Top 16 Món ăn mang đậm chất xứ Nghệ

Xứ Nghệ quê Bác không chỉ nổi tiếng với cam xã Đoài, tương Nam đàn mà còn được du khách "mê mệt" với nhiều món ăn mang hương vị độc đáo khác.

Bánh Ngào

Một cái tên cũng khá phổ biến đối với người dân nói chung cũng như du khách đến Nghệ An nói riêng chính là Bánh Ngào Nghệ An - đây là món ăn đơn giản được phủ nhiều mật lại có thêm mùi thơm của gừng, nếu được thưởng thức vào lúc trời mưa phùn hay se se lạnh ăn nóng sẽ rất ngon.


Bánh ngào được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo nếp và mật mía. Khi chín, từng chiếc bánh được phủ bên ngoài nhiều mật mía màu vàng ngọt ngào nên được gọi là bánh ngào. Nhiều người cũng gọi bánh ngào là bánh mật. Nguyên liệu cho việc làm nên một phần bánh ngào ngon tuyệt rất đơn giản: chỉ cần chuẩn bị bột gạo nếp thơm và ngon, mật mía (chọn loại mật có màu vàng đỏ, sánh nhuyễn thì làm bánh sẽ ngon hơn), lạc rang, gừng. Gừng cũng là nguyên liệu rất quan trọng khi làm bánh ngào vì chỉ cần vài lát gừng, khi ăn bánh ngào bạn sẽ cảm nhận được hết độ ngon của bánh. Khi tắt bếp, mùi thơm của gừng sẽ lan toả khắp nhà khiến ai cũng thòm thèm.


Thưởng thức món Bánh Ngào chuẩn vị với vị bùi của nhân, thơm dẻo của nếp quyện với vị ngọt vừa đậm vừa thanh vừa thơm nồng của gừng, của mật đem đến cho người ăn vị ngọt thơm rất ngon miệng.

Bánh Ngào

Cam xã Đoài

Chắc hẳn đã là người Việt Nam sẽ có lần nghe thấy tên đặc sản này. Vườn nhà nào ở xã Đoài cũng có cam, nhiều thì đến vài trăm gốc cho năng suất cao, quả mọng, trĩu nước, ngọt vàng như mật ong. Loại cam này xứng đáng là đệ nhất cam, hàng năm cam xã Đoài theo chân thương lái mà xuất đi trăm ngả, có khi được đóng thùng kiểm tra qua quy trình nghiêm ngặt để xuất khẩu sang các nước có thị trường khó tính. Nhìn chung loại đặc sản này luôn làm hài lòng tất cả những người đã thưởng thức nó, vị ngọt đậm đà. thanh mát khó quên. Cam xã Đoài đã làm giàu cho cuộc sống của người dân nơi đây, giá quả cam luôn cao gấp 2kg cam khác ngoài chợ, nhiều khi "cháy" hàng không có để bán.
Cam xã Đoài nước cam vàng ngọt như mật
Cam xã Đoài nước cam vàng ngọt như mật

Bánh gai xứ Dừa

Bánh gai là món quen thuộc của nhiều vùng miền, nhưng bánh gai xứ Dừa là đặc sản đặc trưng, thơm ngon khó cưỡng. Đây được xem là món ăn có từ lâu đời ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Món này là sự kết hợp giữa lá gai, bột nếp, mật mía, nhân đậu khi ăn vào ngọt dịu, thơm nức.


Để sản xuất ra những chiếc bánh gai thật thơm ngon, chất lượng, những người thợ phải đảm bảo được nguyên liệu đầu vào vô cùng cầu kỳ gồm nếp, đậu xanh, lá gai tươi, dừa khô, đường cát trắng, dầu ăn... Nếp là thứ nếp quê, trắng và thơm để khi xay ra có được bột nếp thật dẻo, mịn và thật thơm. Nhân bánh được làm bằng những hạt đậu xanh hấp chín, giã nhuyễn trộn với đường kính trắng và cùi dừa xắt nhỏ tạo nên mùi thơm béo ngậy của dừa và mùi thơm của nhân đậu xanh.


