Trong thời kì mang thai, sức khỏe của bà bầu vô cùng quan trọng, bởi lẽ nó không còn là sức khỏe của riêng bản thân mình nữa mà nó còn là sức khỏe của cả em bé trong bụng mẹ. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe của bà bầu là vô cùng quan trọng. Dưới đây là những điều phụ nữ cần tránh khi mang thai mà mọi người nên biết.
Tránh căng thẳng
Căng thẳng khi mang thai có thể gây ra vấn đề với sức khỏe của bé... Kết quả cho thấy trẻ có nguy cơ nhiễm trùng sớm và rối loạn tâm thần khi bị căng thẳng từ trong bụng mẹ. Ngoài ra, trẻ còn gặp các vấn đề khác như mắt, tai, tiêu hóa, hô hấp, da, cơ xương khớp, tuần hoàn, các bệnh về cơ quan sinh dục, dị ứng và hen suyễn.
Việc phụ nữ căng thẳng, lo âu trong quá trình mang thai sẽ gây ra nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thai phụ có thể sẽ bị táo bón, đau lưng, mất ngủ, đồng thời đứa bé sinh ra có thể sẽ bị sinh non và thiếu cân. Ví thế trong thời gian mang thai, các bạn hãy giữ cho tinh thần mình luôn thoải mái, có cuộc sống lành mạnh, hãy thư giãn, tham gia các câu lạc bộ sinh hoạt cho người làm mẹ, nghe các bản nhạc hoặc xem các bộ phim ưa thích.
Tránh tắm hơi, tắm nước nóng
Trong thai kỳ, phụ nữ phải được chăm sóc từ những điều nhỏ nhặt, nếu sai sót không chỉ nguy hiểm cho mẹ mà cả bé. Một trong những điều cần chú ý là việc tắm, đặc biệt là tắm nước nóng. Các chuyên gia cảnh báo phụ nữ mang thai cần cẩn trọng khi tắm bởi nước nóng có thể làm giãn mạch máu và làm giảm lưu thông máu, ảnh hưởng đến thai nhi nếu bé nhận được ít máu từ người mẹ.
Theo nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy, nếu phụ nữ mang thai thường xuyên tắm hơi hoặc tắm nước nóng sẽ làm cho thai nhi bị di tật thần kinh, bởi khi tắm hơi, tắm nước nóng, nhiệt độ quá nóng sẽ truyền vào cơ thể, làm thay đổi nội tiết và nhiệt độ cơ thể và làm ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi. Theo đó, nước tắm thích hợp nhất cho mẹ bầu là khoảng 36 độ C. Mẹ bầu không nên tắm lâu, không nên tắm sau khi ăn no, không nên tắm quá muộn sau 21h.
Tránh việc bổ sung quá nhiều Vitamin A
Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển về hình thái, chức năng và sự nguyên vẹn của mắt, vitamin A còn có tác dụng toàn thân, đặc biệt đối với một số cơ quan chuyên biệt và sự phát triển xương của thai nhi. Do đó, việc bổ sung vitamin A khi mang thai là rất cần thiết. Thiếu vitamin A ở phụ nữ mang thai là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương giác mạc ở thai nhi, nguy cơ dẫn đến mù vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Hầu hết bà bầu ở các nước đang phát triển đều gặp phải tình trạng thiếu hụt vitamin A khi mang thai.
Ngược lại, việc bổ sung vitamin A quá mức trong thai kỳ lại là mối lo ngại lớn. Nếu dùng quá liều vitamin A cho bà bầu, vi chất dinh dưỡng này có thể gây ra dị tật thai nhi, nhất là trong 60 ngày đầu sau khi thụ thai. Bên cạnh đó, việc thường xuyên bổ sung vitamin A trước khi sinh cũng không được khuyến cáo. Phụ nữ mang thai được khuyến khích bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tốt nhất là thông qua chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Tránh các loại thức uống có hại
Rượu, bia và các chất có chứa cồn đều cần tránh sử dụng khi mang bầu. Khi sử dụng các loại thức uống này, rất dễ gây ra hiện tượng nhiễm rượu ở bào thai, dẫn đến bào thai có thể bị khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần. Bên cạnh đó, các thức uống có chứa cafein như cà phê, chè... bà bầu cũng không nên sử dụng. Các chất này đều gây nghiện và rất có hại cho bào thai.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thường xuyên uống rượu có thể dẫn đến sẩy thai. Trong thời gian mang thai, rượu đi vào trong máu của người mẹ và dẫn vào thai nhi. Điều này làm cho thai nhi nhiễm một nồng độ rượu nhất định trong máu. Đó là tai họa lớn gây ra ngộ độc thai nhi. Các nghiên cứu còn cho thấy người mẹ mang thai nghiện rượu sẽ sinh ra những đứa trẻ khù khờ và thậm chí dị dạng. Dù nhiều người cho rằng chỉ uống vài giọt sẽ không sao nhưng tốt nhất nên tránh uống rượu trong thai kỳ.
