Top 14 đặc sản có tên "độc - lạ" nhất Việt Nam

Với nền văn hóa ẩm thực đa dạng, Việt Nam tự hào là nơi có rất nhiều đặc sản trải dài trên khắp mọi miền đất nước. Những đặc sản này là niềm tự hào của người dân bản xứ nói riêng và của người Việt nói chung. Bạn có biết đặc sản Việt Nam rất nhiều loại khác nhau, nhưng những đặc sản mà Chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn dưới đây không chỉ gây ấn tượng ở cái tên mà vị ngon, ngọt cũng làm “say đắm” bao người. Hãy cùng toplist tìm hiểu nhé!

Bánh đập - Hội An

Bánh đập hay bánh tráng đập là một trong những món quà vặt dễ ăn, dễ tìm, giá rẻ ở các tỉnh miền Trung… Bánh đập là chiếc bánh tráng mỏng, nóng hổi được trải đều lên chiếc bánh tráng gạo nướng tạo nên món ăn vừa mềm, mịn, dai nhẹ và thơm lừng, giòn vui tai. Bánh sẽ ngon nếu chấm cùng mắm nêm có vị chua thanh của thơm bằng nhuyễn, vị cay xé lưỡi của tỏi, ớt.


Bánh đập gồm 3 lớp: Hai lớp bánh tráng khô nướng giòn ốp bên ngoài, ở giữa là lớp bánh tráng mềm. Tất cả đều được làm từ gạo trắng vo thật sạch, ngâm nước khoảng 2 - 3 tiếng cho mềm rồi đem xay thành bột thật nhuyễn mịn. Bột đem về được pha nước cho vừa. Bếp lửa để tráng bánh được nhóm bằng củi dương liễu to bản giúp than lâu tàn, ít hao củi.

Sau đó, người tráng bánh cho nước lã vào nồi to, đun sôi. Trên miệng nồi đã đặt khung tre tròn căng vải sao cho thật phẳng. Tiếp đó người làm bánh tráng một lớp bột mỏng trên khung vải rồi đậy nắp lại cho kín. Khoảng 1 phút sau, hơi nước sôi trong nồi bốc lên sẽ làm chín bánh. Lúc này người đầu bếp mới dùng que tre đã vuốt mỏng dài khoảng 40cm để lấy bánh ra khỏi khung vải. Vậy là chiếc bánh tráng mềm đã ra lò.

Bánh đập
Bánh đập
Bánh đập Hội An
Bánh đập Hội An

Bánh cóng - Sóc Trăng

Bánh cóng Sóc Trăng có mùi thơm nức mũi, cái giòn giòn hòa với vị beo béo, bùi bùi của đậu xanh, tôm, thịt khiến cho người ăn có cảm giác ngon ngay trên đầu lưỡi. Ở Sóc Trăng, bánh cóng là món ăn quen thuộc nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến bánh cóng ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Người ta chiên bánh bằng cái cống, hình dáng giống một cốc cà phê nhỏ, cao tầm 10cm. Cho nguyên liệu vào cống theo thứ tự lần lượt: Hỗn hợp bột, đậu xanh, thịt xào, thêm lớp bột nữa và cuối cùng là phủ một, hai con tôm lên mặt. Nhúng chiếc cống vào chảo dầu đang sôi, chừng 2 - 3 phút, bánh chín và tự tuột ra khỏi cống.


Những chiếc bánh nở to, vàng ươm, dậy mùi thơm sẽ khiến cho bạn thèm… chảy nước miếng. Bánh cóng ăn kèm với các loại rau sống và nước mắm. Bạn có thể cầm nguyên cái to hoặc chia bánh thành từng miếng nhỏ cho dễ ăn. Cách ăn này cũng tựa tựa cách ăn bánh xèo vậy. Cho miếng bánh vào lớp rau, cuốn lại, chấm nước mắm, cái vị giòn giòn, béo béo, bùi bùi sẽ khiến bạn ăn một lần nhớ mãi không thôi.

