Thay đổi thời tiết, dị ứng với không khí hoặc sức đề kháng yếu là những nguyên nhân khiến chúng ta bị cảm cúm và bị các cơn ho không ngớt hành hạ. Tuy nhiên những vấn đề sẽ sớm được khắc phục nếu bạn biết chăm sóc đúng cách. Nếu triệu chứng cảm cúm, ho cứ kéo dài mãi không ngừng bạn hãy thử xem liệu mình có gặp phải các vấn đề dưới đây không nhé.
Không uống đủ nước
Một trong những lý do khiến bệnh cảm cúm kéo dài lâu hơn là do bạn không bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể khiến các dịch đờm tích tụ. Hơn nữ thói quen uống rượu bia, chất kích thích, caffeine lại làm cho cơ thể bị mất nước, cảm cúm càng được đà thêm phần nghiêm trọng. Bổ sung 2 – 3 lít nước mỗi ngày, kết hợp các loại nước trái cây, trà thảo mộc thiên nhiên để hòa tan các dịch nhầy có trong cổ họng để khác đẩy ra dễ hơn, mũi họng được thông thoáng thì bệnh cảm cúm cũng sớm được đẩy lùi.
Mặc dù không được tự ý truyền nước vào cơ thể, nhưng bạn có thể bổ sung nguồn nước này bằng cách uống chúng. Uống nước thường xuyên và đủ 2 lít/ ngày không chỉ giúp làn da hồng hào mà còn đẩy nhanh quá trình trao đổi, đào thải chất ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, bạn nên uống nhiều nước lọc thay vì sử dụng những loại nước có ga hay nước ngọt có quá nhiều đường nhé!
Điều trị sai bệnh
Nhiều người rất dễ nhận nhầm bệnh cảm cúm với một số loại bệnh khác. Bạn có thể phải uống thuốc để chữa bệnh cảm cúm trong một vài tuần nhưng cuối cùng bạn nhận ra rằng, bạn không hề bị cảm cúm mà thực sự mắc những bệnh khác, chẳng hạn nhu dị ứng! Các biểu hiện của cảm cúm thường mất vài ngày mới có thể biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài. Tuy nhiên, dị ứng lại xuất hiện những triệu chứng nhanh hơn bạn nghĩ nếu bạn đã từng tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Cả dị ứng và cảm cúm đều có khả năng gây ho, sổ mũi, hắt hơi nhưng chỉ cảm cúm mới có khả năng khiến bạn đau đầu hoặc sốt. Bởi vậy, nếu bạn đã cố gắng uống thuốc và chữa trị bệnh cảm cúm trong một thời gian nhất định mà vẫn không có dấu hiệu khỏi thì có thể bạn đang điều trị sai bệnh rồi đó. Bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay để tìm hiểu nguyên nhân, đừng tự mua thuốc uống nhé!
Hút thuốc lá
Nhiều người nghĩ rằng hút thuốc lá khi cảm cúm sẽ góp phần thông mũi, xua tan cái lạnh đang ngự trị trong người nhưng đây là suy luận vô cùng sai lầm. Khói thuốc lá chính là tác nhân khiến bệnh cảm cúm thêm nặng hơn đó là chưa kể tới trường hợp bệnh lý nguy hiểm về đường hô hấp như ung thư vòm họng, ung thư phổi.
Khói thuốc lá làm cho cơ chế đẩy chất nhầy của các sợ lông tơ trong phổi bị gián đoạn, tê liệt lâu dần dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng hoặc một số triệu chứng cảm lạnh kéo dài liên miên. Bởi vậy, việc bạn cần làm ngay lập tức khi có dấu hiệu của bệnh cảm cúm là ngừng sử dụng thuốc lá. Đây không chỉ là cách giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mà còn ngăn ngừa bệnh ung thư.
