Bột năng là nguyên liệu nấu ăn làm từ tinh bột củ mì, người dân miền Nam gọi là bột năng, người dân miền Bắc gọi là bột sắn hoặc bột đao, còn miền Trung lại gọi là bột lọc. Do có thể tạo độ sánh và kết dính cao nên bột năng được dùng nhiều trong nấu ăn, được dùng để tạo ra nhiều món với hình thù khác nhau như các loại thạch, loại chè, há cảo...Nếu là tín đồ của ăn vặt thì đừng bỏ qua các loại bánh làm từ bột năng hấp dẫn dưới đây nhé.
Bánh xu xê
Nguyên liệu:
- Bột năng
- Vừng
- Đỗ xanh
- Gấc
- Đường
Cách làm:
- Ngâm đỗ 1 tiếng, hấp chín và dầm đường, nặn thàng từng viên tuỳ thích.
- Hoà bột năng với đường và nước hoà tan, rồi nấu đến khi bột hơi trong tắt và đảo tiếp đến xệt lại thì thôi, vớt ra bát. Nếu có màu thì cho vào lúc hoà tan bột
- Nặn bánh: Lấy 1 thìa canh vỏ vừa nấu và cho đỗ vào giữa, gói tròn lại và cho vào cốc nhựa như làm caramen.
- Cho vào nồi, hấp 15 phút. Vớt ra nguội bớt và gói vào túi bóng kính.
Bánh tằm khoai mì hấp
Nguyên liệu:
- 200gr sắn.
- 125ml nước cốt dừa.
- 40gr đường.
- 10gr bột năng.
- 1 tsp tinh chất lá dứa. (Bạn có thể dùng hoa đậu biếc, củ rền...)
- 100gr cơm dừa
- Vừng rang.
- Dụng cụ làm bánh tằm khoai mì hấp: Dao bào, Tô, Máy xay sinh tố, Đĩa, Xửng hấp, Rây.
Cách làm:
- Bước 1: Sắn gọt vỏ, bào thành sợi nhỏ.
- Bước 2: Cho sắn bào sợi vào máy xay sinh tố, bật máy để sắn thật nhuyễn
- Bước 3: Lọc sắn đã xay qua rây, ép bỏ hết nước sắn.
- Bước 4: Trộn đều sắn cùng với nước cốt dừa, đường, bột năng và tinh chất lá dứa lại với nhau trong 1 cái tô lớn.
- Bước 5: Trút hỗn hợp ở bước 4 vào đĩa. Sau đó đặt vào xửng hấp khoảng 15 phút là bánh chín.
- Bước 6: Cắt bánh đã hấp chín ra thành từng sợi nhỏ vừa ăn. Sau đó lăn từng sợi bánh ra cơm dừa. Cuối cùng thì rắc vừng rang lên đĩa bánh nữa là hoàn thành.
Bánh củ năng nước dừa thanh ngọt
Nguyên liệu:
- Củ năng đã gọt sạch: 70-100gr
- Nước cốt dừa: 100ml
- Bột gạo: 100gr
- Bột năng: 15gr
- Muối: vài hạt
- Nước: 350ml
- Vừng: 1 nhúm nhỏ
- Siro bạc hà: 50ml
Cách làm:
- Sơ chế nguyên liệu: Củ năng thái hạt lựu, Chuẩn bị sẵn khuôn hấp bánh, quét một lớp dầu lên luôn cho khỏi dính bánh.
- Hòa bột năng, bột gạo, đường, nước cốt dừa, muối với muối rồi cho vào nồi đun với lửa nhỏ, khuấy đều cho các nguyên liệu tan đều. Khuấy luôn tay cho hỗn hợp trên bếp sánh lại, quyện thành một khối thì tắt bếp
- Đổ hỗn hợp đã đun vào khuôn, ấn đều cho bánh kín khuôn rồi cho vào xửng hấp khoảng 20 phút.
- Để bánh nguội rồi lấy ra và thái miếng đẹp vừa ăn.
- Xếp bánh ra đĩa, rắc mè lên trên rồi rưới thêm siro bạc hà cho đẹp mắt.
Bánh bột năng chiên
Nguyên liệu:
- 200gr bột năng
- 200gr tôm tươi
- 100gr thịt heo xay
- 8gr muối
- 20gr đường
- 5gr bột nêm
- 2gr tiêu
- 5ml dầu điều
- 20gr tương ớt
- 5ml dấm chua
- Dầu ăn
Cách làm:
- Rửa sạch, bỏ đầu, lột vỏ và cắt nhỏ tôm. Ướp tôm và thịt xay cùng 3gr muối, 5gr đường, 5gr bột nêm và 2gr tiêu khoảng 15 phút.
