Top 8 Bệnh lý về thận thường gặp nhất

Thận là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể, giúp duy trì hoạt động hàng ngày của mỗi người. Thận đảm nhận nhiều nhiệm vụ giúp cơ thể duy trì sự sống như: lọc máu, duy trì cân bằng muối và điện giải trong máu, điều chỉnh huyết áp,... Khi thận gặp vấn đề, việc trao đổi chất trong cơ thể sẽ mất cân bằng và sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau đây hãy cùng Toplist tìm hiểu về những căn bệnh mà thận thường phải đối mặt nhé.

Hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư còn được gọi là thận nhiễm mỡ là tình trạng thận hư thận yếu, gây viêm phù, nước tiểu có protein, máu giảm protein và tăng mỡ.

Triệu chứng của hội chứng thận hư

  • Tình trạng tích nước, phù toàn thân, đầu tiên là ở mặt. Tình trạng phù xuất hiện nhiều vào buổi sáng lúc thức dậy với đặc điểm là phù mềm, trắng, ấn lõm, không đau và đối xứng hai bên. Nếu bệnh nhân thì bệnh nhân có thể bị tràn dịch đa màng dẫn tới khó thở.
  • Bệnh nhân tiểu ít, dưới 500ml/ngày. Xuất hiện bọt trong nước tiểu do nồng độ protein quá lớn.
  • Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, kém ăn, ăn không ngon, da xanh xao do protein trong máu thấp.
  • Khi thực hiện xét nghiệm thấy: Protein trong máu thấp (giảm dưới 60 g/l), protein trong nước tiểu ở mức cao (trên 3,5 g/24h), xuất hiện hạt hoặc trụ mỡ trong nước tiểu, lipid và cholesterol trong máu tăng.

Nguyên nhân gây thận hư

  • Thận hư nguyên phát do tổn thương ở cầu thận làm suy giảm chức năng thận.
  • Thận hư thứ phát - thận hư nhiễm mỡ do các bệnh hệ thống như tiểu đường, lupus ban đỏ, rối loạn hệ miễn dịch dẫn đến viêm mạch máu, nhiễm trùng và tác động của một số loại thuốc điều trị ung thư.

Hội chứng thận hư bản chất là một bệnh mạn tính, diễn biến đột ngột theo từng đợt. Việc điều trị sẽ giúp làm thuyên giảm bệnh hoàn toàn.

Tuy nhiên, do bản chất là bệnh thường tái phát, do đó phải theo dõi điều trị lâu dài trong nhiều năm và bệnh nhân nên tuân thủ theo chế độ điều trị đã vạch ra. Mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, kéo dài thời gian lui bệnh và làm chậm quá trình tổn thương thận.


Việc điều trị bệnh bao gồm tập trung vào các triệu chứng hoặc biến chứng, theo dõi cơ chế bệnh sinh để có hướng xử lý phù hợp.


Điều trị đặc hiệu: Sử dụng liệu pháp corticoid

  • Với đợt phát bệnh đầu tiên, trong giai đoạn tấn công, sử dụng prednisolon (nhóm corticoid).
  • Nếu bệnh nhân đáp ứng điều trị (xét nghiệm nước tiểu 24 giờ không thấy protein niệu, hoặc nếu còn thì chỉ ở dạng vết) thì tiếp tục điều trị với prednisolon cách ngày trong vòng 4 đến 6 tuần, sau đó giảm dần liều dùng.
  • Các thuốc ức chế miễn dịch được dùng trong trường hợp điều trị hội chứng thận hư hay tái phát, phụ thuộc, kháng thuốc hoặc có biểu hiện ngộ độc với corticoid.

Điều trị triệu chứng

  • Trong giai đoạn đầu, khi bệnh nhân bị hội chứng thận hư chưa đáp ứng với điều trị.
  • Giảm phù: Trong giai đoạn phù nặng, bệnh nhân cần chú ý ăn nhạt tuyệt đối. Giai đoạn phù ít thì chỉ cần ăn nhạt một cách tương đối, trung bình mỗi ngày một người bình thường ăn khoảng 4g đến 6g Natri, tương đương với khoảng 15 g muối (cỡ 3 muỗng cà phê).
  • Dùng thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Kiểm soát huyết áp: Việc giảm huyết áp trung bình hoặc ít nhất là giảm huyết áp tâm thu có tác dụng bảo vệ thận.
  • Sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.
  • Các thuốc khác, bao gồm: Vitamin D2, canxi, các yếu tố vi lượng... nhằm hạn chế tác dụng phụ của corticoid và hậu quả do protein niệu.
  • Ngoài ra, trong quá trình điều trị hội chứng thận hư, một số xét nghiệm cần thiết phải thực hiện, bao gồm đo nước tiểu 24 giờ, đo cân nặng, huyết áp, thân nhiệt, xét nghiệm protein niệu 24 giờ, đo ure máu, creatinin huyết, xét nghiệm công thức máu.
    Biến chứng của thận hư
    Biến chứng của thận hư
    Hội chứng thận hư

    Ung thư thận

    Ung thư thận là một loại ung thư khởi phát từ các tế bào, hình thành một khối u trong thận.


