Đầu năm vừa qua, Diễn đàn kinh tế thế giới đã công bố danh sách những thành phố năng động nhất thế giới hiện nay theo bản báo cáo của JLL - công ty dịch vụ chuyên về các dịch vụ địa ốc thương mại và quản lý đầu tư. Một số chỉ tiêu để đánh giá bao gồm động lực phát triển bền vững và sáng tạo, môi trường và nhà ở hay các động lực phát triển ngắn và dài hạn. Theo đó, các thành phố này phân bố ở hầu khắp các khu vực trên thế giới nhưng chủ yếu tập trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau đây, hãy cùng khám phá những thành phố trong danh sách nêu trên qua bài viết ngay bên dưới nhé.
Seattle - Mỹ
Hiện nay, Seattle là một trong những thành phố năng động nhất của thế giới, là trung tâm công nghệ thông tin, hàng không, kiến trúc và các ngành công nghiệp giải trí với hãng hàng không nổi tiếng Boeing. Đây cũng là nơi cung cấp đến hơn 40.6% số việc làm của người dân thành phố. Ngoài ra, các ngành phần mềm, viễn thông, công nghệ sinh học và công nghệ y học cũng là mũi nhọn phát triển của thành phố. Công ty phần mềm hàng đầu Microsoft có trụ sở đặt tại đây.
Seattle cũng có nhiều địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch như Ballard Locks, bảo tàng âm nhạc, bảo tàng hàng không, tháp Space Needle, chợ ngoài trời Pike Place hay nhà máy sản xuất máy bay Boeing... Đây đều là những thế mạnh giúp Seattle phát triển và trở thành một thành phố năng động, một trung tâm kinh tế lớn.
Bắc Kinh - Trung Quốc
Bắc Kinh là một trong số những thành phố phát triển nhất tại Trung Quốc và tài chính được xem là ngành ưu tiên hàng đầu. Thời điểm cuối năm 2007, có tới 751 tổ chức tài chính tại Bắc Kinh, đóng góp vào 13,8% tổng GDP của Bắc Kinh. Ngoài ra, sự thành lập của khu trung tâm thương vụ Bắc Kinh với sự ưu tiên phát triển các ngành điện tử, dược phẩm, công nghệ thông tin, và kỹ thuật vật liệu đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của kinh tế nước này.
Đây cũng là thành phố có trụ sở của 41 công ty trong bảng xếp hạng Global 500. Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp hiện đại một cách chóng mặt cũng mang đến cho Bắc Kinh nhiều thách thức lớn khi họ phải đối mặt với sự ô nhiễm không khí một cách nghiêm trọng. Đây cũng là lý do chủ yếu cho việc thành phố này rơi xuống thứ hạng 18.
Paris - Pháp
Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 19, Paris đã trở thành một trung tâm văn hoá, kinh tế và nghệ thuật của thế giới. Hoạt động kinh tế ở thành phố này rất đa dạng, từ thương mại, tài chính hay các hoạt động văn hoá... Tính riêng vùng kinh tế Île-de-France - gồm 8 tỉnh của nước Pháp trong đó có Paris đạt mức GDP là 628,9 tỷ USD, ngang bằng với cả đất nước Hà Lan nếu như nơi này được xem là một quốc gia. Không chỉ thế, GDP của Paris xếp hàng thứ 4 trong tất cả các thành phố trên thế giới.
Paris cũng là nơi đặt trụ sở của hàng loạt những công ty lớn không chỉ của nước Pháp mà còn ở toàn thế giới. Riêng khu vực La Défense là nơi có tới hơn 1.500 công ty và những toà nhà chọc trời. Du lịch là một điểm cực kỳ nổi bật và hấp dẫn của Paris, đem lại một nguồn thu không nhỏ.Theo thống kê năm 2006, Paris đón tổng cộng 27 triệu khách du lịch, trong đó 17 triệu khách nước ngoài. Những công trình kiến trúc nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà, viện bảo tàng Louvre, tháp Eiffel hay nhà thờ Sacré-Cœur là những địa điểm thu hút nhiều du khách nhất.
