Mặc dù không phải là loại ung thư phổ biến trên thế giới, nhưng tỷ lệ người mắc bệnh ung thư miệng đang ngày càng cao. Nguyên nhân thường đến từ những vết tổn thương miệng, thói quen hút thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh... nên gây ra căn bệnh này. Đặc biệt, nếu bạn ủ bệnh trong người quá lâu có thể gây ra các biến chứng trên khuôn mặt như sưng phù nề, biến dạng khuôn mặt... Do đó, cần tìm hiểu về căn bệnh này để có sự phòng tránh tốt nhất. Trong bài viết hôm nay toplist sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về căn bệnh này nhé.
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư khoang miệng
- Nam giới, có tiền sử hút thuốc lá và uống rượu
- Người có thói quen nhai trầu
- Người có các tổn thương tiền ung thư tái đi tái lại, không điều trị dứt điểm
- Người mắc virus HPV, quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ qua đường miệng.
- Phụ nữ mắc hội chứng Plummer-Vinson
Các biện pháp khám sàng lọc ung thư khoang miệng
Sàng lọc ung thư miệng là một cuộc thăm khám được thực hiện bởi nha sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để tìm kiếm các dấu hiệu ung thư miệng hoặc tình trạng tiền ung thư trong khoang miệng của người bệnh. Mục tiêu của sàng lọc ung thư miệng là xác định sớm ung thư miệng, giúp người bệnh có cơ hội chữa khỏi nhiều hơn.
Hầu hết các bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra miệng của người bệnh trong mỗi lần khám răng định kỳ để sàng lọc ung thư miệng. Bên cạnh đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ hay có các yếu tố nguy cơ kể trên thì bác sĩ có thể sử dụng thêm các xét nghiệm bổ sung để hỗ trợ xác định bản chất của các tế bào bất thường trong miệng của người bệnh. Sàng lọc ung thư miệng không cần bất kỳ sự chuẩn bị đặc biệt nào, bác sĩ sẽ kiểm tra sàng lọc ung thư miệng thường bắt đầu bằng cách bác sĩ quan sát bên ngoài và vào bên trong miệng của bạn để kiểm tra các mảng đỏ, trắng hoặc lở miệng. Với bàn tay đeo găng, bác sĩ sờ để cảm nhận mật độ các mô trong miệng để tìm kiếm các khối u hoặc các bất thường gì khác. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra vùng hầu họng của bạn có khối u, chảy dịch, vón cục, lở loét gì hay không.
Trong trường hợp có dấu hiệu ung thư miệng nghi ngờ hay trên những đối tượng có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ sử dụng thêm các xét nghiệm ung thư miệng như sau:
- Thuốc nhuộm sàng lọc ung thư miệng: Người bệnh sẽ được súc miệng bằng thuốc nhuộm màu xanh đặc biệt trước khi thăm khám. Các tế bào bất thường trong miệng nếu có sẽ bắt màu với thuốc nhuộm và xuất hiện màu xanh.
- Chiếu đèn sàng lọc ung thư miệng: Một loại ánh sáng đặc biệt làm cho mô khỏe mạnh xuất hiện mờ hơn và làm cho mô bất thường xuất hiện màu trắng.
Phòng ngừa ung thư khoang miệng hiệu quả
Ung thư miệng và họng là bệnh lý mặc dù nguy hiểm nhưng có thể chữa trị dứt hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh muộn, khi tình trạng ung thư đã bước sang những giai đoạn nguy hiểm thì bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ tử vong, chỉ có thể kéo dài cuộc sống trong vòng 5 năm. Chính vì thế, việc đề phòng và phát hiện ra những triệu chứng, dấu hiệu của căn bệnh ung thư miệng hay ung thư lưỡi và nhiệt miệng là rất quan trọng, giúp đem lại cơ hội điều trị và sự sống cho người bệnh. Một số biện pháp phòng ngừa ung thư khoang miệng bao gồm:
- Từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân ung thư miệng nói riêng mà còn khiến cơ thể mắc phải rất nhiều căn bệnh khác. Chính vì thế, để bảo vệ sức khỏe của bản thân thì tốt nhất hãy từ bỏ thói quen không tốt này, ngừng sử dụng thuốc lá chính là cách phòng ngừa ung thư miệng hiệu quả nhất.