    Hai loại phổ biến nhất của ung thư thận là ung thư biểu mô tế bào thận (RCC - chiếm tới hơn 90%) và ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (TCC) của bể thận. Ung thư tế bào thận đứng hàng thứ 2 trong các bệnh ác tính hệ tiết niệu và chiếm 1-2% toàn bộ các loại ung thư ở người lớn. Bệnh thường xuất hiện ở người lớn trên 40 tuổi, với tỉ lệ nam gấp 2 lần so với nữ giới.


    Ung thư thận được xếp vào nhóm những bệnh ung thư khó chữa trị nhất hiện nay, do đó chúng ta nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ mắc bệnh như: không hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia, tăng cường vận động cơ thể thông qua các bài tập thể dục nhẹ nhàng kết hợp chế độ ăn uống cân bằng dưỡng chất, tăng cường rau xanh, trái cây và sử dụng thêm các loại thảo dược tốt cho thận.


    Triệu chứng lâm sàng của bệnh

    • Đái máu. Là triệu chứng thường gặp (80% trường hợp). Đái máu với đặc điểm: thường là đại thể, toàn bãi, không có máu cục, đái máu vô chứng, vô cớ. Một số trường hợp có thể đái máu vi thể hoặc đái máu nhiều, có máu cục, cũng có thể có cơn đau quặn thận.
    • Đau vùng thắt lưng. Với tính chất đau âm ỉ, do u phát triển to ra làm căng bao thận. Một số trường hợp có thể có cơn đau quặn thận do máu cục làm tắc nghẽn đường niệu.
    • Sờ thấy khối u vùng thắt lưng
    • Các triệu chứng khác: Có thể phát hiện giãn tĩnh mạch tinh cùng bên với u thận, sốt kéo dài dai dẳng do hoại tử trong thận hay các chất sinh nhiệt của ung thư tế bào thận; Đa hồng cầu, kèm theo đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, ngứa tê các chi, rối loạn thị giác; tình trạng toàn thân giảm sút nhanh chóng, chán ăn, suy nhược, thiếu máu, sốt nhẹ, tốc độ máu lắng tăng; gan to, nhẵn, không đau, kèm theo phosphatase kiềm tăng, tỷ lệ prothrombin giảm, albumin máu giảm (hội chứng Stauffer); tăng huyết áp do u tiết nhiều renin hay do chèn ép động mạch thận.

    Phân loại ung thư thận

    Phân loại giai đoạn khối u thận dựa trên sự lan rộng của khối u và các hạch bạch huyết (TNM). Bác sĩ tiết niệu đánh giá kích thước và sự xâm lấn của khối u (T) và xác định mức độ tiến triển dựa trên 4 giai đoạn. Các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng (N) hoặc ung thư đã lan sang bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể (M) cũng được kiểm tra. Nếu khối u thận di căn, chúng thường lan đến phổi, hoặc đến xương hoặc não.

    Phân loại khối u

    Bên cạnh giai đoạn, phân loại của khối u thận là quan trọng. Loại khối u được xác định bởi nhà nghiên cứu bệnh học và quy trình này được gọi là phân tích mô bệnh học. Chuyên gia bệnh học sẽ xem dưới kính hiển vi mô khối u được lấy trong sinh thiết hoặc sau phẫu thuật.

    • Khối u thận có nhiều loại khác nhau, thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào thận. Trong số này, hầu hết là loại ung thư biểu mô tế bào sáng.
    • Nang thận. Một vài khối u trong thận không phải dạng đặc mà là nang thận, đây là những túi chứa đầy dịch trong thận và dễ dàng nhận ra trên phim chụp CT. Nếu là nang thận có khả năng ác tính, những nang này cần được loại bỏ bằng phẫu thuật.

    Phân loại Fuhrman
    Thành phần thứ ba của phân loại là đánh giá mức độ ác tính của các tế bào khối u. Phân loại nhân Fuhrman là hệ thống được sử dụng phổ biến nhất để xác định điều này. Có 4 nhóm theo phân loại Fuhrman.

    Điều trị ung thư thận

    Nếu bệnh nhân có chẩn đoán ung thư thận khu trú, bác sĩ của có thể khuyên nên điều trị ung thư bằng các phương pháp sau:

    • Cắt bỏ một phần thận
    • Cắt thận triệt căn
    • Theo dõi chủ động
    • Hủy u bằng sóng vô tuyến hoặc áp lạnh.

    Tùy theo giao đoạn phát triển của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các loại phẫu thuật như sau:

    • Ung thư thận giai đoạn sớm (1, 2): Phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn bộ thận, có thể cắt tuyến thượng thận. Bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng kỹ thuật điều trị xâm lấn tối thiểu bằng nhiệt để tiêu diệt khối u.
    • Ung thư thận giai đoạn 3: Phẫu thuật cắt bỏ khối u thần kèm điều trị toàn thân bổ trợ. Nếu có thể sẽ cắt khối u di căn xa để giảm triệu chứng khó chịu.
    • Ung thư thận giai đoạn cuối: Điều trị phẫu thuật giải phóng chèn ép nếu có, xạ trị giảm đau và chống chèn ép, giảm đau, điều trị đích và điều trị miễn dịch.
    Các giai đoạn ung thư thận
    Các giai đoạn ung thư thận
    Bệnh ung thư thận

    Sỏi thận

    Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận, bệnh xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản... thành những tinh thể rắn, hay gặp hơn cả là tinh thể Calcite. Kích thước của sỏi có thể lên tới vài cm.

    Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao. Khi có một trong hai hoặc cả hai hiện tượng trên kéo dài trong nhiều ngày sẽ có nguy cơ hình thành sỏi thận.

    Đối với sỏi thận có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, những viên sỏi lớn khi di chuyển trong thận, niệu quản, bàng quang... gây cọ xát dẫn tới tổn thương thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu để lại những hậu quả rất khôn lường.


    Triệu chứng bệnh sỏi thận

    Bệnh sỏi thận có diễn biến âm thầm và biểu hiện cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, khi thấy xuất hiện cơn đau quanh vùng rốn hay có 1 trong những dấu hiệu sau, hãy nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

    • Đau lưng, đau vùng mạn sườn dưới
    • Đau khi đi tiểu, tiểu ra máu, tiểu dắt, tiểu són
    • Cảm giác buồn nôn và nôn
    • Hay sốt và cảm giác ớn lạnh.

    Nguyên nhân gây sỏi thận

    • Dùng thuốc tùy tiện, lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài
    • Thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ
    • Thói quen uống ít nước, không đủ nước cho thận lọc và đào thải chất khoáng ra ngoài
    • Mất ngủ kéo dài khiến mô thận không được tái tạo, tổn thương nặng hơn, dễ dẫn tới sỏi thận
    • Nhịn ăn sáng khiến dịch mật tích tụ trong túi mật và đường ruột, dẫn tới sỏi thận
    • Nhịn tiểu khiến các chất khoáng không được đào thải, lắng đọng trong thận gây sỏi thận.

    Điều trị bệnh sỏi thận

    Điều trị ngoại khoa

    • Các bác sĩ sẽ cân nhắc tới hướng điều trị ngoại khoa, lấy sỏi ra ngoài, khi kích thước sỏi quá lớn gây ra những tổn thương và biến chứng nghiêm trọng, cần được cấp cứu tức thời.
    • Hiện nay có rất nhiều phương pháp hiện đại được sử dụng, ưu tiên là các phẫu thuật ít xâm lấn như: Nội soi tán sỏi qua da mà không cần mổ, tán sỏi nội soi, mổ nội soi...

    Điều trị nội khoa

    • Đối với kích thước viên sỏi nhỏ hoặc giai đoạn đầu của bệnh sỏi thận, các bác sĩ có thể cân nhắc tới hướng điều trị nội khoa.
    • Mục đích chính của điều trị nội khoa là hỗ trợ, tạo điều kiện để bệnh nhân đái ra sỏi. Đây được xem như là phương pháp khá an toàn, phù hợp với đại đa số người bệnh và còn đem lại sự hiệu quả trong điều trị.
    • Để đạt được điều đó cần phải có sự kết hợp các giữa yêu cầu khi sử dụng thuốc như: Tăng khả năng bào mòn sỏi, rút ngắn thời gian điều trị. Tăng lượng nước tiểu qua thận để giúp đưa sỏi ra ngoài dễ dàng hơn. Chống viêm, chống nhiễm khuẩn, ngăn ngừa biến chứng.

    Cách phòng ngừa bệnh sỏi thận

    • Nên uống đủ lượng nước trong 1 ngày (2-3 lít nước/ngày).
    • Nước chanh là 1 sự lựa chọn tốt vì có thể giúp phòng ngừa sỏi axit uric cũng như oxalat canxi.
    • Sử dụng caffeine 1 cách hợp lý.
    • Hạn chế các sản phẩm làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận như soda, trà đá, dâu tây, các loại hạt...
    • Thực hiện ăn nhạt, cắt giảm lượng muối.
    • Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol.
    • Duy trì khối lượng cơ thể hợp lý.
    Sỏi thận
    Sỏi thận
    Bệnh sỏi thận

    Viêm ống thận cấp

    Viêm ống thận cấp hay còn gọi là viêm kẽ thận cấp, hoại tử ống thận cấp, là tình trạng bệnh lý các liên bào ống thận bị tổn thương, hoại tử. Viêm ống thận cấp là nguyên nhân gây suy thận cấp, nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong.


    Dấu hiệu bị viêm ống thận cấp

    Viêm ống thận cấp là biểu hiện của suy thận cấp, trong một vài trường hợp do ngộ độc có thể đi kèm với viêm gan cấp.

    Tùy vào từng giai đoạn, dấu hiệu bệnh khác nhau. Viêm ống thận cấp tiến triển qua 5 giai đoạn cụ thể sau:

