Top 10 Món ngon Hà Giang

Đây là những món ăn rất độc đáo không phải khách du lịch nào cũng đã được thưởng thức khi đến Hà Giang. Ẩm thực là một phần đặc sắc tạo nên vẻ đẹp một vùng văn hóa giàu truyền thống lịch sử. Hãy xem những món ăn dưới đây để bạn không bỏ lỡ bất kì món ăn nào khi đến với Hà Giang nhé.

Thắng dền

Mỗi lần đi du lịch hay đến một vùng đất mới chúng ta đều muốn thưởng thức trọn vẹn tất cả các hương vị được gọi là đặc sản của địa phương để cảm nhận hết nét độc đáo, sự mới lạ của vùng đất đó. Vậy trong chuyến đi đến Hà Giang lần này bạn đã lên được danh sách các đặc sản mình cần thử chưa, vậy hãy theo dõi gợi ý dưới đây của Toplist nhé.


Đầu tiên phải kể đến là thắng dền, một món ngon của vùng đất Hà Giang được đông đảo khách du lịch yêu thích. Thắng đền mới đầu thoạt nhìn thì có vẻ giống món bánh trôi nước của người dân Hà Thành, tuy nhiên khi thưởng thức sẽ có vị rất khác biệt đấy.


Thắng dền được nặn từ bột gạo nếp nương, ở trong có nhân đường hoặc đậu xanh, thắng dền được ăn cùng với nước dùng gồm có đường, nước gừng. Sau đó rắc một chút lạc vừng rang chín và thưởng thức. Đây là món ăn rất đắt hàng vào mùa đông, khi trời tối rét mà được ăn thắng dền nước gừng thì còn gì bằng. Nó sẽ làm ấm người rất nhanh đấy. Bạn có thể ăn thắng dền tại các cửa hàng bán ở vỉa hè vào buổi tối ở các huyện như Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc. Một bát thắng dền có giá từ 5 đến 10 ngàn đồng.

Thắng dền
Thắng dền

Bánh tam giác mạch

Nhiều khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến Hà Giang đôi khi chỉ vì những cách đồng hoa tam giác mạch trù phú, nhiều người chỉ mải mê với những bức hình check in đầy cuốn hút mà quên mất rằng loài hoa này còn được chế biến ra một món ăn hết sức độc đáo, đó chính là bánh tam giác mạch.


Sau khi tận hưởng những khung cảnh đầy lãng mạn, khi mùa hoa kết thúc, bà con dân tộc thu hoạch hạt tam giác mạch, đem phơi khô và dùng để làm bánh, ủ rượu, nuôi gia súc. Quy trình để làm ra một chiếc bánh không dễ bởi hạt tam giác mạch không dễ xay nhỏ mịn nếu dùng cách xay tay, bà con dân tộc chỉ có chiếc cối đá thường xay ngô chứ xay hạt tam giác mạch rất khó. Mà nếu không xay được thật mịn thì khi làm ra bánh sẽ lợn cợn rất khó ăn. Sau khi nhào bột với nước để đúc thành những chiếc bánh tròn dẹt, rộng hơn gang tay, người ta sẽ đem hấp chín. Khi ăn, sẽ mang ra nướng trên bếp than cho nóng và thơm.


Hiện nay bánh tam giác mạch đã được làm với quy trình hiện đại hơn, bánh đã có thương hiệu riêng và được bày bán ở những địa điểm du lịch tại Hà Giang. Bánh tam giác mạch giờ đây không được bán nhiều ngoài chợ nữa mà được đóng hộp bán ở những địa điểm du lịch nhiều hơn, một hộp bánh có giá từ 25 đến 30 ngàn đồng.

Bánh làm từ hạt tam giác mạch
Bánh làm từ hạt tam giác mạch

Thắng cố

Bạn có thấy du khách thường truyền tai nhau đi Hà Giang đến chợ Đồng Văn ăn thắng cố và uống rượu ngô? Không biết từ bao giờ món thắng cố trở thành cái tên quen thuộc mỗi khi nhắc đến Hà Giang mà du khách tự gán cho nó. Nét thu hút tạo nên sức hấp dẫn cho món ăn này có lẽ là hương vị khác lạ, mang đặc trưng của vùng núi Tây Bắc.