- Không nghiện rượu: Lạm dụng rượu bia chính là thói quen xấu có thể kích thích các tế bào niêm mạc trong khoang miệng và là nguyên nhân ung thư miệng phổ biến ở nam giới. Do đó, để phòng ngừa ung thư miệng thì chỉ nên uống rượu bia ở mức độ vừa phải, không lạm dụng.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh: Một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây có thể giúp bổ sung các vitamin và chất chống oxy hóa cho cơ thể, giúp giảm nguy cơ ung thư miệng tối đa.
- Tránh tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời: Một trong những nguyên nhân ung thư miệng chính là do người bệnh phải tiếp xúc quá lâu với ánh mặt trời, tia UV. Do đó, để phòng ngừa hiệu quả ung thư khoang miệng thì hãy chọn làm việc ở trong bóng râm khi có thể, nếu bắt buộc phải làm việc ngoài trời thì hãy đội mũ rộng vành và sử dụng các sản phẩm chống nắng để bảo vệ làn da khỏi tác động của ánh mặt trời.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Hàng ngày, hãy duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sau khi ăn và trước khi đi ngủ để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng và họng.
- Khám sức khỏe răng miệng định kỳ: Khám nha khoa định kỳ chính là cách để xác định tình trạng sức khỏe răng miệng và phòng ngừa ung thư khoang miệng hiệu quả nhất. Hãy yêu cầu nha sĩ kiểm tra miệng ở các khu vực cảm thấy bất thường có thể gây ra ung thư miệng và họng hoặc những thay đổi tiền ung thư.
Các dấu hiệu ung thư miệng là gì?
Loét miệng, hôi miệng, đau tai, khàn tiếng hay răng lung lay là những dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư miệng nhiều người cần biết
- Viêm loét miệng: Hầu hết vết loét miệng sẽ là các vết viêm lành tính như đau miệng hoặc áp xe do virus gây ra và thường tự biến mất sau 10 ngày. Tuy nhiên, theo TS Brian Burkey, chuyên gia ung thư đầu và cổ của Phòng khám Cleveland (Mỹ), vết loét kéo dài khoảng 2 tuần trở lên có thể là dấu hiệu đáng lo ngại của ung thư khoang miệng hoặc ung thư vòm họng. Tiến sĩ Burkey cho biết hầu hết vết loét áp xe đều khá mỏng và mềm, trong khi các khối u dày và cứng hơn. Thêm vào đó, vết loét hiếm khi chảy máu, nhưng khối u chảy máu thường xuyên.
- Hôi miệng: Theo Reader's Digest, khi một khối u ung thư miệng bị vỡ ra và hình thành vết loét, vi khuẩn có thể lây nhiễm vào vết loét. Điều này gây ra mùi hôi thối, không giống như hơi thở buổi sáng thông thường của bạn sẽ biến mất khi bạn đánh răng. Ngoài ra, hơi thở hôi kèm theo đau trong miệng, khó nuốt cũng là dấu hiệu đáng báo động của bệnh ung thư miệng.
- Đau tai: Nhiễm trùng tai không phổ biến đối với người lớn và chúng thường ảnh hưởng đến cả hai bên. Nếu bạn bị đau dai dẳng chỉ ở một bên tai, hãy đi khám bác sĩ. Ngay cả khi nguyên nhân không phải do ung thư miệng, bác sĩ cũng có thể cần điều trị đau tai là do bơi lội hoặc nhiễm trùng tai.
- Sụt cân đột ngột: Khi bị đau lưỡi hay đau miệng do ung thư miệng, bạn thường khó nhai và nuốt đau. Điều đó khiến bạn mất cảm giác ăn ngon, từ đó sẽ ăn ít hơn để tránh cơn đau và cân nặng của bạn cũng tự động giảm đi. Sụt cân đột ngột cũng có thể là do một khối u đã lan đến gan hoặc các khu vực khác. Khi ung thư tiến triển và bắt đầu sử dụng nhiều calo hơn, bạn sẽ thấy giảm cân ngay cả khi không thay đổi thói quen ăn uống.
