Top 10 Ngôi chùa nên ghé thăm khi đến thành phố Hồ Chí Minh

Sau những bộn bề lo toan trong cuộc sống, mái chùa cong cong với những tiếng kệ câu kinh vang lên buổi sớm như phép màu diệu kì khiến lòng ta thanh thoát hơn. Có dịp đến thành phố Hồ Chí Minh, đừng quên bỏ qua các ngôi chùa đẹp, linh thiêng mà toplist sẽ giới thiệu đến bạn trong bài viết này nhé!

Chùa Việt Nam Quốc Tự

Nơi đây trở thành trụ sở mới của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Việt Nam Quốc Tự hiện tọa lạc tại địa chỉ số chỉ 244 Đường 3/2, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.


Chùa Việt Nam Quốc Tự được xây dựng theo kiến trúc chùa cổ miền Bắc với màu vàng làm chủ chủ đạo và mái ngói vẩy màu đỏ nâu. Mái chùa xây dựng nhiều tầng, đầu mái công vuốt hình đầu đao, được điêu khắc đầu rồng rất tinh xảo.


Chùa Việt Nam Quốc Tự còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động của tăng ni Phật tử vào những dịp quan trọng. Đây sẽ là nơi dùng để tổ chức các sinh hoạt tâm linh, thuyết giảng giáo lý…cũng như giao lưu văn hóa. Đến với ngôi chùa Chùa Việt Nam Quốc Tự bạn sẽ vô cùng ấn tượng bởi kiến trúc của nó. Chùa được xây dựng kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và pha lẫn chút hiện đại tinh tế. Tuy nhiên nó vẫn giữ được bản sắc của tín ngưỡng tôn giáo.


Với thiết kế bên ngoài vô cùng độc đáo với mái hiên vàng cùng chất liệu đá tự nhiên, còn bên trong là những nội thất hiện đại. Mặc dù vậy nó không hề làm phá vỡ kiến trúc của ngôi chùa, mà chỉ đáp ứng mọi cơ sở vật chất khi có công việc.


Đặc biệt đây với vị trí vô cùng thuận lợi, nằm ngay trên đại lộ nên mật độ lưu thông xe cộ nhiều. Tương lai đây sẽ là nơi đáp ứng mọi điều kiện cho Phật giáo. Đó là nơi tập trung các tu sĩ hay Phật tử tổ chức các ngày lễ quan trọng của Phật giáo.

Chùa Việt Nam Quốc Tự
Chùa Việt Nam Quốc Tự

Chùa Vạn Đức

Chùa Vạn Đức tọa lạc số 234 đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Chùa do HT.Thích Trí Tịnh, đời thứ 41 dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ, hiện là Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, khai sơn năm 1954.Chùa Vạn Đức có nguồn gốc từ một ngôi nhà xưa do thí chủ Nguyễn Thị Hương hiến cúng. Sau khi tiếp nhận, Hòa thượng đã xây dựng lại thành chùa và đặt hiệu là “Vạn Đức tự”. Kể từ đó, chùa được mở rộng vào các năm 1964, 1989, 1993 và từ năm 2003 đến năm 2005, đại trùng tu toàn bộ ngôi chùa, trở nên khang trang như ngày nay.


Chùa nằm trên khu đất rộng, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Kiến trúc chùa bao gồm cổng tam quan, chánh điện và đài Liên hoa. Tam quan xây ba tầng, mái lợp ngói lưu ly màu xanh, trên các đầu đao có gắn hoa văn hình hoa sen cách điệu, nóc gắn hình “lưỡng long chầu Pháp luân”. Qua khỏi tam quan là khoảng sân rộng trồng các loại cây kiểng, bon sai, tạo cảm giác mát mẻ và thanh tịnh. Bên trái sân chùa có cội bồ đề rợp mát. Đối diện cội bồ đề là một ao sen, giữa có đài Liên hoa vọt lên khỏi mặt nước, bên trong tôn trí tượng Quan Thế Âm Bồ tát. Phía sau sân chùa là những hàng cau cảnh và những bụi trúc xanh um, trông giống như một bức tranh thủy mặc sống động…