Bên cạnh đó, không ít công trình nghiên cứu về tác hại của cà phê với mẹ bầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy caffeine có trong cà phê có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến nhịp tim em bé. Nguồn caffeine phổ biến nhất là cà phê, trà, nước ngọt có ga. Dù vậy, theo các chuyên gia, nếu quá nghiện, mẹ bầu có thể thưởng thức được khoảng 200mg caffeine mỗi ngày. Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên uống các loại thức uống như trà sữa, nước ép dứa, nước ép nha đam, sữa tươi chưa tiệt trùng, nước uống có ga...
Cẩn thận khi sử dụng các loại thuốc bổ
Các bà bầu nên cẩn trọng trong việc sử dụng các loại thuốc bổ, đặc biệt là ở ba tháng đầu của thai kỳ. Các loại thuốc được gọi là thuốc bổ, dẫu làm từ các nguyên liệu tự nhiên cũng không có nghĩa là an toàn cho phụ nữ đang mang thai. Có nhiều loại thuốc bổ chưa được kiểm định an toàn triệt để và cũng không chứng minh được tác dụng như đã quảng cáo.
DHA, EPA là hai loại axit béo omega-3 đặc biệt tốt cho não và thị lực của em bé. Vai trò của DHA, EPA đối với sự phát triển trí tuệ trẻ nhỏ ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. Vì thế, ngày càng có rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá khả năng làm tăng chỉ số thông minh của trẻ liên quan đến việc bổ sung DHA, EPA trong thời kỳ mang thai cũng như cho con bú. Kết quả các nghiên cứu đều chỉ ra rằng bà mẹ bổ sung DHA, EPA trong thời kỳ mang thai sẽ sinh con có chỉ số IQ cao hơn, khả năng phản xạ, sự tập trung và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn trẻ khác.
Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế hàng đầu trên thế giới, phụ nữ có thai và cho con bú nên bổ sung khoảng 200mg DHA mỗi ngày. Liều lượng theo khuyến cáo được tính bằng tổng lượng từ các thực phẩm như cá, trứng, bơ… và thuốc bổ nên tùy thuộc vào chế độ ăn mà các mẹ có thể chọn viên uống bổ sung thêm từ 100-200mg DHA mỗi ngày. Vì vậy, hãy cẩn thận trước khi dùng bất kì loại thuốc nào. Tốt nhất là hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi uống.
Tránh ăn các loại cá có chứa thủy ngân
Cá là thực phẩm rất tốt cho mẹ và bé trong lúc mang thai. Tuy nhiên, có những loại cá nhiễm thủy ngân gây hại não thai nhi mẹ cần tránh ăn trong suốt thai kỳ. Theo một số nghiên cứu khoa học, việc mẹ bầu ăn hải sản sẽ rất tốt cho quá trình mang thai. Tuy nhiên nếu “nạp” một lượng hải sản quá lớn (quá 2 - 3 bữa/tuần) hoặc lựa chọn sai những loại cá nhiễm thủy ngân… sẽ gây nên tác dụng “phản chủ“. Lượng thủy ngân từ hải sản ngấm vào mạch máu của mẹ, chuyển vào bào thai một cách tự nhiên và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi.
Lượng thủy ngân trong máu của mẹ bầu tăng cao có thể khiến tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc gây ra các dị tật bẩm sinh. Ví dụ như mù, điếc, tổn thương thận và chậm phát triển trí não, chậm tăng cân nếu bào thai tiếp xúc với các kim loại trong tử cung. Như vậy, có thể thấy, thủy ngân sau khi vào trong cơ thể thai phụ sẽ phá hủy hệ thống thần kinh trung ương của thai nhi, ảnh hưởng tới nhận thức. Do đó, các chị em cần hết sức cẩn thận khi ăn hải sản. Nên lựa chọn những loại hải sản có chứa hàm lượng thủy ngân thấp và áp dụng cách chế biến hợp lý.
