Những người phụ nữ Việt Nam được trân trọng với những nét đẹp truyền thống công, dung, ngôn, hạnh. Trong thời kháng chiến họ “giỏi việc nước đảm việc nhà”, trong thời kinh tế mở, họtrở thành những “bông hoa lấp lánh” trong thương trường. Những người phụ nữ đã chứng tỏ tài năng, trí tuệ, nghị lực cùng với bản lĩnh của mình trên chiến trường kinh tế, trở thành những nữ doanh nhân thành đạt được báo chí ngợi khen, được thế giới công nhận. Nhân ngày phụ nữ Việt Nam (20/10), cùng Toplist ngắm nhìn lại chân dung, cuộc đời, sự nghiệp của những bà chủ trong giới thương trường Việt Nam.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail
Bà Nguyễn Bạch Điệp, sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Mở TP. HCM ngành Quản trị kinh doanh. Nổi tiếng với biệt danh “người đàn bà thép”, bà Nguyễn Bạch Điệp đã có hơn 18 năm gắn bó với tập đoàn FPT. Trước khi dấn thân vào ngành bán lẻ, bà Điệp đã trải qua các vị trí lãnh đạo ở nhiều đơn vị của FPT như Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), Công ty công nghệ di động FPT, Công ty viễn thông FPT.
Đến năm 2011, sau khi dự án đang theo đuổi bị đóng cửa vào phút cuối do tập đoàn thay đổi định hướng, bà Điệp đã chọn đến với FPT Retail - một bộ phận rất nhỏ của FPT vào thời điểm đó.
Nhiệm vụ lớn đầu tiên của Nguyễn Bạch Điệp tại đơn vị mới là thuyết phục Hội đồng quản trị tập đoàn chấp thuận kế hoạch phát triển FPT Shop.
Dưới sự lãnh đạo của “nữ tướng” Bạch Điệp, từ 2 cửa hàng ban đầu, đến nay FPT Shop đã có 400 cửa hàng trên cả nước. Năm 2014, FPT Retail không chỉ đạt đến điểm hòa vốn như kế hoạch mà còn lãi 40 tỷ đồng.
Năm 2018, doanh thu của FPT Retail đạt 15.298 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017 (phần lớn doanh thu của FPT Retail hiện đến từ FPT Shop).
Bà Chu Thị Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT FPT Telecom (FTC)
Bà Chu Thị Thanh Hà sinh năm 1974. Bà tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 1994. Năm 1994, bà bắt đầu gia nhập vào Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) với vị trí trợ lý của Tổng giám đốc Trương Gia Bình.Đặc biệt, trong thời gian làm tại việc FPT, bà Chu Thị Thanh Hà cũng đã tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Hawaii, Manoa, Mỹ, năm 2006.
Tham gia FPT Telecom từ ngày đầu thành lập, bà Chu Thị Thanh Hà đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của FPT Telecom, góp phần đưa FPT Telecom trở thành một trong những công ty viễn thông hàng đầu Việt Nam.Ngày 25/3/2011, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã ký quyết định số 46-2011/QĐ-FPT-HĐQT về việc bổ nhiệm bà Chu Thị Thanh Hà vào vị trí Phó Tổng Giám đốc FPT. Đến ngày 6/4/2015, bà Chu Thị Thanh Hà thôi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc FPT và được bổ nhiệm làm Chủ tịch FPT Telecom. Đáng chú ý, bà Chu Thị Thanh Hà là một trong những lãnh đạo nữ cấp cao hiếm hoi tại FPT và giới công nghệ Việt Nam. Ngoài ra, chồng của bà là ông Lê Thế Hùng, cũng là một trong 14 thành viên sáng lập ban đầu của FPT.
Bà Chu Thị Thanh Hà hiện đang sở hữu 26.132 cổ phiếu FOX và 17.869 cổ phiếu FPT. Tổng giá trị cổ phiếu mà bà đang giữ ước tính khoảng 3,09 tỷ đồng.
