Cuộc sống luôn tồn tại bao nhiêu nghịch lý. Khi còn thơ dại ai cũng mơ ước được tự lập, được trưởng thành. Nhưng khi đã đủ lớn khôn, tất cả lại thầm mong được trở về thời thơ bé. Tuổi thơ như một miền kí ức êm đềm, chảy xuôi trong tiềm thức, một lần trôi qua sẽ chẳng quay lại bao giờ. Chỉ có những kỉ niệm lưu dấu mãi trong tim, nhắc nhớ chúng ta về một thời hồn nhiên, trong trẻo.
Lúc đó không có nhiều loại kem thơm ngon hấp dẫn như bây giờ. Chỉ có loại kem làm thủ công, giá rẻ nhất 100 đồng một cái, loại ngon hảo hạng nhất cũng chỉ có giá 1 nghìn đồng. Cứ nghe thấy tiếng kèn của xe kem, đám trẻ con trong xóm lại nháo nhác chạy ào ra mua bằng được. Cả những gói kẹo đậu phụng bọc đường, kẹo kéo thơm ngon, ô mai giá 1 trăm đồng... Những thứ quà vặt rẻ tiền, mà sao tuổi thơ lại ngọt ngào đến thế!
Có thể với các bạn bây giờ, 50km chỉ là đoạn đường ngắn ngủi chạy vài vòng từ nhà đến cơ quan. Vậy mà ngày xưa, khoảng cách ấy là cả chặng đường dài. Chuyến đi xa đầu tiên là chuyến đi về thăm quê ngoại. Chỉ cách nửa giờ ngồi xe buýt vậy mà đứa trẻ hồn nhiên năm ấy đã thao thức, hồi hộp suốt cả đêm dài. Và tôi tin rằng, có rất nhiều đứa trẻ giống như tôi. Cũng tò mò háo hức, cũng hỏi đi hỏi lại ba mẹ rằng mình sẽ đi đâu? Nơi đó trông như thế nào? Và cuối cùng ngủ thiếp đi nhưng vẫn mỉm cười, vì trong giấc mơ là những tưởng tượng về chuyến đi ngày mai ấy.
Ngày mà bạn nhìn thấy một thiên thần nhỏ chào đời, cũng là ngày trong tâm hồn non nớt bắt đầu có những sự so sánh trẻ con. Bạn sẽ không còn là mối quan tâm hàng đầu của ba mẹ nữa. Mẹ sẽ suốt ngày bế bồng em bé, ba cũng bận rộn hơn chẳng thể chiều theo thói nhõng nhẽo của bạn ngày thường. Trong lúc bạn đang mếu máo vì tủi thân, những người hàng xóm sẽ nói rằng, ba mẹ không thương bạn nữa, bạn đang bị "ra rìa". Cảm giác lúc ấy, thật sự hoang mang và "tổn thương" ghê gớm phải không? Nhưng trưỏng thành rồi mới biết, tình thương của ba mẹ vô bờ bến, bất kể bạn khôn lớn nhường nào.
Bạn đã từng đuổi theo cái bóng của mình đến mức mệt bở hơi tai. Bạn ngồi trước quạt và hét lên thật to để nghe thấy tiếng của mình vọng lại. Bạn đổ nước xuống sàn gạch hoa rồi trượt thật dài và tự nghĩ mình tài giỏi. Bạn có bắt chuồn chuồn để nó cắn vào rốn và tin rằng như thế sẽ giúp bạn biết bơi... Toàn những trò chơi ngốc nghếch phải không nào?
Ngày xưa, những lúc không chịu nghe lời, ba mẹ thường bực bội quát mắng. Một trong những câu nói bất hũ của mẹ mà tôi nhớ mãi chính là "Mẹ lượm được mày ngoài thùng rác đấy. Mẹ không có đứa con nào hư hỏng vậy đâu!"
Không biết phản ứng của các bạn thế nào, còn tôi đã hùng hổ bỏ nhà ra đi cơ đấy! Lòng tự ái cao ngút trời đã khiến tôi thức cả đêm soạn quần áo để về sống với ba mẹ ruột của mình. Thế nhưng, chỉ đi bộ được gần một cây số, vừa đói, vừa khát, vừa mệt lại còn lạc đường. May sao ba đã đạp xe theo và tìm thấy tôi đúng lúc. Ba chỉ xoa đầu tôi rồi bảo:"Thằng này ngốc, mày đẹp trai như thế, đích thị là con ruột của ba rồi!"
