Giao tiếp đóng vai trò quan trọng trên con đường đi đến thành công của bạn, tuy nhiên để giao tiếp tốt, bạn cũng cần học hỏi, thực hành trong một thời gian dài và tôi chắc chắn với bạn rằng, khi bạn kiên trì với những phương pháp sau, bạn có thể nâng cao kỹ năng giao tiếp của mình.
Hiểu được sức mạnh của nụ cười
Mỉm cười là một biểu hiện văn minh, cũng là thể hiện sức mạnh hoặc truyền đạt thông tin. Ai giữ được nụ cười trên môi, chứng tỏ trong lòng họ còn có niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Một nụ cười trong giao tiếp sẽ tạo cho họ thiện cảm, xóa bỏ dần những chướng ngại về tâm lý. Chính nụ cười sẽ là chìa khóa xây dựng cho bạn thêm một hay thậm chí là nhiều mối quan hệ xã hội mới.
Nhịp độ nói
Bạn không nên giữ 1 nhịp độ nói cho toàn bộ ý tưởng của mình mà bạn có thể điều chỉnh nhịp độ nhanh chậm nhằm điều khiển không khí giao tiếp đó. Người nghe có thể thấy tràn đầy năng lượng hơn hoặc tập trung chú ý đến ý tưởng hơn đều nhờ vào cách xử lý nhịp độ nói của bạn. Hãy tăng nhịp độ khi thấy sự thiếu quan tâm từ người nghe, tránh cảm giác buồn ngủ của giọng nói đều đều hoặc thay đổi âm lượng để nhấn mạnh vào ý chính. Tóm lại, hãy đa dạng hóa bằng cách thay đổi nhịp độ phù hợp và liên tục nhé.
Tạo sự thân mật khi nói chuyện
Những cuộc nói chuyện thành công là những cuộc nói chuyện mang lại cảm giác như một cuộc trao đổi thân tình chứ không phải như một cuộc thẩm vấn. Sự thân mật được tạo ra từ chính thái độ của bạn nên cần để ý tránh gây ra hiểu lầm không đáng có.
Biết cách lắng nghe
Chúng ta biết rằng một cuộc trò chuyện tuyệt vời là khi mọi người lắng nghe nhau và cùng chia sẻ. Lắng nghe cũng đồng thời là cách thể hiện sự tôn trọng đối phương, là cách bày tỏ sự đồng cảm khi nghe câu chuyện họ chia sẻ làm chúng trở nên hấp dẫn hơn và kết nối mọi người dễ dàng hơn.
Ngôn ngữ hình thể
Ngôn ngữ hình thể không hề thừa thãi trong cuộc giao tiếp của bạn mà nó đóng vai trò khá quan trọng và có thể giúp cho cuộc đối thoại trở nên sống động hơn. Ngôn ngữ hình thể còn góp phần tạo nên sự ấn tượng của bạn đối với người đối diện. Biểu hiện của người tự tin: Tư thế đứng thẳng lưng, luôn duy trì giao tiếp bằng mắt và nụ cười, cử chỉ tay quả quyết, khoan thai. Lời nói chậm rãi, rõ ràng. Âm lượng vừa phải. Đặc biệt bạn cần lưu ý rằng ý nghĩa ngôn ngữ cơ thể có thể khác nhau giữa những văn hóa khác nhau, vì vậy bạn cần tìm hiểu trước khi sử dụng chúng cho từng đối tượng nhé.
Phát âm
Nếu bạn phát âm đúng từ ngữ thì người nghe sẽ không hiểu lầm ý tưởng của bạn, bên cạnh đó nói với âm lượng vừa phải sẽ giúp họ dễ hiểu hơn. Bạn hãy tránh việc đọc sai và phải lặp lại vì nó khá kì quặc, thậm chí làm mất lòng tin của người nghe. Hãy luyện tập trước gương về phát âm lẫn biểu cảm trên khuôn mặt, kiên trì mỗi ngày, bạn sẽ thấy được sự tiến bộ của mình.
