Trên thế giới có những loài thú rừng hung dữ có thể gây ra những vụ động vật tấn công con người đáng sợ nhưng cũng có thể là những loài động vật tưởng chừng có thể dễ dàng thuần hóa, thuần dưỡng thành thú cưng, nhưng có thể gây ra những vụ thú dữ tấn công con người thê thảm nhất. Góp mặt trong danh sách này không chỉ là những cái tên nổi danh sát thủ trong giới động vật mà còn có cả những loài động vật xung quanh mà bạn không ngờ tới nhất. Hãy cùng toplist tìm hiểu những loài động vật nguy hiểm nhất đối với con người dưới đây nhé.
Muỗi
Chắc hẳn nhiều người rất bất ngờ khi loài côn trùng nhỏ bé xuất hiện trong danh sách này. Tuy nhiên, khi biết mức độ nguy hiểm của loài muỗi, bạn sẽ thấy nó đứng ở vị trí số một trong danh sách top các loài động vật nguy hiểm nhất đối với con người là điều hiển nhiên. Theo thống kê, mỗi năm có hơn hai triệu người thiệt mạng vì muỗi. Ngoài ra, chúng còn là vật trung gian truyền bệnh cho hơn 70 triệu người, chủ yếu là truyền các bệnh như sốt rét, virus Zika, virus West Nile, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết,..Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, muỗi cướp đi khoảng 1 triệu sinh mạng mỗi năm trong tổng số 300 đến 500 triệu ca sốt rét mà nó gây ra. Cứ 30 giây lại có 1 trẻ em tử vong vì sốt rét.
Thực ra, nói muỗi làm chết người là không đúng mà thủ phạm chính xác là loài ký sinh trùng sốt rét mà chúng mang theo. Cũng không phải tất cả các giống muỗi đều mang ký sinh trùng sốt rét, duy chỉ có muỗi cái thuộc họ Anopheles. Họ muỗi Anopheles có mặt ở khắp nơi trên trái đất, trừ vùng Nam Cực. Muỗi Anopheles đốt một người bệnh sốt rét, rồi phát tán ký sinh trùng sốt rét sang người tiếp theo bị chúng đốt. Sốt rét là bệnh truyền qua đường máu, có nghĩa là bệnh này không thể lây lan qua tiếp xúc thông thường giữa người với người, và vật trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi sốt rét.
Sốt rét đã gần như đã bị xóa sổ tại Mỹ vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước nhờ nỗ lực khống chế, tiêu diệt muỗi của Chính phủ Mỹ trong Chương trình Xóa sổ bệnh Sốt rét trên toàn quốc dùng DDT (một loại thuốc diệt côn trùng độc hại). Tuy nhiên, khi người ta áp dụng chương trình này đại trà trên toàn thế giới, kết quả thu được lại tương đối hạn chế do phản ứng kháng thuốc của muỗi. Thiếu kinh phí, thiếu sự tham gia của cộng đồng cũng là những nguyên nhân khiến các chiến dịch xóa sổ bệnh sốt rét không đạt mục tiêu như kỳ vọng. Hiện nay, đa số các ca tử vong do sốt rét thường xuất hiện ở Châu Phi và phía nam sa mạc Sahara – nơi ký sinh trùng sốt rét phổ biến nhất. Ai cũng có thể mắc bệnh sốt rét, nhưng những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ có thai, khách du lịch là những đối tượng dễ bị mắc và tử vong nhất. Người dân ở các nước nghèo, với nguồn nước sạch hạn chế cũng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét cao hơn.
Rắn hổ mang Châu Á
Rắn hổ mang là loài rắn chứa nọc độc chết người sống ở vùng Châu Á và Châu Phi. Bình thường thân hình loài rắn này tương tự như bất kỳ con rắn khác, nhưng chúng còn có khả năng san bằng đầu mình thành hình như mui xe. Chính vì thế, loài rắn này còn được gọi là rắn hổ mang bành. Chúng bành rộng cổ ra khi gặp nguy hiểm hoặc bị kích động. Với cách này, rắn sẽ ngụy trang thân hình của mình to hơn rất nhiều bình thường giúp rắn uy hiếp kẻ thù. Rắn hổ mang có nọc kích độc. Chúng thường tấn công khi bị khiêu khích hay đe dọa. Ai bị loài rắn độc này cắn thì chỉ khoảng 30 phút sau sẽ bị tử vong do chất độc làm suy hô hấp, dẫn đến ngạt thở và làm tê liệt hoạt động của cơ hoành. Hổ mang thường ăn chuột, chim và ếch. Đối thủ đáng gờm nhất có khả năng đánh bại hổ mang trong tự nhiên là loài cầy, chim săn mồi và con người. Điều đặc biệt khiến rắn hổ mang được xếp vào loại nguy hiểm, bởi nó có nọc độc, đặc biệt là có thể phun trực tiếp vào mắt đối phương, kể cả con người khi bị tấn công.
Theo thống kê, rắn hổ mang Châu Á giết chết khoảng 50.000 người mỗi năm. Tuy không phải là loài rắn độc nhất thế giới nhưng do môi trường sống của chúng khá gần với con người nên số trường hợp tử vong do loài này gây nên là rất cao. Tương tự như sứa hộp, nọc độc của rắn hổ mang tác động đến hệ thần kinh, làm tê liệt hệ thần kinh của con người. Mặc dù rắn hổ mang châu Á không nằm trong danh sách những loài rắn độc nhất thế giới, nhưng chúng lại là thủ phạm cướp đi sinh mạng của vài ngàn người mỗi năm. Điều đặc biệt là không có một báo cáo chính thức nào về số ca tử vong do bị rắn cắn trên toàn cầu. Ước tính, số ca tử vong vì rắn cắn trên toàn thế giới khoảng từ 20.000 - 125.000 ca/năm.
