Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với tình trạng giá xăng nhiên liệu leo thang, trong đó có Việt Nam thì vẫn có không ít quốc gia có mức giá bán chưa tới 1 USD mỗi lít. Dưới đây là những số liệu chi tiết về 10 quốc gia đang có mức giá bán lẻ xăng nhiên liệu thấp nhất thế giới.
Bahrain
Bahrain có diện tích khá khiêm tốn ở Trung Đông, nên trữ lượng dầu của nước này cũng không quá lớn. Đất nước này đang tập trung mở rộng ngành bán lẻ, du lịch. Năm 2005, Bahrain đã ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ và được Liên hợp quốc đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong thế giới Arab.
Turkmenistan
Những người phàn nàn, lo lắng về giá xăng có thể sẽ thích chuyển tới Turkmenistan nếu như biết rằng, mỗi lái xe ở đây được dùng 120 lít xăng miễn phí một tháng. Thực tế thì có đi nhiều thế nào cũng khó để một người bình thường đi hết số xăng đó. Tuy nhiên, nếu có phải mua khi chạy quá 120 lít, người dân Turkmenistan chắc cũng không phiền lòng cho lắm, vì giá chưa tới 4.000 đồng/ lít xăng.
Venezuela
Là quốc gia sống chủ yếu nhờ dầu mỏ ở Nam Mỹ, mức giá xăng của Venezuela có thể là thiên đường với nhiều người. Người dân ở đây từng biểu tình khi chính phủ có ý định tăng giá xăng, và điều đó dẫn đến khả năng Venezuela vẫn sẽ “vô đối” về giá xăng trong thời gian tới.
Qatar
Qatar là nước thành viên của tổ chức OPEC và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 16 trên thế giới vào năm 2009. Tính từ đầu thế kỉ 21 tới nay, sản lượng sử dụng dầu mỏ của Qatar đã tăng gấp 3 lần. Trữ lượng dầu thô của nước này là 25,4 tỉ thùng và thu nhập từ dầu khí chiếm 50% GDP.
Kuwait
Kuwait là nước có trữ lượng dầu lớn thứ 6 thế giới và là quốc gia sản xuất, xuất khẩu dầu hàng đầu trong tổ chức OPEC. Thu nhập từ xuất khẩu dầu thô hiện chiếm phân nửa GDP của Kuwait. Tập đoàn Dầu khí Kuwait dự định nâng sản lượng dầu thô lên 4 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2020.
Oman
Oman là nước có trữ lượng dầu lớn nhất trong số các quốc gia không thuộc OPEC ở khu vực Trung Đông, với 5,5 tỷ thùng. Từ năm 2007, sản lượng dầu thô khai thác của Oman đã tăng 20%, và đạt mức 860.000 thùng mỗi ngày vào năm 2010. Cũng trong năm này, xuất khẩu dầu khí đã chiếm tới 47% GDP của quốc gia này. Oman đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế mà không dựa quá nhiều vào dầu khí.
Saudi Arabia
Saudi Arabia sở hữu 20 - 25% trữ lượng dầu trên thế giới và là quốc gia xuất khẩu xăng dầu hàng đầu thế giới. Bởi vậy, không có gì lạ khi giá xăng tại quốc gia này rẻ thứ hai thế giới. Thu nhập từ dầu mỏ chiếm 55% GDP và 90% giá trị xuất khẩu của nước này. Giới phân tích tài chính thế giới đang kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng sản xuất dầu mỏ, nhằm đảm bảo giá dầu thế giới không leo thang do tình hình bất ổn tại Iran.
Algeria
Algeria là một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Năm 2010, Algeria là nước sản xuất dầu thô lớn thứ 4 ở lục địa đen, sau Nigeria, Angola và Libya. Dầu của Algeria được đánh giá là có hàm lượng sulfur ở mức thấp nên được nhiều nước châu Âu nhập khẩu dầu. 60% thu nhập của đất nước Bắc Phi này là từ sản xuất dầu lửa.
Ai Cập
Ai Cập từ lâu đã là nước sản xuất dầu hàng đầu ở châu Phi. Nhưng do nhu cầu nội địa đang tăng lên, nên nước này cũng phải nhập khẩu một số mặt hàng chế phẩm từ dầu khí. Hiện sản lượng khai thác dầu của nước này đã giảm nhẹ, song nguồn thu nhập từ khí tự nhiên đang tăng lên.
Libya
Cuộc lật đổ chính quyền tổng thống Gaddafi đã phá hủy nặng nề hạ tầng dầu khí của Libya. Nhiều mỏ dầu, bến cảng đã trở thành điểm nóng giao tranh giữa quân chính phủ bảo vệ chế độ Gaddafi và lực lượng nổi dậy. Điều đó khiến cho nước này thiệt hại nặng nề về kinh tế.