    • Giai đoạn mới nhiễm: Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, thời gian của giai đoạn sẽ khác nhau. Nếu do sốc, xuất huyết, bệnh xuất hiện đột ngột và cấp tính, nếu do ngộ độc thì thời gian sẽ chậm và kéo dài.
    • Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu ban đầu: Giai đoạn này thường xuất hiện trong khoảng 1 - 3 ngày. Ở giai đoạn này, người bệnh có các dấu hiệu của tình trạng ứ dịch ngoại bào như tăng cân, khó thở, thở gắng sức, phù ngoại biên. Sau các dấu hiệu này là biểu hiện rối loạn tiêu hóa, xuất huyết dưới da.
    • Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu thật sự: Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn ban đầu, bệnh nhân viêm ống thận cấp bắt đầu chuyển sang thiểu niệu hoặc vô niệu thật sự. Ngoài ra còn có các dấu hiệu điển hình của hội chứng tăng ure máu. Thời gian tiến triển của giai đoạn này trong khoảng 7 - 21 ngày.
    • Giai đoạn tiểu nhiều: Giai đoạn này có thể xuất hiện sớm hơn hoặc vào tuần thứ ba của dấu hiệu vô niệu. Dấu hiệu giai đoạn này là bệnh nhân bắt đầu có lượng nước tiểu nhiều, tăng lên dần dần.
    • Giai đoạn phục hồi chức năng thận: Chức năng thận của bệnh nhân phục hồi với các chỉ số ure, creatinin đạt mức bình thường.

    Trong quá trình tiến triển, viêm ống thận cấp có thể gây ra một số biến chứng toàn thân như: Phù não, co giật, phù phổi cấp, trụy tim mạch.

    Tuy nhiên, một số trường hợp khác lại gặp biến chứng ở ống thận với từng mức độ khác nhau, do tổn thương ở những đoạn khác nhau. Biến chứng nhẹ có thể gặp là dẹt, giãn liên bào ống thận, đặc biệt là ở ống lượn xa, hoại tử liên bào ống thận, hoại tử tế bào ống thận mất nguyên sinh chất và nhân. Biến chứng nặng có thể gặp là hoại tử hoặc đứt từng đoạn ống thận.


    Chẩn đoán xác định dựa vào các biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm urê, créatinin, kali máu tăng dần. Tuy nhiên, để phân biệt suy thận cấp do viêm ống thận cấp là suy thận cấp thực thể với suy thận cấp chức năng do các nguyên nhân khác. Ngoài ra, các xét nghiệm khác cũng được các bác sĩ chỉ định để xác định phân biệt giữa viêm ống thận cấp với các bệnh lý khác như viêm cầu thận cấp, sỏi tắc niệu quản.


    Về điều trị, bao gồm điều trị triệu chứng, biến chứng của viêm ống thận cấp (tùy thuộc vào giai đoạn của viêm ống thận cấp để áp dụng cụ thể) và điều trị nguyên nhân. Nếu được điều trị sớm và hợp lý diễn biến của bệnh nói chung là tốt. Phương pháp lọc máu ngoài thận đã giảm tỷ lệ tử vong xuống rất nhiều.

    Nếu tiến triển tốt, bệnh nhân khỏi hẳn không để lại di chứng. Tuy nhiên, chức năng thận phục hồi chậm trong vài tháng.


    Khi mắc bệnh, ngoài điều trị tuân thủ ý kiến của thầy thuốc thì bệnh nhân cần cố gắng ăn nhiều hơn.

    • Thông thường ăn đồ lỏng như: uống bột dinh dưỡng, bột protein..., tìm những sản phẩm cung cấp calo và protein, natri, kali và phốt pho.
    • Bệnh nhân cần ăn ít đạm và nhiều chất có năng lượng bằng glucid và lipid. Không ăn thức ăn nhiều kali như rau, quả.
    • Hạn chế muối và nước, ngày chỉ dùng 500 - 700ml nước.
    Viêm ống thận cấp
    Viêm ống thận cấp
    Viêm ống thận cấp

    Viêm cầu thận

    Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, bao gồm viêm ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận. Viêm cầu thận gây ra các biểu hiện như phù, tăng huyết áp, thiếu máu, thay đổi thành phần nước tiểu,... Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới suy thận, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, thậm chí gây tử vong.


    Viêm cầu thận chia thành 2 thể, mỗi thể lâm sàng lại có nguyên nhân và đặc điểm lâm sàng khác nhau.

    • Viêm cầu thận cấp là tình trạng viêm cấp tính tại cầu thận. Bệnh xuất hiện sau nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A do nhiễm khuẩn ngoài da hay sau viêm họng. Là bệnh lý phức hợp miễn dịch phần lớn hồi phục hoàn toàn sau 4-6 tuần.
    • Còn viêm cầu thận mạn là tình trạng viêm mạn tính tại cầu thận, bệnh tiến triển qua nhiều tháng, nhiều năm dẫn đến xơ teo cả 2 thận, không hồi phục được kể cả khi đã điều trị tích cực. Bệnh diễn biến thành từng đợt cấp và sau cùng trở thành suy thận mạn tính không hồi phục được. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau.

    Triệu chứng bệnh viêm cầu thận

    • Phù mặt, 2 chân, chủ yếu phù vào buổi sáng, chiều giảm phù
    • Tăng huyết áp, xuất hiện thường xuyên trong giai đoạn cấp, xuất hiện thỉnh thoảng với viêm cầu thận mạn. Tăng huyết áp kéo dài gây tổn thương đáy mắt, suy tim hoặc tai biến mạch máu não.
    • Tiểu ra máu đại thể, nước tiểu có màu như nước rửa thịt, không đông. Mỗi ngày tiểu ra máu 1 - 2 lần, không thường xuyên, sau số lần tiểu ra máu thưa dần, 3 - 4 ngày bị một lần rồi hết hẳn.
    • Biến đổi nước tiểu như thiểu niệu hoặc vô niệu
    • Suy tim, sốt nhẹ 37,5 - 38,5°C, đau vùng thắt lưng âm ỉ hoặc dữ dội, đau bụng, trướng bụng nhẹ, buồn nôn, đi lỏng, thiếu máu.

