Tam Quốc Diễn Nghĩa là bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của Trung Quốc, kể về thời đại giao tranh Thục-Ngụy-Ngô với những nhân vật lịch sử Tào Tháo, Lưu Bị, Gia Cát Lượng...cùng nhiều mãnh tướng nổi danh lịch sử Trung Hoa. Vậy 10 mãnh tướng mạnh nhất thời Tam Quốc là ai? Hãy cùng Toplist xem ở bên dưới nhé.
Quan Vũ (Nước Thục)
Quan Vũ mình cao chín thước, mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày ngài, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt. Với tính tình khảng khái, hào hiệp, kiêu hùng, Quan Vũ kết nghĩa vườn đào với Lưu Bị và Trương Phi, cùng nhau chống lại giặc khăn vàng và Đổng Trác.
Khi Tào Tháo đánh Từ Châu, Lưu Bị thua chạy tan tác, ba anh em thất lạc nhau, Quan Vũ bị vây hết đường chạy, toan tự vẫn thì Trương Liêu đến khuyên can. Nhờ lời khuyên can của Trương Liêu, Quan Vũ ra hàng để bảo vệ hai vợ của Lưu Bị đang nằm trong tay Tào Tháo, nhưng Quan Vũ nói "hàng Hán chứ không hàng Tào".
Được Tào Tháo trọng đãi, Quan Vũ muốn trả hết ân tình để về sau ra đi không hối tiếc. Bấy giờ quân Tào đánh nhau với Viên Thiệu, hai đại tướng của Viên Thiệu là Nhan Lương, Văn Sú lúc bấy giờ rất mạnh, quân Tào mất hai tướng sinh hoang mang. Quan Vũ bèn xin đi trảm Nhan Lương, chém Văn Sú. Quan Vũ một mình cưỡi Xích Thố phi vào đại quân Viên Thiệu, đến trước mặt Nhan Lương, hai bên chưa giao chiến thì đầu Nhan Lương đã rơi xuống đất. Văn Sú đi trả thù, giao chiến với Quan Vũ cũng chưa được ba hợp thì bị Quan Vũ chém nốt.
Sau này khi biết tin Lưu Bị ở bên Hà Bắc, Quan Vũ nhất quyết đưa hai chị ra đi. Tào Tháo giả bộ cho đi nhưng có ý muốn cản, không đưa Quan Vũ giấy thông hành khiến các quan giữ ải không cho quan Vũ qua. Quan Vũ qua năm ải, chém sáu tướng, danh tiếng để đời.
Sau này khi Lưu Bị cất quân sang Xuyên Thục thì sai Quan Vũ trấn giữ Kinh Châu - vốn là địa thế vô cùng quan trọng. Quan Vũ trấn giữ Kinh Châu vững chắc cho tới khi Lưu Bị đã lấy được đất Thục, Đông Ngô cùng Tào Tháo liên thông bày mưu chiếm đất Kinh Châu, hại chết Quan Vũ. Trước khi chết, Quan Vũ trúng tên độc, thần y Hoa Đà phải mổ tay, cạo xương, vậy mà Quan Vũ một tay giơ ra cho Hoa Đà cạo xương, tay kia vẫn đánh cờ, cười nói như không. Trước khi mất Kinh Châu, Quan Vũ đánh được Phàn Thành, bắt được hai mãnh tướng Tào Tháo là Bàng Đức và Vu Cấm. Sau khi mất, Quan Vũ hiển thánh, được người đời kính phục vì nghĩa dũng song toàn.
Triệu Vân (Nước Thục)
Trước khi về với Lưu Bị, Triệu Vân theo Công Tôn Toản. Khi Công Tôn Toản bị Viên Thiệu đánh bại, Triệu Vân đến theo Lưu Bị, vốn là đồng minh của Công Tôn Toản. Khi theo Lưu Bị, cái tên Triệu Vân mới thực sự tỏa sáng.
