Hà Giang có lẽ là cái tên không còn xa lạ với nhiều người. Vùng đất nơi địa đầu Tổ Quốc với nhiều phong cảnh đẹp và con người thân thiện, hiếu khách, nơi biên cương còn nhiều khó khăn. Trong năm 2016 Hà Giang đã đón tiếp rất nhiều khách du lịch, thế nhưng vẫn còn những vùng đất, con người các bạn đi qua nhưng có thể chưa hiểu hết về mảnh đất ấy. Tôi sẽ cùng các bạn tham quan nhiều hơn tại Hà Giang nhé.
Hang Lùng Khúy - đệ nhất động ở Hà Giang
Động Lùng Khúy thuộc thôn Lùng Khúy, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ được mệnh danh là đẹp nhất trong các hang động đã được phát hiện trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Động Lùng Khúy nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ trên 10km. Theo đánh giá của các chuyên gia: Đây là di sản có giá trị về địa chất, địa mạo và du lịch với chiều dài toàn động là trên 300m, ngoài ra còn nhiều hệ thống nhánh rẽ khác. Động có vẻ đẹp nguyên sơ với nhiều nhũ đá lộng lẫy và hình thù lạ mắt, tạo thành một vẻ đẹp thiên nhiên hiếm thấy.
Để lên tới được hang Lùng Khúy, du khách phải đi qua con đường đất dài hơn một cây số vòng quanh núi. Đứng ở cửa hang từ trên cao, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên của xã Cán Tỷ. Bên trong hang động, du khách dễ dàng đi lại bởi hệ thống lối đi được xây dựng bằng các khung sắt chắc chắn. Phía trên mái vòm của hang động là những nhũ đá được kiến tạo sau hàng trăm năm. Những ánh đèn nhiều màu sắc giúp cho du khách dễ dàng quan sát các nhũ đá ảo diệu với nhiều hình dạng khác nhau. Đi sâu vào bên trong hang động, nhiều nhũ đá với hình thù kỳ lạ kích thích trí tưởng tưởng của du khách. Các nhũ đá trong hang Lùng Khúy đều còn rất nguyên sơ và mang nhiều hình dạng như: bông hoa, tòa tháp...Nhiều nhũ đá có hình dạnh khác nhau được sắp xếp rất độc đáo khiến du khách thích thú. Với vẻ đẹp nguyên sơ nên hang Lùng Khúy được đánh giá là hang động đẹp nhất nhì cao nguyên đá Đồng Văn.
Sau một thời gian đóng cửa động hiện nay động đã được mở trở lại và thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan. Đem lại nguồn kinh tế lớn cho huyện Quản Bạ nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.
Bản chè Phìn Hồ - chè shan tuyết cổ thụ
Hà Giang những năm gần đây trở thành điểm đến thu hút rất nhiều du khách tìm về. Điểm du lịch Hà Giang chinh phục du khách bởi những ngọn núi đá chạm mây, những ruộng bậc thang vàng rực lúa chín hay những đồi chè xanh bạt ngàn. Và bản Phìn Hồ là một trong những điểm đến nổi bật được nhiều người nhắc đến nhất khi tìm đến vùng đất này.
Hiện nay, có khá nhiều tour du lịch Hà Giang giá rẻ bạn có thể thấy nơi các đơn vị tổ chức tour đi Hà Giang. Vì thế, cơ hội đến với vùng đất có bao điều để khám phá này cũng nhiều hơn trước. Một khi đã đến được đây, bạn đừng quên dành thời gian cho Bản Phìn Hồ.
