Nằm cách Hà Nội khoảng 60km, Hải Dương thu hút khách du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nếu có dịp đến Hải Dương bạn nên một lần ghé thăm các địa danh nổi tiếng như: Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, đảo Cò, văn miếu Mao Điền,...
Đảo Cò
Đảo Cò Chi Lăng Nam nằm giữa lòng hồ An Dương, thuộc địa bàn xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái cách trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 30km về phía Nam theo hướng quốc lộ 39B. Đảo Cò Chi Lăng Nam được phát hiện năm 1994, nay phát triển thành khu du lịch sinh thái rộng 31,67ha. Theo thống kê hiện có 16.000 con cò và 6000 con hạc sống tại đây. Ở đây còn có nhiều loại chim quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như: diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo,..
Đảo Cò Chi Lăng Nam là khu du lịch sinh thái tuyệt vời, vì thế bạn có thực hiện chuyến đi vào bất cứ thời điểm nào trong năm cũng đều được. Tuy nhiên theo kinh nghiệm du lịch Đảo Cò vui vẻ, hấp dẫn thì bạn nên đi du lịch Đảo Cò vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Bởi lúc này là thời điểm cò, vạc ở khắp mọi nơi đều tụ tập về nơi đây để kiếm ăn, tạo nên một không gian thiên nhiên sôi sổi, nhất là vào buổi sáng sớm và buổi tối, hàng ngàn chú cò, vạc đều cất tiếng “giao ca” vô cùng thú vị.
Khi tới đây du khách không những được tận mắt nhìn thấy hàng ngàn, hàng vạn chú cò, vạc, với nhiều loài quý hiếm khác nhau, mà bạn còn được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên sông nước đầy thơ mộng nơi đây cũng rất tuyệt vời nhé, nhất là vào những buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tối, khi cò, vạc đang cùng cất tiếng “giàn ca”. Đảm bảo khi tới đây bạn sẽ có một chuyến du lịch dã ngoại Đảo Cò vô cùng thú vị và đáng nhớ.
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
Khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc là một trong 62 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Quần thể di tích này thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo - hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang,...
Nhà Tổ nằm ngay phía sau chùa Côn Sơn, thờ tượng 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ( vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), tượng Quan tư đồ Trần Nguyên Đán và vợ, tượng Nguyễn Trãi và vợ thứ của ông (bà Nguyễn Thị Lộ).
Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, tọa trên khuôn viên đất rộng 10.000 mét vuông, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa có đền thờ bà Trần Thị Thái( thân mẫu của Nguyễn Trãi). Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái ôm lấy khu đền. Đền có kiến trúc truyền thống và rất độc đáo, với một nguồn lớn kinh phí và những người có tâm đức, các nghệ nhân cùng với những người thợ khéo tay, cần mẫn lao động hơn 2500 ngày để có được công trình như ngày nay.
Đền thờ Trần Nguyên Đán được xây dựng năm 2004, gần thượng nguồn suối Côn Sơn, tại vị trí mà hơn 600 năm trước ông đã dựng nhà để nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già.
Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân, dưới chân Ðăng Minh Bảo Tháp. Tương truyền, vào một đêm rằm tháng bảy, thiền sư Huyền Quang mơ thấy một viên ngọc sáng lấp lánh nằm trên sườn núi Kỳ Lân. Trời sáng, thiền sư cùng các tăng ni lên sườn núi xem xét, khi phát quang bụi sim, mua, thấy một giếng nước trong vắt, uống thử thấy nước ngọt, mát, người khoan khoái. Khi về chùa, thiền sư đã làm lễ tạ thần linh vì ban cho chùa nguồn nước quý và xin được khơi sâu, kè bờ. Từ đó giếng được gọi là giếng Ngọc và các sư trong chùa thường lấy nước giếng để cúng lễ. Đã có thời gian giếng bị cỏ cây che lấp. Năm 1995, giếng đã được đầu tư khơi lại, kè đá, xây bờ, lát sân để tạo cảnh quan chung cho khu du lịch và cũng là để du khách khi về thăm Côn Sơn có dịp uống ngụm nước giếng thiêng.
Bàn Cờ Tiên: từ giếng Ngọc theo con đường lát đá khoảng 600 bậc sẽ đến đỉnh núi Kỳ Lân(cao 200m). Đỉnh núi là một khu đất bằng phẳng trên có một phiến đá khá rộng, người xưa gọi là Bàn Cờ Tiên.