Công trạng của Triệu Vân thì có nhiều, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến việc Triệu Vân một mình phá vòng vây quân Tào, giải cứu chúa công A Đẩu. Bấy giờ, Lưu Bị giao tranh với Tào Tháo ở Kinh Châu, bị thua lớn phải bỏ chạy về phía Nam. Vợ con Lưu Bị là Cam phu nhân và A Đẩu bị lạc trong chiến loạn, Triệu Vân một mình phi ngựa vào quân Tào, buộc A Đẩu vào bụng, phá vòng vây mà thoát ra. Tào Tháo ở trên núi nhìn xuống, thấy Triệu Vân đi tới đâu thì quân lính ngả ra tới đấy, đem bụng kính phục hạ lệnh không ai được bắn lén mà phải bắt sống Triệu Vân, nhờ thế Triệu Vân đã thoát, cứu được ấu chúa cho Lưu Bị. Trong trận đánh này, Triệu Vân đã giết chết vô số binh tốt, lấy mạng các tướng Hạ Hầu Ân, Trung Tấn, Trung Thân, đánh lui Trương Cáp, không sợ Tào Hồng.
Sau này, Triệu Vân còn lập nhiều công lớn cho Lưu Bị như bảo vệ Lưu Bị sang làm rể Đông Ngô, đoạt lại A Đẩu từ tay quân Đông Ngô, góp công đánh chiếm Xuyên Thục, đẩy lui đại quân Tào Tháo ở Hán Trung. Trong năm vị tướng của "Ngũ hổ tướng", Triệu Vân chính là vị tướng hoàn hảo nhất, được Gia Cát Lượng yêu mến, trọng dụng nhất.
Tôn Sách (Nước Ngô)
Tôn Sách sức khỏe phi thường, uy dũng vô cùng, ví như mãnh hổ vùng Giang Đông, còn được gọi là Tiểu Bá Vương. "Bá Vương" chính là biệt hiệu của Hạng Vũ - vua nước Sở có sức khỏe phi thường thời Hán-Sở tranh hùng. Vì sức mạnh và sự uy dũng của mình mà Tôn Sách được ví với Hạng Vũ và thừa hưởng biệt hiệu Tiểu Bá Vương.
Trong trận đánh với Thái Sử Từ - người đã từng phá giặc khăn vàng cứu Khổng Dung, Tôn Sách và Thái Sử Từ đánh nhau một chọi một, tế ngựa đuổi nhau từ sáng đến tối. Thái Sử Từ lấy được mũ Tôn Sách còn Tôn Sách cũng lấy được áo bào của Thái Sử Từ. Sau này Thái Sử Từ bị bắt, Tôn Sách tha cho và Thái Sử Từ đã theo hàng Đông Ngô.
Lại một trận khác, Tôn Sách bắt được tướng giặc, kẹp cổ mang về. Một tướng khác lẻn sau lưng định đánh lén Tôn Sách, Tôn Sách liền quay lại, quát to một tiếng, đồng thời kẹp chặt cổ viên tướng kia. Tên bị kẹp cổ chết ngay tức khắc, tên đánh lén cũng sợ quá vỡ mật mà chết. Bởi thế, Tôn Sách nổi danh là "kẹp chết một tướng, quát chết một tướng"
Cũng nhờ sức mạnh và tài cầm binh của Tôn Sách mà cả một vùng Giang Đông rộng lớn về tay họ Tôn, tạo nền tảng cho Tôn Quyền thành lập nước Đông Ngô và xưng vương xưng đế sau này.
Mã Siêu (Nước Thục)
Tại trận Đồng Quan, Mã Siêu đại chiến quân Tào, tung hoành ngang dọc, đánh thắng nhiều tướng của Ngụy, khiến đại quân Ngụy tan tác, Tào Tháo phải cắt râu, cởi áo để chạy. Nếu không có sự trung dũng bảo vệ của Tào Hồng và Hứa Chử thì Tháo đã bỏ mạng cũng nên.
Sau này khi thua Tào Tháo, Mã Siêu về đầu quân cho Trương Lỗ ở Hán Trung, đem quân đi đánh quân Lưu Bị cứu Thục, bấy giờ Lưu Bị vẫn chỉ có Kinh Châu, đang có hiềm khích với Lưu Chương ở Thục và đang dồn quân vây đánh Thục. Mã Siêu đến thì Gia Cát Lượng cho Trương Phi ra chống. Trương Phi và Mã Siêu đánh hết trận này đến trận khác, mỗi trận hơn trăm hợp, đánh từ sáng đến tối vẫn còn hăng. Trời tối, hai bên lại sai quân sĩ đốt đuốc cho sáng, đánh nhau cả đêm, mãi về sau Mã Siêu thấy Trương Phi khỏe không hạ nổi mới dùng kế giả vờ thua, quân hai bên thốc đến đánh, trận chiến mới kết thúc không phân thắng bại.
