Mặc dù thế giới trải qua 1 năm đầy khó khăn với dịch Covid -19, thế nhưng trong tháng 2 này, chúng ta lại chứng kiến nhiều sự bùng nổ về công nghệ. Bên cạnh đó, những ông lớn như Facebook, Tesla lại có vẻ đang chật vật với những vấn đề liên quan đến dữ liệu và thuế. Hãy cùng Toplist điểm qua 10 sự kiện công nghệ nổi bật trong tháng 2 để rõ hơn nhé.
Hàn Quốc tổ chức triển lãm máy bay không người lái
Từ ngày 24 đến 26-2, triển lãm máy bay không người lái (UAV) lớn nhất Hàn Quốc, Drone Show Korea 2022 đã diễn ra tại thành phố cảng Busan ở đông nam nước này, trưng bày những công nghệ và mô hình mới nhất và đem lại một diễn đàn về tương lai của ngành công nghiệp máy bay không người lái.
Drone Show Korea 2022 do Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng và Bộ Khoa học và công nghệ thông tin, Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và thành phố Busan, Hiệp hội Máy bay không người lái Hàn Quốc và Trung tâm triển lãm Bexco đồng tổ chức với chủ đề "Kết nối bằng máy bay không người lái".
Tại triển lãm, Công ty Korean Air Lines Co sẽ trưng bày máy bay không người lái bay ở độ cao trung bình với sải cánh 26m và nhà thầu quốc phòng LIG Nex1 Co sẽ trưng bày máy bay không người lái vận tải hạng nặng chạy bằng hydrogen có thể chở tới 200kg hàng hóa.
Về phần mình, Tập đoàn Korea Aerospace Industries sẽ giới thiệu các công nghệ di chuyển thế hệ mới, gồm máy bay có thể có người lái hoặc không người lái và các giải pháp vũ trụ ảo. Còn Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc sẽ trình diễn nền tảng máy bay không người lái độc lập. Bên lề triển lãm thương mại, các sự kiện khác nhau cho khách tham quan sẽ được tổ chức gồm chương trình trải nghiệm điều khiển máy bay không người lái, triển lãm nghệ thuật máy bay không người lái và các trò chơi máy bay không người lái.
Trung Quốc thử nghiệm robot nuôi phôi thai trong tử cung nhân tạo
Các nhà khoa học ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc mới đây cho biết họ đã phát triển AI Nanny, một trí thông minh nhân tạo có thể theo dõi và chăm sóc phôi thai phát triển thành bào thai trong một tử cung nhân tạo. Công nghệ này có thể cho phép phụ nữ không cần phải mang thai. Thậm chí phôi thai có thể phát triển an toàn và tốt hơn trong tử cung nhân tạo.
Trước đây, các nhà khoa học phải tự theo dõi và điều chỉnh hoạt động của tử cung nhân tạo này. Nhưng với AI Nanny, hệ thống sẽ theo dõi các phôi thai xuyên suốt bằng các cảm biến, máy ảnh có thể cho ra những bức ảnh vô cùng rõ nét. Hệ thống có thể điều chỉnh nhiệt độ, lượng carbon dioxide, nước và dinh dưỡng theo thời gian thực. Nó cũng có khả năng phát hiện các phôi thai phát triển bất thường hoặc chết để loại bỏ kịp thời.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng hệ thống này có thể giải mã những bí ẩn về sự phát triển của phôi thai người, cũng như đưa ra giải pháp cho các vấn đề về dị tật bẩm sinh hoặc sức khỏe sinh sản khác, như sinh non. Tuy nhiên nó có thể tạo ra nhiều rắc rối, chưa kể các tranh cãi về đạo đức. Nhiều nơi trên thế giới cấm nghiên cứu phôi thai người trên 2 tuần tuổi. Tại Trung Quốc, việc mang thai hộ bị cấm trong khi công nghệ tử cung nhân tạo về cơ bản biến bệnh viện thành người mang thai hộ.
