Việc ôn tập các môn học về khoa học xã hội theo chương trình đại cương tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khiến nhiều bạn sinh viên băn khoăn, lo lắng bởi sự lúng túng trong việc xác định các nội dung trọng tâm kiến thức cũng như các trả lời các câu hỏi tự luận sao cho chính xác và đầy đủ. Vậy nên rất nhiều lượt tìm kiếm về chủ đề những câu hỏi thường gặp nhất của môn Tâm Lý học đại cương được các bạn sinh viên quan tâm. Trong bài viết này Toplist xin đưa ra một số gợi ý cho bạn về vấn đề trên.
Câu 4
Câu hỏi: Chú ý là gì? Có những loại chú ý nào? Nêu vai trò và các thuộc tính của chú ý?
Gợi ý trả lời:
Chú ý là sự tập trung vào một hay một nhóm đối tượng, sự vật nào đó để định hướng hoạt động, bảo đảm điều kiện thần kinh – tâm lý cần thiết cho hoạt động tiến hành có kết quả.
Có 3 loại chú ý:
- Chú ý không chủ định: Là loại chú ý không có mục đích đặt ra trước, không cần sự nỗ lực của bản thân. Chú ý không chủ định chủ yếu do tác động bên ngoài gây ra, phụ thuộc vào đặc điểm của vật kích thích.
- Chú ý có chủ định: Là loại chú ý có mục đích định trước và phải có sự nỗ lực của bản thân. Do đã xác định mục đích của hoạt động nên chủ thể vẫn tập trung vào đối tượng hoạt động, vẫn tiến hành hoạt động không phụ thuộc vào các đặc điểm của kích thích.
- Chú ý sau chủ định: Là chú ý lúc đầu do mục đích định trước, về sao do hứng thú với hoạt động mà chú ý có chủ định đã phát triển đến mức chủ thể không cần nỗ lực ý chí vẫn tập trung vào đối tượng hoạt động. Loại chú ý này giúp cho hoạt động của con người giảm được căng thẳng thần kinh, giảm được tiêu hao năng lượng. Nó bộc lộ ở trạng thái say sưa công việc của con người.
Vai trò của chú ý:
- Chú ý là điều kiện cần thiết để tiến hành hoạt động. Do tính chọn lọc của chú ý, nên nó giúp cho hoạt động tâm lý ở người tập trung vào đối tượng này mà bỏ qua hoặc xao lãng đối tượng khác. Nhờ vậy, hoạt động tâm lý có ý thức hơn, các hoạt động tập trung hơn, kết quả hoạt động sẽ cao hơn.
Các thuộc tính của chú ý:
- Sức tập trung của chú ý: Là khả năng chú ý đến một phạm vi đối tượng tương đối hẹp, cần thiết cho hoạt động lúc đó và không để ý đến mọi chuyện khác. Số lượng các đối tượng mà chú ý hướng tới gọi là khối lượng chú ý.
- Cường độ của chú ý: Là sự tiêu hao năng lượng thần kinh để thực hiện hoạt động.
- Sự bền vững của chú ý: Là khả năng duy trì lâu dài chú ý vào một hoặc một số đối tượng. Ngược với tính bền vững của chú ý là sự phân tán chú ý. Tính bền vững của chú ý có liên quan mật thiết với những điều kiện khách quan của hoạt động và những đặc điểm của mỗi cá nhân.
- Sự di chuyển chú ý: Là khả năng chuyển chú ý từ đối tượng này sang đối tượng khác.
- Sự phân phối chú ý: Là khả năng chú ý đồng thời tới một số đối tượng với mức độ rõ ràng như nhau.
Câu 2
Câu hỏi: Ý thức là gì? Nêu đặc điểm, sự hình thành và phát triển của tâm lý?
Gợi ý trả lời:
Ý thức là một hình thức phản ánh tâm lý cao nhất chỉ riêng con người mới có. Đó là khả năng con người hiểu được các tri thức (hiểu biết) mà người đó đã tiếp thu được.
Đặc điểm của ý thức:
- Các hiện tượng tâm lý có ý thức của một người đều được người đó nhận thức. Nghĩa là, con người biết rõ mình đang làm gì, nghĩ gì, hiểu rõ hành vi của bản thân đúng hay sai, tốt hay xấu.
