Top 5 Tác phẩm hay nhất của nhà văn Quách Lê Anh Khang

Những nhà văn luôn không ngừng cho ra đời những tác phẩm với sức mạnh ngôn từ có thể thấu hiểu được tâm tư tình cảm của cộng đồng những người yêu văn học trẻ. Mỗi nhà văn đều sẽ có những cách rất khác để thu nhỏ những câu chuyện tình ngoài đời thực vào trong chính tác phẩm của mình và nhà văn trẻ Quách Lê Anh Khang là một trong những cây bút tiêu biểu cho điều đó. Với một vốn ngôn từ phong phú, giọng văn dung dị đời thường, bối cảnh chân thật mỗi tác phẩm của nhà văn đều sẽ được mỗi chúng ta đón nhận một cách chân thành nhất với những câu chuyện tình tưởng chừng như đơn giản bình thường nhưng luôn khiến mình phải chặt lòng trăn trở. Hôm nay trong bài viết này hãy cùng chúng tôi nhìn nhận lại chặng đường văn học của nhà văn với những câu chuyện tâm tình ẩn mình trong những dòng thơ con chữ.

Buồn làm sao buông

"Buồn làm sao buông" sáng tác năm 2014 là một trong những tập tản văn thành công nhất của cây bút đa tài khi liên tục đứng đầu bảng xếp hạng những tác phẩm được bán chạy nhất trên trang sách Tiki.vn. Nếu để nhận xét về tác phẩm này dưới góc nhìn cá nhân thì chỉ có duy nhất một từ là xuất sắc, tác phẩm dành riêng cho những cung bậc cảm xúc đa màu trong những mối quan hệ không thể định nghĩa nổi thành tên.
Có rất nhiều thứ sẽ khiến chúng ta phải nghĩ suy trăn trở sau khi đọc tác phẩm này. Đó có thể là câu chuyện của hai con người giữa những ngày thành phố buồn vì nỗi cô đơn, của những ngày Sài Gòn vội vã để lạc mất nhau, là bức thư tay ta gửi cho chính mình của nhiều năm về sau nữa, là bài học của những kẻ trưởng thành đang lòng vòng để rồi lạc mất nhau. Cuốn sách không phải là câu chuyện của một người nó là một Sài Gòn thu nhỏ, là thành phố của 9 triệu con người là những cảm xúc không ai có thể gọi thành tên. Có thể nói "Buồn làm sao buông" của Anh Khang đã tạo ra được hiệu ứng cảm xúc cho người đọc khi trả lời cho những nỗi vòng vo không thể nói thành lời, hạnh phúc thực sự nhiều khi chỉ là giữa một ngày bận rộn mình tìm được một chốn nghỉ chân bên quán cà phê vắng người, được trở về nhà để gọi tên những thân thương, được lê la hè phố với những cảm xúc đã ngủ yên trong lòng.
Nếu bạn đang đứng giữa những ngã bảy ngã ba lòng vòng thành phố thì hãy có thể tìm cho mình cuốn sách này để ru lòng mình với những dại khờ trong tuổi thanh xuân.
Buồn làm sao buông

Ngày trôi về phía cũ

Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2012, là tập tản văn đầu tiên đã đưa anh đến gần hơn với cộng đồng văn học trẻ. Trong "Ngày trôi về phía cũ" chúng ta có thể bắt gặp những ngày rất buồn của những điều nhung nhớ lẩn quẩn ngổn ngang với hai từ "đã cũ". Cảm xúc chính trong tập tản văn là những nỗi buồn len lén mênh mang, có rất nhiều điều khiến tim đau nhưng bao giờ cũng muốn một lần nhớ lại, ngày cũ của chúng ta là những tháng năm thương nhau đến miệt mài, là lưng chừng của nỗi niềm thương thương nhớ nhớ. Cuốn sách không viết để dành riêng cho những ai lầm lỡ, mà là câu chuyện viết cho tất cả mọi người, đã yêu, chưa yêu, hay vừa mới dang dở cung đường. Bởi vì những câu chuyện trong cuốn sách đến từ những điều rất tự nhiên nên thành thử ai đọc qua cũng như thấy chính mình trong đó. Cảm xúc vì thế mà tự nhiên đọng lại trong trái tim của mỗi người kết thành những nỗi niềm riêng chỉ có những ngôn từ mới thấu. Hãy một lần đọc những câu chuyện của nhà văn bởi biết đâu đó bạn sẽ tìm thấy chính mình trong "Ngày anh bảo em quên" hay "Tình nhân họ nói với nhau những điều nông cạn lắm".
Ngày trôi về phía cũ

