Giới tự nhiên sản sinh ra vô số các loài động thực vật phong phú và đa dạng, mỗi loài đều có những đặc điểm để thích ứng sinh tồn trong sự khắc nghiệt mà tự nhiên mang lại, kể cả những vùng lạnh giá hầu như không có sự sống như Bắc Cực cũng vẫn có những loài thích nghi được. Sau đây Toplist sẽ cùng các bạn đi tìm hiểu các loài động vật có khả năng đặc biệt này nhé.
Hổ Siberia
Hổ Siberia được mệnh danh là chúa tể của vùng Taiga, sở dĩ chúng có khả năng chịu lạnh tốt như vậy là nhờ vào bộ lông dày và rậm hơn các loại hổ khác nên mới thích ứng được với sự khắc nghiệt của thời tiết.
Hổ Siberia được coi là phân loài hổ lớn nhất, trọng lượng điển hình của hổ Siberia hoang dã được chỉ định là 180–306 kg đối với con đực và 100–167 kg đối với con cái. Các con mồi của hổ Siberia bao gồm nai Mãn Châu, hươu xạ Siberia, sơn dương đuôi dài, nai sừng tấm, hoẵng Siberia, hươu sao Mãn Châu... và những loài động vật nhỏ hơn như thỏ rừng, thỏ, ochotona và cá hồi.
Với nguy cơ bị săn bắn ngày càng lớn loài hổ này đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, số lượng hiện nay chỉ còn khoảng 400 con, sinh sống chủ yếu ở rừng Taiga ở Nga.
Rái cá Bắc Mỹ
Rái cá là loài đặc hữu của khu vực lục địa Bắc Mỹ, thường được tìm thấy dọc theo các con sông và bờ biển của vùng này. Chúng được bảo vệ và cách nhiệt bởi lớp lông không thấm nước khá dày, vì vậy có khả năng chống chịu với nhiệt độ lạnh rất tốt.
Thức ăn chủ yếu của loài rái cá là cá và một số loại thủy sản khác như tôm, cua, ếch, nhái...chúng cũng có một tốc độ trao đổi chất rất cao và tiêu hao năng lượng với nhịp độ hoang, chúng phải ăn một lượng thức ăn bằng 15% khối lượng cơ thể chúng mỗi ngày. Trong nước 10 °C một con rái cá cần bắt ít nhất 100g cá mỗi giờ đồng hồ, nếu ít hơn số đó nó sẽ không sống sót. Phần lớn chúng săn mồi 3-5 h mỗi ngày, nếu là con mẹ đang cho con bú thì cần săn mồi 8h mỗi ngày.
Rái cá có thói quen sống thành bầy đàn. Ngày nay chúng lại trở nên cực kỳ quý hiếm vì bị săn bắt, môi trường sống thay đổi và việc sử dụng thủy ngân để đãi vàng trái phép trên sông.
Cú tuyết
Cú tuyết hay còn gọi là Cú trắng là một loài cú lớn có đặc trưng dễ nhận biết với mỏ đen, móng đen, mắt vàng. Hầu như không có túm lông kiểu tai đặc trưng của các loài cú mèo. Đầu và mắt tương đôi nhỏ, chúng có chiều dài khoảng 52 - 71cm, nặng từ 1,6 - 3kg. Đây là một trong những loài cú lớn nhất, con mái lớn hơn con trống, các con trống trưởng thành có bộ lông màu trắng gần như toàn bộ, trong khi bộ lông của những con cái và chim non có nhiều đốm đen. Bộ lông trắng dày giúp cho cú tuyết thích nghi tốt với cuộc sống phía bắc của vòng cực Bắc. Ngoài ra lông của chúng cũng có thể chuyển sang màu nâu để thích nghi với thời tiết tan chảy.
Cú tuyết thường làm tổ trên các gò đất cao hoặc hang đá, thức ăn của chúng là loài chuột lemmut và các loài động vật gặm nhấm nhỏ khác. Cú tuyết là loài chim mạnh mẽ, sẵn sàng tấn công bất cứ kẻ địch nào nếu cảm thấy bị uy hiếp đến tổ của mình, kể cả những con vật to lớn như gấu hay cáo, chúng tấn công theo hướng bổ nhào từ không trung xuống làm kẻ địch mất tập trung và bỏ đi.