Bản Phìn Hồ thuộc huyện Hoàng Sù Phì của tỉnh Hà Giang nơi có diện tích tự nhiên lên đến 77ha, và là nơi sinh sống của 44 hộ dân của hơn 200 người dân tộc Dao. Bản Phìn Hồ vốn ở vùng cao và xa nhất nên đa số người dân còn khó khăn, thế nhưng bản Phìn Hồ luôn là điểm đến thân thiện được nhiều người thương nhớ. Nơi đây nổi tiếng bởi những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi được trồng từ rất lâu. Người dân ở bản Phìn Hồ muốn hái chè sẽ phải trèo lên cây để hái bởi cây chè cổ thụ rất to và cao, không giống những cây chè nhỏ bé ở những miền khác như Thái Nguyên. Chè cổ thụ rất ngon bởi tính chất lâu năm, chè được sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp, nguyên liệu tự nhiên, hơn nữa những cây chè cổ thụ mọc tại nơi cao nhất của bản Phìn Hồ nơi có thời tiết mát mẻ quanh năm. Vào độ tháng 9 tháng 10 những búp chè được đón nhiều sinh khí của đất trời, những giọt sương đọng được lá chè hấp thụ tạo nên sự tinh khiết, thơm ngon đặc trưng của chè Phìn Hồ.
Từ đó thương hiệu chè Phìn Hồ được nhiều người biết đến, nhất là những người có sở thích thưởng trà khi lên vùng cao Hà Giang nhất định sẽ mua về thưởng thức và làm quà. Cho đến nay những cây chè cổ thụ vẫn đang sinh sống, phát triển được người dân nơi đây chăm sóc và thu hoạch. Đây không chỉ là một thương hiệu nổi tiếng mà còn là nét đẹp văn hóa, sự giữ gìn bản sắc dân tộc của người dân bản Phìn Hồ.
Hồ Noong - đôi mắt của rừng
Trên miền cao nguyên đá Hà Giang, ai cũng tưởng xứ này chỉ đèo với mây cùng những dốc đá khô khan. Mà ít người biết rằng, có một “đôi mắt” của đất trời từng được mệnh danh là chốn bồng lai miền đá núi Hà Giang. Nơi đó chính là Hồ Noong, một hồ nước tít trong chốn thâm sơn, ngàn đời nay được thiên nhiên “dát vàng” rực rỡ, nơi mà kẻ lãng du lạc bước nào cũng phải say lòng. Và nơi đây rồi còn “đẹp” hơn nữa vì số phận của nó cũng sắp tựa như miền “shangrila: thiên đường đã mất” trên cao nguyên Tây Tạng, ngày một tan nát…
Hồ Noong cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 20km. Đây là một hồ nước ngọt tự nhiên xanh ngắt nằm dưới chân núi Noong. Hồ được người dân địa phương ví như là con mắt thần của rừng. Điều làm nên khác biệt là trong lòng hồ Noong có những cả những gốc cây xanh tốt lẫn những gốc cây khô tạo nên bức tranh thiên nhiên thú vị.
Tháng 4 - 10: Mùa mưa, nước hồ lên cao, bạn có thể thưởng ngoạn hồ cùng dân bản trên thuyền độc mộc hay bè mảng. Tháng 11 - 4 năm sau: Mùa khô, nước cạn để lộ những gốc cây già trụi lá. Dân bản địa đã quây những ô vuông lại để thả vịt và chăn trâu trên bãi cỏ xanh tươi. Hồ Noong đã trở thành một phần không thể thiếu của tỉnh Hà Giang. Hồ Noong là nơi dự trữ nước vào mùa khô rất tốt, màu xanh tự nhiên đặc trưng đã làm nên sự độc đáo của hồ Noong. Giờ đây nhiều sông suối, ao hồ bị ô nhiễm thì hồ Noong vẫn giữ được sự trong lành của nó, đây là một điều rất đáng quý.
Tham quan hồ Noong, du khách cũng có dịp khám phá tài nghệ ẩm thực của đồng bào Tày. Từ những con cá được bắt lên từ hồ, đến những con vịt bản được chế biến thành món nướng, dù bọc đất hay hấp gừng đều mang hương vị oi ngọt đậm đà khó quên…Đến hồ Noong để cảm nhận sự xanh mát và thiên nhiên tươi đẹp cùng những món ăn ngon nơi vùng cao biên giới nhé.
