Côn trùng hay còn gọi là sâu bọ, là một lớp thuộc về ngành động vật không xương sống, chúng có bộ xương ngoài làm bằng kitin, cơ thể có ba phần, ba cặp chân, mắt kép và một cặp râu. Côn trùng là nhóm động vật đa dạng nhất hành tinh. Mặc dù không xuất hiện thường xuyên trong thực đơn của con người, tuy nhiên theo ước tính vẫn có khoảng 2 tỷ người ăn côn trùng như một phần chế độ ăn truyền thống trên thế giới. Hãy cùng Toplist tìm hiểu về những món ăn kinh dị từ côn trùng này nhé!
Bọ cạp
Thức ăn từ bọ cạp vừa lạ vừa bổ dưỡng, giàu axit amin giúp dễ tiêu hóa và rất ngon. Chế biến bọ cạp thường có các món bọ cạp chiên giòn, bọ cạp nướng, bọ cạp lăn bột chiên bơ, bọ cạp trượt tuyết… chấm muối tiêu chanh hoặc nước tương đang là món ăn khoái khẩu của dân nhậu nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để thưởng thức món ăn này.
Bọ cạp thuộc động vật không xương sống, với đặc trưng là cái đuôi cong có nọc độc. Bọ cạp thích sống ở nơi có nhiệt độ khoảng 20 đến 37 độ C, giới hạn chịu nhiệt kém. Chúng hay đào đất, đào hang để tìm nơi trú ẩn mát mẻ, thường là mặt dưới các tảng đá, và ban đêm ra ngoài săn mồi. Chỉ ít trong số bọ cạp có thể dùng chế biến các món ăn được. Ăn bọ cạp giúp đặc trị các bệnh về thần kinh, trẻ em kinh phong... Nọc độc có khi còn được sử dụng như thuốc và rất đắt tiền còn hơn cả nọc độc rắn.
Giun đất
Giun đất là loài sống trong đất, ưa ẩm, đất tơi xốp, nhiều mùn. Đây là loài động vật không xương sống, sinh sản rất nhanh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới tương đối ổn định và có độ ẩm cao. Trong giun đất có hàm lượng chất khoáng cao như Protein, Lipid, chất đường... Giun đất chế thành thuốc địa long chú xạ dịch để trị hen suyễn, làm hạ huyết áp và ức chế sự co bóp của ruột non, ngoài ra còn giúp tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng trong cơ thể.
Ở một số quốc gia như Venezuela, Croatia người dân rất thích ăn món ăn làm từ giun đất. Người ta chọn những con giun to bằng ngón tay, càng to càng tốt. Món này thường được các đầu bếp ngâm trong nước muối rồi đưa ra cho khách ăn sống. Khách chỉ cần đưa lên miệng, con giun sẽ tự chui vào giống như món thằn lằn sống. Nghe thôi, bạn đã thấy sởn da gà chưa nào?
Bọ xít
Món bọ xít rang ở Sơn La khi nghe qua, chắc nhiều người tự hỏi: Làm sao ăn được món đó? Tuy nhiên bọ xít rang lại trở thành món ăn đặc sản Sơn La khá độc và lạ. Nghe có vẻ không hấp dẫn lắm vì nếu chưa một lần thử thì chắc món bọ xít rang nước măng chua không phải ai cũng dám ăn. Nhưng nếu có điều kiện, bạn hãy một lần thử món ăn này để biết lý do tại sao người ta lại gọi món ăn này là đặc sản Sơn La.
Cách chế biến bọ xít rang này tương đối cầu kỳ và phức tạp. Để khử hết mùi của của bọ xít, phải thả vào chậu nước muối loãng một lát cho chúng phun bớt tuyến hôi. Sau đó, tôi lại ngâm và rửa sạch trong nước măng chua một lượt nữa (nước măng chua là một loại nước khử mùi tanh, hôi cực kỳ hiệu quả, được sử dụng rất nhiều ở Sơn La trong chế biến thực phẩm).