Nghiên cứu đột phá đưa con người tới sao Hỏa trong vòng 45 ngày
Mới đây, các kỹ sư từ Đại học McGill, Montreal (Canada) cho biết họ đã phát triển ý tưởng về một hệ thống đẩy bằng laser-nhiệt có thể thu gọn đáng kể chuyến đi tới sao Hỏa. Trước đó, thời gian tính toán cần thiết cho hành trình lịch sử giữa Trái đất và sao Hỏa quá dài, lên tới 500 ngày.
Theo đó, một mảng laser rộng 10m từ Trái đất sẽ được chiếu vào không gian. Một gương phản xạ sẽ hướng mảng laser này đến buồng đốt được đặt phía sau tàu vũ trụ.
Laser sẽ làm nóng buồng đốt có chứa plasma hydro, nhờ vậy tạo được lực đẩy cực mạnh. Ông Emmanuel Duplay, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết mảng laser ở mặt đất dừng tác động là lúc tàu vũ trụ đã có thể bay ổn định với vận tốc 17km/giây. Khi vào quỹ đạo của sao Hỏa, tàu vẫn giữ được vận tốc di chuyển lên tới 16km/giây. Trong vòng 45 ngày, tàu sẽ đến được sao Hỏa.
Ấn Độ cấm 54 ứng dụng của Trung Quốc vì lo ngại an ninh
Bộ CNTT và điện tử Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm các ứng dụng từ Trung Quốc vì cho rằng các ứng dụng này đang chuyển dữ liệu nhạy cảm của người dân nước này sang các máy chủ ở nước ngoài như Trung Quốc.
Các cửa hàng ứng dụng hàng đầu bao gồm Google Play được yêu cầu chặn tải xuống các app này. Một số thuộc quyền sở hữu của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent, Alibaba với các cái tên nổi bật như: Garena Free Fire, Rise of Kingdoms: Lost Crusade, Beauty Camera, Viva Video Editor.
Nhiều người cho rằng nguồn cơn của động thái này do căng thẳng giữa hai nước láng giềng trong một cuộc tranh chấp biên giới kéo dài. Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 3.488 km dọc theo dãy Himalaya. Sau khi bùng nổ trong một cuộc giao tranh năm 2020, hàng nghìn binh lính, xe tăng và súng pháo của cả hai nước vẫn tập trung ở đây, sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.
Đây không phải lần đầu tiên Ấn Độ có động thái này. Vào năm 2020, nước này đã cấm tổng cộng khoảng 224 ứng dụng Trung Quốc chia ra làm 3 đợt. Đợt 1 diễn ra vào tháng 6 gồm 59 ứng dụng phổ biến bị cấm như TikTok, Shareit, WeChat, Helo, Likee, UC News, Bigo Live, UC Browser, ES File. Explorer và Mi Community. Đợt 2 diễn ra vào tháng 9, gỡ xuống 118 ứng dụng. Đợt cuối cùng vào tháng 11 với 43 ứng dụng.
Facebook và Instagram dọa đóng cửa tại thị trường châu Âu
Meta vừa lên tiếng thừa nhận về khả năng sẽ phải dừng hoạt động của Facebook và Instagram ở các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) nếu không thể xử lý dữ liệu của EU trên các máy chủ đặt tại đây.
Nếu điều này thực sự xảy ra thì không chỉ người dùng tại châu Âu bị ảnh hưởng mà ngay cả hoạt động kinh doanh của chính Meta và của nhiều doanh nghiệp tại châu Âu, dựa vào các quảng cáo và quảng bá sản phẩm thông qua Facebook và Instagram, cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Châu Âu là một trong những thị trường quan trọng nhất của Meta, thu về lợi nhuận 6,8 tỉ USD mỗi năm nhưng nguy cơ này hoàn toàn có thể sẽ xảy ra trong thời gian sớm.
