Top 10 Cuốn sách hay về chiến tranh Việt Nam

Chiến tranh Việt Nam là một chủ đề chưa bao giờ nguội lạnh. Cho đến ngày nay, những bộ phim tài liệu hay phim lịch sử vẫn tiếp tục khai thác chủ đề thú vị này với đủ các góc nhìn khác nhau. Không chỉ thế, những cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam cũng luôn tạo được sự quan tâm của phần lớn độc giả. Dưới đây là một số đầu sách tiêu biểu nhất cho chủ đề này, giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn nữa về chiến tranh tại Việt Nam

Không Thể Chuộc Lỗi - Allen Hassan

Không Thể Chuộc Lỗi là câu chuyện trước đây chưa từng được tiết lộ của một bác sĩ tình nguyện người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam “Việc chứng kiến cái chết của những người già và trẻ em đã khắc ghi vào tâm khảm tôi. Bị bắn vào đầu! Tại sao? Có lẽ tôi không bao giờ có thể quên được những điều ấy”.


Những trăn trở của bác sĩ Hassan về cuộc chiến tranh Việt Nam cứ mãi ám ảnh ông. Mặc dù tiếp tục thành công ở phòng mạch và văn phòng luật sư ở Sacramento, California nhưng ông vẫn khổ sở với những cơn ác mộng triền miên về Việt Nam. Nhiều tháng, nhiều năm sau khi trở về nước, giấc ngủ của ông vẫn bị gián đoạn vì những hình ảnh hãi hùng.


Những điều chưa hề được tiết lộ về cuộc chiến còn nói về tình cảnh thương tâm của những thương binh hạng nặng của Mỹ được tập trung ở các lán trại tại Đông Hà không được đưa về Mỹ chữa trị hoặc được chết trong vòng tay thân ái của gia đình, vì sợ những hình ảnh sự thật này sẽ gây ra làn sóng phản đối chiến tranh “…


Từng dòng chữ tràn đầy cảm xúc và nghẹn đắng về một "phía bên kia của chiến tranh" mà phải đến bây giờ, khi chiến tranh đã qua đi rất lâu, người ta mới muốn biết và lắng nghe.

Không Thể Chuộc Lỗi - Allen Hassan
Không Thể Chuộc Lỗi - Allen Hassan

Mệnh Lệnh Lưỡi Lê - Nick Turse

Được đúc rút từ hơn một thập niên nghiên cứu các tư liệu mật của Lầu Năm Góc và phỏng vấn những cựu binh Mỹ cũng như những người từng sống sót qua các trận càn ở Việt Nam, Turse đã cho thấy các chính sách chính thống đã dẫn đến cái chết của hàng triệu thường dân vô tội và khiến hàng triệu người khác bị thương như thế nào. Chi tiết đến đáng ngạc nhiên, Turse khắc họa cách vận hành của bộ máy chiến tranh đã gây ra tội ác trong hầu hết các trận chiến đấu của quân Mỹ.


Mệnh lệnh lưỡi lê đưa chúng ta đi từ các văn khố ghi đầy những cuộc điều tra tội ác chiến tranh của Washington tới những ngôi làng nhỏ ở Việt Nam phải hứng chịu hậu quả chiến tranh; từ những trại lính nơi những người lính trẻ của Mỹ học cách căm thù tất cả người Việt Nam cho đến những chiến dịch khát máu như Chiến dịch Hành quân thần tốc, trong đó có một vị tướng bị ám ảnh với việc đếm thây người bắt binh lính thực hiện cái mà một người từng tham gia vào chiến dịch đó gọi là “mỗi tháng một Mỹ Lai.”


Nhà báo và sử gia Nick Turse đã phơi bày sự thật rằng bạo lực chống lại dân thường Việt Nam như vụ thảm sát Mỹ Lai không hề là cá biệt, mà mang tính hệ thống. Và hơn thế, đó là hệ quả có thể dự đoán được của các lệnh “giết bất cứ thứ gì động đậy.”

