Trước sự bùng phát mạnh mẽ trở lại của dịch Covid-19, việc học trực tiếp hay online của học sinh, sinh viên vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ngoài ra còn rất nhiều tin tức nóng của ngành giáo dục tháng 3 này mà Toplist sẽ cập nhật sau đây, mời các bạn cùng theo dõi.
Học sinh từ Ukraine về nước sẽ học tập như thế nào?
Quay lại Việt Nam trên chuyến bay VN58 từ Ukraine, rất nhiều phụ huynh lo lắng về việc tiếp tục học tập của các con trong khi khả năng nói tiếng Việt còn hạn chế và sợ sẽ quên tiếng Ukraine vì có những em còn quá nhỏ, toàn bộ sách vở đều bỏ lại tại Ukraine.
Được biết, từ Ukraine, các giáo viên sẽ ra các bài học hằng ngày vào nhóm chat. Bố mẹ tại Việt Nam sẽ tải về rồi hướng dẫn con thực hiện rồi gửi lại. Một lựa chọn khác của rất nhiều phụ huynh đó là thời gian tới sẽ xin cho con vào các trường quốc tế, mặt khác sẽ bồi dưỡng thêm ngôn ngữ mẹ đẻ cho các cháu để có thể theo học lâu dài và ổn định tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên sáng 17/3, bà Ngô Thị Hồng Hà - Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lômônôxốp - cho biết, hiện có 3 phụ huynh đến trường này liên hệ xin cho con (hai học sinh lớp 8 và một học sinh lớp 10) từ Ukraine về nước học tập. Riêng trường hợp học sinh lớp 10, do phụ huynh và con vẫn đang ở tại Ukraine nhưng gia đình tiến hành thủ tục xin trước, để chuẩn bị cho con trở về nước trong chuyến bay sớm nhất rồi mới nhập học.
Cũng theo vị lãnh đạo này, điều quan trọng đầu tiên là cần phải tạo môi trường hòa đồng do các em đang bị ảnh hưởng tâm lý vì sự thay đổi đột ngột về môi trường. Trước mắt, trường Lômônôxốp sẽ để các em vào lớp để học dự thính để có thời gian làm quen và học thêm các môn bên Ukraine không có. Đồng thời, các em chờ đợi Văn phòng nhà trường hỗ trợ các thủ tục, chứng nhận của Đại sứ quán, dịch học bạ, thông qua Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với học sinh cấp trung học cơ sở và qua Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với học sinh cấp trung học phổ thông.
Quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua hợp tác giáo dục ở Italy
Học viện quốc tế (IAN) tại Naples, miền Nam Italy, mới đây đã mở khóa đào tạo nghiệp vụ thiết kế, thời trang, khách sạn và thực phẩm dành cho sinh viên Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, tham dự sự kiện có đại diện chính quyền thành phố Naples, ban lãnh đạo Học viện IAN và Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Naples Silvio Vecchione.
Phát biểu nhân sự kiện, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Naples, ông Silvio khẳng định tầm quan trọng của hoạt động giáo dục, đào tạo chuyên môn và xác định đây là đòn bẩy chính cho sự phát triển nghề nghiệp của thế hệ mới, trong đó có các sinh viên Việt Nam.
Ông Silvio cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Học viện IAN và tập trung vào các hoạt động trao đổi văn hóa, giáo dục, các sự kiện, để góp phần quảng bá văn hóa, truyền thống và lịch sử Việt Nam tại Italy.
Học viện IAN - Học viện kinh doanh, công nghệ và nghệ thuật, thành lập năm 2008, là trường đào tạo hàng đầu tại Napoli dành cho sinh viên nước ngoài. Học viện tập trung đào tạo chuyên môn về thiết kế, thời trang, du lịch, quản lý khách sạn, thực phẩm.
Hà Nội chốt phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ có 3 môn
Ngày 11/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức có văn bản số 715/UBND-KGVX về phương án tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông công lập không chuyên năm học 2022-2023. Cụ thể phương án thi tuyển chỉ với ba bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Theo đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên sẽ có 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Các bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi. Môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với thời gian 60 phút với nhiều mã đề thi nhằm đảm bảo nguyên tắc: 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề; thí sinh làm bài trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thì sinh được chấm bằng phần mềm máy tính.
Đề thi bao gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình Trung học cơ sở hiện hành và chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi được tinh giảm phù hợp với thời gian, bảo đảm theo đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các năm trước đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội gồm có 4 môn, trong đó có ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Môn thi thứ 4 được bốc thăm ngẫu nhiên và công bố vào tháng 3 hằng năm.
Hơn 4.600 thí sinh dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm học 2021 -2022 sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 4-6/3) với hơn 4.600 thí sinh tham gia. Phạm vi nội dung thi theo chương trình giáo dục THPT hiện hành và chương trình chuyên sâu các môn chuyên THPT.