Linh miêu Á - Âu
Linh miêu Á - Âu là một loại mèo thuộc linh miêu trong họ mèo. Chúng phân bố chủ yếu ở châu Á và Bắc Âu. Loài vật này thường có đuôi ngắn, với các khoanh phía dưới cổ cùng các vạch đen trông giống như những nút buộc. Chúng có bàn chân to, da dày để đi dưới tuyết, cùng với các sợi lông dài trên mặt. Màu của lớp lông che phủ thân dao động từ nâu nhạt tới xám và đôi khi có các đốm nâu sẫm, đặc biệt là ở các chân. Linh miêu cân nặng từ khoảng 15 kg tới khoảng 30 kg.
Linh miêu sinh sống trong các khu rừng nằm ở độ cao lớn với các loại cây bụi, cỏ và lau sậy rậm rạp. Mặc dù chúng chỉ đi săn trên mặt đất nhưng chúng leo trèo và bơi lội khá tốt. Linh miêu có khả năng săn mồi điêu luyện chúng có thể hạ gục được cả một con hươu lớn hơn gấp nhiều lần cơ thể mình, nhưng thông thường thức ăn của chúng là chim, thú nhỏ, cá, cừu hay dê.
Báo tuyết
Báo tuyết là loài thuộc họ mèo, sống ở khu vực Trung Á, với cân nặng vào khoảng 75kg, đuôi dài và cân đối giúp chúng có khả năng giữ thăng bằng tốt, ngoài ra còn được sử dụng để che miệng và mũi trong thời tiết lạnh giá. Các chân lớn với nhiều lông phủ kín được coi như những chiếc ủng đi trên tuyết. Báo tuyết có bộ lông màu xám trắng với hàng loạt đốm hoa hồng bên hông, trên đầu và cổ.
Báo tuyết là một trong những loài ăn tạp, chúng ăn tất cả những thức ăn gì mà chúng tìm thấy, thông thường chúng có thể có sức mạnh giết chết con mồi nặng gấp 3 lần chẳng hạn như sơn dương hay các loại gia súc.
Báo tuyết có cơ thể dẻo dai, khéo léo và uyển chuyển giúp chúng thích nghi tốt với môi trường núi tuyết cheo leo, khắc nghiệt. Chúng có thể đi hơn 40 km mỗi ngày để tìm kiếm thức ăn, và với sức bật từ hai chân sau, chúng có thể nhảy cao tới sáu lần chiều dài cơ thể. Báo tuyết còn được coi là biểu tượng của một số quốc gia Trung Á.
Bạc má mũ đen
Bạc má mũ đen là một loài chim trong họ Paridae, là biểu tượng cho một số bang ở Hoa kỳ. Loài chim này có khả năng hạ thấp nhiệt độ cơ thể của nó trong đêm mùa đông lạnh chính vì thế giúp chúng có thể chống chọi được với sự lạnh giá khá tốt.
Bạc má mũ đen là loài chim nhỏ nhưng chắc nịch, sinh sống ở đồng rừng với mỏ ngắn và mập. Chúng là những loài chim dễ thích nghi, với thức ăn hỗn hợp, bao gồm các loại hạt và sâu bọ. Đây là loài chim thân thiện với con người, chúng có thể tiếp cận và ăn thức ăn trên tay người.
Chim cánh cụt
Chim cánh cụt chủ yếu sống dưới nước ở khu vực Nam bán cầu, tập trung ở các vùng bằng phẳng ven biển, hoặc các vách đá. Đó là điều kiện thuận lợi để chúng ẩn nấp được sự săn bắn của con người cũng như thuận lợi cho việc sinh sản.