- Ý thức được biểu hiện bằng ngôn ngữ. Con người dùng ngôn ngữ để nhận xét, đánh giá phân tích những hiện tượng tâm lý của mình.
- Các hiện tượng tâm lý có ý thức của một người thường bao hàm thái độ ít nhiều rõ rệt của người ấy.
- Ở mức độ cao, ý thức thường được kèm theo sự dự kiến trước, tính có chủ định… và nhờ đó mà dẫn tới hành động.
Sự hình thành và phát triển ý thức:
- Khác với con vật, con người không chỉ thích ứng một cách thụ động với môi trường không chỉ lấy những gì có sẵn trong thiên nhiên mà con người chủ yếu tác động làm biến đổi thiên nhiên để tạo ra những sản phẩm thoả mãn nhu cầu của mình. Sở dĩ con người làm được như vậy là nhờ lao động. Lao động là một quá trình đòi hỏi con người phải thấy trước kết quả lao động, có chương trình lao động, có phương pháp lao động, biết phân tích đánh giá kết quả lao động. Làm như vậy, chính là ý thức. Như vậy ý thức ra đời trong lao động.
- Khi lao động cùng nhau, con người cần phải nói với nhau ý muốn của họ, xác định mục đích của cả nhóm, cùng nhau bàn bạc… Nhờ đó làm nảy sinh ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ con người gọi tên sự vật, hiện tượng, đánh giá hành vi, hành động của mình hay của cả nhóm. Như vậy ngôn ngữ là một yếu tố hình thành nên ý thức.
- Lao động là một dạng hoạt động tập thể. Ngôn ngữ là hiện tượng xã hội. Vì vậy, ý thức ngay từ đầu là sản phẩm của xã hội và luôn luôn là sản phẩm của xã hội. Cùng với lao động và ngôn ngữ, xã hội là yếu tố hình thành nên ý thức.
- Ở mỗi người, ý thức hình thành bằng hoạt động của bản thân thông qua sản phẩm của hoạt động, trong quan hệ giữa mình và người khác và sử dụng ngôn ngữ của mình làm công cụ.
Câu 3
Câu hỏi: Nhân cách là gì? Nêu các yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển nhân cách?
Gợi ý trả lời:
Nhân cách là tổng hoà những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý được nảy sinh hình thành và phát triển trong các mối quan hệ xã hội. Mỗi con người có nhân cách là thành viên của các mối quan hệ xã hội, chịu sự chi phối của các mối quan hệ đó.
Phát triển nhân cách là quá trình hình thành nhân cách như là một phẩm chất xã hội của cá nhân, là kết quả của sự xã hội hóa nhân cách và của giáo dục. Giai đoạn phát triển nhân cách có thể được xác định trong khoảng thời gian trước tuổi trưởng thành của chủ thể nhân cách.
Trong tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển nhân cách thì quan trọng hơn cả là yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, yếu tố giáo dục, yếu tố hoạt động cá nhân, yếu tố giao tiếp.
- Yếu tố di truyền:
- Các yếu tố di truyền đóng vai trò tiền đề tự nhiên, là cơ sở vật chất cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Các yếu tố bẩm sinh di truyền như đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh, cấu tạo của não, cấu tạo và hoạt động của các giác quan…
- Những yếu tố này sinh ra đã có do bố mẹ truyền lại hoặc tự nảy sinh do biến dị (bẩm sinh). Di truyền là sự tái tạo ở đời sau những thuộc tính sinh học có ở đời trước, là sự truyền lại từ cha mẹ đến con cái những đặc điểm những phẩm chất nhất định (sức mạnh bên trong cơ thể, tồn tại dưới dạng nhưng tư chất và năng lực) đã được ghi lại trong hệ thống gen di truyền.
- Yếu tố môi trường:
- Môi trường xã hội có tầm quan trọng đặc biệt vì nếu không có xã hội loài người thì những tư chất có tính người cũng không thể phát triển được. Môi trường là hệ thống các hoàn cảnh bên ngoài, các điều kiện tự nhiên và môi trường xã hội xung quanh cần thiết cho hoạt động sống và phát triển của trẻ nhỏ.
