Trong giai đoạn 2015 - 2016, có tới gần 20000 loài sinh vật mới được phát hiện, từ những sinh vật tí hon đến những sinh vật có thân hình lớn, từ những sinh vật thời xa xưa đến những sinh vật hiện đại. Trong số những loài mới được phát hiện này, loài nào là ấn tượng nhất? Toplist sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này với Top những loài sinh vật mới được phát hiện ấn tượng nhất năm 2016 ngay sau đây.
Loài cá Lasiognathus dinema
Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra loài cá thuộc bộ Cá vảy mới trong quá trình khảo sát đánh giá những thiệt hại từ vụ tràn dầu Deepwater Horizon trên vịnh Mexico. Loài cá Lasiognathus dinema là một sinh vật hiếm thường mệnh danh là quái vật đại dương, sống ở dưới vùng nước cực tối dưới độ sâu 1000 m đến 1500m, có hình thù rất đáng sợ.
Loài cá Lasiognathus dinema không lớn, chiều dài cơ thể chỉ khoảng 5cm. Điểm độc đáo của loài cá này là trên đầu chúng có một chiếc cần câu chứa vi khuẩn, có thể phát quang sinh học, là chiếc bẫy giúp chúng thu hút con mồi tới gần một cách hiệu quả.
Cây gọng vó khổng lồ Drosera magnifica
Loài cây mới Drosera magnifica được tìm thấy trên một ngọn núi ở độ cao hơn 1500 m so với mực nước biển tại Brazil. Đây là cây ăn thịt thuộc chi gọng vó Drosera với chiều cao có thể lên đến 1,5 m. Drosera magnifica cũng là cây gọng vó lớn nhất từng được thấy trên Trái Đất. Giống như nhiều cây gọng vó khác, Drosera magnifica tiết ra một chất nhầy dày trên bề mặt lá, đợi côn trùng mắc bẫy là bắt để ăn. Mặc dù khá phong phú tại khu vực núi cao của Brazil, song môi trường sống của chúng cũng khá cô lập, bị hạn chế và khô cằn.
Loài cá rồng biển Phyllopteryx dewysea
Cá rồng biển Phyllopteryx dewysea là họ hàng của cá ngựa, có màu đỏ hồng ngọc bắt mắt với chiều dài cơ thể dài khoảng 24 cm. Loài cá này mới này được tìm thấy ở ngoài khơi bờ biển Nam Australia trong một cuộc khảo sát sự đa dạng sinh học vào năm 2007. Phyllopteryx dewysea là loài cá rồng biển thứ ba đã được phát hiện ở trên thế giới. Loài mới này được đặt tên theo của Mary “Dewy” White, người đã hỗ trợ nghiên cứu này và là nhà đồng sáng lập ra Quỹ Lowe Family.
Nhà sinh vật học hải dương Josefin Stiller của Viện Scripps, California, Mỹ cho biết loài cá rồng biển này sinh sống ở độ sâu khoảng 51 m dưới mực nước biển. Lượng thông tin về loài động vật mới này còn khá ít ỏi, các nhà nghiên cứu cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu khác nữa trước quyết định có nên liệt cá rồng biển Phyllopteryx dewysea vào danh sách những loài dễ tuyệt chủng hay không.
Rùa khổng lồ Chelonoidis donfaustoi
Rùa khổng lồ Chelonoidis donfaustoi sống ở phía đông đảo Santa Cruz thuộc Ecuador, còn được gọi với cái tên là rùa Đông Santa Cruz. Theo BBC, loài rùa mới này được đặt theo tên của nhà kiểm lâm viên ở Galapagos rất nổi tiếng. Ông đã chăm sóc cho loài rùa này một thời gian khá dài và nay đã về hưu.
Giống rùa khổng lồ này không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Rùa khổng lồ Chelonoidis donfaustoi có thể nặng tới 250kg, thọ hơn 100 năm. Nhà sinh học tại ĐH Yale là Gisella Caccione cho biết loài rùa này hiện chỉ còn khoảng 250 con, được xếp vào nhóm động vật dễ bị tuyệt chủng trên Trái Đất.
Động vật tí hon Iuiuniscus iuiuensis
Động vật tí hon nhiều chân Iuiuniscus iuiuensis là một trong những loài mới được phát hiện trong một hang động ở Nam Mỹ. Hình dạng của loài này vô cùng độc đáo. Đây là một loài giáp xác được phát hiện tại Brazil. Luiuniscus iuiuensis có đặc điểm nổi bật là bị mù, không có khả năng hấp thu các sắc tố. Một điểm độc đáo nữa đó là loài Iuiuniscus iuiuensis này có thể ẩn nấp ở dưới bùn, lột xác nhanh chóng mà không để kẻ thù phát hiện.