Viêm màng phổi được biết đến là một bệnh lý về phổi rất nguy hiểm, có tỷ lệ gây tử vong cao. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần phải chủ động trang bị cho mình những kiến thức y khoa liên quan để sớm nhận biết, can thiệp kịp thời nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Toplist tìm hiểu những lưu ý quan trọng nhất về căn bệnh này nhé!
Viêm màng phổi là gì?
Màng phổi là một lớp màng mỏng bao gồm 2 lớp (một lớp lót bên trong của thành ngực và một lớp bao phủ lá phổi). Giữa hai lớp là khoang màng phổi, bên trong có chứa một ít dịch để giúp phổi và thành ngực có thể di chuyển nhẹ nhàng khi hoạt động hít thở.
Viêm màng phổi là tình trạng lớp màng bao quanh phổi bị viêm và gây ra các cơn đau nhói ở ngực với tần suất nhanh cho người bệnh. Cơn đau thường tăng lên khi bệnh nhân hít thở sâu hoặc ho, làm cho hai lá màng phổi vốn bị viêm lại bị cọ xát lên nhau.
Căn cứ vào triệu chứng viêm màng phổi và nguyên nhân gây ra, bệnh viêm màng phổi được phân thành 2 loại là viêm màng phổi nguyên phát và viêm màng phổi thứ phát:
- Viêm màng phổi nguyên phát: Hiểu một cách đơn giản, viêm màng phổi nguyên phát là chứng viêm khởi phát tại chính mô của màng phổi do một chứng nhiễm trùng hoặc tổn thương nào đó gây ra;
- Viêm màng phổi thứ phát: Là bệnh viêm màng phổi bị gây ra bởi chính bệnh phổi hoặc một bệnh lý nào khác ở ngực như viêm phổi hay khối u gây ra.
Bệnh viêm màng phổi có lây không?
Bệnh viêm màng phổi có lây không là thắc mắc được rất nhiều người quan tâm. Lý giải vấn đề này, các chuyên gia y tế cho rằng, viêm màng phổi là một dạng điển hình của viêm phổi, nguyên nhân chính gây ra bệnh thường là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng. Chính vì thế, những người bị bệnh viêm màng phổi rất có thể lây truyền mầm bệnh sang cho những người xung quanh, thông qua nước bọt bắn ra khi nói chuyện hoặc ho, hắt hơi.
Để hạn chế bị lây bệnh viêm màng phổi từ người này sang người khác, những người không bị bệnh nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh theo hình thức mặt đối mặt.
Bệnh viêm màng phổi nên ăn gì?
Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có tác dụng hỗ trợ phổi cung cấp oxy đến khắp cơ thể. Bởi thế, nên ăn những thực phẩm giàu vitamin C như cam quýt, chanh, dâu tây, kiwi, cà chua, ớt chuông, xoài, dứa…
Rau cải: Bông cải xanh, súp lơ xanh hay cải bắp đều là những loại rau giàu chất chống oxy hóa, giúp giải phóng độc tố ra khỏi phổi mà còn tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa các nguy cơ tiến triển nặng hơn của bệnh.
Tỏi: Trong tỏi có một hàm lượng allicin cao có lợi cho sức khỏe của người bệnh viêm màng phổi,chống nhiễm trùng, giảm viêm trong phổi, giải phóng các gốc tự do ngăn ngừa ung thư phổi.
Nước: Nước là thức uống không thể thiếu đối với người bệnh viêm màng phổi vì nước có khả năng tăng lưu thông máu của phổi, hỗ trợ hiệu quả trong việc loại bỏ các độc tố cơ thể.
Nghệ: Hơn một loại gia vị, nghệ còn là bài thuốc có tác dụng ngăn ngừa ung thư phổi, làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm màng phổi.