Thương mấy cũng là người dưng

Có những con người đã cùng nhau đi một quãng đường dài vẫn không thể một lần tay nắm lấy bàn tay, có những mối quan hệ tưởng như rất gần mà vẫn không thể cùng nhau đi thêm một chặng đường thương nhớ. Có quan trọng thế nào, nhung nhớ ra sao thì cuối cùng ta vẫn gọi tên nhau như những người dưng giữa hai thành phố mỗi độ giao mùa. "Thương mấy cũng là người dưng" sáng tác năm 2016 là câu chuyện nhà văn muốn trấn an cho những ai đã từng đi qua đổ vỡ một lần. Mỗi một nỗi buồn trong đó đều như chỉ nhắc chúng ta phải nhớ rằng dẫu cho có đau khổ như thế nào, vấp ngã ra sao cũng chỉ là để chúng ta trưởng thành hơn những ngày xưa cũ. Chuyện tình nào rồi cũng sẽ qua đi chỉ là cách chúng ta chấp nhận sẽ còn lại gì sau những ngày thân thương ấy, bởi suy cho cùng tình cảm dù có lớn lao thế nào cũng chỉ là cảm xúc ta trao gửi cho một người dưng, người trẻ cần phải lắng nghe để trưởng thành để chín chắn và chấp nhận những vấp ngã lẫn nỗi đau. Bởi có đau như thế nào cũng không ai ngoài chính bản thân mình thấu hiểu.
Thương mấy cũng là người dưng

Đường hai ngã người thương thành lạ

Nhung nhớ, lãng mạn, tha thiết mênh mang là những cảm xúc đầu tiên với những ai đã một lần đọc những câu chuyện trong "Đường hai ngã người thương thành lạ" sáng tác năm 2013. Nếu như những tản văn trước nhà văn mượn chuyện của mình để giải bày rồi tìm người trút bầu tâm sự thì ở lần này tác giả lại dùng ngôn từ để kể chuyện lòng thiên hạ, 11 câu chuyện trong tác phẩm đều mang những nỗi buồn đau tới tận tim, những nỗi cô đơn của hai kẻ trưởng thành đi hết một vòng rồi vẫn nhìn nhau như chưa một lần quen biết. Đọc tác phẩm chúng ta dường như không tránh khỏi phải thốt lên rằng "đây là câu chuyện của chính mình, là ngọt ngào của chuyện tình mình trong đó". Nhưng dù là nhà văn lấy chuyện "người ta" để nói chuyện của mình thì những cảm xúc trong tác phẩm vẫn là chân thực nhất. Mọi thứ đến với người đọc một cách rất tự nhiên rất chân thành dễ đồng điệu dễ rung cảm với chính những nhân vật trong đó.
Đường hai ngã người thương thành lạ

Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em

Tùy bút "Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em" sáng tác năm 2015 có lẽ là một cuốn sách khác biệt nhất trong chuỗi những tác phẩm ghi dấu ấn mạnh mẽ của nhà văn. Trong tác phẩm người ta nhìn thấy một thành phố rất thân thuộc giản dị sau những cái lấp lánh của của những miền đất lạ dù ở đâu nhà văn vẫn yêu nhất mùi hương quen thuộc của thành phố mỗi độ đèn, yêu những cung đường băng ngang nỗi nhớ yêu những con phố nuôi lớn sự trưởng thành. Dù rằng những nơi khác có thể xa hoa hay lộng lẫy nhưng Sài Gòn thì vẫn luôn đặc biệt nhất trong tim của một người bởi tình yêu, bởi những sự chân thành và bởi vì ở đó có... em. Trải qua ba phần của tác phẩm là để lại những cung bậc cảm xúc rất khác nhau, hồi hộp thích thú mong chờ cũng có, lãng mạn ngọt ngào cũng có, tất cả đều đến từ sự chân thành mộc mạc và thân thương.
Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?