Bánh cóng
Bánh cóng
Bánh cóng, đặc sản Sóc Trăng
Bánh cóng, đặc sản Sóc Trăng

Kẹo Cu Đơ - Hà Tĩnh

Kẹo Cu Đơ là một loại kẹo lạc, đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh. Kẹo này có nguồn gốc người cha nghèo, vào lễ cưới con trai đầu lòng, ông không có gì để làm lễ mời bà con hàng xóm khi trong nhà chỉ có mật đường mía và lạc sống. Ông đã sáng chế ra món mới lạ này bằng cách rang chín lạc rồi trộn với mật đổ lên. Món ăn này được gọi là Cu Hai. Sau đó, người Pháp đến Việt Nam gọi món này là Cu Đơ. Và người ta lấy tên đó cho đến tận bây giờ.


Kẹo Cu Đơ được làm chủ yếu từ lạc và mật mía. Mật mía và lạc nhân được bỏ vào chảo, đun sôi với lửa nhỏ. Trong quá trình đun phải dùng đũa quấy đều để mật không bị cháy. Có thể trộn thêm một số phụ gia như gừng, mạch nha để kẹo ăn được giòn hơn, thơm hơn. Hỗn hợp được nấu đến lúc đạt được độ sệt nhất định người làm kẹo sẽ dùng những miếng bánh đa nướng (bánh tráng) cắt sẵn theo hình tròn, đổ hỗn hợp kẹo lên và ốp hai mẩu bánh tráng lại với nhau. Sau khi đã hoàn thành công đoạn chế biến cu đơ, người ta thường xếp chồng lên nhau khoảng 5 đến 10 cặp bánh gói vào lót dưới kẹo lạc mà mỗi lần ăn phải bóc bằng tay, vừa sạch sẽ, lại đỡ mất công bóc giấy mà ăn vẫn giòn, ngon, hợp khẩu vị.

Kẹo Cu Đơ
Kẹo Cu Đơ
Kẹo cu đơ, đặc sản Hà Tĩnh
Kẹo cu đơ, đặc sản Hà Tĩnh

Bánh bác - Hoài Đức, Hà Nội

Bánh bác là loại bánh truyền thống nổi tiếng của người dân 2 làng Giang Xá và Lưu Xá. Bánh được miêu tả là có "nhị vàng, xen giữa cánh đỏ, cánh trắng". Đây là loại bánh thường được người dân làm nhân các dịp Tết, lễ hội và các ngày quan trọng khác trong năm. Tương truyền, trước đây bánh là loại đặc sản của người dân trong vùng dùng để tiến vua. Người xứ Đoài xưa có câu ca: "Dù ai chồng chán vợ chê. Ăn chiếc bánh bác lại về với nhau".


Bánh bác - cái tên xuất phát từ chính cách thức làm ra nó: bác qua chảo mỡ. Gọi là bánh bác bởi người Giang Xá nói chệch “bác” từ “rán, chiên”, thế nhưng bánh bác lại không hề giống bánh rán... Bánh bác gồm có ba lớp: Hai lớp bánh ngoài, một lớp nhân đỗ phía trong. Để làm ra được một “tày” bánh bác ngon, người lựa chọn rất kỹ nguyên liệu, từ gạo nếp cái hoa vàng, gấc, đỗ xanh, tới đường nâu, mỡ thăn lợn, thậm chí là lá chuối và chiếc lạt buộc bánh. Gạo nếp được ngâm 2 - 3 tiếng rồi đem xay cho thật mịn, dùng gấc trộn với nửa số bột để tạo màu sắc đỏ trắng đan xen.