Trên đây là những thực phẩm và món ăn dinh dưỡng cho người bị bệnh viêm màng phổi. Tuy nhiên, nếu muốn ngăn ngừa bệnh tiến triển nhanh hơn thì ăn các món có nhiều hoạt chất tốt chưa đủ, người bệnh còn cần phải kiêng một số thực phẩm có hại như rượu bia và thịt đỏ. Bên cạnh đó, duy trì một chế độ tập luyện thể dục thể thao cũng là điều mà người bệnh nên đặc biệt quan tâm.
Triệu chứng của viêm màng phổi
Các triệu chứng viêm màng phổi phổ biến là:
- Đau ngực nặng hơn khi bạn thở, ho hoặc hắt hơi
- Khó thở
- Ho, sốt – chỉ trong một số trường hợp
- Đau ngực – cơn đau thường xuất hiện ở phía trước hoặc phía sau của lồng ngực, đôi khi bạn có thể có đau lưng hay đau vai.
Viêm màng phổi có thể đi kèm với tràn dịch màng phổi, xẹp phổi hoặc phù nề:
- Tràn dịch màng phổi. Trong một số trường hợp viêm màng phổi, chất lỏng tích tụ trong không gian nhỏ giữa hai lớp mô. Đây được gọi là tràn dịch màng phổi. Khi có một lượng dịch tương đối, cơn đau màng phổi sẽ giảm bớt hoặc biến mất do hai lớp màng phổi không còn tiếp xúc và không cọ xát với nhau.
- Xẹp phổi. Một lượng lớn chất lỏng trong khoang màng phổi có thể tạo ra áp lực, nén phổi của bạn đến mức xẹp một phần hoặc hoàn toàn (xẹp phổi). Điều này gây khó thở và có thể gây ho.
- Phù nề. Chất lỏng thừa cũng có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến tích tụ mủ. Đây được gọi là chứng phù thũng. Phù thũng thường đi kèm với sốt.
Chẩn đoán viêm màng phổi
Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi về tiền sử bệnh của bạn và khám sức khỏe, bao gồm kiểm tra ngực bằng ống nghe.
Để xác định xem bạn có bị viêm màng phổi hay không và xác định nguyên nhân, bác sĩ có thể đề nghị:
- Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu sẽ cho biết bạn có bị nhiễm trùng hay không. Các xét nghiệm máu khác cũng có thể phát hiện rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus, trong đó dấu hiệu ban đầu có thể là viêm màng phổi.
- Chụp X-quang. Chụp X-quang có thể cho biết lớp dịch giữa hai khoang màng phổi có tăng lên hay không.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Đây là xét nghiệm hiển thị hình ảnh phổi của bạn dưới dạng nhiều lát cắt khác nhau, từ đó cho hình ảnh chi tiết hơn so với chụp X-quang. Những hình ảnh chi tiết này có thể cho thấy tình trạng của màng phổi và nếu có các nguyên nhân gây đau khác, chẳng hạn như cục máu đông trong phổi.
- Siêu âm. Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh chính xác của cấu trúc bên trong cơ thể của bạn. Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để xác định xem có tràn dịch màng phổi không.
- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG). Bác sĩ có thể kiểm tra theo dõi nhịp tim để loại trừ các vấn đề về tim mạch nào đó có thể gây ra đau ngực.
- Sinh thiết. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô phổi nhỏ để xác định xem có bị ung thư hoặc bệnh lao hay không.
- Chọc hút chất lỏng (chọc dò lồng ngực). Bác sĩ đưa một cây kim nhỏ vào khoang màng phổi và loại bỏ chất lỏng để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các nguyên nhân khác gây ra bệnh viêm màng phổi
Điều trị viêm màng phổi như thế nào?
Cách điều trị viêm màng phổi tập trung chủ yếu vào nguyên nhân. Ví dụ như nếu nguyên nhân viêm do vi khuẩn, bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Nếu nguyên nhân là nhiễm virus, viêm màng phổi có thể tự khỏi, điều trị chủ yếu là làm giảm nhẹ triệu chứng.