Tiếp theo, ướp bọ xít trộn đều với gia vị ớt, tỏi, muối, mì chính, nước măng chua ngâm khoảng 5 phút, rồi cho lên chảo rang vàng rộm, bày ra đĩa cùng với lá chanh thái nhỏ. Sau khi chín mùi hôi của bọ xít hoàn toàn biến mất, thay vào đó là mùi thơm của bọ xít rang và thơm nồng nhẹ của lá chanh mà thôi.
Mối
Mối có tên khoa học Isoptera, là một nhóm côn trùng, có họ hàng gần với gián, tên thường gọi là kiến trắng, chúng sống thành từng đàn lớn. Đa số các loài mối đều gây hại cho cây cối, các vật dụng, nhà ở... Một số loài có khả năng khoét đất tạo khoang rỗng trong lòng đất, gây ra sụt, lún. Loại mối được chế biến món ăn là mối đất, một loài côn trùng, sống theo đàn, cánh mỏng, thân dài khoảng hơn 1cm, bụng lớn bằng sợi bún tươi, có viền đen quanh thân màu vàng nâu.
Thời điểm bắt mối nhiều nhất vào đầu tháng 5, tháng 6 khi cơn mưa đầu hạ vừa trút xuống những khu vườn rộng đủ để đất thấm mềm, mối đất từ những ụ đất bay ra. Mối được làm sạch cánh và rửa sạch để không bị sạn. Món ăn chế biến đơn giản mà giữ hương vị tự nhiên của nó là mối chiên. Món ăn có độ ngậy, thơm, bùi, ngọt từ hương vị tự nhiên mà không thể nuôi được.
Gián chiên
Nếu bạn sợ nhện vì đôi khi nó có độc thì với gián, trông thôi đã thấy gớm, lại còn vô cùng bẩn. Tuy nhiên, gián cũng là một món ăn được nhiều người ưa thích, cùng lý do như các món côn trùng khác. Món ăn này cũng là đặc sản tại nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc hay Campuchia. Để có thể ăn được gián, đầu bếp phải làm sạch sẽ trước khi chế biến.
Gián cũng thường được chiên giòn, chiên nước mắm hay nướng, ăn kèm cùng nước sốt. Mà nhiều hàng cũng sẽ trộn lẫn nhiều loại côn trùng với nhau khiến bạn không biết đâu là gián nữa. Giàu protein, hương vị khá thơm ngon là điều mà nhiều người thích ở món ăn này. Tại Trung Quốc, người ta còn cho rằng gián có tác dụng chữa bệnh nên nhiều người cũng ưa chuộng món ăn này.
Dế mèn
Dế mèn có tên khoa học là Gryllidae có quan hệ gần với phân bộ châu chấu. Có rất nhiều loài dế như dế chọi, dế cơm, dế mèn, dễ trũi... Dế mèn phân bố nhiều nhất ở các nước nhiệt đới, Việt Nam là một trong những nơi có lượng dế mèn nhiều nhất. Chúng sống ở vùng nông thôn dưới những bụi cỏ, trong các hang sâu dưới đất, hay dưới những đống đổ nát. Chúng thường sinh sản rất nhiều vào mùa mưa, đất ẩm. Món ăn chế biến từ món quà thiên nhiên ban tặng này có vị béo ngậy, bùi, thơm.
Ở Việt Nam có món dế mèn chiên của người Thái ở Mường Lò (xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) rất nổi tiếng. Thịt dế mèn giàu protit, ít chất béo, giàu khoáng chất như canxi, kali, mangan, natri, sắt và các vitamin cần thiết cho sự phát triển cơ thể và trí não. Ăn thịt dế mèn giúp giảm lượng coletoron trong máu, có khả năng chữa chứng nhiễm độc nước tiểu, đại tiện khó, sỏi thận… Ngày nay dế được chế biến đa dạng món ăn như dế rang muối ớt, dế nướng, dế chiên bột, dế chiên bơ, gỏi dế, dế kho tiêu… hấp dẫn không kém. Món ăn này ngày càng nhận được sự "ưa chuộng" của dân nhậu, thậm chí nó trở thành đặc sản có trong thực đơn các nhà hàng mà giá thì không hề rẻ chút nào.