Cuốn sách là bản tố cáo đanh thép tội ác của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam
Cuốn sách là bản tố cáo đanh thép tội ác của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam

Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán

Mở đầu tác phẩm này, Phùng Quán trích lại một câu rất nổi tiếng của Cao Bá Quát, dường như đã mở ra cho người đọc biết bao những liên tưởng về sau: "Trừ giặc, ba tuổi vẫn còn hiềm là muộn". Và "Tuổi thơ dữ dội" đã cho ta thấy cả một thế hệ chống giặc, giữ nước ở độ tuổi non nớt nhất và cần sự che trở nhất. Những em mười hai, mười bốn tuổi xung phong, trốn nhà xin được tham gia Vệ Quốc Đoàn.


Những thân hình tuy gầy gò và nhỏ xíu nhưng lại nung nấu một lòng căm hận với giặc đến ngút trời và chiến đấu quả cảm như những người anh hùng. ''Tuổi thơ dữ dội" đã viết nên những số phận lớn lao của bao đứa trẻ nhỏ bé nơi đất Việt bi hùng. Từ ngày đầu gia nhập Vệ Quốc Đoàn ra sao, những buổi tập luyện khắc nghiệt và dường như quá sức với một đứa trẻ như thế nào, đến những ngày sống tại chiến khu và tham gia chiến đấu.


Đó là câu chuyện của Mừng, của Lượm... là những nỗi đau và bi kịch khi những mánh lới của bọn Việt Gian lại khiến nơi mà Mừng coi là gia đình cùng những người thân lại nghi ngờ em- đây có lẽ là những trang viết đau đớn nhất trong "Tuổi thơ dữ dội". Ở những độ tuổi đáng ra sẽ nhận được sự che chở, yêu thương thì các em lại chiến đấu anh dũng và hi sinh một cách bi hùng, quả cảm.


Hãy đọc "Tuổi thơ dữ dội" để thấy xót thương khi những bóng người bé nhỏ ấy nằm xuống. Hãy đọc "Tuổi thơ dữ dội" để cảm phục khi thân hình của một đứa trẻ vẫn hiên ngang đứng vững hoàn thành nhiệm vụ khi hơi thở đã ngừng. Hãy đọc để yêu thương và trân trọng sự hi sinh từ những đứa trẻ ấy.

Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán
Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán

Mãi mãi tuổi hai mươi - Nguyễn Văn Thạc

"Mãi mãi tuổi hai mươi" là một trong số vô cùng ít ỏi, những cuốn nhật kí thời chiến được mang đến cho bạn đọc. Và đây cũng chính là cuốn nhật kí ghi chép lại những cung bậc cảm xúc chân thực và trong sáng nhất của một chàng thanh niên Hà Nội hòa hoa những ngày đầu dấn thân vào binh nghiệp.


Dù chỉ là những trang nhật kí dang dở, những bức thư cho người bạn gái thân thiết nhưng "Mãi mãi tuổi hai mươi" lại để lại cho thế hệ sau những câu hỏi, những day dứt của người sinh viên trẻ khi đang trên đường bước vào chiến trường, "Nếu như tôi không trở lại - Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này".


Vậy đấy, với "Mãi mãi tuổi hai mươi" bạn đọc sẽ có cùng chung nhịp đập với một thế hệ trẻ sẵn sàng hi sinh cho hòa bình của đất nước, đó là một thế hệ bước ra chiến trường với tâm hồn phơi phới sức trẻ cùng những man mác buồn của nỗi nhớ và những câu hỏi cho tương lai của mình và của quê hương.


Hãy đọc "Mãi mãi tuổi hai mươi" để sống cho xứng đáng với sự hi sinh của họ, để lấp đầy những trang tiếp theo bằng nhiệt huyết của chúng ta.