Sơn Vĩ - ngôi làng địa đầu Tổ Quốc
Cách thị trấn Mèo Vạc 50km, Sơn Vĩ là đơn vị xã xa nhất của huyện Mèo Vạc và cũng là ngôi làng địa đầu Tổ Quốc. Sơn Vĩ giáp ranh với Trung Quốc. Với dòng Nho Quế xanh màu ngọc bích len lỏi giữa những vách núi đá cao vút, những con đường uốn lượn giữa núi, Sơn Vĩ đẹp đến say đắm lòng người chính nhờ vẻ hoang vu, kì vĩ ấy. Đường lên Sơn Vĩ đi sát với biên giới Việt Nam – Trung Quốc, con đường phía bên trái chỉ cách vài bước chân là của Trung Quốc. Sơn Vĩ còn nổi tiếng với đèo Mã Pì Lèng và chợ tình Sơn Vĩ vào ngày 28/3 âm lịch hằng năm.
Người ta nói: “Sơn Vĩ đẹp y như cái tên của nó” quả không sai. Men theo những vách đá quanh co là dòng sông Nho Quế trong veo xanh ngắt, những con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ tơ uốn lượn khiến nơi đây đẹp tựa bức tranh thủy mặc.
Sơn Vĩ là một xã nghèo biên cương hoang vu, kỳ bí, nằm ở vị trí xa nhất và cao nhất cực Đông huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Từ thị trấn Đồng Văn đến Mèo Vạc tầm 24km là con đường độc đạo vắt xuôi dòng Nho Quế mang tên Mã Pí Lèng huyền thoại - con đèo được ví như: “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ” (dịch nghĩa: Chưa đến Pí Lèng chưa phải là phượt thủ bậc thầy).
Vượt qua Sống mũi ngựa xuống chân đèo rẽ phải để tìm đến lòng chảo Sơn Vĩ. Hai bên vệ đường thật yên bình với nhánh cỏ lau, những cây cỏ dại cao chừng 50cm. Hít căng lồng ngực và tận hưởng những điều kỳ thú trên chuyến hành trình tới miền biên viễn xa ngái đang dần trước mắt, chạm gần hơn dòng sông ngọc bích, chiêm ngưỡng núi sông miền sơn cước. Thử thách không biết bao nhiêu khúc cua, để đến gần dòng Nho quế xanh ngọc kỳ lạ. Tại con đường biên viễn này đây bạn sẽ đi qua cây cầu có tên là Tràng Hương.
Sau khi lang thang vào sâu xã Sơn Vĩ, nếu đã quá trưa, bạn hãy ghé qua góc chợ để nạp năng lượng. Ở cái nơi vắng vẻ, giữa trưa tìm được quán ăn là điều không dễ, bởi thế nồi mỳ tôm thôi ăn cũng ấn tượng và sâu sắc hơn.
Bản Thác Hùng - nghề chạm bạc truyền thống người Dao
Nằm khuất mình giữa những đồi chè xanh mát và ruộng bậc thang chín vàng của huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, bản Thác Hùng của người Dao là nơi có những căn nhà sàn lâu đời mang đến cho khách thập phương một cảm giác thú vị bởi phong cảnh hữu tình. Hầu hết những căn nhà sàn do người dân giúp đỡ nhau dựng nên. Những căn nhà sàn rất đẹp và chắc chắn, đây là một nét truyền thống quý báu vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.
Nơi đây vẫn còn lưu giữ nghề thủ công truyền thống đòi hỏi sự khéo léo và tinh xảo của người thợ, đó là nghề chạm bạc. Nghề chạm bạc được truyền từ đời này sang đời khác, con cháu trong nhà cũng phải học nghề này. Nghề chạm bạc ở nhiều nơi đang dần mai một nên việc lưu giữ và duy trì rất quan trọng.
Chạm bạc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, trang phục dân tộc Dao không thể thiếu trang sức đặc trưng là những vòng bạc tự chạm. Trong lễ cưới hỏi, ma chay bạc cũng là thứ quan trọng. Sản phẩm làm từ bạc vừa là một món quà du lịch độc đáo, vừa là vật lưu giữ bản sắc dân tộc của người Dao ở Cao Bồ.
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám - báu vật của người Mông
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám nằm tại xã Lùng Tám huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang. Làng nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời, nghề dệt thổ cẩm tạo việc làm cho nhiều bà con trong làng, đem lại thu nhập cao. Ngày trước công cụ dệt rất thô sơ, chủ yếu dệt bằng tay, các sản phẩm với họa tiết truyền thống. Sau nhiều năm tồn tại, chính quyền huyện Quản Bạ đã quyết định phát triển làng nghề dệt thổ cẩm.