- Sự hình thành và phát triển nhân cách chỉ có thể được thực hiện trong một môi trường nhất định. Môi trường góp phần tạo nên mục đích, động cơ, phương tiện và điều kiện cho hoạt động giao lưu của cá nhân, nhờ đó giúp trẻ chiếm lĩnh được các kinh nghiệm để hình thành và phát triển nhân cách của mình.
- Tuy nhiên, tính chất và mức độ ảnh hưởng của môi trường đối với sự hình thành và phát triển nhân cách còn tùy thuộc vào lập trường, quan điểm, thái độ của cá nhân đối với các ảnh hưởng đó, cũng như tùy thuộc vào xu hướng và năng lực, vào mức độ cá nhân tham gia cải biến môi trường.
- Yếu tố giáo dục:
- Giáo dục là sự tác động có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả các mục đích đã đề ra. Giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Giáo dục có thể mang lại những tiến bộ mà các nhân tố khác như bẩm sinh – di truyền hoặc môi trường, hoàn cảnh không thể có được.
- Giáo dục không chỉ thích ứng mà còn có thể đi trước hiện thực và thúc đẩy nó phát triển. Giáo dục có giá trị định hướng sự hình thành phát triển nhân cách. Giáo dục thúc đẩy sức mạnh bên trong khi trẻ nắm bắt được nhu cầu, động cơ, hứng thú và nó phù hợp với quy luật phát triển bên trong của cá nhân.
- Bên cạnh đó giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt đối với những người bị khuyết tật, nó có thể bù đắp những thiếu hụt do bệnh tật gây ra cho con người. Giáo dục còn có thể uốn nắn những phẩm chất tâm lý xấu và làm cho nó phát triển theo chiều hướng mong muốn của xã hội.
- Tuy nhiên không nên tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục đối với sự hình thành nhân cách. Giáo dục không thể tách rời tự giáo dục, tự rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách ở mỗi cá nhân.
- Yếu tố hoạt động cá nhân:
- Hoạt động là phương thức tồn tại của con người. Hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, mang tính xã hội, cộng đồng, được thực hiện bằng những thao tác nhất định với những công cụ nhất định. Hoạt động cá nhân đóng vai trò quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.
- Thông qua hoạt động của bản thân trẻ sẽ lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử – xã hội và biến nó thành nhân cách của mình. Hoạt động giúp kích thích hứng thú, niềm say mê sáng tạo và làm nảy sinh những nhu cầu mới, những thuộc tính tâm lý mới… ở mỗi các nhân mà nhờ đó nhân cách được hình thành và phát triển.
- Sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ phụ thuộc vào hoạt động ở mỗi thời kì, lứa tuổi nhất đinh. Muốn hình thành và phát triển nhân cách thì cha mẹ cần phải tcho con ham gia vào các dạng hoạt động khác nhau và kích thích yếu tố hoạt động cá nhân.
- Yếu tố giao tiếp:
- Giao tiếp là hình thức hoạt động đặc trưng cho mối quan hệ giữa con người với con người, thông qua đó thực hiện sự tiếp xúc tâm lí và được biểu hiện ở 3 quá trình: trao đổi thông tin, hiểu biết lẫn nhau và tác động lẫn nhau.
- Giao tiếp đóng vai trò cơ bản trong sự hình thành và phát triển nhân cách. Bởi vì:
- Nó không thể có tâm lí con bên ngoài mối quan hệ giao tiếp, con người không thể tồn tại bên ngoài giao tiếp.
- Giao tiếp thúc đẩy sự hình thành ở con người những hứng thú nhận thức khác nhau, điều này có thể làm đòn bẩy để dẫn đến sự tự đào tạo.
- Trong giao tiếp con người không chỉ nhận thức người khác mà còn nhận thức chính bản thân mình, bất kì người nào cũng đối chiếu mình với cái mà họ nhìn thấy ở người khác, so sánh cái mà họ làm được với cái mà người xung quanh làm. Do đó, qua giao tiếp, con người tự đánh giá bản thân mình như một nhân cách.
