Top 11 Điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng ở Hà Nam

Hà Nam không những thu hút du khách bởi nhiều địa danh đẹp mà đây còn là một địa điểm du lịch tâm linh đầy hứa hẹn. Hãy cùng Chúng tôi khám phá những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất của mảnh đất Hà Nam

Đền Vũ Điện

Địa chỉ: Thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

Lễ hội chính: Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 8 âm lịch hàng năm


Đền Vũ Điện còn có tên gọi là đền Bà Vũ, nơi thờ vợ chàng Trương. Nói đến vợ chàng Trương nhiều người sẽ nhớ đến người con gái phủ Nam Xang đã sớm được chép vào sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Đền Vũ Điện được xây dựng ngay sau cái chết oan uổng của bà Vũ Thị Thiết (thế kỷ XV). Ngôi đền linh thiêng với câu chuyện thương tâm của bà Vũ đã từng là đề tài cho nhiều bậc thi nhân như Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, hay Nguyễn Khuyến… với lòng thương tiếc, ước muốn giải oan cho người phụ nữ phải chịu nhiều đau khổ, sự đồng cảm sâu sắc của người đời đối với nỗi oan trái còn dằng dặc ở trên đời và lòng ngưỡng mộ đối với tấm gương trinh liệt.


Tương truyền, đền bà Vũ đã từng âm phù cho đại quân của vua Lê Thánh Thông thắng trận. Khi đại quân khải hoàn, nhà vua xuống chiếu cho quan dân địa phương Vũ Điện sửa lại ngôi đền khang trang hơn. Thuyền bè qua lại vùng sông nước này thường đến lễ ở đền bà để xin bà phù hộ cho thuận buồm xuôi gió. Vì thế mà đền Vũ Điện đã trở thành điểm du lịch Hà Nam hấp dẫn, có sức thu hút mối quan tâm của nhiều vãn khách xa gần.

Cửa đền Vũ Điện
Cửa đền Vũ Điện
Bên trong Đền
Bên trong Đền

Đền Lảnh Giang

Địa chỉ: thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Lễ hội chính: Từ ngày 02 đến ngày 05 tháng 6 âm lịch và 20 tháng 8 âm lịch hàng năm


Đền Lảnh Giang còn có tên gọi là Lảnh Giang linh từ, tọa lạc trong khuôn viên 3.000 m2, nơi đây không có núi đồi, nhưng bạt ngàn màu xanh của cây trái; rừng nhãn, bến nước, đầm sen, phảng phất hào khí của một miền địa linh nhân kiệt, phồn thịnh êm đềm. Cửa đền nhìn ra hướng đông dòng sông Nhị Hà (sông Hồng), bốn mùa mênh mang sóng nước.


Đây là một ngôi đền nổi tiếng, mang giá trị tâm linh lớn đối với người dân Hà Nam. Trong đền thờ tượng Tiên Dung công chúa, khánh long đình, khám đặt tượng thờ 3 vị tướng thời Hùng vương thứ 18 được chạm khắc công phu theo phong cách đời Lê. Đền còn vinh dự giữ được hai kiệu bát cống long đình, một sập thờ và nhiều hoành phi, câu đối, nhang án..

Cổng Đền Lảnh Giang
Cổng Đền Lảnh Giang
Bên trong Đền Lảnh Giang
Bên trong Đền Lảnh Giang

Chùa Bà Đanh

Địa chỉ: Thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Lễ hội chính: Tháng 02 âm lịch hàng năm


"Vắng như chùa Bà Đanh” dường như đã trở thành “thương hiệu” và là câu quen thuộc của người dân miền Bắc khi diễn tả một sự vắng vẻ, hiu quạnh. Vì sự quen thuộc và nổi tiếng đó mà chùa Bà Đanh được người ta biết đến nhiều, mặc dù những người đó chưa chắc đã thực sự đến đây. Chùa Bà Đanh đẹp bởi kiến trúc và cảnh quan, với phong cảnh hữu tình, hướng chính nam của chùa có thể nhìn ra dòng sông Đáy nên thơ.


