Bóng đá được mệnh danh là môn thể thao vua của thế giới với lượng người hâm mộ khủng khiếp. Đây cũng là môn thể thao sản sinh ra nhiều tài năng với kỹ thuật điêu luyện, cống hiến cho người xem những màn trình diễn bắt mắt. Trong giải đấu lớn nhất hành tinh World Cup cũng vậy. Kể từ lần đầu được tổ chức vào năm 1930 thì nơi đây đã trở thành ngày hội trên khắp hành tinh của tất cả những trái tim đam mê trái bóng tròn. Bên cạnh những màn trình diễn đẹp mắt, người hâm mộ còn được thưởng thức những pha ghi bàn đỉnh cao. Và sau đây, hãy cùng Toplist điểm qua danh sách của những cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất tại các kỳ World Cup nhé.
Ronaldo - 15 bàn
Ronaldo khởi đầu sự nghiệp bóng đá không chuyên của mình trong những đội bóng đường phố. Tài năng của anh được phát hiện bởi HLV Fernando dos Santos khi ông đưa Ronaldo vào thi đấu tại CLB Social de Ramos. Tại đây, anh ghi được tới 166 bàn, trong đó có trận ghi tới 11 bàn. Màn trình diễn ấn tượng đó đã giúp anh được vào chơi cho CLB hạng II São Cristóvão của Brazil và chính thức bước vào sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp.
Trong màu áo CLB, Người ngoài hành tinh đã từng thi đấu cho PSV, Barcelona, Inter Milan, Real Madrid, AC Milan hay Corinthians. Trong thời kỳ đỉnh cao khi còn thi đấu trong màu áo Real trong 5 năm từ 2002 – 2007, anh đã thi đấu 127 trận và ghi được 83 bàn thắng. Vào năm 2011, Ronaldo đã tuyên bố từ giã sự nghiệp thi đấu của mình sau khi CLB Corinthians bị loại khỏi Copa Libertadores.
Anh bắt đầu thi đấu cho đội tuyển từ năm 1994, đá 98 trận, ghi 62 bàn thắng, tham dự 3 kỳ World Cup. Tại kỳ World Cup đầu tiên năm 1998, anh đã thi đấu với phong độ huỷ diệt khi có cho mình 4 bàn thắng và 4 pha kiến tạo, trở thành cầu thủ xuất sắc nhất giải. Lần thứ hai tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh này năm 2002, Ronaldo giành danh hiệu vua phá lưới với 8 bàn thắng, giúp đội tuyển Brazil lên ngôi vô địch lần thứ 5 tại giả đấu này.
Bốn năm sau, tại World Cup 2006, anh ghi được 3 bàn thắng và có 2 pha chuyền bóng thành bàn, giành danh hiệu chiếc giày đồng đồng thời cũng vượt qua Gerd Müller trở thành chân sút xuất sắc nhất qua các kỳ World Cup.
Gabriel Batistuta - 10 bàn
Gabriel bắt đầu thi đấu cho đội trẻ Newell's Old Boys của đất nước này từ năm 1987. Một năm sau đó anh được đôn lên đội 1, ghi 7 bàn sau 24 lần ra sân. Tài năng của Gabriel chỉ bắt đầu được thể hiện khi anh chuyển đến CLB Boca Juniors vào năm 1990. Với một mùa giải thi đấu ấn tượng tại đây, anh được CLB Fiorentina để ý và được mang về sân Artemio Franchi ngay khi mùa giải kết thúc.
Gabriel Batistuta đã giành phần lớn thời gian của mình thi đấu trong màu áo của Fiorentina. Anh ra sân 269 lần và ghi tới 168 bàn thắng trước khi chuyển đến AS Roma vào năm 2000. Ở cấp độ CLB, Gabriel đã giành được khá nhiều danh hiệu lớn cùng đội chủ sân Artemio Franchi, đồng thời là tay săn bàn xuất sắc thứ 8 trong lịch sử của Seri A với 184 bàn trong 318 trận.