Thắng cố chuẩn được làm từ nội tạng ngựa hoặc bò, hoà quyện cùng hương vị đặc trưng của các gia vị vùng núi Tây Bắc như thảo quả, hạt dổi, sả, ớt và tiêu tạo nên hương vị béo ngậy, cay nồng, phù hợp với tiết trời se lạnh vùng cao. Buổi tối mà thưởng thức món này cùng một chút rượu ngô đúng là tuyệt hảo, bảo sao du khách khi đi Hà Giang về ai cũng truyền tai nhau món này.


Bạn đã đến Hà Giang mà chưa thưởng thức món này thì quả là sơ xuất lớn, món ăn này không chỉ là một trải nghiệm mới lạ mà nó còn chứa đựng nhiều phong tục tập quán hết sức độc đáo mà chỉ nơi đây mới có.

Thắng cố
Thắng cố

Rau cải cay

Nhờ khí hậu đặc thù mà rau cải trên Hà Giang có hương vị lạ thường, khác hẳn so với rau cải miền xuôi. Rau cải có phần cay hơn, đắng hơn cùng cách chế biến mang đậm bản sắc dân tộc, món rau cải nơi đây đã trở thành thứ đặc sản nức lòng các du khách.


Rau cải cay vùng cao được làm rất đơn giản, món ăn này đặc có vị chua cay rất đặc trưng mà không cần gia vị. Vào mùa rau cải thì đây là món ăn được người làm nhiều nhất. Ngồng cải rửa qua với nước rồi trần qua nước sôi, sau đó cho vào xô hoặc chậu ngâm với nước ấm đậy kín. Sau 1 đến 2 ngày là có thể ăn được, khi mở nắp ra bạn sẽ thấy ngay vị cay xộc lên mặt. Chế biến ngồng cải rất đơn giản, ngồng cải được tách lá, phần ngọn được bóc vỏ rồi thái nhỏ bằng đốt ngón tay, khi xào nêm thêm muối và bột ngọt cho vừa ăn.


Món ăn này giúp giữ nhiệt cơ thể rất tốt bởi vị cay nồng của nó, vị chua giúp giảm độ ngấy của những món dầu mỡ. Khi biết cách làm bạn có thể làm tại nhà. Nó dễ hơn làm kim chi hay dưa muối rất nhiều.

Rau cải cay
Rau cải cay

Mật ong bạc hà

Chúng ta thường nghe thấy mật ong nhãn còn mật ong bạc hà thì sao? Bạn đã nghe thấy bao giờ chưa. Vùng đất cao nguyên Hà Giang với khí hậu thuận lợi và những cánh đồng hoa bạc hà bạt ngàn đã cho ra đời một thứ đặc sản mà chỉ nơi đây mới có, đó chính là mật ong bạc hà.


Mật ong bạc hà là thứ đặc sản của Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Được gọi là mật ong bạc hà vì những con ong thường hút mật ở những bông hoa bạc hà rồi chiết ra thứ mật ong mang đậm hương vị loài hoa này. Cứ độ tháng 9 âm lịch là mùa hoa bạc hà nở rộ nhất và cũng là thời điểm ong đi lấy mật nhiều nhất. Trong khoảng thời gian này những người thợ nuôi ong phải đặt tổ gần những ruộng hoa, những nơi có hoa nở nhiều. Vì là hoa mọc tự nhiên nên những tổ ong được đặt ở những khe đá tai mèo tại những ngọn núi cao.


Mật ong bạc hà rất quý vì quá trình sản xuất ra mật ong khá vất vả, hơn nữa mùi vị bạc hà rất đặc trưng, không miền nào có được. Bạn có thể mua mật ong tại nhà những người dân tự nuôi ong với giá từ 350 đến 400 ngàn đồng 1 lít. Mật ong là thứ thuốc để chữa bệnh và làm đẹp rất hữu hiệu, hãy tranh thủ để có được thứ mật ong nguyên chất thơm ngon này nhé.

Người chủ cạnh tổ ong của mình
Người chủ cạnh tổ ong của mình
Mật ong bạc hà Mèo Vạc
Mật ong bạc hà Mèo Vạc

Mèn mén

Mèn mén là món ăn thường ngày và có phần nghèo khó của người dân Hà Giang. Tuy nhiên, với cách làm cầu kỳ, độc đáo món ăn đã gây được sự tò mò với đông đảo khách du lịch. Chẳng biết từ bao giờ mà khách du lịch mỗi khi đến Hà Giang đều tâm niệm, đến đây là phải thưởng thức món ngon này.