Viêm màng phổi uống thuốc gì? Cơn đau ngực do viêm màng phổi có thể được điều trị bằng một loại thuốc giảm đau được gọi là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Thông thường, bác sĩ thường chỉ định thuốc ibuprofen. Nếu NSAID không hiệu quả hoặc không phù hợp, bạn có thể được kê thuốc giảm đau khác như paracetamol hoặc codeine.
Hãy thử các tư thế khác nhau khi nghỉ ngơi để xem tư thế nào là thoải mái nhất cho bạn. Nghe có vẻ lạ, nhưng thường xuyên nằm nghiêng về phía ngực bị đau sẽ giúp giảm cơn đau.
Nếu có quá nhiều chất lỏng tích tụ trong khoang màng phổi gây viêm, các bác sĩ loại bỏ không khí, máu hoặc dịch trong khoang màng phổi. Tùy thuộc vào lượng chất cần được dẫn lưu, các bác sĩ sử dụng kim và ống tiêm (lồng ngực) hoặc ống lồng ngực để hút chất lỏng ra khỏi khu vực.
Viêm màng phổi có chữa được không? Hiệu quả điều trị viêm màng phổi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu bệnh gây ra viêm màng phổi được chẩn đoán và điều trị sớm, bạn có thể hồi phục hoàn toàn.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm màng phổi
Viêm màng phổi có thể ảnh hưởng đến những người mắc một số bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn dịch. Viêm màng phổi xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phát triển thường xuyên nhất ở những người trên 65 tuổi. Những người này có nhiều khả năng bị nhiễm trùng ngực.
Những bệnh nhân có bệnh về hệ hô hấp có nguy cơ cao bị viêm màng phổi. Ngoài ra, nguy cơ xuất hiện các biến chứng của viêm màng phổi cũng sẽ tăng theo độ tuổi và sự hiện diện của các bệnh nội khoa khác như tiểu đường, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng, bệnh tim và các bệnh collagen mạch máu.
Viêm màng phổi có nguy hiểm không?
Viêm màng phổi là bệnh lý nguy hiểm, nếu chủ quan để lâu không điều trị hoặc có phương pháp điều trị không đúng cách thì có thể dẫn đến những biến nguy hiểm như:
- Vỡ vào phổi
- Phế quản gây áp xe phổi – khái mủ
- Rò ra thành ngực
- Tràn khí thứ phát hay phối hợp
- Tràn dịch màng ngoài tim
- Nhiễm trùng huyết
Những biến chứng của bệnh viêm màng phổi có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Do đó, khi chẩn đoán mắc viêm màng phổi, người bệnh cần phải tiến hành điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được chủ quan hoặc tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà, chỉ khiến bệnh trầm trọng và dể biến chứng nguy hiểm hơn thôi.
Nguyên nhân gây viêm màng phổi
Nhiễm virus
Đây có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm màng phổi. Nhiễm trùng gây ra phản ứng viêm ở một phần màng phổi và gây đau. Nếu bạn bị “viêm màng phổi do virus”, bệnh thường không nặng và có các dấu hiệu như ho, sốt, cảm cúm ở người bệnh. Sau vài ngày, hệ miễn dịch sẽ tiêu diệt sạch virus và tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm.
Các nguyên nhân khác: gây viêm màng phổi và đau ngực kiểu màng phổi nhưng ít gặp hơn so với viêm màng phổi do virus. Bất cứ nguyên nhân nào làm cho nhu mô phổi ở sát màng phổi bị tổn thương đều có thể gây ra đau, ví dụ như:
- Viêm phổi
- Thuyên tắc phổi
- Chấn thương ngực
- Tràn khí màng phổi
- Ung thư phổi
- Viêm màng phổi trong một số dạng của viêm khớp
Các bệnh này thường kèm nhiều biểu hiện khác và đau màng phổi chỉ là một phần biểu hiện trong số đó.