Top 7 địa điểm nhất định phải đến khi ghé thăm làng Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội

Huyện Ba Vì với đa dạng các loại hình du lịch như du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Mới đây, Ba Vì đã mở thêm loại hình du lịch cộng đồng, một hình thức trải nghiệm đang rất được du khách ưa chuộng. Một trong những điểm du lịch cộng đồng hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn du khách trong thời gian tới đó chính là làng họa sĩ Cổ Đô. Nếu bạn có dịp ghé qua Ba Vì thì làng họa sĩ Cổ Đô là địa điểm bạn nên lui tới để khám phá nét đẹp văn hóa cũng như các di tích lịch sử được nhà nước khen tặng cho ngôi làng họa sĩ tài năng này.

Đền Cẩm Sơn

Đền Cẩm Sơn có niên đại khởi dựng từ rất sớm gắn liền với quá trình sinh tồn và phát triển của văn hóa làng xã. Ngôi Đền ngự trên đầu rồng của dãy núi Cẩm Sơn mặt hướng về đất Tổ Hùng Vương bên hữu ngạn dòng sông Hồng và sông Đà giao nhau bởi “ngã ba Hạc” cuộn sóng, là nơi chứa chất bao huyền thoại từ thủa bình minh. Từ núi Cẩm Sơn ngắm địa thế làng Cổ Đô như một thung lũng xanh trù phú mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng. Với địa thế trước mặt là dòng Sông Hồng đỏ nặng phù sa, sau lưng là dãy núi Cẩm Sơn.


Theo quan niệm Phong thủy thì Đền Cẩm Sơn đã ở trên một mảnh đất có long mạch tốt. Đền Cẩm Sơn ở trên nền cao mang yếu tố Dương, dòng sông nước chảy tượng trưng cho yếu tố Âm. Theo quan niệm xưa Âm - Dương luôn phải được giao hòa, cân bằng thì vạn vật mới, trường tồn và phát triển. Trong chiều dài lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước, thì Vương triều nhà Trần xuất hiện những vị vua, vị tướng anh minh tài giỏi, kiệt xuất cứu dân, hộ quốc, lúc còn sống thì giỏi đánh giặc, lúc mất đi thì trở thành phật thánh như “Vua, Phật Hoàng Trần nhân Tông, Đức Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Đức thánh Trần...


Đền Cẩm Sơn từ khi được lập đến nay, có bề dày lịch sử trên 700 năm. Trải qua nhiều lần tu sửa, ngôi Đền vẫn giữ được phong cách kiến trúc truyền thống, mang phong cách nghệ thuật độc đáo đan xen của các triều đại nối tiếp nhau.

Ngày 11/3/2018, Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội đã trao Bằng xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa - Nghệ thuật Đền Cẩm Sơn của UBND Thành phố Hà Nội cho người dân thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô - mang lại niềm tự hào to lớn đối với người dân Cổ Đô.

Đền Cẩm Sơn
Đền Cẩm Sơn

Bảo tàng họa sĩ Sỹ Tốt

Sỹ Tốt sinh ra năm 1920, được coi là người ươm mầm cho hạt giống hội họa làng Cổ Đô.Từ thuở nhỏ, Sỹ Tốt đã đam mê vẽ nên hay lê la trong làng dùng bút chì, có khi chỉ là cục than vẽ lại hình ảnh ngôi đình, cổng chùa, cánh đồng quê mình…


Khi tham gia bộ đội và có may mắn tiếp tục phát triển năng khiếu hội họa của mình khi được cử đi học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và được chính danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy.


Khi trở về quê, Sỹ Tốt dùng cây cọ của mình ghi lại hình ảnh làng quê và chân dung những người nông dân lam lũ vất vả nhưng nhân hậu của làng. Lúc đó, người trong làng thấy ông vẽ thì xúm lại xem và bắt đầu say mê. Thấy nhiều người quan tâm đến hội họa, Sỹ Tốt đã hết lòng truyền dạy miễn phí. Và từ đây, cái máu họa sĩ đã bắt đầu hình thành và chảy trong huyết quản từng người Cổ Đô.


