Ông bà ta có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Bởi thế dù cuộc sống có hiện đại và nhiều phong tục tập quán bị mai một theo thời gian thì việc giữ cho những ngày Tết được vui vẻ, thuận hòa, một năm mới nhiều may mắn và tài lộc, những tục kiêng kỵ kể trên vẫn là điều chúng ta nên giữ. Trong những ngày đầu năm mới, người dân Việt Nam thường hướng về vấn đề tâm linh, họ có những sự tin tưởng vào một điều gì đó. Nhất là đối với những việc được coi là kiêng kỵ mà được lưu truyền từ xa xưa. Hãy cùng Toplist tìm hiểu một số điều cần kiêng kỵ nhất trong dịp Tết nguyên đán này nhé.
Không tranh cãi, bất hòa
Năm mới ai cũng cầu mong bình an, gia đình yên ấm, vì vậy, ngày Tết người ta kiêng kỵ sự tranh cãi. Việc tranh cãi sẽ làm mối quan hệ bị rạn nứt, nếu tranh cãi vào đầu năm thì theo quan niệm sẽ chỉ toàn là cãi vã đem lại nỗi buồn cho người khác, nhất là những người thân trong gia đình. Nếu xảy ra việc xô xát, cãi vã sẽ làm cả năm xui xẻo.
Hơn nữa nếu trong gia đình mà có sự cãi vã trong những ngày đầu năm thì sẽ làm rạn nứt các mối quan hệ, nó hệ lụy đến cả việc làm ăn không thuận lợi khi không được sự đồng tình của cả gia đình.
Đóng cửa sẽ đói nghèo tù túng
Trong dịp Tết người xưa luôn quan niệm rằng không nên đóng cửa, nếu đóng cửa im ỉm có nghĩa là đuổi khách, đuổi tài lộc đầu năm vào nhà. Ngày Tết là ngày mọi người đi thăm hỏi họ hàng anh em, hàng xóm chúc Tết với hi vọng chúc cho gia chủ một năm mới an lành, bình an.
Hơn nữa tín ngưỡng dân gian cũng cho rằng từ sớm mồng một đến trước ngày rằm tháng giêng, Ngọc Hoàng sẽ cùng các vị thần tiên sẽ giáng phàm ghé thăm từng nhà, nếu gia đình bạn đóng kín cổng thì sẽ bị coi như sự bất kính mà giận dỗi bỏ đi, và như vậy cả năm gia đình sẽ không được hưởng phúc, sẽ bị đói nghèo, tù túng. Cho nên, ngày Tết đến nên mở cửa, nếu gia đình phải đi chúc Tết thì nên có một người ở nhà trông nhà.
Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen
Theo quan niệm xưa màu trắng - đen là màu của sự cô đơn, lạnh lẽo, sự đau thương, còn mùa xuân là mùa của sự sinh sôi, của sự hưng thịnh, phát lộc phát tài. Vì vậy, việc mặc đồ trắng - đen trong những ngày đầu năm là không phù hợp, họ thường hạn chế mặc những đồ như vậy. Thay vào đó là những bộ quần áo màu sắc tươi tắn thể hiện sức sống, sự tươi trẻ, sự hứng khởi cho một năm mới ngập tràn niềm vui và may mắn. Nếu có người mặc trang phục đen - trắng đến chúc Tết thì người ta cho rằng gia đình bạn sẽ gặp xúi quẩy cả năm, họ sẽ mang sự xui xẻo đến cho chúng ta.
Không làm đổ vỡ đồ dùng
Từ xưa người ta quan niệm rằng đổ vỡ, bể đồ vật (cốc, chén,...) là những dấu hiệu của sự chia cắt, chia lìa không chỉ các đồ vật mà còn chỉ những mối quan hệ. Vì thế, từ xưa đến nay người ta luôn khuyên bảo với bậc dưới của mình phải luôn cẩn thận trong từng việc làm để tránh gây đổ vỡ mọi thứ. Đối với những người có tính nóng vội, hay làm vỡ đồ dùng thì nên hạn chế sử dụng những đồ đạc dễ vỡ, cẩn trọng trong mọi việc.
Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa
Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Cửa chính là nơi có luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.
Kiêng treo tranh xui
Tết đến xuân về người ta thường mua một bức tranh mới về treo để chơi Tết, thường là tranh mang ý nghĩa tốt đẹp, may mắn như: Tranh đàn lợn, đàn gà, tranh cậu bé… tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Người ta kiêng không treo những tranh “xui” như tranh đánh ghen hay đi kiện.