Chùa Vạn Đức
xây bằng vật liệu vĩnh cửu với kỹ thuật hiện đại. Toàn thể ngôi chùa được đúc bằng bê-tông, tường gạch, móng cọc nhồi. Nền chùa và các bệ thờ đều dán đá granit màu xám. Tất cả các cửa và cầu thang đều làm bằng thép trắng. Hoa văn trang trí được đúc bằng xi-măng hoặc kết bằng các mảnh gạch men, vừa mang tính truyền thống nhưng lại tân kỳ. Tòa chánh điện chùa Vạn Đức cao 43,5m, được xem là ngôi chùa có chánh điện cao nhất hiện nay, nhìn từ xa trông giống như một ngọn tháp chín tầng và hai tháp nhỏ năm tầng nhưng bên trong chỉ có hai tầng chính.

Ngoài giá trị về mặt thẩm mỹ, công trình còn là một kiểu mẫu cho nghệ thuật tạo hình trong kiến trúc hiện đại. Đặc biệt, ngôi chánh điện cao nhất nước đã được xác lập kỷ lục Phật giáo Việt Nam…


Chùa Vạn Đức
Chùa Vạn Đức

Chùa Vĩnh Nghiêm

Đi chùa, lễ Phật là một trong những nét văn hóa đặc trưng của con người Việt Nam ta từ xa xưa đến nay. Tọa lạc ngay giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh, Chùa Vĩnh Nghiêm với khuôn viên rộng lớn và kiến trúc đồ sợ thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tham quan.


Chùa được khởi công năm 1964 và hoàn thành vào năm 1971 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng vẽ kiểu. Một cửa tam quan lớn dẫn vào sân chùa. Ngôi chùa có một tầng lầu và một tầng trệt. tầng trệt có hai phần: phần ngoài, dưới sân thượng, cao 3,20m; phần trong, dưới phật điện cao 4,20m, tầng trệt được chia là nhà thờ tổ, giảng đường, văn phòng, thư viện, lớp học, phòng học, phòng tăng v.v…


Từ dưới sân có ba cầu thang rộng dẫn lên tầng trên. Ở đây có một sân thượng rộng khoảng 10 mét. Phía tay phải có một gác chuông. Từ sân thượng lên tiếp mấy bậc thềm nữa là tới Bái điện. Bái điện là một tòa nguy nga dài 35m, rộng 22m và cao 15m. Các cột, rui mè và mái ngói đều được đúc bằng bê-tông cốt sắt. Bàn thờ Phật được thiết lập ở Bửu điện: chính giữa thờ Phật Thích Ca, hai bên có Văn Thù Bồ Tát (bên trái Phật Thích Ca ) và Phổ Hiền Bồ Tát (bên phải), một vị chủ về đường trí tuệ, một vị chủ về đường hạnh nguyện. Những công trình chạm khắc gỗ ở đây có bao lam tứ linh, bao lam cửu long và đặc biệt là có các phù điêu trên các hương án chạm các ngôi chùa danh tiếng ở trong nước và một số nước Châu Á. Ở hàng hiên lối vào Chính điện, mỗi bên có một pho tượng Kim Cương khá lớn.


Toàn thể Phật điện gồm ba lớp: Bái Điện, Bản Điện và Địa Tạng Đường kiến trúc theo kiểu chữ công. Các góc mái chùa đều uốn cong theo kiểu chùa miền Bắc: mái trước chồng diêm. Chính giữa đỉnh nóc có Bánh xe pháp luân và các góc có hình đầu phượng. Năm 1982, chùa xây thêm Bảo Tháp Xá Lợi Cộng Đồng.


Chùa Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa mới được xây dựng gần đây nhưng đáng được kể là một công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo của Thành phố.

Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Pháp Hoa

Nhiều du khách khi đến Sài Gòn đều có chung một câu hỏi chùa Pháp Hoa ở đâu? Đây là địa điểm tâm linh nổi tiếng ở thành phố lớn, sôi động và sầm uất. Chùa Pháp Hoa nằm ở số 870 đường Trường Sa, phường 14, quận 3. Tọa lạc ngay trung tâm của quận nên du khách có thể dễ dàng tìm thấy.