Phần lớn nạn nhân của rắn hổ mang châu Á là những người dân sống ở Nam Á, Đông Nam Á và hạ Sahara (châu Phi). Thậm chí trong một số trường hợp bất cẩn, một số loài rắn hổ mang còn có thể phun nọc độc vào mắt con người với độ chính xác cực cao. Rắn này được cho là có nọc độc cực mạnh và có thể gây tử vong chỉ với một vết cắn. Loài rắn này có chứa loại độc tố tác động trực tiếp đến hệ thần kinh, gây tê liệt. Ngoài ra, loài rắn hổ mang này chứa độc tố tế bào gây ra hoại tử, sưng tại vị trí vết cắn hoặc gây độc tố tim mạch. Loài rắn này sử dụng những cách khác nhau để tiêm chất độc vào nạn nhân.
Ong bắp cày
Trên thế giới, có một loài ong mà chỉ cần nghe thấy tên, con người đã rùng mình lo sợ, đó là loài ong bắp cày khổng lồ châu Á. Tên khoa học Vespa mandarinia, là một loài bản địa khu vực ôn đới và nhiệt đới Đông Á, nổi tiếng với biệt danh "ong sát thủ" bởi nọc độc và sự hung dữ của mình. Ong bắp cày có nhiều tên gọi khác như ong bò, ong nghệ...Chúng xuất hiện nhiều nhất ở các nước Châu Á và Châu Âu, Bắc Á. Không chỉ có kích thước khác biệt, hình dạng của chúng cũng độc đáo không kém với phần bụng và ngực được kết nối với nhau biệt bằng một “vòng eo” siêu nhỏ.
Ong bắp cày khổng lồ châu Á có chiều dài lên đến gần 5cm, được xem là loài ong lớn nhất và loài ong nguy hiểm nhất thế giới. Theo nghiên cứu, nọc độc của chúng tấn công vào hệ thần kinh và đe dọa tính mạng của nạn nhân nếu họ không được điều trị kịp thời sau khi bị chúng đốt. Ở Nhật Bản, ong bắp cày khổng lồ châu Á được gọi là osuzumebachi, trong tiếng Nhật có nghĩa là "ong chim sẻ", sở dĩ được gọi như vậy bởi với kích thước khổng lồ của mình, ong bắp cày không thèm để ý đến phấn hoa, mật cỏ, chúng nghiền nát cả những con bọ ngựa và một số côn trùng lớn khác làm thức ăn. Đối với loài người, ong bắp cày khổng lồ châu Á cũng bị liệt vào danh sách những động vật sát thủ khi nó là nguyên nhân gây ra cái chết của ít nhất sáu nạn nhân ở Pháp. Vết chích của con quái vật ong bắp cày khổng lồ dài khoảng 6mm và vết chích này cũng được ghi nhận đã giết chết 41 người và khiến hàng trăm người khác bị thương ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào năm 2013. Tuy nhiên theo thống kê của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc số lượng nạn nhân bị loài ong bắp cày khổng lồ tấn công đã lên đến hàng ngàn người.
Không chỉ gây ra sự ám ảnh ghê rợn, ong bắp cày khổng lồ châu Á còn đe dọa cân bằng sinh thái khi chúng có khả năng xóa sổ hoàn toàn những tổ ong hàng ngàn con bằng cách ăn cắp mật ong và nhộng ong. Với khả năng bay 100km một ngày và tốc độ bay khoảng 40km/h, ong bắp cày khổng lồ hoàn toàn có thể săn giết rất nhiều côn trùng nhỏ. Ong bắp cày khổng lồ châu Á cũng là một trong những nỗi lo lớn nhất của du khách.
Ếch độc phi tiêu
Ếch độc phi tiêu là tên gọi chung cho những loài ếch có kích thước nhỏ bé, màu sắc đẹp mắt nhưng lại mang trong mình độc tố chết người. Đứng đầu là ếch phi tiêu vàng ở Colombia, là loài động vật độc nhất Trái Đất. Chất độc nó tiết ra có thể giết chết từ 10- 20 người đàn ông hoặc hai con voi đực Châu Phi. Ếch phi tiêu độc là một nhóm các loài ếch trong họ Dendrobatidae chuyên sống ở Trung và Nam Mỹ. Không giống như hầu hết các loài ếch, các loài này hoạt động ban ngày và thường có thân màu rực rỡ. Da của chúng tiết ra batrachotoxin, một loại chất độc khiến hệ thân kinh bị tê liệt, gây tê liệt các cơ và dẫn tới tử vong. Mặc dù tất cả các loài trong họ Dendrobatidae hoang dã ít nhất phần nào có độc, mức độ độc tính thay đổi đáng kể từ loài này sang loài khác và từ nhóm này sang nhóm khác. Nhiều loài đang cực kỳ nguy cấp. Những động vật lưỡng cư này thường được gọi là "ếch phi tiêu" do dân bản xứ da đỏ sử dụng các chất tiết độc của da các loài ếch này để tẩm độc đầu mũi phi tiêu thổi.
Trên thực tế, trong số 179 loài, chỉ có ba loài đã được ghi nhận như đang được sử dụng cho mục đích này (chất nhựa cura ở các cây độc như Strychnos toxifera, Chondrodendron tomentosum thường được sử dụng nhiều hơn), và loài được sử dụng để tẩm độc mũi tên không thuộc về chi Dendrobates, là chi với các đặc trưng như màu sắc rực rỡ và các hoa văn phức tạp khác nhau trong các loài thuộc chi này. Loài ếch này có bề ngoài khá rực rỡ và bắt mắt. Tuy nhiên, đừng để vẻ "bắt mắt" đó đánh lừa bởi vì chỉ cần một va chạm nhỏ với da của chúng, tim người có thể ngừng đập nhanh chóng.
