Các thí sinh sinh năm 2000 hay các bạn dự định thi lại đại học nên chuẩn bị sớm cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 bởi nhiều chuyên gia dự đoán đây sẽ tiếp tục là một kỳ thi với nhiều biến động bất lợi cho thí sinh. Những điều sau đây sẽ khiến các bạn thực sự cảm thấy lo lắng.
Đề thi THPT quốc gia 2017 được đánh giá là khá dễ, chỉ phân loại được học sinh loại khá trở xuống. Còn đối với học sinh giỏi, xuất sắc đề thi chưa phát huy được thế mạnh của mình. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng hàng nghìn thí sinh được điểm 10, nhưng khi xét tuyển thì vẫn trượt nguyện vọng 1 vì điểm chuẩn quá cao.
Để đáp ứng được mục đích xét ĐH - CĐ của các trường, thay vì, mỗi bài thì trắc nghiệm chỉ có khoảng 4 câu hỏi khó, thì năm 2018 dự đoán sẽ có nhiều hơn. Đồng thời lượng kiến thức cơ bản có thể giảm để thay vào đó là kiến thức nâng cao nhằm phân loại thí sinh sát sao và đúng thực lực hơn.
Bất cập từ việc cộng điểm ưu tiên năm 2017 khiến dư luận bức xúc và Bộ GD&ĐT đang tiến hành phân tích, đánh giá lại chính sách nhân văn này. Có thể mức điểm ưu tiên sẽ không còn được cao như những năm trước mà bị thu hẹp lại để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và điều kiện học tập của từng địa phương.
Năm 2000 là năm theo phong thủy được đánh giá là nhiều may mắn, cũng là năm chuyển giao giữa 2 thế kỷ, vì vậy số lượng trẻ em được sinh ra lớn hơn so với những năm khác. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến tỷ lệ chọi của thí sinh trong kỳ thi và xét tuyển ĐH - CĐ 2018. Trong khi chỉ tiêu của các trường ngày càng có xu hướng giảm. Đặc biệt, mới đây Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất cắt giảm chỉ tiêu hoặc dừng tuyển sinh với những ngành không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Ngoài ra, cũng phải nhắc đến số lượng thí sinh quyết định thi lại khi không đỗ nguyện vong 1 kỳ thì THPT quốc gia 2017 cũng rất nhiều. Đa số các em đều có số điểm thi cao, nhưng không được học ngành mà mình yêu thích do số điểm chuẩn tăng bất thường.
Theo thứ trưởng Bùi Văn Ga, về cơ bản năm 2018 sẽ duy trì kỳ thi THPT quốc gia như năm nay. Nếu có thay đổi thì có chăng sẽ chỉ thay đổi về kỹ thuật: các thí sinh thay vì làm bài thi trên giấy sẽ chuyển sang thi trên máy tính. Áp dụng công nghệ cũng có cái hay đấy, nhưng mà bất lợi cũng không hề nhỏ đâu. Chúng ta lại phải làm quen với hình thức thi mới hay biết đâu đang thi lại gặp sự cố về kỹ thuật nào đó thì sao? Chỉ tưởng tượng thôi đã thấy nếu thi trên máy tính ngoài nắm chắc kiến thức chúng ta cần phải rèn thêm nhiều kỹ năng khác nữa.
Việc thi THPT quốc gia không đánh giá đúng chất lượng đầu vào của thí sinh và khó khăn cho các trường top trên trong việc sàng lọc thí sinh sẽ dẫn đến việc một số trường không tiếp tục xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia trong năm 2018. Việc tổ chức thi riêng, thi đánh giá năng lực, thi năng khiếu... hay xét học bạ có thể sẽ là lựa chọn của nhiều trường. Vì vậy, 2k có thể ngoài áp lực thi THPT quốc gia còn phải chuẩn bị cho 1 kỳ thi riêng khi xét tuyển ĐH - CĐ.
Năm 2017, để sàng lọc thí sinh nhiều trường đã đưa ra rất nhiều tiêu chí phụ khắt khe, khiến hàng nghìn thí sinh dù đủ điểm chuẩn nhưng vẫn trượt trong tiếc nuối. Dự kiến năm 2018 các trường và Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu lại các tiêu chí phụ này để có tính đồng bộ hơn, phân loại thí sinh tốt hơn.
Nhìn vào đề thi THPT quốc gia 2017, 2k có thể nhận thấy đề thi ôm trọn kiến thức lớp 12, vì vậy, ai học tủ, học lệch hay vô tình bỏ qua một phần kiến thức nào cũng có thể phải "ôm hận" khi ra khỏi phòng thi. Năm 2018, sẽ lồng ghép cả kiến thức lớp 11 đòi hỏi học sinh ngoài việc học chắc còn phải biết vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức các cấp. Đề thi chắc chắn sẽ không còn ra dưới hình thức tư duy 1 - 2 bước là ra kết quả mà các bước tư duy sẽ nhiều hơn để đảm bảo việc đánh giá kiến thức rộng hơn năm 2017.
Năm 2018, ngoài kiến thức lớp 12 sẽ có cả kiến thức lớp 11 và 10. Nhưng thời gian ôn thi cũng chỉ có 1 năm, thậm chí nhiều thí sinh còn chưa hết "sốc" vì những thay đổi của kỳ thi năm nay, nhưng đã phải "vục mặt" vào ôn thi để chuẩn bị cho năm sau.