Em tin rằng dù không có thật nhưng mỗi lời nói, cử chỉ ông dành cho em đều là động lực để em vươn lên trong cuộc sống.
Bài văn kể về người thân đã lâu mà em không gặp hay nhất - Bài 3
“Mẹ ru cái lẽ ở đời, sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn. Bà ru mẹ, mẹ ru con. Liệu mai sau các con còn nhớ chăng...” Lời bài hát “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" đang da diết ngân vang trên đài phát thanh, làm tôi chợt nhớ đến bà ngoại – một người thân mà đã lâu tôi không gặp.
Tuổi thơ tôi êm đềm trôi qua ở làng quê thanh bình, hạnh phúc. Đó là những ngày được bao bọc, yêu thương trong vòng tay của ngoại. Trong trí nhớ của tôi, bà ngoại năm nay đã gần bảy mươi tuổi – cái tuổi mà người ta gọi là xế chiều. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ngoại vào hai năm về trước – lần gần nhất mà tôi gặp ngoại. Dáng người ngoại nhỏ nhắn, lưng đã còng xuống vì gánh nặng suốt cả cuộc đời. Khuôn mặt ngoại phúc hậu như những bà tiên trong chuyện cổ tích. Hai gò má đã lấm chấm đồi mồi, đôi mắt ngoại không còn tinh nhanh như trước nữa. Nhiều khi ngoại phải hấp háy mãi mới nhìn được. Khuôn miệng ngoại thường hay móm mém nhai trầu. Mái tóc ngoại đã bạc trắng như cước. Tuy thế bước chân ngoại vẫn nhanh nhẹn hơn tuổi bảy mươi của ngoại. Ngoại vẫn ngày ngày dạo qua những phiên chợ quê.
Những ngày còn bé xíu, bố mẹ đi làm ăn xa, một tay ngoại chăm tôi khôn lớn. Cơm tôi ăn, quần áo tôi mặc đều chính tay ngoại chuẩn bị. Dù có thể tự đi đến trường, ngoại vẫn không ngại nắng mưa, ngày ngày đưa đón tôi. Con đường làng quen thuộc ngày nào cũng in bóng một lớn một nhỏ là hai bà cháu tôi. Ngoại sinh vào thời nước nhà còn chiến tranh, không có cơ hội học hành nhiều. Nhưng câu ca dao, tục ngữ nào ngoại cũng biết. Tôi thích nhất là nghe ngoại đọc những câu ca dao, tục ngữ ấy rồi nghe ngoại giảng giải, cắt nghĩa. Đối với tôi, khi ấy ngoại giống như một kho báu chứa đầy những điều kỳ diệu.
Tôi vẫn còn nhớ như in những đêm hè lồng lộng gió, ngoại ôm tôi trên chiếc võng đung đưa kẽo kẹt, kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích. Giọng ngoại trầm trầm, ấm ấm, thì thầm như tiếng gọi của ngày xửa, ngày xưa. Những lần tôi ngã bệnh, ngoại thao thức trọn cả đên dài, túc trực chăm nom tôi từng li từng tí.
Đến khi tôi học lớp 2, bố mẹ ổn định công việc nên đón tôi đến thành phố. Tôi rời xa làng quê yên bình, rời xa ngoại để đến với chốn phồn hoa, đô hội. Quê ngoại cách thành phố tôi sinh sống quá xa cộng thêm công việc của bố mẹ bận rộn, một năm tôi chỉ được về quê thăm ngoại vào dịp Tết Nguyên Đán. Những lần như vậy, ngoại sẽ đón tôi ngay từ cổng làng, tự tay chuẩn bị rất nhiều món ăn, món bánh ngon. Có thức quà nào ở quê ngoại cũng không quên phần cô cháu gái nhỏ. Năm lớp 4, tôi bị viêm ruột thừa cấp tính phải nhập viện. Ngay khi nghe tin, ngoại lặn lội trong đêm khuya, tự mình bắt xe lên thành phố làm mọi người hốt hoảng một phen. Bố mẹ và các cô chú, dì út tôi khuyên thế nào ngoại cũng không về. Tôi nhập viện bao nhiêu ngày là bấy nhiêu ngày ngoại thức khuya dậy sớm chăm sóc. Các bạn cùng phòng bệnh ai cũng ngưỡng mộ tôi có bà ngoại thương yêu như vậy.