Mãi mãi tuổi hai mươi - Nguyễn Văn Thạc
Mãi mãi tuổi hai mươi - Nguyễn Văn Thạc

Biệt Động Sài Gòn Những Trận Đánh Huyền Thoại - Quý Long, Kim Thư

"Biệt Động Sài Gòn Những Trận Đánh Huyền Thoại" là cuốn sách tái hiện từng trận đánh của lực lượng Biệt động Sài Gòn, bên cạnh đó còn khắc họa cuộc đời, cuộc sống của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong chiến tranh và hòa bình.


Ngay từ những ngày đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sau này là kháng chiến chống Mỹ, có một lực lượng đã được thành lập và lập được nhiều chiến công, ghi dấu những vết son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là lực lượng Biệt động Sài Gòn (hay còn gọi là Biệt động Sài Gòn – Gia Định).


Sau ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945, tại Sài Gòn – Gia Định đã xuất hiện những tổ chức vũ trang tự lập với các tên gọi như nhóm Hùng Vương, ban Vô hình, ban Ám sát, đội Cảm tử, nhóm Dao găm…hoạt động độc lập, diệt trừ các tên Việt gian bán nước, làm tay sai cho thực dân.


Về sau, cùng với sự lớn mạnh, trưởng thành của các lực lượng vũ trang, các lực lượng trên đã được hợp nhất thành Ban công tác thành. Trải qua thời gian, lực lượng này được phát triển thành lực lượng vũ trang Tự vệ thành Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, rồi sau được gọi dưới những tên gọi như: Liên tác chiến đấu quân, Đoàn biệt động quân khu Sài Gòn – Gia Định…Dù với tên gọi nào thì nhiệm vụ của Biệt động Sài Gòn – Gia Định vẫn là tổ chức các trận đánh tiêu diệt sinh lực quan trọng trong cơ quan đầu não chiến tranh của chế độ thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai.


Những đóng góp to lớn của lực lượng Biệt động Sài Gòn vào sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước là không thể phủ nhận và xứng đáng được vinh danh mãi mãi về sau.

Biệt Động Sài Gòn Những Trận Đánh Huyền Thoại - Quý Long, Kim Thư
Biệt Động Sài Gòn Những Trận Đánh Huyền Thoại - Quý Long, Kim Thư

Quân khu Nam Đồng - Bình Ca

Viết về chiến tranh, nhưng "Quân khu Nam Đồng" dường như mang một màu sắc tươi sáng hơn so với những tác phẩm còn lại. Với bút pháp hiện thực cùng lời kể tự nhiên, hết sức dí dỏm.


"Quân khu Nam Đồng" thu hút người đọc với những hồi ức về đời sống chiến tranh đã từng một thời in sâu trong mỗi người dân Việt. Đó là những khó khăn, trăn trở về đời sống, về cuộc chiến của những người lớn xen những khoảnh khắc của tình yêu tình bạn từ những người trẻ.


"Quân khu Nam Đồng" mang một hơi thở nhẹ nhàng hơn về chiến tranh, tác phẩm như là lời kể lại của những người đi trước, những con người đã sống và chiến đấu kể cho lớp trẻ hôm nay bằng những câu chuyện nhỏ của những nhân vật khác nhau chứ không có một hệ thống nhân vật cố định nào. Điều này khiến "Quân khu Nam Đồng" nhận được sự yêu mến của hầu hết người trẻ hôm nay.

Quân khu Nam Đồng - Bình Ca
Quân khu Nam Đồng - Bình Ca

Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh

Thường thấy, những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam luôn hạn chế tối đa nói về những bi thương, bi lụy. Chỉ nhấn mạnh đến những khúc ca hào hùng, những chiến thắng vẻ vang để khích lệ tinh thần chiến đấu. Nhưng khi đến với Bảo Ninh, chiến tranh đã hiện lên với nguyên hình, nguyên dạng, với những góc khuất mà tưởng như người ta đã quên, những đau thương không chỉ diễn ra trong chiến tranh mà còn kéo dài, kéo dài mãi để dằn vặt chính những con người bước ra từ khói lửa những chiến trận.


