Là một tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái có vị trí nằm ở cả trên 2 vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Với địa hình có độ dốc lớn, thế cao dần từ đông sang tây, từ nam lên bắc, với độ cao trung bình 600m so với mực nước biển, cảnh quan của Yên Bái rất đa dạng với nhiều cảnh đẹp như ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chè Shan Tuyết Suối Giàng,cánh đồng Mường Lò hay khu du lịch Hồ Thác Bà…
Chiến khu Vần
Chiến khu Vần là một vùng đất khá rộng, nằm ở phía Nam huyện Trấn Yên và Đông Nam huyện Văn Chấn. Trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm ở địa bàn của 3 tổng là: Lương Ca, Giới Phiên (thuộc Trấn Yên) và Đại Lịch thuộc Văn Chấn có cự ly dài từ Bắc xuống Nam là 23km và từ Đông sang Tây 18km.
Căn cứ cách mạng kiểu chiến khu có quy mô khá rộng trong đó có 2 vùng quan trọng nhất là làng Vần và làng Đồng Yếng.
Làng Vần là thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi có độ cao trung bình từ 200 đến 500m, thung lũng có chiều dài 4,5 km, đường đi lại khó khăn, ngày nay được kết cấu bằng những chân ruộng bậc thang, sau cách mạng được đồng bào khai phá (có độ chênh lệch thấp) nay gọi là Đồng Trò, Đồng Cây Gạo,… có ngòi Vần chạy dọc theo làng. Đây cũng là hợp lưu của 3 con ngòi nhỏ để tạo nên ngòi Vần. Địa thế hiểm trở, xưa chỉ có một con đường duy nhất vào làng và phải qua đèo. Vừa kín đáo lại vừa gần các trung tâm chính trị (tỉnh lỵ hai tỉnh Yên Bái – Phú Thọ) nên khu vực này đã được xứ uỷ Bắc Kỳ chọn làm nơi thuận lợi cho việc lập căn cứ cách mạng dần phát triển hình thành mô hình kiểu chiến khu.
Làng Đồng Yếng cách làng Vần khoảng 4 km về phía Đông và cách Hiền Lương hơn 3 km về phía Tây. Là làng nằm giữa Vần và Hiền Lương. Có vị trí thuận lợi, đồi hình mâm xôi nên Đồng Yếng được đội du kích Âu Cơ chọn làm trung tâm huấn luyện quân sự để phát triển lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở Yên Bái và Phú Thọ.
Di tích Căng Đồn Nghĩa Lộ
Khi nhắc tới lịch sử của Căng và Đồn Nghĩa Lộ là nhắc tới địa danh Văn Chấn (nay thuộc Thị xã Nghĩa Lộ) và nhắc tới lịch sử nơi này thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 40 của thế kỷ XX. Với ý đồ dập tắt phong trào cách mạng, Thực dân Pháp lập các trại “lao động đặc biệt” tập trung những người yêu nước. Sau khi Căng Bá Vân (Thái Nguyên) bị giải thể, Thực dân Pháp đã đưa những người yêu nước bị giam về Nghĩa Lộ.
Mùa hè năm 1944 chi phủ Văn Chấn đã huy động các tổng, xã bắt phu nộp vật liệu để xây dựng Căng. Thực dân Pháp còn cử tên Đinh Văn Dung và tên Lăm – Be sở mật thám huyện đến kiểm tra đôn đốc khẩn trương ngày đêm. Tháng 1/1945 thì việc xây dựng hoàn thành. Nhìn toàn cảnh lúc này Căng Nghĩa Lộ như một cái tủ dựng đứng có 3 dãy nhà dài “hai dãy là nơi giam giữ chính phạm nam giới, phía trong giam chính trị phạm nữ giới, phía ngoài là nơi thường trực và bên cạnh là trạm gác của lính khố xanh”. Bao bọc toàn bộ khu Căng Đồn là hàng rào dây thép gai, phía ngoài hàng rào là hầm sâu có cắm chông, bồn góc Căng có chòi cao sừng sững ngày đêm canh giữ cẩn mật…
Bản Hốc
Cách Hà Nội gần 200km, Bản Hốc nằm ngay trung tâm của huyện Văn Chấn. Với gần 80% là dân tộc Thái, sống chủ yếu bằng làm nông nghiệp. Nơi đây còn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Thái.