Chiếc bánh bác được coi là hoàn hảo khi lớp bánh trắng và đỏ mỏng đều như nhau. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ ủ bên trong lá chuối, bánh bác được cắt thành từng khoanh từ 2 - 3cm. Nhìn theo mặt cắt, chiếc bánh như một bông hoa với nhụy vàng, cánh trắng, cánh đỏ. Đẹp mắt là vậy, bánh bác với 3 lớp cuộn còn thể hiện ý nghĩa đặc biệt, tượng trưng cho sự đoàn kết, hòa thuận... Bánh bác còn hấp dẫn bởi hương vị thơm bùi, hòa quyện giữa mùi thơm của gạo, mỡ, lá chuối và độ ngậy của đậu xanh… đem đến cho thực khách một dư vị đặc biệt.

Bánh bác
Bánh bác
Bánh bác, đặc sản Hoài Đức
Bánh bác, đặc sản Hoài Đức

Bánh cáy - Thái Bình

Đây là món bánh truyền thống của Thái Bình. Tên gọi như thế vì những hạt nếp cái hoa vàng sau khi đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, cắt hạt lựu, đem phơi khô có màu vàng giống trứng con cáy. Bánh cáy hấp dẫn mọi người với khối bánh màu trắng ngà, lấm tấm hạt vàng. Khi ăn có vị ngọt của đường, cay nhẹ của gừng, béo bùi của nếp, dẻo thơm của cốm non.


Người ta chọn loại nếp ngon (nếp cái hoa vàng), mang hạt rang lên thành bỏng rồi giã thành bột, vê tròn thành quả. Quả được thái thành những thanh nhỏ bằng ngón tay, tẩm gấc thành con cái đỏ, tẩm quả dành dành thành con cái vàng, rồi đem rán mỡ giòn tan cộng với mạch nha làm từ mầm lúa ngọt và mát, mứt dừa, vừng, lạc rang thơm tróc vỏ. Cả nồi mạch nha được nhào trộn với những nguyên vật liệu trên cùng những hạt bỏng trắng tinh, đun vừa lửa đến độ dẻo cần thiết, bánh mềm, đem lèn chặt trong những chiếc khuôn bằng gỗ hình chữ nhật được lót thêm vừng, lạc, mứt dừa. Khi bánh nguội, dóc khuôn lấy ra cắt thành những thanh nhỏ, đóng hộp. Trên ban thờ ngày xuân, những hộp bánh cáy được xếp bên những bánh chưng, bánh dày, mâm ngũ quả…

Bánh cáy
Bánh cáy
Bánh cáy, đặc sản Thái Bình
Bánh cáy, đặc sản Thái Bình

Món don - Quảng Ngãi

Don là món ăn không chỉ có cái tên lạ mà còn mang cả hơi thở và cuộc sống của con người Quảng Ngãi. Tùy vào sở thích ăn uống cũng như khẩu vị mà mỗi thực khách sẽ có cảm nhận riêng về don, nhưng chắc chắn món ăn sẽ mang đến sự trải nghiệm mới lạ về vị giác. Mỗi khi có dịp ghé thăm miền đất Quảng Ngãi, du khách đừng quên thưởng thức món don đặc biệt này. Don thuộc họ nhuyễn thể, hai mảnh vỏ nửa đen nhạt nửa vàng lợt, hình quả trám, to bằng móng tay út người lớn, dài hơn một phân. Vỏ don thường mỏng hơn các loài ốc khác. Ruột don màu vàng và có những tua hồng bao quanh. Don nằm sâu dưới cát (khoảng 5 phân), mỗi năm chỉ nổi lên một lần với mực nước ngập khoảng một mét.