Trở về ĐTQG, Gabriel cũng thành công không kém. Anh từng giữ kỷ lục cầu thủ có số bàn thắng nhìêu nhất cho Argentina với 56 bàn/78 trận trước khi bị phá vỡ bởi Lionel Messi vào năm 2016. Gabriel đã tham dự 3 kì World Cup cùng ĐTQG vào các năm 1994, 1998, 2002. Anh ghi tên mình vào lịch sử khi có được 10 bàn thắng sau 11 trận và là cầu thủ duy nhất lập hat-trick ở 2 kỳ World Cup liên tiếp.
Grzegorz Lato - 10 bàn
Lato bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ năm 1966 trong màu áo CLB Stal Mielec. Ông đã ra sân 295 lần và ghi được 117 bàn thắng. Đây cũng là CLB ông gắn bó dài nhất trong sự nghiệp của mình, từ năm 1966 – 1980. Cùng với Stal Mielec, Lato đã giành được 2 chức vô địch vào năm 1973 và 1976, vào đến tứ kết UEFA mùa giải 1975-76, giành danh hiệu Vua phá lưới vào các năm 1973 (13 bàn) và 1975 (19 bàn).
Sau thời gian đó, ông đã chuyển đến thi đấu cho ba CLB khác là Lokeren, Atlante, Polonia Hamilton của Canada và sau đó giã từ sự nghiệp thi đấu vào năm 1991.
Trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến 1984, Lato đã có 100 lần khoác áo ĐTQG Ba Lan và ghi được 45 bàn. Ông tham dự 3 kỳ World Cup vào năm 1974, 1978 và 1982. Ngay tại lần đầu tiên tham dự giải đấu lớn nhất hành tinh, Lato đã có cho mình 7 bàn thắng và giành danh hiệu Vua phá lưới sau khi kết thúc giải đấu.
Trong những kỳ World Cup sau, ông ghi được 2 bàn thắng, trong đó bàn thắng cuối cùng được ghi vào năm 1982 trong trận đấu với Peru. Cũng vào năm đó, ĐTQG Ba Lan đã giành được tấm HCĐ thứ 2 tại các kỳ World Cup sau lần đầu tiên vào năm 1974.
Thomas Müller - 10 bàn
Năm 2008 là năm đầu tiên Müller có trận đấu ở đội II và đã ghi được bàn thắng đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó anh gặp chấn thương và phải ngồi ngoài sau mùa giải 2007-08.
Đến mùa giải tiếp theo, trong màu áo Bayern Munich, anh ghi được 15 bàn sau khi ra sân 32/38 trận đồng thời cũng được đá trong đội I của CLB ở những trận giao hữu. Đến năm 2009, Thomas Müller được đá trận đầu tiên trong khuôn khổ UEFA Champions League, ghi bàn ấn định chiến thắng 12-1 trước Sporting Lisbon. Cũng trong mùa giải này, anh được triệu tập lên đội hình I của Bayern Munich.
Sau khi mùa giải 2013–14 kết thúc, anh đã gia hạn hợp đồng với Bayern đến năm 2019. Ở cấp CLB, Thomas Müller đã giành được nhiều danh hiệu như 4 chức vô địch Bundesliga, 4 cúp bóng đá Đức, 3 siêu cúp bóng đá Đức, 1 UEFA Champions League, 1 Siêu cúp bóng đá châu Âu.
Thành công ở CLB, Müller được HLV Joachim Löw gọi vào ĐTQG Đức năm 2009 và tham dự kỳ World Cup đầu tiên một năm sau đó khi mới 20 tuổi. Kết thúc giải đấu, anh thi đấu 6 trận và giành danh hiệu Vua phá lưới với 5 bàn thắng và 3 đường kiến tạo, đồng thời cũng là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất.