Kiêng mua đồ xui
Mua đồ gì đầu năm cũng là một việc rất quan trọng. Món đồ đó được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Đầu năm người ta kiêng mua dao, thớt, chày, cối…“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Mua muối đầu năm với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị. Mua vôi cuối năm rải bốn góc tường nhà để xua đuổi tà ma. Dao kéo là những vật mang sát khí, do đó nên hạn chế động vào chúng trong ngày đầu năm, nhất là mùng 1 Tết. Để khắc phục điều này, các gia đình nên cất bớt dao kéo, chỉ nên để lại những cái cần dùng.
Kiêng làm mất chổi
Tục lệ này phổ biến hơn ở Nam bộ theo đó sau khi đã quét dọn xong lần cuối của năm cũ, người ta cất hết chổi đi vì nếu để mất chổi trong những ngày đầu năm mới thì năm đó dễ bị trộm vét sạch tài sản.
Kiêng động kim chỉ trong ngày mồng 1 Tết
Kiêng động kim chỉ trong ngày mồng 1 Tết bởi người ta quan niệm rằng, nếu động kim chỉ trong ngày mồng 1 Tết, thì nếu sinh con mắt sẽ nhỏ dẹt như cây kim vậy. Người xưa quan niệm rằng, việc may vá trong năm mới sẽ khiến gia chủ vất vả, khổ sở, chịu cảnh thiếu trước hụt sau trong năm đó. Nhiều người còn quan niệm rằng, phụ nữ có thai đụng tới kim chỉ trong ngày mồng 1 Tết sẽ gặp xui cho con.
Không quét nhà vào ngày mùng 1
Người Việt Nam thường kiêng kỵ việc quét nhà vào 3 ngày Tết - nhất là ngày mùng một. Họ cho rằng năm mới đến mang theo bao tài lộc vào nhà, những điều đen đủi đã bị xua đi, nếu như trong 3 ngày đầu năm chúng ta mà quét nhà thì sẽ quét đi hết những may mắn, sự no đủ. Và việc quét nhà đầu năm sẽ làm cho năm đó của họ trở nên nghèo túng, thần tài bị quét đi mất và mang lại điều xấu cho gia đình.
Vì tục không quét nhà vào ngày Tết nên người Việt chúng ta thường dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ hôm 30. Hơn nữa, người miền Nam trong ngày Tết còn đem cất hết chổi đi vì sợ mất chổi có nghĩa là việc làm ăn không thuận, sẽ bị vào nhà vơ vét hết của cải.
Kiêng đổ rác ngày mùng Một Tết
Việc kiêng kỵ đổ rác ngày mùng Một Tết bắt nguồn từ một câu chuyện kể rằng: Ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy ông ta trở lại nghèo khó.
Kiêng kỵ người không hợp tuổi Xông đất đầu năm
Xông đất là phong tục có từ xa xưa của người Việt với mong muốn có được sự may mắn và bình an trong năm mới phong tục xông đất thường được thực hiện vào sau giờ khắc giao thừa cho đến buổi sáng ngày mồng 1, người bước vào nhà đầu tiên sau thời khắc giao thừa sẽ được coi là người xông đất đầu năm cho gia đình đó. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn quan niệm về niềm vui, hạnh phúc, tiền tài, sức khỏe chịu ảnh hưởng của người xông đất. Vì vậy, cho đến ngày nay người ta thường nhờ người xông đất dựa vào hợp tuổi với gia đình mình.
Hơn nữa, trong phong tục xông đất đầu năm người ta cũng có những kiêng kỵ về người xông đất nhà mình như: Những người nặng vía, không hợp tuổi với gia chủ, người có tang thì không nên xông đất cho người khác. Vì người xưa quan niệm rằng họ sẽ mang đến những điều xui xẻo cả năm cho gia đình.
Kiêng cho mượn kim chỉ ngày tết
Kiêng cho mượn kim chỉ vì người xưa quan niệm kim chỉ tượng trưng cho sự êm ấm và vượng khí trong gia đình. Nếu cho mượn kim chỉ thì chẳng khác gì đem vượng khí của nhà mình đi cho người khác, gia đình sẽ lục đục và không may mắn về tiền bạc. Người Việt xưa khi bị mượn kim chỉ vào năm mới được “giải đen” bằng cách đốt vía theo chân người mượn bằng 7 hoặc 9 que đóm tùy theo giới tính của người đó, kèm theo câu “đốt vía đốt van, vía lành thì ở, vía dữ thì đi”, rồi vứt tàn đóm ra ngõ.
