Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của dân tộc. Theo số liệu thống kê sơ bộ, Hà Nội có đến hàng trăm đình, đền, chùa lớn, nhỏ, nằm xen kẽ trong các phố phường tấp nập. Đi lễ đầu năm là phong tục đẹp của người Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Dưới đây là những địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn bậc nhất tại Thủ đô Hà Nội mà Toplist muốn chia sẻ cùng các bạn
Đền Voi Phục
Lễ hội chính: Ngày 09,10 tháng 02 âm lịch
Đền Voi Phục là một ngôi đền trong Thăng Long tứ trấn của thành Thăng Long, trấn giữ phía Tây thành. Ngoài cửa đền có đắp hai con voi quỳ phục dưới đất, nên gọi đền là Voi Phục.
Đền thờ Linh Lang đại vương, là hoàng tử Hoằng Chân con thứ 4 của vua Lý Thái Tông do một bà phi người làng Bồng Lai (Đan Phượng) sinh ra ở Trại Chợ - Thủ Lệ. Hoàng tử đã tham gia trận đánh quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Cầu và hi sinh tại đó vào năm 1076. Sau khi mất, được người dân Thủ lệ lập đền thờ và được nhà vua sắc phong là Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần. Thần đã nhiều lần âm phù giúp nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, và nhà Lê trong cuộc phục hưng.
Đền có kiến trúc mang vẻ đẹp thánh thiện, là một điểm sáng trong tinh thần bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc của người dân Hà Thành nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Đến đây, du khách có thể cầu mong sức khỏe, sự an lành trong một năm.
Đình/ Đền Kim Liên (Đền Cao Sơn)
Lễ hội chính: Ngày 16 tháng 3 âm lịch
Đình Kim Liên (còn gọi là Đền Cao Sơn) do thờ Thần Cao Sơn, là một trong những người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong “Thăng Long tứ trấn”. đền này được xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tổ ngay khi Hoàng đế rời đô tới Thăng Long nhằm đánh dấu mốc giới phía nam Kinh thành Thăng Long xưa.
Di vật quan trọng nhất tại đình Kim Liên là tấm văn bia đá đen rất lớn bên cây si có gốc to cả chục người ôm không xuể. Bia có khắc “Cao sơn Đại Vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510 nói về công lao của thần Cao Sơn trong việc ngầm giúp vua Lê giành lại ngai vàng từ tay ngoại thích và hệ thống 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng, mười ba đạo thời nhà Nguyễn, sớm nhất trong số đó là sắc phong có niên đại Vĩnh Tộ năm thứ hai (1620). Giống với các trấn khác của Hoàng thành Thăng Long, đến với Đình Kim Liên, du khách có thể cầu may mắn và bình an.
Chùa Một Cột ( Chùa Diên Hựu)
Lễ hội chính: Ngày 08 tháng 4 âm lịch
Chùa Một Cột (còn có tên gọi là Chùa Diên Hựu), được xây dựng năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Tương truyền, khi đang lo lắng vì đã cao tuổi mà vẫn chưa có hoàng tử thì một đêm, vua nằm mơ thấy Phật Bà hiện trên đài sen trong hồ nước, tay bế một đứa con trai trao cho nhà vua. Thời gian sau, hoàng hậu hạ sinh một hoàng tử khôi ngô tuấn tú. Để ghi ân điều này, vua đã cho xây một ngôi chùa có dáng dấp hoa sen trong hồ nước và đặt tên là Diên Hựu. Chùa chỉ có một gian được đặt trên một trụ giữa hồ sen.
Điểm nhấn của ngôi chùa nằm ở họa tiết và kiến trúc độc đáo trông như một bông sen trên mặt nước, dân gian quen gọi là chùa Một Cột. Đến đây, du khách có thể thăm quan quần thể lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – ao cá, nhà sàn Bác Hồ - chùa Một Cột và bảo tàng Hồ Chí Minh.
Phủ Tây Hồ
Điểm tiếp theo có thể đến vào dịp đầu xuân để cầu sự bình an, may mắn và tài lộc cho năm mới là Phủ Tây Hồ, Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, không chỉ rất nhiều người dân Hà Nội mà còn có cả khách thập phương tới thăm phủ Tây Hồ. Phủ nằm trên một bán đảo của làng Nghi Tàm, nhô ra Hồ Tây, đây chính là nơi thờ bà chúa Liễu Hạnh (còn được người dân tôn phong là Mẫu Liễu Hạnh), người được cho là đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu.
Theo truyền thuyết trong dân gian Việt Nam, chúa Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử, vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần và có rất nhiều công trạng đối với nhân dân, hành thiện giúp đời nên được người dân tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân" và cuối cùng quy y cửa Phật.
Khi đến vãn cảnh và lễ tại phủ Tây Hồ, chúng ta có thể tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành của hồ Tây, hòa mình trong tiết trời mùa xuân với những cơn gió mát đầu mùa, đồng thời có thể thưởng thức bánh Tôm hồ Tây, một trong những đặc sản của người dân Hà Thành.
Chùa Phúc Khánh
Chùa Phúc Khánh được xây dựng dưới thời Hậu Lê nhưng do chịu nhiều tổn thất từ các cuộc chiến tranh, nên chùa bị phá hủy và được phục dựng lại để tưởng nhớ lại những ngày tháng gian khổ đã được nhà chùa giúp đỡ của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Đặc biệt, chùa đã trở thành nơi cúng lễ và ban may mắn cho mọi người vào các dịp lễ hay những dịp cầu may đầu năm, là nơi người dân cả nước về đây để cầu an, bán khoán và làm lễ dâng sao giải hạn cho bản thân và gia đình.