Nói đến giới họa sĩ Cổ Đô, ai cũng nhắc tới họa sĩ lão thành Sỹ Tốt với những bức tranh nổi tiếng: Tiếng đàn bầu, Bế con... đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Nhiều bức tranh của họa sĩ hiện đang được lưu giữ tại các viện bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan... Với gần 1.000 bức tranh (trong đó có 100 bức vẽ hoa) được vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình, tên tuổi và vị trí của họa sĩ Sỹ Tốt mãi mãi được ghi nhận trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Điều đáng nói là, từ ông và do ông dìu dắt mà lớp lớp họa sĩ trẻ của làng ra đời, trưởng thành và được khẳng định trong giới. Đó là các họa sĩ Sĩ Tuấn, Sĩ Thiết, Ngô Bình Thiểm, Sao Mai, Giang Khích, Nguyễn Thạch, Trần Hòa và nhiều người khác nữa.


Nếu ghé qua thăm làng Cổ Đô thì nhớ ghé qua Bảo tàng họa sĩ Sỹ Tốt để chiêm ngưỡng vô vàn các bức tranh nổi tiếng của người họa sĩ tài năng này các bạn nhé.

Bức tranh Tiếng Đàn Bầu của cố họa sĩ Sỹ Tốt
Bức tranh Tiếng Đàn Bầu của cố họa sĩ Sỹ Tốt

Khu đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 08/07/1958 bác Hồ về thăm Cổ Đô trong chiến dịch diệt sâu để bảo vệ chiến dịch sản xuất và chiến dịch đắp đê bảo vệ đê kè chống lụt bão khiến toàn nhân dân Cổ Đô vô cùng tự hào.


Chuyện Bác về thăm nhân dân bắt sâu cứu lúa và thăm đê là có thật và bao người vừa được chứng kiến thế mà vẫn tưởng như mơ, bởi lẽ đó là một chuyện không ngờ – không ngờ một vị Chủ tịch nước bận trăm công ngàn việc mà lại dành thời gian về thăm nhân dân bắt sâu, xuống tận cánh đồng bắt từng con sâu, thăm từng đoạn đê xung yếu. Điều ngạc nhiên hơn là mọi người thấy Bác ăn mặc giản dị quá, mặc bộ quần áo màu nâu, râu tóc bạc phơ, chân đi đôi dép cao su… Trông Bác vừa như một ông Tiên, vừa như một lão nông thực thụ, lời nói, ánh mắt, nụ cười của Bác rất gần gũi với nhân dân. Kể từ hôm ấy câu chuyện Bác về thăm nhân dân bắt sâu và thăm đê cứ lan truyền mãi trong nhân dân. Những người được gặp Bác thì cảm thấy mình được may mắn, hạnh phúc; những người vì lý do nào đó không được gặp thì cảm thấy nuối tiếc, thiệt thòi. Chính từ sự động viên, khuyên bảo của Bác mà nhân dân Cổ Đô ngày đó đã nhanh chóng thắng được giặc sâu, mùa màng năm ấy bội thu và đã giữ được con đê an toàn.


Cũng từ ngày ấy Cổ Đô đã nhanh chóng lập tổ đổi công và rồi thành lập các hợp tác xã…Kỷ niệm 60 năm bác Hồ về thăm Cổ Đô, UBND huyện Ba Vì đã tổ chức lễ kỷ niệm và lập bia di tích lịch sử kháng chiến xã Cổ Đô để ôn lại những kỷ niệm về bác Hồ.


Để xứng đáng với sự quan tâm của Bác và để thể hiện lòng biết ơn Bác, nhân dân Cổ Đô đã tạo dựng được một ngôi đền thờ Bác tại nơi Bác đứng nói chuyện với nhân dân ngày ấy. Ngôi đền đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận và gắn biển là một di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác về Cổ Đô.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân

Ngoài ra, Cổ Đô còn có một vị Thượng thư thứ hai là Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân, là tác giả bài Ngã Ba Hạc Phú nổi tiếng. Ông vốn quê gốc ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Gia phả dòng họ Nguyễn Bá Lân, do chính Nguyễn Bá Lân và con trai ông là Nguyễn Bá Uông viết, chép rằng: Tổ tiên ông gặp buổi binh đao loạn lạc, đến lánh binh ở Cổ Đô, sống bằng nghề dạy học, vì mến cảnh mến người mà nhập tịch ở đây”.