Bốn năm sau, tại World Cup 2014, anh chứng tỏ được rằng mình xứng đáng là một trong những trụ cột hàng đầu của tuyển Đức. Anh ra sân trong cả 7 trận đấu, ghi được 5 bàn thắng và đóng góp 3 kiến tạo, trong đó phải kể đến cú hat-trick trong trận đấu với Bồ Đào Nha và đường chuyền dọn cỗ cho André Schürrle ghi bàn vào lưới Algérie trong hiệp phụ, giúp đưa tuyển Đức vào chơi trận bán kết.
Sándor Kocsis - 11 bàn
Kocsis bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình tại CLB Kobanyai TC những năm 1943 – 1944, sau đó chuyển đến Ferencvárosi Torna và giành chức vô địch cùng CLB này năm 1949. Những năm sau đó, ông cũng giành thêm ba chức vô địch khác cùng Budapest Honvéd FC vào năm 1952, 1954 và 1955 đồng thời là cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất tại ba mùa giải trên.
Thời kỳ đỉnh cao, ông chuyển đến đầu quân cho Barcelona vào năm 1958, đã ra sân 75 trận và ghi được 42 bàn thắng.
Trong màu áo ĐTQG, Kocsis đã tạo nên những kỳ tích. Ông đã cùng ĐTQG Hungary giành được những danh hiệu cao quý như chức vô địch Thế Vận hội 1952, Central European International Cup một năm sau đó và cuối cùng là ngôi Á quân của kỳ World Cup 1954.
Trong lần đầu và cũng là lần cuối tham dự World Cup, ông đã ghi được tới 11 bàn thắng trong, trong đó có 2 hat trick và trở thành vua phá lưới của giải đấu. Kỉ lục này đã đưa tên Sándor Kocsis vào danh sách những chân sút xuất sắc nhất trong các VCK World Cup.
Tuy nhiên, ông cũng được gọi là nhân vật đen đủi nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Dù có phong độ thi đấu huỷ diệt tại cấp CLB Kobanyai những năm đầu tiên khi thi đấu chuyên nghiệp nhưng mãi tới tận 5 năm sau ông mới được triệu tập vào ĐTQG. Ghi tới 75 bàn trong 68 lần ra sân, lập được 7 hat-trick nhưng Kocsis luôn bị che mờ bởi người đồng đội Ferenc Puskás. Đến giữa những năm 70 ông phát hiện mắc bệnh ung thư dạ dày và qua đời vào năm 1979.
Just Fontaine - 13 bàn
Just Fontaine bắt đầu sự nghiệp thi đấu không chuyên từ những năm 1950 ở CLB Casablanca. Tại đây, ông đã thi đấu 48 trận và ghi tới 62 bàn thắng rồi được Nice chiêu mộ vào ba năm sau đó. phong độ xuất sắc đã giúp ông có được 44 bàn thắng sau 3 mùa giải.
Đến năm 1956, Just Fontaine chuyển tới thi đấu cho CLB Stade de Reims và đã ở đây 6 năm, thi đấu 131 trận, ghi 122 bàn. Tổng cộng, trong màu áo của các CLB, Fontaine đã ghi 165 bàn trong 200 trận đấu và hai lần lên ngôi vô địch vào các năm 1958 và 1960.
Trong khi khoác áo ĐTQG, thành tích của Fontaine còn ấn tượng hơn rất nhiều lần. Ngay từ lần đầu ra mắt đội tuyển vào năm 1953, ông đã ghi ngay hat trick giúp Pháp đại thắng 8-0 trước Luxembourg. Ấn tượng nhất là việc Fontaine chỉ tham gia có một kỳ World Cup duy nhất vào năm 1958 và ghi tới tận 13 bàn thắng trong vòng có 6 trận đấu. Đây là một con số không tưởng nhưng ông đã làm được. Cũng ngay trong giải đấu đó, ông đã giành được danh hiệu Chiếc giày vàng cho mình.
