Bác Hồ đã từng nói: Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những vị vua, chúa trường thọ nhất Việt Nam nhé.
Chúa Trịnh Tráng (1577 - 1657): 81 tuổi
- Tên húy: Trịnh Tráng
- Trị vì: 1623 - 1657
- Sinh: 1577
- Mất: 1657
- Kế nhiệm: Trịnh Tạc
- Thân phụ: Trịnh Tùng
- Thân mẫu: Đặng Thị Ngọc Bảo
- Thụy hiệu: Nghị Vương (誼王)
- Miếu hiệu: Văn Tổ (文祖)
Về chính trị, ông là người củng cố địa vị cai trị của chế độ "vua Lê chúa Trịnh". Về quân sự, thời kỳ ông cầm quyền là bước chuyển căn bản giữa hai cuộc xung đột Nam-Bắc triều và Trịnh-Nguyễn.
Vua Trần Nghệ Tông (1321 - 1394): 74 tuổi
Hoàng đế thứ 8 của nhà Trần
Tên húy: Trần Phủ (陳暊)
Trị vì: 1370 - 1372
Sinh: 12/1321
Mất: 15/12/1394
Kế nhiệm: Trần Duệ Tông
Thân phụ: Trần Minh Tông
Thân mẫu: Minh Từ quý phi
Thụy hiệu: Thể Thiên Kiến Cực Thuần Hiếu hoàng đế (體天建極純孝皇帝)
Miếu hiệu: Nghệ Tông (藝宗)
Trần Nghệ Tông là vị hoàng đế có quyền lực tối cao cuối cùng của hoàng tộc họ Trần, ông có công lớn trong việc lật đổ Dương Nhật Lễ và khôi phục lại cơ đồ cho triều đại nhà Trần.
Qua những ghi chép ít ỏi của sử sách, ta biết từ lúc đầu, Trần Nghệ Tông đã không có ý định làm vua. Do sự động viên, khích lệ của công chúa, vương hầu, ông giành lại ngôi vua từ Dương Nhật Lễ, nhưng ông cũng chỉ giữ ngôi 2 năm, từ tháng Giêng năm Canh Tuất (1370) đến tháng Giêng năm Nhâm Tí (1372) rồi nhường ngôi cho em là Cung Tuyên vương Kính, tức Trần Duệ Tông - người đã cùng ông họp quân ở Đại Lại hai năm trước.
Chúa Nguyễn Hoàng (1525 - 1613): 89 tuổi
- Chúa Nguyễn đầu tiên
- Trị vì: Từ 1588 đến 1613
- Kế nhiệm: Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên
- Tên húy: Nguyễn Hoàng
- Sinh: 28/8/1525
- Mất: 20/7/1613
- Thân phụ: Nguyễn Kim
- Thân mẫu: Nguyễn Thị Mai
- Thụy Hiệu: Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cần Nghĩa Đạt Lý hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ hoàng đế
- Miếu hiệu: Thái Tổ
Năm 1613, Nguyễn Hoàng mất, thọ 89 tuổi. Sau được truy tôn là Thái tổ Gia Dụ hoàng đế.
Vua Thành Thái (1879 - 1954): 75 tuổi
- Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn
- Tên húy: Nguyễn Phúc Bửu Lân
- Trị vì: 1889 - 1907
- Sinh: 14/03/1879
- Mất: 24/03/1954 (có tài liệu ghi ông mất ngày 09/03/1955)
- Kế nhiệm: Duy Tân
- Thân phụ: Dục Đức
- Thân mẫu: Từ Minh Huệ hoàng hậu
- Thụy hiệu: Hoài Trạch công
Trước các ý tưởng cấp tiến của Thành Thái, người Pháp lo ngại tìm cách ngăn trở. Để che mắt, Thành Thái giả hành động như một người mất trí. Khi các bản vẽ vũ khí của ông bị phát hiện, Thành Thái giả điên, cào cấu các bà cung phi và xé nát các bản vẽ. Lợi dụng cơ hội này, người Pháp vu cho ông bị điên, ép ông thoái vị, nhường ngôi cho con vì lý do sức khỏe. Khâm sứ Pháp còn nói thẳng là đã biết ông có ý đồ chống Pháp, nên không để ông ở ngôi được. Còn nếu Thành Thái muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay phải thành thực hồi tâm. Nhưng ông đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất, từ chối.