Lưu Bị thấy Mã Siêu tài nghệ đem bụng yêu mến, Gia Cát Lượng bèn lập kế sai người đem vàng sang đút lót quan bên Trương Lỗ nói xấu Mã Siêu. Trương Lỗ nghe lời nịnh thần, nghi kỵ Mã Siêu, đẩy Mã Siêu vào thế bí, ngay lúc ấy Lưu Bị cho người tới chiêu hàng. Mã Siêu về với Lưu Bị liền đem quân đánh đất Thục, Lưu Chương sợ quá xin hàng, nhờ đó Lưu Bị lấy được Thục. Sau khi lấy Thục, Lưu Bị sắc phong "Ngũ hổ tướng", Mã Siêu vừa về với Lưu Bị không lâu đã được đứng vào hàng ngũ năm đại tướng mạnh nhất đất Thục thì quả là tài sức phi thường.
Hoàng Trung (Nước Thục)
Hoàng Trung tuy đã già nhưng vẫn khỏe có thể giương được cung 2 tạ mà bắn trăm phát trúng cả trăm, lại kinh nghiệm chinh chiến đầy mình. Khi giao chiến với Quan Vũ, hai bên đánh nhau hơn trăm hợp không phân thắng bại. Quan Vũ thấy Hoàng Trung giỏi giang, vững chắc bèn tương kế tựu kế dùng thế đà đao, giả vờ thua chạy rồi nhân cơ hội quay lại chém. Nhưng khi Hoàng Trung đuổi theo thì ngựa lại khuỵu chân ngã xuống do ngựa yếu lâu không ra trận, Quan Vũ thả cho về thay ngựa. Hoàng Trung quay về, Hàn Huyền bảo hôm sau hãy dùng cung bắn Quan Vũ. Hôm sau Hoàng Trung và Quan Vũ giao chiến ba mươi hợp, Hoàng Trung rút cung ra nhưng vì nể cái nghĩa Quan Vũ tha cho hôm trước nên hai lần bắn dây không, lần thứ ba chỉ bắn vào mũ. Như vậy, nếu Hoàng Trung mà bắn thật sự thì có lẽ trận ấy Quan Vũ đã chết đến ba lần.
Sau này khi Lưu Bị chiếm được Thục, Hoàng Trung cũng được vinh dự góp mặt trong "Ngũ hổ tướng". Dù không được Quan Vũ bằng lòng nhưng sau này Hoàng Trung lập được nhiều đại công, góp công lớn giúp Lưu Bị đánh Tào Tháo chiếm được Hán Trung, thống nhất hai đất Xuyên Thục.
Hứa Chử (Nước Ngụy)
Khi lần đầu Hứa Chử gặp Tào Tháo, Hứa Chử đã đánh nhau với Điển Vi không phân thắng bại. Bấy giờ Điển Vi đang là mãnh tướng khỏe nhất của bên Tào, thế mà gặp Hứa Chử khỏe ngang Điển Vi khiến Tào Tháo thích thú, sau chiêu hàng và thu nạp Hứa Chử. Sau khi Điển Vi chết, Hứa Chử được thay thế vị trí của Điển Vi làm hộ vệ bên cạnh Tào Tháo.
Trong trận Đồng Quan do quân Mã Siêu đánh đến, Tào Tháo rơi vào ổ mai phục của Mã Siêu trên sông, quân sĩ bị bắn tên ngã xuống nước hết cả. Riêng Hứa Chử đứng ở mũi thuyền, tay trái cầm yên ngựa che tên cho Tháo, tay phải chống sào đẩy thuyền, hai đùi kẹp bánh lái mà lái, nhờ đó Tháo mới tẩu thoát thành công.