Kiêng đến nhà chúc tết mà chải tóc
Theo quan niệm cho rằng đến nhà người khác trong ba ngày tết mà mượn lược để chải tóc là một điều cấm kỵ tuyệt đối. Vì như vậy sẽ đem những thứ rắc rối, phiền phức, điềm gỡ xui xẻo đến cho gia chủ cả năm. Đây là vấn đề đại kỵ nhất không được làm trong ngày Tết. Khi đi chúc Tết thì mọi người nên cẩn trọng chú ý để mất lòng nhau.
Kiêng để cối xay gạo trống
Ở một số vùng quê Nam bộ có tục kiêng để cối xay gạo trống vì điều này tượng trưng cho việc thất bát, mất mùa cho vụ mùa năm tới. Hoặc với những gia đình không trồng trọt cũng tránh để thùng gạo trống, bởi cho rằng năm tới sẽ đói kém, công việc không thuận lợi. Chính vì vậy họ thường bỏ vào cối xay một ít lúa, cầu mong cho vụ mùa năm tới được tràn đầy. Hay sẽ đổ đầy chum gạo, cầu mong một năm không thất thu, đói kém.
Không cho lửa - nước đầu năm
Mùng 1 Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa, xin nước nhà mình, người xưa cho rằng lửa có màu đỏ thể hiện sự may mắn đầu năm mới, còn nước giống như nguồn tài lộc của gia đình trong năm mới vậy. Ngày Tết việc cho lửa cũng giống như là cho đi cái vận đỏ, cái may mắn trong năm mới điều đó sẽ khiến gia đình gặp vận xui, không giữ được tiền bạc. Còn cho đi nước thì giống như tự tay tiễn tài lộc, phú quý ra khỏi nhà vậy, chính vì thế, trước ngày Tết họ thường chứa đầy nước giống như việc tích góp của cải đầy nhà, đồng thời cũng không đổ đi nước thải mà chứa vào nơi nào đó đợi qua Tết mới được đổ đi.
Như vậy, ngày mùng một họ sẽ kiêng kỵ việc xin lửa và thay vào đó là tích trữ thật nhiều nước để có cả may mắn và tài lộc vào nhà cả năm.
Kiêng ăn món xui
Trong những ngày Tết chúng ta được thỏa sức ăn uống, chính vì vậy việc tăng cân là rất dễ dàng. Tuy nhiên, trong những ngày này, có một số món người dân Việt Nam ta vẫn kiêng kỵ để tránh điều xui xẻo như: Ăn cháo, ăn vịt, ăn trứng vịt lộn, cá mè, tôm. Người ta cho rằng: Ăn cháo vào ngày Tết sẽ khiến ma quỷ tưởng bạn ăn giành của họ mà sẽ đeo bám làm cho chúng ta xui xẻo, ăn vịt vào đầu tháng sẽ khiến những phần không may mắn bám riết lấy bạn, ăn trứng vịt lộn sẽ làm đảo lộn vận mệnh của bạn (bước sang năm mới bạn đang an lành, may mắn, người xưa cho rằng nếu ăn vào thời điểm này sẽ làm cho bạn hóa cát thành xung), còn món tôm cũng cần phải kiêng kỵ trong những ngày này vì tôm thường hay đi giật lùi sẽ làm công việc làm ăn, sức khỏe giảm sút (hơn nữa, tôm chứa phân của mình trên đầu khiến người ta cho rằng nếu ăn tôm sẽ làm giảm đi phần thông minh).
Kiêng để tang vào ngày mồng Một
Những ngày đầu năm mọi người đều mong mỏi sự may mắn, những điều tốt lành đến với gia đình mình. Vì vậy, từ xưa người ta thường kiêng để tang ngày đầu năm để tránh những điều lạnh lẽo ám ảnh, mọi sự không may mắn. Nếu nhà có tang người ta cho phép để qua mùng một Tết mới để tang để tránh khỏi vận xui, để cho người thân và những người xung quanh có được một cái Tết trọn vẹn qua ngày mùng một.
Nếu gia đình có tang vào ngày 30 thì họ thường tổ chức tang lễ ngay tránh để sang năm mới, và người ta cũng kiêng kỵ việc gia đình có tang đi chúc Tết người khác. Người xưa có câu "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" vì thế mọi người gặp trường hợp này cần chú ý để tránh gặp những điều không may cho bản thân và những người xung quanh.
Không xuất hành ngày mồng Năm
Theo những người am hiểu về tục kiêng kỵ, thì quan niệm “Mùng năm, mười bốn, hai ba, đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn" đã có từ rất lâu.