Đến với Bản Hốc ngoài được khám phá những nét thú vị, đặc sắc của văn hoá dân tộc Thái với những ngôi nhà sàn truyền thống, tìm hiểu những nghề thủ công hay thưởng thức những ly rượu men lá, rượu cần cùng với điệu xoè say đắm đã đi vào câu thơ, lời hát. bạn còn được ngâm mình trong suối khoáng nóng tự nhiên quanh năm có tác dụng rất tốt cho sức khoẻ hoặc thử sức với những dãy núi đá vôi khám phá hang Dơi, tham gia đốt lửa trại….
Tà Xùa
Tà Xùa là một xã vùng núi cao, thuộc huyện Bắc yên, tỉnh Sơn La. Tà Xùa là nơi giáp ranh giữa hai huyện là huyện Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái và huyện Bắc Yên của tỉnh Sơn La. Trước đây do chưa có đường xá đi lại nên cuộc sống của người dân xã Tà Xùa khá là khó khăn. Việc di chuyển đến đây cũng không phải điều đơn giản. Tuy nhiên đến khoảng năm 2011, nhà nước đã cho xây dựng đường lên xã. Nhờ đó mà cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện hơn. Và cũng nhờ vậy là Tà Xùa trở thành một điểm đến du lịch được yêu thích đối với các bạn trẻ đam mê trải nghiệm, thích khám phá những vùng đất mới.
Tà Xùa được hợp lại từ ba đỉnh núi hùng vĩ, quanh năm thường được mây ngàn bao phủ, và là ranh giới tự nhiên giữa Sơn La với Yên Bái. Đến Tà Xùa, bạn có thể đi giữa rừng nguyên sinh, những cây cổ thụ rêu phong phủ kín phảng phất mùi thơm của gỗ, những vạt hoa rừng khoe sắc trong gió đông, những biển mây trôi bồng bềnh, phiêu lãng…
Bản Sà Rèn
Nằm tại Thị xã Nghĩa Lộ, Sà Rèn là một bản làng nằm dọc ven bờ suối Thia, quanh năm róc rách bởi dòng Nậm Thia xanh mát, các bạn chỉ mất khoảng 2 tiếng đi xe ô tô là có thể đến tham quan, trải nghiệm điểm du lịch cộng đồng bản Sà Rèn, một nơi hoàn toàn chỉ có người Thái đen sinh sống và vẫn còn giữ được những nét văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo.
Bản Sà Rèn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi nơi đây vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, những khóm tre gắn bó sâu sắc với cuộc sống của người Thái đen được giữ gìn dọc ven bờ suối, những nếp nhà sàn cổ bên trong vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Thái, những con người miền sơn cước đôn hậu, thân thiện, mến khách.
Hồ Đầm Hậu
Cách thành phố Yên Bái hơn 10km về phía Nam, ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, Hồ Đầm Hậu còn được gọi là Hồ 99 ngách ngay cạnh nút giao IC 12 đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai.
Hồ Đầm Hậu quanh năm đầy nước, du khách đến đây, có thể chèo thuyền khám phá những ngóc nghách, những đảo lớn nhỏ hay vào vùng trung tâm hồ hòa mình cùng với thiên nhiên và cảm nhận bầu không khí trong lành, tìm cho mình một chỗ để có thể buông câu giúp tinh thần con người thoải mái. Trèo lên thân đập, phóng tầm mắt nhìn quanh hồ sẽ thấy một màu xanh mướt của những đảo cây in bóng xuống mặt nước lung linh huyền ảo thật kỳ thú. Và sau hành trình khám phá quanh hồ, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực tươi ngon từ nguồn thủy sản sẵn có của vùng hồ.
Khu du lịch sinh thái Hồ Đầm Hậu với diện tích 280ha, bao gồm: khu sân golf, khu rừng phong cảnh và khu du lịch nghỉ dưỡng. Sau khi hoàn thành, Hồ Đầm Hậu sẽ là một điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và thể thao đầy hấp dẫn cho mỗi du khách khi ghé thăm Yên Bái.
Căng và Đồn Nghĩa Lộ
Cánh đồng Mường Lò
Là cánh đồng lúa lớn thứ hai của vùng núi Tây bắc hùng vĩ và mộng mơ, Mường Lò nổi tiếng với gạo trắng nước trong, hương vị gạo tẻ và chè đặc sản. Đến Mường Lò du khách sẽ được trải nghiệm hòa mình vào những điệu xòe cổ, để rồi cùng nắm tay nhau nhảy múa nhịp nhàng uyển chuyển theo nhịp cồng chiêng, tiếng khèn vang lừng. Các điệu xòe thể hiện khát vọng, niềm tin vào cuộc sống, bên cạnh là sự trong sáng của tình yêu lứa đôi.