Nghề dệt đã được đầu tư về mọi mặt như máy móc, thiết bị, nguyên liệu dệt. Ngoài những sản phẩm đã sản xuất, bà con sẽ được hướng dẫn để tạo ra những sản phẩm mang tính hiện đại, để làm mới và thu hút khách hàng. Giờ đây dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ gia đình mà còn mang lại thu nhập cao. Những họa tiết mới, chất lượng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khách du lịch rất thích những sản phẩm thổ cẩm nhất là khách nước ngoài.
Hiện nay nhiều người dân tộc Mông rất ít hoặc không còn duy trì được truyền thống dệt thổ cẩm này nữa. Việc giữ gìn và phát triển rất cần thiết, đó là truyền thống, là nét văn hóa đặc trưng.
Khi đến thăm làng dệt thổ cẩm Lùng Tám bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy những người thợ lành nghề tạo ra những sản phẩm của mình. Đồng bào dân tộc Mông coi nghề dệt thổ cẩm như một báu vật. Làm ra một sản phẩm thổ cẩm rất kì công. Nguyên liệu chính là những sợi lanh người dân tự trồng, sau hai tháng thì phơi khô sau đó khéo léo tách từng sợi lanh để không bị đứt. Những cuộn lanh được giã trong cối để bong hết bột để còn lại những sợi dẻo dai, sau đó luộc qua nhiều nước được pha từ tro bếp và sáp ong. Cho đến khi sợi lanh có màu trắng đục mới bắt đầu dệt. Dệt xong lại mang phơi nắng, giặt bằng sáp ong để mảnh vải được mịn, trắng. Quần áo sản xuất bằng vải lanh rất bền và dày. Các bạn có thể mua một vài sản phẩm nhỏ để làm quà rất ý nghĩa.
Cửa khẩu Thanh Thủy
Như đã nói cửa khẩu Thanh Thủy là cửa khẩu lớn nhất tại Hà Giang. Đây cũng là cửa khẩu chính ngạch duy nhất tại Hà Giang, đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng là thông thương hàng hóa chính ngạch tại Trung Quốc sang Việt Nam và ngược lại.
Cửa khẩu Thanh Thủy thuộc địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang khoảng hơn 20km về phía Bắc. Thông với cửa khẩu Thanh Thủy là cửa khẩu Thiên Bảo thuộc huyện Malipo, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đây là cửa khẩu quan trọng không chỉ của Hà Giang mà còn là của cả nước.
Thanh Thủy là nơi giao lưu buôn bán giữa người dân Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung với Trung Quốc. Sự buôn bán, giao lưu ở đây diễn ra rất nhộn nhịp, nó thúc đẩy kinh tế hai nước phát triển, tình cảm hai nước thêm gắn bó. Ngoài hoạt động buôn bán đây còn là con đường giao thương văn hóa giữa hai đất nước, trong năm diễn ra nhiều chuyến viếng thăm giữa học sinh hai nước và những dự án về kinh tế lớn.
Cửa khẩu Thanh Thủy mang lại giá trị rất lớn về mọi mặt, đây là cơ hội tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hóa dễ dàng hơn. Đây cũng là nơi an ninh luôn được thắt chặt, lực lượng bộ đội biên phòng luôn canh gác, túc trực để đảm bảo trật tự, an toàn.
Bản Thiên Hương - bản văn hóa du lịch cộng đồng
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Thiên Hương nằm cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 5 km về phía Đông bắc. Thôn là nơi cư trú của 43 hộ dân tộc Tày, Nùng, Giấy; trong đó dân tộc Tày chiếm đa số với trên 200 khẩu. Theo lời giới thiệu của Trưởng thôn Lương Đình Ninh, thì cộng đồng người Tày, Nùng đã sinh sống ở đây từ rất lâu đời. Hiện nay, các gia đình vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc mình, thể hiện trong các Lễ hội, trang phục, ẩm thực cũng như tập quán sinh hoạt hàng ngày.