Chính vì lẽ đó mà "Nỗi buồn chiến tranh" một thời gian đã trở thành đề tài tranh luận gay gắt và có một số phận long đong cho đến khi được trao cho vị trí xứng đáng trong văn đàn. Qua lời kể của nhân vật Kiên, với kết cấu truyện lồng truyện, Bảo Ninh đã đưa ta bước vào chiến tranh rồi lại lôi ta đến với hiện thực bằng những ảo ảnh, những giấc mơ, những phút cuồng dại trong men rượu.


Kết thúc "Nỗi buồn chiến tranh", Bảo Ninh đã bày ra bộ mặt trần trụi của cuộc chiến, để người đọc nhận ra: À! với chiến tranh, không có ai là kẻ chiến thắng hoàn toàn cả. Một nỗi khắc khoải khôn nguôi, những tượng đài linh thiêng cũng sẽ được đặt lên một bàn cân của sự thật trong tâm trí của bạn khi gấp lại cuốn sách này. Đây là một tác phẩm về chiến tranh Việt Nam bạn không nên bỏ qua, bởi nó sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn đa chiều hơn, công bằng hơn với quá khứ.

Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh
Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh

Chân Trần Chí Thép - James G. Zumwalt

“Trải nghiệm về cuộc sống của mỗi người là khác nhau, và bi kịch cũng như thế. Nhưng chiến tranh, với bản chất tàn bạo của nó, đã tạo ra những nạn nhân ở cả hai phía. Và khi chiến trường phủ lên toàn bộ một đất nước – như trong Chiến tranh Việt Nam – thì toàn bộ nhân dân của đất nước ấy đều là nạn nhân”.


Với quan điểm đó, Chân Trần, Chí Thép trở thành một cuốn tư liệu về những con người, những khoảnh khắc mà có thể ta đã biết nhưng không bao giờ có thể hiểu được tường tận. Hàng chục câu chuyện, hàng trăm con người, hàng ngàn thời điểm được nhắc đến ở đây xuyên suốt 20 năm chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn 1961 – 1975, thậm chí, còn có những câu chuyện hậu chiến.


Không phải ngẫu nhiên mà Chân Trần, Chí Thép được đánh giá cao về mặt nội dung. Trong cuốn sách, cuộc chiến được đặc tả thông qua con người thật, sự kiện thật nhưng lại bằng quan điểm của một chiến binh đã từng đứng bên kia chiến tuyến. Khác biệt ngôn ngữ, khác biệt quan điểm, khác biệt lý tưởng ấy không biến những cảm xúc thành lạc điệu mà ngược lại, nó đồng cảm đến tận cùng, bởi, chiến tranh, dù thắng hay thua thì tổn thất là không thể đo đếm được. Có những gia đình không bao giờ có ngày đoàn tụ. Có những người mẹ vĩnh viễn mất đi những người con của mình. Có những chiến sĩ chiến đấu đến giây phút cuối cùng vì lý tưởng và niềm tin thống nhất đất nước. Có những đứa trẻ vượt Trường Sơn, rời khỏi chiến trường để cha mẹ yên tâm chiến đấu… Và còn có hành trình không mệt mỏi của những người còn sống tìm kiếm hài cốt đã mất của đồng đội sau khi chiến tranh kết thúc.


Những câu chuyện trong Chân Trần, Chí Thép đều gắn với một con người cụ thể, có thể là một cô văn công, có thể là một vị tướng, cũng có thể là một người dân thường… Sự đa dạng ấy khiến Chân Trần, Chí Thép trở nên thật đến trần trụi khi khắc họa chiến tranh và hậu quả chiến tranh để người đọc có cái nhìn sâu hơn, chi tiết hơn về những con người đã góp mặt trong thời điểm ấy.