Mèn mén được làm từ hạt ngô đã già. Có thể nhiều người chưa biết đến thứ món ăn thú vị này. Sau mỗi mùa ngô thì mèn mén là món chính trong các gia đình người Mông và được bán ở ngoài chợ với giá 10 đến 15 ngàn đồng một bát tô phở.


Nguyên liệu để làm mèn mén rất đơn giản nhưng chế biến được nó thì lại rất kì công, đầu tiên phải xay nhỏ hạt ngô ra thành bột sau đó hấp cách thủy, vừa hấp vừa phải rưới thêm nước cho mèn mén chín đều mà không bị khô quá. Trong khi hấp cũng để lửa nhỏ như vậy mèn mén mới ngon và thơm, người Mông thường ăn mèn mén với canh rau cải, canh thịt, tẩu chúa. Mèn mén trở thành thứ lương thực chính trong bữa ăn hàng ngày như cơm trắng vậy. Khi ăn mèn mén nên ăn miếng nhỏ, khi ăn không nên nói chuyện nếu bạn không muốn bị nghẹn.


Đối với người dân Hà Giang thì mèn mén là một món ăn quá quen thuộc nhưng với đông đảo khách du lịch thì nó là một món ăn rất đáng để trải nghiệm, nó không chỉ là một đặc sản mang hương vị khác lạ mà nó còn là hương vị cuộc sống của những người dân nghèo khó nơi đây.

Mèn mén
Mèn mén

Đậu xị

Vị trí địa lý của Hà giang khá gần Trung Quốc nên những món ăn nơi đây có phần ảnh hưởng từ nền văn hoá ẩm thực này. Trong đó phải kể đến món đậu xị, một đặc sản mang phong cách của vùng đất Hà Giang nhưng có sự pha trộn độc đáo với hương vị Trung Quốc.


Đậu xị là món ăn từ Trung Quốc du nhập vào, những người Hoa sang sinh sống tại đây làm món ăn này và phổ biến rộng rãi với người dân vùng cao. Làm đậu xị rất nhiều công đoạn, trước hết phải chọn được hạt đậu tương to, vàng đều và phơi khô. Các nguyên liệu làm nên đậu xị có, ớt chỉ thiên khô, hạt tiêu rừng, lá Hức (loại lá chỉ có trong rừng to bằng bàn tay mặt có lông trắng mịn mặt còn lại không lông màu xanh mượt), vỏ cam khô và muối, rượu... tùy từng nhà có khẩu vị khác nhau thì nguyên liệu sẽ khác nhau nhưng cơ bản là phải có đậu tương, ớt, gừng hạt tiêu, rượu trắng. Hạt đậu tương rang khô để hạt tách đôi, sau đó ninh dừ vớt ra ráo nước trộn đều cùng với các nguyên liệu trên. Đậu xị được ủ trong chum đậy kín tầm 2 tuần là có thể ăn được, có những gia đình để khoảng 1 tháng. Đậu xị được chế biến với thịt ba chỉ, tóp mỡ, bì lợn hoặc chỉ cần đun sôi là có thể ăn được.


Đậu xị thường ăn vào mùa đông lạnh, vì có vị cay và thịt mỡ nên ăn rất ngon. Khi có món đậu xị đưa cơm ngày lạnh nồi cơm nhà bạn sẽ hết rất nhanh đấy. Một bát con đậu xị có giá 5 đến 10 ngàn đồng.

Tương đậu xị
Tương đậu xị

Rêu nướng

Ở những vùng núi khí hậu ẩm ướt cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi nên rong, rêu thường rất phát triển và cao nguyên Hà Giang cũng là một nơi như vậy. Tận dụng lợi thế của địa phương cùng văn hoá ẩm thực phong phú, người dân nơi đây đã sáng tạo nên những món ăn hết sức độc đáo. Không chỉ là món khoái khẩu của người dân nơi đây mà còn nổi tiếng gần xa và được khách du lịch săn đón, đó chính là món rêu nướng.