Nairobi - Kenya
Hiện nay, Narobi đang là một thành phố cực kỳ phát triển, nâng lên tầm cao mới khi được xem là thành phố hàng đầu về mặt chính trị và tài chính ở châu Phi. Nó là nơi đặt trụ sở của nhiều hãng, công ty hàng đầu, góp phần thúc đẩy kinh tế Kenya đi lên.
Ngoài ra, việc phát triển du lịch cũng mang lại nguồn thu không nhỏ cho kinh tế nước này. Việc sở hữu những cảnh quan đẹp mắt như Nyayo Monument, Panorama, tòa thị chính Nairobi, Quảng trường thành phố hay đại học Narobi... cùng với việc quy hoạch hợp lý, phát triển chuỗi những trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng cao cấp đã mang về cho thành phố này một nguồn lợi không nhỏ.
New York - Mỹ
New York là trung tâm toàn cầu về thương mại và giao dịch quốc tế cùng hai thành phố khác là luân Đôn và Tokyo. Vùng trung tâm thành phố là khu vực tập trung tài chính, bảo hiểm, địa ốc hàng đầu của Mỹ với tổng sản phẩm vùng đô thị rơi vào khoảng 1,13 ngàn tỉ USD năm 2005 và đến cuối năm 2008 nó trở thành trung tâm tài chính lớn nhất thế giới khi kiểm soát 40% tài chính toàn cầu.
Austin - Mỹ
Austin là thành phố lớn thứ 4 của bang này và lớn thứ 16 nước Mỹ với diện tích hơn 778 nghìn km2 và dân số hơn 690 nghìn người. Nơi đây được xem là trung tâm văn hóa và kinh tế của khu vực đô thị Austin-Round Rock với sự tập trung lớn của các công ty kỹ thuật công nghệ cao hàng đầu trên thế giới.
Đại học Texas-Austin là nơi cung cấp hàng ngàn những lao động chất lượng cao mỗi năm, giúp phát triển mạnh về kĩ thuật nơi đây. Hàng trăm công ty công nghệ hàng đầu đã có trụ sở đặt tại đây như Apple, ADM, Dell, IBM, Sam Sung hay Sun Microsystems...
Melbourne - Australia
Khu trung tâm thành phố (thường gọi tắt là CBD) là một trong những trung tâm tài chính lớn của Úc và cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nơi đây tập trung nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu trên thế giới như công ty khai khoáng lớn nhất thế giới BHP Billiton và Rio Tinto Group, hai ngân hàng lớn nhất của Úc là ANZ và NAB hay các công ty giải trí như Crown và Tabcorp. Điều này đã tạo đà phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế Melbourne.
Ngoài ra, tại CBD còn có nhiều công trình lớn, mang tính biểu tượng như Trung tâm Điện ảnh Úc, Sòng bài Crown, Thủy cung Melbourne, Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Melbourne, Nhà Triển lãm Quốc gia Victoria.. thu hút một lượng khách du lịch lớn, đóng góp một phần không nhỏ vào kinh tế chung của thành phố.
Hyderabad - Ấn Độ
Đến với thành phố Hyderabad là bạn đã đến với trung tâm công nghiệp của Andhra Pradesh. Nơi đây nổi tiếng với các ngành công nghiệp thủ công truyền thống như bông, lụa, gốm, kính, thuốc lá...với hàng loạt những trung tâm công nghệ sinh học, công nghiệp hoạt hình, công nghệ thông tin hay công nghiệp thực phẩm.. Hyderabad cũng là địa điểm đặt văn phòng của những công ty lớn như Microsoft, Google..
Ngoài ra, người ta biết đến Hyderabad như một thành phố về du lịch dịch vụ khi nơi đây sở hữu những cảnh quan tuyệt vời. Nổi tiếng nhất là ngôi đền Charminar nằm ở trung tâm thành phố với kiến trúc Hồi giáo đặc biệt hay pháo đài Golconda - một tàn tích tráng lệ từ thế kỷ 13, bảo tàng bang hay thư viện trung tâm bang...