Tránh khói thuốc lá
Hút thuốc lá thụ động là việc hít phải khói thuốc trong môi trường do người khác hút thuốc lá, xì gà hoặc tẩu thuốc. Khói thuốc do người hút thuốc thở ra, được truyền vào môi trường. Khói thuốc mang nicotine và khoảng 4.000 chất có hại trong đó nhiều chất có khả năng gây ung thư, dính lại trên các bề mặt và quần áo. Những chất độc này có thể tồn tại trong nhiều tháng. Phụ nữ mang thai có thể tiếp xúc với các chất độc này khi tiếp xúc với đồ nội thất, thảm, rèm cửa, tường, sàn nhà, hoặc vô tình hít phải khí độc từ không khí.
Những chất này có thể phản ứng với các tạp chất khác bên trong cơ thể, tạo ra hợp chất độc hại. Các độc tố đi vào máu của phụ nữ mang thai và được truyền cho thai nhi. Trên thực tế, hút thuốc lá thụ động có thể khiến phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc một loạt bệnh tương tự như hút thuốc lá, bao gồm cả ung thư phổi. Theo nhiều nghiên cứu, một phụ nữ mang thai ngửi phải khói thuốc lá thường xuyên có thể sinh em bé có cân nặng thấp hơn bình thường. Trọng lượng sơ sinh thấp có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Tránh tự ý sử dụng thuốc chữa bệnh khi mang thai
Khi bạn mang thai không có nghĩa là bạn được “miễn trừ” khỏi mọi bệnh tật. Các vi khuẩn và vi trùng có mặt ở khắp mọi nơi và nó có thể xâm nhập vào cơ thể bạn bất cứ lúc nào. Thực tế nghiên cứu cho thấy, hệ miễn dịch ở phụ nữ có thai còn yếu hơn ở người bình thường. Vì vậy, bạn càng cần chú ý giữ gìn sức khỏe của mình hơn, tránh để bệnh tật trong thời kì mang thai.
Hãy lưu ý tập thói quen rửa tay thường xuyên. Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị bệnh, những người có triệu chứng hắt hơi hoặc ho, vì có thể bạn sẽ bị truyền vi-rút gây bệnh. Trong trường hợp bạn đang ở cùng người đang nôn mửa, bạn hãy nhịn thở một khoảng ngắn để ngăn vi khuẩn coc cơ hội theo đường hô hấp tiến vào cơ thể. Cúm rubella và thủy đậu là hai bệnh thường gặp và có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến thai nhi nhiều nhất. Ở nước ta, nhiều phụ nữ trước khi dự đinh mang thai, họ thường tiêm phòng hai loại bệnh này. Và nếu không may bị bệnh trong thai kỳ, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc trị bệnh nào bạn nhé.
Tránh nghe nhạc to
Nếu thai nhi tiếp xúc với âm nhạc được bật quá to trong một thời gian dài thì sẽ có những tác động không mấy tốt đẹp tới khả năng nghe và khiến bé bị giật mình và trở nên căng thẳng. Nhiều mẹ cho rằng phải mở nhạc thật to thì bé nằm trong bụng mới nghe được mà không biết rằng nước ối của mẹ là một chất dẫn âm rất tốt, chỉ cần mở nhạc với âm lượng vừa phải là bé đã có thể cùng mẹ tận hưởng những phút nghe nhạc thư thái rồi.
Em bé chưa sinh có thể bị giật mình bởi những tiếng động lớn, và mẹ bầu có thể cảm nhận được điều này mỗi khi bé đạp trong bụng. Thỉnh thoảng mẹ nghe nhạc hơi to một chút sẽ không gây hại cho em bé của bạn. Nhưng nếu tiếp xúc thường xuyên với âm nhạc lớn hơn 70 decibel có thể có tác động xấu đến cả 2 mẹ con. Nó có thể khiến mẹ bị tăng huyết áp và làm chậm kỹ năng vận động và kỹ năng học tập của bé.