Thạch Bàn là hai tảng đá sói kết, mặt tương đối bằng phẳng, nằm cách nhau gần 100m, bên cạnh suối Côn Sơn.
Động Kính Chủ
Được ví như Hòn non bộ khổng lồ, động Kính Chủ là địa điểm tham quan lý tưởng dành cho các du khách yêu thích sự phiêu lưu, mạo hiểm và khám phá. Bao quanh động Kính Chủ là những cánh đồng lúa bạt ngàn và những con sông uốn lượn bao quanh chân núi, tất cả điều này tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, tạo ấn tượng đáng nhớ cho bất cứ ai khi đến tham quan động Kính Chủ. Chính vì thế đây cũng là địa điểm tham quan hấp dẫn ở Hải Dương bạn nên ghé thăm.
Động Kính Chủ nằm ở sườn dãy núi đá vôi có tên Dương Nham, Bổ Đà hoặc Xuyến Châu. Đó là dãy núi nằm trên bờ sông Kinh Thầy, duyên dáng soi bóng mình xuống dòng nước. Cửa động quay hướng Nam đón gió mùa hè mát rượi. Đứng ở đây, du khách có thể nhìn thấy núi chợ Trời và Tháp Bút - hai ngọn cao nhất của dãy núi đồ sộ này; thấy cả đỉnh An Phụ nơi có đền thờ Trần Liễu và chùa Cao; thấy ruộng đồng, làng xóm và xa xa là thị trấn Kinh Môn sầm uất.
Nhưng khi vào trong động, du khách còn ngỡ ngàng trước bàn tay đẽo gọt khéo léo của tạo hóa để tạo ra hai vòm hang hình quả chuông, cao hun hút. Sâu vào trong là dòng suối nước trong vắt và mát lạnh. Suối chảy tới đâu chưa ai biết. Vòm động từng là nơi sinh sống của bày dơi quạ hàng mấy ngàn con, cứ chập tối là đập cánh vù vù, túa ra khỏi hang đi kiếm ăn. Đây cũng là nơi sơ tán của nhà máy đóng tàu Hải Phòng thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong động có chùa thờ Phật và thờ vua Lý Thần Tông. Một nhánh của động cửa quay hướng Tây, nằm thấp hơn, dẫn du khách vào với cung thờ Mẫu Tam Phủ.
Nét độc đáo nhất ở Động Kính Chủ là Bảo vật quốc gia- hệ thống bia ma nhai. Tất cả bia ở đây được khắc ngay vào vách đá với 54 tấm bia, là số bia có nhiều nhất trong các hang động ở Việt Nam. Có bia ở thấp. Có bia ở cao. Lại có bia chót vót trên vòm động. Các văn bia này đến nay nét chữ vẫn còn nguyên vẹn vì không bị mưa nắng bào mòn. Hơn 50 văn bia nói trên có niên đại chính xác từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX. Tác giả của những văn bia cũng thật đa dạng: từ nhà Vua đến quan Đại Thần; từ quan Phủ, quan huyện đến du sĩ, giáo học cho đến chức dịch địa phương.
Cụm di tích thắng cảnh An Phụ - An Sinh
Cụm di tích An Phụ nay thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, cách thành phố Hải Dương hơn 30km về phía đông. Từ nhiều năm trước sử sách đã ghi "các núi An Phụ, Thiên Kỳ, Kính Chủ,...đều là những cảnh đẹp đáng du ngoạn." Nay cảnh quan đã khác xưa nhưng là nơi có nhiều di tích cần tham quan nghiên cứu. Du khách đến tham quan An Phụ không chỉ là một cuộc tham quan di tích lịch sử mà còn là một cuộc đi thể thao bổ ích.
Các điểm di tích, hang động thuộc diện xếp hạng gồm đền Cao An Phụ (đền Cao, chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Ðạo...); khu di tích và hang động xã Phạm Mệnh (động Kính Chủ, chùa Dương Nham...); khu di tích và hang động xã Duy Tân (chùa Nhẫm Dương, các hang động núi Nhẫm Dương...). Dãy núi An Phụ có chiều dài 17 km, đỉnh cao nhất An phụ cao 246 mét, có nhiều đỉnh nhỏ và những khe đèo đã được dân gian đưa vào thơ ca và thêu dệt lại nhiều sự tích. Trên đỉnh dãy núi cao xanh thẫm nổi lên như một chóp nón khổng lồ - đó là cụm di tích An Phụ. Đỉnh núi chia làm 2 ngọn nhỏ: Ngọn phia nam có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu (là thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tục gọi là đền Cao, còn văn bia gọi là An Phụ Sơn Từ.