Và nếu như không có thỏa thuận mới nào đạt được giữa Mỹ và châu Âu, Meta sẽ buộc phải loại bỏ phần lớn dữ liệu người dùng tại châu Âu mà họ thu thập được. Bởi nếu không làm theo quy tắc mà cố tình vi phạm việc thu thập dữ liệu người dân châu Âu, Meta có thể bị phạt 4% doanh thu hằng năm, tương đương khoảng 2,8 tỉ USD. Đây quả thực là một cú giáng mạnh cho hãng công nghệ lớn có hàng tỉ người dùng này.
Casper hé lộ hệ sinh thái sản phẩm 2022, ra mắt loạt TV QLED & OLED
Mới đây, trong sự kiện Define a New Norm - Định nghĩa chuẩn mực mới, Casper ra mắt hai mẫu TV QLED & OLED thế hệ mới cùng loạt sản phẩm cho gia đình khác trong một hệ sinh thái công nghệ đầy tiềm năng. Phát biểu trong sự kiện, ông Nguyễn Viết Chung - Tổng giám đốc Casper Việt Nam đã chia sẻ về tầm nhìn công nghệ cũng như những ý tưởng, chiến lược của hãng gắn liền với mục tiêu "Tái định vị Casper": 'Sự kiện ra mắt hai dòng sản phẩm TV QLED & OLED với chất lượng tối ưu đạt chuẩn toàn cầu hóa, Casper ưu tiên tìm giải pháp hiệu quả để thương mại hóa, phổ thông hóa các sản phẩm chất lượng nhất, dịch vụ tốt nhất và công nghệ cao nhất nhằm phục vụ người tiêu dùng Việt '.
Tiêu điểm trong sự kiện phải kể đến dòng TV Casper OLED 2022 vừa được ra mắt. Sở hữu tấm nền công nghệ OLED Pixel Self-dimming, thế hệ TV mới này hứa hẹn sẽ mang đến những khung hình chất lượng cao với ưu thế về khả năng thể hiện chi tiết màu sắc sống động, bắt mắt cùng độ tương phản vô cùng ấn tượng. Bên cạnh đó thiết kế tối giản tinh tế, độ dày chỉ 4.8mm - mỏng hơn bất kỳ chiếc Iphone nào, có thể mang đến cho các gia đình một điểm nhấn nội thất trang nhã, sang trọng.
Trong khuôn khổ sự kiện Define a New Norm, Casper cũng đồng thời trưng bày các dòng sản phẩm điện gia dụng nổi bật. Tất cả các sản phẩm trong hệ sinh thái Casper đều hướng đến một mục tiêu chung, đó là nâng tầm trải nghiệm, đáp ứng tối đa nhu cầu của người sử dụng bằng các công nghệ thông minh tiên tiến với mức giá hợp lý.
Bão mặt trời đánh rớt hàng chục vệ tinh Internet tốc độ cao
Tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX của Mỹ ngày 9-2 thông báo bão từ (hay còn gọi là bão Mặt trời) đã đẩy hơn 40 vệ tinh Internet tốc độ cao của họ chệch khỏi quỹ đạo ngay sau khi được phóng lên. Tuy nhiên, sự cố này ít gây mối đe dọa cho Trái đất khi các vệ tinh bốc cháy trong khí quyển.
Trong thông báo tối 8-2 theo giờ Mỹ (tức sáng 9-2 theo giờ Việt Nam), SpaceX đã xác nhận thông tin này, đồng thời nêu rõ những cơn bão từ làm cho bầu khí quyển ấm lên và mật độ khí quyển ở độ cao triển khai các vệ tinh tầm thấp cũng gia tăng. Trên thực tế, hệ thống định vị vệ tinh GPS tích hợp cho thấy vận tốc và mức độ nghiêm trọng của bão từ đã khiến lực cản trong khí quyển tăng cao hơn 50% so với thời điểm tiến hành các vụ phóng trước đây.