So với các loài ếch phi tiêu khác như ếch phi tiêu đen hay ếch phi tiêu nhị sắc, ếch phi tiêu độc Kokoe (Phyllobates aurotaenia) thì độc tính của ếch phi tiêu vàng gấp rất nhiều lần. Điều đáng sợ hơn, nọc độc của chúng có thể tồn tại tới 1 năm. Nếu lỡ tay chạm vào chúng, điều đó không có nghĩa là bạn có thể bị trúng độc qua da, bởi vì chúng chỉ bài tiết chất độc qua da khi cảm thấy bị đe dọa, tuy nhiên cũng không vì thế mà có thể chạm vào chúng thoải mái. Tuy là loài ếch bé nhỏ có nọc độc có thể giết chết cả... voi, nhưng tổ tiên của chúng sống cách đây 40 tới 45 triệu năm lại không hề có độc. Sở dĩ chúng có thể tiết nọc độc là do chúng ăn vào các sinh vật có độc tính. Loài ếch phi tiêu sống trong rừng nhiệt đới trông bề ngoài nhỏ bé đáng yêu nhưng thực ra lại lợi hại vô cùng.
Hà Mã
Hà mã là một trong những sinh vật hung hăng nhất trên thế giới và thường được xem như một trong những động vật nguy hiểm nhất ở châu Phi cũng như trên thế giới. Không một loài thú hoang dã nào ở châu Phi giết người nhiều như những con hà mã. Hằng năm có 2900 người bị giết bởi loài này. Hà mã đặc biệt hung dữ khi bị xâm phạm lãnh thổ của chúng và động đến con cái của chúng. Chính vậy thổ dân ở châu Phi rất dễ mất mạng khi vô tình xâm phạm lãnh thổ của hà mã. Chúng sẽ rượt đuổi, kéo họ xuống đầm, cắn nát thuyền của họ và thậm chí cắn nát cả đầu của họ.
Là loài thú dữ tợn nhất châu Phi, hàm của hà mã có thể nghiền nát một hoặc hai con cá sấu dài khoảng 3m. Độ hung bạo của chúng mạnh hơn bất cứ loài vật kích thước lớn nào. Chúng có trọng lượng trung bình lên tới 1,5 tấn và hàm răng có sức mạnh tương đương với một chiếc búa tạ cỡ lớn. Chúng thường tấn công con người và tàu bè nhỏ. Mặc dù có thân thể thấp đậm và bốn cái chân ngắn cũn nhưng hà mã có thể đạt tới tốc độ lên đến 48 km/h và dễ dàng vượt mặt con người. Chúng cũng là loài thú có vú nặng thứ 3 trên mặt đất. Con đực có thể nặng tới 1,8 tấn và dài khoảng 5m. Không nên trêu chọc một con hà mã, nhất là khi chúng đang nhấm nháp bữa ăn trưa.
Thậm chí ngay cả những con hà mã được nuôi nấng và thân thiết từ nhỏ cũng có thể giết người chủ của mình, điển hình là bi kịch của một người nông dân ở Nam Phi khi bị chính con vật nuôi 6 tuổi mình thương yêu và chăm sóc hại chết bằng cách moi ruột cho đến chết. Thi thể bị cắn xé thương tâm của Marius được phát hiện trôi nổi trên một dòng sông chạy qua trang trại của anh ở vùng quê Nam Phi sau đó hà mã này còn chạy điên cuồng trên đồng cỏ để tấn công những người chơi golf ở câu lạc bộ gần nông trại và cắn chết một chú bê của đối tác làm ăn với ông chủ.
Sư tử Châu Phi
Sư tử Châu Phi là loài động vật có vú thuộc chi Báo, họ Mèo, trong văn hóa phương Tây, chúng còn có biệt danh là Chúa tể sơn lâm hay Vua sư tử. Sư tử Châu Phi là một loài thú dữ và rất dễ kích động, có thể dễ dàng ăn sống người. Khi đói, chúng có thể tấn công con người đi lại trong lãnh thổ của chúng. Theo thống kê, tính riêng ở Tanzania, mỗi năm sư tử Châu Phi giết chết 70 người.Theo ước tính các trường hợp tử vong liên quan đến sư tử có thay đổi nhiều từ năm này sang năm khác. Nghiên cứu năm 2005 cho thấy: "Kể từ năm 1990, loài sư tử đã tấn công 563 người chỉ tính riêng ở Tanzania và con số trung bình là khoảng 22 vụ mỗi năm. Ngoài ra, còn có những ca tử vong khác ngoài Tanzania nên rất khó để có thể xác định được một con số chính xác trên toàn thế giới".
Sư tử là một loài thú dữ và rất dễ bị kích động, là một trong những động vật nguy hiểm nhất ở châu Phi. Mặc dù sư tử thường không săn người nhưng một số cá thể - thường là con đực - dường như chủ động tìm kiếm người. Những con sư tử thường chỉ tấn công người khi khan hiếm con mồi hoặc do chúng là những con sư tử đã già và không còn khả năng săn đuổi mồi, ngoài ra còn là do con người vô tình xâm phạm lãnh thổ của chúng. Một trường hợp được công bố rộng rãi là những những con đực ở Tsavo; vào năm 1898, 28 công nhân đường sắt chính thức ghi lại việc xây dựng tuyến đường sắt Kenya-Uganda đã bị sư tử chiếm giữ hơn 9 tháng trong quá trình xây dựng cây cầu bắc qua sông Tsavo ở Kenya. Người thợ săn giết sư tử đã viết một cuốn sách chi tiết về hành vi săn mồi của chúng; chúng lớn hơn những con đực bình thường và trông rất ốm đói, và một con dường như bị sâu răng. Lý thuyết về bệnh tật, bao gồm cả sâu răng, không được tất cả các nhà nghiên cứu ưa chuộng; một phân tích về răng và hàm của sư tử ăn thịt người trong các bộ sưu tập của bảo tàng cho thấy rằng trong khi sâu răng có thể giải thích một số sự cố, sự suy giảm con mồi ở các khu vực do con người thống trị là nguyên nhân dễ dẫn đến sư tử ăn thịt người.