Xông mũi
Việc xông mũi bằng nước nóng hay các loại nước lá thảo dược cũng được mọi người áp dụng thường xuyên với mục đích để thông mũi và dễ thở khi bị cảm cúm. Mặc dù hiệu quả thông mũi tức thời đã được ghi nhận và kiểm chứng thực tế nhưng chính sức nóng của quá trình xông mũi đã làm tổn thương vùng da mỏng manh trong mũi khiến chúng nhạy cảm hơn và bệnh cảm cũng vì thế mà nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn.
Khi bị cảm cúm, bạn tốt nhất không nên xông mũi mà thay vào đó nên đến gặp bác sỹ. Bạn không nên sử dụng các biện pháp chữa bệnh tại gia mà không sử dụng thuốc. Những biện pháp này đôi khi sẽ là nguyên nhân khiến căn bệnh cảm cúm của bạn nặng hơn, thậm chí xuất hiện thêm một căn bệnh mới!
Cho rằng bệnh tự khỏi
Cảm cúm là một bệnh lý thông thường, trung bình một năm người trưởng thành có thể bị cảm cúm từ 1 – 2 lần. với các dấu hiệu như ngạt mũi, đau họng, khó thở, chảy nước mũi. Nhiều người cho rằng đây là bệnh đơn giản hay chỉ là dấu hiệu của sự thay đổi thời tiết mà ung dung để bệnh khỏi tự nhiên, không dùng thuốc hay bất kì phương pháp điều trị nào. Nếu để bệnh cảm cúm tự khỏi hay không dùng thuốc điều trị có thể gây ra các bất thường về tim mạch, viêm phế quản, viêm đường hô hấp rất nguy hiểm.
Một số bệnh có thể tự khỏi, bởi chúng chỉ đến khi thời tiết thay đổi thất thường, khi cơ thể của bạn làm quen với môi trường thời tiết mới rồi, các căn bệnh theo mùa như vậy có khả năng sẽ tự động khỏi. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá chủ quan, bởi đây có thể là tác nhân gây biến chứng bệnh nặng hơn. Tâm lý để bệnh tự khỏi là điều không được khuyến khích. Hãy uống thuốc, uống nước, nghỉ ngơi và tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
Độ ẩm trong nhà quá khô hoặc quá ẩm ướt
Tất cả mọi thứ ở mức thái quá đều không tốt, do vậy độ ẩm không khí trong không gian sống quá khô hoặc quá ẩm ướt chính là điều kiện lý tưởng cho bệnh cảm cúm hoành hành lâu hơn. Khi không khí ẩm ướt các loại nấm, vi khuẩn có điều kiện sản sinh nhiều hơn khiến mũi bị dị ứng, cơ thể bị kích thích gây cảm, cúm, ho. Nếu không khí quá khô việc hít thở khó hơn, chúng ta sẽ phải dùng lực mạnh hơn mỗi khi hít vào thở ra làm lớp niêm mạc hệ hô hấp bị tổn thương dẫn đến cúm hoặc ho khan. Nên duy trì mức độ ẩm trong nhà từ 60 – 70% là lý tưởng để sức khỏe được đảm bảo.
Hiện nay, có rất nhiều biện pháp để giữ độ ẩm trong không khí, nhất là trong mùa đông khắc nghiệt. Bạn có thể mua một chiếc máy phun hơi nước trong nhà hoặc một chiếc máy giữ độ ẩm không khí có công suất lớn hơn để đảm bảo không gian trong nhà bạn luôn duy trì ở độ ẩm vừa phải.
Lạm dụng kháng sinh
Có khá nhiều người khi bị cảm cúm thì họ sẽ tìm đến kháng sinh và mặc định đây chính là loại thuốc hiệu quả nhất để chữa bệnh mà không cần hỏi ý kiến bác sĩ hay bất kì ai. Điều này là hoàn toàn sai lầm và khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Thuốc kháng sinh chỉ diệt được các vi khuẩn trong khi đó thủ phạm gây cảm cúm lại do nhiều chủng virus khác nhau gây ra. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh làm cơ thể yếu hơn, virus dễ xâm nhập hơn từ đó cảm cúm cứ nối tiếp cảm cúm và mãi không có dấu hiệu ngừng lại.