Đến Thiên Hương, du khách sẽ có ấn tượng bởi một không gian xanh giữa bốn bề núi đá, mà nổi bật trong đó là quần thể cây đa cổ thụ có niên đại trên 100 tuổi nằm ngay đầu thôn. Tháng 5.2015, 4 cây đa trong quần thể được công nhận là cây di sản, có tuổi đời từ 700 – 750 năm tuổi. Ẩn mình giữa quần thể cây đa là Miếu thờ thần Lâm của người dân địa phương. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, khi những cây ngô, cây lúa đã lên xanh ngoài đồng ruộng, bà con dân bản trong làng lại nô nức chuẩn bị để cúng thần Lâm. Lễ vật cúng bao gồm nhiều sản vật địa phương và những món ăn truyền thống như thịt lợn đen, thịt gà địa phương, xôi nếp nương và các loại bánh do bàn tay khéo léo, đảm đang của người phụ nữ Tày, Nùng làm ra.
Vào ngày chính lễ, gái, trai, người già, người trẻ ai nấy đều dậy từ rất sớm, sửa soạn cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, trên tay mang theo lễ vật đến khu vực miếu thờ. Lễ cúng Thần Lâm được diễn ra hết sức trang trọng, mang đậm những nét nguyên bản của một Lễ hội tâm linh của đồng bào nơi đây nhằm cầu cho bản làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, người người mạnh khỏe. Sau khi thầy cúng hoàn thành phần nghi lễ, bà con dân dân bản sẽ thưởng thức ẩm thực ngay tại miếu thờ. Du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân nơi đây, uống chén rượu ngô men lá Thiên Hương thơm lừng và hòa mình vào những làn điệu Then, Cọi, hát đối giao duyên mượt mà, sâu lắng.
Nhà trình tường là một nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của Thiên Hương. Những ngôi nhà trình tường ở đây hầu hết đều là nhà cổ trên 100 năm, được dựng trên nền đất bằng phẳng, có thế tựa vào núi, tường nhà làm bằng đất nện, lợp mái ngói âm dương, các vì kèo và cửa được làm bằng gỗ. Nhà có 3 gian chính và 2 cửa ra vào. Xung quanh nhà có hàng rào đá chắc chắn và trồng nhiều cây như đào, mận, lê, tạo nên kiến trúc nhà ở độc đáo của đồng bào trên Cao nguyên đá.
Đến Thiên Hương để hòa mình vào nhịp sống thanh bình, yên ả của rẻo cao. Bước chân lên những ngôi nhà trình tường ấm áp nằm nép mình dưới chân núi Pố Lổ, bên bếp lửa ấm cúng cùng gia chủ thưởng thức những sản vật thôn quê bình dị và uống chén rượu ngô men lá thơm lừng, chắc chắn sẽ làm vương vấn bước chân du khách khi đã một lần đến với Thiên Hương...
Dinh nhà Vương - dinh thự thuốc phiện
Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức ở Đồng Văn, Hà Giang là một công trình với kiến trúc đặc sắc bậc nhất của tỉnh Hà Giang, được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi bước chân tới Hà Giang.
Dinh nhà Vương đã tồn tại hơn 100 năm tuổi, được xây dựng trong vòng 9 năm do Vua Mèo thuê những người thợ giỏi nhất. Nhà Vương là di tích lịch sử quý giá của huyện Đồng Văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Chi phí xây dựng vào thời gian đó là 150 vạn đồng bạc trắng tương đương 150 tỷ đồng.
Dinh Nhà Vương có nét kiến trúc độc đáo, được xây dựng hoàn toàn bằng sức người, móng Dinh thự được xây bằng những tảng đá rất to, trước khi xây Dinh thự Vua Mèo đã phải chọn địa thế rất kĩ càng. Dinh thự được đặt ở nơi cao ráo, đứng trên Dinh thự có thể nhìn ra toàn cảnh xung quanh. Những tấm gỗ to chắc chắn để làm cột và tường bao quanh ngôi nhà, chất gỗ rất tốt vì thế trải qua hơn một thế kỉ vẫn không bị mối mọt hay dấu hiệu hư hỏng. Dinh thự rất rộng lớn, có nhiều gian vì thế con cháu họ Vương sống sung sướng, đủ đầy.