Tôi không biết những bạn sinh ra, lớn lên tại thành phố sẽ như thế nào. Nhưng ở quê tôi, chẳng hiểu sao đa số đứa trẻ nào cũng mang trên tay một vết sẹo, giống hệt nhau. Người lớn thường nói, do khi chích ngừa, không kiêng cữ được nên vết thương để lại sẹo. Lũ trẻ chúng tôi vẫn thường khoe vết sẹo với nhau rồi tranh luận ồn ào, mấy nhóc con trai thì nói nó giống hệt con rết có nhiều chân, đám con gái lại uỷ mị hơn cứ khăng khăng nói rằng nó giống một cánh bướm xinh đẹp. Đến hôm nay, nhìn lại vết sẹo dài trên tay phải, tôi tin rằng cả tôi và bạn, chẳng còn ai tranh cãi nó là hình hài gì, chỉ còn thấy nỗi nhớ tuổi thơ hằn in trong ánh mắt.
Bạn chắc hẳn vẫn không quên buổi sáng mùa Thu năm ấy chứ? Có một đứa trẻ ngồi sau xe ba mẹ ríu rít, nói cười. Nhưng chỉ vừa đến cổng trường thôi đã oà khóc lên nức nở. Ngôi trường nho nhỏ, những thầy cô giáo chưa quen mặt, những cô cậu bạn bè cùng trang lứa nhìn nhau với ánh mắt ngây thơ. Tôi đã trải qua ngày đầu tiên đi học như vậy đó. Gào khóc lên nức nở khi ba mẹ chào tạm biệt ra về. Rụt rè gạt nước mắt để cô giáo nắm tay dẫn vào lớp. Và bất chợt nhoẻn cười khi nhìn thấy mấy nhóc bạn cùng lớp hoa ra cũng "mít ướt" như mình.
Bạn có còn nhớ, cảm giác thích thú mừng vui tột độ khi nhìn thấy mẹ dẫn theo một chú cún con về nhà. Ngày đó tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc cho chú cún tên Tốc Ki. Tôi đã mừng rỡ ôm lấy người bạn nhỏ xíu vào lòng. Khi ấy nhà còn nghèo, thức ăn cũng chẳng có bao nhiêu, vậy mà đến bữa cơm, trước khi ăn lúc nào cũng lấy một chén thật đầy để phần cho nó. Đến mức bị mẹ phát hiện, đánh cho một trận đòn nhừ tử, giờ nghĩ lại bất giác nhoẻn cười vì những ngây thơ non trẻ mới ngọt ngào, trong sáng làm sao!
Ngày ấy không biết học hỏi từ đâu, nhưng suy nghĩ bạn trai bạn gái không được chạm vào nhau ăn sâu trong tiềm thức. Ngồi chung bàn, lúc nào cũng kẻ vạch ranh giới rõ ràng. Nếu cậu bạn kế bên chỉ vô tình lấn sang một chút, kiểu gì cũng phải chịu mấy cái thước kẻ vụt vào người. Đến giờ văn nghệ, chỉ cần cô giáo xếp đứng cạnh một bạn trai và phải nắm tay nhau tập múa, kiểu gì cũng khóc toáng lên như kiểu bị đày đoạ vào địa ngục trần gian.
Thành thật đi nào, ngày xưa bạn cũng như vậy phải không? Nhìn thấy cái gì cũng lạ lẫm, cũng thắc mắc. Từ chuyện tại sao đất lại có màu vàng, ông mặt trời màu đỏ, còn biển lại màu xanh? Rồi đến những câu hỏi ngốc nghếch đại loại rằng, tại sao con gà nhà hàng xóm có 2 chân mà con lợn nhà mình có tận 4 chân...
Ba mẹ đã từng kiên nhẫn trả lời, nhẹ nhàng giải thích cho chúng ta, dù biết là những thắc mắc kia quá nực cười và ngờ nghệch. Ngày hôm nay, khi đã đủ trưởng thành, chỉ mong sao chúng ta vẫn cư xử với ba mẹ dịu dàng, như cách họ đã từng yêu thương, che chở.