- Nhu cầu giao tiếp là một nhu cầu xã hội cơ bản và xuất hiện sớm nhất ở con người. Việc không thỏa mãn nhu cầu này ở con người ở bất cứ lứa tuổi nào đều dẫn đến những rung động tiêu cực.
Câu 1
Câu hỏi: Tâm lý học là gì? Nêu đối tượng và nhiệm vụ của Tâm lý học?
Gợi ý trả lời:
Tâm lý học là khoa học nghiên cứu về tất cả các hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc của con người, gắn liền và điều hành mọi hoạt động của con người. Nó nghiên cứu sự nảy sinh, quá trình hình thành và phát triển cũng như cơ chế hình thành các hiện tượng tâm lý.
Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học là toàn bộ đời sống tâm lý của con người như: cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng, trí nhớ, tình cảm, nhu cầu, hứng thú, năng lực, khí chất, tính cách… các hiện tượng tâm lí với tư cách là một hiện tượng tinh thần do thế giới khách quan tác động vào não con người sinh ra, gọi chung là các hoạt động tâm lí. Tâm lí học nghiên cứu sự hình thành, vận hành và phát triển của hoạt động tâm lí.
Nhiệm vụ cơ bản của Tâm lí học là nghiên cứu bản chất của hoạt động tâm lí, các quy luật nảy sinh và phát triển tâm lí, cơ chế diễn biến và thể hiện tâm lí, quy luật về mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lí, cụ thể là nghiên cứu:
- Những yếu tố khách quan, chủ quan nào đã tạo ra tâm lí người.
- Cơ chế hình thành, biểu hiện của hoạt động tâm lí.
- Tâm lí của con người hoạt động như thế nào?
- Chức năng, vai trò của tâm lí đối với hoạt động của con người. Có thể nêu lên các nhiệm vụ cụ thể của tâm lí học như sau:
- Nghiên cứu bản chất của hoạt động tâm lí cả về mặt số lượng và chất lượng.
- Phát hiện các quy luật hình thành phát triển tâm lí.
- Tìm ra cơ chế của các hiện tượng tâm lí.
Câu 5
Câu hỏi: Thé nào là hành vi? Phân loại hành vi.
Gợi ý trả lời:
Hành vi là toàn bộ những cử chỉ, phản ứng, thao tác trả lời đáp ứng những yêu cầu tác động của thế giới khách quan hoặc do nhu cầu của con người.
Phân loại hành vi theo lịch sử tiến hoá có ba loại hành vi:
- Hành vi bản năng:
- Bản năng là hành vi bẩm sinh, sản phẩm của sự phát triển chủng loại di truyền có cơ chế sinh lý là phản xạ không điều kiện hoặc chuỗi phản xạ không điều kiện.
- Bản năng xuất phát trực tiếp cơ thể và trực tiếp thoả mãn nhu cầu cơ thể. Nhờ bản năng, mỗi thế hệ không cần được huấn luyện đặc biệt nào vẫn có thể làm được những cái tổ tiên đã làm.
- Ở động vật và trẻ mới sinh bản năng bị chi phối bởi vô thức. Nhưng với người trưởng thành, do giáo dục, rèn luyện, bản năng con người mang đặc điểm lịch sử loài người, mang tính chất xã hội.
- Hành vi kỹ xảo:
- Kỹ xảo là các thao tác hành động, cơ thể tự tạo nên bằng cách luyện tập, lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức thuần thục.
- Cơ sở sinh lý của kỹ xảo là các phản xạ có điều kiện. Các kỹ xảo được hình thành ở tất cả các động vật. Tuy nhiên ở người kỹ xảo chứa đựng nhiều yếu tố trí tuệ hơn và quá trình luyện tập để hình thành kỹ xảo ở người có sự tham gia của ý chí và ý thức với mức độ khác nhau.
- Hành vi trí tuệ:
- Hành vi trí tuệ là hành vi đặc trưng cho các động vật bậc cao. Hành vi trí tuệ là kiểu hành vi mềm dẻo và hợp lý nhất trong những điều kiện sống luôn biến đổi.