Phạm Thị Việt Nga - “Bông hồng thép” Dược Hậu Giang
Đi qua những năm tháng kháng chiến, từng có bằng dược sĩ, tiến sĩ về kinh tế, bà Phạm Thị Việt Nga trở thành linh hồn cho sự hưng thịnh của thương hiệu dược Hậu Giang. Bà Phạm Thị Việt Nga được giới kinh doanh và báo chí gọi với biệt danh quen thuộc “bông hồng thép”, khi có công đưa dược Hậu Giang từ một xí nghiệp nhỏ đang bên bờ vực phá sản thành một công ty dược hàng đầu Việt Nam. Bí quyết lãnh đạo tài năng của “bông hồng thép” này không gì khác chính là coi trọng con người, trọng nhân tài, xây dựng một đội ngũ nhân viên trên dưới một lòng, trách nhiệm, hiệu quả. Bà Phạm Thị Việt Nga đã dẫn dắt công ty dược Hậu Giang phát triển rực rỡ với doanh thu gần 3000 tỷ đồng mỗi năm, với khoảng 3000 cán bộ nhân viên. “Bông hồng thép” – Phạm Thị Việt Nga vinh dự dược tạp chí Forbes bình chọn vào top những doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Bà Thái Hương – tổng giám đốc ngân hàng Bắc Á Bank, chủ tịch tập đoàn TH
Cái tên Thái Hương vững vàng trong giới thương trường với 2 vai trò kiêm nhiệm quan trọng là tổng giám đốc ngân hàng Bắc Á Bank, và chủ tịch tập đoàn TH True Milk. Ngân hàng Bắc Á Bank được thành lập năm 1994 bởi bà Thái Hương cùng với một số cộng sự khác, khi mới thành lập Bắc Á Bank chỉ có số vốn vỏn vẹn 20 tỷ đồng, dưới sự lãnh đạo của bà Thái Hương Bắc Á Bank đến nay đã có số vốn điều động lên đến 3 000 tỷ đồng, tuy chỉ là một ngân hàng thuộc loại vừa phải những Bắc Á Bank được bà Thái Hương dẫn dắt đã có những bước phát triển vượt bật. Được cho là một doanh nhân bản lĩnh, đầy “ngạo mạn” khi dám thách thức tách ra làm kinh doanh thương hiệu sữa của riêng mình, tự nhập khẩu giống bò Newzealand về áp dụng công nghệ Israel ngay trên mảnh đất quê hương Nghệ An, tự chủ trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu riêng cung cấp cho sản xuất sữa TH True Milk. Bản lĩnh, tài năng lãnh đạo của người phụ nữ “ngạo mạn”, dám thách thức này đã lọt vào danh sách những người doanh nhân thành đạt nhất của tạp chí Forbes.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC)
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn – một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam.
Được biết, bà Khanh từng tốt nghiệp cử nhân Kinh tế – Đại học Tài chính Kế toán TP HCM.
Trước khi làm việc tại Vĩnh Hoàn, bà Khanh từng làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang, Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp An Giang, Công ty FIDECO…
Hiện bà Khanh đang nắm giữ số tài sản lên tới 2.046 tỷ đồng với việc sở hữu 39.575.142 cổ phiếu VHC.
Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, từng học tập tại Nga. Ít ai biết rằng nữ tỷ phú quyền lực này không chỉ tốt nghiệp 2 trường đại học với chuyên ngành tài chính, tín dụng, ngân hàng; kinh tế mà còn từng học về nghệ thuật hiện đại. Bà Thảo cũng lấy bằng tiến sĩ kinh tế vào năm 27 tuổi.
Trở về Việt Nam từ Nga, bà Thảo góp vốn thành lập Techcombank và sau đó là VIB - 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Tới năm 2008, bà đầu tư vào HDBank và trở thành Phó chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng này cho tới nay.
Đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng từ những ngày sơ khai, ngoài ra còn kinh doanh bất động sản, thế nhưng nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại được biết đến nhiều với tư cách CEO Vietjet Air.
Năm 2018 là năm vị nữ tỷ phú USD của Việt Nam nhận được nhiều sự công nhận từ quốc tế. Bà Thảo được xướng tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018 (xếp ở vị trí thứ 44) của tạp chí Forbes, đồng thời lọt nhóm 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018 của hãng tin Bloomberg.
"Là doanh nghiệp năm nay vận hành hơn 80 tàu bay nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay, dịch vụ cung ứng khác như nhà ga, sân bay, chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào cái hệ thống gần như độc quyền của nhà nước từ nhiều năm nay. Chúng tôi nói đùa là tư nhân chúng tôi không tấc đất cắm dùi tại các sân bay mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực đầu tư khẩn trương, chất lượng, hiệu quả và không dùng một đồng vốn ngân sách", CEO của Vietjet nói tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 tổ chức hồi giữa tháng 1
Năm 2018 cũng là một năm thành công của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khi cả Vietjet và HDBank đều ghi nhận kết quả kinh doanh rất ấn tượng.
Với Vietjet, hãng hàng không này đạt tổng doanh thu đạt 52.400 tỷ đồng trong năm qua, tăng 24% so với năm trước và đạt 103% so với kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 5.830 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.
HDBank thậm chí còn gây ấn tượng hơn với mức tăng lợi nhuận trước thuế lên đến 66%, đạt 4.005 tỷ đồng.
Mai Kiều Liên – “Nữ tướng Sữa”
“Nữ hoàng ngành sữa” hay “ Margaret Thatcher của Việt Nam” là những biệt danh mà thương trường cũng như báo chí dành để gọi bà Mai Kiều Liên, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm nhiệm CEO của công ty sữa hàng đầu Việt Nam – Vinamilk. Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953 tại Paris, Pháp trong một gia đình trí thức người Việt, cha mẹ bà đều là bác sĩ. Quê nội của bà ở Vị Thanh, trước thuộc Cần Thơ, nay thuộc Hậu Giang. Năm 1957, gia đình bà quyết định trở về Việt Nam cống hiến, không lâu sau khi Hiệp định Genève được ký kết.
Từng tốt nghiệp kỹ sư công nghệ chế biến sữa ở Nga, năm 1976 bà Mai Kiều Liên về làm việc, cống hiến tại công ty sữa và cà phê miền Nam, nay là công ty cổ phần sữa Vinamilk. Kể từ 2003, bà Mai Kiều Liên chính thức là người đứng đầu quản lí Vinamilk, đưa thương hiệu sữa Vinamilk trở nên thành công vang dội trong ngành sản xuất sữa, thành cái tên quen thuộc gần gũi với mọi đối tượng khách hàng. Trong khoảng thời gian 40 năm gắn bó, 20 chịu trách nhiệm năm điều hành Vinamilk, bà Mai Kiều Liên cùng với đội ngũ nhân viên, công nhân của mình phát triển thương hiệu Vinamilk, đồng thời xây dựng một nếp sống “văn hóa Vinamilk” – xem Vinamilk là ngôi nhà thứ 2 của mình cùng đóng góp, xây dựng và phát triển. Với những công hiến, cùng tài năng kinh doanh, lãnh đạo, “nữ hoàng ngành sữa” Mai Kiều Liên đã được tạp chí Forbes ghi nhận là một trong 100 người phụ nữ thành đạt nhất thế giới.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc REE
Gia nhập Công ty Cơ điện lạnh (REE) từ năm 1982 với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà trở thành lãnh đạo công ty này từ năm 1985.
REE dưới sự dẫn dắt của bà Thanh đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá hàng trăm triệu USD.