Don
chỉ có ở hai con sông lớn của Quảng Ngãi là sông Trà và sông Vệ. Loài don thường sống rải rác khắp nơi, lòng sông, bờ sông... và đông đúc nhất là ở khu vực gần các cửa sông. Điểm tập trung sinh sống ưa thích của don là môi trường đất cát. Thường vào mùa khô hạn khoảng tháng 4 đến tháng 5, người dân xung quanh hai con sông mới vào mùa cào don. Nhưng có khi vào tháng 7 don cũng xuất hiện nhiều. Don sống vùi trong cát nên việc cào don rất cực khổ với người dân. Có những hôm gặp nước lớn, người cào don phải ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ mà cũng không bắt được nhiều. Don là một trong những món ăn rất độc đáo, mát, bổ, rẻ tiền và hấp dẫn. Những món ăn ngon được chế biến từ don như: canh don, cháo don, gỏi don. Cách ăn ngon và tốn kém hơn là món “ruột don xào” với miến, bún, bánh tráng...Đây cũng là món ăn đãi khách, bạn bè rất đặc biệt, đậm đà hương vị quê hương.

Món don
Món don
Món don Quảng Ngãi
Món don Quảng Ngãi

Kẹo sìu châu - Nam Định

Kẹo sìu châu là đặc sản nổi tiếng có từ lâu đời của Nam Định. Kẹo sìu châu gần giống kẹo lạc nhưng thơm ngon hơn. Nguyên liệu làm kẹo rất đơn giản gồm lạc, đường, mạch nha. Vừng và lạc được rang chín và tách vỏ. Nấu đường với mạch nha cần bật lửa to, khi hỗn hợp đường sôi lên thì cho lạc và vừng vào đảo đều tay sao cho tất cả hòa quyện lấy nhau. Đổ hỗn hợp kẹo còn nóng lên khay có bột nếp để chống dính và cán mỏng, cắt thành từng thanh chữ nhật cho vừa miệng.


Bí quyết của kẹo sìu châu không có gì ghê gớm, nó hầu như chỉ mang tính gia truyền. Lạc chọn kỹ, nấu với mạch nha, chảo “đồng điếu”, cắt thành miếng khi còn đang nóng, bọc bằng bột nếp, ủ cho lên hương. Những thanh kẹo được cắt ngắn, dường như chỉ vừa hai miếng cắn, không mấy mịn màng, thậm chí còn hơi cùn quằn nữa, bám đầy một lớp bột trắng ngà, ăn vào là cứ thấy nó giòn tan đi, rất giòn mà lại rất dễ nhai, cái bùi của lạc hoà quyện với cái ngọt thanh, sắc của mạch nha trộn đường kính, cái thơm của lạc rang hoà quyện cùng với cái thơm của mạch nha, bột nếp... Người ta hay nói đến ưu điểm dễ nhận thấy của kẹo sìu châu là khi ăn không hề dính răng; cái hương của nó là một thứ hương thầm, rất kín đáo và tinh khiết. Ai đã từng biết đến cái ngon của kẹo sìu châu thì không muốn ăn những thứ kẹo lạc khác nữa.

Kẹo sìu châu
Kẹo sìu châu
Kẹo sìu châu, đặc sản Nam Định
Kẹo sìu châu, đặc sản Nam Định

Lợn “cắp nách” 6 món - Lai Châu

Lợn “cắp nách” (một số nơi gọi là lợn lửng) là loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao và nhiều nhất ở Lai Châu. Giống lợn này có sức chịu đựng rất giỏi, chúng tự tìm củ, rễ cây và lá rừng để ăn. Lợn con mới đẻ đã có thể chạy nhảy, chỉ theo bố mẹ vài ngày rồi tách ra. Do ăn cây cỏ tự nhiên và chậm lớn, mỗi con chừng 10 đến 15 kg nhưng thịt lợn cắp nách rất thơm ngon, trở thành món đặc sản hấp dẫn thực khách.


Có nhiều cách chế biến Lợn cắp nách như luộc, hấp, nướng, hun khói, xào, làm nộm với rau rừng… Đầu tiên là phải kể đến cách chế biến thường gặp đó là món Lợn cắp nách quay. Nhìn miếng thịt lợn nóng hôi hổi, bên ngoài là lớp bì vàng ruộm, giòn tan, bên trong là một lớp mỡ mỏng, rồi đến phần thịt nạc vừa có mùi thơm của thịt, vừa mềm lại có vị ngọt ngon... Điều đặc biệt hơn nữa ở lợn cắp nách là xương của chúng khá nhỏ và mềm, nếu không phải xương ống thì có thể ăn cả xương.