Thực tế cho thấy từ xưa đến nay, nhiều người thường chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức ăn hỏi, cưới xin, xuất hành, động thổ...Trước là trọn vẹn niềm tin về tâm linh, sau là yên tâm tư tưởng để tiến hành công việc. Vì thế, ít khi người ta chọn các ngày mùng 5, 14, 23 (âm lịch) này để ra đường, đi mua sắm hay khởi hành công việc,…
Ông cha ta rất chú trọng và quan niệm rằng ngày mùng 5, 14, 23 là ngày nửa đời, nửa đoạn chính vì thế làm gì cũng chỉ giữa chừng, không thuận lợi, vất vả, khó đạt được thành công. Theo sách lịch cổ của Trung Hoa thì ba ngày mùng 5,14, 23 là ba ngày đại kỵ trong mỗi tháng nên được gọi là "Ngày nguyệt kỵ".
Kiêng vay mượn đầu năm
Ngày đầu năm người Việt rất kiêng kỵ việc vay mượn, đòi nợ và trả nợ. Vì đi vay đầu năm là điềm báo sẽ túng thiếu cả năm; cho vay đầu năm sẽ khiến tiền bạc phân tán; đòi nợ đầu năm dễ gây mất hòa khí và khiến người đi đòi cả năm sẽ mệt mỏi chạy theo con nợ; trả nợ đầu năm chẳng khác gì đem lộc nhà ra khỏi nhà.
Xưa kia, ông cha có lệ, từ ngày 23 tháng Chạp dựng cây nêu đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng hạ cây nêu, những món nợ nần không được phép hỏi đến để trong ngày Tết, ai ai cũng được yên vui hưởng Tết, làng xóm không có chuyện to tiếng, cãi vã lúc năm hết Tết đến.
Giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2
Theo quan niệm dân gian hai ngày đầu năm là ngày sinh thủy thần, do đó kiêng giặt quần áo sẽ giúp tránh mạo phạm thần thánh, dẫn đến xui xẻo. Ngoài ra nên tránh mặc quần áo màu đen - trắng, nên mặc quần áo với nhiều màu sắc sặc sỡ trong ngày Tết. Màu đen và trắng tượng trưng cho sự tang tóc, điều xui xẻo. Do đó, vào ngày Tết mọi người thường tránh mặc quần áo màu đen hoặc trắng.
Thay vào đó, họ thường mặc những bộ quần áo mới với nhiều màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng, mong muốn một năm mới gặp nhiều may mắn, vui vẻ.
Không đi chúc Tết sáng mùng 1
Người Việt Nam thường tránh đi chúc Tết sáng đầu năm vì không muốn xông đất nhà người khác. Với người Việt Nam người xông đất rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả gia đình trong một năm. Ngày mồng một Tết người Việt Nam thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân.
Ăn dở, bỏ thừa cả năm mất mùa, đói khát
Ngày Tết là ngày cả gia đình được sum vầy, là ngày được tổ chức nấu ăn rất nhiều món ăn để thờ cúng tổ tiên, vì vậy việc không ăn hết đồ ăn là không tránh khỏi. Tuy nhiên, người ta quan niệm ngày Tết không nên ăn thừa, ăn nhè, nhả bã....
Những đồ ăn ngày Tết thì rất nhiều không thể ăn hết được nên bạn cũng có thể để gọn lại chứ không được nhè hay đổ bỏ, vì người ta cho rằng những việc làm đó là lãng phí sẽ cho bạn một năm mất mùa , đói khát, nhất là bỏ thừa cơm sẽ làm việc buôn bán không được tốt.
Chính vì thế, người Việt ta rất kiêng kỵ trong những ngày này để có một năm mới được sung túc, no đủ. Hơn nữa, trong bữa ăn cũng cần chú ý tránh việc chống đũa vào bát, vì làm vậy sẽ gây sự chậm trễ trong công việc. Ngày Tết cũng nên ăn những hoa quả như dưa, xoài, cam ... để chữa lại việc bỏ dở đồ ăn.
Kiêng cắt tóc, móng tay, móng chân
Các cụ ta đã dạy: “Cái răng, cái tóc là góc con người” .Vì thế việc cắt tóc ngay ngày đầu năm mới bị coi là làm mất đi những giá trị nền móng tốt đẹp mà bản thân đã gây dựng được ở năm cũ. Nếu có nhu cầu muốn cắt tóc, bạn nên lựa chọn những ngày cuối năm, trước Tết để cắt.
Còn móng tay, móng chân cũng vậy, chúng là bộ phận của con người, trong những ngày đầu năm mới không nên cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể. Theo quan điểm tâm linh của người Việt, cắt móng tay, móng chân vào ngày mùng 1 đầu năm sẽ đem tới sự xui xẻo, bệnh tật.