- Đặt chảo lên bếp, cho 5ml dầu điều, mở lửa vừa. Khi dầu nóng, cho tôm thịt vào xào sơ rồi vớt ra.
- Trộn 200gr bột năng cùng 5gr muối và 150ml nước sôi. Nhào bột đều đến khi bột không còn dính tay là được.
- Ngắt từng phần bột nhỏ, ép mỏng rồi bọc lấy một ít tôm thịt xào bên trong.
- Đặt một chiếc nồi với 2/3 lượng nước sạch bên trong lên bếp, mở lửa lớn. Khi nước sôi già, nhẹ nhàng thả bánh bột lọc vào luộc sơ khoảng 30 giây rồi vớt ra, ngâm vào một tô nước sạch mát.Đặt một chiếc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào xâm xấp và mở lửa lớn. Khi dầu nóng sôi, thả bánh bột lọc đã luộc vào chiên nhanh khoảng 1 phút rồi vớt ra, để ráo dầu.
- Pha 20gr tương ớt cùng 15g đường, 5ml dấm chua để làm nước chấm. Dọn bánh bột lọc chiên giòn ăn cùng nước chấm tương ớt chua ngọt.
- Với sự đa dạng và đặc trưng về văn hóa, cả 3 miền Bắc – Trung – Nam của đất nước đều có những món ăn vặt vô cùng nổi tiếng. Luận bàn về kiểu nấu chiên rán, nếu độc chiếm ở Hà Nội là món nem rán chua cay và món bánh bột chiên thơm phức của giới trẻ Sài Thành, thì bánh bột lọc chiên giòn lại là món ngự trị trong lòng học sinh xứ Huế mộng mơ. Bạn cùng thử để cảm nhận xem vì sao món ăn này lại được ưa chuộng đến vậy nhé!
Bánh phục linh
Nguyên liệu:
- Bột năng 400 gr
- Nước cốt dừa 337ml
- Lá dứa 6 lá
- Đường 1/2 chén
Cách làm:
Xay lá dứa:
- Rửa sạch lá dứa, sau đó bạn cắt nhỏ khoảng 3 lá dứa, 3 lá còn lại thì cắt khúc có độ dài khoảng 1 gang tay.
- Kế đến, cho vào máy xay sinh tố phần lá dứa cắt nhỏ cũng 120ml nước rồi xay nhuyễn.Tiếp theo, lọc hỗn hợp lá dứa qua lớp vải mỏng để thu lấy phần nước cốt lá dứa.
Nấu nước cốt dừa lá dứa:
- Bắc nồi lên bếp, cho vào 337ml nước cốt dừa, nước cốt lá dứa và 1/2 chén (chén ăn cơm) đường rồi khuấy đều đến khi hỗn hợp sôi lên là được.
Rang chín bột:
- Bắc nồi mới lên bếp, cho vào 400gr bột năng, lá dứa cắt khúc rồi rang trên lửa nhỏ khoảng 20 phút là chín.
- Sau khi rang chín, bạn lọc bột qua rây cho tơi mịn.
Trộn bột bánh phục linh
- Cho từ từ nước cốt lá dứa vào phần bột năng đã rang chín, sau đó dùng tay trộn đều đến khi bột đạt đủ độ ẩm, không quá khô cũng không quá ướt
Ép bánh phục linh
- Cho bột bánh vào khuôn và nén thật chặt, sau đó úp ngược khuôn lại để lấy bánh ra là hoàn tất
Thành phẩm
- Bánh phục linh lá dứa thơm nức mũi, ăn vào mềm tan trong miệng vừa bùi ngọt, vừa beo béo, uống cùng trà ấm lại càng dậy mùi hấp dẫn hơn cho món bánh.
Bánh đúc nóng
Nguyên liệu:
- Bột năng: 200gr
- Bột gạo: 100gr
- Dầu ăn: 60gr
- Dầu mè: 40gr (không bắt buộc)
- Thịt lợn vai xay: 300gr
- Mộc nhĩ, nấm hương
- Hành tím, tỏi khô
- Mùi ta: 2 mớ
- Gia vị: mắm, muối, mì chính, tiêu,…
Cách làm:
- Bước 1: Làm nhân bánh: Mộc nhĩ, nấm hương ngâm cho nở mềm. Cắt bỏ chân rồi rửa sạch. Băm mộc nhĩ, nấm hương cho nhỏ. Hành tím, tỏi bóc vỏ rồi băm nhỏ. Mùi ta rửa sạch, thái nhỏ. Phi thơm hành tỏi, cho thịt xay vào xào đến khi săn lại. Nêm chút bột canh, bột nêm cho vừa miệng. Cho tiếp mộc nhĩ, nấm hương vào xào cùng cho chín.