Lợn
Lợn "cắp nách" 6 món
Món ngon từ
Món ngon từ "lợn cắp nách"

Bánh khoái - Huế

Bánh khoái là món bánh chiên đặc biệt của cố đô Huế. Cách thực hiện giống món bánh xèo Nam bộ nhưng dạng bánh khác nhau. Bánh khoái hình tròn theo dạng khuôn đổ (loại chảo gang nhỏ, đáy bằng, đường kính độ 15cm, thành chảo cao khoảng 2 - 3cm). Trong khi bánh xèo được đổ thành một lớp mỏng tròn rộng, sau khi chín vàng được gấp đôi lại thành hình bán nguyệt, để phủ nhân bên trong. Bánh được ăn kèm với rau sống và nước chấm hoặc nước mắm chanh, tỏi, ớt pha loãng (bánh xèo).

Nhân bánh gồm có tôm sông, giò sống, trứng gà, thịt ba chỉ là thứ ai cũng có thể bắt chước; Bột bánh được pha theo tỉ lệ phù hợp để khi tráng bánh vừa giòn, vừa thơm, vừa dẻo. Bánh Khoái ngon còn nhờ bí quyết pha bột và nước lèo được làm từ hơn 10 gia vị là tương đậu nành, đậu phộng, mè, gan, thịt heo, nước ruốc…tạo nên thứ nước chấm sền sệt mà thực khách khi đến với Huế đều không khỏi xuýt xoa về sự khéo léo, tinh tế của người đầu bếp.


Bánh khoái khi chiên xong có màu vàng rộm, được gập đôi lại để trên chiếc đĩa sứ trắng tinh, nghi ngút khói. Có thêm màu xanh của rau xà lách, rau thơm, màu trắng của giá, vàng kem của trái vả, màu vàng của trái khế ngọt, thật đẹp mắt. Cắn một miếng, bánh giòn tan trong miệng, thực khách có thể cảm nhận cùng một lúc vị béo, ngọt, bùi, chua, chát, the… không “khoái” sao được!

Bánh khoái
Bánh khoái
Bánh khoái, đặc sản xứ Huế
Bánh khoái, đặc sản xứ Huế

Chắt chắt - Quảng Bình

Chắt chắt là loài sinh vật nhuyễn thể thuộc lớp hai mảnh vỏ, khá giống với hến nhưng có kích thước nhỏ hơn. Chúng thường sinh sống ở vùng nước lợ và nước ngọt thuộc Quảng Bình, Quảng Trị. Có lẽ vì không nhiều nơi có nên chắt chắt nghiễm nhiên trở thành một thứ đặc sản nơi đây. Trong đó, chắt chắt ở khu vực sông Gianh (Quảng Bình) thường được nhắc đến rất nhiều.


Muốn ăn con chắt chắt phải kì công lắm. Để làm món ăn, trước hết người ta cần rửa sạch qua vài ba lượt nước, để ráo. Sau đó đun nước sôi, bỏ ít muối rồi mới đổ chắt chắt vào, nước sôi bùng lên thì dùng đũa cứ thế đảo đều tay để con chắt chắt mở hết vỏ, phần ruột tách rời ra. Sau khi luộc xong thì đổ ra rổ, cho vào nước lạnh để đãi như đãi gạo, có thế mới lấy được ruột chắt chắt một cách nhanh nhất và nhiều nhất. Con chắt chắt khi đó mới có thể mang đi chế biến thành món ăn, nước luộc thì có thể dùng nấu canh hoặc nấu cháo, ngọt lịm. Mà vì con chắt chắt nhỏ thế, nên nhiều người hay đùa rằng mỗi lần ăn cứ phải ăn đến vài trăm con thì mới bõ được.

