Bạn đã từng nghe đến những ngôi làng đẹp nhất, thơ mộng nhất, nổi tiếng nhất,... trên thế giới, vậy có bao giờ nghe đến "ngôi làng kỳ lạ" chưa? Những cái gì "kỳ lạ" luôn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người và ngôi làng kỳ lạ ấy đang hiện hữu tại Việt Nam. Bạn đã biết chưa? Nếu chưa thì chúng ta cùng nhau tìm hiểu điều gì đã làm cho những ngôi làng ấy thú vị nhé!
Làng Bông Dầu thuộc thôn Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước đã từng nổi tiếng khắp xứ Quảng như ngày xưa với cái nghề với cái nghề ép dầu lạc và “đặc sản” trái bòn bon “trong tròn ngoài méo”. Thế nhưng ngày nay, danh tiếng của ngôi làng đã bị mai một thay vào đó lại khá nổi với cái tên "ai cũng biết" là làng đàn ông ế vợ.
Trong làng, chừng có gần 150 người nhưng hầu hết đàn ông trong làng đều "ế" dù đã đến tuổi kết hôn. Có lẽ họ không muốn kết hôn cũng có thể do một nguyên nhân nào khác. Lý do thì vô số nhưng cho cùng nguyên nhân chính vẫn là "cái nghèo". Đã nghèo thì cưới vợ về có khác nào làm khổ vợ con. Thế nhưng, ngày nay thì chuyện ế vợ ở làng Bông Dầu chỉ còn là những lời truyền miệng với nhau hay đâu đó còn hiện diện những quan niệm cổ hủ, mê tín khi thấy ngôi làng nằm bên dòng sông chảy ngược mà đồn thổi.
Không biết thổ nhưỡng ở đây tốt, khí hậu thuận lợi hay vì một lý do đặc biệt nào đó mà bí đao tại làng Chánh Trạch ở Phù Mỹ, Bình Định luôn làm mọi người phải xuýt xoa, tò mò. Những quả bí đao ở đây phải nói là "khổng lồ". Thông thường các quả bình quân nặng từ 40 - 50 kg thậm chí có quả gần 1 tạ. Vì vậy, người ta vẫn xem "bí đao" khổng lồ là một đặc sản nổi tiếng của vùng.
Bạn đã từng nếm thử qua những món làm từ sâu bọ chưa? Nghe có vẻ hơi đáng sợ nhưng ở Tây Nguyên thì việc "ăn sâu bọ" là bình thường. Tất cả đều được xuất phát từ việc sâu bọ phá hoại mùa màng, gây ảnh hưởng xấu đến việc trồng trọt của người. Vì thế, một ngôi làng kỳ lạ ở Tây Nguyên đã nghĩ ra cách một cách tiêu diệt lũ sâu bọ mà không cần phải sử dụng thuốc trừ sâu. Đó là chế biến những con sâu bọ thành những món hấp dẫn và ăn chúng với nhiều kiểu như hấp, rán, xào, nướng, không thiếu một món nào.
Làng hình cá chép là ngôi làng Hành Thiện thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định khi diện tích hiện diện trên bản đồ là hình ảnh hết sức đặc biệt tựa như một con cá chép. Ngôi làng được bao quanh bởi hai nhánh sông nhỏ mang tên sông Con và cũng chính 2 nhánh sông này đã tạo thành hình dáng cá chép cho ngôi làng tạo nên điểm kỳ lạ "không đụng hàng" mà không thể tìm thấy cái thứ hai. Để lý giải hiện tượng này thì một giả thuyết được nhiều người tán đồng nhất là từ lâu những cư dân đầu tiên của ngôi làng đã có ý thức quy hoạch ngôi làng theo hình cá chép nhằm "hợp phong thủy" và "ngăn giặc cướp".
Tại nước ta, ngôi làng nổi tiếng với sự ra đời của nhiều cặp sinh đôi nhất phải nói đến ngôi làng ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Ngôi làng có đến hàng chục cặp sinh đôi từ cặp nhỏ nhất mới 2 đến 3 tuổi đến cặp lớn tuổi nhất đã hơn 60. Cái tên “làng có nhiều cặp sinh đôi nhất” xuất hiện và được nhiều người biết đến lần đầu vào năm 2007. Bằng chứng là cả xã Hưng Lộc có hơn 60 cặp sinh đôi thì ngôi làng này đã chiếm hết 40 cặp. Quả thật, đó là một sự ngẫu nhiên đến kỳ lạ.