Trong dân gian, những con sư tử ăn thịt người đôi khi được nhắc đến như những con ác quỷ. Các nhà khoa học Mỹ và Tanzania báo cáo rằng hành vi ăn thịt người ở các vùng nông thôn của Tanzania đã tăng lên rất nhiều từ năm 1990 đến năm 2005. Ít nhất 563 dân làng đã bị tấn công và nhiều người bị sư tử ăn thịt trong giai đoạn này - một con số vượt xa các cuộc tấn công của sư tử Tsavo. Vụ việc xảy ra gần Công viên Quốc gia Selous ở quận Rufiji và tỉnh Lindi gần biên giới Mozambique.
Cá sấu nước mặn
Cá sấu nước mặn là một trong hai loài cá sấu nổi tiếng trên thế giới trong việc tấn công và ăn thịt người. Tính tới thời điểm hiện tại, cá sấu nước mặn không chỉ là loài cá sấu lớn nhất mà chúng còn là loài bò sát lớn và hiếu chiến nhất thế giới. Mỗi con trưởng thành của loài này có trọng lượng trung bình khoảng 450 kg và dài khoảng 4,5 m. Nhiều cá thể đực còn có chiều dài có thể đạt đến gần 7 m. Tuy to lớn nhưng chúng có khả năng di chuyển rất nhanh nhẹn, vì vậy, nếu ai không may xảy chân xuống những vùng nước có cá sấu nước mặn thì cơ hội sống sót gần như bằng không. Người ta ước tính, mỗi năm có hàng trăm người chết vì các cuộc tấn công của cá sấu nước mặn, chủ yếu xảy ra ở các Úc, Đông Nam Á và Châu Phi. Đối với những con cá sấu do chúng ăn bất cứ thứ gì như: Linh dương, trâu rừng, bò rừng, cá,…kể cả con người nhất là khi chúng thực sự đói. Do đó một khi đã tấn công chúng sẽ không dừng lại và tìm cách tiêu diệt con mồi trong thời gian ngắn.
Cộng với sở hữu chiếc hàm khỏe ngoạm chặt vào nạn nhân trước khi các chi và đuôi hỗ trợ cá sấu xoay tròn để xé nát miếng thịt. Sức mạnh đằng sau những cú xoay khiến tất cả nạn nhân của cá sấu bị xé xác một cách dễ dàng. Chúng có một cái đầu khá lớn đặc trưng bởi hai gờ nổi xuất phát từ mắt và kéo dài đến giữa mũi. Vảy loài này hình trái xoan. Cá sấu con có màu vàng nhạt, chúng mang những sọc, chấm trên thân và đuôi. Cá sấu trưởng thành có màu sẫm hơn, màu nâu vàng đến màu xám. Mặt bụng màu trắng hoặc vàng, các sọc xuất hiện ở phần dưới của thân nhưng không kéo dài hết mặt bụng. Đuôi có màu xám với những vạch đen. Chúng sở hữu một bộ hàm khỏe với 64-68 răng và sở hữu lực cắn lên đến 5000 pounds/1 inch vuông hoặc hơn.
Cá sấu nước mặn có tuổi thọ khá cao, chúng có thể sống hơn 100 tuổi. Trong số tất cả các loài cá sấu, cá sấu nước mặn có khuynh hướng mạnh nhất về khả năng đối xử với con người như một con mồi, và có một lịch sử lâu dài tấn công con người khi con người vô tình mạo hiểm vào lãnh thổ của nó. Do sức mạnh của nó, tính tình hung dữ máu lạnh, kích thước và tốc độ đáng sợ, cá sấu nước mặn được xem là một trong những loài cá sấu nguy hiểm nhất thế giới. Từ năm 1971 đến năm 2013, tổng số ca tử vong được báo cáo tại Úc do cá sấu nước mặn là 106. Mức độ tấn công thấp có thể là do những nỗ lực rộng rãi của các quan chức động vật hoang dã ở Úc để đặt các dấu hiệu cảnh báo cá sấu tại nhiều kênh, sông, hồ và bãi biển được cho là có mối nguy hiểm từ cá sấu.
Lợn rừng
Mặc dù là loài đào bới ăn củ quả và tính vốn không hung dữ nhưng lợn rừng do bị săn bắn quá nhiều nên chúng trở nên hung dữ, chống cự quyết liệt các đối thủ, thậm chí gây trọng thương cho thợ săn khi không còn đường chạy trốn. Lợn rừng có tên khoa học Sus scrofa, là loài sinh sản nhanh và sống theo bầy đàn. Chúng có bộ lông sọc vằn màu xám nâu với cân nặng lên tới hàng chục đến hàng trăm kg. Bờm lông ở trên gáy mọc dài tận sống lưng là đặc điểm đặc trưng của loài. Kẻ thù trong tự nhiên của chúng là hổ, chó sói và thợ săn.
Lợn rừng thích sống gần khu vực hoa màu để ăn ngô, khoai sắn, nên bị coi là kẻ thù của nhà nông. Chúng thường kiếm ăn vào lúc trời gần tối và ban đêm, còn ban ngay ẩn nấp vào rừng sâu. Trước nguy hiểm, lợn rừng thường chọn cách im lặng để nghi binh, nếu không được thì kêu thật to để uy hiếp kẻ thù và chạy nhanh vào rừng sâu, chứ ít khi tấn công. Chỉ khi cùng đường hoặc chịu đau đớn chúng mới trở nên hung dữ, sẵn sàng chiến đấu điên cuồng. Nhất là khi bị thương bởi súng đạn, chúng sẽ không ngại lao vào tấn công bất kỳ đối tượng nào. Các cuộc tấn công thực tế trên con người là rất hiếm, nhưng có thể nghiêm trọng, dẫn đến nhiều thương tổn thâm nhập vào phần dưới của cơ thể. Chúng thường xảy ra trong mùa giao phối của lợn rừng từ tháng 11 đến tháng 1, ở các khu vực nông nghiệp giáp với rừng hoặc trên những con đường dẫn qua rừng. Con vật giai đoạn này thường rất hiếu chiến và dễ bị kích động. Chúng thường tấn công bằng cách húc trực diện và chĩa hai răng nanh của nó vào nạn nhân, với hầu hết các chấn thương xảy ra trên vùng đùi. Khi cuộc tấn công ban đầu kết thúc, heo rừng có thể lùi lại và bỏ đi nhưng sẽ tấn công lần nữa nếu thấy nạn nhân vẫn đang cử động, chỉ kết thúc khi nạn nhân hoàn toàn bất động.