Nhộng
Nhộng có đầy đủ các phần như: đầu, ngực, bụng và các phần phụ như râu, chân, cánh... giống như sâu trưởng thành, nhưng các phần phụ còn ngắn, mềm và luôn luôn xếp gọn về mặt bụng, chưa có lỗ miệng và lỗ hậu môn. Chúng không ăn gì mà sống nhờ chất dinh dưỡng dự trữ từ pha sâu non, vì vậy chúng rất sạch.
Trong nhộng chứa phốt pho, nhiều calcium và riboflavin. So với các loại thịt, cá thường dùng, giá trị dinh dưỡng của nó không thua kém. Ăn nhộng có một số tác dụng như chống bệnh còi xương và suy dinh dưỡng trẻ em, hữu ích cho người bị bệnh thận, tốt cho người bệnh khớp, giúp làm đẹp chống lão hóa sớm ở da và có rất nhiều tác dụng hữu ích khác. Nhộng rang lá chanh là món ăn phổ biến nhất, rất thơm ngon, bổ dưỡng. Vùng Tây Nguyên nước ta nổi tiếng với các món ăn làm từ nhộng.
Trứng kiến
Trứng kiến là thực phẩm ưa thích ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Trong trứng của con vật nhỏ xíu này chứa thành phần dinh dưỡng cao đến ngạc nhiên, từ đạm, 28 loại axit amin tự do, 8 loại axit amin không thay thế, trong trứng kiến còn có những hoạt chất thiết yếu mà cơ thể con người không thể tự tổng hợp được, ngoài ra còn có nhiều vitamin và nguyên tố vi lượng khác rất quý.
Ở Việt Nam có rất nhiều đặc sản được làm từ trứng kiến như bánh trứng kiến của người Tày ở Cao Bằng, xôi trứng kiến Nho Quan, canh trứng kiến Nghệ An... Giá của trứng kiến gai đen rất đắt, dao động từ 450 - 700 nghìn đồng 1kg nhưng lại rất hút khách.
Bọ hung
Bọ hung tê giác hay còn gọi là kiến vương sừng được chế biến thành món ăn những khi nhà có khách quý, nó là loài bọ cánh cứng lớn nhất ở miền biên viễn này. Con trưởng thành có chiều dài xấp xỉ 6cm, con đực thân màu nâu đỏ, con cái màu sẫm đen. Điều đặc biệt của loài bọ này là chiếc sừng lớn nhô ra phía trước ngực và một sừng phía dưới nhô ra từ đầu. Sừng dài, cong và cứng giống như chiếc sừng của tê giác, nên chúng được gọi là "bọ hung tê giác".
Khi mùa ve bắt đầu cũng là khi mọi người đổ xô đi săn những con bọ hung tê giác trưởng thành để về chế biến thành món nhậu khoái khẩu. Cứ đến mùa, người dân lại đi đào dưới những hốc cây hoặc vạch kẽ lá để tìm bọ hung. Cứ đến mùa, người dân lại đi đào dưới những hốc cây hoặc vạch kẽ lá để tìm bọ hung. Cách sơ chế bọ hung khá đơn giản, chỉ cần ngâm chúng vào nước muối pha loãng, rửa sạch sau đó vặt cánh bọ, cắt bỏ phần chân dưới rồi xé bụng moi sạch ruột.
Sau đó, chúng được đem tẩm gia vị gồm nụ "mắc khén" (ớt tiêu rừng) đã nướng, muối, mì chính và lá chanh thái nhỏ rồi để nửa tiếng. Tiếp đó, đổ bọ hung lên chảo dầu liu riu lửa, đảo đều. Khi bọ hung chuyển sang màu vàng là bạn đã có món ngon thơm lừng. Còn nếu cầu kỳ hơn, có thể xiên thành từng xiên theo que nứa rồi nướng lên, món bọ hung tê giác còn là một vị thuốc quý. Những ông thầy lang vẫn dùng chúng để giã nhỏ, chế thuốc chữa các bệnh mụn nhọt, táo bón cực kỳ hiệu nghiệm. Những người mới ốm dậy hoặc thiếu máu, khi ăn món này cũng nhanh phục hồi sức khỏe vì hàm lượng chất dinh dưỡng cao.
Châu Chấu
Món châu chấu rang được gọi dưới cái tên mỹ miều là "tôm bay". Châu Chấu là một loài côn trùng ăn lá, thường gây hại cho cây, đặc biệt là vào mùa lúa, châu chấu hay xuất hiện ở các ruộng lúa ăn đòng non. Trong châu chấu có rất nhiều khoáng chất, các vitamin có chứa protein, chất béo và nhiều calcium và niacin. Món ăn ngon nhất vừa đơn giản dễ làm là châu chấu rang giòn với nước mắm, lá chanh, ăn dậy lên mùi vị ngậy, béo và thơm của lá chanh rất đậm đà.
Ngoài món rang, một số nơi còn chế biến châu chấu xào sả ớt và lẩu châu chấu. Món ăn châu chấu xào sả ớt. Châu chấu được xào thật khô vẫn bảo toàn độ giòn tan, béo ngậy rất riêng biệt của con châu chấu. So với món rang thì châu chấu xào vẫn mềm hơn. Còn món lẩu châu chấu là món ăn rất đặc biệt. Gần giống với lẩu cá lóc đồng, món lẩu châu chấu cũng cần các thứ phụ gia như lá rút, me chua, măng chua, tai chua, đậu rồng, rau ngổ… đặc biệt là không thể thiếu vị cay của ớt và gừng. Sau khi nước dùng nêm nếm đầy đủ phụ gia và sôi sùng sục mới cho châu chấu đã rang vàng từ đĩa vào. Con châu chấu vàng rộm ngấm nước chua, đặt trên một bát bún sợi to, ăn kèm với giá đậu, chuối chát cùng các loại rau thơm khác, thật sự là một món ăn khoái khẩu của nhiều người.
Rết
Rết thuộc nhóm nhóm động vật chân khớp thuộc lớp Chân môi. Người ăn được các món rết phải có tinh thần "thép" bởi nhìn chúng khá sợ với nhiều cái chân tua rua. Rết thường sống trong hang hoặc trong lòng đất, phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới. Tuy nhiên chỉ một số loài rết có thể ăn được còn lại đều có độc tính, có loài cực độc, chỉ một lượng nhỏ nọc độc khi bị chúng cắn cũng có thể mất mạng. Rết được chế biến thành nhiều món có tác dụng tăng cường sức khỏe, trị đau nhức cơ thể, cường dương, bổ thận... Món rết nướng mọi được nhiều người biết đến khi chấm với muối ớt thì ngon hơn cả tôm hùm.
Rết là một loài côn trùng được thấy nhiều trong tự nhiên, từ ngan xưa ông cha ta đã biết sự dụng Rết để ngâm rượu hoặc bào chế thuốc điều trị các bệnh như; đau nhức cơ thể, tê bì chân tay, tráng dương bổ thận. Ngày nay, ở nhiều nước phương tây và các nước láng giềng của Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... Rết được dùng như là một món ăn đặc sản vừa ngon vừa giúp tăng cường sức khoẻ. Từ rết có thể chế biến thành nhiều món như rết nướng mọi, rết tẩm bột chiên xù, rết chiên giòn, gỏi rết... Món ăn được nhiều người ưa chuộng và ngon nhất hiện nay là món tết nướng mọi. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ dùng cảm để thử món này.
