Bánh tráng hay còn gọi là bánh đa tùy theo vùng miền mà cách gọi tên khác nhau. Mỗi vùng đều có cách tạo ra bánh tráng với hương vị cũng như đặc tính riêng của mỗi sản phẩm khác nhau. Có rất nhiều nơi sản xuất bánh tráng như Bình Định có bánh tráng nước dừa rất thơm, béo hay ở Tây Ninh, hay ở Quảng Nam có bánh tráng Đại Lộc được nhiều người biết đến... Bây giờ mình và các bạn đến với làng bánh tráng ở xứ Quảng nhưng không phải là Đại Lộc đâu nha, mà làng đó ở Thôn Phú Hưng, xã Tam Xuân 1 thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Cách đây gần 30 năm ở đây chỉ có 2 nhà làm nghề này nhưng hiện nay số hộ làm nghề bánh tráng đã lên 15 hộ.
Bánh tráng ướt là bánh vừa mới ra lò chưa đem đi phơi, còn nóng hổi, mà ăn bánh ướt chỉ ăn loại bánh thường thôi nha, loại 2.000đ/cái. Lấy 1 đĩa khoảng 3 chiếc bánh nóng thoa dầu hành lên, dùng tay xé bánh ra rồi chấm vào xổi (mắm thơm), hoặc mắm nêm, không cần cuốn thêm rau sống hay thịt gì đâu, chỉ có vậy là ngon mê ly lắm rồi. Vừa thưởng thức món bánh vừa nóng, vừa dẻo, mềm cộng thêm xíu mắm cay cay, thơm lừng thì chỉ có nhất nhất thôi. Một bữa sáng từ tinh chất gạo giúp ta khỏe hoạt động cả ngày.
Khi trời mưa bánh tráng ướt không khô được thì các mẹ thường để cho bánh héo lại rồi sau đó dùng tay cắt nhỏ ra như sợi mì bình thường, xong đem đi xông dưới bếp than đỏ cho sợi mì khô lại. MÌ sau khi khô xong có hình dạng như sợi phở. Được bán với giá 60.000đ/kg.
Cách dùng mì khô:
- Mì đem luộc qua cho mềm nhớ là để cho lâu 1 xíu vì mì này hơi cứng.
- Chuẩn bị nước dùng, xong xuôi là chế vào ăn.
Sợi mì rất dẻo và dai, thơm mùi gạo, thường được dùng cho ngày Tết ở đây.
Ở đây chỉ chuyên làm bánh tráng dày để nướng, chứ không chuyên về bánh tráng mỏng quấn ram, hay cuốn thịt. Bánh tráng mỏng chỉ được tráng vào dịp Tết, khách có nhu cầu đặt hàng nhiều và số lượng lớn để khách về quấn ram, thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt heo,...
Bánh tráng mỏng mặc dù chỉ tráng một dịp Tết nhưng số lượng người đặt khá đông, bởi bánh ở đây tráng rất uy tín. Với 100% làm từ bột gạo tạo nên chiếc bánh vừa dẻo, vừa dai khó bị rách khi nhúng vào nước, cùng với đó là quy trình làm hợp vệ sinh nên rất oan toàn cho sức khỏe. Tết sắp đến mọi người cùng đặt cho mình những chiếc bánh hợp tiêu chuẩn nhé, chỉ 15.000đ/13 cái.
Sợi mì được làm từ bột gạo nguyên chất, cùng với cách nấu nước dùng đặc trưng tạo nên một tô mì Quảng đặc sản. Để sợi mì thêm ngon thì các mẹ thường cho vào ít nghệ tạo nên sợi mì vàng ươm, bắt mắt. Mình thì thích mì vàng hơn vì mì vàng trông đẹp và có cảm giác ngon hơn. Ở đây không chỉ có mì Quảng nước mà còn có mì trộn. Mì Quảng nước chắc hẳn ai cũng biết, gồm có nước dùng đậm đà vừa ăn được thêm một ít vào tô, phía trên được xếp thịt gà hoặc tôm thịt, trên cùng là đậu phộng, ăn kèm rau sống, mọi thứ nhìn tách biệt nhưng khi cho vào tô mì thì tạo thành một món ăn không quên. Còn mì trộn ngoài sợi mì ngon dẻo dai thì điều quan trọng tạo nên một tô mì ngon là rau sống đúng điệu và nước mắm mặn ngọt vừa đủ, phía trên có rải thêm đậu phộng và tôm xay nhuyễn xào khô. Giá 10.000đ/ tô, vừa rẻ và ngon đó nha.
Bánh tráng nướng ở đây không có bánh tráng nước dừa hay bánh tráng ngọt mà có 2 loại đặc trưng đó là bánh tráng thường có bột gạo, muối và mè đen chỉ đơn giản vậy giá 2.000đ/ cái, bỏ sỉ giá 20.000đ/13 cái, còn loại đặc biệt là 3.000đ/ cái, bỏ sỉ giá 30.000đ/13 cái, thì sẽ có thêm đầy đủ gia vị như tiêu, hành, ớt, tỏi, nước mắm đầy đủ cho bánh thơm và cay dịu. Ở đây còn tráng bánh theo yêu cầu của khách như bánh tráng ruốc, bánh mè đen nhiều,... tùy vào đơn đặt mà các cô, các bà làm nên những chiếc bánh tráng nướng vừa giòn giòn vừa thơm ngon nức mũi.
Bánh đập là sự kết hợp của bánh nướng và bánh ướt, lấy 1 chiếc bánh nướng để xuống dưới sau đó lấy bánh ướt để lên phía trên. Các mẹ thường để cho bánh ướt nguội một xíu rồi mới để lên trên bánh nướng, vì như thế bánh đập sẽ vẫn giữ được độ giòn của mình. Chỉ 4.000đ/đập, rất rẻ. Ở đây, bánh không phải mỏng như mấy chỗ khác, mà bánh nướng rất dày và to, còn bánh ướt thì tùy khách, có khách thích mỏng, có khách thích dày, một chiếc bánh đập là các bạn có thể no nê rồi đấy. Sau khi để 2 loại bánh lên nhau, ta dùng tay đập thật mạnh xuống cho bánh nướng vỡ ra và dính chặt vào bánh ướt. Một điều không thể thiếu đó là nước chấm tạo ra hương vị đậm đà cho món bánh đập, đến đây các bạn sẽ được ăn kèm với mắm thơm, nắm nem tùy bạn lựa chọn. Chúc các bạn ngon miệng.