    Viêm cầu thận do các nguyên nhân sau:

    • Viêm họng hay nhiễm khuẩn ngoài da do liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A ở một số type gây viêm cầu thận cấp tính. Một số type hay gặp là: type 4,12,13,25,31,49.
    • Lupus ban đỏ hệ thống: kháng thể trong đó có thể tấn công các mô thận và làm hỏng chức năng thận.
    • Đái tháo đường: đường huyết không được kiểm soát dẫn đến các biến chứng như gây tổn thương lớn đến thận.
    • Bệnh Berger (bệnh thận do IgA: tình trạng kháng thể IgA tích lũy trong mô thận gây tổn thương mô)
    • Xơ hóa cầu thận khu trú: các sẹo của mô thận ảnh hưởng đến chức năng và gây ra hội chứng thận hư.
    • Tăng huyết áp không kiểm soát
    • Một số thuốc, hóa chất
    • Nguyên nhân khác: viêm mao mạch dị ứng Henoch- Scholein, viêm mạch nhỏ dạng nút, viêm cầu thận trong bệnh osler, hội chứng Goodpasture,...

    Chẩn đoán thể bệnh viêm cầu thận rất quan trọng vì mỗi thể bệnh lại có biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ đó định hướng nguyên nhân, đưa ra chẩn đoán và điều trị phù hợp, đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.

    • Chẩn đoán viêm cầu thận cấp
      Dựa vào tiêu chuẩn sau: Phù, đái ra máu đại thể hoặc vi thể, protein niệu (++), tăng huyết áp, xuất hiện sau nhiễm liên cầu khuẩn vùng họng hoặc ngoài da, ASLO (+); xảy ra ở trẻ em.Tiêu chuẩn bắt buộc là protein niệu và hồng cầu niệu, kết hợp với dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn.
    • Chẩn đoán viêm cầu thận mạn
      Dựa vào 4 triệu chứng chủ yếu: Phù, protein niệu, hồng cầu niệu, tăng huyết áp. Có 2 triệu chứng bắt buộc là protein niệu và hồng cầu niệu.
      Khi chẩn đoán viêm cầu thận mạn tính phải dựa vào điều kiện sau: Gặp ở người trưởng thành (trên, dưới 20 tuổi), không rõ căn nguyên, bệnh kéo dài trên 6 tháng, tăng urê và creatinin.

    Các biện pháp điều trị
    Tùy theo thể lâm sàng viêm cầu thận cấp hay viêm cầu thận mạn mà có hướng điều trị khác nhau. Viêm cầu thận cấp thường tiên lượng tốt hơn có thể khỏi hoàn toàn, tuy nhiên điều trị không hợp lý có thể dẫn đến viêm cầu thận mạn. Viêm cầu thận mạn kéo dài dẫn đến suy thận mạn tính không hồi phục. Vì vậy cần tuân thủ điều trị, hạn chế biến chứng, kéo dài thời gian chuyển thành suy thận mạn tính.

    • Nghỉ ngơi: không lao động quá sức trong 6 tháng đầu, ăn nhạt, tránh nhiễm khuẩn, nhiễm lạnh, theo dõi dài ngày.
    • Điều trị nguyên nhân: Nếu nguyên nhân do nhiễm khuẩn thì việc sử dụng kháng sinh là cần thiết. Dùng kháng sinh ít độc với thận, dùng đường uống là chủ yếu. Đối với nguyên nhân do liên cầu khuẩn kháng sinh thường dùng là penicillin tiêm bắp.
    • Điều trị triệu chứng:
      Phù: dùng thuốc theo chỉ định
      Tăng huyết áp có thể sử dụng các nhóm thuốc như lợi tiểu quai, chẹn kênh canxi, chẹn beta.
      Corticoid liệu pháp và các thuốc ức chế miễn dịch trong viêm cầu thận mạn tính.

    Phòng ngừa bệnh Viêm cầu thận

    • Giải quyết các ổ nhiễm khuẩn, đặc biệt là những nhiễm khuẩn mạn tính vùng họng, cắt amidan hốc mủ, điều trị viêm tai giữa,.. giải quyết tình trạng chốc đầu, những nốt nhiễm khuẩn sưng tấy mủ ngoài da. Nếu do nguyên nhân liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A cần dùng penicillin để điều trị, điều trị dài ngày theo phác đồ.
    • Không làm việc quá sức, tránh nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn
    • Chế độ ăn: ăn giảm muối, tùy mức độ phù và cao huyết áp mà hạn chế nước tùy trường hợp, cân nhắc chế độ ăn hạn chế protein trong trường hợp viêm cầu thận cấp có suy thận.
    • Những người đã bị viêm cầu thận cấp cần được theo dõi thường xuyên ít nhất là 1 năm sau khi xuất viện để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng, ngăn ngừa bệnh trở thành mạn tính.
      Biến chứng của viêm cầu thận
      Biến chứng của viêm cầu thận
      Viêm cầu thận cấp và mạn

      Suy thận

      Suy thận là tình trạng bệnh lý suy giảm chức năng thận bao gồm chức năng lọc máu, đào thải các chất độc hại qua đường tiểu và chức năng sản xuất 1 số hormon.


