Top 7 địa điểm du lịch tại tỉnh Điện Biên

Tỉnh Điện Biên nằm ở phí Tây Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 500 km theo đường chim bay. Đến với Điện Biên là bạn được đến với những trang sử hào hùng của dân tộc, đến với hoa ban và những cảnh đẹp hoang sơ quyến rũ lòng người. Nếu bạn có ý định đi du lịch Điện Biên thì bạn không thể bỏ lỡ các địa điểm sau đây.

Hồ Pá Khoang

Hồ Pá Khoang nằm ẩn mình trong thung lũng, giữa núi rừng trập trùng của tỉnh Điện Biên. Từ trung tâm thị xã Điện Biên, bạn chỉ cần đi thêm khoảng 20 km nữa là đến được Hồ Pá Khoang, nơi có thảm động thực vật vô cùng phong phú và cảnh vật nên thơ, với hồ nước trong xanh nằm cạnh những cánh rừng bạt ngàn hun hút.


Vào mùa đông, Hồ Pá Khoang được sương mờ buông phủ tạo một phong cảnh huyền ảo, thấp thoáng nơi xa là những dãy núi trập trùng, những nếp nhà xinh xắn. Mùa hè không khí nơi đây thật dễ chịu với những luồng gió nam mát dịu. Tất cả tạo nên một khung cảnh êm đềm, thơ mộng, một thắng cảnh quyến rũ lòng người. Trong khu vực lòng hồ có các bản dân tộc Thái, Khơ Mú – là những dân tộc vẫn còn giữ được các phong tục tập quán đặc trưng của vùng Tây Bắc.
Hồ Pá Khoang
Hồ Pá Khoang

Cực Tây A Pa Chải

A Pa Chải là điểm cực Tây trên đất liền của Việt Nam, vùng giáp biên 2 nước Trung Quốc và Lào thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Nơi này được mệnh danh là “1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy”. Nằm ở độ cao 1.864 m so với mực nước biển, nơi đây tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác. A Pa Chải còn là địa danh gắn liền với cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E, nằm trên đỉnh núi Khoang La San thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.


Đã đến với Điện Biên thì không thể không ghé thăm điểm cực Tây của Tổ quốc phải không nào? Với địa hình cao, đứng từ trên đỉnh A Pa Chải phóng tầm mắt ra xa bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp ở trước mắt với trùng trùn, điệp điệp những dãy núi nhấp nhô. Một khung cảnh thực sự ấn tượng với những ai yêu mến sự hùng vĩ của thiên nhiên. Không khí ở A Pa Chải trong lành, mát mẻ. Bạn hãy một lần ghe qua nơi đây để tự mình cảm nhận nhé.
Cực Tây A Pa Chải
Cực Tây A Pa Chải

Cánh đồng Mường Thanh

Đứng đầu trong bốn cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc theo lời truyền khẩu “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy các di tích lịch sử của trận chiến ngày nào. Dù đi bằng cách nào thì khi đến với Mường Thanh, bạn cũng sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng vẻ trù phú của nơi đây.


Đến với Điện Biên không chỉ có những di tích lịch sử mà còn có những cảnh đẹp tự nhiên hấp dẫn. Không quá bạt ngàn bát ngát như cánh đồng ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng cánh đồng Mường Thanh vẫn có những nét riêng khiến cho bạn cảm thấy thích thú. Nằm giữa lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy ngô lúa. Từ cuối tháng 9, lúa mùa khu vực lòng chảo Mường Thanh bắt đầu chín rộ, khiến du khách ghé thăm ngỡ như đi giữa mùa vàng. Một cảm giác thân thuộc của cánh đồng quê Bắc Bộ trải dài ngút mắt, nhưng vẻ đẹp kiêu hùng của cánh đồng lúa bốn bề núi bọc cũng chẳng hề xen lẫn.

Cánh đồng Mường Thanh.
Cánh đồng Mường Thanh.

Bảo tàng chiến thắng Điện Biên

Bảo tàng chiến thắng Điện Biên tọa lạc tại phố 1, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bảo tàng này được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là nơi trưng bày tượng, bản đồ và các chứng tích của trận đánh Điện Biên Phủ hào hùng. Vào cuối năm 2003, bảo tàng chiến thắng Điện Biên đã được tiến hành nâng cấp và chỉnh sửa lại khu trưng bày. Đến nay, bảo tàng có 5 khu trưng bầy với 274 hiện vật và 122 bức tranh. Hiện nay, bảo tàng chiến thắng Điện Biên đón hàng trăm lượt khách tham quan mỗi ngày và trở thành địa điểm du lịch văn hóa quan trọng của tỉnh Điện Biên.

Bảo tàng chiến thắng Điện Biên
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên

Đèo Pha Đin

Một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc, Pha Đin là con đèo có tện gọi xuất xứ từ tiếng Thái. Cái tên Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất”, hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Tương truyền rằng trước đây người Lai Châu và Sơn La cũ tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng cách cho đua ngựa vượt dốc Pha Đin, người và ngựa của người Lai Châu phi nhanh hơn một chút nên phần đèo thuộc về tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên) cũng dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.


Đèo Pha Đin có địa thế rất hiểm trở, chênh vênh giữa một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Chính vì vậy, khung cảnh trên đèo Pha Đin cũng trở nên hùng vĩ hơn bao giờ hết với những lớp núi nối tiếp nhau trải dài đến bất tận. Hiện nay, đèo Pha Đin chỉ còn phù hợp với những ai ưa mạo hiểm.

Đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin

Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ

Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ bao gồm bảo tàng và tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; đồi A1, C1, C2, D1; nghĩa trang liệt sỹ đồi A1; hầm tướng Đờ Cát; cầu và sân bay Mường Thanh; cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam; sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ… Đến khu di tích này bạn sẽ như trở về với những năm tháng của cuộc chiến tranh chống Pháp cứu nước hào hùng.


Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng. Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6m kết cấu bê-tông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau. Đồng thời khi lên đến tượng các bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng toàn thành phố Điện Biên, bởi tượng được đặt trên đồi D1.


Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1 có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sỹ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ và hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Không gian nghĩa trang rất yên tĩnh, không khí trong lành, môi trường xanh, sạch, đẹp.


Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên không thay đổi. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20 m và rộng 8 m bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Suối khoáng nóng Hua Pe

Suối khoáng nóng Hua Pe nằm cách trung tâm thị xã Điện Biên khoảng 5 km. Nước suối ở đây lúc nào cũng có nhiệt độ khoảng 60 độ C cùng nhiều khoáng chất quý giá, có lợi cho sức khỏe nên thu hút rất nhiều khách du lịch đến nghỉ dưỡng và chữa bệnh.


Bạn hãy thử một lần tắm nước khoáng nóng ở Hua Pe, bạn sẽ thấy được sự khác biệt so với những nơi khác. Từ đâu đó trong lòng núi, những dòng nước nóng quanh năm chảy ra, đổ vào suối Nậm Pe, Hua Pe. Người ta bảo rằng, suối nước nóng thì có nhiều, nhưng để uống được thì chỉ có nước khoáng ở Hua Pe. Suối khoáng nóng Hua Pe gồm 1 bể chứa nước, 2 bể bơi lớn và các bể bơi đôi cùng nhiều công trình dịch vụ khác.
Suối khoáng nóng Hua Pe
Suối khoáng nóng Hua Pe

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?