Tết là thời gian cả nhà sum họp và cũng là lúc chúng ta cùng bạn bè và người thân có những bữa tiệc đầu năm đáng nhớ bên nhau. Tuy nhiên, ngày Tết thì nếp sống và cách sinh hoạt của nhiều người bị đảo lộn nên dễ gây ra các chứng bệnh gây khó chịu và ảnh hưởng đến việc hưởng thụ một cái tết trọn vẹn. Vì thế, Toplist xin đưa ra một số gợi ý về những căn bệnh thường gặp trong dịp Tết, nguyên nhân và cách khắc phục để chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe của mình và những người thân yêu trong dịp Tết này nhé!
Tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy là bệnh rất thường gặp trong những ngày Tết dẫn đến tình trạng đi tiêu nhiều lần kèm theo đau bụng, sốt và mất nước.
Nguyên nhân:
Trong những ngày Tết chúng ta thường ăn nhiều thức ăn kỵ nhau hoặc những món ăn bị ôi thiu, thức ăn bị nhiễm bẩn, uống quá nhiều rượu bia. Việc ăn uống không hợp lý như vậy là điều kiện để các loại virus gây bệnh xâm nhập cơ thể dẫn đến bệnh. Ngoài ra, do tâm trạng lo lắng, buồn phiền, nhiễm trùng máu cũng là một số nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu chảy
Cách điều trị:
- Ở mức độ nhẹ: Có thể chăm sóc tại nhà bằng cách uống oresol, nước cháo muối, nước cơm có muối, nước ấm đun sôi để nguội.
- Ở mức độ nặng: Nếu bệnh tiêu chảy kéo dài từ 2 – 3 ngày thì phải đưa đến cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời tránh nguy hiểm.
Cách phòng tránh: Ăn chín uống sôi, hạn chế ăn các món ăn kỵ nhau, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi ăn, hạn chế uống rượu bia và giữ tâm trạng thật thoải mái.
Tái phát các bệnh mãn tính
Trong không khí vui vẻ ngày Xuân, những bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, viêm loét dạ dày, tá tràng, bệnh gút... thường “quên” các nguyên tắc kiêng kỵ nên phát sinh các tai biến tăng đột biến tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Để phòng ngừa, người mắc các bệnh mãn tính này phải tuyệt đối giữ đúng nguyên tắc sinh hoạt, các kiêng cữ vẫn thực hiện hàng ngày. Đặc biệt không nên uống rượu bia, hút thuốc lá, cần ngủ đủ và nghỉ ngơi ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như: đau đầu, chóng mặt... Phải chuẩn bị một số thuốc thiết yếu như: thuốc hạ huyết áp, lợi tiểu, thuốc đái tháo đường, để xử lý kịp thời mọi bất trắc.
Dị ứng
Ngày Tết thường ăn những món ăn lạ và đôi khi mắc phải những cơn dị ứng từ nhẹ đến nặng. Vì thế, trong dịp Tết - mùa của những chuyến đi, những bàn tiệc thịnh soạn - việc ăn uống hợp lý và nhận biết sớm các dấu hiệu dị ứng thức ăn là rất quan trọng.
Ngoài ra, khi trời vào xuân, không khí sẽ trở nên nóng ẩm hơn nhiều vật dụng trang trí nhà như cây cảnh, hoa chơi Tết có thể phát tán phấn hoa gây bệnh viêm kết mạc, viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, chúng ta có xu hướng du xuân ngoài đường nhiều hơn vào dịp Tết. Khói bụi ô nhiễm ngoài đường cũng vô tình tấn công mắt, mũi. Thời tiết càng ẩm thì không khí càng ô nhiễm, bệnh càng có thể nặng hơn.
Cách phòng tránh:
- Không nên ăn nhiều thực phẩm lạ.
- Tập trung vào thực phẩm lành mạnh, chưa qua chế biến.
- Luôn đọc thành phần ghi trên bao bì.
- Nếu thấy xuất hiện trạng thái khó chịu ở mắt, tốt nhất không nên dụi mắt. Nên sử dụng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng hoặc nước mắt nhân tạo để rửa trôi tác nhân gây dị ứng sau đó đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời.
- Khi đi ngoài đường nên trang bị khẩu trang, đeo kính chống bụi, chống nắng cẩn thận.
Cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp
Nguyên nhân: Thời tiết thay đột ngột cùng với không khí ẩm ướt, se lạnh là điều kiện để các vi khuẩn phát triển dễ dẫn đến các bệnh như cảm cúm, sốt, viêm phế quản, viêm xoang,…
Cách điều trị:
- Dùng vài lát gừng chín với nước đường nóng, ăn nhiều súp gà để giảm sốt và giải cảm.