Tuy nhiên, Fontaine đã phải giã từ sự nghiệp thi đấu sớm vào năm 1962 do chấn thương tái phát.
Jürgen Klinsmann - 11 bàn
Trong màu áo CLB, sự nghiệp của Klinsmann khá dài. Ông bắt đầu thi đấu bóng đá từ năm 1972 trong đội trẻ của CLB TB Gingen. Trải qua hai lần thi đấu ở đội trẻ nữa tại hai CLB là SC Geislingen và Stuttgarter Kickers, đến năm 1981 ông mới được đôn lên đội hình 1 của Stuttgarter Kickers và thi đấu chuyên nghiệp.
Klinsmann đã ở CLB này trong vòng 3 năm, từ 1981 – 1984, thi đấu tổng cộng 61 trận và có 22 bàn thắng. Sau đó, ông đã chuyển sang khoác áo hàng loạt những CLB lớn khác như VfB Stuttgart, Inter Milan, Monaco, Tottenham Hotspur, Bayern Munich hay Sampdoria và giã từ sự nghiệp cầu thủ của mình tại CLB Blue Star.
Thời kỳ phong độ đỉnh cao nhất khi thi đấu cho Bayern Munich, Klinsmann đã ra sân 65 trận và ghi 31 bàn thắng trong vòng hai mùa giải, giai đoạn 1995 – 1997.
Trong màu áo ĐTQG, Klinsmann có một sự nghiệp thi đấu quốc tế thành công. Tập trung vào đội tuyển lần đầu tiên năm 1987, ông đã cống hiến trong 108 trận đấu và mang về 47 bàn thắng. Klinsmann đã giành rất nhiều danh hiệu cùng với ĐTQG Đức như HCĐ Olympic 1988, vô địch EURO năm 1996, góp phần quan trọng vào chức vô địch của tuyển Đức tại World Cup 1990.
Klinsmann đã tham dự ba kỳ World Cup trong sự nghiệp thi đấu của mình vào năm 1990, 1994, 1998 và trở thành một trong 3 cầu thủ đầu tiên ghi được ít nhất 3 bàn thắng tại 3 kì World Cup cùng với Ronaldo và Miroslav Klose. Tại kỳ World Cup đầu tiên, Klinsmann ghi được 3 bàn, các lần tiếp theo lần lượt là 5 bàn (1994) và 3 bàn (1998), trở thành một trong những cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất tại các VCK World Cup.
Gerd Muller - 14 bàn
Ông thi đấu cho đội trẻ của CLB TSV 1861 Nordlingen trong giai đoạn 1960 – 1963 và sau khi được đôn lên đội một, ông đã ghi được tới 51 bàn thắng chỉ trong vòng 31 trận. Thời kỳ đỉnh cao của Gerd Müller là giai đoạn 1964 – 1979 khi thi đấu cho Bayern Munich - khi ấy vẫn đang thi đấu ở giải hạng 2 của Đức. Tại đây, ông đã chứng minh được tài năng của mình khi giúp CLB lần đầu tiên được lên thi đấu tại Bundesliga, kết thúc mùa giải này với vị trí thứ 3 đồng thời cũng vô địch luôn cúp bóng đá Đức năm đó, mở ra một triều đại mới thống trị giải đấu hàng đầu của Đức.
Thời gian đó, Gerd Müller đã ra sân 453 lần và ghi được 398 bàn thắng. Sau khi chuyển sang giai đoạn bên kia của sự nghiệp, Müller đã chuyển đến khoác áo CLB Fort Lauderdale Strikers của Mỹ, ghi được 38 bàn thắng trong 75 trận - một con số ấn tượng với cầu thủ đã ngoài 35 tuổi.