- Tê miệng: Nếu một khối u ung thư miệng đủ lớn để làm tổn thương dây thần kinh trong miệng, bạn có thể nhận thấy miệng mình bị tê ở một khu vực nào đó. Nếu tình trạng này diễn ra nhiều hơn một tuần mà không giảm, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác.
- Răng lung lay: Một khối u trên nướu có thể ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, khiến một hoặc hai răng gần đó bị lung lay. Nếu bạn thấy rụng một hoặc nhiều chiếc răng không rõ nguyên nhân, lỗ chân răng hở, khó liền, đó cũng là dấu hiệu đáng báo động của bệnh ung thư miệng.
- Khàn tiếng: Nếu bạn đột nhiên bị khàn giọng, khó nói chuyện trong 2 tuần trở lên, đó có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư miệng khiến việc sử dụng lưỡi khó khăn. Một số người có thể gặp phải sự thay đổi như mất giọng, không thể nói to được.
- Đau hàm: Ung thư miệng có thể làm tổn thương hàm khi bạn mở miệng. Hãy đến gặp bác sĩ nếu cơn đau không thuyên giảm trong vòng hai tuần
- Nổi cục u ở cổ: Các cục u xuất hiện ở cổ không rõ nguyên nhân cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư miệng. Đặc biệt, nếu cục u không biến mất và gây ra cảm giác khó chịu ở cổ họng, bạn nên chủ động đi khám càng sớm càng tốt.
Ung thư khoang miệng là gì?
Ung thư khoang miệng là bệnh phát sinh do sự biến đổi ác tính niêm mạc miệng phủ toàn bộ khoang miệng. Ung thư khoang miệng bao gồm: Ung thư môi (gồm môi trên, môi dưới, mép), lợi hàm trên, lợi hàm dưới, khe liên hàm, khẩu cái cứng, lưỡi (phần di động), niêm mạc má và sàn miệng.
Ung thư khoang miệng đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong ngày càng tăng và là một trong 10 ung thư phổ biến nhất. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao vì khoảng 53% bệnh nhân ung thư khoang miệng có biểu hiện bệnh lan tràn tại vùng hoặc di căn xa tại thời điểm chẩn đoán.
Ung thư khoang miệng thường gặp ở tuổi từ 50-70 với tỷ lệ nam/nữ khoảng 2,5/1. Trên 90% bệnh nhân ung thư khoang miệng xuất hiện ở tuổi trên 45 và tăng ổn định đến 65 tuổi sau đó lại giảm dần.
Các giai đoạn phát triển của ung thư miệng
Các giai đoạn của bệnh ung thư miệng được đánh giá theo quy chuẩn TNM (IUCC) nhằm xác định mức độ tiến triển của căn bệnh này
- Giai đoạn 0: các tế bào ung thư bắt đầu xuất hiện và nằm ở lớp niêm mạc của miệng hoặc hầu. Các tế bào ung thư chưa ăn sâu vào lớp niêm mạc và lan rộng sang các mô xung quanh.
- Giai đoạn I: Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư xâm lấn. Nó có nghĩa là ung thư đã bắt đầu phát triển thông qua các mô lót miệng hoặc miệng hầu và vào các mô sâu hơn bên dưới. Khối u có kích thước nhỏ hơn 2 cm và không lan sang các mô lân cận, hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác.
- Giai đoạn II: Khối u Ung thư đang phân chia và phát triển mạnh, có kích thước trên 2cm, nhưng nhỏ hơn 4cm. Nó chưa có dấu hiệu xâm lấn hoặc lây lan sang các hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan khác.