Các cuộc tấn công heo rừng trên người đã được ghi nhận từ thời kỳ đồ đá, với một trong những mô tả lâu đời nhất là một bức tranh hang động ở Bhimbetaka, Ấn Độ. Người La Mã và người Hy Lạp cổ đại đã viết về những cuộc tấn công này (Odysseus bị một con lợn bị thương tấn công, và Adonis bị giết bởi một con). Một nghiên cứu năm 2012 biên soạn các cuộc tấn công ghi nhận từ 1825–2012 đã tìm thấy 665 nạn nhân của cả lợn rừng và lợn hoang, với phần lớn (19%) các vụ tấn công trong phạm vi tự nhiên của động vật xảy ra ở Ấn Độ. Hầu hết các cuộc tấn công xảy ra ở các vùng nông thôn trong những tháng mùa đông trong các bối cảnh đàn lợn không bị đe dọa săn bắn.
Voi
Người ta tin rằng voi là loài động vật hiền lành, không gây hại cho con người. Nhưng thực tế, khoảng 500 người chết vì voi mỗi năm. Với trọng lượng cơ thể lên tới 6 tấn, voi châu Phi đứng số một trong bản danh sách những loài voi giết người nhiều nhất. Động vật với kích thước như thế tiềm ẩn những nguy hiểm cho con người. Cần phải cẩn thận khi đi dạo hay lái xe trong đêm hoặc chiều muộn ở những khu vực mà voi hoang hay xuất hiện. Cụ thể, nên tránh những va chạm hay tiếp xúc với voi đực trưởng thành hay voi cái đang nuôi con nhỏ. Trong số các mối nguy hiểm nhất là voi đực. Chúng là những con voi sống riêng lẻ và rất hiếu chiến. Khi gặp chúng nên chạy theo đường dích dắc vì chúng có thể chạy với tốc độ lên tới 50 km/h theo đường thẳng nhưng khó xoay trở khi chạy ngoằn ngoèo.
Mỗi con voi trưởng thành có thể nặng vài tấn nhưng không phải loài săn mồi nguy hiểm. Bản tính về cơ bản vốn ôn hòa, nên chúng chỉ dùng vòi xua đuổi những kẻ quấy nhiễu chứ không ăn thịt. Đấy là theo lý thuyết, thực tế nếu voi bị kích động chúng trở nên rất hung tợn và có thể dùng vòi đập chết đối thủ hoặc dùng thân hình đồ sộ để giày xéo nạn nhân. Có ghi nhận một trường hy hữu xảy ra ở Ấn Độ. Một con voi trong lúc tức giận đã đập chết 17 người. Trong đó có một nạn nhân xấu số nhất đã bị nó bẻ gãy đôi người và nuốt chửng. Vụ một đàn voi rừng gồm ba con xuất hiện tại khu vực làng Khe Dưng gây đại náo cho dân làng. Chúng di chuyển vào các khu rẫy của người dân tàn phá lúa và cây trồng, chỉ cần thấy hơi người là chúng xông vào tấn công. Được biết, đàn voi thường xuyên xuất hiện trong khu vực và rất hung dữ. Đã có hai người dân đi làm rẫy đã bị đàn voi rượt đuổi làm bị thương vào năm 2013.
Vụ việc voi điên quật chết người khiến quản tượng khu du lịch Đại Nam tử vong cũng khiến nhiều người lo sợ. Trong lúc mang sơn vào sơn lại chuồng bất ngờ nhân viên huấn luyện thú đã bị một con voi nặng khoảng hai tấn dùng vòi quật văng vào bể nước, chấn thương nặng dẫn đến tử vong. Vụ một nhân viên sở thú Missouri tên John Phillip Bradford bị một con voi có tên là patience nghiền nát. John cố gắng dỗ con voi qua cái máng ở chuồng voi khác, nhưng con voi bất ngờ nổi điên và tấn công. Từng ghi nhận một trường hợp thương tâm hơn, nạn nhân còn bị con voi xé xác ăn thịt khi vẫn còn sống. Tháng 11 năm 2017, vụ khách du lịch bị voi giẫm chết khi cố đến gần chụp ảnh xảy ra ở khu nghỉ dưỡng Maramba River Lodge, Livingstone, thủ đô Lusaka của Zambia, hai du khách bị giết khi cố tiến gần để chụp ảnh một con voi. Trước đó vào tháng 7, một du khách Tây Ban Nha thiệt mạng vì bị voi quần trước mặt vợ khi cả hai tham quan khu bảo tồn thiên nhiên tại miền nam Ethiopia, nam du khách không tuân theo hướng dẫn, cố tình trèo khỏi xe để lấy góc chụp ảnh nhưng bị con vật dùng vòi và ngà tấn công.
Cá mập trắng
Cá mập trắng lớn (danh pháp khoa học: Carcharodon carcharias), còn được biết đến với các tên gọi khác như mũi kim trắng, cái chết trắng, cá mập trắng là một loài cá mập lớn thuộc bộ Cá nhám thu được tìm thấy ở miền duyên hải trên khắp các đại dương. Cá mập trắng lớn được biết đến vì kích thước của nó, dài 6,4 m (21 ft) (mặc dù có những báo cáo công bố nó dài 8 m (26 ft), và cân nặng 3.324 kg (7.328 lb). Loài này trưởng thành về mặt sinh sản khi khoảng 15 năm tuổi và trước đây được cho rằng có vòng đời hơn 30 năm. Vòng đời thực của cá mập trắng còn dài hơn nhiều; nay được ước lượng khoảng 70 năm hay hơn, làm nó trở thành một trong các loài cá sụn sống lâu nhất. Cá mập trắng có thể đạt tốc độ bơi hơn 56 km/h (35 mph).