Thêm vào đó, lá gai được dùng làm phải được hái về và rửa sạch, luộc chín, giã nát và trộn với dầu ăn, cho vào bột nếp đã được lọc kỹ và làm nên thứ màu đặc trưng của bánh gai, loại đặc sản nổi tiếng. Lá để gói bánh được làm bằng lá chuối khô, sau khi đã được lau chùi rất sạch sẽ và để nơi thoáng mát.
Bánh gai xứ Dừa
Bánh gai xứ Dừa

Cháo lươn

Nghệ An có rất nhiều cánh đồng với nhiều nhiều ruộng nước và kênh rạch – là nơi trú ngụ của những con lươn béo mập. Trong thịt lươn còn chứa nhiều loại vitamin và chất khoáng như vitamin A, B1, B6 hay chứa chất sắt, natri, kali, calci. Ăn thịt lươn có tác dụng chữa bệnh còi xương ở trẻ, bệnh trĩ nội, bệnh phong thấp...Sân ga Vinh có quán cháo lươn ngon nức tiếng, món cháo lươn béo ngậy hòa lẫn vị cay nồng không còn thấy vị tanh.
Cháo lươn xứ Nghệ
Cháo lươn xứ Nghệ

Bánh đúc

Bánh đúc loại bánh quen thuộc của làng quê Việt Nam, gắn bó với cuộc sống chúng ta từ thời xa xưa. Bánh đúc Nghệ An phải là từ gạo tẻ trắng, phải là những hạt gạo tẻ đều đều, không pha lẫn với những hạt gạo khác. Bánh đúc xứ Nghệ không thêm các nguyên liệu khác như ở một số vùng, chỉ là miếng bánh đúc trắng đơn độc thôi nhưng chấm với tương Nam Đàn thì ngon tuyệt vời. Món ăn dân dã khiến người ta ăn nhiều mà cũng không thấy ngán.
Bánh đúc xứ Nghệ
Bánh đúc xứ Nghệ

Cà muối

Ban đầu nghe có vẻ hơi vô lý, món ăn này đã quá quen thuộc trong mâm cơm mỗi gia đình Việt, nơi đâu chả có tại sao lại là đặc sản xứ Nghệ? Nhưng món cà muối ở nơi đây lại mang hương vị độc đáo, khác lạ hơn những nơi khác.
Người Nghệ An có cách muối cà riêng biệt khác lạ bởi vậy mà cà được người dân ở đây muối ăn quanh năm. Cà có nhiều loại nhưng ngon nhất là giống cà cốm chỉ to bằng viên bi muối ăn giòn tan, vị chua đậm. Ăn miếng cà giòn tan cùng canh cua mồng tơi thì thật là ngon "hết xẩy". Vùng Nghi Lộc là nơi trồng nhiều cà cốm và có món cà muối ngon nhất, khiến nhà thơ Huy Cận cũng phải thốt lên câu thơ rằng: "Ai ơi cà xứ Nghệ, càng mặn lại càng giòn".
Cà cốm muối xổi ở Nghệ An
Cà cốm muối xổi ở Nghệ An

Bánh bèo

Nhắc đến bánh bèo người ta thường liên tưởng đến bánh bèo Huế nhưng Nghệ An cũng có món bánh bèo hấp dẫn không kém.Loại bánh này được làm từ bột lọc với nhân tôm thịt, một số quán chỉ dùng nhân thịt và mộc nhĩ. Đối với ai chưa thưởng thức món bánh này bao giờ, lần đầu nhìn thấy bánh bèo Nghệ An rất dễ lầm tưởng là bánh bột lọc. Vị dai của vỏ bánh, vị ngọt bùi của tôm, xem lẫn vị cay của ớt tạo nên một bản giao hòa về ẩm thực rất thú vị, khiên người ta ăn bao nhiêu mà cũng không thấy ngán.
bánh bèo Nghệ An
bánh bèo Nghệ An

Bánh đa xúc hến

Bánh đa xúc hến là một món ăn khá quen thuộc của người dân xứ Nghệ, một món ăn vô cùng dân giã nhưng đậm đà và khiến bạn khó có thể quên được một khi đã thưởng thức. Hến để làm nên món này là loại hến lấy được từ sông Lam, sau khi tách vỏ, xào cùng hạnh mỡ béo ngậy và thơm lừng. Kết hợp cùng với hến là những chiếc bánh đa Đô Lương giòn tan được dùng thay thìa, một sự kết hợp quá hoàn hảo làm nên món đặc sản Nghệ An đầy quyến rũ. Gia vị để ăn cùng bánh đa là llạc rang giã nhỏ, rau sống và ớt để thêm kích thích vị giác.