- Bước 2: Quấy bột: Bạn hãy sử dụng một cái nồi đáy dày (có nồi gang thì càng tốt) để tránh bột bị bén nồi. Cho phần bột năng và bột gạo và 1 thìa muối trắng vào trộn đều. Thêm khoảng 700ml nước lọc vào, dùng phới quậy cho bột tan hết. Để bột ngâm khoảng 1 giờ, việc ngâm này giúp bột nở được đều hơn. Sau đó, bột sẽ lắng xuống dưới, bạn dùng bát hớt bỏ phần nước trong nổi lên trên. Cho thêm nước lọc đúng bằng phần nước vừa bỏ, quậy đều lên. Cho nồi lên bếp, bật lửa to vừa. Dùng phới lồng hoặc muôi gỗ khua liên tục tránh cho bột bén nồi. Khoảng 3-4 phút hỗn hợp bắt đầu sền sệt lại thì hạ nhỏ lửa, tay vẫn khuấy liên tục. Đến khi hỗn hợp rất đặc và chuyển màu trắng đục thì hạ lửa nhỏ nhất. Thêm dầu ăn và dầu mè vào quấy đều. Nếu bột đặc quá, quấy thấy nặng tay thì bạn có thể cho thêm khoảng nửa bát con nước nhé. Có thể đậy vung khoảng 2 phút để bột chín bằng hơi.
- Bước 3: Pha nước mắm chan: Bánh đúc nóng cần phải có nước chan. Rất đơn giản, bạn chỉ cần pha chanh, đường, mắm và nước theo tỉ lệ 1:1:1:1 là có mắm chan bánh đúc. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị của bạn nhé.
- Bước 4: Hoàn thành: Khi ăn, bạn múc bột bánh đúc vào bát to, miệng rộng. Cho thêm nhân thịt xay, rau mùi thái nhỏ, hành khô phi vàng (nếu thích) và chan thêm mắm vào. Bánh đúc ăn lúc còn nóng hổi mới ngon, bánh thơm mùi bột gạo, thơm ngọt vị thịt lợn, sần sựt của mộc nhĩ nấm hương.
Bánh đuông dừa
Nguyên liệu:
- Bột năng 200 gr
- Bột mì đa dụng 50 gr
- Bơ lạt 50 gr
- Bột cốt dừa 20 gr
- Nước cốt dừa 50 ml
- Sữa đặc 50 ml
- Đường 60 gr
- Màu thực phẩm 6 ml(mỗi loại 2 ml)
- Mè đen 5 gr
Cách làm:
Trộn bột bánh
- Trước hết, bạn cho 200gr bột năng, 50gr bột mì và 60gr đường chung 1 tô lớn rồi dùng phới trộn đều tay. Để gia tăng mùi thơm và vị béo cho bánh, bạn cho hết 20gr bột cốt dừa vào hỗn hợp trên.
- Kế đến bạn cho 50ml sữa đặc, 50ml nước cốt dừa cùng 50gr bơ lạt vào chung và dùng tay trộn đều.
- Bạn trộn đều bột trong khoảng 7 - 10 phút đến khi bột bánh mịn và không còn dính trên tay là được.
Tạo màu:
- Sau khi trộn xong, bạn chia bột bánh thành 4 phần đều nhau và cho ra từng chén riêng (chén ăn cơm). Tiếp theo, bạn dùng tăm và lấy màu cho lên bánh, bạn lấy khoảng 2ml màu (1/2 cây tăm) cho mỗi loại là được.
- Vậy là chúng ta có 4 khối bột với màu sắc khác nhau (trắng, xanh, hồng, tím), bạn tiếp tục dùng tay nhồi bột lại khoảng 3 phút để bột đều màu nhé!
Tạo hình:
- Ở bước này, bạn chuẩn bị sẵn khay nướng và lót lên khay 1 miếng giấy nến. Tiếp theo, bạn ngắt bột thành các phần nhỏ khoảng 5gr.
- Sau đó, bạn nhẹ nhàng se dài miếng bột để tạo hình đuông dừa với một đầu to và đầu còn lại nhỏ hơn.