Chân Trần Chí Thép - James G. Zumwalt
Chân Trần Chí Thép - James G. Zumwalt

Những Thứ Họ Mang - Tim O'Brien

Những thứ họ mang (The things they carried) - cuốn sách thứ ba viết trên những trải nghiệm sau một năm tham chiến (1969-1970) thuộc đại đội Alpha ở Tây Nguyên của Tim O’Brien.


Những Thứ Họ Mang cho tới nay vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm văn chương hay nhất về cuộc chiến Việt Nam. Là Nỗi buồn chiến tranh phiên bản Mỹ, những Jimmy Cross, Chuột Kiley, Mitchell Sanders, Henry Dobbins hay Kiowa mang theo mình những vật dụng và vũ khí nặng nề cho các cuộc hành quân, và họ còn gánh vác cả những gì vô hình, có thể là tình yêu nhưng cũng có thể là niềm thù hận, nỗi sợ, và cả sự hèn nhát.


“Cố cứu cuộc đời” sau này “bằng một câu chuyện kể”, Những thứ họ mang, trong niềm tuyệt vọng không sao thoát ra quá khứ của nó, xuất phát từ một thôi thúc nội tâm không thể kiểm soát và kết thúc bằng một niềm thanh thản tương đối, khi những câu chuyện ấy đã được kể ra, “những gì họ mang” đã nhẹ đi một phần.


Những thứ họ mang đã được chọn vào tuyển tập Những truyện ngắn hay nhất của Mỹ năm 1987, Những truyện ngắn hay nhất của Mỹ những năm 1980, vào vòng chung khảo giải Pulitzer dành cho tiểu thuyết năm 1991, rồi danh sách bình chọn giải thưởng về phê bình sách quốc gia cùng năm.

Những Thứ Họ Mang - Tim O'Brien
Những Thứ Họ Mang - Tim O'Brien

Nắng đồng bằng - Chu Lai

Chu Lai là một cây bút lớn trong làng văn Việt Nam với chủ đề chiến tranh. Là một nhà văn bước ra từ chiến trường lửa khói, giọng văn của Chu Lai có cái mùi khói đạn đặc trưng trong hầu hết các tác phẩm của ông. Với "Nắng đồng bằng", Chu Lai mang chúng ta trở lại một thời đại đau thương, mất mát nhưng cũng hết sức hào hùng. "Nắng đồng bằng" đưa ra những góc nhỏ đời thường của người lính mà không phải nhà văn nào cũng đề cập đến và cũng dám đề cập đến.


Bên cạnh những trận đánh ác liệt ven sông Sài Gòn, còn là những thứ tình riêng phải nén lại để nhường chỗ cho tình yêu đất nước, nhường chỗ những lần giành giật sự sống trước những đợt càn của giặc. Còn là bao luồng giao tranh tư tưởng, những suy nghĩ sẽ không bao giờ xuất hiện trong đầu một người lính chiến, nhưng đó lại là những phần rất con người đã được Chu Lai nêu bật trong "Nắng đồng bằng" viết năm 1978. Ở "Nắng đồng bằng" còn là số phận tình yêu của những người lính, những tình yêu đã phần nào bị khó khăn thời chiến, bị hoàn cảnh khắc nghiệt che lấp đi cho đến khi họ nằm xuống, trở về với đất mẹ yêu thương họ mới cất lên nỗi lòng riêng tư nhất của mình.


Dù có một kết thúc buồn nhưng đó lại chính là cảm xúc Chu Lai muốn mang đến cho bạn đọc. Bạn sẽ cảm nhận được sự hi sinh lớn lao của thế hệ trước, thấy rõ hơn một góc nhỏ đời sống chiến tranh Việt Nam, khi ngay cả những quyền con người bình thường nhất thì những người lính cũng không thể có được. Đây là một trong những tác phẩm đáng đọc nhất của Chu Lai trong toàn bộ những tác phẩm về chiến tranh Việt Nam của ông.

Nắng đồng bằng - Chu Lai
Nắng đồng bằng - Chu Lai

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?