Ngoài ruột hến thì món này còn cần có các loại nguyên liệu: hành tây, hẹ, ớt, tỏi, bánh khô, dầu ăn, gia vị, hạt tiêu. Ruột hến làm sạch để ráo, hành tây cắt nhỏ hơn xào thịt bò, hẹ cắt khoảng 2-3 cm, tỏi đập dập.

Bánh đa xúc hến
Bánh đa xúc hến

Khoai lang

Câu hát “Khoai lang vàng xứ Nghệ, càng nhai kỹ càng bùi", của tác giả Phạm Tuyên trong bài hát Ai Vô Xứ Nghệ làm ta liên tưởng đến những cánh đồng xứ Nghệ, bên cạnh những ruộng lúa bạt ngàn là những ruộng khoai lang xanh ngắt. Ngày xưa người dân còn đói nghèo thường ăn cơm độn khoai, đến nay giá của cân khoai cũng xấp xỉ cân gạo. Món khoai lang luộc trong nồi đất là ngon nhất, khoai xứ Nghệ vừa chín, bở bung, vỏ nứt tơi, nứt toác, khác hẳn cái giống khoai nhão nhoét xứ Bắc.
Khoang lang xứ Nghệ ngọt, bùi
Khoang lang xứ Nghệ ngọt, bùi

Mực nhảy nướng Cửa Lò

Cửa Lò là một trong những điểm du lịch biển nên tại nơi đây có khá nhiều món ăn hải sản tươi ngon, hấp dẫn vô cùng và một trong những món hải sản ngon đó không thể không kể đến mực nháy nướng Cửa Lò. Món này được chế biến từ những con mực được ngư dân đánh bắt từ sáng sớm, tươi ngon và sạch sẽ, được mang về chế biến, thưởng thức. Mực tươi được nướng lên vừa thơm vừa giòn vừa ngọt, khi ăn thêm một chút tương ớt hoặc muối tiêu chanh thì rất ngon.


Thông thường nhiều người vẫn quen gọi là mực nhảy nhưng tên gọi chính xác là “mực nhảy” vì con mực mới bắt lên còn sống, mình trong suốt, làn da lúc nào cũng nhấp nháy những đốm lân tinh. Hai cách gọi trên tuy diễn tả những trạng thái khác nhau của con mực nhưng đều nói lên mức độ tươi ngon của con mực.

Mực nhảy nướng Cửa Lò

Cháo nghêu Cửa Lò

Tiếp sau đây sẽ là một món ăn cũng được chế biến từ hải sản vô cùng nóng hổi và thơm ngon cho bạn, đó là món cháo nghêu Cửa Lò.


Cháo nghêu Cửa Lò đặc sản Nghệ An được chế biến từ nghêu được luộc lên, lấy nước nấu cháo, ruột nghêu được rán lên với các loại gia vị. Khi cháo chín trộn nghêu với cháo rồi đổ vào bát đã bỏ sẵn rau thơm. Mùi thơm của gạo, quyện với mùi vị của nghêu, của rau thơm tạo nên một món ăn thanh nhã, ăn vào đến đâu cảm giác ngọt mát lan đến đó. Cháo nghêu cung cấp nhiều chất đạm, tăng thêm sinh lực cho cơ thể, là món ăn đêm được nhiều du khách ưa thích.

Cháo nghêu Cửa Lò

Ốc xào

Ốc xào tưởng chừng như món ăn quá quen thuộc nhưng ở Nghệ An món ăn này lại mang hương vị riêng, không đâu có được. Ngừoi ta không dùng đường để xào mà dùng mật mía, trứng gà và tóp mỡ. Người ta thường đuôi ốc để gia vị ngấm đậm đà hơn và có thể hút, không cần khều ruột, hương vị rất thơm ngon, độc đáo.
Ốc xào xứ Nghệ
Ốc xào xứ Nghệ

Cháo Canh

Cháo Canh là món ăn dân dã và cũng là một trong những món đặc sản mang đậm nét của vùng đất xứ Nghệ khá nổi tiếng. Sở dĩ món ăn mang tên "cháo canh" do nước dùng phải nấu để đạt độ sánh như cháo. Sợi bánh cho vào đun sôi lại vài phút rồi vớt ra chứ không chỉ nhúng qua nước sôi như cách nấu bún hay phở ở miền Bắc.