Quan tâm đến cảm xúc người khác
Để cải thiện kỹ năng giao tiếp không thể bỏ qua việc quan tâm đến cảm xúc của đối phương. Bạn không thể cứ tiếp tục giao tiếp trong khi đối phương không có hứng thú với cuộc trò chuyện của bạn, hay nói cách khác là không muốn tiếp. Cảm xúc tích cực báo hiệu bạn nên tiếp tục đi theo chiều hướng giao tiếp đó, còn ngược lại là thái độ thờ ơ, không quan tâm thì việc của bạn là nên chuyển qua hướng khác hoặc dừng lại cuộc giao tiếp ở đây.
Sử dụng ánh mắt
Khi nói chuyện với người khác, việc nhìn vào mắt đối tượng nghe rất quan trọng, điều này sẽ giúp bạn chứng tỏ sự tự tin đối với người nghe và thông tin của bạn cũng rất đáng tin cậy. Tuy nhiên bạn cũng nên tránh việc tập trung quá lâu vào mắt họ vì sẽ khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu, bên cạnh đó việc trao đổi qua ánh mắt sẽ giúp bạn dễ dàng nắm bắt được những gì mình cần đề cập để trả lời cho phản hồi từ ánh mắt của họ, ví dụ người nghe đang cảm thấy khó hiểu về một chi tiết, bạn có thể nhận ra điều đó và nhắc lại chi tiết này theo một cách khác hiệu quả hơn.
Nói đúng trọng tâm tránh vòng vo
Kỹ năng giao tiếp tốt là khi được hỏi, hãy trả lời thẳng thắn, trực tiếp, tránh vòng vo làm người nghe không biết đâu là mấu chốt của vấn đề. Bạn có thể dành vài giây suy nghĩ nhưng đừng trả lời một cách vòng vo, đi ra ngoài chủ đề cuộc đối thoại. Hãy nói một cách trực tiếp để chứng tỏ sự tự tin của mình cũng như thể hiện sự tôn trọng thời gian của đối phương.
Động viên khích lệ đúng lúc
Trong trường hợp cuộc trò chuyện bao gồm những niềm vui hay nỗi khổ thì một cá nhân giao tiếp hiệu quả sẽ là người có những lời động viên hay khích lệ đúng lúc đúng thời điểm. Nhất thiết phải dùng phù hợp, đúng hoàn cảnh nếu không sẽ biến bạn từ một con người hoạt ngôn sang vô duyên đấy nhé!
Tránh nói ậm ừ
Những từ dư thừa như “à, ừ” đã tố cáo sự lo lắng, hồi hộp hay không nắm rõ thông tin của bạn đặc biệt trong những buổi thuyết trình, sự ậm ừ sẽ khiến mọi người đánh giá thấp bạn. Việc sử dụng những từ ngữ này không làm lời nói của bạn giá trị mà còn giảm tính thuyết phục, thiếu chuyên nghiệp. Bạn cần hạn chế tối đa thêm các từ đó trong cuộc nói chuyện của mình, hãy quên chúng đi để cuộc nói chuyện của bạn trở nên tự tin và tự nhiên hơn.
Ngắt quãng
Nếu bạn vô tình quên đi những điều bạn sẽ nói tiếp theo, sự ngắt quãng sẽ có thể giúp bạn nhanh chóng nghĩ đến ý tưởng tiếp theo nhưng đừng ngắt quãng quá lâu hay quá lộ liễu vì nó có thể bị hiểu nhầm là sự thiếu tự tin. Ngoài ra việc ngắt quãng có thể giúp người nghe thấu hiểu thông tin của bạn hơn.
Nói chuyện rõ ràng, mạch lạc
Nói chuyện rõ ràng, mạch lạc là chìa khóa giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn. Hãy tập trung nói một cách rõ ràng và chậm rãi, đủ lớn để mọi người có thể nghe thấy bạn. Biểu hiện của bạn cũng cần phù hợp với ngôn từ bạn sử dụng và mọi người sẽ có khả năng kết nối với bạn và hiểu rõ nội dung hơn. Một trong những yếu tố có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp là bạn luôn phải nói rõ ràng tránh nói lí nhí vì đó dấu hiệu của sự thiếu tự tin làm người nghe cảm thấy khó chịu. Hãy tự tin ngẩng cao đầu, nói chuyện một cách rõ ràng, âm lượng vừa đủ người nghe để tạo sức hút cho riêng bản thân.