Chùa Pháp Hoa Phú Nhuận được thành lập năm 1928. Người sáng lập ra ngôi chùa này là hòa thượng Đạo Hạ Thanh. Trước đây ngôi chùa rất đơn sơ và giản dị, trải qua nhiều biến cố lịch sử cũng như trùng tu tôn tạo nhiều mới có được diện mạo như ngày nay. Vào năm 2015 chùa được trung tâm bảo tồn di tích – Sở văn hóa thể thao và du lịch của thành phố Hồ Chí Minh công nhận là di tích lịch sử. Ngôi chùa đứng sừng sững và đẹp lung linh thơ mộng bên cạnh kênh Nhiêu Lộc. Chỉ cần đứng từ xa du khách có thể cảm nhận được vẻ đẹp thơ mộng và yên bình của ngôi chùa mang tên Pháp Hoa này.


Nếu du khách muốn tìm kiếm sự yên bình, thanh tĩnh thì hãy lựa chọn thời gian đến chùa Pháp Hoa vào những ngày thường và từ sáng sớm. Thời điểm này thường có ít tăng ni phật tử. Thời gian mở cửa: buổi sáng từ 6h đến 11 giờ 30 phút. Buổi chiều từ 13h30 đến 9 giờ tối. Những ai tin vào tướng số thì không nên bỏ qua chùa Pháp Hoa này nhé, vị chủ trì của chùa uyên bác, có thể xem chính xác tướng số và tử vi cho những ai có nhu cầu.


Đến Sài Gòn du khách không chỉ đến thăm nhiều khu du lịch, di tích lịch sử mà còn được vãn cảnh nhiều ngôi chùa, trong đó có chùa Pháp Hoa. Hãy bổ sung tên ngôi chùa này vào danh sách những địa điểm tham quan du lịch Sài Gòn để có cơ hội trải nghiệm những điều thú vị nhất nhé.

Chùa Pháp Hoa
Chùa Pháp Hoa

Châu Thới Sơn tự

Bình Dương không chỉ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là một địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn gần Sài Gòn. Với những yêu thích du lịch tâm linh thì chắc chắn sẽ không bỏ qua chùa Châu Thới Bình Dương. Một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất tại vùng Đông Nam Bộ.


Nằm tọa lạc trên núi Châu Thới, thuộc địa phận xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây được mệnh danh là một thắng cảnh giữa một vùng đồng bằng rộng lớn. Với độ cao cách mặt nước biển 82m, ngôi chùa ẩn hiện sau rặng những hàng cây cối xanh rì, xung quanh có nhiều hồ nhân tạo tuyệt đẹp.


Giống như tên gọi, chùa nằm trên một ngọn núi có tên Châu Thới (thị xã Dĩ An, Bình Dương). Hiện tại, chùa đã được xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Chùa gồm có nhiều pho tượng Phật, Quán Thế Âm lớn được đúc bằng đồng hoặc đá cẩm thạch. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ ba pho tượng Phật bằng đá cổ và một tượng Quan Âm bằng gỗ mít (lấy từ cây mít được trồng ở chùa hơn 100 năm). Đỉnh mái chùa có chín con rồng lớn nhìn ra nhiều hướng với những nét điêu khắc sinh động. Ngoài ra ở đây còn có các tác phẩm làm từ gốm sứ như: Tứ linh, Thủ quyền và tượng Đức Phật.


Thêm một điều thú vị nữa là chùa có rất nhiều khỉ sinh sống, vì tiếp xúc với người quá nhiều nên chúng rất dạn dĩ, sẵn sàng ra chơi đùa cùng dù khách. Tương truyền là nơi hội tụ linh khí của đất trời nên đến những ngày rằm, mồng 1, lại có đông đảo khách thập phương đến đây tham qua, cầu nguyện cho bản thân và gia quyến được bình an.