Cà cuống
Cà cuống có tên gọi khác là long sắt hay đà cuống, thuộc họ chân bơi sống dưới nước. Chúng là một trong những côn trùng có kích thước lớn nhất. Dưới ngực chúng có chứa tinh dầu thơm, tuy nhiên chỉ có ở con đực. Chúng thường sống ở ao, hồ, đầm cạn, ruộng lúa... Số lượng cà cuống ngày càng sụt giảm do bắt nhiều hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ở châu Á, cà cuống thường được dùng toàn cơ thể làm thức ăn, từ Ấn Độ, Thái Lan, Myanma qua Trung Hoa, Singapore, Indonesia. Người Trung Quốc ăn cà cuống theo kiểu luộc thêm một chút muối ở Quảng Châu, hoặc xào trong dầu mè ở Bắc Kinh. Ở Singapore, fwai fa shim im là một món cà cuống được ưa chuộng. Người Thái Lan gọi cà cuống là mangda. Họ trộn nhuyễn toàn cơ thể, có khi vứt bỏ mắt, cánh và những bộ phận xơ cứng, với hành, kiệu, ớt, đường, thêm vào nước chanh, nước mắm thành một thứ bột nhão gọi là nam prik mangda để ăn với cơm hay rau.
Tại miền Bắc Việt Nam, cà cuống được loại chân, cánh, đuôi phụ rồi hấp cách thủy trong một cái chõ hay nướng trên lò than để ăn. Cũng có khi người chế biến để nguyên con đem thái nhỏ rồi xào mỡ để ăn ngay hay ướp muối để tích trữ. Cà cuống cái không có bọng tinh dầu thơm nên thường người ta chỉ ăn trứng hoặc rang, chiên lẫn cà cuống cái với cà cuống đực thành món chiên cà cuống.
Ve sầu
Ve sầu được dùng để chế biến thức ăn, đặc biệt là ve non mới chui khỏi lòng đất còn gọi là nhộng ve hay ve sữa. Để có nhộng ve cũng lắm kỳ công, người ta phải lặn lội đi bắt khi trời vừa chập tối, mang theo đèn pin soi vào từng gốc cây cách mặt đất chỉ vài chục cm. Số lượng bắt được cũng không nhiều nên hiếm khi bắt gặp nhộng ve được bán tươi sống ở chợ hay siêu thị.
Nhộng ve bắt về phải chế biến liền, nếu không nhộng sẽ lột xác thành ve. Cách làm đơn giản nhất và cũng được ưa chuộng nhất là đem nhộng ve rửa sạch, để ráo rồi chiên giòn, cho thêm chút nước mắm, tiêu là có ngay một món ăn hấp dẫn. Cũng có thể nhúng nhộng ve qua một lớp bột rồi chiên xù tới khi có màu vàng là được. Muốn cầu kỳ hơn thì bỏ chân và rút ruột nhộng ve, sau đó nhét những hạt đậu phộng đã được rang giòn vào bụng, cho vào chảo đã có chút dầu nóng, đảo nhanh tay. Khi thấy ve đã vàng đều, bóng láng thì cho thêm chút nước mắm, bột ngọt, nhắc xuống bếp và trút ra đĩa. Ve sầu chiên giòn vừa mềm, có vị bùi, thơm lựng vừa giòn tan trong miệng.
Nhện lông nhung
Nhện lông nhung là một chi côn trùng trong họ Eriophyidae, phân lớp Acari, nhiều loài nhện thuộc chi này có hại cho cây trồng. Loại nhện dùng để chế biến món ăn có thân to và có màu đen sẫm, chân dài, tổ nhện thường sống trong đất ở các khu rừng nhiệt đới quanh năm ẩm ướt. Nhện lông nhung có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, từ ngâm rượu, nướng, đến rang hay tẩm bột…
Ở đất nước Campuchia tất cả mọi người đều đã thưởng thức các món ăn làm từ nhện. Giữa những năm 1970, khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ gây nên nạn đói cho người dân nơi đây, người dân Campuchia đã phải tìm kiếm nguồn thức ăn trong rừng và món nhện là một trong những thực phẩm cứu đói năm đó. Nhện có mặt trong thực đơn hầu như của tất cả các nhà hàng khách sạn, từ sang trọng tới bình dân, cho đến các quán cóc ven đường, hay cả những người bán hàng rong. Món nhện được yêu thích nhất là nhện nướng, vì chúng giữ được hương vị thơm ngon, béo ngậy. Nếu đã đặt chân đến xứ sở chùa Vàng hãy một lần ăn thử để có trải nghiệm thú vị.