Hà Nội - Việt Nam
Cùng với thành phố Hồ Chí Minh thì Hà Nội là một trong những mũi nhọn về kinh tế của cả nước. Hiện nay, thành phố đang phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá công nghiệp và dịch vụ, đã giành được những thành tích đáng kể. Như năm 2014, kinh tế tăng trưởng đạt mức 8,8%, trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 8,4%, ngành nông nghiệp ước tăng 2%. Đây cũng là nơi thu hút và tập trung nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong cả nước.
Bên cạnh đó, nhóm ngành du lịch, dịch vụ của Hà Nội cũng phát triển mạnh với nhiều tiềm năng lớn như hệ thống các di tích lịch sử, bảo tàng, các làng nghề truyền thống. Theo thống kê, năm 2008, Hà Nội đón hơn 9 triệu lượt khách du lịch trong đó có 1,3 triệu lượt khách nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống các trung tâm thương mại, dịch vụ ở đây cũng khá phát triển, Có thể kể đến như Vinhomes Royal City, Aeon Mall hay Time City, Keangnam Landmark Tower cùng hàng loạt nhà hàng, khách sạn cao cấp góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của đất nước.
Sydney - Australia
Sydney là trung tâm tài chính lớn nhất của Úc và là trung tâm tài chính quan trọng ở vùng châu Á - Thái Bình Dương. Thành phố này sở hữu SFE - thị trường tài trao đổi futures và options tài chính lớn nhất khu vực và là thị trường futures lớn thứ 12 trên thế giới. Đây cũng là nơi có trụ sở của hơn 500 công ty đa quốc gia cùng với 90 ngân hàng và các công ty hàng đầu của Úc.
Ngoài ra, việc phát triển ngành du lịch tại Sydney đã đem lại đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của Úc. theo ước tính có khoảng hơn 10 triệu lượt du khách đến Úc năm 2004 trong đó có khoảng 2,5 triệu lượt khách quốc tế.
Thượng Hải - Trung Quốc
Vào khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Thượng Hải là một trong 3 trung tâm kinh tế, tài chính của thế giới cùng với New York và Luân Đôn. Từ năm 1992, thành phố này phát triển với tốc độ chóng mặt và nhanh chóng trở thành mũi nhọn và là tâm tài chính và thương mại của Trung Quốc. Sự tăng trưởng GDP của thành phố này ở mức kỷ lục khi đạt 2 con số liên tục trong 14 năm. Chỉ trong riêng năm 2010, GDP của Thượng Hải là 256,3 tỷ USD và GDP đầu người là 11.540 USD.
Không chỉ vậy, nơi đây còn có cảng biển sầm uất nhất trên thế giới, vượt qua cả Singapore và Hà Lan với lượng hàng hóa thông qua ước đạt khoảng 443 triệu tấn/năm. Đặc biệt, tại Thượng Hải, các toà cao ốc, các công trình công cộng khổng lồ với thiết kế hiện đại thi nhau mọc lên, điển hình là tại khu phố Đông. Đây chính là nơi có tháp truyền hình Minh Châu cao thứ ba thế giới sau Toronto và Moskva.
Luân Đôn - Anh
Sự phát triển của Luân Đôn chủ yếu là ngành công nghiệp tài chính. Sự xuất khẩu tài chính của thành phố đã mang lại những đóng góp không nhỏ cho đất nước Anh, cũng như đưa Luân Đôn trở thành thành phố có GDP lớn nhất châu Âu. Theo thống kê cho thấy, ngành công nghiệp tài chính đã thu hút hơn 325 nghìn lao động Anh, có khoảng 480 ngân hàng nước ngoài, 100 công ty hàng đầu Vương quốc Anh và khoảng 1/5 số công ty lớn nhất châu Âu theo Global có trụ sở đặt tại Luân Đôn.
