Chảy máu cam là tình trạng máu mũi tự nhiên chảy ra với số lượng lớn từ các vách ngăn của mũi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên không phải ai cũng có đầy đủ những hiểu biết về hiện tượng này và đôi khi dẫn đến những lo lắng không đáng có. Vậy chảy máu cam có nguy hiểm không? Khi bị chảy máu cam cần phải làm những gì? Bài viết này của Toplist sẽ giúp bạn giải đáp được những thắc mắc về hiện tượng chảy máu cam, hãy cùng tham khảo nhé!
Khi nào chảy máu cam cần phải đi khám bác sĩ?
Tuy chảy máu cam hầu như không phải là hiện tượng nguy hiểm. Tuy nhiên cũng đừng vì thế mà chủ quan bạn nhé, khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường cảnh báo nguy hiểm bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay.
Các dấu hiệu có thể là:
- Chảy máu cam nhiều khi ngã, va đập mạnh ở đầu, kèm theo dấu hiệu đau nhức, chấn thương.
- Chảy máu cam quá 20 phút và không có cách nào cầm máu được.
- Chảy máu cam thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày và trong thời gian dài không rõ nguyên nhân.
- Chảy máu cam kèm theo dấu hiệu đau đầu váng đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa.
Nếu có những biểu hiện trên hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kịp thời.
Nguyên nhân chảy máu cam?
Chảy máu cam hay còn gọi là hiện tượng chảy máu mũi. Đây là tình trạng xuất huyết ở đường mũi do các niêm mạc mũi bị tổn thương. Các nguyên nhân dẫn đến chảy máu cam có thể là:
- Do căng thẳng và lo âu mãn tính: Các tình huống khiến con người lo lắng như mang thai, sợ độ cao, cạnh tranh trong thể thao hoặc bị chấn thương thể chất, ... cũng đều có nguy cơ gây chảy máu cam. Trong những trường hợp này, cảm giác căng thẳng không trực tiếp gây ra chảy máu mũi, mà nguyên nhân chính là do tình huống cụ thể làm cho chúng ta phải lo lắng và kèm theo đó là chảy máu cam.
- Việc ngoáy mũi hoặc xì mũi mạnh thường xuyên dẫn đến niêm mạc mũi bị tổn thương chính điều này cũng có thể gây chảy máu mũi.
- Tăng huyết áp không chỉ được xem như một yếu tố kích thích chảy máu cam, mà còn khiến lượng máu chảy ra nhiều hơn ở mỗi lần. Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị huyết áp cao cũng có chứa thành phần làm loãng máu khiến tình trạng chảy máu mũi càng trở nên khó kiểm soát hơn.
- Bên cạnh đó chế độ ăn uống với các loại thức ăn quá cay nóng hoặc các chất kích thích như bia rượu cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chảy máu cam này.
- Do thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh vào mùa hanh khô.
- Một số nguyên nhân khác như: dị ứng, nhiễm trùng ở mũi, họng và xoang; bị vẹo vách ngăn ở mũi; dị vật rơi vào mũi; thiếu vitamin C; các khối u cũng có thể khiến bạn bị chảy máu cam.
Chảy máu cam là triệu chứng của bệnh gì?
Chảy máu cam không thực sự đáng ngại khi nó rất ít xảy ra với số lượng ít và nhanh hết. Tuy nhiên nó có thể là những dấu hiệu báo động cho sức khoẻ của bản thân bạn.
- Chảy máu cam do thiếu vitamin C
- Chảy máu cam do viêm mũi cấp tính và mạn tính
- Do vướng dị vật trong mũi
- Do u xơ vòm mũi họng
- Dấu hiệu của bệnh viêm xoang, bệnh về máu( bạch cầu, tiểu cầu), rối loạn đông máu.
Nếu thấy hiện tượng chảy máu cam thường xuyên và kéo dài trong nhiều phút thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe của bạn. Để biết chính xác về bệnh tình, tốt nhất bạn nên đi thăm khám tại các trung tâm y tế để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Phòng ngừa chảy máu cam
Tuy chảy máu cam có thể diễn ra bất cứ lúc nào, nhưng không phải không có cách phòng ngừa được. Hãy xem xét những cách phòng ngừa chảy máu cam dưới đây nhé!
- Một là, hạn chế ngoáy mũi quá nhiều và quá mạnh hoặc có tác động mạnh đến vùng mũi và mặt
- Thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, vệ sinh mũi đúng cách
- Có nếp sống lành mạnh, hạn chế các nguyên nhân dẫn đến lo âu, căng thẳng
- Ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin C
- Chú trọng bảo vệ sức khoẻ, giữ ấm cho mũi trong những ngày thời tiết lạnh, khô hanh
- Sử dụng máy tạo độ ẩm cho màng nhầy trong mũi, tránh ngồi điều hoà quá lâu khiến cho mũi bị khô
Phòng bệnh vẫn tốt hơn là chữa bệnh rất nhiều, vì vậy bạn hãy nắm chắc các biện pháp phòng ngừa chảy máu cam để hạn chế tối đa việc
Mẹo chữa chảy máu cam từ các nguyên liệu trong nhà
Khi bị chảy máu cam bạn có thể chữa ngay tại nhà bằng các nguyên liệu sẵn có.