Chùa Hà
Là một ngôi chùa rất linh thiêng có tên chữ là Thánh Đức tự, chùa có kiến trúc vô cùng cổ kính mang nhiều giá trị đối với lịch sử của dân tộc. Chùa có khuôn viên rộng với không gian thanh tịnh tuyệt đối, đối lập hẳn với mọi sự ồn áo của phố xá Hà Nội phía bên ngoài.
Chùa Hà nổi tiếng với việc cầu tình duyên "đi thì lẻ bóng, về thì có đôi", đầu năm đi lễ tại chùa này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh đối với những bạn trẻ còn đang cô đơn lẻ bóng mà còn đối với cả những cặp vợ chồng đến để cầu mong cho tình duyên lứa đôi ngày càng nồng thắm keo sơn.
Chùa Quán Sứ
Được xây dựng vào thế kỷ 15, thời vua Lê Thế Tông. Là trụ sở của Trung ương hội Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ là một phần không thể thiếu của hồn thiêng Hà Nội, trước đây chùa từng là trụ sở trung tâm cả Tổng hội Phật giáo Bắc Kì, nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của Phật giáo nước nhà. Chính nơi đây vào ngày 13/5/1951, lần đầu tiên lá cờ Phật giáo thế giới do Thượng tọa Tố Liên mang về từ Colombo đã xuất hiện trên bầu trời Hà Nội, đây chính là sự kiện thể hiện sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam và sự hòa nhập giữa Phật giáo trong nước với Phật giáo thế giới.
Mang ý nghĩa lịch sử lâu đời, chùa có không gian hết sức trang nghiêm, thanh tịnh, trong chùa có những câu đối được viết hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ, đây là một điểm đến đầu tiên mà du khách có thể tới trong chuyến du xuân đầu năm để cầu nguyện cho một năm mới bình an, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất tại Hà Nội với gần hai nghìn năm tuổi. Ngôi chùa này mang một ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn bởi khi chùa ra đời cũng là lúc khai sinh nhà nước Vạn Xuân của vua Lý Nam Đế, bởi vậy ban đầu chùa có tên Khai Quốc. Đến chùa, du khách có thể cầu bình an, cầu may mắn để đánh dấu cho mọi sự khởi đầu tốt đẹp, là điều mà ai cũng mong muốn trong những ngày đầu xuân năm mới.
Trải qua nhiều lần trùng tu, di dời, ngôi chùa giờ đây không chỉ nổi tiếng bởi sự cổ kính lâu đời, mà còn bởi kiến trúc được sắp xếp trình tự, tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu của kiến trúc Phật giáo. Năm 2016 đánh dấu một mốc son lịch sử đối với chùa Trấn Quốc nói riêng và giáo hội phật giáo Việt Nam nói chung khi chùa được xếp vào Top 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do Dailymail bình chọn.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Lễ khai hội xuân: Ngày 02 tháng 02 âm lịch
Đây là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, mang ý nghĩa văn hóa vô cùng to lớn của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, là minh chứng cho lịch sử hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, được thủ tướng chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.
Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu – nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Đặc biệt, nơi đây còn có hàng trăm bia đá đề danh tiến sĩ, thể hiện cho tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam. Vào những ngày đầu xuân, du khách thường tới thăm nơi đây rất đông để xin chữ đầu năm, mong mọi sự học hành thành tài, đỗ đạt cao trên con đường công danh, sự nghiệp.
Đền Quán Thánh
Lễ hội chính: Ngày 03 tháng 3 âm lịch
Điểm đến tiếp theo cũng mang một ý nghĩa lịch sử to lớn với thủ đô Hà Nội, đó là Đền Quán Thánh, nơi thờ thần Trấn Vũ, một trong bốn vị thần trấn giữ thành Thăng Long xưa. Cùng với đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên, đền Quán Thánh đã trở thành một trong “Thăng Long tứ trấn”, bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất của xứ Tràng An.
Với vai trò quan trọng trấn giữ phía Bắc của Kinh thành Thăng Long, trong Đền Quán Thánh có thờ pho tượng đồng cao hơn 4m của thần Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần được tôn kính trong tâm thức dân gian với rất nhiều giai thoại ly kì, đã nhiều lần bảo vệ cứu nguy cho đất nước. Do đó theo quan niệm dân gian, du khách đến đây có thể cầu mong sự an lành, luôn được bảo vệ và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Đền Bạch Mã
Lễ hội chính: Ngày 12,13 tháng 2 âm lịch
Dân tộc Việt Nam từ xa xưa đã có truyền thống coi trọng việc thờ phụng và tôn sùng Phật giáo, đặc biệt là thời nhà Lý, nhà Trần, do đó các tăng lữ thời đó rất được tôn trọng và nhà nước cũng cho xây dựng rất nhiều những ngôi đền, chùa cổ kính còn được lưu giữ cho đến tận ngày nay, tạo nên một hệ thống đền, chùa vô cùng phong phú. Một trong những ngôi đền cổ kính mang ý nghĩa lịch sử rất quan trọng với thủ đô Hà Nội là Đền Bạch Mã, có vai trò trấn giữ phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa, là một trong “Thăng Long Tứ Trấn”, nơi đây còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ và các nghi lễ thời xưa.
Tương truyền, năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành nhưng nhiều lần thành đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ (rốn rồng) là vị thần được coi là thành hoàng của kinh thành Thăng Long thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững.
Tới đền Bạch Mã, chúng ta có thể cầu may mắn và bình an, đồng thời sẽ được chiêm ngưỡng những tượng ngựa thần ở các tòa điện chính, nếu đến đúng vào dịp lễ hội ta sẽ được xem các nghi thức cúng lễ và tìm hiểu văn hóa tôn giáo của Việt Nam.