      Căn cứ vào các chỉ số như albumin, creatinin, ure, protein… qua xét nghiệm nước tiểu bác sĩ sẽ biết được tình trạng bệnh của thận. Bệnh suy thận được chia làm 2 loại chính theo thời gian mắc bệnh:

      • Suy thận cấp: chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có khả năng khôi phục chức năng thận (một phần hoặc thậm chí là hoàn toàn) nếu được điều trị hiệu quả ngay từ đầu.
      • Suy thận mạn: tiến triển trong thời gian dài trên 3 tháng. Lúc này các tế bào thận bị teo và các giải pháp điều trị chỉ tập trung vào kiểm soát bệnh chứ không thể phục hồi chức năng thận.

      Các triệu chứng của suy thận:

      Dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu thường rất ít hoặc không biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh vẫn âm thầm gây tổn thương thận cho dù bạn vẫn đang thấy khỏe.

      • Buồn nôn, nôn ói, chán ăn, mệt mỏi
      • Giảm sút tinh thần, hoa mắt, chóng mặt
      • Rối loạn giấc ngủ
      • Thay đổi khi đi tiểu: ban đêm đi tiểu nhiều hơn, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, màu của nước tiểu nhạt hơn hay đậm hơn bình thường, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn, …
      • Da khô và ngứa.
      • Co giật cơ bắp và chuột rút, đau hông lưng
      • Phù chân, tay, mặt, cổ
      • Đau ngực (nếu có biến chứng tràn dịch màng tim) hoặc khó thở (nếu có biến chứng phù phổi),
      • Hơi thở có mùi hôi.

      Nguyên nhân gây suy thận

      • Suy thận cấp thường do các nguyên nhân: Mất máu do chấn thương, phì đại tuyến tiền liệt, mất nước, tổn thương thận từ nhiễm trùng huyết, tổn thương thận sau khi sử dụng một số loại thuốc hoặc chất độc, biến chứng thai kỳ (sản giật và tiền sản giật).
      • Suy thận mạn: Ảnh hưởng của các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang, viêm ống thận mô kẽ, tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài (do phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận hoặc một số bệnh ung thư), viêm đài bể thận tái phát nhiều lần, trào ngược bàng quang niệu quản (nước tiểu trào ngược lên thận).

      Điều trị bệnh suy thận
      Người suy thận cần tuân thủ chế độ ăn uống riêng: đủ năng lượng và dinh dưỡng nhưng giảm đạm, muối.

      • Điều trị nguyên nhân gây bệnh:
        Tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh, một số loại suy thận có thể được điều trị nhưng đôi khi tổn thương thận vẫn tiếp tục xấu đi dù đã kiểm soát tốt nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, suy thận mạn tính không có thuốc trị khỏi hoàn toàn, chỉ điều trị nhằm giảm triệu chứng, giảm biến chứng và kéo chậm tốc độ phát triển của bệnh
      • Điều trị suy thận giai đoạn cuối (khi chức năng thận giảm xuống còn dưới 50%): các phương pháp điều trị là thẩm phân phúc mạc, chạy thận nhân tạo và ghép thận (bệnh nhân cần uống thuốc suốt đời để giúp cơ thể thích nghi với thận đã được ghép).

      Cách phòng ngừa bệnh suy thận
      Bạn cần thay đổi lối sống để có một cơ thể khỏe mạnh, tránh nguy cơ bị suy thận bằng các cách sau:

      • Giữ huyết áp đúng chỉ định bác sĩ đặt ra. Đối với hầu hết mọi người, mục tiêu huyết áp thường là dưới 140/90 mm Hg.
      • Kiểm soát nồng độ đường và cholesterol trong máu
      • Tập thể dục hàng ngày, duy trì cân nặng lý tưởng
      • Không hút thuốc lá
      • Thay đổi chế độ ăn uống: Uống đủ 1,5 – 2 lít nước trong một ngày, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi. Thực hiện chế độ ăn giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ.
      Bệnh suy thận
      Bệnh suy thận
      Suy thận là gì ?

      Bệnh nang thận

      Nang thận là những khối dịch bất thường ở một hoặc cả hai bên thận, hình tròn, không thông với đài bể thận và chứa dịch trong bên trong. Nó có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng thường xuất hiện ở trẻ em và người trên 50 tuổi. Cũng có trường hợp trẻ sơ sinh bị nang thận nhưng đó là nang bẩm sinh.


      Có ba loại nang thận như sau:

      • Nang đơn độc: đây là nang phổ biến nhất, nằm ở vỏ thận, đa phần lành tính. Nếu kích thước nang lớn sẽ gây đau bên hông tương ứng, chèn ép vào nhu mô thận ảnh hưởng đến chức năng thận. Trường hợp này cần phải mổ để loại bỏ nang.
      • Nhiều nang (ít nhất từ 2 nang trở lên): nó là kết quả của sự tắc nghẽn nhiều đơn vị thận.
      • Đa nang: chủ yếu do di truyền, là kết quả của sự rối loạn cấu trúc khiến cho một phần lớn nhu mô thận bị biến thành nhiều nang có chứa dịch.