- Bêncạnh đó, bạn có thể dùng nhân sâm để giúp chữa bệnh và phục hồi sức khỏe.
- Nghỉ ngơi thật nhiều để tránh cơ thể bị suy nhược.
Cách phòng tránh:
- Mặc ấm trong mùa lạnh, không dùng chung khăn mặt với người khác, che miệng khi ho và hắt hơi.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ nhất là mũi và họng.
- Nên ăn các loại gia vị có công dụng giải cảm như gừng và tỏi.
Bệnh đau đầu
Nguyên nhân: Ngày Tết, bạn thường bận rộn hơn với biết bao công việc từ mua sắm, chuẩn bị đồ thờ, dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa thực phẩm, nấu nướng, chế biến các món ăn, làm cỗ, thắp hương rồi đi chúc Tết. Ngày Tết, ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt có điều thất thường không điều độ và đặc biệt là việc sử dụng rượu bia, cà phê, nước ngọt, bánh kẹo nhiều hơn, đi lại nhiều hơn, tiếp xúc với nhiều thứ âm thanh hơn khiến bạn mệt mỏi, đau đầu, nặng đầu.
Cách điều trị:
- Sử dụng một số phương thuốc dân gian như uống nước ngải cứu, đắp lá ngải cứu được xao cùng muối tinh lên vùng trán và đỉnh đầu.
- Mát xa cùng cao, dầu gió kết hợp gõ, mát xa khắp đầu, trán và hai bên thái dương.
- Uống thuốc giảm đau có chứa paracetamol.
- Nếu các cách trên không có tác dụng, bạn cần đi khám bác sĩ nhé.
Cách phòng tránh:
- Uống nhiều nước: Đau đầu thường là kết quả của tình trạng mất nước. Điều này đặc biệt đúng nếu chế độ ăn của bạn chứa nhiều caffeine hoặc đường - Hai chất này càng làm bạn mất nước hơn nữa.
- Hít thở sâu: Khi cơn đau đầu ập đến, điều đầu tiên là bạn nên bình tĩnh, dừng các hoạt động khác lại và tập trung hít thở thật sâu. Ngược lại, nếu bạn lo lắng, hơi thở sẽ nông hơn, gây ra tình trạng thiếu ôxy, mạch máu co lại hơn nữa khiến cơn đau đầu thêm trầm trọng.
- Thả lỏng và massage cơ thể: Khi cơ thể mệt mỏi và căng thẳng dễ sinh ra đau đầu. Bạn nên tập cách massage cho cơ thể, ở những vùng dễ căng cơ khi làm việc lâu như cổ, lưng và vai trước khi đi ngủ để có giấc ngủ ngon và ngăn ngừa đau đầu do căng thẳng.
- Tránh những mùi hương dễ gây nhức đầu: Nhiều người bị dị ứng với những mùi hương nhất định. Và một trong những triệu chứng phổ biến nhất là đau đầu.
- Tránh xa tiếng ồn lớn đặc biệt là âm thanh gây chói tai như tiếng nhạc quá to, trống phách...vì những âm thanh này sẽ làm cho bạn dễ bị đau đầu, đặc biệt trong dịp Tết.
Bệnh cao huyết áp
Nguyên nhân:
Những món ăn phổ biến trong dịp Tết nhiều chất đạm, chất béo, nguyên tắc sinh hoạt không hợp lý là mối nguy hiểm với những người bị cao huyết áp. Bên cạnh đó, tâm trạng trong những ngày tết của người bệnh thường xuyên bị kích động nên nguy cơ tái phát bệnh sẽ rất cao.
Cách điều trị:
Với trường hợp bệnh cao huyết áp tăng cao quá mức người bệnh sẽ phải dùng một số loại thuốc chuyên dụng cho bệnh cao huyết áp theo lời khuyên của bác sĩ.
Cách phòng tránh:
- Giữ cho tinh thần luôn thoải mái, ổn định. Không uống nhiều rượu bia và dùng các chất kích thích có hại cho sức khỏe.
- Ăn uống hợp lý, ăn nhạt, nhiều rau củ và ít mỡ động vật.
- Tập thể dục mỗi ngày, chơi thể thao giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.
- Chuẩn bị sẵn thuốc trị bệnh và nên trang bị máy đo huyết áp và thường xuyên kiểm tra đối với người đã từng mắc bệnh.
Bệnh tiểu đường
Nguyên nhân:
Đối với người tiểu đường thì dịp Tết đa số các món ăn như: bánh kẹo, mứt, nước ngọt, bia rượu dễ làm cho lượng đường trong máu tăng cao đột biến.
Cách điều trị:
Có những cách điều trị bằng phương pháp dân gian giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường một cách dễ dàng:
- Cách 1: Sử dụng giấm ăn kèm với salad hoặc uống trực tiếp trước bữa ăn giúp hỗ trợ trao đổi chất và giúp điều chỉnh lượng glucozơ trong máu hiệu quả.