Cá mập trắng được mệnh danh là chúa tể của đại dương bởi khả năng săn mồi đáng nể của chúng. Với chiều dài cơ thể lên tới 6,4 m và trọng lượng đạt gần 5 tấn, bộ răng sắc nhọn, khỏe mạnh, cá mập trắng có thể hạ gục hầu hết các loài sinh vật biển. Cá mập trắng tuy là loài động vật hiếu chiến nhưng chúng ít khi tấn công con người, hầu hết các vụ tấn công xảy ra do chúng lầm tưởng con người là một loại thức ăn hàng ngày như hải cẩu, rùa biển,... hoặc do chúng quá đói. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có khoảng 100 vụ cá mập tấn công con người được báo cáo trên toàn thế giới, những vụ tấn công này xảy ra nhiều nhất tại nước Úc, Nam Phi và Mỹ. Nó là loài cá ăn thịt lớn nhất còn tồn tại. Nó săn nhiều loài động vật có vú biển, cũng như cá và chim biển. Nó là loài duy nhất còn sống sót trong chi Carcharodon, và đứng đầu trong các loài cá mập tấn công con người.
Bọ xít
Khả năng đánh hơi tìm nguồn máu của chúng mạnh mẽ và quyết liệt. Khác với những con khác trong họ, chúng không có mùi hôi và sống bằng máu người hoặc gia súc. Bọ xít hút máu người tấn công thường để lại vết thương sưng to, thậm chí còn gây sốt sau khi bị chúng hút máu. Các vết đốt thường có màu đỏ, rất dễ phát hiện và to hơn vết muỗi đốt hoặc màu sẫm nối liền nhau. Vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân. Các vết đốt có biểu hiện đau, rát, sưng và rất dễ lan rộng ra xung quanh khi tác động vào vết đốt. Có trường hợp vết đốt gây sưng to, phù nề diện rộng, mưng mủ và bị sốt, đặc biệt là trẻ em. Các vết đốt sưng to, phù nề có thể làm chân tay không cử động được. Đặc biệt chúng sống rất lâu.
Loài bọ xít hút máu người ưa thích sinh sống ở những nơi ẩm thấp, bỏ hoang, có vải vụn hoặc gỗ mục. Những nơi có nhiều chuột là có thể có nhiều bọ xít hút máu sinh sống. Loài côn trùng này trở nên nguy hiểm hơn khi người ta phát hiện ra chúng có mặt cả ở những nơi sạch sẽ, kể cả ở khu chung cư cao cấp cũng đã xuất hiện loại bọ xít này. Trước đây, loài bọ xít này thường xuất hiện ở những trang trại, khu vực chăn nuôi nhưng hiện nay, chúng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở những thành phố lớn. Nếu trong cùng một khu vực có nhiều gia đình phát hiện ra bọ xít hút máu thì rất có thể ở gần đó có ổ bọ xít hút máu. Mỗi ổ thường có từ vài chục đến vài trăm con, cá biệt có những ổ lên đến hơn nghìn con. Các ổ bọ xít hút máu thường được tạo lập ở những khu vực ẩm thấp, bỏ hoang, có vụn vải hoặc gỗ mục và có nhiều chuột. Từ ổ, bọ xít có thể phát tán xa 1,5-2km.
Loại bọ xít hút máu người thường sống ở vùng trung du, thuộc họ bọ xít ăn sâu, vốn là một họ có ích cho nông nghiệp, nhưng khác với các con khác trong họ, loại bọ xít hút máu người này to hơn và sống dựa vào thức ăn là máu người và gia súc. Loại bọ xít này phát triển tốt nhất là trong điều kiện nóng. Khả năng gần người và thích ứng với người ngày càng ổn định. Bọ xít hút máu thường tìm chỗ kín để trốn tránh con người và chúng rất sợ ánh sáng. Nhưng đến nay, việc tìm loài này ở các chuồng gia súc, gia cầm trở nên hiếm hơn, trong khi sự xuất hiện tại các nhà dân là khá phổ biến do biến đổi về mặt khí hậu. Tập tính gần người và sử dụng máu người làm thức ăn khiến loài vật này đang trở nên nguy hiểm hơn. Sinh sản nhanh, kháng thuốc trừ sâu, tạo lập được tập tính sống gần con người... là những đặc điểm mới phát hiện của bọ xít hút máu. Bọ xít hút máu đã được phát hiện nhiều năm tại Việt Nam và ghi nhận ở nhiều địa phương trên cả nước, từ năm 2010 cho đến năm 2014, những vụ bọ xít hút máu người xuất hiện và tấn công đã được ghi nhận. Điều đáng chú ý là những vụ tấn công của bọ xít hút máu chưa được ghi nhận trong các y văn do đó tạo hoang mang cho người dân. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị loài côn trùng này.
Trâu rừng Châu Phi
Trâu châu Phi (tên tiếng Anh: African buffalo hoặc Cape buffalo (trâu Cape), danh pháp hai phần: Syncerus caffer) là một loài trâu bò lớn ở châu Phi. Loài trâu này không có họ hàng gần với trâu nước hoang dã châu Á lớn hơn chút ít, tổ tiên loài vẫn còn chưa rõ ràng. Syncerus caffer caffer, trâu Cape, là phân loài điển hình và lớn nhất, sinh sống ở nam và đông châu Phi. S. c. nanus (trâu rừng rậm) là phân loài nhỏ nhất, thường sống nơi khu vực rừng rậm ở trung và tây châu Phi, trong khi S. c. brachyceros ở tây châu Phi và S. c. aequinoctialis trong xavan trung Phi. Sừng trâu trưởng thành là đặc điểm tiêu biểu của loài, cặp sừng hợp nhất tại bệ góc, tạo thành một lá chắn xương liên tiếp được gọi là một "cái bướu". Trâu được xét là một loài động vật rất dữ tợn, có thể di chuyển với vận tốc từ 50–60 km/h và chúng húc và giết chết hơn 200 người mỗi năm.
