Tố Hữu là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Chặng đường thơ của Tố Hữu là chặng đường lịch sử của cả một dân tộc. Ông được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Chúng ta hãy cùng xem đâu là những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông nhé!
Bài thơ "Mẹ Tơm"
Bài thơ "Mẹ Tơm" được trích trong tập thơ "Gió lộng", được sáng tác sau chuyến thăm của tác giả về quê mẹ Tơm năm 1961 và cũng là bài thơ kết thúc tập thơ này. Bài thơ thể hiện lòng biết ơn của nhà thơ đối với mẹ và cho thấy được sự vĩ đại của những bà mẹ Việt Nam thời kháng chiến.
Bài thơ "Mẹ Tơm" cũng được tác giả viết với dòng cảm xúc cao quý và gửi gắm lòng biết ơn người mẹ đã nuôi dưỡng nhà thơ trong những ngày vượt ngục. Từ đó cho thấy được để có được cuộc sống như ngày hôm nay chính là sự góp sức to lớn của hậu phương vững chắc như mẹ Tơm.
Tập thơ "Gió lộng"
Tập thơ "Gió lộng" được Tố Hữu sáng tác trong 6 năm từ 1955 - 1961, viết trong thời kì đất nước đang tập trung vào hai nhiệm vụ quan trọng: xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ Nguỵ, thống nhất đất nước ở miền Nam. Tập thơ gồm 25 bài thơ, tiêu biểu như: "Người con gái Việt Nam", "Tiếng chổi tre",... được khai thác từ những nguồn cảm hứng lớn, cũng là những tình cảm bao trùm trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam đương thời với niềm vui, niềm tự hào, tin tưởng ở công cuộc xây dựng đời sống mới theo chế độ xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, tình cảm với miền Nam và quyết tâm thống nhất Tổ quốc. Tập thơ mang đậm cảm hứng lãng mạn cùng khuynh hướng sử thi và thể hiện một cái tôi công dân.
Bài thơ "Việt Bắc"
Bài thơ "Việt Bắc" được trích trong tập thơ cùng tên của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ được sáng tác năm 1954 nhân sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung ương Đảng, cán bộ, bộ đội rời Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Trong không khí chia tay đầy nhớ thương lưu luyến giữa nhân dân Việt Bắc và những người cán bộ cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ "Việt Bắc".
Đoạn trích bài thơ "Việt Bắc" miêu tả cuộc chia li đầy thương nhớ lưu luyến giữa Việt Bắc và những người cán bộ kháng chiến và gợi lại những kỉ niệm kháng chiến anh hùng mà đầy tình nghĩa. Cuộc chia li giữa nhân dân Việt Bắc và những người chiến sĩ cách mạng như là cuộc chia tay của một đôi bạn tình đầy bịn rịn, nhớ nhung, lưu luyến.
Bài thơ "Hoan hô chiến sĩ điện biên"
Bài thơ "Hoan hô chiến sĩ điện Biên" của Tố Hữu được sáng tác vào tháng 5 - 1954, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" là một bài thơ khỏe, cuồn cuộn sức sống với âm hưởng hùng tráng, sảng khoái, chủ động, tung hoành trên nhiều cung bậc.
Bài thơ gần 100 câu, quy mô tương đối lớn. Có thể nói bài thơ là một trong những tác phẩm đỉnh cao của Tố Hữu. Ông đã nhạy bén đi thẳng vào một đề tài thời sự, viết một cách tự nhiên, thoải mái, vừa sôi nổi, vừa súc tích, kết hợp được hồn thơ trữ tình vốn có với bút pháp chính luận và tạo hình đặc sắc.
Bài thơ "Mẹ Suốt"
Bài thơ "Mẹ Suốt" được sáng tác vào tháng 11 năm 1965. Ngay sau khi ra đời, bài thơ được đăng trên Báo nhân dân và đã trở nên quen thuộc với công chúng, đặc biệt với hình ảnh bà mẹ Nguyễn Thị Suốt. Mẹ Suốt đã trở thành đề tài xúc động cho biết bao tác phẩm văn học - nghệ thuật, về một người phụ nữ, một người mẹ chỉ với mái chèo và trái tim yêu nước, thương nhà mà quyết sống mái với quân thù. Hình ảnh mẹ Suốt sống mãi trong lòng nhân dân Quảng Bình và nhân dân cả nước. Bến đò mẹ chèo năm xưa nay đã trở thành một di tích lịch sử tiêu biểu ở Quảng Bình trong thời kỳ chống Mỹ với tên gọi thân thương, kính trọng: Bến đò mẹ Suốt.
Bài thơ "Theo chân Bác"
"Theo chân Bác" là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Tố Hữu, cũng là một trong những bài thơ hay nhất trong hàng ngàn bài thơ ngợi ca Hồ Chủ tịch. Đúng như tên gọi, từng câu thơ đi theo từng bước chân của Bác trong cuộc đời đầy những thử thách, gian lao, trong sự nghiệp vĩ đại, trong quyết tâm, ý chí sắt đá và tình yêu thương vô bờ bến...Từng câu thơ, từng lời thơ vừa cho người đọc thấy được cuộc đời và sự nghiệp của Bác, luôn hết lòng vì dân vì nước, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mỗi khi đọc bài thơ chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nghẹn ngào, xúc động, một tình cảm bao la dành cho người cha già vĩ đại.