Ngoài ra, công nghiệp và dịch vụ cũng chiếm một phần không nhỏ trong sự phát triển của thành phố này. Nơi đây đã từng là hải cảng lớn nhất thế giới nhưng bây giờ rơi xuống vị trí thứ hai sau cảng Tilburi. Mỗi năm, cảng Luân Đôn vận chuyển đến 45 triệu tấn hàng hóa. Cùng với đó, việc đăng cai tổ chức hàng loạt những sự kiện thể thao lớn đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh thành phố đến với khách du lịch khi mà nó thu hút hơn 15 triệu du khách quốc tế mỗi năm và trở thành thành phố có lượng du khách nhiều nhất thế giới.
Silicon Valley - Mỹ
Ở những thập niên 90 của thế kỷ trước, Silicon Valley là nơi tập trung chất xám của nước Mỹ và là biểu tượng cho sự phát triển ngành công nghệ thông tin. Thời đó, ước chừng có khoảng 700 công ty lớn nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao tại đây. Có thể kể đến hàng loạt những tập đoàn công nghệ lớn nằm trong số 500 công ty lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Global có trụ sở đặt tại đây như Apple, Hewlett-Packard, IBM, Google hay Facebook... Doanh thu của mỗi công ty lên đến hàng trăm tỉ đô mỗi năm và sản sinh đến 5.000 triệu phú mỗi tháng.
Tuy nhiên, đến khoảng đầu thập niên vừa qua, ngành công nghệ thông tin có dấu hiệu chững lại, do đó hệ lụy kéo theo là hàng loạt các công ty phải đóng cửa, Silicon Valley bị ảnh hưởng không ít. Đến khoảng những năm gần đây, ngành công nghệ cao có dấu hiệu khởi sắc trở lại, thung lũng Silicon lại một lần nữa chứng minh được tầm ảnh hưởng của mình khi lọt vào top 3 những thành phố năng động nhất.
Chennai -Ấn Độ
Thành phố này là trung tâm công nghiệp và thương mại lớn thứ 3 ở Ấn Độ, phát triển mạnh về ngành sản xuất ô tô. Có thể nói rằng, một phần lớn phương tiện giao thông của Ấn Độ đều được sản xuất tại đây. Ngoài ra, Chennai còn là một trung tâm văn hoá, nghệ thuật hàng đầu của Ấn Độ khi còn lưu giữ được nhiều những hình thức văn hoá truyền thống.
Boston - Mỹ
Boston nằm trong top 30 thành phố mạnh nhất về kinh tế trên thế giới theo thống kê năm 2012. Đặc biệt, ước tính kinh tế khu vực đô thị Đại Boston có giá trị 363 tỷ USD, xếp thứ 6 toàn quốc và hạng 12 toàn cầu. Các trường đại học và học viện trong thành phố đã góp phần lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế nơi đây khi đóng góp trên 4,8 tỷ USD mỗi năm vào kinh tế. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ cao và các trung tâm về công nghệ sinh học.
Đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thành phố phải kể đến ngành du lịch khi mà nơi đây thu hút đến 21,2 triệu du khách cả trong và ngoài nước (2011), đóng góp 8,3 tỷ USD. Đặc biệt, thành phố còn là một cảng công nghiệp và cảng cá có lịch sử lâu đời nhất khu vực Tây Bán Cầu.
Pune - Ấn Độ
Đây vốn là một thành phố được phát triển công nghiệp của Đức trong nhiều thập kỷ với hơn 250 công ty Đức có trụ sở tại đây, trong đó phát triển mạnh nhất là công nghệ thông tin và công nghiệp ô tô. Sự phát triển này đã mang lại cho Pune doanh thu khoảng 40 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2020.
Bangalore - Ấn Độ
Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Bangalore đã hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm, đầu não của khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại ở Ấn Độ. Lúc đó, nơi này đã thu hút được bộ phận đông đảo trí thức Ấn Độ về làm việc. Trải qua một quá trình dài xây dựng với định hướng khoa học - kỹ thuật, tập trung vào phát triển những ngành công nghiệp mới, những sản phẩm công nghệ cao cũng như quy hoạch phát triển để trở thành một đô thị lớn hiện đại thì giờ đây Bangalore đã trở thành một thung lũng Silicon của Ấn Độ.