- Giai đoạn III: Ung thư giai đoạn III được chẩn đoán khi người bệnh có những dấu hiệu khối u ung thư lớn hơn 4cm, nhưng không lan sang bất kỳ hạch bạch huyết hoặc bất kỳ bộ phận khác của cơ thể. Hoặc Khối u có kích thước bất kỳ nhưng đã lan tới một hạch bạch huyết ở cùng một phía của cổ và hạch lymphô không vượt quá 3cm
- Giai đoạn IV: Bệnh bắt đầu phát triển mạnh, khó kiểm soát. Nó được chia thành 3 giai đoạn
- Giai đoạn IVA: ung thư đã phát triển qua các mô quanh môi và miệng. Các hạch bạch huyết trong khu vực có thể hoặc không thể chứa tế bào ung thư.
- Giai đoạn IVB: khối u có thể phát triển bất kỳ kích thước nào và đã lan rộng đến nhiều hơn một nút bạch huyết ở cùng một phía của cổ như ung thư hoặc ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở cả hai bên cổ. Ngoài ra ung thư lan đến bất kỳ nút bạch huyết nào lớn hơn 6cm cũng được chẩn đoán ở giai đoạn IVB.
- Giai đoạn IVC: ung thư đã lan ra các bộ phận khác của cơ thể như phổi hoặc xương. Hay thường gọi là ung thư giai đoạn cuối
Việc xác định chính xác giai đoạn phát triển của khối u và vùng xâm lấn giúp các bác sĩ xây dựng phác đồ và kết hợp các phương pháp điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị ung thư miệng
Bác sĩ sẽ dựa vào giai đoạn ung thư để có phương pháp điều trị thích hợp. Ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ khối ung thư và hạch lympho liên quan. Bệnh nhân cũng cần phẫu thuật giúp tái tạo miệng về cấu trúc và giải phẫu thông thường. Nếu ung thư tiến triển, bạn cần phương pháp quyết đoán hơn nữa. Bác sĩ có thể tiến hành điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp các phương pháp sau:
- Phẫu thuật: Chỉ định với bệnh ở giai đoạn sớm, còn khu trú ở khoang miệng, chưa di căn vùng và di căn xa. Phẫu thuật lấy u và hạch cổ có thể kết hợp với tạo hình hoặc không giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
- Xạ trị: Chỉ định khi bệnh ở giai đoạn muộn không thể phẫu thuật được hoặc chỉ định xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật giúp hạn chế bệnh tái phát.
- Hóa trị: Chỉ định hóa chất trước khi phẫu thuật giúp giảm thể tích của khối u và hạch cổ.
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư miệng
Ung thư miệng là căn bệnh có thể chẩn đoán và phát hiện ra sớm. Tuy nhiên, bạn cần phải nắm rõ những nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này để kịp thời phòng tránh từ sớm.
- Vệ sinh răng miệng kém: Thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi trong khoang miệng. Lúc này, các vi khuẩn sẽ tích tụ dần lại và hình thành nên chất nitrosamine - một tác nhân gây ung thư.
- Hút thuốc lá: Với những người có thói quen hút thuốc lá thường xuyên thì tỷ lệ mắc bệnh ung thư là rất cao. Thậm chí, ngoài ung thư miệng còn có thể dẫn đến một số bệnh ung thư khác như ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư gan... Vậy nên, bạn cần từ bỏ thói quen này từ sớm để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.
- Uống rượu quá nhiều: Rất nhiều trường hợp ung thư miệng xuất phát từ thói quen uống rượu thường xuyên. Trong số đó, có nhiều người còn vừa nghiện thuốc lá, vừa nghiện rượu nên rủi ro mắc bệnh ung thư miệng là rất cao.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Nếu chế độ ăn của bạn không đảm bảo đủ dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin A1, vitamin B2 cùng các nguyên tố vi lượng như kẽm, đồng, sắt... thì có thể làm tăng độ nhạy của cơ thể với chất gây ung thư, từ đó dẫn đến bệnh ung thư miệng.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên: Nếu môi trường làm việc của bạn thường xuyên phải ở ngoài trời thì chính ánh nắng mặt trời chiếu xuống cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng. Do việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là những thời điểm có tia UV cao sẽ làm cả vùng đầu của bạn bị ảnh hưởng. Do đó, bạn nên bảo vệ vùng da đầu, nhất là ở xung quanh khoang miệng bằng cách đội mũ rộng vành, bôi kem chống nắng và đeo khẩu trang che kín.