Hai năm nay, bố mẹ luôn bận việc quanh năm, ngay cả Tết cũng không rảnh để đưa tôi về thăm ngoại. Sức khỏe ngoại không tốt như ngày trước, không thể chịu đựng chuyến đi đường dài. Có những lần tôi nhớ ngoại, khóc nức nở. Sau đó, dì út nghĩ ra cách lấy điện thoại thông minh gọi có hình ảnh, tôi mới được nhìn thấy ngoại qua màn hình. Mỗi lần tôi không kìm được khóc lóc sụt sùi, ngoại lại hiền từ dỗ dành, hứa khi ngoại khỏe hơn sẽ nhanh chóng lên thành phố chơi với tôi. Nhưng tôi biết, ngoại ngày càng yếu hơn.
Hai năm không được gặp, không được ngoại ôm và vỗ về mái tóc, tôi rất nhớ cảm giác hạnh phúc ấy. Tôi âm thầm quyết tâm sẽ năn nỉ bố mẹ cho về quê thăm ngoại – người thân mà tôi yêu quý, trân trọng vô cùng.
Bài văn kể về người thân đã lâu mà em không gặp hay nhất - Bài 2
Giấc mơ là những gì bạn mong ước, nhớ nhung rồi đêm nằm mộng thành sự thật. Và rồi đến một ngày tôi chợt mơ thấy bà, người mà luôn yêu thương cưng chiều tôi hết mực.
Nội tôi đã qua đời được ba năm, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chỉ muốn tin rằng bà chỉ là đã đi đâu đó xa lắm chứ không muốn tin rằng bà mãi mãi rời xa thế gian này. Người ta vẫn hay nói, nếu lòng luôn nghĩ về một người nào đó, trong mơ sẽ gặp được người. Trong mơ, tôi chỉ nhớ rằng mình xuất hiện trong ngôi nhà cũ của bà ở quê, có một mảnh vườn nhỏ cây trái um tùm. Tôi cứ bất giác bước đi theo linh tính qua làn sương mờ đi tiếp vào vườn và như muốn tìm lại tuổi thơ khi tôi chơi đùa ở đây ngày còn bé nhỏ ngây thơ.
Sương mù giăng bao trùm lấy tôi, cảnh vật chợt mò dần. Tôi hoảng hốt. . Trong màn sương mù ảo ảnh, đôi chân tôi cứ cất bước và chợt sững lại khi thoáng thấy hình ảnh quen thuộc. Bên gốc cây dừa, hình dáng quen thân thương hiện ra khiến cho trái tim tôi vỡ òa vì vui sướng, đó là bà nội. Vẫn y như ngày nào, bà ngồi dưới gốc dừa khoan thai độ lượng như một bà tiên với giỏ len đan trên tay. Mái tóc bạc phơ của bà càng khiến cho tôi liên tưởng đến những câu chuyện cổ tích mà trước kia bà hay kể. Như chừng thấy tôi, bà ngẩng lên, nở một nụ cười hiền từ như một vị thánh, bà dang hai tay ra như chờ đón tôi vào lòng. Trong lòng tôi bấy giờ chẳng còn điều gì ngoài khao khát được vỗ về chở che của một đứa cháu xa cách bà kính yêu của mình đã lâu. Tôi liền chạy nhanh tới ôm chầm lấy bà để bà che chở, vuốt ve với những dòng nước mắt hạnh phúc. Thấy tôi xúc động, bà vuốt mái tóc tôi:
- Cháu ngoan, đừng khóc, bà về rồi đây mà.
Nghe được những lời này, tôi lại càng khó kìm chế trái tim xúc động của mình nhưng rồi cũng quệt nước mắt, ngẩng đầu nhìn bà và cười trong niềm hạnh phúc lấp lánh. Bà vẫn y như ngày còn ở với tôi, hay thích đan len bên gốc dừa và quàng chiếc khăn màu nâu sáng. Vậy là trong lòng bà, bà hỏi tôi về chuyện học tập, về cha, về mẹ, rồi bà lại dặn tôi phải học hành chăm chỉ, nghe lời bố mẹ, lớn lên nhất định phải thành người tốt, nhưng tôi chỉ trả lời qua loa rồi cứ thế cuộn mình trong vòng tay yêu thương của bà mà tận hưởng sự hạnh phúc. Bà ôm tôi thật chặt, âu yếm vuốt ve, hôn vào má, vào trán vào tóc tôi như những ngày tôi còn thơ dại. Chợt tôi nhớ đến những tháng ngày trước đây, bà hay kể chuyện cho tôi nghe và tôi muốn nghe lại giọng kể ấy:
- Bà ơi, bà kể chuyện cháu nghe, bà nhé.
Đáp lại tôi, bà nở một nụ cười đẹp như bà tiên rồi giọng bà vang lên trong không gian huyền bí của sương mờ và khói bay. Vẫn là giọng kể truyền cảm ngày nào, giống cái ngày còn bé, đã đưa tôi vào những giấc mơ đẹp nhất. Câu chuyện mà bà kể tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần nhưng đều không thấy chán, và đặc biệt ngay lúc này đây, tôi còn thấy cả sự thiêng liêng diệu kì trong từng nhịp ngắt của bà, bà ơi, ước gì cháu được mãi nghe bà kể những câu chuyện như vậy trước khi đi vào giấc ngủ!
Nhưng chưa kịp nghe hết câu chuyện, giọng kể của bà đã đưa tôi về với hiện tại, tôi choàng tỉnh do tiếng chuông đồng hồ báo thức và tôi nhận ra đó chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ đẹp tuyệt vời vì tôi được gặp bà nội.
Bà là người mà tôi thương nhất. Giấc mơ làm tôi thêm nhớ bà nhưng cũng đem lại cho tôi động lực trong cuộc sống vì lời hứa với bà sẽ chăm ngoan học giỏi để trở thành người có ích. Và tôi mong mình có thể có thêm nhiều giấc mơ đẹp như vậy nữa!
Bài văn kể về người thân đã lâu mà em không gặp hay nhất - Bài 5
Một năm mới lại về rồi, mẹ à! "Tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm và nghĩ về người mẹ kính yêu. Đã 3 năm kể từ ngày mẹ đi sang nước ngoài rồi. Nhớ lại hồi mẹ còn ở đây, mẹ đều đưa tôi đi chợ hoa và mua sắm vào những ngày năm mới gần kề thế này. Tôi cứ ngồi suy nghĩ mông lung rồi chìm vào giấc ngủ.
"Hồng ơi!", tôi nghe thấy có tiếng gọi từ đằng xa. Tôi quay lại thì thấy mình đang đứng giữa khu công viên mà ngày tôi còn bé mẹ thường dắt tôi đến đây chơi. Từ xa bước lại phía tôi là một bóng người mà tôi cảm thấy vừa thân quen, vừa lạ lẫm. "Phải chăng là mẹ?" -Tôi thầm nghĩ bụng. Tôi chạy lại gần để nhìn cho rõ. Ồ! Đúng là mẹ rồi. Lòng tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Không kìm nổi xúc động, tôi gọi thật to: "Mẹ,mẹ ơi!" rồi tôi chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Mẹ cũng dang rộng đôi vòng tay bé nhỏ của mình để ôm tôi.
Mẹ nghẹn ngào nói:
"Hồng! Con của mẹ!"
Tôi òa khóc trong giây phút được gặp lại người mẹ kính yêu đã xa cách bao ngày. Đến bây giờ tôi mới có dịp nhìn kĩ mẹ hơn. Mái tóc của mẹ đã điểm vài sợi bạc. Những nếp nhăn của tháng ngày vất vả khó khăn bên xứ người hằn lên bên khóe mắt của mẹ. Chỉ có một điều ở mẹ mà tôi thấy không hề thay đổi, đó chính là nụ cười.
Nụ cười của mẹ vẫn thật hiền dịu và đem lại cho tôi cảm giác yên bình, hạnh phúc. Đang mải ngắm nhìn người mẹ hiền dịu đã xa cách bao ngày thì giọng mẹ vang lên khiến tôi hơi giật mình:
-Mẹ con mình ra ghế đá kia tâm sự đi. Lâu lắm rồi mẹ con mình không được nói chuyện với nhau.
Tôi gật đầu:
-Vâng ạ!
Tôi và mẹ ra hàng ghế đá thân thuộc ngày nào.Mẹ vuốt nhẹ lên mái tóc tôi và hỏi:
-Dạo này gia đình mình thế nào hả con?
Tôi liền trả lời:
-Mọi người vẫn khỏe mẹ à!
Ông ngoại thì thỉnh thoảng bị thấp khớp. Còn các bác thì vẫn đi làm đều. Mọi người vẫn nhắc tới mẹ luôn đấy ạ. Ai cũng nhớ mẹ nhiều lắm.
Mẹ mỉm cười hiền dịu:
-Ừ! Vậy việc học của con bây giờ sao rồi?
Con vẫn giữ ước mơ về sau trở thành phóng viên chứ?
Tôi nhanh nhảu trả lời:
- Việc học năm nay của con mệt và vất vả hơn những năm trước nhiều. Vì là năm cuối cấp nên ngoài học chính ở trên lớp, con còn phải học thêm nhiều để củng cố kiến thức. Và để biến ước mơ được làm phóng viên thành hiện thực, con vẫn đều đặn gửi bài cho báo đấy, mẹ à. Con sẽ không để mẹ và mọi người thất vọng đâu.
Lời nói của mẹ như truyền thêm niềm tin cho tôi:
- Ừ! Mẹ tin ở con.
Phải cố gắng học cho giỏi con nhé. Dù có chuyện vui, buồn gì thì cũng phải tâm sự cho mẹ nghe. Nghe giọng nói ấm áp của mẹ càng làm tôi thêm gần gũi mẹ hơn. Tôi biết rẳng ở phương xa-nơi đất khách quê người kia, mẹ vẫn luôn nhớ về tôi, dõi theo từng bước đi và quan tâm đến từng chuyện buồn vui của tôi. Tất cả những gì tôi làm được hôm nay đều nhờ đến lời động viên của mẹ. Tình yêu thương mà mẹ truyền cho tôi đã giúp tôi có nghị lực vượt qua những chông gai thử thách của đường đời. Tình mẫu tử thật thiêng liêng biết chừng nào! Đã bao lâu nay tôi vắng bóng hình ảnh người mẹ thân yêu mà giờ đây lại được ở bên cạnh mẹ, thật hạnh phúc làm sao! Tôi thầm nghĩ: "Mẹ à! Bây giờ mẹ con mình lại ở bên nhau rồi. Đừng rời xa con nữa, mẹ nhé..." Thế rồi tôi lại chìm vào những suy nghĩ, vào niềm sung sướng, hân hoan đang tràn ngập trong lòng. Rồi mọi vật bỗng trở nên nhạt dần, nhạt dần...
"Hồng ơi! Dậy đi em sao lại ngủ gật thế kia? Sắp sang năm mới rồi kìa. Em có dậy xem pháo hoa cùng gia đình không?" Tôi dụi mắt, thấy chiếc đồng hồ đã sắp chỉ sang số 12. Tôi ngơ ngác nhìn quanh thì mới biết đó là một giấc mơ. Ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm, pháo hoa sáng rực trời, một năm mới nữa lại đến rồi. Tôi thầm nhủ với trời đêm, với nàng tiên mùa xuân để mong nàng tiên mùa xuân gửi lời đến mẹ: "Mẹ ơi! Con nhớ mẹ nhiều lắm. Mẹ hãy sớm trở về với con, mẹ nhé!"
Bài văn kể về người thân đã lâu mà em không gặp hay nhất - Bài 1
Gia đình – hai tiếng ấy thôi mà nghe thân thương quá. Nhắc đến gia đình, người ta nghĩ đến vòng tay yêu thương của mẹ, bờ vai vững chắc của cha, nụ cười hiền từ, nhân hậu của ông bà,...Còn bạn, bạn nghĩ tới những ai? Riêng bản thân tôi, khi nhớ tới gia đình, người mà tôi nghĩ tới đầu tiên lúc này lại là chị gái của tôi – người mà tôi đã lâu không gặp.
Chị gái của tôi tên Mai Trang. Lúc tôi sinh ra chị đã 18 tuổi, năm nay chị đã 30 tuổi, là một người phụ nữ có gia đình và sự nghiệp. 5 năm trước chị đã kết hôn và 2 năm sau đó thì định cư ở Hàn Quốc, chị là một nữ bác sĩ xinh đẹp và tài giỏi. Tôi vẫn còn nhớ lần gần nhất gặp chị là Tết Nguyên Đán khi mình học lớp 5. Vậy là đã 2 năm, chị tôi chưa về Việt Nam. Trong ấn tượng của tôi, chị tôi dong dỏng cao, nước da trắng, thu hút người nhìn bởi khuôn mặt trái xoan thanh tú và nụ cười hết sức thân thiện, gần gũi. Nhiều lần chị bảo, nhờ có nụ cười ấy mà bệnh nhân ai cũng yêu quý chị.