- Cách 2: Nước của thân chuối tiêu: Chặt ngang thân cây, khoét một lỗ bên trong rồi lấy nilon quấn chặt lại tránh côn trùng bò vào. Sau 2 tiếng, có nước chuối tiết ra thì dùng nước đó uống. Đây là cách trị bệnh rất hiệu quả và an toàn, nếu người bệnh ở trường hợp nặng thì nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Cách phòng tránh:
- Tránh sử dụng nhiều chất đạm, rượu bia, chất kích thích và đồ ngọt.
- Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.
Táo bón
Táo bón là một nỗi vất vả của người bệnh nếu không may gặp phải trong dịp tết.Triệu chứng của bệnh là làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu, gây đau đớn khi đi đại tiện, chảy máu hậu môn kèm theo mệt mỏi, khó chịu, sụt cân…Nếu kéo dài sẽ dẫn đến các bệnh như nứt kẽ hậu môn, trĩ, viêm ruột, tăng nguy cơ bị ung thư hậu môn, tăng nguy cơ viêm ruột thừa, sa đại tràng gây nguy hiểm.
Nguyên nhân:
Ăn uống qua loa, không đủ chất, ăn nhiều chất đạm, ít chất xơ, lười vận động, thói quen đi đại tiện không tốt làm tăng nguy cơ bệnh táo bón.
Cách điều trị:
- Điều trị bằng các loại thuốc tây: Các loại thuốc thường được sử dụng là thuốc nhuận tràng Folax, duphalac, các loại thuốc xổ…Tuy nhiên, tránh lạm dụng thuốc nhiều sẽ dễ gây ra biến chứng.
- Điều trị bằng những bài thuốc dân gian: Mồng tơi, khoai lang, rau dền có tác dụng tích cực trong việc điều trị táo bón. Đây là cách điều trị táo bón an toàn tại nhà. Tuy nhiên, chỉ phù hợp cho người ở mức độ nhẹ.
Cách phòng tránh:
- Uống nhiều nước: Uống 2 lít nước mỗi ngày, nhất là vào sáng sớm giúp cơ thể loại bỏ các chất cặn bã.
- Ăn nhiều chất xơ: Ăn nhiều hoa quả, rau củ nhiều chất xơ, các loại hạt và các loại tinh bột như cơm, ngô, khoai,…
Đầy hơi
Nguyên nhân:
Dịp Tết là lúc mà chúng ta ăn uống thất thường, không đúng bữa hoặc ngủ ngay sau khi ăn là những nguyên nhân dẫn đến bệnh đầy hơi. Triệu chứng bệnh là đầy bụng, khó tiêu, bụng bị cứng và sờ vào thấy đau, ợ chua, buồn nôn, mệt mỏi…
Cách điều trị:
Có nhiều cách chữa đầy bụng hiệu quả mà bạn có thể áp dụng tại nhà:
- Cách 1: Cho 1 muỗng nước cốt chanh + 1 muỗng nước gừng + 1 muỗng mật ong vào một cốc nước ấm uống sau khi ăn.
- Cách 2: Pha 2 – 3 muỗng giấm táo vào một cốc nước ấm uống sau mỗi bữa ăn cũng rất hiệu quả.
- Cách 3: Dùng túi chườm hoặc khăn nóng chườm quanh bụng, mát xa theo chiều kim đồng hồ, thoa một ít dầu nóng lên bụng cũng giảm bớt khó chịu.
Nếu dùng những cách trên mà không làm giảm khó chịu thì bạn nên đến các hiệu thuốc tây để được tư vấn.
Cách phòng tránh:
- Bạn nên ăn ít các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ ngọt. Ăn thật chậm và nhai thật kỹ để dạ dày dễ tiêu hóa và no lâu.
- Uống nhiều nước để loại bỏ bớt độc tố do ăn nhiều loại thức ăn không lành mạnh.
- Hạn chế uống rượu vì uống rượu bia nhiều sẽ rất có hại cho đường tiêu hóa, làm giảm khả năng miễn dịch.
- Vận động nhiều vì việc vận động thường xuyên sẽ kích thích đường tiêu hóa giúp dạ dày làm việc tốt hơn. Đặc biệt, cần tránh việc ngủ ngay sau khi ăn.
Các bệnh về gan
Thói quen ăn vặt nhiều hơn với đa dạng loại thực phẩm như bánh kẹo, mứt ngọt..., thói quen uống nhiều rượu bia vào dịp Tết rất dễ khiến bạn mắc các bệnh về gan, điển hình là bệnh gan nhiễm mỡ. Bất cứ ai uống nhiều rượu, ngay cả khi chỉ uống nhiều vào dịp Tết khoảng 1 tuần cũng khiến gan nhiễm mỡ với tình trạng lá gan sưng lên do chứa nhiều nước và mỡ.