Châu Thới Sơn tự
Châu Thới Sơn tự

Chùa Phổ Quang

Chùa Phổ Quang tọa lạc ở số 64/3 Huỳnh Lan Khanh, phường 2, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh (số cũ 64/3 đường Phổ Quang phường 2, quận Tân Bình). Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Nằm gần cuối con đường nhỏ, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử, đây là địa điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan. Cảnh quan nơi đây rất đẹp và thanh tịnh. Giữa nhịp sống náo nhiệt thường ngày của thành phố, chùa Phổ Quang tựa như một chốn bồng lai, đượm vẻ huyền diệu, đem lại không khí tịch liêu đến nhẹ lòng cho bất cứ ai ngay khi vừa đặt chân đến.


Chùa Phổ Quang do hòa thượng Nguyễn Viết Tạo (pháp danh Thanh Nhã) khởi công xây dựng từ năm 1951 với kiến trúc ban đầu còn khá đơn sơ. Chùa được xây dựng vào năm 1961 theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bảo, giám đốc công trường là kỹ sư Đinh Vũ Toàn. Năm 1999, chùa Phổ Quang được giao cho Thành hội Phật giáo TPHCM quản lý. Trải qua nhiều thăng trầm, chùa Phổ Quang đã xuống cấp một cách trầm trọng. Năm 2010 Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức tái thiết mở rộng ngôi chùa với kiến trúc tầng hầm để xe, Điện Di Đà và tầng lầu Chánh điện. Điện Di Đà được bài trí rất trang nghiêm, ở giữa là tượng Phật Di đà to lớn, uy nghi, cao gần 7m, đường kính rộng hơn năm mét do nhà điêu khắc Phúc Điền khắc họa. Tầng lầu Chánh điện .được xây dựng theo mô tip kiến trúc giống như các ngôi chùa miền Bắc, tuy nhiên Điện chỉ thờ một tượng Phật đồng mạ vàng uy nghiêm cao 5m được thỉnh từ Trung Quốc. Đứng trên sân ngoài chánh điện du khách có thể thấy Phổ Quang sơn lúc nào cũng nghi ngút khói hương dâng cúng tượng Bồ tát Quan Thế Âm. Hai bên sân chánh điện là dãy lầu Đông, Tây lang có đại giảng đường để tổ chức nhiều công tác Phật sự của thành phố như: tổ chức các khóa An cư kiết hạ cho chư Tăng được chọn lọc từ các quận, huyện; tổ chức các buổi hội nghị, đại giới đàn…, nhà truyền thống, phòng khách và nơi ở của chư Tăng…. Khuôn viên chùa hơn sáu ngàn mét vuông với những hàng cây rợp bóng mát trước sân chùa, những tàn lá dưới tia nắng chiều hòa cùng gió lộng tạo nên cảnh quan êm đềm, thoát tục.


Một trong những đặc điểm khiến chùa Phổ Quang trở thành nơi được nhiều du khách yêu thích tìm đến chính là nét thanh bình, yên ả khó tìm thấy giữa lòng thành phố đông đúc người, xe. Đứng ở đây vào bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng có thể nghe được tiếng chim kêu ríu rít, mọi âu lo phiền muộn cùng những bon chen tất bật gác bỏ lại bên ngoài. Nét đẹp ngày nay ở chùa Phổ Quang hài hòa, gắn liền với cảnh vật xung quanh. Có lẽ vì thế mà hàng năm chùa Phổ Quang chào đón rất nhiều du khách tìm đến chiêm bái, vãn cảnh, thả mình vào không gian thoáng tịnh.

Chùa Phổ Quang
Chùa Phổ Quang

Chùa Giác Lâm

Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam. Chùa tọa lạc tại số 565 đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, và đã được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia của Việt Nam năm 1988.


Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu chùa có tên là Sơn Can (sơn là núi, cang là gò nông), về sau còn được gọi là Cẩm Sơn do chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn.