Hiện tại, Bangalore chiếm hơn phân nửa sản lượng phần mềm xuất khẩu của Ấn Độ, góp phần quan trọng vào việc đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc trên thế giới về phần mềm vi tính. Hơn thế, ngành du lịch dịch vụ tại đây cũng phát triển không kém. Hàng loạt những spa, resort, khách sạn hay sân golf trải dài trên những con phố. Họ biết tận dụng và khai thác tiềm năng của mình với những công viên Cubbon, cung điện Tipu, vườn hoa Botanic, đền thờ Iskcon hay Bull Temple để thu hút khách du lịch, đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế để trở thành thành phố năng động nhất thế giới năm vừa qua.
Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất
Hiện nay, Dubai đang nổi lên là một trung tâm kinh tế lớn và là thành phố toàn cầu. Nền kinh tế của nước này chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp dầu khí nhưng vẫn phát triển theo mô hình của các nước phương Tây là phát triển du lịch, tài chính và bất động sản. Theo thống kê, năm 2008, tổng sản phẩm của Dubai đạt 82,11 tỉ USD và sản xuất ra 11.000 m3 dầu mỗi ngày, đóng góp vào doanh thu từ khí đốt của UAE 2%. Đây cũng là nơi thu hút những tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft, EMC, IBM... hay các tổ chức truyền thông lớn như CNN, MBC, BBC...
Với du lịch, đây là một phần quan trọng đóng góp vào nền kinh tế của đất nước này. Tại Dubai có tới hơn 70 trung tâm mua sắm, trong đó có cả Dubai Mall - trung tâm thương mại lớn thứ 7 trên thế giới. Theo ước tính, đến năm 2007 thì đây là thành phố thu hút lượng khách du lịch đứng thứ 8 trên thế giới và đóng góp tới 95% vào GDP cả nước cùng với bất động sản.
Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam
Với vai trò mũi nhọn của nền kinh tế đất nước, thành phố Hồ Chí Minh có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong phát triển GDP khi chiếm khoảng 20,5% tổng sản phẩm, 27,9% giá trị sản xuất công nghiệp và 37,9% dự án nước ngoài, đóng góp 29,38% tổng thu ngân sách của cả nước.
Ngoài ra, các ngành dịch vụ, du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh cũng cực kỳ phát triển. Theo thống kê, năm 2007 thành phố đón khoảng 3 triệu khách du lịch quốc tế chiếm 70% tổng lượng khách vào Việt Nam. Tại đây, sự phát triển của cơ sở hạ tầng, các trung tâm thương mại và dịch vụ khá lớn. Có thể kể đến hàng loạt những cái tên như chợ Bến Thành, Saigon Trade Center, Diamond Plaza hay Bitexco Financial Tower..
Tuy nhiên, với sự tăng trưởng chóng mặt đó, thành phố cũng đang đối mặt với nguy cơ bùng nổ dân số như hệ thống giao thông kém hiệu quả hay môi trường bị ô nhiễm do công nghiệp sản xuất và các phương tiện giao thông.
Manila - Philippines
Manila là trung tâm kinh tế và chính trị của Philippines, đồng thời cũng là một thành phố toàn cầu, là điểm tập trung những trung tâm khoa học và giáo dục, thể thao, văn hoá lịch sử hàng đầu nước này. Nền kinh tế của Manila rất đa dạng, chủ yếu tập trung vào sản xuất công nghiệp. Có rất nhiều các nhà máy sản xuất hóa chất, dệt, trang phục, hàng điện tử, các cơ sở sản xuất thực phẩm, đồ uống và thuốc lá.. tập trung tại đây.
Du lịch cũng là một thế mạnh của Manila. Thành phố này đón trên 1 triệu du khách mỗi năm, chủ yếu là đến những biểu tượng văn hoá nổi tiếng như bảo tàng quốc gia Philippines, công viên Rizal, phố Tàu, Ermita hay Malate...