- Kế đến, bạn khéo léo dùng tăm và ấn nhẹ vào 2 bên phần thân đuông dừa để tạo thành các khúc cho đuông.
- Cuối cùng, bạn điểm 2 hạt mè lên phần đầu lớn để tạo mắt cho đuông và đặt vào vỉ. Bạn làm tương tự cho các phần bột còn lại.
Nướng bánh:
- Bạn làm nóng lò trước khi nướng khoảng 10 phút ở nhiệt độ 120 độ C, lửa trên và dưới.
- Sau đó, bạn cho khay bột vào và nướng với nhiệt độ 120 độ C trong 15 phút, khi bánh chín thì lấy ra để nguội là chúng ta đã hoàn thành món bánh đuông rồi đó!
Thành phẩm:
- Sau khi được lấy ra khỏi lò, bánh đuông dừa tỏa hương thơm lừng khắp không gian bếp lại còn nhiều màu sắc bắt mắt, chưa ăn đã thấy hấp dẫn.
- Khi ăn vào, bạn sẽ cảm nhận được lớp vỏ giòn tan trong miệng kết hợp cùng vị ngọt vừa phải và béo nhẹ từ sữa và cốt dừa thật là lôi cuốn, không thua kém gì ngoài hàng.
Bánh bột lọc tôm thịt
Nguyên liệu:
- Bột năng: 500gr
- Tôm sông: 300gr (chọn tôm sông con nhỏ, chắc, ngọt thịt)
- Nước sôi
- Thịt ba chỉ: 200gr
- Mộc nhĩ: 30gr
- Hành lá
- Gia vị: mắm, muối, đường, tiêu,…
- Lá chuối gói bánh.
Cách làm:
- Thịt ba chỉ rửa sạch, thái hạt lựu. Tôm bóc vỏ rửa sạch rồi để ráo nước, nếu tôm bé quá thì cắt đầu cắt râu là được nhé. Mộc nhĩ ngâm cho nở mềm, cắt chân rồi băm nhỏ. Hành lá rửa sạch, thái nhỏ.
- Ướp thịt ba chỉ với chút bột nêm, tiêu xay, nước mắm. Tôm cũng ướp riêng với 1 thìa nước mắm, 1 thìa bột nêm và chút tiêu.
- Cho thịt ba chỉ vào rim khoảng 10 phút đến khi thịt săn lại, cho tiếp tôm vào đảo cùng. Cuối cùng cho mộc nhĩ, hành lá vào đảo đến khi tất cả nguyên liệu chín là được.
- Cho bột năng vào âu to, thêm 1 thìa muối tinh trộn đều. Tạo một lỗ tròn trong âu, cho từ từ nước nóng vào trộn đều. Dùng tay trộn đến khi tạo thành khối bột dẻo, không dính tay là được.
- Xé lá chuối thành từng mảnh nhỏ vừa đủ gói bánh. Dùng thìa xúc 1 thìa bột quệt vào lá chuối, cho nhân tôm thịt vào giữa bột rồi khéo léo gấp kín bánh lại.
- Gói lần lượt cho đến khi hết bột. Sau đó xếp bánh vào xửng hấp. Hấp khoảng 20 phút kể từ khi nước sôi là bánh đã chín rồi.
- Bánh bột lọc ăn nóng hay ăn nguội đều ngon. Ngoài cách gói bánh bằng lá chuối bạn có thể làm bánh bột lọc chần. Dùng tay ấn dẹt cục bột, cho nhân vào giữa rồi gấp bánh thành hình bán nguyệt. Cho bánh vào nồi nước đun sôi, đến khi bánh nổi lên là chín. Vớt bánh thả ngay vào bát nước lạnh. Khi ăn bạn rưới nước mỡ hành lên trên đĩa bánh và thưởng thức.
Bánh giò
Nguyên liệu:
- Thịt heo băm 200 gr
- Bột gạo 320 gr
- Bột năng 80 gr
- Trứng cút 10 quả
- Nấm hương 20 gr
- Nấm mèo 30 gr
- Nước dùng gà 1/2 lít
- Hành tây 1 muỗng canh
- Hành tím băm 200 gr
- Lá chuối 10 miếng
- Hành phi 1 muỗng canh
- Tỏi băm 1 muỗng canh
- Tiêu 1 muỗng canh
- Hạt nêm 1 muỗng canh
- Dầu ăn 1 muỗng canh
- Muối 1.5 muỗng canh
- Dụng cụ thực hiện: Chén bát, bếp gas,...