Hồ Thác Bà
Chè Shan Tuyết Suối Giàng
Suối Giàng sương phủ sáng chiều, trời chỉ hé nắng một vài lúc ngắn trong ngày, thời tiết nhiều sương mù cùng thổ nhưỡng núi đá là nơi phát triển lâu đời của giống trà Shan Tuyết cổ thụ.
Cây chè Shan Tuyết ở Suối Giàng có tuổi thọ đã vài trăm năm.Đến nơi đây và tự tay hái các búp chè non tinh trong nắng sớm, chắc hẳn sẽ là một sự trải nghiệm đầy thú vị với du khách.
Chợ đá quý Lục Yên
Vượt qua trở ngại về quãng đường xa, du khách hãy đến với Lục Yên - Yên Bái, đến thăm chợ đá quý Lục Yên, chiêm ngưỡng những tác phẩm tuyệt đẹp từ đá quý của những nghệ nhân nơi đây và sắm cho mình món đồ ưng ý nhất.
Thác Pú Nhu
Thác Pú Nhu nằm ở bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 10 km về phía tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Than Uyên (Lào Cai) đổ về, thác có độ cao cột nước khoảng 20 m được chia thành nhiều bậc.
Ở khu vực thác, nhiệt độ cao nhất trong năm khoảng 26 độ C, khí hậu trong lành, mát mẻ thật lý tưởng cho những chuyến dã ngoại trong ngày. Những thềm đá được nước đổ xuống chảy êm đềm trên những mảng rong xanh sẽ để lại ấn tượng cho ai từng trầm mình trên đó mà thả hồn theo dòng nước, quên đi những lo toan bộn bề của cuộc sống.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Dừng chân tại Mù Cang Chải, đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng theo khắp các quả đồi nơi đây. Do địa hình Mù Cang Chải là núi cao, vực sâu, cắt xẻ nhiều nên mỗi “mâm xôi” đều được xen giữa các khe nước lớn nhỏ, trập trùng là những rừng thông bạt ngàn. Cứ như thế: ruộng, rừng, khe, suối... tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau.
Đến với nơi đây, bạn sẽ được nhìn ngắm màu xanh của lúa, hòa quyện với những “dải lụa” của đất đã gợi một vẻ đẹp vừa hiền hòa vừa lôi cuốn mọi ánh nhìn. Còn nếu bạn tới nơi đây khi vào mùa sắp thu hoạch, bạn sẽ thấy lúa ngả sang màu vàng đượm, những thửa ruộng bậc thang bật nên giữa nền trời trong xanh và cỏ cây. Đây chính là khoảnh khắc làm đắm say rất nhiều du khách và đã được chọn là chủ đề của nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, điện ảnh, văn học – nghệ thuật…
Nơi đây còn là nơi có loài hoa Tam giác mach nổi tiếng, vẻ đẹp của loài hoa làm mỗi người ngắm nó cảm thấy xao xuyến trong lòng.
Bản Ngòi Tu
Bản Ngòi Tu thuộc xã Vũ Linh, Yên Bình. Là một bản với nhiều dân tộc anh em sinh sống, nhưng phần lớn vẫn là dân tộc Dao (Dao Quần Trắng), bản cách Hà Nội 165km nằm ở khu vực phía Tây-Bắc Việt Nam, theo đường QL2, QL70.
Với những đặc trưng riêng, Ngòi Tu hấp dẫn du khách không những bởi có một vị trí đẹp, 1 phần đất liền và một nửa còn lại tiếp giáp mặt hồ nước mênh mông mà còn bởi nơi đây là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Dao, Cao Lan, Nùng, trong đó chủ yếu là đồng bào Dao quần trắng.
Đến với Ngòi Tu ngoài việc được thưởng thức những món ăn dân dẫ bạn sẽ còn được hòa mình vào phong cảnh hữu tình, say lòng cùng những làn điệu dân ca, những điệu múa : làm chay, xúc tép, rước dâu truyền thống … Với những bạn thích lang thang khám phát còn có thể tham gia trekking núi Yến, núi Cao Biền hoặc đạp xe khắp bản để khám phá văn hóa của người Dao.