Chúng có lớp lông rậm, mỡ dày để chịu với cái lạnh nơi đây. Khối lượng thay đổi tùy loài có thể lên tới vài chục kilogam. Chúng thường sống thành bầy đông tới hàng nghìn con. Chim cánh cụt có thính giác rất tốt, mắt của chúng thích nghi với việc quan sát dưới nước định vị con mồi và lẩn tránh kẻ thù. Ngược lại, ở trên cạn thì chúng là cận thị. Khả năng khứu giác của chúng vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Phần lớn chim cánh cụt ăn các loại nhuyễn thể, cá, mực và các dạng sinh vật biển khác chúng bắt được trong khi bơi lội dưới nước. Chúng tiêu tốn khoảng một nửa thời gian trên cạn và nửa còn lại dưới lòng các đại dương.
Bò xạ hương
Bò xạ hương sống ở Bắc Cực từ rất lâu, từ thời kỳ băng hà cách đây khoảng 200.000 năm. Với bộ lông dày hai lớp, lớp đầu tiên là bộ lông dày màu xám đen bên ngoài, dài gần chạm đất và lớp lông lót ở phía bên trong giúp chúng có khả năng chịu lạnh rất tốt tới mức nhiệt độ xuống tới âm 40 độ, chống chọi lại được với sự khắc nghiệt ở vùng Bắc Cực.
Bò xạ hương sống thành từng đàn khoảng từ 12-24 vào mùa đông và 8-20 vào mùa hè. Trong suốt mùa hè, bò xạ hương sống ở các khu vực ẩm ướt, như các thung lũng sâu và di chuyển lên các vùng núi cao hơn vào mùa đông. Thức ăn của chúng bao gồm cỏ liễu Bắc cực, địa y và rêu dưới lớp tuyết. Bò xạ hương được nuôi để cung cấp lượng thịt, sữa và lông. Hiện nay loài này đang được bảo vệ nên số lượng giữ ở mức ổn định.
Gấu trắng Bắc Cực
Gấu trắng Bắc Cực là loài động vật có vú lớn của bộ ăn thịt. Chúng chủ yếu sinh sống ở những khu vực lạnh giá xung quanh Bắc Băng Dương. Loài vật này khi trưởng thành nặng từ 400 - 600kg có những con nặng đến trên 800kg, con đực khi trưởng thành dài từ 2,4 - 2,6m. Lông của chúng màu trắng, không thấm nước, ngoài ra để chúng thích nghi được với cái lạnh giá là nhờ có lớp mỡ dày đến 10cm giúp giữ ấm được cho cơ thể ngay cả khi nhiệt độ có giảm tới mức âm 40 độ.
Nơi trú ngụ của gấu trắng Bắc Cực là các mảng băng tạo thành mũ băng quanh cực Bắc của Trái Đất. Chúng thường xuất hiện ở rìa các mũ băng, bên cạnh các dải nước và những nơi có nhiều hải cẩu là nguồn thức ăn chính của chúng. Gấu trắng Bắc Cực dành thời gian lớn để đi lại trên băng và tránh các cơn bão tuyết dữ dội bằng cách đào các hang trú ẩn tạm thời. Thường thì chỉ có gấu cái mang thai mới ngủ đông. Nhưng ở những nơi mà mùa đông lạnh hơn và thức ăn cũng khó tìm hơn, tất cả gấu trắng Bắc Cực đều ngủ đông.
Tuần lộc
Tuần lộc phân bố chủ yếu ở vùng Bắc Cực và cận Bắc Cực. Cơ thể chúng được bao phủ bởi lớp lông có khả năng giữ không khí. Lớp không khí trong lông sẽ giúp cơ thể chúng cô lập với môi trường xung quanh. Ngoài ra hệ tuần hoàn của tuần lộc còn có khả năng giúp máu lạnh trong các chi hấp thụ nhiệt từ nguồn máu nóng trong thân của chúng.
Tuần lộc thay đổi đáng kể trong màu sắc và kích thước. Cả hai giới đực và cái đều phát triển gạc (sừng), mặc dù ở con đực, gạc thường lớn hơn. Có một số ít con cái thiếu gạc hoàn toàn. Điều đặc biệt, tuần lộc đực thường rụng sừng vào mùa đông. Mỗi năm đàn tuần lộc vượt hàng trăm km về phía Bắc để tìm kiếm thức ăn cho mình. Chúng được thuần chủng từ 2000 năm trước.