Nguyên nhân:
Thói quen uống nhiều rượu bia, ăn vặt nhiều đồ ngọt, kết hợp chế độ ăn giàu đạm, mỡ sẽ khiến lá gan rơi vào tình trạng quá tải. Do đó, nguy cơ bạn bị viêm gan, gan nhiễm mỡ... là rất khó tránh khỏi, để lâu hậu quả sẽ càng khó lường.
Hậu quả của gan nhiễm mỡ:
- Suy giảm chức năng gan: Những suy giảm chức năng gan do mắc gan nhiễm mỡ có khả năng ảnh hưởng đến những cơ quan khác, làm gây ra những bệnh tật nghiêm trọng.
- Biến chứng thành xơ gan và ung thư gan: Hậu quả đáng lo ngại nhất của gan nhiễm mỡ là xơ gan kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm như gan cổ chướng, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê gan và cuối cùng là ung thư gan. Nghiên cứu cho thấy, 70% trường hợp xơ gan sẽ phát triển thành ung thư gan, vì thế gan nhiễm mỡ được cho là một trạng thái tiền ung thư. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, kháng insulin và béo phì có nguy cơ phát triển bệnh nhiều hơn, nguy cơ chuyển thành ung thư gan cao.
- Suy giảm chức năng các cơ quan khác: Bệnh gan nhiễm mỡ để lâu sẽ dẫn đến chán ăn, sức miễn dịch kém, dễ mắc các loại bệnh tật khác.
- Ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và huyết quản: Gan nhiễm mỡ khiến cho phospholipid và lipoprotein huyết tương tổng hợp trong gan giảm đi, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và huyết quản, đồng thời khiến trí nhớ giảm sút và xơ vữa động mạch.
Cách phòng tránh: Hạn chế uống bia rượu ngày Tết. Mỗi lần chúc rượu không nên uống quá nhiều. Đừng bao giờ quên mỗi ngày bạn chỉ được uống giới hạn 2 chén rượu để bảo vệ sức khỏe lá gan.
Bệnh dạ dày
Nguyên nhân:
Nhiều món ăn như bánh chưng để lâu, món cay, món chua, bia rượu trong ngày Tết đều là những món ăn không tốt cho người có tiền sử bị đau dạ dày. Bên cạnh đó, thói quen ăn uống không điều độ, thời tiết trở lạnh, thức khuya cũng là nguyên nhân khiến bệnh đau dạ dày hoành hành.
Cách điều trị:
- Cách 1: Dùng 3 - 4 quả đu đủ tươi ép lấy nước uống trước khi ăn.
- Cách 2: Khoai tây tươi gọt bỏ vỏ, ép lấy nước và đun sôi lên uống. Mỗi ngày uống 3 lần, một lần khoảng 1 thìa sẽ thấy hiệu quả sau 3 - 4 tuần uống.
- Cách 3: Mật ong và nghệ vàng tươi cũng rất tốt trong việc điều trị bệnh dạ dày.
Nếu thấy không giảm sau khi thử các cách trên thì bạn nên đến bác sỹ để được khám và tư vấn.
Cách phòng tránh:
- Duy trì thói quen ăn uống đúng giờ và khoa học.
- Hạn chế dùng các món ăn vị chua, cay và rượu bia, thuốc lá và cafe.
- Không nên ngủ quá khuya và nên ngủ đủ giấc.
Bệnh về da, chăm sóc sắc đẹp
Ngày Tết, chúng ta thường trang điểm với những loại trang sức, nước hoa... và đi lại nhiều nơi cùng bạn bè, người thân vì vậy vào những ngày này, làn da của bạn đã phải “chịu đựng quá mức” nếu không được chăm sóc và xử lý kịp thời. Bệnh lý về da hay gặp nhất là viêm da do tiếp xúc thường đi kèm với hiện tượng sưng tấy, mẩn đỏ và ngứa nhưng nó chỉ xuất hiện ở chỗ da tiếp xúc với chất độc, chất gây dị ứng hoặc ánh nắng mặt trời...
Những ngày Tết, với biết bao sinh hoạt bất thường thức khuya, dậy sớm, ăn uống không hợp lý... đều là những tác nhân gây ra lão hóa làn da của bạn. Chúng ta cảm nhận thấy cơ thể đang dần lão hóa khi trên da xuất hiện nếp nhăn, các vết thâm, nám hay nguy cơ ung thư.
Vì vậy hãy chú ý đừng quên skincare cho da vào ngày Tết và đừng quên bịt khẩu trang khi ra đường nhé.