Được biết, bà Thanh từng tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Ngành Nhiệt lạnh tại Cộng Hòa Liên Bang Đức; Khóa huấn luyện Quản lý doanh nghiệp tại Nhật; Khóa huấn luyện và đào tạo Cán bộ Quản lý-Fullbright (Mỹ).
Năm 2014, bà Mai Thanh đã từng được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen). Tính đến ngày 7/3/2018, Tổng giám đốc REE nắm 7,3% vốn, tương đương 22.711.925 cổ phiếu tại REE; tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán đạt 851,7 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG
Bà Nguyễn Thị Nga là người đầu tiên tham gia thành lập ngân hàng tư nhân tại Việt Nam, lần lượt làm Chủ tịch Techcombank và SeABank, hiện sở hữu nhiều sân golf và khách sạn nổi tiếng. Bà Nga được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á.
Trong danh sách phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2015, Forbes cũng đã xếp bà Nguyễn Thị Nga ở vị trí thứ 5. Miêu tả về bà Nga, Forbes viết: “Bà Nguyễn Thị Nga được biết đến như một trong những chủ doanh nghiệp tư nhân kỳ cựu có vị thế hàng đầu tại Hà Nội, với bề dày kinh doanh trên thương trường bắt đầu từ những năm đầu thập niên 1980. Gia sản của bà Nga và gia đình tập trung vào bất động sản, du lịch, ngân hàng và kinh doanh thương mại”.
Bà Nga đã tạo dựng được một cơ nghiệp đồ sộ khi sở hữu tập đoàn đa ngành BRG, nắm giữ nhiều tại sản lớn như SeABank, 2 khách sạn do Hilton quản lý tại Hà Nội, 3 sân golf đi kèm với những khu nghỉ dưỡng, đồng thời là cổ đông chủ chốt tại Intimex Hà Nội, doanh nghiệp Nhà nước có khối bất động sản giá trị cao.
Ngoài vị trí quan trọng tại SeABank, bà Nga còn là Chủ tịch của Intimex Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn BRG, Chủ tịch HĐQT Hapro, Chủ tịch Công ty TNHH Khách sạn Nhà hát và Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Du lịch dịch vụ Hà Nội.
Vào hồi tháng 5/2018, bà Nguyễn Thị Nga chính thức rời "ghế" chủ tịch HĐQT của SeABank mà bà đã giữ suốt 11 năm qua để giữ vị trí Phó chủ tịch thường trực.. Việc rời khỏi vị trí chủ tịch ngân hàng là tuân theo Luật tổ chức tín dụng mới, có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.
Cao Thị Ngọc Dung – “Nữ tướng vàng nữ trang”
Nếu như bà Mai Kiều Liên là “nữ tướng ngành sữa” thì bà Cao Thị Ngọc Dung được giới vàng bạc nữ trang phong cho danh hiệu “Nữ tướng vàng thời trang”. Bà Cao Thị Ngọc Dung được biết đến là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm CEO công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận – doanh nghiệp trang sức hàng đầu Việt Nam với hệ thống 160 cửa hàng nữ trang có mặt ở châu Âu, Mỹ, Úc…, đồng thời còn là lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp khác như: Ngân hàng Đông Á, Cty Đại ốc Đông Á… Được sự giúp đỡ và động viên của chủ tịch hội đồng vàng khu vực châu Á, bà Cao Thị Ngọc Dung lên ý tưởng, theo đuổi con đường xây dựng ngành vàng bạc thủ công theo hướng công nghiệp hóa. Đi qua bao khó khăn, “nữ tướng vàng nữ trang” đã đưa thương hiệu vàng bạc đá quý Phú Nhuận lên một bước phát triển rực rỡ tại thị trường trong và ngoài nước với tổng khối tài sản là 2 500 tỷ đồng, bên cạnh đó, đây còn là đơn vị kiểm nghiệm kim cương đạt chất lượng ngang tầm với nhà kiểm định hàng đầu Mỹ - GIA. Bà Cao Thị Ngọc Dung đã được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những doanh nhân quyền lực nhất châu Á.