Về cơ bản, kỳ thi vẫn giữ ổn định về phương thức tổ chức như mọi năm. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định không tổ chức nội dung thi thực hành đối với các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia với 12 môn thi gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. Phạm vi nội dung thi theo chương trình giáo dục THPT hiện hành và chương trình chuyên sâu các môn chuyên THPT. Kỳ thi diễn ra ở 67 Hội đồng thi, gồm 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức coi thi ứng phó với dịch Covid-19, bảo đảm an toàn, nghiêm túc; trong đó có việc đề nghị ngành Y tế tăng cường phối hợp, hỗ trợ xử lý các tình huống bất thường do ảnh hưởng dịch bệnh tại Hội đồng coi thi.
Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên được xét tuyển thẳng học thạc sĩ
Với 8 ngành đào tạo được kiểm định bởi tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín (AUN-QA, ABET...) và các tổ chức kiểm định của Việt Nam, lần đầu tiên, sinh viên đại học chính quy ngành đúng, tốt nghiệp loại khá trở lên được xét tuyển thẳng học cao học tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm 2022, trường sẽ tuyển sinh đào tạo 44 chuyên ngành thạc sĩ (300 chỉ tiêu), 31 chuyên ngành tiến sĩ (60 chỉ tiêu) với nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho các ứng viên.
Trong đó, đối với tuyển sinh thạc sĩ, điểm mới đáng chú ý nhất là với tám ngành đào tạo của trường được kiểm định bởi tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín (AUN-QA, ABET...) và các tổ chức kiểm định của Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, cho phép sinh viên chính quy ngành đúng tốt nghiệp loại khá trở lên được xét tuyển thẳng. Tám ngành gồm: Văn học, Tâm lý học, Xã hội học, Chính trị học, Lịch sử, Việt Nam học, Quốc tế học, Lưu trữ học. Ngoài ra, ứng viên không cần học đúng ngành, chỉ cần đạt bằng cử nhân loại Giỏi các ngành phù hợp vẫn được xét tuyển thẳng.
Các ứng viên khi là sinh viên nghiên cứu khoa học được trực tiếp cộng điểm thưởng nghiên cứu khoa học vào điểm trung bình chung tích lũy toàn khóa để xét tuyển thẳng gồm: Đạt giải thưởng cấp Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giải nhất: 0,2 điểm; giải nhì: 0,15 điểm; giải ba 0,1 điểm; giải khuyến khích 0,07 điểm; giải thưởng cấp trường hoặc cấp khoa trực thuộc: Giải nhất 0,1 điểm; giải nhì 0, 07 điểm; giải ba 0,05 điểm; bài báo khoa học đăng ở tạp chí ISI: 0,3 điểm; bài báo đăng trên tạp chí Scopus/quốc tế khác: 0,2 điểm; bài báo đăng trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc tế/quốc gia: 0,15 điểm.
Các trường đại học hỗ trợ cho sinh viên bị nhiễm Covid-19 như thế nào?
Trước diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang hết sức phức tạp, nhiều trường đại học đã linh hoạt trạng thái dạy và học; đồng thời tìm nhiều biện pháp để hỗ trợ sinh viên F0 như thành lập các khu cách ly tập trung, mở rộng đối tượng cách ly, tổ chức các đội tư vấn mùa dịch... là một trong số những giải pháp các trường đại học thực hiện để hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong hơn 2 tuần đầu đón sinh viên quay trở lại, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng lên khá nhanh, với khoảng trên 60 ca mỗi tuần và bắt đầu có xu hướng “giảm nhiệt”. Trường đã thu xếp, bố trí cho sinh viên dương tính vào ở trong khu cách ly nếu có nguyện vọng và hỗ trợ tài chính; cấp phát thuốc; cán bộ y tế túc trực 24/24. Trường Đại học Mở Hà Nội đã thành lập các đội hỗ trợ sinh viên F0, F1 như đi chợ hộ, giúp các em tuân thủ cách ly nhưng vẫn bảo đảm các yêu cầu nhu yếu phẩm. Trường Đại học Nội vụ tổ chức bộ phận y tế Trường trực ban liên tục, hỗ trợ sinh viên từ việc phát hiện bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như đảm bảo hỗ trợ các nhu yếu phẩm, thuốc men đối với các trường hợp sinh viên thuộc diện F0 có nhu cầu. Tại Trường Đại học Thương mại, công tác hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được đặc biệt lưu tâm. Nhà trường bố trí 2 tầng thuộc khu ký túc xá dành riêng cho F0. Ngoài ra, Trường Đại học Thương mại cũng hỗ trợ thuốc men và có đội hỗ trợ mua nhu yếu phẩm cho các sinh viên có nhu cầu.
Bên cạnh việc hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch, các trường hiện cũng bố trí lịch học on-off linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế. Tùy theo tình hình thực tế của giảng viên và sinh viên để có những điều chỉnh hình thức giảng dạy, bảo đảm tiến độ kế hoạch đào tạo.