Chùa Bà Đanh còn có tên chữ là Bảo Sơn tự, là danh thắng của đất Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Cũng như bao ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là thờ Phật, chùa Bà Đanh còn tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong là Thần mây, Thần mưa, Thần sấm, Thần sét) một tín ngưỡng thờ thiên nhiên rất gần gũi với đời sống nông nghiệp ở nước ta. Do đó trong chùa không chỉ có tượng Phật mà còn có tượng của Đạo giáo như Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu, các tượng Tam Phủ, Tứ Phủ, đặc biệt là pho tượng Bà Đanh (Đức thánh bà Pháp Vũ), được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.

Quang cảnh trước Chùa Bà Đanh
Quang cảnh trước Chùa Bà Đanh
Cổng vào Chùa Bà Đanh
Cổng vào Chùa Bà Đanh

Chùa Tam Chúc

Địa chỉ: Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam.


Chùa Tam Chúc được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất thế giới, có tổng diện tích gần 5.000 ha, bao gồm hồ nước: 1.000 ha, núi đá rừng tự nhiên: 3.000 ha, các thung lũng: 1.000 ha. Đây là ngôi chùa vô cùng đặc biệt với cảnh quan hùng vĩ: Tiền lục nhạn, hậu thất tinh (tiền lục nhạn nghĩa là mặt trước chùa có 6 quả núi giữa lòng hồ, tương truyền rằng đây là 6 quả chuông của nhà trời đưa xuống; hậu thất tinh là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh sáng vào ban đêm).

Ngôi chùa được thi công bởi rất nhiều những người thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Năm 2000, khi khảo sát làm thủy lợi lòng hồ Tam Chúc, công nhân xây dựng đã phát hiện ra rất nhiều dấu tích các hiện vật liên quan đến chùa Tam Chúc xưa. Từ các hiện vật khảo cổ, bước đầu có thể kết luận rằng chùa Tam Chúc đã có niên đại trên 1000 năm.

Trải qua rất nhiều năm tháng, giờ chỉ còn lại những di tích cột gỗ, cột đá, xà đá còn vùi lấp ở nền móng cũ, trong đó có những cột gỗ có đường kính trên 1m, những xà đá, cột đá rất lớn mà chúng ta chưa thể hiểu được ông cha ta trước kia dựng chùa bằng cách nào với kích thước lớn như vậy.

Ngôi chùa Tam Chúc
được xây dựng lại có tới 12.000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật, được những người Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa ở Indonesia sau đó đưa sang Việt Nam. Chùa Tam Chúc đang thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn. Hiện tại đang dựng được khoảng 36 cột kinh do các nghệ nhân lành nghề Việt Nam tạc và dựng. Đây sẽ là vườn cột kinh lớn nhất thế giới khi hoàn thành.

Trên trục thần đạo Chùa Tam Chúc gồm: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế. Những ngôi điện, các pho tượng Phật tại chùa Tam Chúc có diện tích, kích thước rất lớn.Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh đang được thi công bởi những nghệ nhân Ấn Độ giáo và sẽ sớm hoàn thành trong năm 2018.Điện Tam Thế có chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m², giúp cho 5.000 Phật tử có thể hành lễ cùng một lúc. Phòng họp Quốc tế nổi trên mặt hồ, có diện tích sàn 10.000m², có sức chứa 3.500 chỗ ngồi và Cổng Tam Quan đang trong quá trình thi công. Dự tính, thời gian hoàn thành quần thể chùa vào năm 2048. Từ khi khởi công đến khi hoàn thành là 50 năm.Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối Hà Nội và Hà Nam vô cùng thuận lợi. Chùa Tam Chúc cách chùa Bái Đính 30km và cách chùa Hương 4,5km tạo thành một quần thể ”Tam giác vàng” du lịch tâm linh, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch trong và ngoài nước. Với mục tiêu quản lý, khai thác hiệu quả các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái bền vững, trong thời gian không xa, khu du lịch Tam Chúc sẽ là điểm nhấn và được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Hà Nam.


Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc

Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn

Địa chỉ: Thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam

Lễ hội chính: Từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 01 tháng 02 âm lịch hàng năm


Đền Trúc (Ngũ Động Thi Sơn) thờ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Khu danh thắng này có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non trùng điệp, có đền Trúc nằm giữa rừng trúc nên thơ, có hệ thống hang động độc đáo.