Trong màu áo của ĐTQG, Gerd Müller một lần nữa khiến người xem phải nể phục về tài năng của mình. Ông tham dự hai kỳ World Cup cùng ĐTQG Đức vào những năm 1970, 1974 và ghi được cho mình 14 bàn thắng, trở thành chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử các VCK World Cup trước khi kỉ lục này bị xô đổ bởi Ronaldo. Ông cũng giành được danh hiệu Chiếc giày vàng khi kỳ World Cup 1970 kết thúc. Tuy nhiên, khi đang ở trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp khi chỉ mới 29 tuổi, ông đã quyết định chia tay với ĐTQG sau trận chung kết với Hà Lan tại trận chung kết World Cup 1974.
Miroslav Klose - 16 bàn
Klose sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao khi cha anh là một cầu thủ thi đấu bóng đá chuyên nghiệp và mẹ là một thành viên của đội tuyển ném bóng nữ quốc gia Ba Lan. Năm 1985, gia đình Klose chuyển đến sinh sống và định cư tại Kusel, một vùng phía Tây Đức.
Sự nghiệp cầu thủ của Klose bắt đầu từ năm 1987 khi thi đấu cho đội trẻ của CLB SG Blaubach - Diedelkopf và một năm sau đó chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Anh đã từng thi đấu trong màu áo của nhiều CLB như FC Homburg, Werder Bremen hay Bayern München và cuối cùng là Lazio trước khi tuyên bố giải nghệ ở tuổi 38.
Klose thi đấu cho đội tuyển quốc gia Đức lần đầu tiên vào năm 2001, trong trận đấu với Abania và ngay lập tức đã ghi bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 cho tuyển Đức. Trong kỳ World Cup đầu tiên của mình vào năm 2002, anh đã có cho mình 5 bàn thắng và đều được ghi tại vòng bảng. Bốn năm sau, anh lại có thêm cho mình 5 bàn thắng nữa trong đó có một bàn cực kỳ quan trọng trong trận tứ kết gặp Argentina, giúp Đức gỡ hòa tỉ số 1-1 để tiến vào bán kết sau loạt đá luân lưu.
Anh vươn lên đứng thứ hai trong danh sách các cầu thủ ghi nhiều bàn nhất tại World Cup sau khi VCK World Cup 2010 diễn ra. Và sau đó bốn năm Klose đã ghi tên mình vào lịch sử khi ghi bàn thắng duy nhất của mình tại giải đấu năm đó trong trận bán kết gặp chủ nhà Brazil và chính thức vươn lên trở thành cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất tại các kỳ World Cup với 16 bàn.
Péle - 12 bàn
Pelé đam mê bóng đá từ nhỏ. Ông đã từng lập ra một đội bóng đường phố của riêng mình để thi đấu với những khu vực lân cận. Đến năm 15 tuổi, Pelé đã bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình tại CLB Santos Futebol Clube, Brazil. Ông đã ở đây và thi đấu cho CLB trong suốt hơn hai thập kỉ, kể cả lúc ở trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, bất chấp những lời mời gọi từ phía các CLB châu Âu.
Cụ thể, ông đã thi đấu cho Santos 638 trận và ghi được 619 bàn thắng. Đến năm 1975, khi đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, Pelé đã sang Mỹ thi đấu cho CLB New York Cosmos. Ông đã ở đây trong giai đoạn từ 1975 – 1977, thi đấu 56 trận và ghi tổng cộng 31 bàn thắng.
Đối với ĐTQG, Pelé bắt đầu thi đấu vào năm ông 16 tuổi và chỉ sau đó một năm, ông đã cùng tuyển Brazil lên ngôi vô địch thế giới. Với 14 năm khoác áo đội tuyển, từ 1957 – 1971, ông đã lập nên một kỉ lục khi ghi được tới 77 bàn thắng trong vòng 92 trận, cùng ĐTQG bước lên ngôi vương 3 lần tại giải đấu hàng đầu thế giới. Trải qua 3 kỳ World Cup đã tham dự, Pelé có cho mình 12 bàn thắng, trở thành một trong những chân sút vĩ đại nhất của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.