Đối với những mẹ bầu thích nghe nhạc và nghe thường xuyên thì hãy luôn luôn điều chỉnh âm lượng không bao giờ vượt quá 65 decibel (dB). Đó là ngưỡng để 2 mẹ con có thể tận hưởng những giai điệu âm nhạc êm dịu một cách an toàn. Còn nếu bà bầu thường nghe nhạc trong một khoảng thời gian dài, chẳng hạn nghe liên tục hơn một giờ đồng hồ, thì tốt nhất là giảm mức âm lượng xuống dưới 50 decibel.
Tránh ăn quá nhiều, tăng cân quá nhiều
Đồng ý rằng, việc chăm sóc thai nhi từ trong bụng mẹ là rất quan trọng nhưng các mẹ bầu nên biết cách ăn uống sao cho cân bằng và điều độ để tránh tăng cân quá nhiều. Cân nặng chuẩn trong thời gian mang thai là: Với các mẹ hơi gầy một chút, nên tăng từ 12 - 18kg trong suốt quá trình mang thai. Với các mẹ có vóc dáng bình thường, vừa cân, các mẹ bầu nên tăng từ 11 - 15kg. Các mẹ hơi thừa cân một chút, chỉ cần tăng từ 6 - 11kg. Với bé, cân nặng chuẩn khi chào đời chỉ nên từ 2,8kg - 3,2kg là hợp lý. Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cũng nên chăm chỉ vận động để có một thai kỳ năng động và cũng giúp bà bầu dễ dàng sinh nở hơn.
Bà bầu nên biết rằng, việc chăm thai nhi quá to trước hết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ khiến bà bầu mệt mỏi, cổ tử cung giãn rộng và chèn vào cơ hoành gây khó thở, chèn vào tĩnh mạch vùng chậu, gây phù chân. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều chị em bị bệnh tiểu đường ngay trong thai kỳ. Cộng với đó, việc sinh con to sẽ khiến người mẹ mất sức nhiều hơn, tổn thương phần mềm như rách âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, mất nhiều máu. Do vậy, mẹ bầu cần có chế độ ăn uống hợp lý trong suốt thai kỳ để bảo đảm sức khoẻ cho cả mẹ và thai nhi.
Tránh tập thể dục với cường độ lớn
Thực tế, việc luyện tập thể dục trong suốt thai kỳ mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho phụ nữ mang thai. Để có một thai kỳ khỏe mạnh và vượt cạn thành công, bà bầu nên lên kế hoạch cho một chế độ tập luyện phù hợp, tập luyện với cường độ vừa phải, tránh tập thể dục với cường độ cao.
Tập luyện với cường độ vừa phải có nghĩa là vận động cơ thể đủ để làm tăng nhịp tim và đổ mồ hôi. Trong khi tập luyện, vẫn có thể nói chuyện thoải mái mà không cảm thấy mệt mỏi. Một số hoạt động aerobic với cường độ vừa phải mà phụ nữ mang thai có thể áp dụng ví dụ như bơi lội, đi bộ nhanh, đi xe đạp trên địa hình bằng phẳng. Có thể dành ra 30 phút tập luyện vào khoảng 5 ngày trong tuần hoặc mỗi ngày chia nhỏ các bài tập mỗi lần 10 phút. Ví dụ, có thể chia nhỏ thành 3 lần đi bộ trong ngày và mỗi lần là 10 phút.
Tránh tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu
Trong một báo cáo mới được công bố trên tạp chí Khoa học của Mỹ, tiếp xúc với thuốc trừ sâu khi mang thai không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu mà còn có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển não của thai nhi trong bụng. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học, phơi nhiễm thuốc trừ sâu khi mang thai, dù ở mức độ vừa phải cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi, khiến não bé bị thay đổi cấu trúc và gây ảnh hưởng trí thông minh về sau của trẻ.
Ngoài thuốc trừ sâu, mẹ bầu cũng cần tránh sự tiếp xúc với những loại hóa chất để hạn chế tối đa những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sự phát triển của bé cưng như thuốc xịt côn trùng, thuốc diệt gián, chuột... Mùi sơn, chất pha loãng sơn, vecni dùng để làm bóng đồ gỗ không chỉ gây tổn thương não bộ em bé trong bụng mẹ mà còn làm tăng nguy cơ sinh non của mẹ bầu... Do đó, để có một thai kỳ khoẻ mạnh, các mẹ bầu phải hết sức thận trọng nhằm loại bỏ thuốc trừ sâu cũng như các loại hoá chất khác trong sinh hoạt cũng như cuộc sống hàng ngày.