Khoảng giữa 2 dãy núi là chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là chùa Cao. Bên chùa còn trụ đá Kinh Thiên (Trụ đá chọc trời), trước chùa có một giếng nước, nước luôn đầy và trong mát quanh năm. Cách chùa 100 mét về phía đông, có một khoảng đất bằng phẳng, xung quanh kè đá gọi là bàn cờ tiên. Xung quanh đền và chùa vẫn còn một số cây cảnh cổ xanh tốt, đặc biệt còn một số cây Đại có 700 năm tuổi, chứng minh cho sự trường tồn của di tích.
Đây là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của tỉnh Hải Dương.
Đền Tranh
Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh, là một ngôi đền cổ ở Việt Nam. Thờ vị thần sông nước cai quản khúc sông ở bến đò Tranh, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Đền Tranh một năm có 3 mùa lễ hội. Hội tháng 2( từ ngày 10-20/2), trọng hội vào 14 - ngày sinh của quan lớn Tuần Tranh, đây là hội chính hàng năm. Hội tháng 5( từ ngày 20-26/5), trọng hội vào 25 - ngày hóa của Đức Thánh. Lễ hội đền Tranh có quy mô rộng lớn, thu hút khách nhiều tỉnh phía Bắc, một trong những hội lớn của Hải Dương, có sức hấp dẫn lạ thường, đặc biệt với các bà các cô ở các thành phố, bởi thế khách thập phương đến đây rất đông. Không chỉ trong những ngày hội mà những ngày thường cũng không ít khách đến lễ và không thể thiếu tiết mục hát chầu văn.
Trong dân gian vẫn truyền tụng là “đền thiêng lắm, linh ứng lắm, cầu gì được nấy” nên kỳ hội mở hàng năm, du khách trong nước và nước ngoài về trẩy hội rất đông. Ngoài hai lễ hội chính, vào tháng 5 Âm lịch còn có một ngày đông du khách thập phương về với đền nhất là ngày “Tiệc quan tháng 5”. Tiệc này trong truyền thuyết là ngày Quan Lớn khao tiệc. Ngoài ra nhắc đến Quan Lớn Tuần Tranh là du khách nhắc đến hoạt động Hát xướng Hầu thánh với 36 giá Hầu thánh cùng 36 bài hát.
Vào năm 2009, đền Tranh vinh dự được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Để thu hút được đông đảo du khách về thăm quan, chiêm bái tại đền Tranh, những năm gần đây, huyện Ninh Giang luôn chú trọng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đền Tranh cũng như các lễ hội. Qua đó, những nét đẹp truyền thống của vùng đất Ninh Giang và tỉnh Hải Dương đã được quảng bá đến với du khách trong nước và quốc tế.
Câu lạc bộ golf Ngôi sao Chí Linh
Câu lạc bộ golf Ngôi sao Chí Linh thuộc thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trải rộng trên diện tích 325 ha trong lòng một thung lũng tuyệt đẹp với một hồ nước tự nhiên nép mình bên những dải đồi xanh hùng vĩ bao quanh. Sân golf được xây dựng 36 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế AAA. Những thảm cỏ xanh được chăm sóc, xén tỉa mỗi ngày, những con đường nhỏ uốn mình vòng quanh mép hồ, các rặng cây, các dốc thoải ven đồi, là điểm dừng chân với những quán nhỏ đơn sơ nép mình trong tán cây thơ mộng.
Chí Linh Star Golf & Country Club được bố trí khoa học với các bẫy cát kín đáo được xem là một thử thách đáng để chinh phục của các tay golf chuyên nghiệp. Loại cỏ được sử dụng tại đây là giống cỏ tốt nhất dùng cho sân golf - nhập khẩu từ Úc, hệ thống tưới linh hoạt được điều khiển bằng máy tính của hãng RainBird được nhập khẩu từ Mỹ, các loại thiết bị bảo dưỡng sân golf hàng đầu Thế giới của hãng Toro ở Mỹ....
Điểm cao nhất của sân golf chính là nhà Câu lạc bộ được chú ý với thiết kế độc đáo, toàn bộ hệ thống cửa và tường bao được xây dựng bằng kính trong suốt cho phép du khách và khán giả có thể chiêm ngưỡng phần lớn diện tích sân với 28/36 hố golf.