Được làm từ bột mỳ, sau khi nhào thật nhuyễn sẽ cán thành bột và cắt thành những sợi nhỏ tròn được kết hợp với nước hầm xương ngon. Một trong những phần được cho là "linh hồn" và tạo nên sự nổi bật của món cháo canh này là nước dùng được nấu từ xương heo cùng các gia vị, có độ sánh và mùi thơm phức. Thường nước dùng luôn phải nấu từ sáng sớm, ninh xương càng lâu nước càng ngọt. Ăn kèm với sợi bánh còn có vài lát thịt heo, chả, trứng cút luộc, thịt cá hoặc tôm, tuỳ theo từng nơi.

Cháo Canh

Tương Nam Đàn

Tương Nam Đàn có vị sánh vàng, dịu ngọt. Là một loại nước chấm, nước chan được nấu từ hạt đậu tương và hạt nếp hoặc hạt ngô lên men. Loại tương này thường dùng để làm nước chấm các loại thịt luộc, dùng để kho cá, chấm rau, chấm đậu, ăn với cơm hàng ngày. Hoặc dùng làm nước chan. Vào mùa hè dùng nước tương chấm với ngọn khoai lang luộc, rau muống luộc, cà luộc ăn với cơm, vừa mát, vừa đậm đà hương vị đồng quê. Để nấu được tương ngon cũng phải trải qua khâu chọn lựa kỹ càng, đậu để nấu tương phải chọn đỗ (đậu) tương cổ truyền hạt nhỏ như hạt tiêu, vị bùi và béo.Đậu vừa thu hoạch là tốt nhất.Phải sàng lọc hạt đậu kỹ lưỡng không có hạt quá to hoặc quá nhỏ, chọn hạt cho đều,không có hạt lép, hạt hỏng.Thường thì người ta dùng giống đậu Tương Xuân trồng tại Nam Đàn.
Trong quá trình ủ phải khuấy tương
Trong quá trình ủ phải khuấy tương

Nhút Thanh Chương

Nhút thực ra là quả mít chứa nhiều xơ, xơ mít được người dân tận dụng và nấu ra khá nhiều món ngon như: thịt ba chỉ kho xơ mít, xơ mít xào sa tế, canh xơ mít... Xơ mít cũng có các loại vitamin tương đương với múi mít nhưng hàm lượng ít hơn. Món ăn dân dã này đã trở thành “thương hiệu” khiến người ta nhớ về mảnh đất và con người xứ Nghệ. Nhút muối xổi ăn ngay trong hai ba ngày, hay muối mặn để dành ăn quanh năm. Bữa cơm của người miền Trung không thể thiếu món ăn dân dã, bình dị này, ăn giòn giòn, mặn của muối, cay xè của ớt, và dậy mùi thơm của mít thật khó mà diễn tả được, ngon tuyệt vời,
Nhút muối Thanh Chương
Nhút muối Thanh Chương

Bánh mướt

Bánh mướt giống như bánh cuốn nhưng không nhân và được cuộn tròn lại. Bánh mướt được làm từ những loại gạo tẻ thường, nhưng miếng bánh lại trắng, bóng mịn màng, mềm, dẻo trông rất bắt mắt, và cũng… sang trọng chẳng kém ai. Ở Nghệ An có nhiều huyện làm bánh như: Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu. Bánh mướt thường được ăn cùng giò chấm mắm, ngon nhất vẫn là bánh mướt xáo lòng. Bánh mướt ăn với bát canh có lòng non, tim, gan, cật, dồi trường, dạ dày) và tiết lợn. Thêm ít hành tăm (loại hành bé, thơm) hoặc hành khô có bán ở chợ, tạo nên một món ăn đậm đà được nhiều người yêu thích. Món ăn này là thực đơn bữa sáng chủ yếu thường thấy của người dân nơi đây.
Bánh mướt xáo lòng, đặc sản Nghệ An
Bánh mướt xáo lòng, đặc sản Nghệ An

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?