Nguyễn Bá Lân sinh giờ Tuất, ngày 27 tháng giêng năm Canh Thìn (1700). Cha ông là Nguyễn Công Hoàn, khi ấy đã ba mươi tuổi, mới sinh ông là con đầu lòng. Nguyễn Công Hoàn tên hiệu là Mai Hiên, tên chữ là Hạo Nhiên, là một người tài tử nổi tiếng thời bấy giờ. Ông là người văn tài xuất chúng, trong kinh ngoài trấn ải ai cũng kính phục. Người ta gọi ông là một trong “Tràng An tứ hổ” (Bốn con hổ đất Thăng Long). “Tứ hổ” đó là: Nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn. Nguyễn Công Hoàn, tài ba xuất chúng nhưng về con đường khoa cử thì lận đận. Ông thường đi dạy học ở khắp nơi. Tới khi Nguyễn Bá Lân 15 tuổi (1714) thì ông mới trở về nhà chuyên tâm dạy con học hành hàng ngày.


Năm 18 tuổi, Nguyễn Bá Lân dự kỳ thi Hương và đỗ đầu kỳ đó, gọi là đỗ Giải nguyên. Hai năm sau, ông lại đỗ kỳ thi Hội và đến khoa thi Đình năm Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) Nguyễn Bá Lân đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Nguyễn Bá Lân đã từng làm Thượng thư ở 6 bộ của triều Lê, được phong tước Lễ Trạch hầu, hàm Thiếu bảo, bậc Ngũ hầu Lão Chúa.


Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã hết lời ca ngợi phẩm cách trong sạch, cốt cách thanh cao và liêm khiết của ông trong cuộc đời làm quan từ khi ông 32 tuổi đến lúc mất (86 tuổi).


Ngày 18 tháng 02 năm 2004, mộ và đền thờ Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô đã được ngành chức năng xếp hạng là di tích cấp quốc gia, theo quyết định số 04/2004.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đình làng Cổ Đô

Đình làng không chỉ là công trình kiến trúc biểu tượng của cả làng, mà còn ẩn chứa trong đó những câu chuyện lịch sử, thể hiện những ước vọng của người dân gửi gắm qua từng đường nét kiến trúc, nét chạm khắc ở đình làng.


Theo các tài liệu khảo cứu và căn cứ vào hệ thống di vật hiện còn lưu giữ, đình làng Cổ Đô có niên đại khởi dựng từ khoảng giữa thế kỷ thứ 17 với kiến trúc quy mô bề thế. Tuy nhiên trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, ngôi đình đã bị giặc Pháp đốt cháy hoàn toàn nên người dân quê hay gọi với cái tên Đình Cháy.


Sau khi hòa bình lập lại nhân dân xã Cổ Đô đã phục dựng một ngôi đình với kiến trúc giản đơn làm nơi thờ Thành hoàng làng. Đình làng Cổ Đô được đặt ở ví trí trung tâm của làng, với khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng. Tòa đại đình có diện tích rất rộng, lợp ngói mũi, kiểu bốn mái xòe rộng ra ôm lấy đất. Tuy nhiên, mái đình không nặng nề nhờ bốn đầu mái đao được tạo hình cong vút lên như nâng cho mái đình bay bổng. Kiểu mái này cũng chính là đặc điểm nổi bật của kiến trúc đình làng Việt Nam. Bên cạnh kiến trúc tổng thể không gian đình làng, thì những bức tượng thờ, hoành phi câu đối,... những vật trang trí trong ngôi đình như kể lại câu chuyện của làng, nó đều mang những ý nghĩa riêng.


Nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn thu hút khách du lịch khi đến với Cổ Đô.

Đình làng Cổ Đô
Đình làng Cổ Đô

Nhà thờ Lưỡng Quốc Thượng Thư Nguyễn Sư Mạnh

Cổ Đô là đất lành, người xưa nói “đất lành chim đậu”. Xưa có một gia đình vốn quê ở Cẩm Thủy, trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) vì nghèo mà phiêu dạt tới đất này. Người chồng làm nghề chăn vịt, người vợ làm nghề nông tang. Họ đã sinh ra một ông Tiến sĩ. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Sư Mạnh. Vì nhà nghèo, cha mất sớm, nên 27 tuổi Nguyễn Sư Mạnh mới lều chõng đi thi. Ông đã đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484). Sau Nguyễn Sư Mạnh vì có công lao mà được ban quốc tính (họ Lê) làm quan tới Thượng thư bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu. Gia phả họ Nguyễn còn ghi rõ, khi ông đang làm Thượng thư bộ Lễ, ông được cử đi sứ nhà Minh. Lúc vào yết kiến, vua Minh thấy sứ thần nước Nam mặc áo không cài khuy, cho là xấc xược, bèn hạch tội khi quân (khinh nhờn vua). Sư Mạnh quỳ xuống tâu rằng:


"Tâu bệ hạ, sứ thần nước Nam đi lâu ngày, sợ khú mất chữ Thánh hiền, cho nên phải cởi áo ra hong, xin được đại xá!. Vua thấy ông đối đáp mau lẹ, muốn hại người tài nước ta, bèn dựa vào câu trả lời đó mà xuống chiếu rằng: “Nay Thiên triều đã lạc mất thiên Vi Chính trong sách Luận Ngữ, nhờ người thuộc thiên kinh vạn quyển chép lại giúp”.


Vua Minh hẹn ba tháng phải hoàn tất. Hai tháng đầu, Sư Mạnh chỉ du ngoạn đó đây, dạo xem phong cảnh Yên Kinh. Đến gần hết hạn, ông mới ngồi vào án, chép liền mấy đêm, xong thiên Vi Chính, dâng lên. Vua Minh liền lấy sách trong thư viện ra so thì chỉ có thừa một dấu chấm ở chữ “cộng”. Nhưng đến khi tìm đến bản gốc thì thấy chữ “cộng” cũng có dấu chấm ấy. Phục tài quá, vua Minh bỏ ý hại mà phong cho chức Thượng thư lại ban cho áo mũ, thẻ bài như một ông Thượng thư của Trung Quốc. Bốn chữ “Lưỡng quốc Thượng thư” (Thượng thư ở cả hai nước) ánh vàng chói lọi từ nơi từ đường họ Nguyễn ở Cổ Đô là nhắc đến chuyến đi sứ vẻ vang ấy.


Từ đó, Nguyễn Sư Mạnh được nhà Lê tin dùng và được ban quốc tính (họ của vua), được gả công chúa và phong chức Vinh Lộc Đại Phu, trông coi Viện Hàn lâm, kiêm Đông các Đại học sĩ. Tuy vậy, ông vẫn sống giản dị, cửa nhà đơn sơ, tài sản không có gì đáng giá. Ông thọ 82 tuổi. Với đánh giá như vậy, nhà thờ Nguyễn Sư Mạnh ở Cổ Đô đã được Bộ văn hóa thông tin công nhận Di tích quốc gia dạng lưu niệm danh nhân tại quyết định số 52/2001/ QĐ- BVHTT ngày 28/12/2001.


Nhà thờ Lưỡng Quốc Thượng Thư Nguyễn Sư Mạnh
Nhà thờ Lưỡng Quốc Thượng Thư Nguyễn Sư Mạnh

Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô

Làng Cổ Đô được mệnh danh là ngôi làng họa sĩ độc nhất vô nhị với hơn 30 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 2 bảo tàng hội họa.


Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức hoạt động chuyên nghiệp từ đầu năm 2016 là nơi trưng bày các tác phẩm của những người dân Cổ Đô yêu nghệ thuật hội họa. Đây cũng là nơi các thành viên câu lạc bộ mở lớp dạy mỹ thuật miễn phí cho trẻ em trong khu vực.


Ông Đỗ Văn Sự, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô chia sẻ, các họa sĩ Cổ Đô chủ yếu sáng tác về chủ đề quê hương theo trường phái hiện thực bằng những chất liệu sơn dầu, sơn mài, màu nước với những bức họa về cánh đồng, con trâu, cây rơm, góc vườn…nơi họ sinh ra và lớn lên.


Làng họa sĩ Cổ Đô hội tụ đủ yếu tố để trở thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô, không kém làng cổ Đường Lâm, nếu được đầu tư xứng tầm. Khách quốc tế chắc chắn sẽ rất thích điểm đến chứa đựng rất nhiều tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc nơi đây. Đặc biệt là Bảo tàng mỹ thuật Cổ Đô.

Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô
Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?