Sân golf Ngôi sao Chí Linh được mệnh danh là "sân golf thách thức nhất Việt Nam" và các tay golf chuyên nghiệp khó thể bỏ qua địa điểm thi đấu thú vị này.
Gốm Chu Đậu
Khu vực sản xuất gốm sứ cổ Chu Đậu nằm tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương. Được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992. Gọi gốm Chu Đậu là gốm đạo vì hoa văn tinh xảo của những sản phẩm này đều mang đậm những giá trị nhân văn của Phật giáo và Nho giáo.
Hai trong số hàng chục loại gốm Chu Đậu gây ấn tượng, trở thành sản phẩm nổi tiếng, được ưa chuộng nhất với người sành đồ cổ là Bình gốm Hoa Lam (còn gọi là bình củ tỏi) và Bình Tỳ Bà. Theo triết học phương Đông, bình củ tỏi mang tính dương, là trời, là cha, là trụ cột. Miệng bình có hình dáng thẳng đứng, biểu hiện sự thẳng thắn, cương trực, vững chãi. Thân bình là sự kết hợp tuyệt vời giữa họa tiết hoa cúc đại đóa – biểu tượng cho sự thanh cao, xen kẽ với dây hoa mềm mại. Bình Tý bà mang hình dáng cây đàn tỳ bà, tượng trưng cho phái âm, đất, mẹ, hiện thân của người phụ nữ Việt Nam trẻ trung, duyên dáng. Hai chiếc bình này còn gọi là bình âm dương, chính là tượng trưng cho bình cha, bình mẹ, tượng trưng cho nền nếp của một gia đình hạnh phúc…
Khu di tích rộng tới 4 vạn mét vuông có các loại dụng cụ sản xuất đồ gốm như con kê, bao nung, bàn xoay, bàn in hoa văn cùng một số phế phẩm và các mảnh vỡ, đây là một trung tâm sản xuất đồ gốm lớn ở nước ta vào thế kỉ XV - XVI.
Những người đi thưởng lãm, đặc biệt là du khách nước ngoài, không khỏi trầm trồ trước sự khéo léo của các nghệ nhân, những bàn tay vuốt gốm điệu nghệ tạo ra những khuôn hình độc đáo với bình hoa lam, bình tỳ bà, độc bình, các loại hũ, đồ thờ, các loại chậu, con giống, lọ hoa… một cách tài tình như thu gọn cả thế giới thiên nhiên rộng lớn.
Văn Miếu Mao Điền
Văn Miếu Mao Điền nằm trên quốc lộ số 5, cách thành phố Hải Dương 15km. Tại miền Bắc Việt Nam Văn Miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ hai, chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám. Văn Miếu là một công trình kiến trúc bề thế, uy nghi. Nhà trong thờ Khổng Tử và Mạnh Tử. Nhà ngoài là nơi tụ hội của các quan trường học giả. Hai bên là 2 dãy giải vũ 5 gian đối diện nhau. Tiếp đến là hai tháp chuông xây cất rất hoành tráng. Phía trước là Cây gạo trăm năm in bóng xuống hồ nước trong xanh. Xung quanh là các loại cây cảnh và cây ăn quả.
Dãy nhà chính của văn miếu gồm hai lớp quay về hướng Tây, với 7 gian, mái cong vút, chạm trổ hình rồng, phượng, áp sát vào nhau. Nhà trong thờ Khổng Tử. Nhà ngoài là nơi tụ hội bái lễ của các bậc quan trường học giả và đặt bàn thờ và bát nhang công đồng. Hai bên vách treo bảng danh sách 637 vị tiến sĩ quê ở trấn Hải Dương trong thời đại khoa cử Việt Nam. Hai di vật cổ nhất của văn miếu Mao Điền được đặt ở dãy nhà ngoài là chiếc lư hương bằng đá trên bàn thờ công đồng và khánh đá từ thời Tây Sơn. Chiếc khánh đá có âm thanh trong trẻo thể hiện trình độ rất cao của người thợ chế tác đá Việt Nam đầu thế kỷ 19, với một bên tai đã vỡ.