Sau đó, Tào Tháo lại đụng độ Mã Siêu. Mã Siêu sau trận mai phục trên sông thì đã chú ý đến Hứa Chử, bèn cưỡi ngựa ra trận thách đấu với Hứa Chử, gọi Hứa Chử là "Hổ hầu", từ đó ai ai cũng gọi Hứa Chử là Hổ hầu. Hôm sau hai người đánh nhau hơn một trăm hợp, ngựa đã kiệt sức mà chưa phân thắng bại. Cả hai về thay ngựa rồi ra đánh nhau thêm trăm hợp nữa vẫn chưa ngã ngũ. Bấy giờ Chử nổi xung lên, cởi cả áo và mũ giáp, mình trần trùng trục ra đánh Mã Siêu. Cả hai đánh nhau ba mươi hợp nữa, Siêu đâm giáo vào rốn Chử, Chử quăng cả đao đi giữ giáo, bẻ gãy cả giáo rồi hai bên cầm hai nửa giáo giọt nhau. Sau đó Tào Tháo cho quân lên đánh, bên Mã Siêu quân cũng xông lên mới tách được hai người ra.
Đến tận khi đã có tuổi, Hứa Chử vẫn làm cận vệ cho Tào Tháo. Khi Tháo đang ngủ, ngay cả đại tướng em họ của Tháo là Tào Nhân đến yết kiến, Hứa Chử cũng kiên quyết không cho vào, bởi vậy Hứa Chử lại càng được Tào Tháo kính nể và yêu quý hơn.
Trương Phi (Nước Thục)
Ngay từ những ngày đầu khởi binh, Trương Phi cùng Lưu Bị và Quan Vũ đã đánh thắng giặc khăn vàng. Quan Vũ từng bảo Trương Phi là người mà một mình đâm vào giữa quân địch, lấy đầu tướng dễ như lấy vật gì trong túi.
Sau này khi Tào Tháo đem quân đánh Kinh Châu, Lưu Bị chống không nổi mà phải bỏ chạy tan tác, Trương Phi một mình chặn hậu bên bờ sông, đứng trước các mãnh tướng quân Ngụy cùng đại quân mà không hề nao núng. Lúc ấy bên Ngụy có Tào Tháo, thế quân mạnh như trút nước, lại có các đại tướng mạnh nhất là Trương Liêu, Hứa Chử, Tào Nhân, Hạ Hầu Đôn... ấy thế mà nhìn Trương Phi đứng một mình một ngựa, tay cầm xà mâu, mắt trợn ngược, miệng quát tháo mà sợ không dám tiến quân. Nghe tiếng thét như sấm của Trương Phi mà tướng Hạ Hầu Kiệt bên Tào Tháo khiếp sợ, ngã nhào xuống ngựa. Thấy Trương phi uy dũng, lại sợ kế mai phục của Gia Cát Lượng, Tào Tháo phải cho lui quân, nhờ đó Lưu Bị có thể chạy thoát.
Sau này Trương Phi cũng lập được nhiều đại công, trong số đó phải kể đến việc Trương Phi bắt sống Nghiêm Nhan, đánh bại Trương Cáp, được vinh danh trong "Ngũ hổ tướng" nước Thục.
Trương Liêu (Nước Ngụy)
Ban đầu, Trương Liêu đi theo Lã Bố, cùng với Lưu Bị và Tào Tháo tranh đoạt Ích Châu. Sau khi Lã Bố chết, Trương Liêu bị bắt sống, Tào Tháo toan chém nhưng Lưu Bị và Quan Vũ can ngăn, Tháo mới cởi trói cho Trương Liêu, Trương Liêu cảm phục mà hàng Tào Tháo.
Sau này, Trương Liêu là vị đại tướng lập công đầu giúp Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, Viên Thuật, bình định Trung Nguyên. Trong trận Quan Độ nổi tiếng, quân Tháo bấy giờ binh ít, cạn lương còn quân Viên Thiệu lương nhiều binh mạnh, Tào Tháo được Hứa Du hiến kế, lập mưu đốt kho lương Viên Thiệu. Chính Trương Liêu là đại tướng dẫn đầu đi đốt kho lương rồi sau đó lại đi truy sát Viên Thiệu, lập công lớn trong trận Quan Độ.
Khi Tào Tháo thua trận Xích Bích phải rút quân về Hứa Xương, sau đó lại để mất Kinh Châu vào tay Lưu Bị, Tào Tháo sai Trương Liêu trấn giữ Hợp Phì, là trọng điểm trấn giữ phía Nam, nơi tiếp giáp với Giang Đông của Tôn Quyền và Kinh Châu của Lưu Bị. Khi Tào Tháo đánh Hán Trung, Tôn Quyền nhân cơ hội đánh Hợp Phì. Bấy giờ Trương Liêu chỉ có 7000 quân còn Tôn Quyền có đến 10 vạn. Trương Liêu theo kế của Tào Tháo ghi trong mật thư, cùng Lý Điển dẫn 800 quân cảm tử đánh thẳng vào đại quân Đông Ngô khiến Tôn Quyền cùng các tướng Đông Ngô phải tháo chạy. Trận đánh này người Giang Đông ai cũng khiếp, trẻ con nghe đến cái tên Trương Liêu không dám khóc đêm.