Chắt chắt
Chắt chắt
Con chắt chắt
Con chắt chắt

Bánh tằm bì - Bạc Liêu

Bánh tằm bì - đặc sản Bạc Liêu có sợi trắng tinh, hình dáng con tằm, thơm ngon mà rất dễ làm. Đây là một món ngon mang phong vị ẩm thực đậm chất dân dã miền Tây. Sợi bánh tằm bì luôn trắng tinh, bởi được chế biến từ loại gạo ngon nhất Bạc Liêu. Người ta đem gạo đi xay sau khi ngâm tận 3 ngày 3 đêm, xong đến giai đoạn hồ bột gạo bằng bột năng. Sợi bánh có ngon hoặc trắng tinh hay không là ở giai đoạn này.

Nước cốt dừa phải được lấy từ trái dừa non, cho nước có vị béo ngọt. Cho một ít bột năng vào nước cốt dừa được làm nóng vừa phải đến khi có màu trắng tinh giống sữa, đồng thời nêm ít muối và đường sao cho có vị vừa mặn vừa ngọt là được. Nước mắm ngọt được làm khá lạ. Người ta cho vào nước mắm nguyên chất một ít nước dừa, sau đó bỏ ớt tỏi băm nhỏ và chanh vào. Lúc này nước mắm ngọt cũng có vị vừa ngọt vừa mặn như nước cốt dừa. Bì là da heo và thịt heo luộc thái nhỏ trộn với thính. Bì làm sẵn có bán rất nhiều ở chợ. Rau sống là món không thể thiếu khi thưởng thức bánh tằm bì, chủ yếu là rau thơm, xà lách, dưa leo và một ít giá đỗ.

Bánh tằm bì
Bánh tằm bì
Bánh tằm bì - đặc sản Bạc Liêu
Bánh tằm bì - đặc sản Bạc Liêu

Bánh đòn - Trà Vinh

Bánh đòn hay có cái tên gọi khác là bánh tét là một trong những loại bánh không thể thiếu trong nhà của các gia đình miền Trung hay miền Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Tên gọi bánh xuất phát từ hình dáng thon dài, đều cả hai đầu như cái đòn... Nguyên liệu của bánh đòn gồm gạo nếp, đậu xanh và thịt ba chỉ hay phần thịt nọng nhiều mỡ. Để có một cây bánh tét ngon, bánh phải được gói chắc tay, vừa ăn, phần nếp và phần nhân không bị lẫn vào nhau.


Bánh đòn là một loại bánh trong ẩm thực của cả người Kinh và một số dân tộc thiểu số ở miền Nam và miền Trung Việt Nam, là nét tương đồng của bánh chưng ở Miền Bắc về nguyên liệu, cách nấu, chỉ khác về hình dáng và sử dụng lá chuối để gói thay vì lá dong, vì vậy nó cũng được sử dụng nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam với vị trí không khác bánh chưng. Nhưng cũng có nhiều bánh đòn nhân chuối hay đậu đen được làm bán quanh năm.

Bánh đòn
Bánh đòn
Bánh đòn Trà Vinh
Bánh đòn Trà Vinh

Bánh bò rễ tre - An Giang

Bánh bò là một loại bánh khá phổ biến nhưng bánh bò rễ tre thì chỉ có ở An Giang. Lý do có tên gọi là bánh bò rễ tre vì khi cắt miếng bánh sẽ hiện ra những ống khí trông hệt như rễ tre - một đặc điểm mà các loại bánh bò thông thường không có. Theo kinh nghiệm của những người làm bánh, bánh càng có nhiều “ống tre” thì sẽ càng ngon. Bánh bò rễ tre có nhiều ở vùng Tân Châu, An Giang. Bánh có vị béo của nước cốt dừa, ngọt thanh của đường thốt nốt và vị nồng của bột lên men. Bánh bò rễ tre thường có màu vàng mật ong trông rất đẹp mắt.