Tập thơ "Việt Bắc"
Tập thơ "Việt Bắc" được xuất bản lần đầu vào năm 1954, hầu hết trong đó là các bài thơ sáng tác trong những năm kháng chiến chống Pháp. Tập thơ gồm 24 bài (trong đó có 6 bài dịch và 3 bài sáng tác năm 1954) với bài đầu tiên là "Cá nước", sáng tác năm 1947, và kết thúc với bài "Lại về". Nhiều tác giả văn học đã coi tập thơ Việt Bắc là tập hùng ca kháng chiến toàn dân trong tám năm ròng rã chống bọn xâm lăng.
Tập thơ đã phản ánh chân thực con đường chiến đấu gian lao và sự trưởng thành của dân tộc Việt Nam qua những dấu ấn, hình ảnh về cuộc kháng chiến. Tập thơ đánh dấu một bước phát triển của thơ Tố Hữu về giọng điệu, ngôn ngữ. Chất dân tộc đậm đà trong thi liệu bình dị, thể thơ quen thuộc. Tập thơ "Việt Bắc" được tặng giải nhất về thơ của Giải thưởng văn học giai đoạn 1954-1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam.
Bài thơ "Bác ơi!"
Đã có rất nhiều bài thơ viết về Bác nhưng có lẽ "Bác ơi!" của Tố Hữu là tác phẩm thành công nhất. Bài thơ được viết sau khi Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi mãi mãi, để lại nỗi đau thương khôn xiết cho dân tộc Việt Nam. Nhân sự kiện đau thương này, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ "Bác ơi!" trong nỗi đau đớn vô tận.
Bài thơ như một tiếng khóc tiễn biệt, một “điếu văn bi hùng” bằng thơ. Thông qua tiếng khóc đau xót, bài thơ đã khắc họa hình tượng Bác Hồ. Một con người sống có lí tưởng cao cả, giàu tình nhân ái, ân nghĩa, sống khiêm tốn, giản dị và quên mình.
Đồng thời bài thơ còn là sự bày tỏ tình cảm của mọi người Việt Nam trước sự ra đi của Bác. Tố Hữu cất lên tiếng thơ bi hùng tràn đầy nỗi đau xót, tiếc thương vô hạn trước sự kiện Bác Hồ qua đời nhưng cũng rất tự hào. Trong niềm đau thương lớn, nhà thơ đã cảm nhận chính xác và thấu hiểu phẩm chất cao cả, tuyệt vời của Bác Hồ. Bài thơ khép lại bằng cảm nghĩ của con người Việt Nam trước sự ra đi của Bác.
Tập thơ "Từ ấy"
Tập thơ "Từ ấy" là tập thơ đầu tay của Tố Hữu, được sáng tác trong khoảng 10 năm kéo dài từ 1937 đến 1946. "Từ ấy" phản ánh quá trình giác ngộ và trưởng thành của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. Tập thơ gồm 71 bài thơ được chia thành ba phần tương ứng với ba giai đoạn lịch sử.
- "Máu lửa" gồm 27 bài, là thơ của thời kì Mặt trận Dân chủ, tập trung vào những vấn đề lớn của thời đại như chống phát xít, phong kiến, đòi hoà bình, cơm áo, vấn đề sống của con người và cách mạng giải phóng dân tộc.
- "Xiềng xích" gồm 30 bài, được viết trong tù, thể hiện nỗi đau, ý chí và khí phách của người chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù.
- "Giải phóng" gồm 14 bài, viết từ lúc vượt ngục đến một năm sau ngày độc lập, chủ yếu ngợi ca lí tưởng, quyết tâm đánh đuổi giặc, cứu nước và niềm vui chiến thắng.
Từ ấy đã trở thành một trong những thành tựu của văn học cách mạng Việt Nam. Tố Hữu đã kết hợp được giữa nghệ thuật và cách mạng, giữa người chiến sĩ và thi sĩ, góp phần vào tiến trình đổi mới thi ca hiện đại Việt Nam.
Bài thơ "Từ ấy"
Tố Hữu là lá cờ đầu của phong trào thơ cách mạng Việt Nam với những tác phẩm tự sự dạt dào tình cảm. "Từ ấy" là một trong những bài thơ trong tập thơ cùng tên sáng tác năm 1938, đánh dấu sự trưởng thành của người thanh niên cách mạng. Bài thơ chính là niềm hạnh phúc, sự tự hào của tác giả khi được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Từ ấy” là một từ chỉ thời gian đánh dấu bước ngoặc có ý nghĩa lớn trong cuộc đời của người thanh niên cách mạng, đánh dấu sự trưởng thành, lớn lên về tâm hồn cũng như lý tưởng cách mạng. Giây phút ấy khiến cho tác giả nghẹn ngào, dường như không nói được nên lời, chỉ có thể dồn trong hai từ “từ ấy”.