Rêu nướng là món ăn đặc trưng của dân tộc Tày, rêu nướng không chỉ là món ăn thông thường mà còn có tác dụng lưu thông khí huyết, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng rất tốt. Theo kinh nghiệm được truyền lại từ nhiều đời của người Tày, khi đi tìm rêu nên chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món. Khi vớt rêu, phải đứng ở dưới suối để vớt. Nước cứ chảy từ trên xuống lấy tay quơ ngang, những cái nào non nhất thì lấy. Rêu chỉ sống trong 7 ngày, tức là khi nó mọc lên 3-4 ngày là phải vớt ngay nếu để quá 7 ngày nó trở thành màu trắng bệnh không ăn được nữa.


Chú ý là rêu thường có theo mùa và ở những bãi rêu lớn vì thế món ăn này không phải lúc nào cũng có. Rêu khi rửa sạch thì được trộn với sả, gừng, muối, hạt tiêu rồi gói vào lá dong nướng trên bếp. Ngoài món rêu nướng rêu có thể nấu với nước xương hầm, nước luộc gà. Nhiều gia đình bảo quản rêu bằng cách treo trên gác bếp, khi có khách quý thì mang ra chiêu đãi. Nếu bạn lên vùng cao được thưởng thức món ăn từ rêu thì rất may mắn đó.

Rêu nướng
Rêu nướng

Thịt lợn cắp nách

Những con lợn trên vùng núi thường được nuôi dân dã nên có hương vị thơm ngon và đậm đà hơn những giống lơn thông thường. Và cao nguyên Hà Giang cũng là một vùng núi nổi tiếng có món thịt lợn cắp nách được đông đảo du khách săn lùng.


Người dân vùng cao Hà Giang nuôi lợn hoàn toàn bằng những thức ăn tự nhiên, họ nấu cám cho lợn ăn bằng dây khoai lang, cây chuối, bột ngô và thức ăn thức ăn thừa gia đình. Lợn nuôi đến lứa sẽ cắp nách mang ra chợ bán, nhiều người thích thịt lợn cắp nách bởi thịt rất thơm, chắc mà lơn không già quá. Lợn cắp nách ngon nhất là khi được quay trên bếp than cả con, bên trong con lợn được ướp lá mắc mật và gia vị.


Ngoài ra thịt lợn cắp nách được chế biến thành thịt nướng, thịt lợn hấp chấm với mắm tôm, thịt lợn xào lăn với riềng mẻ, thịt lợn nấu dựa mận, lòng dồi heo... Thịt lợn rất thơm và chắc, đó là điều đặc biệt riêng của thịt lợn cắp nách.

Những món ăn chế biến từ thịt lợn cắp nách
Những món ăn chế biến từ thịt lợn cắp nách
Lợn cắp nách quay cả con
Lợn cắp nách quay cả con

Cháo ấu tẩu

Đến Hà Giang mà chưa thưởng thức món cháo ấu tầu thì quả là một điều tiếc nuối. Không giống với tất cả các loại cháo khác bạn đã từng ăn, chúng có hương vị rất khác lạ, có lẽ là đặc trưng của địa phương nơi đây.


Nguyên liệu chính của món ăn là gạo nếp, củ ấu tẩu và chân giò. Sau khi vo gạo xong sẽ dùng nước vo gạo để ngâm củ ấu tẩu cho mềm và sạch những cặn bẩn. Sau đó nấu ấu tẩu chừng 4 tiếng để ấu tẩu mềm và tơi khi cho vào nấu cùng cháo sẽ hòa quyện, chân giò chặt miếng vừa ăn. Tất cả cho vào nồi ninh dừ cùng với muối và bột ngọt. Ngoài ra cháo ấu tẩu còn được ăn kèm với thịt băm rất thơm ngon và đễ ăn. Bạn đầu bạn có thể thấy nó hơi đắng nhưng ăn rồi thì Toplist tin rằng bạn sẽ nghiện nó cho mà coi.


Cháo ấu tẩu có vị đắng, nhưng khi ăn đến cổ họng thì cảm giác rất ngọt. Những người đã quen với vị đắng ấy bị nghiện cháo ấu tẩu. Bạn có thể thưởng thức món ăn này tại các cửa hàng bán cháo ấu tẩu ở thị xã Hà Giang hoặc những huyện vùng cao. Tuy nhiên những cửa hàng này chưa có trên googlemap nên muốn thưởng thức bạn có thể hỏi thăm người dân sống ở đó, rất dễ tìm thôi. Tùy từng cửa hàng mà giá bán cháo ấu tẩu cũng khác nhau trung bình một bát cháo to có giá từ 25 đến 30 ngàn đồng.

Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?