Để làm bánh, người ta chọn gạo ngon đem ngâm trong nước lạnh, mua thêm ít viên men cơm rượu bán ngoài chợ, loại men này làm từ bột trộn các vị thuốc bắc. Khi gạo mềm, tẻ lại nước cho sạch, đâm men cho nhuyễn rồi trộn vào gạo và xay thật nhuyễn. Bột xay xong được bồng lại, dằn cho khô. Sau đó đem bột nhồi với ít nước lạnh hoặc nước dừa tươi. Xong, ủ bột trong bông vải chừng vài giờ. Khi bột ngấm và lên men, người ta chọn đường thốt nốt, đường thẻ đem thắng loãng rồi để nguội. Cho bột vào vịm sành, chan nước đường vào, khuấy bột cho đều, để thêm một thời gian nữa, khi thấy những bọt khí nổi lên là bột đã dậy.

Lúc bấy giờ, tùy theo điều kiện của nhà, có khi người ta cho bột vào thao nhỏ, đổ bột vào khuôn hoặc những cái chén ăn cơm cũng được, miễn sao cho bột chừng hai phần dung tích để chừa khoảng trống cho nó nổi lên, trước đó người thoa một ít dầu hoặc mỡ để bánh chín không dính, dễ lấy ra.

Bánh bò rễ tre
Bánh bò rễ tre
Bánh bò rễ tre, đặc sản An Giang
Bánh bò rễ tre, đặc sản An Giang

Bánh khọt - Vũng Tàu

Bánh khọt là món ăn đặc sản của Vũng Tàu. Người dân địa phương gọi là bánh khọt bởi khi lấy bánh ra khỏi khuôn, người ta dùng loại muỗng dẹt và dài để “khẩy” lên, muỗng va chạm vào thành khuôn phát ra tiếng kêu “khọt khọt”. Bánh được xếp vào hàng dân dã nên nguyên liệu để làm bánh cũng không có gì cầu kỳ, khó kiếm. Được làm từ bột gạo, thế nhưng lại không giống như các loại bánh làm từ bột gạo khác, bánh khọt chỉ được làm từ một thứ bột gạo và không pha cùng nước cốt dừa hay bất cứ một thứ bột nào khác. Cách làm bánh khọt giòn, mềm tuy không cầu kỳ nhưng lại cần sự tỉ mỉ và tinh tế.


Chế biến bánh khọt quan trọng nhất vẫn là ở khâu pha bột, đòi hỏi một bí quyết riêng cũng như sự khéo léo từ đôi bàn tay của đầu bếp, đây chính là công đoạn quyết định đến vị ngon của bánh. Bột gạo được pha với nước theo một tỉ lệ nhất định. Nếu pha đặc quá, bánh sẽ bị đặc, bở; còn nếu bột lỏng quá thì bánh sẽ mỏng và không ngon. Chiếc bánh đạt chuẩn là không quá dày cũng không quá mỏng, khi ăn giòn nhưng vẫn giữ được độ dai nhất định.


Nhân bánh khọt được làm từ tôm tươi. Tôm được cắt bỏ đầu, lột vỏ, rửa bằng nước sạch rồi để ráo. Ngoài phần nhân là tôm tươi, phần tôm cháy màu vàng làm tăng thêm sự đẹp mắt, thơm ngon cho những chiếc bánh khọt thơm ngon này. Mỗi nhân là một con tôm lõi, màu hồng của thân tôm nổi bật trên nền bột trắng, thêm một chút bột tôm đỏ au rắc quanh đĩa tạo nên sự bắt mắt cho người ăn.

Bánh khọt
Bánh khọt
Bánh khọt Vũng Tàu
Bánh khọt Vũng Tàu

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?