Cơ thể của trâu rừng Châu Phi rất cường tráng với chiều dài từ 1,7 m- 3,4 m và nặng từ 500 kg- 900 kg. Do tính khí không thể đoán trước được, trâu rừng Châu Phi trở nên rất nguy hiểm đối với con người. Theo thống kê, trâu rừng Châu Phi húc và giết chết hơn 200 người mỗi năm. Đối với con người, trâu rừng châu Phi là động vật giết người thuộc loại nhiều nhất trong số những dã thú châu Phi, hơn cả sư tử. Cặp sừng của loài trâu này có thể làm chết người chỉ sau một lần húc. Với tính tình nóng nảy và dễ bị kích động cộng với tốc độ chạy có thể lên đến 58 km/h, đây là một động vật cực kì nguy hiểm đối với con người. Trong đó, Trâu rừng Cape có khối lượng cơ thể trung bình 1,5 tấn, cặp sừng cứng và rất nhọn. Một con trâu trưởng thành có thể đạt chiều cao 1,7 m và chiều dài 2,7 m. Khi gặp nguy hiểm, chúng luôn cúi đầu, hướng cặp sừng nhọn ra phía trước để húc vào đối thủ. Các nhà động vật học khuyên con người nên tránh xa trâu rừng Cape để bảo đảm tính mạng.
Khác với một trong năm loài lớn, trâu châu Phi được gọi là "The Black Death" (Tử thần đen) hoặc "Widowmaker" (con vật nguy hiểm). Trâu đôi khi được báo cáo rằng giết nhiều người ở châu Phi hơn bất kỳ loài động vật khác, mặc dù tuyên bố tương tự cũng được dành cho hà mã và cá sấu. Trâu nổi tiếng trong số thợ săn thú lớn như là loài động vật rất nguy hiểm, với những con vật bị thương tường trình rằng có thể phục kích và tấn công kẻ săn đuổi.
Sứa hộp Australia
Sứa hộp Australia hay còn gọi là ong bắp cày biển, có mặt ở hầu hết các đại dương trên thế giới, chúng là loài sứa hộp lớn nhất và là loài sinh vật biển đáng sợ nhất bởi nọc độc chết người. Mỗi con sứa hộp có đến 60 xúc tu, mỗi cái dài 4,5 m với 5000 tế bào châm ngòi chứa độc tố đủ giết chết 60 người. Nọc độc của chúng tấn công hệ tim mạch, hệ thần kinh và các tế bào da khiến tim ngừng đập và ngừng hô hấp chỉ trong vòng vài phút. Khi ta nghĩ tới những loài động vật nguy hiểm, một con sứa đầy nước không có não không có vẻ gì là sẽ lọt vào danh sách này. Nhưng nếu những người đi tắm biển nghe thấy “sứa”, họ sẽ đứng nghiêm như chồn đất châu Phi, vì sứa có thể hạ gục họ. Sean Colin, một nhà sinh thái học tại Đại học Roger Williams, Đảo Rhode, cho hay, một cú đốt của sứa là “một trong những quá trình nhanh nhất trong giới sinh học”. Điều này cũng khá phức tạp đối với một loài có vẻ là sinh vật đơn giản.
Các tế bào châm của sứa được gọi là cnidocyte, một đặc điểm độc nhất của sứa và họ hàng của chúng như san hô và hải quỳ. Bên trong các tế bào này là một cơ quan tế bào gọi là nang châm, có chứa thứ mà Colin miêu tả như một nang với những chiếc lao nhỏ cuộn bên trong. Khi bị kích thích tấn công, hàng trăm nang châm sẽ phóng ra. Sự giải phóng áp lực đó tạo ra những nhát châm cực nhanh, chỉ kéo dài 700 nano giây, với lực đủ mạnh để làm vỡ chỗ vỏ yếu nhất của động vật giáp xác. Các nang châm được kích hoạt chỉ bằng cách chạm qua bất kì vật chất hữu cơ nào, kể cả chúng ta. Cú đốt của một số loài sứa, như sứa hộp phía bắc Australia và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có thể gây chết người, trong khi các loài khác sở hữu nang châm không đâm thủng da người.
Tuy nhiên, sứa không đốt lẫn nhau. Brotz cho biết các hóa chất được vô tình giải phóng có khả năng đề phòng điều đó. Các nang châm của một con sứa giống như người điên trong các bộ phim kinh dị không biết bỏ cuộc. Bạn có thể bị đốt bởi một chiếc xúc tu bị tách khỏi cơ thể, hoặc thậm chí là một con sứa chết. Và nếu bạn ăn một con mực đã ăn một con sứa nhưng chưa tiêu hóa nó hoàn toàn, con sứa đó cũng có thể “đốt” bạn.
Rắn lục
Rắn lục đuôi đỏ là một trong số các loài rắn có nọc độc cực mạnh. Mức độ độc của nó chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa. Đặc biệt, khi mang bầu, rắn mẹ có nọc độc cao hơn bình thường. Trong nọc rắn có hơn 20 thành phần khác nhau, hơn nữa, vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu và dẫn đến mất mạng. Khi thấy rắn, mọi người chỉ cần dùng que, gậy để xua đuổi, chứ không nên bắt, giết chúng vì rắn lục đuôi đỏ sẽ không tấn công nếu không bị đe dọa. Nọc của rắn lục đuôi đỏ chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa, cắn người dễ gây tử vong nếu như không được cứu chữa kịp thời. Đây là loài rắn duy nhất trong họ nhà rắn lục có thể đẻ con. Rắn mẹ lúc mang thai rất hung dữ và độc lực của nọc thời điểm này rất mạnh.