Đền nằm ven sông Đáy ngay dưới chân núi Cấm. Đền Trúc không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp mà còn thu hút đông đảo du khách bởi lễ hội hát dặm giàu ý nghĩa, tôn vinh người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Toàn cảnh Ngũ Động Thi Sơn nhìn từ trên cao
Toàn cảnh Ngũ Động Thi Sơn nhìn từ trên cao
Bên trong Đền Trúc
Bên trong Đền Trúc

Chùa Địa Tạng Phi Lai

Địa chỉ: Thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam


Ẩn mình trong núi An Nhiên, chùa Địa Tạng Phi Lai có không gian vô cùng tuyệt mỹ đẹp tựa như một thước phim điện ảnh. Nếu ai đã từng đặt chân đến nơi này, ắt hẳn sẽ không thể nào quên được khung cảnh nên thơ mà huyền diệu ấy. Ngôi chùa vừa có kiến trúc đẹp, vừa gợi lên cảm giác thanh tao, thoát tục mà bất kỳ ai có dịp đến đây cũng có thể cảm nhận. Chùa thu hút đông đảo du khách tìm đến để thưởng ngoạn cảnh quan cũng như đi tìm lại những khoảnh khắc an yên trong tâm hồn giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ thanh vắng. Ra đi chính là để trở về. Đến với Địa Tạng Phi Lai Tự chính là để mỗi người tìm về với cội nguồn, với cảm giác bình yên, khoáng đạt ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn mà nhiều khi bị ẩn lấp đi giữa cuộc sống bộn bề lo toan, giành giật ở chốn thị thành.


Nếu như trước đây, người ta tìm đến cửa chùa để thắp nhang, tĩnh tâm và sống chậm lại thì nay, nhiều người tìm đến chùa như một địa điểm du lịch an yên, đặc biệt là giới trẻ. Với những nét chấm phá đặc biệt trong kiến trúc cũng những khoảng không gian trang nghiêm mà cổ kính, Địa Tạng Phi Lai tự hiện nay đang trở thành điểm đến hút khách ở Hà Nam.

Toàn cảnh Chùa Địa Tạng Phi Lai
Toàn cảnh Chùa Địa Tạng Phi Lai
Chính điện chùa Địa Tạng Phi lai
Chính điện chùa Địa Tạng Phi lai

Từ đường Nguyễn Khuyến

Địa chỉ: Thôn An Đổ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam

Lễ hội chính: Ngày 15 tháng 01 âm lịch hàng năm


Từ đường Nguyễn là khu di tích văn hóa lịch sử thờ dòng họ Tam nguyên Yên đổ Nguyễn Khuyến. Đây được coi là một điểm tham quan du lịch khá hấp dẫn với du khách thập phương. Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng riêng âm lịch, tại từ đường Nguyễn Khuyến lại tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm ngày mất của nhà thơ, các tầng lớp nhân dân xa gần về dự lễ rất đông.


Khách tham quan đến đây sẽ được xem Cờ biểu của Vua ban cho Đệ Nhất Giáp tiến sĩ, được thưởng ngoạn những áng thơ bất hủ của bậc tài danh Nguyễn Khuyến, đồng thời được dạo mát ở bờ ao “ngư điếu” hay thả bộ trong bóng cây tĩnh mịch – đặc trưng quen thuộc của làng quê cổ kính mà bình dị của quê hương Hà Nam.

Cổng vào từ đường
Cổng vào từ đường
Bên trong từ đường
Bên trong từ đường

Bát Cảnh Sơn

Địa chỉ: Xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.


Bát Cảnh Sơn được mệnh danh là Đệ nhất danh thắng của Trấn Sơn Nam xưa kia (nay gồm các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và một phần Hưng Yên, Hà Nội). Bát cảnh sơn gồm có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ đại thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành bao gồm: Đền Tiên Ông (đền Ông) thờ Nam Thiên Đại Thành Hoàng Thánh Tổ, Chùa Ông, Chùa Tam Giáo, Chùa Kiêu, chùa Bà, chùa Dâu, chùa Cả, chùa Bông, chùa Vân Mộng, các chùa và miếu này được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo, phong cảnh yên bình, thoáng đãng, là những công trình mang giá trị tâm linh vô cùng sâu sắc không chỉ với người dân địa phương mà với du khách cả nước.