Dinh nhà Vương là chứng nhân lịch sử cho từ thời xa xưa con người đã có thể xây dựng được công trình to lớn, kiên cố. Khi tham quan Dinh thự bạn sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu về Dinh thự, người hướng dẫn viên đó cũng chính là hậu duệ của họ nhà Vương. Dinh nhà Vương là nơi chứa rất nhiều thuốc phiện để cung cấp cho hầu hết các huyện và các tỉnh lân cận Đồng Văn vì thế người ta gọi đây là Dinh thự thuốc phiện. Vua Mèo là chủ của ngôi nhà, cũng là chủ của kho thuốc phiện vì thế thời đó ông rất giàu có, có quyền lực trong vùng. Đây là một di tích lịch sử rất thú vị, hãy đến thăm để hiểu về căn nhà to nhất, giàu nhất thời bấy giờ.
Thung lũng Sủng Là - nhà của Pao
Sủng Là được xem là xã vùng cao đẹp nhất toàn cao nguyên đá Đồng Văn. Thung lũng Sủng Là nằm trên tuyến quốc lộ 4C, nối những thị trấn trên mảnh đất Hà Giang, cách huyện Đồng Văn hơn 20km. Bất kỳ ai đến với mảnh đất này cũng sẽ cảm thấy Sủng Là nhẹ nhàng và bình yên.
Người H'Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô, lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Hàng ngày, người dân phải gùi đất từ rất xa mang về nhét vào từng hốc đá tai mèo, dùng đá chèn lại để giữ cho nước mưa không trôi mất đất, rồi bỏ hạt giống vào. Những thân cây xanh mọc lên vươn mình trong những lớp đá xám như cuộc sống vẫn trỗi dậy nơi mảnh đất cằn này mỗi ngày.
Từ khi được chọn làm bối cảnh cho những thước phim đẹp đến nao lòng trong “Chuyện của Pao”, ngôi nhà “tứ đại đồng đường” của một gia đình người H'Mông vốn nổi tiếng từ nhiều năm trước, trở thành điểm đến được yêu thích nhất ở làng Lũng Cẩm, hiện nay nhằm tạo điều kiện cho du khách tham quan, căn nhà đang được tu sửa, treo biển chú thích cụ thể thông tin gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh. Người ta nhớ đến một cô Pao xinh đẹp giữa những cánh đồng hoa cải. Với bộ phim này, điện ảnh đã đem đến cho công chúng những cảnh sắc tươi đẹp của non sông đất nước Việt Nam giữa cao nguyên đá khô cằn, “nhà của Pao” như một bức tranh thu nhỏ về cuộc sống đồng bào H'Mông với vẹn nguyên nét đẹp huyền bí và quyến rũ.
Sau thành công của bộ phim, “nhà của Pao” đã trở thành điểm đến được yêu thích nhất ở Lũng Cẩm. Đó là ngôi nhà tường đất, cao hai tầng của ông Mua Súa Páo. Lũng Cẩm còn nổi tiếng bởi những thửa ruộng hoa tam giác mạch, gieo trên những thửa ruộng ngay lối dẫn vào nhà Pao. “Nhà của Pao” thuộc tầng lớp quý tộc xưa của đồng bào dân tộc H'Mông vùng cực Bắc Việt Nam, có một gian chính 2 tầng chia thành nhiều phòng khách và phòng ở, một gian phụ chia làm 2 phòng nhỏ là nhà kho, bếp, một chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Nhà xây quây bốn hướng chụm lại ở giữa có sân tạo không gian ấm cúng, yên bình. Trang phục sặc sỡ của cô gái bản địa như những họa tiết trang trí trên đá tai mèo đẹp như bức tranh vẽ.
Con người nơi đây thật thà, chất phác, họ rất cởi mở và có lòng hiếu khách. Đến đây, du khách sẽ thật sự cảm thấy thoải mái và thư giãn rất bình yên. Nhiều năm nay, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, thung lũng Sủng Là - bối cảnh chính trong phim điện ảnh "Chuyện của Pao" lại rộn ràng du khách đến tham quan ngày càng đông hơn.