Hiện nay đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, nên việc lạm dụng thuốc kháng sinh gây ra tình trạng kháng kháng sinh, từ đó gây ra những căn bệnh khó chữa, nguy hiểm khác là điều không nên. Bạn nên quan tâm đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh bằng các biện pháp phù hợp thay vì chỉ mong chờ vào công dụng của thuốc kháng sinh.
Không nghỉ ngơi đầy đủ
Giấc ngủ rất quan trọng đối với cơ thể, nhất là với cơ thể đang mang một số mầm bệnh như khi bị cảm cúm. Giấc ngủ giúp cho cơ thể đảm bảo giữ cho hệ thống miến dịch của bạn hoạt động như bình thường, các hoạt động trao đổi chất cũng diễn ra tốt nhất. Một khi bạn mắc phải bệnh cảm cúm, bên cạnh việc ăn uống đầy đủ và uống đúng thuốc, bạn cần phải có giấc ngủ đầy đủ để giúp cơ thể bạn có sức đề kháng chống lại các tác nhân gây ra bệnh cảm cúm.
Bạn nên ngủ đầy đủ trong ít nhất 3 ngày đầu tiên khi bị cảm cúm. Nhắm mắt quá ít cũng có thể khiến bạn bị cảm lạnh, đặc biệt trong mùa đông lạnh giá. Một nghiên cứu cho thấy, những người ngủ ít hơn 7 giờ đồng hồ mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh cảm cúm cao hơn gấp 3 lần so với những người ngủ đủ giấc từ 8 giờ đồng hồ trở nên. Giấc ngủ rất quan trọng, nhất là khi bị cảm cúm nên bạn hãy cố gắng ngủ đủ giấc nhé!
Lười tập thể dục
Việc luyện tập mỗi ngày sẽ giúp chúng ta củng cố hệ miễn dịch, cơ thể khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên khi đã bị cảm cúm thì cơ thể trì trệ do trạng thái mệt mỏi, chán chường xâm chiếm vì thế mà chúng ta lười luyện tập hơn thậm chí là không muốn vận động mà chỉ muốn nằm mãi một chỗ. Chính điều này chỉ làm bệnh cảm cúm lâu biến mất hơn vì trạng thái mệt mỏi, uể oải của cơ thể là điều kiện lý tưởng để bệnh ở lại lâu hơn.
Việc tập thể dục mỗi buổi sáng hay mỗi buổi chiều sẽ đem lại sự khác biệt to lớn đối với cơ thể của bạn. Không chỉ đem lại cảm giác khỏe mạnh hơn, tràn trề năng lượng hơn mà còn tăng sức đề kháng với những căn bệnh như cảm cúm,...Bởi vậy, bạn và người thân trong gia đình hãy chăm chỉ tập thể dục thường xuyên nhé!
Uống nhầm thuốc
Trong dân gian thường có những cách chữa bệnh mà ông bà, anh chị ta hay truyền tai nhau rằng đó chính là "mẹo". Những phương pháp đó chủ yếu là bằng những loại thảo dược phổ biến và kèm theo câu nói: "Uống thứ này bạn sẽ không bị ốm nữa!" Nhiều người nghĩ khi bị cảm lạnh là do cơ thể bạn không có đủ sức đề kháng, thiếu các chất như vitamin C và ngay lập tức bạn sẽ nhận được lời khuyên rằng hãy sử dụng các sản phẩm chứa vitamin C đi.