Ở Việt Nam, trong năm 2014, rắn lục đuôi đỏ đã bất ngờ xuất hiện trên diện rộng trong phạm vi cả nước Việt Nam và gây ra những vụ việc tấn công liên tục vào người dân từ bắc chí nam gây ra hoang mang rất lớn trong dư luận xã hội và được các báo đài truyền thông mạnh mẽ. Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương như Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An...và đặc biệt nguy hiểm khi chúng bò vào nhà cắn người. Rắn lục đuôi đỏ nhiều bất thường do biến đổi khí hậu. Các trận lũ cuốn rắn lục đuôi đỏ từ thượng nguồn về đồng bằng, gặp thời tiết nắng ấm kéo dài, thức ăn dồi dào nên loài bò sát này sinh sôi nảy nở nhiều bất thường.
Môi trường sống bị thay đổi có thể là một trong những nguyên nhân khiến rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều. Tình trạng phá rừng khiến rắn không còn nơi trú ẩn và thức ăn, chúng có thể vào nhà dân, nơi có chuột, ếch, côn trùng để tìm kiếm thức ăn và để ẩn nấp, rắn thường chui vào gầm giường vì chúng ưa bóng tối và mát mẻ. Cũng có thể, trong quá trình vận chuyển buôn bán của nhóm đối tượng nào đó, rắn đã xổng ra ngoài. Rắn lục đuôi đỏ nhiều bất thường có thể do lũ lịch sử 2013, nhiều khả năng do đợt mưa lũ lịch sử năm 2013 khiến mực nước dâng cao cuốn loài rắn này từ khu vực đồi cao về đồng bằng gần với khu dân cư. Tại đây, nguồn thức ăn cho chúng như nhái, chuột... lại dồi dào đã tạo điều kiện cho loài rắn này thích nghi, sinh trưởng nhanh. Mỗi lứa chúng đẻ từ 6 đến 12 con, lại không gặp loài thiên địch, nên xuất hiện nhiều bất thường.
Chó
Chó cắn là hiện tượng khá phổ biến trong xã hội do mức độ gắn bó chặt chẽ giữa chó và người trong đời sống hàng ngày và hiện tượng này trở nên phổ biến, tâm điểm trong truyền thông thế kỷ XX và XXI nó còn được coi là là một loại tai nạn thường hay gặp tại cộng đồng. Thông thường, ở thành phố, những con chó bị nhốt lâu trong chuồng thường cuồng chân, nên khi bị sổng ra dễ chạy nhảy khắp nơi và cắn lung tung, nguy hiểm nhất là những con đã quen được cho ăn thịt sống. Chó cắn người ở nhiều mức độ khác nhau từ vết trầy xước nhẹ cho đến những vết cắn nặng hơn và có thể gây chết người, có trường hợp nạn nhân bị tử vong do chó dại cắn xảy ra ở nhiều địa phương, do sự tấn công dữ dội, nhất là đối tượng trẻ em bị chó cắn thì có nguy cơ tổn thương càng lớn nhất là những con chó thuộc giống chó tây to lớn cắn đến mức toác đầu, đứt cánh tay, nguy hiểm đến tính mạng trẻ em. Ngoài ra chó cắn cũng có thể dẫn đến nguy cơ con người bị bệnh dại do bị chó dại cắn.
Những con Chó hoang dễ dẫn đến các nguy cơ có thể tấn công con người hay tấn công các vật nuôi, gia súc khác, chó hoang cón nguy cơ dễ bị nhiễm dại trở thành những con chó dại rồi cắn người truyền bệnh dại cho con người. Mỗi năm ở Ấn Độ có tới hàng triệu người bị chúng tấn công, trong đó đa phần là trẻ em, những người chạy bộ thường phải mang theo gậy tre để đánh đuổi chúng còn những người đi xe đạp thì đút đầy đá vào túi để ném những con chó rượt theo. Tại New Delhi của Ấn Độ có hàng triệu người bị chó hoang tấn công mỗi năm, có rất nhiều nạn nhân của những con chó hoang này đang phải điều trị tại đây. Trong số đó, phần lớn là trẻ em, sinh viên và những người già. Ở Mumbai, nơi có hơn 80.000 người bị chó cắn mỗi năm, chính phủ kiểm soát số lượng chó bằng cách sử dụng xe máy xua và bắn mực vào lông chúng. Ở România, Tòa án Hiến pháp ra phán quyết ủng hộ luật giết hàng chục ngàn con chó hoang trên đường phố thủ đô Bucharest sau khi một bé trai 4 tuổi bị cắn chết người dân đòi chính quyền xử lý hơn 60.000 đến 65.000 con chó hoang ở đây.
Chó dại tấn công con người được ghi nhận rất nhiều trên thế giới, theo ước tính, khoảng 20.000 người chết mỗi năm do nhiễm dại từ chó, nhiều hơn một phần ba số người chết vì bệnh dại trên toàn cầu, trung bình trên thế giới thì cứ 10 phút lại có một người chết vì dại. Tại Trung Quốc năm 2007, số ca tử vong do bệnh dại đã tăng gấp 16 lần so với năm 1995. Ở Việt Nam, hàng năm có tới 650.000 người bị súc vật (chủ yếu là chó nghi dại) cắn phải đi tiêm vắc xin. Số người tử vong vì bệnh dại tuy chỉ còn khoảng 50 - 60 trường hợp nhưng hậu quả về sức khoẻ, tinh thần và thẩm mỹ do vết cắn của chó để lại thì rất nặng nề. Hơn 175.000 người bị chó cắn từ dầu 2013, trong đó 64 đã tử vong. Từ đầu năm 2013, có 63 người đã tử vong vì bị chó dại cắn, số người bị chó cắn và chết vì bệnh dại tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía bắc như Sơn La, Phú Thọ, Nghệ An, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai,...