Ngày 12 tháng 9 năm 1907, Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay). Đến nǎm 1916 ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.
Tháng 3 năm 1953, ông được phép về Huế thăm lăng tẩm cha mẹ.
Ông mất ngày 24 tháng 3 năm 1954 và được an táng tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Dục Đức) tại xã An Cựu, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, thọ 75 tuổi.
Vua Bảo Đại (1913 - 1997): 85 tuổi
- Vua thứ 13 nhà Nguyễn
- Tên húy: Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy
- Sinh: 22/10/1913 tại Huế, Việt Nam
- Mất: 31/7/1997 Paris, Pháp
- Trị vì: 6/11/1925
- Thoái vị: 25/8/1945
- Hoàng hậu: Nam Phương Hoàng Hậu
- Thân phụ: Vua Khải Định
- Thân mẫu: Từ Cung Hoàng Thái Hậu
- Khi lên 9 tuổi (1922) Vĩnh Thụy được tấn phong làm Đông Cung Hoàng Thái Tử.
Chúa Trịnh Tạc (1606 - 1682): 77 tuổi
- Tên húy: Trịnh Tạc
- Trị vì: 1657 - 1682
- Sinh: 1606
- Mất: 1682
- Kế nhiệm: Trịnh Căn
- Thân phụ: Trịnh Tráng
- Thân mẫu: Trần Thị Ngọc Đài
- Thụy hiệu: Dương vương (陽王)
- Miếu hiệu: Hoằng tổ (弘祖)
Năm 1657, ông chính thức lên kế vị. Trong thời gian cai trị của ông, quân Trịnh đã giành được một số thắng lợi quân sự: dẹp yên thế lực chúa Bầu họ Vũ ở Tuyên Quang và họ Mạc ở Cao Bằng, giành lại vùng đất phía bắc sông Gianh từ tay chúa Nguyễn.
Từ sau năm 1672, chiến tranh Trịnh - Nguyễn chấm dứt, Trịnh Tạc bắt tay vào việc xây dựng đất nước, thực hiện cải cách trên lĩnh vực chính trị - kinh tế và đạt một số thành tựu, đưa họ Trịnh vào thời kì đỉnh cao thịnh trị.
Ông qua đời năm 1682, ngôi thế tử được truyền cho con trai trưởng là đức Chiêu Tổ Khang vương Trịnh Căn.
Chúa Trịnh Căn (1633 - 1709): 77 tuổi
- Tên húy: Trịnh Căn
- Trị vì: 1682 - 1709
- Sinh: 1633
- Mất: 1709
- Kế nhiệm: Trịnh Cương
- Thân phụ: Trịnh Tạc
- Thân mẫu: Vũ Thị Ngọc Lễ
- Thụy hiệu: Khang Vương (康王)
- Miếu hiệu: Chiêu Tổ (昭祖)
Sự nghiệp của Trịnh Căn chính là gạch nối cơ bản giữa thời Trịnh-Nguyễn phân tranh và thời thịnh trị của Đàng Ngoài. Ông là người chỉ huy có công chặn đứng thế bắc tiến của Chúa Nguyễn, giữ hoà bình cho Bắc Hà và đưa miền bắc Đại Việt vào thời kỳ phát triển phồn thịnh trở lại sau nhiều năm binh lửa.
Ông còn để lại một tập thơ Nôm: Ngự đề Thiên Hòa doanh bách vịnh, gồm hàng trăm bài thơ để vịnh đủ loại.