Khi tôi còn nhỏ xíu chị đã là một thiếu nữ xinh đẹp và duyên dáng. Bố mẹ bảo, tôi sinh ra là sự kiện tình cờ và bất ngờ, cũng là niềm vui rất lớn của gia đình. Anh trai và chị đều đã lớn, tôi trở thành viên ngọc quý trong tay cả gia đình. Mẹ bảo chị đặc biệt rất yêu thương và chiều chuộng tôi, tháng nào đi học trên thành phố về cũng dành cả mấy ngày nghỉ để bế bồng tôi đi khắp xóm để khoe em gái. Nhiều thanh niên cùng xóm khi ấy không biết, còn giật mình tưởng chị tôi đã có con, chị tôi khi ấy còn đùa bảo đứa bé còn nhỏ xíu là tôi chính là con gái chị đấy.
Tôi càng lớn càng giống chị, anh trai nhìn tôi ngày càng cao hơn, bảo rằng “Tại sao hai đứa càng ngày càng giống nhau, nhìn em cứ như cái Trang lúc còn bé ý, chẳng đứa nào giống anh là thế nào”. Có lẽ vì vậy mà tôi thường dính lấy chị, lần nào đi học về mà thấy chị ở nhà là tôi vui mừng, nhảy cẫng lên. Tôi có rất nhiều đồ chơi, búp bê từ con bé đến con lớn, xếp đầy trong tủ kính. Tất cả số búp bê đó đều là quà sinh nhật chị Trang tặng, từ khi tôi 1 tuổi đến tận bây giờ. Có lần mẹ kể, năm đại học thứ 2, lần đầu tiên chị đi làm thêm, số tiền ấy việc đầu tiên chị làm là mua một con búp bê thật xinh đẹp mang về cho tôi. Tôi mới hai tuổi mà thấy búp bê cứ ôm mãi không buông, lúc đi ngủ nhất quyết mẹ phải đặt bên cạnh thì mới nhắm mắt ngủ. Con búp bê làm bằng vải, đến bây giờ tôi vẫn hay lấy ra xem.
Khi tôi bắt đầu hiểu chuyện thì chị đang bận bịu với công việc thực tập của sinh viên y năm cuối và tìm kiếm công việc nên ít khi về nhà, nhưng gần như tuần nào chị cũng phải gọi điện về, hỏi thăm tôi thì mới yên tâm, quà sinh nhật, quà tết Trung thu, chị chưa bao giờ quên. Bạn cùng lớp ai cũng ngưỡng mộ tôi có chị gái xinh đẹp, tài giỏi mà tâm lý. Ngày chị đi lấy chồng, tôi cứ khóc mãi, mếu máo bảo không cho chị đi lấy chồng đâu, bố mẹ phải dỗ mãi, hứa hẹn chị đi lấy chồng còn về thường xuyên thì tôi mới lau nước mắt, nhìn chị mặc váy cô dâu lộng lẫy lên xe hoa.
Chị trở thành một bác sĩ ở bệnh viện lớn, rồi kết hôn 2 năm thì chuyển công tác và theo chồng sang Hàn Quốc định cư. Biết tin ấy, bố mẹ tôi vừa buồn vừa vui, dù sao ở nước ngoài cũng xa xôi. Trước khi đi, chị bế cả con trai mới ba tháng tuổi đến, đưa cho mẹ tôi rồi ôm tôi như hồi còn bé, thủ thỉ “Chị Trang đi ra nước ngoài rồi hàng năm lại về thăm em, mua cho em nhiều búp bê nữa nhé! ở nhà phải nghe lời bố mẹ và anh trai, khi nào nhớ chị thì gọi điện này, đợi lớn thêm nữa rồi chị xin bố mẹ cho em sang đó nghỉ hè nha”. Sau đó, anh chị đi. Năm đầu tiên chị về Việt Nam hai lần, 1 lần Trung thu và 1 lần Tết Nguyên Đán, giữ lời hứa mua cho tôi nhiều đồ lắm. Nhưng hai năm vừa rồi, công việc của chị bận rộn hơn, lại có thêm một bé gái nên không thể về nước, chị bảo Tết năm nay chị nhất định sẽ về.
Thỉnh thoảng, chị vẫn gọi điện cho mẹ, nói chuyện với tôi và gửi quà về đúng ngày sinh nhật. Nghe giọng nói nhẹ nhàng của chị ở đầu dây bên kia, tôi chợt nhớ chị và mong gặp chị hơn bao giờ hết. Chị là người chị gái yêu quý của tôi, người mà nâng niu, chiều chuồng tôi giống như con gái của mình. Tôi rất mong đến ngày được gặp lại và ôm lấy chị.