Du khách đến chùa, lòng nhẹ nhàng thanh thoát với dáng chùa ẩn mình trong những vòm cây cao bóng mát. Mái chùa phủ rêu xanh, không có dạng vút cong kiêu hảnh như thách đố với thiên nhiên, cũng không có những hàng ngói mũi hài dọc xuôi theo bờ mái cao dốc đứng, mà ở đây là những hàng ngói máng xối, giúp thoát nước nhanh khi có những trận mưa rào! Đó là một cấu trúc trải rộng và hài hoà với thiên nhiên. Địa thế chùa nằm trên ngọn đồi cao mà tên gọi Sơn Can trước đây còn phản ánh, cho thấy ngôi chùa đã gắn chặt với quan niệm về tín ngưỡng của những người dân bản địa, là trước chùa phải có ao, hồ nước, mang ý nghĩa “Minh đường, thủy tụ” nơi đó vượng khí sinh sôi, và nhất là cửa chùa thuận theo hướng Nam - hướng đặc biệt được xem là tốt nhất cho những ngôi chùa Nam bộ: “ Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam”.


Được trùng tu lại nhiều lần, mỗi lần như vậy, trong kiến trúc chùa mang thêm những đặc điểm mới, chứa đựng trong nó những ảnh hưởng văn hóa và lịch sử cùa từng thời kỳ. Chúng ta sẽ ngạc nhiên xiết bao với những hàng chén dĩa kiểu bằng sành sứ, với màu men xanh trắng, được cẩn dọc theo đầu hồi nhà, bên trong và cả bên ngoài cũng như trên vòm cửa ra vào. Sự sáng tạo trong mô típ và cách sắp xếp làm cho đường nét trang trí nổi bật hơn, linh động hơn, tránh sự nhàm chán. Tuy biểu lộ phần nào ảnh hưởng kiến trúc và trang trí Tây phương với những chiếc đĩa lớn có hình ngôi giáo đường trong đó, nhưng nó vẫn thể hiện được sắc thái của nghề gốm cổ truyền địa phương vùng Bình Dương với màu men xanh trắng là chủ đạo.

Chùa Giác Lâm
Chùa Giác Lâm

Chùa Xá Lợi

Chùa Xá Lợi là một trong những địa điểm nổi tiếng được nhiều du khách biết đến khi du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chùa được thiết kế theo kiến trúc hiện đại nhưng vẫn mang sắc thái văn hóa dân tộc mang nét đặc thù của đất Sài Gòn. Và hơn thế nữa, nơi đây còn là một điểm thắng tích mang đậm dấu ấn của cuộc đấu tranh giữa Phật giáo đồ chống lại chế độ kỳ thị và đàn áp tôn giáo của Ngô Đình Diệm.


Được khởi công xây dựng vào ngày 5/8/1956 trên diện tích rộng 2500 m2, do Câu lạc bộ Đông Dương nhượng lại với số tiền tượng trưng là một đồng bạc Việt Nam. Mục đích xây dựng ngôi chùa là để tôn thờ xá lợi Phật tổ và làm hội quán chính thức của hội Phật học Nam Việt. Chùa Xá Lợi mới chỉ trải qua một lần trùng tu duy nhất từ 1999 đến 2001 những giữ nguyên vẻ kiến trúc ban đầu của ngôi chùa.


Có thể nói rằng đây là ngôi chùa lầu đầu tiên ở Sài Gòn mở đầu cho lối kiến trúc mới của Phật giáo ở Việt Nam. Trên Bái đường, dưới Giảng đường và nóc Chính điện có những đầu mái uốn cong truyền thống. Các hạng mục có trong chùa bao gồm: cổng tam quan, tháp chuông bảy tầng, ngôi chính điện, giảng đường, thư viện, văn phòng Ban quản trị, phòng khách, khu tăng phòng, nhà trai đường, đoàn quán gia đình Phật tử, phòng phát hành kinh sách, nhà vãng sinh và các vườn cảnh.


Ngôi chùa đối với người Việt Nam nói chung và các tín đồ ở Sài Gòn nói riêng thì đây không chỉ nơi thờ tự Phật Giáo mà còn là trung tâm văn hóa giáo dục, địa điểm du lịch thanh tịnh được nhiều du khách tới thăm.