Phía trong hậu cung của văn miếu thờ cả thảy chín bài vị. Chính giữa thờ Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho. Lần lượt hai bên là Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thị Duệ. Trong cách bài trí thờ tự cũng có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Khổng Tử là ông tổ đạo nên được thờ ở chính giữa, bên trái là Chu Văn An, một người thầy mẫu mực trong truyền thống đạo Nho nước ta. Những người còn lại đều là những người con xuất chúng của trấn Hải Dương. Đặc biệt là trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ, nữ trạng nguyên duy nhất của nước Việt.
Tháng 2 âm lịch hàng năm, tỉnh Hải Dương lại mở hội Văn Miếu. Người Hải Dương lại ở khắp nơi tề tựu về dự lễ hội, báo công, dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước.
Rừng rễ
Rừng rễ nằm cạnh rừng thông ở phía Nam chân núi Côn Sơn, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là một địa điểm du lịch Hải Dương mới lạ được giới trẻ yêu thích. Rừng rễ có vẻ đẹp thơ mộng như một cô gái mới lớn dịu dàng, trong sáng nhưng mang những nét đẹp thơ mộng làm say đắm lòng người. Rừng rễ có từ lâu đời và đã trở thành biểu tượng quen thuộc của vùng đất Chí Linh - Hải Dương.
Rừng rễ được miêu tả sách “Những cây thuốc Việt Nam”: cây rễ hay còn gọi là cây thanh hao dùng để chỉ cây chổi rễ, có nhiều cành, có thể cao tới 2m, cành rất nhỏ, lá mọc đôi, hình lá kim dài chừng 1cm, có những mạch màu nâu. Hoa nhỏ trắng mọc đơn độc ở kẽ lá… Trong cây có tinh dầu màu vàng, gần như tinh dầu khuynh diệp. Nhân dân thường lấy để làm chổi quét nhà. Lá dùng cho vào chum vại đựng đậu xanh hay để quần áo tránh nhậy hoặc sâu bọ cắn hại. Người ta đau bụng thường nằm trên chiếc võng thưa, đốt cây chổi rễ.
Lang thang dạo bước quanh rừng rễ bạn sẽ thấy được vẻ đẹp của rừng rễ hòa cùng vẻ đẹp núi rừng tạo nên một bức tranh hài hòa màu sắc và thu hút ánh mắt người xem. Đây là không gian lãng mạn lý tưởng đối với những đôi bạn trẻ cầm tay nhau dạo bước trong rừng rễ thơ mộng. Bạn sẽ tìm lại được cái cảm giác yên bình, thanh thản, thư giãn khi ngồi dưới bóng cây thông và hòa mình vào không gian hương đồng gió nội.
Làng rối nước Thanh Hải
Được biết đến là làng nghề múa rối truyền thống hoạt động cả trăm năm nay, đây cũng là địa điểm tham quan vui vẻ, thú vị ở Hải Dương. Các chương trình múa rối ở đây đã có mặt trong nhiều lễ hội lớn trên toàn quốc, Festival và đều đoạt được giải thưởng cao. Nếu bạn chưa được xem múa rối lần nào hoặc muốn tìm hiểu rõ hơn về ngành nghề này, thì làng múa rối nước Thanh Hải là điểm dừng chân bạn không thể bỏ qua.
Nghệ thuật múa rối nước Thanh Hải bắt nguồn từ làng An Liệt vào thời Hậu Lê, do người dân làng An Liệt đi làm ăn phương xa học được và đem về làng truyền nghề. Trước Cách mạng tháng 8/1945 phường rối tập hợp những người trong làng cốt để vui chơi vào dịp lễ hội hoặc nông nhàn. Hòa bình lập lại, múa rối nước ở Thanh Hải được củng cố cả về tinh thần và vật chất. Đến nay với 32 thành viên nòng cốt với tình yêu nghệ thuật dân gian, họ đã sáng tác thêm nhiều kịch bản mới độc đáo. Năm 2001, phường múa rối nước Thanh Hải đạt giải Nhất tại Liên hoan múa rối nước tỉnh Hải Dương và được mời đi biểu diễn nhiều nơi trong nước. Tại liên hoan nghệ thuật múa rối nước nhân Festival Huế năm 2004, phường rối nước Hồng Phong đã được trao giải Vàng.
Múa rối nước là môn nghệ thuật biểu diễn tổng hợp, sinh ra và tồn tại trong cộng đồng cư dân lao động nông nghiệp. Đây là món ăn tinh thần, một trò vui giải trí lành mạnh của cư dân vùng châu thổ sông Hồng. Du khách đến Hải Dương nên một lần ghé thăm và thưởng thức nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo này.