- Dùng khăn lạnh: Dùng khăn nhúng vào nước lạnh hoặc dùng túi đá lạnh đặt sau gáy và trán hoặc dùng khăn đặt lên mũi, khi đó các mạch máu gặp lạnh sẽ co lại nhanh chóng giúp đông máu nhanh hơn.
- Dùng giấm trắng: Giấm trắng có khả năng làm se các thành mạch máu bị vỡ gây chảy máu. Nhúng bông gòn và một ít giấm trắng, đặt nhẹ nhàng, cẩn thận lên lỗ mũi để yên 5 phút cho đến khi máu ngừng chảy.
- Dùng hành tây: Cắt hành tây và đun sôi cùng 500ml nước. Khi đun, hơi nước hành tây bốc lên, hãy hít hơi nước này trong vài phút để máu nhanh đông hơn.
- Dùng chanh: Dùng một quả chanh vắt lấy nước, ngâm bông gòn vào nước cốt chanh. Đặt bông gòn vào phần lỗ mũi bị chảy máu. Axit của chanh có thể khiến bạn hơi khó chịu và xót. Hãy kiên nhẫn đợi trong 20p và lấy bông ra.
- Dùng nước muối: Pha muối cùng 250ml nước sau đó nhỏ một vài giọt vào mũi khi máu chảy. Máu sẽ được cầm lại nhờ nước muối trị vết thương.
- Ngoài ra bạn có thể dùng ớt bột hoặc lá tre, tuy nhiên khi sử dụng hai nguyên liệu này bạn cần phải lưu ý tránh dị ứng nhé.
Phân loại chảy máu cam
Chảy máu cam có 3 loại đó là:
- Chảy máu do điểm mạch Kisselbach.
- Chảy máu do động mạch.
- Chảy máu toả lan do tổn thương mao mạch.
Theo đó, dựa vào mức độ chảy máu mà các chuyên gia y tế sẽ đánh giá tình trạng chảy máu mũi theo 3 mức độ:
- Chảy máu mũi nhẹ: Triệu chứng chảy máu mũi nhẹ thường do chấn thương nhẹ như khi ngoáy mũi hoặc do người bệnh mắc các bệnh như cúm, thương hàn... Với loại này khi soi mũi sẽ thấy máu chảy ra từ điểm mạch hoặc động mạch nhưng không nhiều, chảy từng giọt với số lượng ít hơn 100ml và có xu hướng tự cầm. Loại chảy máu mũi này thường gọi là chảy máu cam và hay gặp ở trẻ em có tiên lượng nhẹ.
- Chảy máu mũi vừa: Chảy máu mũi vừa là hiện tượng máu chảy thành dòng ra ngoài lỗ mũi hoặc chảy xuống họng, số lượng khoảng từ 100 - 200ml. Có thể do chảy máu mao mạch của toàn bộ niêm mạc mũi.
- Chảy máu mũi nặng: Thường xảy ra với các bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, xơ gan... máu chảy nhiều thành dòng kéo dài khiến bệnh nhân kích thích, hốt hoảng, môi mặt xanh nhợt, tụt huyết áp, số lượng máu mất nhiều hơn 200ml hay gặp ở bệnh nhân lớn tuổi có bệnh mạn tính và thường rất khó cầm máu.
Cách xử lý khi bị chảy máu cam
Mặc dù chảy máu cam là hiện tượng khá phổ biến, nhưng khi gặp phải hiện tượng này không ít người lúng túng và hốt hoảng không biết phải xử trí như thế nào như vậy sẽ dẫn đến những trường hợp rất nguy hiểm.
Khi bị chảy máu cam việc đầu tiên bạn cần làm đó là phải thực hiện sơ cứu ban đầu với các bước sau:
- Đặt bệnh nhân ở tư thế ngồi thẳng, đầu hơi ngả về phía trước
- Bóp chặt cánh mũi và thực hiện thở bằng miệng khoảng 10 - 15 phút đến khi máu chảy chậm hoặc ngừng chảy.
- Có thể sử dụng bông có tẩm thuốc co mạch để sâu vào vị trí chảy máu.
- Không nên ngả đầu về phía sau vì máu sẽ chảy vào cổ họng, khí quản gây nên các vấn đề về hô hấp.
- Nếu có thể thì nên khạc nhổ máu trong cổ họng và miệng ra ngoài.
Tuy nhiên nếu khi thực hiện sơ cứu ban đầu không có hiệu quả máu vẫn chảy nhiều và bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu xanh nhợt, toát mồ hôi, khó thở... thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.