Chùa Xá Lợi
Chùa Xá Lợi

Chùa Hoằng Pháp

Tọa lạc ở xã Tân Hiệp, tỉnh Hóc môn, chùa Hoằng Pháp là địa điểm nổi tiếng thu hút các tín đồ Phật tử về tu học thông qua các khóa tu Phật thất, tu Một ngày an lạc… được tổ chức định kì hàng quý, hàng tháng. Không gian thanh bình cùng tiếng mõ câu kinh mỗi khi chiều buông sẽ phần nào giúp du khách buông xả đôi phần phiền não, lấy lại năng lượng an nhiên hơn.


Ngoài ra, nhắc đến chùa Hoằng Pháp, hẳn nhiều bạn trẻ sẽ dành sự yêu mến đặc biệt cho nơi này bởi những kỉ niệm còn đọng lại sau khi tham gia gia Khóa tu mùa hè. Đây là chương trình tu học được tổ chức miễn phí cho teen diễn ra trong vòng 7 ngày.


Đến đây các bạn trẻ học được cách tự chăm sóc bản thân, biết yêu thương, chấp nhận những vấp ngã, khó khăn như là những điều tất yếu. Để đảm bảo môi trường tu học tuyệt đối thanh tịnh, trong suốt thời khóa tu học, mọi kết nối bên ngoài đều bị cắt đứt, các bạn trẻ phải học cách sống tự lập và buông xả mọi ràng buột còn níu kéo bên ngoài.


Đặc biệt, chùa mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần, do đó nếu có dịp đến thành phố Hồ Chí Minh thì đừng bỏ qua địa điểm tham quan hấp dẫn này nhé. Những món ăn chay ngon tuyệt cú mèo do quý Thầy ở đây kì công chế biến hẳn cũng làm bạn khó quên đấy.

Chùa Hoằng Pháp
Chùa Hoằng Pháp

Chùa Bửu Long

Chỉ nằm cách trung tâm Sài Gòn chừng 20km, vào dịp cuối tuần bạn có thể dễ dàng ghé thăm. Đi từ phía xa xa, hình ảnh ngọn tháp lấp lánh ánh vàng, nổi bật rực rỡ trên nền trời hiện lên và chỉ đường cho bạn tìm đến ngôi chùa này. Chùa Bửu Long có kiến trúc khá độc đáo, giống với những ngôi chùa nổi tiếng tại Thái Lan, chính vì vậy người dân xung quanh còn gọi với tên thân thuộc là chùa Thái Lan để nhận diện cho khách hỏi đường.


Tuy nhiên, ngôi chùa vẫn mang đậm kiến trúc, màu sắc văn hóa Việt Nam với các nét chạm trổ, điêu khắc trên những bức tường rồng uy nghi, hay những cột trụ, và cửa tiến vào điện chùa. Khuôn viên của chùa Bửu Long được xây dựng dựa theo thiết kế của trụ trì Thích Viên Minh, hồ nước xanh ngọc tĩnh lặng ngay trước chánh điện, và bảo tháp chính Gotama Cetiya có quy mô lớn nhất nước ta cao 56 met và có 4 tháp nhỏ xung quanh.


Điều ấn tượng nhất khi đặt chân đến chùa Bửu Long chính là tòa bảo tháp đồ sộ nhất Việt Nam, với chiều cao 56 mét và bốn tháp xung quang với tên gọi: tháp Đản Sinh, tháp Thành Đạo, tháp Pháp Luân, tháp Niết Bàn. Tháp có tổng sức chứa trên 2.000 người cùng vào tham quan chiêm bái xá lợi Phật.


Tham quan chùa, bạn có cảm giác như đang đặt chân đến đất nước Thái Lan hiền hòa với lối kiến trúc đặc trưng, được nghe các nhà sư thuyết giảng về huyền thoại các vị Bồ tát, La hán.


Chùa có diện tích khá rộng, bạn có thể thoải mái dạo quanh khuôn viên chùa và check in những tấm hình đẹp nhất.

Chùa Bửu Long
Chùa Bửu Long

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?