Cũng theo thông báo, 49 vệ tinh mới nhất thuộc mạng lưới vệ tinh Starlink của SpaceX được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida hôm 3-2 vừa qua. Tuy nhiên do thời điểm phóng trùng với khi xảy ra một cơn bão từ theo dự báo của Trung tâm Dự báo thời tiết vũ trụ Mỹ, nên các vệ tinh đã chịu tác động bất lợi một ngày sau đó. Để đối phó với sự cố này, nhóm Starlink đã điều khiển các vệ tinh vào chế độ an toàn, nơi các thiết bị sẽ di chuyển theo chiều dọc giống như một tờ giấy để giảm thiểu lực cản nhằm vượt qua cơn bão một cách tốt nhất.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ra mắt mạng xã hội mới
Ngày 20-2, mạng xã hội Truth Social đã có mặt trên cửa hàng ứng dụng của Apple (App Store), đánh dấu sự trở lại mạng xã hội của cựu tổng thống Donald Trump sau khi tất cả các nền tảng lớn đều quay lưng với ông.
Theo Hãng tin Reuters, ứng dụng Truth Social được phát hành tại Mỹ ngay trước nửa đêm 20-2 và tự động tải về máy những người đã đăng ký trước. Hiện ứng dụng này chưa có sẵn tại Việt Nam, theo thông báo hiện trên App Store khi phóng viên thử truy cập vào đường link tải Truth Social.
Một số người dùng tại Mỹ cho biết họ gặp sự cố khi đăng ký tài khoản hoặc bị thêm vào danh sách chờ với thông báo: "Do nhu cầu lớn, chúng tôi đã đưa bạn vào danh sách chờ của chúng tôi". Phiên bản 1.0 của Truth Social lên kệ App Store ngày 19-2 và hiện đang ở phiên bản 1.0.1, sau khi nhà phát triển sửa một số lỗi trên ứng dụng. Ông Devin Nunes, cựu nghị sĩ Cộng hòa và hiện là người đứng đầu Tập đoàn Truyền thông & công nghệ Trump (TMTG), cho biết các tính năng đầy đủ của Truth Social sẽ được cập nhật trong "vài tuần nữa". Trước mắt mạng xã hội này sẽ tập trung vào thị trường Mỹ, nơi có nhiều người sử dụng thiết bị của Apple và ủng hộ ông Trump.
Triều Tiên tấn công mạng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế
Một dự thảo báo cáo của Liên Hiệp Quốc ghi nhận Triều Tiên đã tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và một nhà thầu quốc phòng quan trọng của Hàn Quốc.
Báo Nikkei Asia của Nhật Bản đã đọc được nội dung dự thảo này vào ngày 7-2. Cụ thể, dự thảo ghi nhận Kimsuky - một nhóm tin tặc được cho là do cơ quan tình báo Triều Tiên hậu thuẫn - chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc tấn công kể trên.
Kimsuky được mô tả là có khả năng dàn dựng các cuộc tấn công bằng cách bắt chước các trang web và ứng dụng phần mềm nổi tiếng để lấy thông tin đăng nhập của nạn nhân.
"Trong một số trường hợp, kẻ gian không chỉ thu thập địa chỉ email của các tổ chức chính phủ, mà còn lấy địa chỉ liên quan đến một nhân viên an ninh tại IAEA", dự thảo viết. Kimsuky cũng bị nghi ngờ âm mưu tấn công các thiết bị mạng của Korea Aerospace Industries - một trong những công ty quốc phòng lớn nhất của Hàn Quốc - để đánh cắp dữ liệu công nghệ. Dự thảo này cũng lưu ý rằng những kẻ tấn công bị phát hiện đã xâm nhập vào mạng của Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc vào tháng 5-2021.
Các địa chỉ IP liên quan đến việc phát động cuộc tấn công được phát hiện có liên kết với Kimsuky. Dự thảo trên được biên soạn bởi một ban chuyên gia của Ủy ban trừng phạt Triều Tiên và dự kiến sẽ được công bố vào đầu tháng 3 tới, sau khi các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tranh luận và điều chỉnh. Bản thân tài liệu này không có tính ràng buộc pháp lý nhưng có thể trở thành tài liệu để Hội đồng Bảo an và các nước thành viên cân nhắc các hình phạt mới đối với Triều Tiên.