Trương Liêu là một trong số ít kẻ địch mà Quan Vũ phải nể phục. Trước đây Quan Vũ và Trương Liêu từng kết giao làm bằng hữu, sau này mỗi người theo một phe. Dù là bạn của Quan Vũ và từng được Lưu Bị xin cho thoát chết, Trương Liêu vẫn trung thành phục vụ nhà Ngụy.
Lã Bố (Đông Hán)
Lã Bố ban đầu theo Đinh Nguyên, nhận làm nghĩa phụ. Sau vì chút vàng bạc và ngựa Xích Thố mà làm phản, giết nghĩa phụ, theo Đổng Trác. Đổng Trác cho Lã Bố làm cận vệ, là cánh tay phải của mình. Vì sự oai dũng của Lã Bố mà quan tướng trong triều hết sức sợ hãi, không ai dám chống lại Đổng Trác.
Viên Thiệu họp chư hầu chống lại Đổng Trác, chư hầu khắp nơi hội tụ, trong đó có cả Tào Tháo, Tôn Kiên và ba anh em Lưu-Quan-Trương. Khi Lã Bố đến đánh, Trương Phi liền nhảy ra địch. Giao chiến không lâu thì Trương Phi túng thế, Quan Vũ liền xông vào ứng cứu. Quan Vũ cùng Trương Phi đánh với Lã Bố hơn ba mươi hợp mà Lã Bố không hề thua kém, thấy thế Lưu Bị cũng cầm đôi kiếm xông vào. Cả ba đánh nhau với Lã Bố theo thế chân vạc, vậy mà Lã Bố vẫn đánh được vào Lưu Bị để tìm cách thoát ra. Trận đánh này lưu danh sử sách, gọi là "Lã Bố độc chiến tam anh". Đánh với một Quan Vũ thôi đã khó lắm rồi, đằng này Lã Bố một mình đánh với ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi thì quả xứng đáng là sức mạnh thiên hạ vô địch.
Điển Vi (Nước Ngụy)
Có một trận quân Tào Tháo mắc bẫy phục kích của Lã Bố trong khi đánh thành địch theo kế "vườn không nhà trống", bị quân địch mai phục, tràn từ ngoài vào bao vây, Điển Vi mở đường máu phá vòng vây dẫn đại quân chạy ra ngoài thành. Khi ra ngoài hội quân không thấy Tào Tháo, nghĩ Tào Tháo vẫn bị lạc lại trong thành, lại một mình một ngựa đánh vào, chạy vòng quanh thành không thấy Tào Tháo lại đánh trở ra.
Trong trận Uyển Thành, Trương Tú làm phản Tào Tháo, nghĩ kế giết Tào Tháo nhưng lo ngại Điển Vi cận vệ bên cạnh, thế là bộ tướng của Trương Tú là Hồ Xa Nhi nghĩ kế mở khao quân sĩ cho Điển Vi say rồi giấu đôi kích của Điển Vi đi. Nửa đêm lều của Tào Tháo bị mai phục, Điển Vi tỉnh dậy không thấy kích đâu vẫn xông ra đánh, hai tay cầm hai binh sĩ quân địch đập vào nhau chết tươi rồi cầm 2 cái xác quăng quật làm vũ khí. Cuối cùng Điển Vi bị thương quá nặng, ngã xuống chết mở mắt. Điển Vi chết nửa ngày rồi quân sĩ đối phương mới dám lại gần.
Trong trận Uyển Thành ấy, Tào Tháo mất Điển Vi và con trai trưởng là Tào Ngang nhưng Tào Tháo lại thương khóc Điển Vi, thương tiếc vì mất một mãnh tướng. Do Điển Vi chết sớm nên không góp mặt trong "Ngũ lương tướng" của nhà Ngụy nhưng xét về sức mạnh thì Điển Vi chẳng hề thua kém Hứa Chử, Trương Liêu là bao.