Theo lời kể của nhiều người dân nơi đây thì những bà mẹ sinh đôi trong lúc mang thai đều mơ thấy một giấc mơ khá kỳ lạ. Đó là hình ảnh 2 đứa trẻ đang chơi đùa trước nhà. Thế nhưng, lại có người lại đồn là do mạch nước giếng ở đây rất đặc biệt nên thu hút nhiều người làng khác đến xin nước mang về uống và hạ sinh. Cho đến nay, hiện tượng sinh đôi tại làng sinh đôi vẫn chưa có lời giải đáp mặc dù những cặp sinh đôi ấy vẫn có cuộc sống bình thường như bao người ở nơi khác.
Người dân tại làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang từ nhiều đời nay luôn nổi tiếng với truyền thống làm nghề gốm do ông cha truyền lại. Để tiết kiệm, họ đã tận dụng những chiếc tiểu sành bị vỡ, hỏng để xây tường. Từ đó, một điều khá thú vị đã xảy ra làm nên sự kỳ lạ là ở chỗ những tiểu sành này rỗng bên trong lại là nơi cư ngụ của nhiều bầy ong. Chúng chui vào đó làm tổ và sinh sống. Do vậy, các bức tường nhà của người dân ở làng Thổ Hà có đến vài ba chục "bầy ong" đang sinh sống với con người cho đến bây giờ.
Thế nhưng, những người dân nơi đây vẫn tỏ ra bình thản, không hề cảm thấy lo lắng và còn coi đó là một điểm đặc biệt của làng mình. Thậm chí, họ còn xem những bầy ong sinh sống "chung nhà" ấy như những người bạn. Từ đó, một "luật làng bất thành văn" đã được lập ra là những nhà có "ong trú" không được lấy mật ong hay cố đuổi chúng đi nơi khác.
Với tỉ lệ hơn 10% người dân trong làng đều mắc bệnh thần kinh thì xóm Chùa ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã khiến cho nhiều chuyên gia phải bó tay vì không thể nào tìm được nguyên nhân lý giải. Tất nhiên, con số này được xem là cao bất thường so với tỉ lệ dân số trong một huyện. Hiện nay, tình trạng nhiều người mắc bệnh tâm thần vẫn đang cứ tiếp diễn mặc dù có nhiều đề xuất yêu cầu người trong làng di cư nơi khác. Thế nhưng, họ không đồng ý và vẫn bám trụ làng mà sống.
Với tên gọi "làng khổng lồ", thôn Đình Tràng thuộc xã Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam được biết đến với những người dân trong làng đều có vóc dáng cao lớn một cách lạ thường. Đến nay, người ta vẫn chưa tìm được nguyên nhân tại sao có sự là kỳ như vậy. Trung bình, nữ trong làng cao khoảng 1m7 và nam là 1m8, một chiều cao đáng mơ ước của tất cả mọi người. Điều khá thú vị là tuyển thủ bóng chuyền nổi tiếng của đội tuyển Việt Nam là Ngô Văn Kiều cũng là người làng Đình Tráng.
Ngay tại Việt Nam, cách trung tâm Hà Nội không xa nổi tiếng với một ngôi làng khá đặc biệt mang tên là làng Đa Chất, Đại Xuyên, Phú Xuyên. Điều kỳ lạ là tất cả người dân trong làng đều sử dụng một thứ ngôn ngữ riêng mà chỉ người trong làng mới biết. Vì vậy, khi vào làng thì bạn cần phải có một người phiên dịch để hiểu họ nói gì. Điều đó cũng khá là thú vị khiến cho nhiều người tò mò đến đây.
Lý do ngôi làng này sử dụng thứ ngôn ngữ riêng bắt nguồn từ những người thợ thủ công làm cối xay trong làng vì không muốn bí mật nghề nghiệp của mình bị truyền ra ngoài cho nên đã tạo ra thứ tiếng riêng và còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Chiến tranh đi qua, bất cứ nơi nào cũng mang nỗi đau mất mát về người và của. Vậy mà, trong thời chiến tranh, làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có 104 thanh niên lên đường ra trận chiến đấu và cuối cùng không mất một ai, chỉ có 2 bệnh binh và 2 thương binh. Lý giải chuyện này thì người dân trong làng luôn tin rằng con cháu của họ được thần linh phù hộ nên đều bình an vô sự. Từ đó, ngôi làng cũng mang tên là làng không có liệt sĩ. Ngày nay, làng Tân Lập là di tích lịch sử nằm trong quần thể Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt.