Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng. Khi mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ các thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo ra năng lượng, lâu dần gây nên hiện tượng tăng dần lượng đường tích tụ trong máu. Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Vậy triệu chứng của bệnh tiểu đường là gì? thì mời bạn cùng Toplist khám phá ngay câu trả lời ở bài viết dưới đây nhé.
Mảng da xỉn màu (nếp gấp)
Làn da, cơ quan lớn nhất của cơ thể chính là một hệ thống cảnh báo sớm tuyệt vời cho mọi chứng bệnh. Thông thường, những biểu hiện trên da sẽ cho chúng ta biết các căn bệnh thường gặp. Nếu da có nhiều nếp nhăn sâu, hãy cảnh giác, bạn có nguy cơ cao bị gãy xương. Nếu da xuất hiện những mảng sẫm mượt, đó có thể dấu hiệu của tiểu đường.
Bệnh gai đen (canthosis nigricans) là tình trạng da bị biến đổi màu sắc thành màu sẫm, thường xuất hiện tại các nếp nhăn và nếp gấp trên da xung quanh háng, nách và cổ. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của tiểu đường típ 2 - căn bệnh có liên quan tới hàm lượng hormon insulin tăng cao (sự lưu thông insulin dư thừa trong máu có thể gây ra sự tăng trưởng bất thường trong tế bào da). Các bác sĩ da liễu đôi khi có thể chẩn đoán bệnh gai đen bằng cách quan sát da bạn. Bước tiếp theo bạn nên đi khám nội khoa để sàng lọc bệnh tiểu đường. Nếu kết quả là dương tính, bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ dẫn cần thiết về thay đổi lối sống và dùng thuốc để kiểm soát bệnh.
Nhìn mờ
Bệnh tiểu đường là một loại bệnh lý chuyển hóa phức tạp, trong đó cơ thể bạn có thể sản xuất insulin, không sản xuất đủ insulin, hoặc đơn giản là có thể sử dụng nó một cách hiệu quả. Tất cả các tế bào cơ thể của bạn cần đường (glucose) để hoạt động. Insulin giúp phá vỡ và cung cấp đường cho các tế bào trên khắp cơ thể của bạn.
Nồng độ đường sẽ tích tụ trong máu nếu bạn không có đủ insulin để phá vỡ nó thì đó là hiện tượng tăng đường huyết. Tăng đường huyết có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả mắt của bạn. Lượng đường trong máu cao làm cho thủy tinh thể của mắt bị sưng, làm thay đổi khả năng nhìn của bạn
Nhìn mờ thường là một trong những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của bệnh tiểu đường. Tầm nhìn của bạn có thể bị mờ vì chất lỏng đang rò rỉ vào ống kính của mắt bạn. Điều này làm cho ống kính sưng lên và thay đổi hình dạng. Những thay đổi đó khiến mắt bạn khó tập trung, vì vậy mọi thứ bắt đầu trông mờ nhạt. Để điều chỉnh loại mờ mắt này, bạn cần đưa lượng đường trong máu trở lại phạm vi mục tiêu. Đối với nhiều người, đây có thể là từ 70 mg / dL đến 130 mg / dL trước bữa ăn và dưới 180 mg / dL một đến hai giờ sau khi bắt đầu bữa ăn. Tuy nhiên, biến chứng mờ mắt cũng có thể là một triệu chứng của các vấn đề nghiêm trọng hơn về mắt. Nếu cảm thấy tầm nhìn của bạn bị hạn chế, mờ đi, bạn nên đến ngay các cơ sở ý tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị nhanh chóng.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đã đưa ra một vài hướng dẫn chăm sóc mắt cho những người mắc bệnh tiểu đường. Người lớn mắc bệnh tiểu đường loại 1 nên đi kiểm tra mắt giãn hoàn toàn trong vòng 5 năm sau khi chẩn đoán. Người lớn mắc bệnh tiểu đường loại 2 nên được kiểm tra mắt hoàn chỉnh ngay sau khi được chẩn đoán. Hãy đi khám mắt giãn nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai.
Mờ mắt thường xảy ra sớm nếu người mắc bệnh tiểu đường không được phát hiện và điều trị. Khi lượng đường trong máu cao, gây dịch chuyển thủy tinh thể của mắt. Tuy nhiên hiện tượng này sẽ tự khỏi khi lượng đường trong máu trở về mức bình thường.
Sụt cân bất thường
Trong thực tế cân nặng của bạn được xác định bởi một số yếu tố bao gồm tuổi tác lượng calo của bạn và sức khỏe tổng thể. Khi bạn đến tuổi trung niên, cân nặng của bạn sẽ duy trì tương đối ổn định từ năm này sang năm khác. Giảm hoặc tăng một vài cân có thể là hiện tượng bình thường và rất dễ nhận biết nếu bạn không có ý định chủ động giảm cân. Nhưng giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân thì rất có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Ở những người mắc bệnh tiểu đường, insulin không đủ sẽ ngăn cản cơ thể lấy glucose từ máu vào tế bào của cơ thể để sử dụng làm năng lượng. Do đó khi cơ thể thiếu insulin thì cơ thể phải bắt đầu đốt cháy chất béo và cơ bắp để lấy năng lượng làm giảm trọng lượng tổng thể của cơ thể. Giảm cân đột ngột thường được thấy ở những người trước khi chẩn đoán bệnh tiểu đường typ1 hơn typ2.
