Top 5 Tác phẩm hay nhất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Những thi phẩm của ông để lại đã, đang và sẽ là những món ăn tinh thần vô cùng lớn lao và có ý nghĩa với độc giả, khán giả. Rất nhiều vở kịch của ông được công diễn thành công trên những sân khấu lớn nhỏ. Sau đây là những vở kịch bất hủ khi người ta nhắc đến Lưu Quang Vũ.

Mùa hạ cuối cùng

Vở kịch là những suy tư, trăn trở, kỉ niệm một thời khó quên của tuổi học trò, một thời niên thiếu không dễ quên của mỗi con người. Tác phẩm là tiếng nói, là mong muốn, ước mơ của những thế hệ trẻ tham gia xây dựng đất nước với mong muốn đem lại những điều hữu ích, tuyệt vời cho đất nước, trở thành những người công dân có ích và có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với xã hội. Vấn đề giáo dục được đặt lên hàng đầu khiến cho vở kịch có tính giáo dục và mang tính thời đại rất lớn, thu hút rất nhiều các bậc cha mẹ và con cái đón xem trong những lần công diễn.


Mùa hạ cuối cùng là câu chuyện của chính mỗi chúng ta. Tác phẩm này đặt ra câu hỏi: Làm sao để chúng ta có thể nâng đỡ những con người trẻ tuổi trong những bước đầu đời với biết bao ước mơ cao đẹp và sự trung thực, thánh thiện? Bởi thế Mùa hạ cuối cùng đặt trọng tâm về vấn đề giáo dục con người bằng niềm tin. Và dù có thế nào chăng nữa, tác phẩm này của Lưu Quang Vũ vẫn nhằm ca ngợi tình thầy trò và cả niềm trăn trở trước căn bệnh thành tích trong các nhà trường. Quan trọng hơn, Mùa hạ cuối cùng muốn đánh thức trong tâm hồn những người trẻ sự bình tĩnh, tỉnh táo, can đảm và cả lòng vị tha để hướng tới một xã hội văn minh, tươi đẹp!


Ra đời cách đây hơn 30 năm và đã được dàn dựng từ ngày mới “ra lò”, nhưng đến nay Mùa hạ cuối cùng do Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại vẫn khiến khán giả nhiều thế hệ dạt dào cảm xúc, phải động lòng suy nghĩ. Mùa hạ cuối cùng dịp này có sự kết hợp giữa sân khấu và điện ảnh để phù hợp với bối cảnh hiện đại, song không vì thế mà làm nhạt thông điệp của nhà viết kịch họ Lưu

Mùa hạ cuối cùng
Vở kịch Mùa hạ cuối cùng trên sân khấu nhà hát kịch Việt Nam
Vở kịch Mùa hạ cuối cùng trên sân khấu nhà hát kịch Việt Nam

Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Hồn Trương Ba da hàng thịt là tích truyện dân gian vốn lưu truyền hàng ngàn năm nay, kể về Trương Ba, một kỳ thủ đến thần tiên cũng phải chào thua, do sơ suất của các vị thần tiên trên trời mà phải chịu chết dù chưa đến hạn. Để cứu vãn sai lầm, họ đã quyết định cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới qua đời, từ đó hồn Trương Ba sống trong xác anh hàng thịt đã gây ra biết bao cảnh trớ trêu, bi hài. Năm 1981, Lưu Quang Vũ bắt tay vào viết vở kịch "Hồn Trương Ba da hàng thịt".


Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành công một tác phẩm kịch nói hiện đại và lồng vào trong đó rất nhiều những triết lí nhân văn, đạo đức sâu xa về con người, về cuộc đời, về sự sống và cái chết. Đây được xem như tiết mục kịch đặc sắc nhất của nhà viết kịch tài ba này. Rất nhiều những sân khấu kịch lớn nhỏ tại Việt Nam diễn vở kịch và trong khuôn khổ nhà trường, rất nhiều trường cấp 3, đại học diễn lại vở kịch với sự ngưỡng mộ và yêu quý tác giả cũng như bộ môn kịch Việt Nam.


"Không chỉ có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người trong vở kịch nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Hạnh phúc là khi con người được sống thật với chính mình, không bị ép buộc phải sống theo ý chí của người khác. Đó là điều cốt lõi mà vở kịch "Hồn Trương Ba da hàng thịt" muốn nói.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông
Tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông

Bệnh sĩ

Bệnh sĩ là tác phẩm sân khấu cuối cùng của tác giả Lưu Quang Vũ. Vở kịch là một trong những tác phẩm hài kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ nói về bối cảnh xã hội 26 năm trước đây với những vấn đề mang nhiều ý nghĩa xã hội và cuộc sống mà đến ngày nay người ta còn thấy thấm nhuần. Vở kịch là lời phê phán một kẻ có tính "sĩ diện hão", nói rộng ra là phê phán những con người trong xã hội lúc đó thời bao cấp.


Dù có nhiều yếu tố hài hước, gây cười, Bệnh sĩ cũng mang những đặc điểm giống các vở kịch khác của Lưu Quang Vũ. Các nhân vật trong kịch của ông đều không có người xấu, ý nghĩa kịch luôn mang thông điệp về sự trung thực, đạo đức, nhân cách, điều cao đẹp ở đời.