Ngoài ra, những địa điểm trên không chỉ là địa điểm tâm linh để mọi người đến chiêm bái, niệm Phật mà còn là nơi mà nhiều bạn trẻ đến để thăm thú, thưởng ngoạn cảnh đẹp tâm linh vô cùng đẹp đẽ của Hà Nam, đây đã từng là nơi chúa Trịnh Sâm cho lập hành cung và được chúa ví ngang hàng với 8 cảnh đẹp nổi tiếng như ở Tiêu Tường thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Bát Cảnh Sơn có phong cảnh hữu tình làm đắm say lòng người
Bát Cảnh Sơn có phong cảnh hữu tình làm đắm say lòng người
Chùa Tam Bảo - một trong Bát Cảnh Sơn
Chùa Tam Bảo - một trong Bát Cảnh Sơn

Đền Lăng

Địa chỉ: Xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam


Đền Lăng hay còn được gọi là đền Ninh Thái là di tích lích sử cấp quốc gia thờ vua Đinh, vua Lê cùng Tam vị đại vương. Bên cạnh đó, Đền Lăng còn thờ Lê Đại Hành cùng hai con của ông là Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều. Đến với đền Lăng, du khách sẽ được am hiểu về kiến trúc của đền cũng như các đồ thờ tự của thời Nguyễn, cùng những sản phẩm văn hoá thời hậu Lê rất quý hiếm.


Gọi là đền Lăng vì ngoài việc thờ phụng, nơi đây còn có lăng mộ dòng họ Lê Hoàn. Hiện nay, có ý kiến cho rằng nơi đây chính là quê gốc của nhà Tiền Lê. Hiện nay Đền Lăng còn lưu giữ khá nhiều đồ thờ tự, các đồ thờ của đền Lăng đều mới được sơn son thiếp vàng theo phương pháp cổ truyền. Do vậy khi tới đây mọi người đều cảm nhận sự lộng lẫy, uy nghi bởi đồ thờ tại các cung chỉnh tẩm, đệ nhị và tiền đường.

Đền Lăng nhìn từ xa
Đền Lăng nhìn từ xa
Chính điện Đền Lăng
Chính điện Đền Lăng

Đền Trần Thương

Địa chỉ: Thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

Lễ hội chính: Từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm


Đền Trần Thương thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng trên gò Miễu với thế “Hình nhân bái Tướng” (ở giữa là một gò nổi tựa mai rùa, hai bên tạo thành hai tay ngai) vào năm 1783 với kiến trúc mang đậm nét cổ truyền dân tộc. Tương truyền nơi đây đã từng là kho lương của Nhà Trần và là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên vào thế kỷ 13. Đây là ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo quy mô, bề thế nhất tỉnh Hà Nam, là một công trình mang giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của Hà Nam nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.


Đền Trần Thương mang kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái với các góc đao uốn cong, nghi môn ngoại gồm 3 cửa: cửa chính (lớn) nằm giữa và hai cửa phụ (nhỏ) nằm hai bên. Tầng dưới cửa chính uốn hình vòm cuốn, trang trí họa tiết hoa sen, hoa cúc... Tầng trên cũng uốn hình vòm cuốn nhưng nhỏ hơn, bên trong đặt một quả chuông. Hai bên cổng phụ có đắp nổi đôi ngựa rất đẹp. Bên cạnh kiến trúc đặc sắc, đền Trần Thương hiện vẫn còn lưu giữ nhiều đồ thờ tự có giá trị như hương án, sập thờ bằng đá, ngai thờ, khám thờ, lục bình, bát hương, bát đĩa, chén đôn…, đặc biệt là chiếc kiếm bạc có vỏ bằng chất liệu đồi mồi quý hiếm. Kiếm được cất giữ cẩn thận, chỉ mang ra thờ vào những dịp lễ hội.

Đền Trần Thương
Đền Trần Thương
Đền Trần Thương
Đền Trần Thương

Đình đá Tiên Phong

Địa chỉ: Thôn An Mông, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Lễ hội chính: Từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 01 âm lịch hàng năm


Đình đá Tiên Phong thờ Nguyệt Nga công chúa – nữ tướng của Hai Bà Trưng, đây là một trong số không nhiều ngôi đình được làm bằng đá còn giữ nguyên vẹn được cho đến ngày nay. Khách du lịch đến tham quan đình sẽ được chiêm ngưỡng những mảng chạm khắc nghệ thuật hết sức công phu, tạo cho đình một vẻ mềm mại, sống động, hấp dẫn.

Đình Đá Tiên Phong
Đình Đá Tiên Phong

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?