Cuộc sống bận rộn, ăn uống thiếu khoa học và ít vận động là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các căn bệnh của thời đại như đột quỵ, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Do không nhiều người ý thức được sự nguy hiểm của chúng nên hàng chục triệu người trên thế giới đã ra đi mỗi năm bởi những “sát thủ thầm lặng” này. Hôm nay, Toplist sẽ cung cấp cho các bạn một vài căn bệnh nguy hiểm mà không hề có triệu chứng, đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn.
Tiểu đường
Theo ước tính của các nhà hoạt động y tế công cộng, có khoảng 8 triệu trên 29 triệu ca tiểu đường được chẩn đoán quá trễ. Lượng đường trong máu có thể đã bất thường nhưng bạn hầu như không có triệu chứng gì. Các dấu hiệu nhỏ như khô miệng, luôn thấy khát, đi tiểu nhiều, thị lực mờ,... đều dễ dàng bị chúng ta bỏ qua. Có thể bạn chỉ nghĩ mình căng thẳng hoặc mệt mỏi. Đối với những người thừa cân thì bạn có thể bị bệnh gai đen (tức là những vùng da ở gáy, dưới cánh tay, bẹn, khuỷu tay.... bị dày sừng và đen (hoặc nâu), nhìn bẩn bẩn. Lúc này có thể bạn chưa bị tiểu đường nhưng cơ thể đang sản xuất dư thừa insulin.
Chính vì vậy, để ngăn ngừa bệnh tiểu đường thì mỗi chúng ta từ tuổi 45 trở đi, cứ 3 năm một lần bạn nên đi sàng lọc bệnh tiểu đường một lần. Nếu trong trường hợp bạn bị thừa cân, huyết áp cao hay cholesterol cao, thì bạn nên đi sàng lọc thường xuyên hơn.
Ung thư phổi
Ở các giai đoạn đầu, bệnh này hầu như không có dấu hiệu gì. Nhưng cho tới khi được phát hiện, bệnh nhân hầu như không có cơ hội qua khỏi. Hơn một nửa số bệnh nhân chưa bao giờ hút thuốc, do đó họ không bao giờ ngờ mình lại là người mắc bệnh. Để ngăn ngừa bệnh ung thư phổi thì nếu là người đã hoặc từng hút thuốc trên 30 năm (khoảng 1 gói 1 ngày trong 30 năm, hoặc 2 gói 1 ngày trong 15 năm) và trên 55 tuổi, thì bạn nên đi chụp CT phổi hàng năm.
Phương pháp này có thể phát hiện bệnh sớm và giảm tỉ lệ tử vong đến 20%. Còn trong trường hợp bạn là người không hút thuốc thì không cần kiểm tra, vì kết quả ít khi chính xác. Nhưng nếu bạn bị ho khan suốt 2 tuần không khỏi, thở khò khè hay ho dữ dội, đau ngực, thở ngắn, khàn tiếng,... thì bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám.
Huyết áp cao
Theo thống kê gần đây, tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới và cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm. Tại Việt Nam hiện có gần 21 triệu người mắc và số người tử vong nhiều gấp 10 lần tai nạn giao thông.
Gần một nửa những người bị huyết áp cao không biết mình có bệnh. Rồi đột nhiên bạn lên cơn đau tim, đột quỵ hoặc bị bệnh thận. Nếu may mắn sống sót, bạn sẽ nhận ra rằng căn bệnh này đã âm thầm hủy hoại mạch máu từ lâu. Chính vì vậy, để ngăn ngừa bệnh, các bạn hãy kiểm tra huyết áp mỗi năm ít nhất 1 lần, dù không thấy có nguy cơ gì.
Hạn chế uống rượu bia, cần giảm cân với người béo phì, nên vận động thể lực mỗi ngày như đi bộ 30 – 45 phút, vận động thể lực nhẹ nhàng 4-5 ngày 1 tuần. Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị sớm bệnh (nếu có). Đối với người đã mắc bệnh, quan trọng nhất là cần kiểm soát và ổn định huyết áp kịp thời và thường xuyên. Để làm được điều này, bạn cần sử dụng thuốc đều đặn, thường xuyên.
Tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là bệnh lý bị gây ra bởi tình trạng không thể cung cấp máu cũng như oxy đến não khiến cho não bị mất chức năng một cách đột ngột mang tính chất cấp tính. Bệnh lý diễn ra trong vòng 24 giờ đồng hồ và tai biến mạch máu não nặng có khả năng dẫn đến tử vong trong thời gian này. Theo một số nghiên cứu thì đây là bệnh lý gây tử vong nhiều thứ 2 trên thế giới và Việt Nam, chỉ đứng sau bệnh lý tim mạch
Nếu như trước đây, tai biến mạch máu não chủ yếu xảy ra ở người già thì hiện nay, nó đang ngày càng tăng cao ở những người trẻ tuổi. Nguyên nhân là do việc ăn uống không điều độ, uống nhiều rượu bia, hay bị stress, căng thẳng, áp lực…
Tai biến mạch máu não vô cùng nguy hiểm và khả năng tử vong là rất lớn, bởi vậy, các bạn trẻ không thể coi thường. Cách tốt nhất, chúng ta cần đề phòng bằng việc tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể dục thể thao, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, điều độ, dành thời gian thư giãn để tránh căng thẳng, không nên để não bộ hoạt động liên tục trong thời gian dài.
Ung thư máu
Ung thư máu là do lượng bạch cầu sản sinh quá nhiều và quá nhanh trong một thời gian ngắn. Bạch cầu vốn được sinh ra để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân từ bên ngoài. Tuy nhiên khi lượng bạch cầu sản sinh quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng bạch cầu ăn hồng cầu. Hồng cầu sẽ bị phá hủy dần và người bệnh có dấu hiệu thiếu máu. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Đây là căn bệnh ung thư ác tính không hình thành nên khối u.
Bệnh này thường gặp ở những người bị nhiễm chất phóng xạ, hoặc ở trong môi trường quá ô nhiễm. Ung thư máu có tính chất cấp tính và mức độ của bệnh cũng tiến triển rất nhanh. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe và dẫn tới tử vong.
Bệnh tim mạch
Các bệnh lý về tim mạch được mệnh danh là những “kẻ sát nhân thầm lặng”. Diễn biến trong âm thầm chính là điều làm nên sự nguy hiểm của bệnh. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh tim mạch cũng chính là bảo vệ cho bản thân và người thân trong gia đình bạn tránh những biến chứng nguy hiểm. Suy tim là hậu quả cuối cùng của hầu hết các bệnh tim mạch, khó chữa khỏi, nhưng người bệnh có nhiều cơ hội để làm giảm các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, ho, phù và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Giai đoạn đầu khi các bệnh tim mạch chuyển suy tim, các dấu hiệu triệu chứng rất khó nhận biết nên nhiều người bệnh đã đánh mất đi cơ hội được chữa trị sớm. Còn ở giai đoạn tiến triển, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng điển hình của suy tim như: khó thở, mệt mỏi. Người bệnh luôn cảm thấy kiệt sức hoặc mệt mỏi ngay cả khi thực hiện những hoạt động thường nhật và đơn giản.
Tiên lượng của người bệnh tim mạch khó có thể nói trước, nặng dần hoặc được cải thiện hơn theo thời gian tùy thuộc vào phương pháp điều trị, bệnh phát hiện sớm hay muộn.
Bệnh tăng nhãn áp
Chứng tăng nhãn áp là nguyên nhân thứ hai gây mù là trên thế giới. Bệnh này thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi, mặc dù có một dạng tăng nhãn áp khác ở trẻ sơ sinh (bẩm sinh). Những người có tiền sử gia đình bị bệnh tăng nhãn áp có nguy cơ cao mắc bệnh tăng nhãn áp. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm giác mạc mỏng hơn, viêm mắt mãn tính và dùng thuốc tăng áp lực trong mắt.
Đây là một trong những căn bệnh phá hủy thị lực bằng cách tấn công vào dây thần kinh thị giác. Nhưng sự suy giảm thị lực lại diễn ra rất chậm, chậm đến mức bạn không nhận ra mắt mình có vấn đề cho đến khi tình trạng của bạn đã bước vào giai đoạn nặng. Đôi khi bạn có thể bị trượt chân trên lề đường, hụt 1 bậc thang hay làm đổ ly tách vì tầm nhìn không được bao quát. Bạn cũng gặp khó khăn khi lái xe vào buổi đêm, vì bạn không nhìn thấy rõ nếu đèn quá sáng hoặc quá tối.