Năm 1988, Nhà hát Kịch Việt Nam từng dàn dựng thành công vở Bệnh sĩ, do NSND Đình Quang làm đạo diễn, được khán giả thời đó đón nhận. Sau hơn 20 năm, Bệnh sĩ quay lại sân khấu thủ đô qua sự dàn dựng của NSƯT Tuấn Hải, và sự cố vấn nghệ thuật của NSND Đình Quang. Vở kịch quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như Xuân Bắc, Phú Đôn, Tuấn Hải, Ngân Hoa...


Với sự diễn xuất hài hước, hóm hỉnh theo lối hài kịch, tác phẩm thu hút rất nhiều sự đón đợi của khán giả nhưng ẩn sau đó là cả một bức thông điệp còn nguyên giá trị mà Lưu Quang Vũ gửi gắm.

Bệnh sĩ
Giới thiệu vở kịch Bệnh sĩ
Giới thiệu vở kịch Bệnh sĩ

Nàng Sita

Ngay từ khi ra mắt khán giả vào năm 1983, vở chèo cách tân “Nàng Sita” của hai cha con kịch gia nổi tiếng Lưu Quang Thuận- Lưu Quang Vũ, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã trở thành hiện tượng với khán giả.

Mối tình đẹp và bi thương của nàng Sita và hoàng tử Pơ Liêm do nghệ sĩ Lâm Bằng và Quốc Chiêm hóa thân ngày đó khiến hàng triệu khán giả xúc động. Gương mặt điển trai, lãng tử cùng giọng hát chèo ngọt lịm của Quốc Chiêm đã hút hồn bao khán giả nữ. Hàng ngàn khán giả nam cũng mê mẩn trước vẻ đẹp đằm thắm và diễn xuất đầy cảm xúc của “nàng Sita” Lâm Bằng…


Trong số các kịch bản dựa trên tích truyện dân gian, vở Nàng Sita có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp sân khấu của Lưu Quang Vũ. Đây là kịch bản có sự cộng tác của hai cha con nhà viết kịch. Và cũng là những định hướng có tính chất gợi mở để Lưu Quang Vũ tiếp tục đi sâu khai thác mảng kịch này. Lấy chất liệu từ câu chuyện cổ tích của dân tộc Campuchia, nhà viết chèo Lưu Quang Thuận đã sáng tác vở Nàng Sita. Cái chết đột ngột khiến cho ông không kịp thực hiện tác phẩm của mình. Một thời gian ngắn sau khi cha mất (1/1981), Lưu Quang Vũ đã hoàn thành kịch bản Nàng Sita. Viết xong kịch bản còn dở dang của cha với một tốc độ nhanh chóng lạ thường, Lưu Quang Vũ đã báo hiếu cha một cách xứng đáng.


Vở chèo đề cao tình yêu chung thủy, đức hi sinh và khát vọng làm người. Mặc dù vở chèo được dàn dựng cách đây khá lâu nhưng trên sân khấu ngày nay, nó vẫn phù hợp với thời đại bởi ý nghĩa vở kịch và sức sống lâu bền của nó đối với những người yêu thích bộ môn kịch nói Việt Nam. Đây cũng được xem là vở kịch thành công vang dội khi mỗi lần công chiếu, nhà hát kịch Hà Nội đều đông chật kín khán giả. Điều đó cho thấy được tài năng và sự xuất chúng trong nghệ thuật viết kịch của Lưu Quang Vũ.

Nàng Sita
Poster giới thiệu của vở kịch
Poster giới thiệu của vở kịch "Nàng Sita"

Lời thề thứ 9

Lời thề thứ 9 cũng là một trong những tác phẩm kịch thành công vang dội của Lưu Quang Vũ. Đây là vở kịch được công diễn khắp cả nước. Đây cũng là vở kịch đem lại nhiều thắng lợi huy chương cho những nghệ sĩ diễn vở kịch này. Cách đây 30 năm nhưng vở kịch vẫn được giới chuyên môn và khán giả khẳng định nó vẫn vẹn nguyên giá trị ban đầu. Nó nói đến vấn đề nhức nhối đến tận bây giờ là vấn đề thời sự nóng hổi chống tham nhũng, tiêu cực, đút lót. Vở kịch cũng nói lên những trăn trở, suy tư của những người dân với những bậc chính quyền cấp trên về những vấn đề bức xúc trong cách giải quyết vấn đề.


Vậy nên, vở diễn dù căng từng giây, dù có những lúc nghẹt thở, nhưng cũng không làm người xem bi quan; vẫn khiến người xem ra khỏi rạp với những cảm xúc khá lạc quan, rằng vẫn còn rất nhiều người tốt đẹp xung quanh mình, rằng vẫn còn đó tình đồng đội, tình làng nghĩa xóm... để giúp nhau vượt qua hoạn nạn.


Lời thề thứ 9 được Lưu Quang Vũ sáng tác năm 1986. Nhà hát Tuổi trẻ công diễn lần đầu năm 1988, với thế hệ diễn viên như NSƯT Đức Trung, Chí Trung, Anh Tú, dưới sự dàn dựng của đạo diễn Xuân Huyền. Năm 2012, tác phẩm được phục dựng. Tác phẩm nhiều lần được diễn lại trong những dịp đặc biệt.

Lời thề thứ 9
Poster giới thiệu của vở kịch Lời thề thứ 9
Poster giới thiệu của vở kịch Lời thề thứ 9

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?