      Triệu chứng nang thận

      Hầu hết các trường hợp bị nang thận đều không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi phát hiện ra bệnh hoặc khi đã có biến chứng. Trong trường hợp này, các triệu chứng lâm sàng thường thấy là:

      • Đau hông hoặc sườn là một trong những triệu chứng của người bị nang thận
      • Bị đau ở hông hoặc sườn kèm theo đi tiểu ra máu vì nang lớn và chèn ép vào các cơ quan khác.
      • Rét run, đau, sốt ở những trường hợp bị chảy máu hoặc nhiễm trùng nang. Lúc này cơn đau thường rất dữ dội.
      • Tăng huyết áp khi chèn ép động mạch thận.
      • Thận to, thăm khám lâm sàng có thể sờ thấy được.

      Biến chứng cần thận trọng

      Đa phần các trường hợp bị nang thận là vô hại và không cần chữa trị. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm với các biểu hiện sau:

      • Đau bụng và mạng sườn là do nhiễm khuẩn, chảy máu trong nang hoặc do sỏi thận.
      • Đái máu đại thể thường là do vỡ một nang vào trong bể thận, nhưng cũng có thể do sỏi thận hoặc nhiễm khuẩn.
      • Nhiễm khuẩn tiết niệu: nếu bệnh nhân có đau mạng sườn, sốt, tăng bạch cầu, cần nghĩ đến nhiễm khuẩn nang.
      • Sỏi thận: đến 20% bệnh nhân có sỏi thận, chủ yếu là sỏi calci oxalat.
      • Tăng huyết áp: có đến 50% bệnh nhân có tăng huyết áp khi đến khám lần đầu. Số còn lại cũng sẽ xuất hiện tăng huyết áp trong quá trình diễn biến bệnh.
      • Phình động mạch não: có thể có phình động mạch não ở vòng Willis. Không có chỉ định chụp mạch hoặc chụp cắt lớp sàng lọc, trừ khi bệnh nhân có tiền sử gia đình có người phình động mạch, hoặc sắp phẫu thuật một bệnh gì đó mà có nhiều nguy cơ tăng huyết áp.

      Nguyên nhân gây ra nang thận

      Đến nay nguyên nhân chính xác gây ra nang thận là gì vẫn chưa thể tìm ra nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng cao là do ứ đọng nước tiểu trong thận. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu máu hoặc sự phá hủy cấu trúc của các ống thận cũng có thể gây ra bệnh lý này. Một số trường hợp khác do túi thừa trong ống thận tách ra hình thành nang.


      Những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ bị nang thận:

      • Người trên 50 tuổi.
      • Người có tiền sử với bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
      • Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo.
      • Người sinh trong gia đình có tiền sử với bệnh lý về thận.

      Các biện pháp điều trị
      Hiện nay chưa có biện pháp nội khoa nào ngăn được tiến triển đến suy thận.

      • Nếu nang thận dưới 5 cm và không có triệu chứng thì không cần điều trị. Cần theo dõi định kỳ nang đơn thận bằng siêu âm, xét nghiệm nước tiểu và chức năng thận định kỳ và tránh các va chạm mạnh.
      • Nếu nang thận lớn ( > 5cm ) hoặc gây nên triệu chứng và là nguyên nhân gây chèn ép đài bể thận và niệu quản cần phải can thiệp ngoại khoa.

      Một số biện pháp can thiệp bao gồm:

      • Chọc hút, bơm chất chống làm hóa xơ song tỷ lại tái phát lại khá cao lên đến 70% chỉ sau khoảng thời gian 3 tháng.
      • Mổ hở cắt chóp nang tiêu tốn nhiều thời gian nằm viện mà vết mổ sẽ để lại sẹo và sức khỏe người bệnh chậm phục hồi.
      • Phương pháp điều trị bệnh nang thận hiệu quả nhất hiện nay đó phẫu thuật nội soi để cắt chóp nang. Khắc phục được nhược điểm đem lại hiệu quả và đảm bảo sự an toàn cao nhất.
      • Điều trị biến chứng như chảy máu thì cần nằm nghỉ ngơi dùng các thuốc cầm máu, uống đủ nước 2l/ngày, truyền máu nếu cần thiết. Nếu nhiễm trùng: dùng kháng sinh theo đúng phác đồ.

      Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần lưu ý:

      • Uống nhiều nước (2l/ngày) để tránh tạo sỏi, nếu có tăng calci niệu, nên dùng lợi niệu thiazid. Nên kiềm hóa nước tiểu nếu có nhiễm toan ống thận.
      • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ dinh hoạt và làm việc khoa học.
      • Không sử dụng các chất kích thích như uống rượu bia, hút thuốc lá.
      • Tránh lạnh bởi đây là yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng hơn.
      • Hạn chế vận động quá sức hoặc xảy ra chấn thương ở vùng bụng bởi nó dễ gây nhiễm trùng nang thận và vỡ nang.
      • Kiểm soát huyết áp ổn định.
      • Tránh các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tiết niệu cũng như các loại nhiễm trùng khác.
      Nang thận
      Nang thận
      Bệnh nang thận

      Viêm thận bể thận cấp

      Viêm thận bể thận cấp là nhiễm khuẩn tiết niệu trên, bao gồm tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính các đài thận, bể thận, niệu quản và nhu mô thận. Vi khuẩn đến bể thận và gây viêm theo 2 đường: Ngược dòng từ bàng quang lên niệu quản vào đài bể thận hoặc theo đường máu khi có nhiễm khuẩn huyết.


      Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh:

      • Viêm thận bể thận thường biểu hiện đột ngột với các dấu hiệu và triệu chứng của cả viêm toàn thân bao gồm sốt và sốt cao, người bệnh thường ớn lạnh và khó chịu, thể trạng suy sụp nhanh chóng, môi khô nứt nẻ, lưỡi bẩn...
      • Đau ở vùng sườn lưng một bên hoặc cả hai bên, đau âm ỉ, có những cơn đau dữ dội lan xuống vùng bàng quang và bộ phận sinh dục ngoài.
      • Viêm bàng quang khiến người bệnh đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp và khó tiểu.
      • Chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn, nôn, bụng trướng, cơ thể mệt mỏi.

      Nếu điều trị muộn hoặc không đầy đủ, bệnh sẽ gây biến chứng như hoại tử nhú thận, ứ mủ thận, nhiễm khuẩn huyết, suy thận, tăng huyết áp... những biến chứng này có thể làm bệnh nhân tử vong.


      Nguyên nhân viêm thận bể thận cấp

      • Nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn gây nên theo đường ngược dòng từ bàng quang lên niệu quản rồi đến đài bể thận, hoặc do đường máu đưa đến khi có nhiễm trùng huyết.
      • Vi khuẩn gây bệnh viêm thận bể thận cấp thường gặp là Gram âm như: E. Coli, Klebsiella, Proteus mirabilis, Enterobacter... Theo các nghiên cứu vi khuẩn Gram (+) ít gặp dưới 10% trong đó đa phần là Enterococcus, Staphylococcus...
      • Yếu tố thuận lợi gây viêm thận bể thận cấp là nhiễm khuẩn tiết niệu ngược dòng trong trường hợp trào ngược bàng quang - niệu quản, sau khi soi bàng quang - niệu quản, chụp thận ngược dòng (UPR).
      • Sau phẫu thuật hệ tiết niệu. Tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi, khối u, hội chứng chỗ nối, xơ sau phúc mạc, hẹp bể thận niệu quản và có thai…
      • Có ổ viêm khu trú: viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt, viêm trực tràng, viêm ruột thừa, viêm phần phụ...

      Viêm thận bể thận là một bệnh cấp tính, với các biểu hiện nhiễm trùng rầm rộ, bệnh đáp ứng khá tốt với điều trị kháng sinh, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh có thể khỏi hẳn sau 10 đến 14 ngày. Nếu không được điều trị đúng, bệnh có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm:

      • Áp xe thận và quanh thận
      • Nhiễm khuẩn huyết
      • Suy thận cấp, có thể gây nên các biến chứng như tăng huyết áp cấp hay phù phổi cấp thể nguy hiểm đến tính mạng.
      • Hoại tử nhú thận
      • Viêm thận bể thận mạn, suy thận mạn tính

      Điều trị viêm thận bể thận cấp

      Tùy vào từng bệnh nhân cụ thể, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tình trạng bệnh lý nền kèm theo mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp.

      • Ngoài các thuốc kháng sinh hoặc cần phối hợp thêm kháng sinh, khám viêm, người bệnh có thể cần bù đủ dịch bằng đường uống và hoặc đường truyền tĩnh mạch, thuốc giảm đau khi đau,…
      • Nếu trường hợp bệnh nhân có diễn biến lâm sàng không thuận lợi mặc dù đã điều trị tình trạng không cải thiện hơn có thể được các bác sĩ xem xét điều trị can thiệp ngoại khoa.
      • Nhưng đa số các trường hợp bệnh tiến triển thường là tốt nếu điều trị kháng sinh đúng và đủ liều, các triệu chứng lâm sàng thường khỏi nhanh, nhiệt độ giảm, tiểu tiện nhanh trở lại bình thường (nước tiểu trở lại bình thường sau 1 đến 2 tuần), bạch cầu niệu giảm, bạch cầu máu cũng giảm.
      • Điều trị triệu chứng theo từng trường hợp, nếu sốt cao, đau phải dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, đặc biệt phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh để điều trị triệt để như sỏi thận, sỏi tiết niệu, các bệnh viêm nhiễm ở bàng quang, tiền liệt tuyến, âm đạo...

      Viêm thận bể thận cấp là bệnh do nhiễm khuẩn do đó vệ sinh thân thể, nhất là vệ sinh ở bộ phận sinh dục rất quan trọng. Ngoài ra, để phòng tránh căn bệnh này, bạn cần:

      • Uống nhiều nước để tăng tần suất đi tiểu
      • Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ loại bỏ vi khuẩn khỏi niệu đạo
      • Phụ nữ nên vệ sinh âm đạo từ trước ra sau
      • Không dùng các sản phẩm gây kích ứng niệu đạo.
      Thận bị viêm
      Thận bị viêm
      Viêm thận bể thận cấp

      Bình luận

      Có Thể Bạn Quan Tâm ?