Nhiều người nghĩ như vậy, họ coi vitamin C như kẹo và cho rằng chúng sẽ giảm bớt các triệu chứng và tăng đề kháng cho cơ thể. Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy uống vitamin c khi bị cảm lạnh sẽ giúp bạn khỏi hoàn toàn. Ngoài ra, kẽm cũng là chất được đề nghị sử dụng nhiều khi bị cảm lạnh, tuy nhiên chúng không hề có hiệu quả. Nhiều người sử dụng sản phẩm thuốc xịt mũi có chứa kẽm và bị mất khứu giác, nên điều bạn cần làm là hãy cẩn thận khi sử dụng chúng nhé!
Stress
Nếu bạn thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, áp lực công việc dồn nén khiến bệnh cảm kéo dài lâu hơn cũng vì thế mà các triệu chứng ho sẽ kéo dài liên tục, lâu khỏi. Cứ stress – cảm cúm – stress, một vòng luẩn quẩn tạo ra khiến bệnh ngày một trầm trọng hơn. Để sớm đẩy lùi các triệu chứng bệnh bạn nên giữ tinh thần thoải mái, thư thái, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày giúp giải quyết công việc hiệu quả hơn và tránh xa các căng thẳng, mệt mỏi.
Áp lực công việc, hộc tập quá căng thẳng không chỉ gây ra sự suy nhược cơ thể mà nó còn giảm sức đề kháng của cơ thể nếu bạn không may bị cảm cúm. Bệnh cảm cúm của bạn có khả năng sẽ lâu khỏi hơn người bình thường bởi những áp lực mà bạn phải chịu mỗi ngày. Việc cần làm lúc này đây chỉ là dành cho bản thân một khoảng thời gian triệt để nghỉ ngơi và thư giãn. Đặc biệt, bạn nên uống thuốc và tập thể dục thường xuyên nữa!
Tự ý truyền nước
Thông thường việc truyền nước chỉ áp dụng với các trường hợp bị cảm cúm kèm theo sốt cao, cơ thể mất nước trầm trọng. Nhưng trên thực tế, có không ít trường hợp khi bị cảm cúm đã tự ý truyền nước mà không hỏi chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này cực kì nguy hiểm vì có thể dẫn đến sốc phản vệ, rối loạn điện giải, phù phổi, phù nề nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến mất mạng chứ không chỉ đơn thuần là làm bệnh cảm cúm kéo dài và lâu khỏi hơn.
Bệnh cảm cúm thường xuất hiện vào mùa đông, nhất là khi thay đổi thời tiết đột ngọt, cơ thể rất cần nước để có thể trao đổi chất và tránh cho cơ thể thiếu nước. Việc bổ sung nước vào cơ thể là cần thiết, tuy nhiên, bạn không được tự ý truyền nước hay bất kỳ chất lạ nào vào cơ thể nếu không có sự đồng ý của bác sỹ.
Lạm dụng các loại thuốc xịt
Thuốc xịt mũi chỉ có tác dụng làm dứt tức thời các triệu chứng khó thở, ngạt mũi mà bệnh cảm cúm gây ra chứ không thể chữa bệnh tận gốc. Nếu dùng các loại thuốc này liên tục trong nhiều ngày liền thì khi dừng thuốc các dấu hiệu cảm cúm sẽ nghiêm trọng hơn do tác dụng ngược của thuốc. Dùng thuốc xịt thường xuyên làm lớp niêm mạc ở mũi bị kích thích mạnh nhiều lần, bị sưng và rất mẫn cảm dẫn đến chảy dịch mũi liên tục, dịch thành ở sau họng cũng tiết ra gây nên các cơn ho dai dẳng.
Không chỉ lạm dụng thuốc xịt để giảm các biểu hiện gây khó chịu của bệnh cảm cúm, nhiều người còn có khả năng bị "nghiện" phương pháp này. Không chỉ gây hại cho niêm mạc mà về lâu dài, biện pháp này cũng không có tác dụng vì cơ thể bạn đã quá quên với các chất có trong các loại thuốc xịt. Bởi vậy, nếu không có sự chỉ dẫn của bác sỹ, bạn nên hạn chế sử dụng chúng nhé!