Để có thể ngăn ngừa căn bệnh này, bạn nên tiến hành thử nghiệm sàng lọc ở độ tuổi 40, sau đó cứ mỗi 2 - 4 năm lại sàng lọc một lần tùy thuộc vào nguy cơ mắc bệnh của bạn. Sau tuổi 65, bạn nên đi kiểm tra định kì hàng năm.
Loãng xương
Bệnh loãng xương hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Khi lớn tuổi, khối lượng xương bị mất đi nhanh hơn nó được tạo ra, từ đó gây nên bệnh loãng xương. Do đó, khả năng bị loãng xương của bạn phụ thuộc vào khối lượng xương cao nhất mà bạn đã đạt được khi còn trẻ. Nếu khối lượng xương cao nhất của bạn nhiều tức là bạn đã “dự trữ” được nhiều xương hơn và càng ít khả năng bạn sẽ bị loãng xương khi bạn về già.
Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng chỉ được phát hiện cho đến khi xương bị gãy. Nhiều người nghĩ rằng bệnh loãng xương là một phần tự nhiên và không thể tránh khỏi của tuổi già. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế hiện nay tin rằng loãng xương có thể phòng ngừa được. Hơn nữa, những người đã bị loãng xương vẫn có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Có khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị bệnh buồng trứng đa nang. Đó là khi cơ thể sản xuất dư thừa hóc-môn nam, ngăn cản quá trình rụng trứng và làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch hay tiểu đường loại 2. Chưa đến 50% phụ nữ mắc bệnh này được chẩn đoán bệnh sớm, hầu hết đều không biết mình mắc bệnh, đặc biệt là những người hay dùng thuốc tránh thai. Phần lớn các bệnh nhân đến khi không có con mới đi khám và phát hiện ra bệnh. Nếu việc chuẩn bệnh không kĩ thì có thể họ chỉ được cho uống thuốc kích thích rụng trứng.
Điều này rất đáng lo ngại, vì một nửa số phụ nữ mắc bệnh này sẽ bị bệnh tiền tiểu đường hoặc tiểu đường trước tuổi 40. Họ cũng có nguy cơ bị huyết áp cao, ngừng thở khi ngủ, cholesterol cao và ung thư nội mạc tử cung. Để phát hiện bệnh sớm, các bạn cần chú ý tới các triệu chứng thông thường của bệnh này như kinh nguyệt bất thường (chu kì kinh kéo dài hơn 35 ngày khi không dùng thuốc tránh thai). Các dấu hiệu khác bao gồm mụn (không phải mụn dậy thì), nhiều lông mặt và lông cơ thể, tóc thưa. Một số loại thuốc kết hợp thay đổi thói quen ăn uống, tập thể dục có thể giúp kiểm soát bệnh.
Ngưng thở lúc ngủ
Theo các nhà nghiên cứu thì khoảng một nửa phụ nữ có độ tuổi từ 20 tuổi đến 70 tuổi thường hay mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là trạng thái khi nhịp thở của bạn bị ngừng lại lúc đang ngủ, điều này có thể làm tăng nguy cơ tim mạch và tiểu đường loại 2. Thay vì ngáy to và hay buồn ngủ vào ban ngày, phụ nữ mắc chứng này thường bị đau đầu vào buổi sáng, tâm trạng bất ổn và có cảm giác mệt mỏi nhẹ.
Dĩ nhiên là phần lớn các triệu chứng này đều dễ bị bỏ qua. Một dấu hiệu khác của bệnh này là chứng mất ngủ. Phụ nữ tỉnh giấc vào nửa đêm, đó là do nhịp thở ngừng lại đẩy họ vào trạng thái tỉnh giấc. Để ngăn ngừa bệnh này, bạn có thể đi khám bác sĩ nếu thấy những triệu chứng trên. Bác sĩ có thể đo nhịp tim, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu đế bắt bệnh.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ còn gặp ở cả trẻ nhỏ, thanh niên, người trung và lớn tuổi. Các trường hợp dễ mắc hơn cả là nhóm có nguy cơ thừa cân, béo phì, mắc các bệnh lý chuyển hóa, tim mạch (có biểu kháng tăng huyết áp, khó kiểm soát huyết áp) hoặc bệnh nhân tiểu đường khó kiểm soát đường huyết.
Trong ngắn hạn, ngừng thở khi ngủ ảnh hưởng đến sự tập trung trong học tập, công việc, lao động, đặc biệt có thể gây tăng động ở trẻ nhỏ, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.