Cách làm:
- Xào nhân bánh giò: Đặt 1 cái chảo lên bếp, cho vào chảo 1 ít dầu ăn, đợi dầu nóng rồi cho tiếp 1 muỗng canh tỏi, 1 muỗng canh hành tây, 1 muỗng canh hành tím băm vào xào thơm rồi cho 200gr thịt heo bằm vào. Khi thịt gần chín thì cho 20gr nấm hương, 30gr nấm mèo đã ngâm mềm cắt nhỏ và 1 muỗng canh hành phi vào. Nêm 1 muỗng canh muối, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh tiêu vào đảo đều 5 phút rồi tắt bếp.
- Nấu bột vỏ bánh giò: Cho 320gr bột gạo và 80gr bột năng, 1/2 muỗng canh muối trong 1 cái nồi lớn có 1,5 lít nước hầm xương rồi hòa đều. Sau đó bắt lên bếp khuấy liên tục trên lửa nhỏ, thêm 1 muỗng canh dầu ăn, khuấy liên tục đến khi bột đặc lại thì tắt bếp.
- Sơ chế lá chuối: Lá chuối tươi bạn mua về trụng qua nước sôi cho sạch và dễ gói. Bạn trải 1 lớp màng bọc thực phẩm lên mặt bàn rồi đặt lá chuối lên trên và gấp lại thành hình phễu.
- Gói bánh giò: Múc 1 muỗng bột cho vào trong phễu rồi dàn đều. Sau đó cho hỗn hợp nhân và trứng cút vào giữa và múc thêm 1 muỗng bột nữa phủ lên phía trên phần nhân, dàn đều. Bạn có thể nhúng muỗng vào chén dầu ăn để việc dàn đều bột bánh dễ dàng.
- Hấp bánh giò: Gói chiếc bánh lại, cột dây cho bánh thêm chắc chắn rồi cho vào trong xửng, hấp khoảng 20 - 25 phút là bánh chín.
- Thành phẩm: Bánh gói đều, khi bóc lá ra mặt bánh bóng mượt. Bánh chín trong, cùi bánh mềm, không nhão. Nhân bánh dậy mùi hạt tiêu, thịt không dai, vị vừa ăn.
Bánh da lợn
Nguyên liệu:
Lớp bánh đậu xanh:
- 26 gr đậu xanh khô đã xát vỏ
- 26 gr đường
- 67 gr nước cốt dừa
- 17 gr nước
- 1 thìa cafe dầu ăn
- 1 nhúm muối
- 46 gr bột năng
- 7 gr bột gạo
- Màu thực phẩm vàng (không bắt buộc)
Lớp bánh lá dứa (lá nếp):
- 26 gr lá dứa + 85 gram nước để xay lấy nước cốt
- 47 gr bột năng
- 13 gr bột gạo
- 7 gr bột nếp
- 26 gr đường xay
- 1 nhúm muối
- 67 gr nước cốt lá dứa
- 47 gr nước cốt dừa
- 1 thìa cafe dầu ăn
- 1/4 thìa cafe tinh chất lá dứa (không bắt buộc)
Cách làm:
- Lớp bánh đậu xanh: Ngâm đậu trong 3-4h bằng nước ấm. Hấp đậu đến khi nhừ. Cho đậu xanh và tất cả các nguyên liệu còn lại (Trừ bột năng, bột gạo) vào máy xay, xay nhuyễn. Trộn phần nước đậu xanh vừa xay với bột năng và bột gạo, lọc lại qua rây cho mịn. Cho thêm ít màu vàng sau đó bọc kín phần bột này lại.
- Lớp bánh vị lá dứa: Lá dứa rửa sạch xay nhuyễn với nước, lọc lấy nước cốt. Trộn đều bột năng, bột gạo, bột nếp, đường xay, muối vào âu to. Trộn đều nước cốt lá dứa, nước cốt dừa, dầu ăn, đổ hỗn hợp này vào âu bột, trộn đều tới khi hòa quyện. Lọc lại hỗn hợp qua rây.
- Hấp bánh: Quét 1 lớp dầu ăn mỏng khắp lòng khuôn để chống dính. Cho khuôn vào xửng, hấp khuôn trong khoảng 5 - 7 phút. Đổ lớp lá dứa đầu tiên, hấp khoảng 2 phút, thấy mặt bánh se lại thì đổ tiếp phần đậu xanh, hấp thêm 2 phút đến khi đổ hết bột. Đợi bánh nguội thì lấy ra khỏi khuôn, bảo quản ngăn mát tủ lạnh 2- 3 ngày, ăn thì lấy ra hấp lại.