Cơ thể chúng ta giống như một cỗ máy vậy – cơ thể cần nhiên liệu để hoạt động. Và nhiên liệu chính cho cơ thể chính là đường (glucose). Sụt cân do mất nhiều đường glucose qua nước tiểu. Đái tháo đường khiến cơ thể không thể chuyển hóa năng lượng từ thức ăn, nó buộc phải lấy năng lượng từ mỡ và các cơ. Thiếu insulin dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ, tăng quá trình tiêu protein, tiêu mỡ tất yếu sẽ dẫn đến sụt cân. Trong trường hợp này, bạn nhớ kiểm tra cơ thể tổng quát liền nhé.
Thường xuyên cảm thấy đói
Đói thường xuyên có thể là triệu chứng của bệnh. Chứng thèm ăn hoặc đói dữ dội cũng là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường. Đói là do đường trong máu của bạn quá cao hoặc quá thấp. Đầu tiên, đói thường xuyên là một dấu hiệu cổ điển của bệnh tiểu đường. Bệnh xảy ra do hậu quả của lượng đường trong máu rất cao và thường đi kèm với các triệu chứng khác, như khát nước quá mức, giảm cân và mệt mỏi.
Đường đảm nhiệm chức năng nuôi tế bào trong cơ thể, khi các tế bào không thể hấp thụ đường do thiếu insulin, cơ thể bạn sẽ phát tín hiệu cần thêm đường để nuôi tế bào, từ đó sinh ra các cơn đói cồn cào trong ruột. Vì vậy người mắc bệnh tiểu đường lúc nào cũng cảm thấy thèm ăn.
Hay khát nước
Bạn khát nước và uống nước khá nhiều nhưng cảm giác khát nước vẫn còn. Vì sao lại như thế? Đó là do khi lượng đường trong máu bạn tăng cao, cơ thể bạn sẽ tự động tách phần nước có trong các tế bào rồi bơm trực tiếp vào máu để pha loãng lượng đường bị dư.
Các tế bào lúc này thiếu nước sẽ kích thích não gây nên cảm giác khát nước không ngừng nghỉ. Kèm theo việc đi tiểu nhiều dẫn đến khát nước, cơ thể bạn lúc đó cần lượng nước để bù lại phần nước đã mất đi.
Khi bị khát nước nhiều, nên đi khám chuyên khoa thận – tiết niệu, khám nội tiết, làm các xét nghiệm máu cần thiết để tìm đúng nguyên nhân gây khát. Đừng chủ quan, vì cơn khát kéo dài nhiều ngày dù đã uống đủ lượng nước cần thiết là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị sớm và tích cực hậu quả sẽ khó lường.
Vết thương lâu lành
Tất cả mọi vết thương trên cơ thể chúng ta đều cần một khoảng thời gian nhất định để chữa lành. Đối với vết thương nhẹ thường sẽ liền thương rất nhanh chóng. Trường hợp vết thương lâu lành càng ngày càng đau kèm một số biến chứng như xuất hiện vạch đỏ, bưng mủ, cơ thể mệt mỏi nóng sốt kéo dài,… đó là dấu hiệu báo động của cơ thể mà bạn không nên chủ quan, trong đó có nguy cơ tiểu đường.
Lý do người bị tiểu đường thường khó lành vết thương hơn những người khác là do đường máu tăng cao, làm lượng máu lưu thông kém. Bên cạnh tác động đến hệ tuần hoàn, bệnh tiểu đường còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, cũng góp phần làm người bệnh khó lành các vết nhiễm trùng hoặc vết thương.
Đối với người bệnh bị đái tháo đường thì lượng đường huyết tăng cao sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và tuần hoàn máu. Tình trạng này sẽ khiến vết thương lâu lành hơn. Ngoài ra, những người bị tiểu đường thường dây thần kinh sẽ bị ảnh hưởng, cho nên khó nhận biết cảm giác bị đau khi có vết thương và không chăm sóc kỹ mô da hư tổn thì rất dễ làm vết thương lâu lành.
Đi tiểu thường xuyên
Dấu hiệu sớm của đái tháo đường týp 1 và type 2 là đi tiểu nhiều; tiểu nhiều cũng xảy ra khi bệnh đái tháo đường đã biến chứng trên thần kinh kiểm soát bàng quang. Thường xuyên hoặc đi tiểu nhiều lần là một dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu của bạn cao, nó đã xâm nhập cả vào đường tiết niệu.
Thận không thể hoạt động nhịp nhàng nếu lượng đường trong cơ thể quá cao, nếu hàm lượng glucose trong nước tiểu cao, nó sẽ phải thu hút một lượng nước từ đó khiến người bệnh phải đi tiểu thường xuyên.
Nếu bạn thường xuyên đi tiểu và lo lắng, đó có thể dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Nếu bạn nhận thấy một vài biểu hiện ở trên hoặc chỉ đơn giản là muốn chắc chắn về tình trạng của bản thân, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.